Trao đổi với Hoàng Thị Nhật Lệ và Đông La về Tuyên bố 258




  Trao đổi với 
Hoàng Thị Nhật Lệ và Đông La 
về Tuyên bố 258


 

Trịnh Hữu Long - 20/9/2013

Tôi đọc các bài viết, bài trả lời phỏng vấn của blogger Hoàng Thị Nhật Lệ và bài viết “Đoan Trang – tuổi nhỏ nhưng sai lầm không nhỏ” trên blog của tác giả Đông La với nhiều cảm xúc và suy nghĩ đan cài. Bài của Đông La sau đó được đăng trên báo Văn nghệ ngày 19-9-2013 nhưng tôi chưa được đọc bản này.

Thực tiễn sinh hoạt chính trị ở Việt Nam đang ngày càng đa sắc, và tôi chắc sẽ là sự hối tiếc lớn cho bất cứ nhà sử học nào không có ý định nghiêm túc về việc lưu giữ lại những tháng ngày sôi động này cho hậu thế.

Tôi là người không phản đối nhóm Tuyên Bố 258 hay nhóm Phản Bác Tuyên Bố 258. Họ đều đang thực hiện quyền con người và quyền công dân của mình. Ngay cả các dự luật được trình Quốc hội thông qua cũng có người bỏ phiếu thuận, người bỏ phiếu chống, thì việc một tuyên bố chính trị của nhóm 258 bị phản đối là bình thường.

Với tư cách là một người ủng hộ “Mạng lưới blogger Việt Nam” và Tuyên Bố 258, tôi muốn trao đổi lại với blogger Hoàng Thị Nhật Lệ  và tác giả Đông La về một số lập luận của họ mà tôi cho là chưa thỏa đáng, để góp thêm một ý kiến vào cuộc tranh luận sôi nổi này.

Vấn đề mạo danh, tiếm danh và đại diện

Cả Nhật Lệ và Đông La đều cho rằng, một nhóm nhỏ blogger ký vào Tuyên bố 258 đã mạo danh “mạng lưới blogger Việt Nam”, tùy tiện xem mình là đại diện của cộng đồng blogger Việt Nam (trong đó có họ) để làm những việc mà họ cho là sai trái.

a) Trước khi đi vào phân tích lập luận này, chúng ta hãy khảo sát nhanh một số hành vi tương tự với hành vi của nhóm Tuyên bố 258:

- Năm 1921, nhà cách mạng Hồ Chí Minh (có tài liệu nói rằng khi đó tên là Nguyễn Ái Quốc) cùng với một nhóm nhỏ các nhà hoạt động ở các thuộc địa của Pháp đã lập ra “Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa”, ra báo “Người cùng khổ” để đấu tranh cho quyền của các dân tộc thuộc địa. Bốn năm sau, ông cùng với, cũng một nhóm nhỏ các nhà hoạt động khác, lập ra “Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông”. Không có dữ liệu lịch sử nào cho thấy nhân dân các dân tộc thuộc địa, dân tộc bị áp bức hay những người cùng khổ phản ứng với các tên gọi này.

- Ngày 11-3-1951, Đảng lao động Việt Nam, khi đó là một nhóm không nhỏ, khoảng 760.000 đảng viên, trên dân số Việt Nam khi đó là khoảng trên 23 triệu người, lập ra một tờ báo lấy tên là “Nhân dân” và tự nhận là “tiếng nói của nhân dân Việt Nam”. Hành vi gần tương tự cũng xảy ra với báo Người Hà Nội, Người cao tuổi, Phụ nữ Việt Nam, Doanh nhân, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Đài tiếng nói Việt Nam và rất nhiều báo đài khác. Mở rộng ra nước ngoài, chúng ta có báo New Yorker (Người New York), People (Dân chúng/Nhân dân), Playboy (Dân chơi),...

- Và cuối cùng, vào trung tuần tháng 9-2013, Nhật Lệ cùng với một nhóm nhỏ các blogger Việt Nam, lập ra, hoặc tự nhận là “Cộng đồng blogger Việt Nam” để phản bác Tuyên bố 258.

Như vậy, nếu chúng ta đồng ý với lập luận của Nhật Lệ và Đông La, thì nhà cách mạng Hồ Chí Minh, Đảng lao động/Đảng cộng sản Việt Nam, Cộng đồng blogger Việt Nam và nhiều cá nhân, tổ chức khác đã thực hiện một loạt các hành vi mạo danh, tiếm danh và đại diện một cách tùy tiện, có hệ thống trong suốt gần một thế kỷ qua.

b) Trong khi đó, TẤT CẢ những người viết blog ở Việt Nam (blogger) chưa từng cùng nhau biểu quyết thành lập ra một tổ chức nào của mình, để quyết định việc sử dụng tư cách “blogger Việt Nam” ra sao. Ở Việt Nam chưa từng có một tổ chức nào đăng ký cái tên “mạng lưới blogger Việt Nam”, nhãn hiệu “mạng lưới blogger Việt Nam” cũng chưa từng có ai đăng ký bảo hộ. Vậy nếu nói rằng nhóm 258 mạo danh, tiếm danh và tùy ý đại diện cho blogger Việt Nam, thì ai là người đang nắm cái “danh” ấy?

Nếu như có một nhóm, cũng nhỏ, các blogger Việt Nam khác đứng lên tuyên bố ủng hộ “mạng lưới blogger Việt Nam” thì Nhật Lệ và Đông La sẽ phản ứng thế nào?

Bên cạnh đó, lập luận của Nhật Lệ và Đông La cũng sẽ không thỏa đáng khi đặt vào tình huống sau: Một sinh viên Việt Nam du học ở nước ngoài phát biểu trước toàn trường rằng anh ta đại diện cho sinh viên Việt Nam nói riêng và đồng bào Việt Nam nói chung gửi lời chúc mừng năm mới đến bè bạn quốc tế. Anh ta có tư cách đại diện không? Anh ta có mạo danh, tiếm danh của ai không? Nếu câu trả lời là Có, thì ai là người có tư cách thưa anh ta ra tòa?

Nhóm nhỏ cá nhân không được phép liên hệ với sứ quán?

Blogger Hoàng Thị Nhật Lệ và tác giả Đông La cho rằng, một nhóm nhỏ cá nhân không thể tùy tiện liên hệ với đại sứ quán nước ngoài, vì đó là việc “quốc gia đại sự” và phải thông qua Bộ ngoại giao mới được tiến hành.

Bất kỳ ai cũng có thể ngay lập tức nảy ra câu hỏi: Những cá nhân muốn xin visa, học bổng du học và nguồn tài trợ từ các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam có được tự ý thực hiện không? Hay cần phải thông qua Bộ ngoại giao?

Ngược dòng lịch sử, chúng ta dễ dàng tìm thấy những việc làm tương tự như việc nhóm 258 đã làm:

- Ngày 18-6-1919, Nguyễn Tất Thành cùng với một nhóm nhỏ những người Việt Nam yêu nước ở Pháp, trong đó có Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường, đã gửi đến Hội nghị hòa bình Versailles một văn bản có tên là “Yêu sách của nhân dân An Nam” (được ký tên chung là Nguyễn Ái Quốc) gồm 8 điểm, bao gồm các yêu cầu dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Nếu lập luận của Nhật Lệ và Đông La là đúng, thì việc này phải thông qua triều đình Huế và chính phủ bảo hộ ở Đông Dương.

- Trong suốt quãng thời gian từ 1920 đến 1941, Nguyễn Ái Quốc đã liên tục tự ý liên hệ với các tổ chức nước ngoài như Đảng xã hội Pháp, Đảng cộng sản Pháp, Quốc tế II, Quốc tế III; hoặc với chính phủ nước ngoài như Liên Xô, mà không thông qua triều đình Huế hay chính phủ bảo hộ Pháp ở Đông Dương. Đến đầu năm 1945, trước khi giành được chính quyền, Hồ Chí Minh đã liên hệ với chính phủ Mỹ và nước này đã cử 8 nhân viên tình báo nhảy dù xuống Việt Bắc để huấn luyện cho Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

(Xin nói rõ, tôi không đánh giá Hồ Chí Minh và những việc làm của ông cách đây cả thế kỷ là chuẩn mực hay không là chuẩn mực cho việc làm của người Việt Nam ngày nay, mà chỉ có ý liệt kê những sự việc cùng tính chất để so sánh và tranh luận)

Điều lớn nhất tôi băn khoăn là văn bản pháp luật nào quy định công dân Việt Nam muốn liên hệ với đại sứ quán nước ngoài để trao tuyên bố về việc cải cách pháp luật ở Việt Nam lại cần phải thông qua Bộ ngoại giao? Văn bản nào cấm công dân Việt Nam tự ý làm việc đó?

Trao tuyên bố 258 cho sứ quán nước ngoài là cầu viện nước ngoài?

Cả blogger Hoàng Thị Nhật Lệ và tác giả Đông La đều cho rằng, việc nhóm 258 trao Tuyên bố 258 cho các sứ quán và tổ chức nước ngoài là hành động cầu viện nước ngoài.

Riêng điều này, tôi đồng tình với Nhật Lệ và Đông La. Hành động trao Tuyên bố 258 cho các chính phủ và tổ chức nước ngoài chính là hành động kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực của Mạng lưới blogger Việt Nam, như chính trong tuyên bố này họ đã đề cập. Trong một thế giới toàn cầu hóa, việc tranh thủ sự ủng hộ quốc tế phục vụ cho mục đích của mình là hoàn toàn bình thường.

Hãy đọc thêm những tư liệu sau đây để biết rõ hơn về hoạt động “cầu viện nước ngoài” mà Việt Nam đã từng tiến hành trong lịch sử:

- “...Chúng tôi yêu cầu Hợp Chủng quốc với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định ủng hộ nền độc lập của chúng tôi” (Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman ngày 16-2-1946).

-  “Mọi thắng lợi của Đảng ta và nhân dân ta không thể tách rời sự ủng hộ nhiệt tình của Liên Xô, Trung Quốc…” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.10).

-  “Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tiếp nhận từ năm 1965 đến 1972, các nước XHCN đã giúp Việt Nam khoảng hơn 7.000 quả đạn tên lửa SA-75 và 180 Hồng Kỳ, gần 5.000 khẩu pháo cao xạ các loại, gần năm triệu viên đạn pháo cao xạ, hơn 400 máy bay chiến đấu MIG-17, 19, 21, K6, hàng trăm ra-đa tiên tiến, hiện đại; gần 4.000 chuyên gia quân sự phòng không của Liên Xô”  (Sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam  - Nguyễn Văn Quyền – Báo Nhân dân điện tử, đăng ngày 3-12-2012). 

Hơn nữa, nhóm 258 trao tuyên bố cho Liên hợp quốc – nơi Việt Nam là thành viên đầy đủ, và các đại sứ quán của các nước mà Việt Nam có quan hệ ngoại giao, chứ không trao cho Al-Qaeda. Đây là những tổ chức và quốc gia mà chính phủ Việt Nam thường xuyên “cầu viện” bằng những đề nghị tài trợ, hỗ trợ lên tới hàng chục tỷ USD và vô số hoạt động hỗ trợ khác, trong đó có cả hoạt động hỗ trợ thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền – tương tự như nhóm 258 đã làm.

Cầu viện nước ngoài không phải là việc xấu, trừ khi nó được sử dụng cho mục đích xấu, ví dụ: tham nhũng.

Trao tuyên bố 258 cho sứ quán nước ngoài là sự sỉ nhục quốc gia?

Blogger Hoàng Thị Nhật Lệ và tác giả Đông La đều bày tỏ sự bức xúc với việc Mạng lưới blogger Việt Nam trao Tuyên bố 258 cho các đại sứ quán nước ngoài và cho rằng đây là hành động sỉ nhục quốc gia.

Sự bức xúc này là có thể hiểu được và trong một chừng mực nào đó, chúng ta nên đồng ý với nhau rằng, có một sự khác biệt lớn trong hệ giá trị quốc gia của chúng ta, nhất là trong buổi giao thời, quá độ này của lịch sử Việt Nam. Cách chúng ta hiểu về quốc gia, cách chúng ta tự hào về quốc gia là rất khác nhau. Điều này không chỉ do sự khác biệt giữa các cá nhân, mà còn do sự xô đẩy của nhiều xu hướng chính trị khiến cho cách chúng ta hiểu về lịch sử và hiện tại bị méo mó và thiên lệch theo nhiều hướng.

Tuy vậy, chúng ta cần phân biệt giữa khái niệm quốc gia và khái niệm chính quyền. Tuyên bố 258 nhắm tới việc vận động quốc tế gây sức ép để chính quyền Việt Nam bãi bỏ điều 258 – Bộ luật Hình sự, mà họ cho là gây tổn hại đến quyền con người của người dân Việt Nam. Đây không phải là tuyên bố phê phán quốc gia Việt Nam, mà là phê phán chính quyền Việt Nam.

Vậy phê phán chính quyền Việt Nam là sỉ nhục quốc gia? Nếu lập luận này là đúng, thì căn cứ vào những dữ liệu tôi đã nêu ở các phần trên, Hồ Chí Minh đã sỉ nhục quốc gia trong ít nhất một nửa cuộc đời mình, kể từ khi ông tham gia cuộc biểu tình chống sưu thuế ở Trung Kỳ năm 1908 và bị đuổi học. Ngày nay, nhiều người Việt Nam tự hào vì Hồ Chí Minh đã đấu tranh cho niềm kiêu hãnh của dân tộc, chứ không phải là sỉ nhục quốc gia. Nhiều người khác, dù đồng tình hay phản đối Hồ Chí Minh, đều không thể phủ nhận rằng Hồ Chí Minh, bằng cách phê phán chính quyền Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, đã đấu tranh cho một Việt Nam tốt hơn, chứ không phải là sỉ nhục Việt Nam.
Lý do nào khiến cho Hồ Chí Minh được coi là niềm tự hào, còn nhóm 258 bị coi là một sự sỉ nhục?

Nhóm 258 đã chống lại pháp luật Việt Nam, chống lại Quốc hội?

Trong bài viết “Đoan Trang – tuổi nhỏ nhưng sai lầm không nhỏ”, tác giả Đông La cho rằng: “...nhóm Đoan Trang đã sai và chống lại luật pháp Việt Nam, bởi Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy bị bắt vì phạm pháp chứ không phải vì họ ‘đã thực hiện quyền tự do biểu đạt bằng các đăng tải các bài viết ôn hoà lên blog của họ’”.

Đến đây chúng ta cần phải xem xét lại khái niệm “bị bắt vì phạm pháp”. Hồ Chí Minh đã từng bị bắt ít nhất hai lần vào năm 1931 ở Hồng Kông và năm 1942 ở Quảng Châu – Trung Quốc, đều với lý do “phạm pháp”. Các nhà lãnh đạo Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Văn Kiệt đều từng bị bắt và tống giam với lý do tương tự.

Chúng ta hẳn cũng từng nghe qua câu nói của mục sư Martin Luther King: “Đừng bao giờ quên rằng, tất cả những gì Hitler đã làm ở Đức đều là hợp pháp” (nguyên văn: “Never forget that everything Hitler did in Germany was legal”).
Điều đó có nghĩa là gì?
Có nghĩa là hàng triệu cái chết của người Do Thái và hàng triệu tù nhân của chế độ phát xít Đức đều được Hitler biện minh bằng công cụ pháp luật do chính ông ta đặt ra. Nếu như một người lính của Hitler từ chối thi hành lệnh thảm sát người Do Thái, anh ta có bị coi là “phạm pháp” không? Nếu như một công dân Đức viết bài phê phán chế độ phát xít Đức, ông ta có bị bắt vì tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” không?

Trở lại với Việt Nam, nếu một nhóm blogger Việt Nam ra tuyên bố yêu cầu chính quyền bãi bỏ chế độ độc quyền trên thị trường xăng dầu và điện, hoặc bãi bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người đồng tính, liệu họ có bị coi là “phạm pháp” và bị bắt không?

Cần thiết phải hình dung về khái niệm “bị bắt vì phạm pháp” và khái niệm “pháp luật” một cách đầy đủ trước khi kết luận bất cứ một vấn đề pháp lý nào. Để làm được việc đó, một người nghiên cứu nghiêm túc nhất thiết không thể bỏ qua thông tin sau đây của Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp):

Trong 10 năm, các cơ quan kiểm tra văn bản cả nước đã tiếp nhận, kiểm tra trên 1,7 triệu văn bản, phát hiện trên 50 nghìn văn bản sai trái và đã xử lý ở các mức độ khác nhau. Riêng Cục Kiểm tra văn bản đã tiếp nhận, kiểm tra trên 27 nghìn văn bản, phát hiện trên 4,8 nghìn văn bản sai trái và đã xử lý ở các mức độ khác nhau.” – Quyết định số 214/QĐ-KtrVB, ngày 23/8/2013.

Nếu nói rằng, hành vi ra tuyên bố yêu cầu bãi bỏ một điều luật là hành vi chống lại pháp luật Việt Nam, thì Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và các đại biểu Quốc hội là những người chống lại pháp luật Việt Nam một cách thường xuyên, lâu dài, có hệ thống và có tổ chức nhất.

Nếu nói như tác giả Đông La, rằng “việc làm của nhóm Đoan Trang thực sự là hành động chống lại việc thi hành công vụ của không chỉ một cá nhân, một cơ quan mà là Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân Việt Nam!” thì hẳn Đông La đang tát những cú đầy cay nghiệt vào mặt các đại biểu Quốc hội, vốn thường xuyên tiếp nhận ý kiến đóng góp của cử tri về việc thi hành, sửa đổi luật, kể cả trực tiếp tại địa phương lẫn gián tiếp trên báo chí và môi trường mạng.

Lời kết

Khi đọc các bài viết, bài phỏng vấn của blogger Hoàng Thị Nhật Lệ và tác giả Đông La, tôi có một sự so sánh tự nhiên giữa hai nhân vật này. Không thể phủ nhận là tôi dành nhiều thiện cảm cho blogger Nhật Lệ, bởi blogger trẻ tuổi này tỏ ra tôn trọng người khác và ít phạm lỗi ngụy biện hơn nhiều so với Đông La. Trong khi Đông La dùng phép ngụy biện tấn công cá nhân (ad hominem) đối với nhà báo Đoan Trang và nhóm 258, cũng như viện dẫn những vấn đề không liên quan đến Tuyên bố 258 như vụ Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Đắc Kiên để kết luận vấn đề, thì blogger Nhật Lệ đã cố gắng tỏ ra lý lẽ, nhã nhặn và lịch sự.

Tôi không ngạc nhiên khi nhiều người quy kết Nhật Lệ là dư luận viên, nhận tiền của chính quyền để tấn công nhóm 258. Cũng có rất nhiều người tấn công cá nhân đối với Nhật Lệ bằng cách chế giễu giọng nói của cô. Cá nhân tôi cho rằng điều này không thực sự công bằng với Nhật Lệ. Không ai đáng bị chế giễu chỉ vì giọng nói của mình, và tôi cũng không muốn trong xã hội hình thành một định kiến rằng những ai phản đối cải cách đều là kẻ xấu.
Nếu phải thú nhận một điều gì đó, tôi sẽ thú nhận rằng nhiều năm về trước, bản thân tôi có nhiều suy nghĩ gần giống như Nhật Lệ, với một thái độ khá tương đồng, và tôi tin là nhiều người đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam hiện nay cũng từng mang những đặc điểm của một dư luận viên thứ thiệt. Chúng ta không có lỗi với một thứ nhận thức bị nhồi sọ của mình, chúng ta chỉ có lỗi nếu không chân thành và cầu tiến lắng nghe.

Việc phản đối đôi khi chỉ phản ánh sự khác biệt thuần túy về mặt quan điểm, mà không nhất thiết phải đi kèm với động cơ xấu. Chúng ta muốn có một xã hội đa nguyên và tôn trọng quan điểm cá nhân thì không thể không tôn trọng việc làm của Nhật Lệ và nhóm Phản Đối Tuyên Bố 258, cũng như coi đó như một biểu hiện bình thường của việc thực thi quyền tự do ngôn luận. Bên cạnh đó, nếu nhóm 258 và các cá nhân, tổ chức khác phản đối việc làm của nhóm Nhật Lệ, đó cũng là một việc bình thường nữa.

Mặc dù không đồng tình với nhiều lập luận và thái độ tranh luận mà Nhật Lệ và nhóm của cô thể hiện, tôi không loại trừ khả năng Nhật Lệ là một người trẻ đang có những cố gắng chân thành trong việc bảo vệ những điều mà cô cho là đúng. Đọc bài của Nhật Lệ, tôi không cảm thấy sự ác ý, và thậm chí cảm nhận được nhiều thiện chí của blogger này. Việc làm của cô đã mở ra một diễn đàn có chất lượng đối thoại công khai hiếm hoi mà tôi chứng kiến được sau nhiều năm, giữa những người chỉ trích và những người bảo vệ chính quyền. Đó là một tín hiệu mà tôi nghĩ rằng, cả hai phe đều nên vui mừng. Xã hội chúng ta không cần thêm bất kỳ một “bên thắng cuộc” nào nữa, mà đang khát khao sự hòa giải và yêu thương.

Tôi không có ý định kết luận điều gì qua bài viết này, mà chỉ gợi mở một hướng tranh luận vấn đề, trong vô số các hướng tranh luận xoay quanh Tuyên bố 258. Điều này cố nhiên không có nghĩa là tôi không có lập trường gì trong cuộc tranh luận này, mà chỉ vì tôi nghĩ đôi khi có thể tranh luận theo một cách khác./.