___________ "con" và "cái"



Nỗi băn khoăn của "con" và "cái" trong tiếng Việt




Tôi nhớ, thuở nhỏ, đọc được ở đâu đó một bài viết về mạo từ trong tiếng Việt. Tác giả, không nhớ là ai, cho biết, Việt ngữ chỉ có một mạo tự giống đực duy nhất là "đực rựa", còn lại rặt giống "cái". Không hiểu bài tiểu luận ngôn ngữ ấy được viết theo khuynh hướng nào, nghiêm túc hay chỉ là một kiểu biếm ký, đọc lúc trà dư tửu hậu. Chỉ biết, tôi đã nghĩ rằng, kiểu lý luận ấy có thể tin được!!!
Giờ đây, tôi mạn phép thay mặt "cái" giống đực duy nhất trong mớ ngổn ngang "mạo từ" của Việt ngữ, bộc bạch dăm ba nỗi băn khoăn: "Cái" của những "cái bàn", "cái nồi", "cái chổi", và nhiều rất nhiều "cái" khác nữa, lẽ nào được dùng để ám chỉ phái tính, như la đối với le trong tiếng Pháp, die đối với der trong tiếng Đức, cho sự vật trong tiếng Việt được chăng? Còn phái tính của những "mạo từ" khác trong Việt ngữ là gì? Chẳng lẽ gom hết chúng lại cho vào "giới thứ ba", nhập nhằng chẳng ra làm sao, như mạo từ trung tính das trong Đức ngữ? Sao thấy vừa đáng thương vừa bất công cho chúng quá! Chúng lỡ vướng tội gì mà lại bị "cái" giống người Việt ít ỏi ấy bố thí cho thứ phái tính lửng lơ, tuyệt vọng ấy?
Khi tôi lâm vào tình huống là "giáo viên Việt ngữ" cho một số người bản xứ tại Đức, tôi phải tìm hiểu thêm thì biết ra, không thể gọi những "cái", những "con" và những trợ từ khác là mạo từ như le, la hay der, die, das được. Mà, như một vài quyển văn phạm Việt ngữ dành cho người Đức, tác giả gọi đó là những Klassifikatoren: "Phân loại từ", hay ngắn gọn là "loại từ".
Trong bài viết này, tôi xin có đôi lời về một số loại từ điển hình.
"Cái" và "con" là hai dạng loại từ thông dụng nhất trong tiếng Việt. Nhiều tĩnh vật được mang loại từ "cái": cái nhà, cái tủ, cái đèn, cái áo, cái kéo, cái chén, cái muỗng, v.v… Nhưng đôi khi một số từ nêu trên cũng có thể là: "căn" hoặc "ngôi" nhà, "cây" hoặc "ngọn" đèn, "chiếc" áo, "cây" kéo. Không hiểu nguyên nhân gì đã dẫn đến những thay đổi trên? Chỉ có thể giải thích theo kinh nghiệm thuần cảm tính: cho "nhà" thì "cái" là loại từ tổng quát, còn "căn" có thể được hiểu là một trong một dãy nhiều nhà san sát; qua tới "ngôi", nghe ra đã văn vẻ và bề thế hơn nhiều lắm. Thí dụ: "Ngôi nhà thừa tự của dòng họ Nguyễn Bửu nằm trong vườn cây êm ả, nhiều bóng mát." Hoặc: ngôi chùa, ngôi nhà thờ, ngôi biệt thự. Hoán vị "cái" thay cho "ngôi", văn pháp thấy đã… xuống cấp vài ba mức. Còn "căn"? Có thể dùng được trong vài trường hợp, nhưng xét kỹ, thấy khang khác, chỉ còn là một phần của "ngôi" mà thôi.
Nhiều loại từ sử dụng trong tiếng Việt đậm nét biểu tượng, là điều không thấy có trong các ngôn ngữ khác (Ở đây, tôi xin khe khẽ đặt câu hỏi, rằng tôi có võ đoán không?). "Cây" là một trong vô số trường hợp điển hình. Tất cả những gì hội đủ một hoặc tất cả các điều kiện: thăng thẳng, đầu tà đầu nhọn, có tán rộng gợi hình một thân cây, mang loại từ "cây": cây đèn, cây viết, cây đinh, cây kim, v.v… Nhưng tại sao lại là "cây cầu"? Tôi đoán, vì dân mình ở quê thường dùng thân hay gỗ cây làm cầu bắc ngang sông.
"Ví dầu cầu ván đóng đinh,
cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi"

Và, đặc biệt với "đèn", vì có nguyên thuỷ dính líu với "lửa", nên mang thêm loại từ "ngọn". Mặc dù suy xét chi ly, thấy "cây đèn" và "ngọn đèn", tuy cùng ngữ tộc nhưng ý nghĩa có hơi khác: "Trò Tèo, con nhà nghèo nhưng siêng học, đêm nào cũng ngồi học bài bên cây đèn dầu thắp ngọn leo lét."
Từ "cầu" còn sính thêm loại từ "chiếc". Cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng có sáng tác bài "Chuyện một chiếc cầu đã gãy" vang danh một thuở: "Một ngày vào thuở xa xưa trên đất thần kinh. Người bỏ công lao xây chiếc cầu xinh…"
Thói thường, "chiếc" là loại từ dùng để chỉ trường hợp riêng lẻ của những sự vật có đôi: chiếc giày, chiếc đũa, chiếc nhẫn (cưới), chiếc bông tai, …; và các phương tiện di chuyển: chiếc xe đạp, chiếc xe bò, chiếc thuyền, chiếc máy bay, … Nhưng tại sao lại là "chiếc cầu", "chiếc áo", "chiếc hình"? Gượng, có thể giải thích, vì cầu, áo là những vật thể có nhiều cơ phận đôi chăng? Còn "hình", lẽ ra phải dùng loại từ "tấm" hoặc "bức", tại sao thỉnh thoảng cũng có thể nói là "chiếc hình"? Không biết giải thích sao cho chính xác.
"Chiếc" cũng còn là loại từ dùng cho "lá" (vì lá thường có dạng lá kép chăng?), chẳng hạn "Chiếc lá thu phai", tựa một ca khúc tuyệt vời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. "…Mùa thu qua vội. Mười năm tắm gội. Giật mình ôi, chiếc lá thu phai…" Mà "lá" lại là loại từ định hình cho những vật thể mỏng, nhẹ, phất phơ: lá bài, lá thư, lá cờ, … Hoặc gợi hình chiếc lá: "lá gan", "lá phổi", "lá sách" là những bộ phận trong cơ thể con người, sẽ được bàn thêm ở phần dưới bài viết.
Nhưng, ngộ nghĩnh (hay cắc cớ) ở chỗ, một trang giấy cũng mỏng, cũng nhẹ, cũng phất phơ lại không được ban cho loại từ "lá", mà phải nói là "tờ giấy" mới đúng. Từ đó suy ra một số loại từ đồng dạng: tờ báo, tờ thư (còn gọi là "lá thư" hoặc "bức thư", nhưng khi thư được gói trong phong bì, có lẽ nên nói là "phong thư", nghe đúng hơn).
Nhiều tờ giấy đóng dán lại với nhau, có thể cuộn hay cuốn lại thành "cuốn sách", "cuốn vở", … Đặc biệt dành riêng cho những danh từ này có loại từ "quyển". Để rồi, chỉ cần nghe nói tới "quyển", ta có thể hình dung ra ngay đó là cái gì: quyển nhật ký, quyển tiểu thuyết, quyển tự điển, v.v… Bàn rộng ra, tập hợp của nhiều "quyển", tiếng Việt nói "bộ" hay "pho": Bộ sách, bộ tiểu thuyết, pho tự điển, pho kinh … "Bộ" cũng còn là loại từ đuợc dùng để chỉ định nhiều phần riêng lẻ thường được gộp chung với nhau: bộ bài, bộ chữ, bộ chén dĩa, bộ ấm trà, bộ quần áo, bộ bàn ghế, v.v…
Thay vì "bộ bài", "lá bài", người miền Bắc nói "cỗ bài", "cây bài", được thi sĩ Hoàng Cầm thầm thì gói ghém trong bài thơ "Cây tam cúc":
"Cỗ bài tam cúc mép cong cong
Rút trộm rơm nhà đi trải ổ


Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm
Em đừng lớn nữa chị đừng đi

Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa
Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì … "

Khi bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc cùng những "Lá diêu bông", "Qua vườn ổi" (tựa đúng của bài thơ là "Quả vườn ổi"), v.v…, cho thâu âm vào giữa thập niên 1980 ở ngoài nước kèm theo lời lý giải cường điệu và cực kỳ "phản động" của chính nhạc sĩ, đã khiến thi sĩ ở trong nước một phen khốn đốn [1]. Bỏ qua những lời bình…trật lất, cá nhân tôi cho đó là một trong những ca khúc phổ thơ đẹp nhất của tân nhạc Việt nam.
"Bài" cũng là loại từ được dùng cho những danh từ có liên quan tới chữ viết: bài báo, bài hát, bài thơ, … Đôi khi "bài" đứng trơ trọi một thân một mình vậy thôi, như tựa ca khúc "Bài cho em" của nhạc sĩ Từ Công Phụng; nhưng nghe qua, hiểu ngay ý nhạc sĩ: "Chiều nay ngồi viết riêng cho em, cho em bài hát êm đềm, trôi theo từng tiếng tơ mềm…"
Dùng chung cho trái cây, người miền Nam có "trái" (người miền Bắc nói "quả"): trái chuối, trái xoài, trái mãng cầu (quả na), … Loại hoa trái hay sự vật nào đơm thành chùm, thành nhúm, loại từ cứ vậy mà biến dạng: chùm nho, chùm hoa, chùm chìa khoá, nhúm tóc, chùm lông … Sau này "chùm" còn mon men len vào lãnh vực thi ca: "Chỉ với chùm thơ năm bài, thi sĩ X đã để lại dấu ấn sâu sắc trong thi đàn Việt nam", nghe rất… ấn tượng.
Rộng hơn, tất cả những gì có hình dạng trái cây, đều mang loại từ "trái" hoặc "quả": quả địa cầu, quả bóng, trái tim, … Cũng thi sĩ Hoàng Cầm, trong thi phẩm "Namô Xuân":
"Địa cầu bằng quả táo gầy,
cắn bao giờ chạm ngón tay em cầm …"

Cho riêng trứng gà, trứng vịt, Bắc nói "quả ", Nam không nói "trái" mà dùng từ "hột"; Bắc đa sự: "quả trứng gà", Nam ngắn gọn: "hột gà". "Hột" hay "hạt" (giọng Bắc) còn là loại từ dành cho những mầm cây trái (có thể suy ra, vì lẽ đó mà người miền Nam nói "hột gà", "hột vịt" chăng?): Hạt na, hạt nhãn, hột sầu riêng, hột xoài, … Nhỏ hơn có: hạt tiêu, hạt vừng, hột gạo, v.v… Và, ngay cả những mảnh vụn của tổng thể: hạt sạn, hột cát, hạt mưa … là những thứ không có mầm miếc gì ráo.
Ca dao Việt nam có những câu tỏ tình mặn mà:
"Hột muối mặn, ba năm còn mặn.
Lát gừng cay, sắc chín nước còn cay.
Anh thương em cha mẹ không hay,
như ngọn đèn trước gió, biết xoay hướng nào?"

Hay khi cô con gái ngẩn ngơ buông lời chấp nhận cho duyên phận:
"Thân em như hạt mưa rào,
hạt rơi giữa chợ, hạt vào vườn hoa.
Thân em như hạt mưa sa,
hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày."

Phần trên có nhắc tới tóc và lông và loại từ "chùm". Dành cho bộ tóc dài của nữ phái, hồn thơ của người Việt ban cho loại từ "dòng", gợi hình một con sông, dòng suối mượt mà, buông thả sau lưng, trên gối. Còn tóc của nam phái? Ngày xưa cha ông ta cũng để tóc dài, khi đi ngủ, xoã ra biết đâu chừng trông cũng não nùng, gợi cảm lắm chứ, nhưng thơ văn kim cổ không thấy ai ca ngợi, rằng "chàng có dòng tóc đen mịn màng…" Không, tuyệt đối không. Mà, tóc đàn ông chỉ là một mớ… lông che đầu không hơn không kém, có được "mái" làm loại từ là phước đức lắm rồi. Thì ra, ngôn ngữ đôi khi cũng biết kỳ thị phái tính. Còn lông? Không nghe ai nói "dòng lông" hay "mái lông" cả, vì lông người không mấy dài và cũng không được mịn màng như tóc. Thôi thì "nhúm", "chùm" vậy! Cùng chung số phận như lông là râu: chòm râu. Trang trọng hơn chút thì nói: bộ râu.
Chẻ tóc, lông và râu ra, tiếng Việt có "cọng" hoặc "sợi":
"Tóc mai sợi vắn sợi dài,
lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm."

Tương tự vậy, chia trận mưa, cơn nắng ra, có: cọng mưa, sợi nắng, là loại từ ngữ thường được quí vị văn thi sĩ sính dùng. Lấn sang ngôn ngữ ẩm thực, các loại thực phẩm chính cho phở, mì, hủ tiếu, cũng như các món bún, đều là tổng hợp của vô số "sợi", "cọng" mà thành. Mà "cọng" cũng còn là loại từ của rau cỏ:
"Giơ tay anh bứt cọng ngò.
Thương em đứt ruột, anh giả đò ngó lơ."

Tới đây, người viết bàn sang những loại từ được dùng cho động vật trong Việt ngữ.
"Người" là một trong nhiều loại từ được dành cho sinh vật người: người đàn ông, người đàn bà, người chủ nhà, người ăn xin, … Dùng chỉ trẻ nhỏ, hoặc ngụ ý khinh miệt, có "đứa": đứa con trai, đứa con gái, … hoặc: đứa ở, đứa đứng đường, đứa cờ bạc, … Hàm ý coi thuờng, tiếng Việt phân biệt rành rẽ: thằng cha, thằng lưu manh, con mẹ, con gánh nước, … Trời, lôi cha mẹ ra mà kêu "thằng" với "con", đích thị con nhà mất dạy, dữ dằn, hỗn ẩu. Hay nặng tính kỳ thị chủng tộc: thằng Tây, thằng Mỹ, thằng chà-và, con Đầm, con xẩm, …
Với riêng loại từ "con", người viết nhận thấy có vài điểm đặc thù: vừa dùng ám chỉ thiếu niên nam nữ, vừa phân định giới tính phụ nữ, và định loại cho số đông thầm lặng: thú vật. Có thể kết luận mà không ngại hớ hênh: "Con" là loại từ đặc quyền của tất cả sinh vật. Phát ngôn theo con nhà bình dân, những gì tự chúng có thể cục cựa, nhúc nhích được, đều là "con", từ "con người" cho tới "con vi khuẩn". Ngay tới cảnh vật, nếu chuyển động được, là "con" tuốt: con sông, con suối. Đối với "con đường", tuy không trực tiếp chuyển động, nhưng theo tôi, vì dòng xe cộ ngược xuôi khiến ta có cảm giác "đường" cũng chuyển động, thôi thì… "con" luôn cho khoẻ!
Ấy, không đơn giản vậy đâu! Bới lông tìm vết, rốt cuộc cũng ló ra vài thứ không thuộc vào số đông thầm lặng nói trên, không biết nhúc nhích, cục cựa gì ráo, mà "cái" giống người Việt ma mãnh kia, có lẽ nhằm hôm ăn không ngồi rồi, gán luôn cho "con": con ốc (đinh vít) và con dao. Cho "con ốc" có thể đôi co lý luận như sau: vì lỡ mang danh nghĩa một loài sinh vật có vỏ cứng, nên thành "con" là phải rồi, oan ức gì nữa? Còn dao? Rắc rối dữ!
May thay, tác giả bài viết này có chút ít khả năng sáng tạo. Xin mời Quí vị và các Bạn theo dõi câu chuyện về nguồn gốc phát sinh loại từ "con" cho dao sau đây, cam đoan hư cấu một trăm phần trăm:
"Xưa kia, xưa lắm… Ngày nọ, thần chữ ra lệnh cho tất cả sinh linh trên địa cầu tới diện kiến để nhận giấy chứng minh loại từ đem về làm ăn. Đúng ngày hẹn, thú, người lũ lượt mang theo đủ mọi đồ vật tới dinh thần chữ. Người và thú đứng một bên. Đồ vật được để riêng một bên. Không khí trong đại sảnh cực kỳ căng thẳng, vì có mặt cả dòng họ nhà dao được bày biện lẫn lộn trong đám đồ vật.
Thần chữ đã từng nghe tiếng con nhà dao bản tính hiếu động, thích gây sự để thoả mãn nhu cầu chặt chém, nên đề nghị với muôn loài và dao rằng:
- Ta ban cho dòng họ nhà ngươi loại từ ‘con’, biết cử động và có bổn phận phục dịch giống người, vậy ngươi hãy qua bên chỗ người và thú mà đứng. Lỡ như các ngươi có nổi máu hung dữ, đòi xin tí huyết, thì chúng nó còn biết đường lẩn tránh.
Bè lũ nhà dao vừa rục rịch, rổn rảng bước qua, thì người và thú hãi quá, giẫm lên nhau tìm cách chạy trốn. Quang cảnh vô cùng hỗn loạn. Thần chữ thấy vậy, lập tức làm phép cho dao trơ trơ bất động trở thành tĩnh vật như cũ. Trong lúc hấp tấp, thần quên rút lại loại từ ‘con’. Lúc nhớ lại, thì dòng họ nhà dao đã qui cố huơng mất rồi!"

Khi đề cập tới những bộ phận trong và ngoài cơ thể con người, thấy lộ ra vài điểm cần lưu ý. Cho dễ giải thích, người viết đính kèm dưới đây một bức vẽ của Leonardo da Vinci, tấm "Vitruvmann", nhằm phát hoạ tỉ lệ cân xứng và đối xứng của con người, ở đây là một người nam:










Thử tưởng tượng có một đường ranh ảo phân đôi nguời đàn ông theo chiều dọc, ta sẽ được hai phần đối xứng gần như hoàn toàn, có thể gấp lại gần khít khao lên nhau. Những bộ phận nào… xui xẻo nằm tiếp cận ngay trên đường ranh ấy, tạo hoá ban cho chỉ có một. Nằm ngoài, chúng đều có đôi, ngoại trừ tim và… cuống ruột dư. Trong bài viết này, người viết có ý luận bàn tới những loại từ của Việt ngữ dành cho chúng. Hơi… bị lạ.
Như đã xét ở trên, những gì có đôi có cặp, khi đứng riêng, tiếng Việt có loại từ "chiếc". Nguyên lý này lại không thể áp dụng cho bất kỳ bộ phận đôi nào, bên ngoài cũng như bên trong cơ thể con người. Không ai nói "chiếc" mà phải nói là "con mắt" mới đúng. Nhưng tại sao là "con"? Thôi thì cứ cho là mắt tự nó có thể nhúc nhích được, chẳng hạn trong trường hợp tự nhiên con mắt mấp máy, mà ta cho là đang được (hoặc bị) ai đó vắng mặt nhắc nhớ (hoặc chửi rủa). Chia riêng đôi tay, ta có "cánh", "bàn" và "ngón tay". Cho bộ nhũ hoa của nữ giới, lại… không là gì cả, vì người phụ nữ nào không may độc nhũ thì khổ, khổ lắm lận, dám chừng ở góa suốt đời. Còn đôi vú kẹp lép của nam giới lại bị người đời quên lãng, vì chúng không giữ nhiệm vụ nào thiết thực cả. Xuống thấp hơn, thấy cặp tinh hoàn, hình dáng tròn tròn giống hòn sỏi, quả trứng thì là "hòn" hoặc "trứng", chớ còn gì nữa. Cho cặp chân, người Việt nói "ống chân", hay rõ ràng hơn: "bắp đùi", "ống quyển", "bàn chân", "ngón chân", v.v…
Săm soi moi móc lục phủ ngũ tạng, loại từ thường gặp là "lá" (đã bàn ở trên). Bộ phận nào có hình dáng như cây trái, lập tức lãnh ngay "trái" hay "quả", chẳng cần cãi cọ, khiếu nại làm gì vô ích: trái thận, trái tim. Ngoài ra, tim tự nó biết phập phồng, còn được ban cho loại từ "con", đúng điệu quá.
Còn cái giống của người nam, người nữ? Dễ hiểu thôi. Của quí ông, nếu gặp đúng đối tượng, đang là "phần mềm" tự động cựa quậy trở thành "phần cứng". Ông thần chữ thấy vậy, không cần suy nghĩ lâu lắc, cho ghi ngay vào sổ sách từ "con", tránh chuyện tranh cãi lôi thôi về sau. Liếc qua cái ấy của quí bà, thấy ù lì, không biết cử động chi hết, kêu lãnh "cái" về, để ghi vào bách khoa tự điển, lưu truyền hậu thế.
Viết về loại từ mà không đả động tới phần ngôn ngữ trừu tượng là một thiếu sót lớn. Ở đây người viết chỉ chú trọng tới loại ngôn ngữ nặng về cảm tính. Có thể phân loại thành hai nhóm: bi và lạc quan. Cho những từ bi quan, người Việt thường nói "nỗi": nỗi buồn, nỗi đau, nỗi ngậm ngùi, nỗi uất ức, … Từ "nỗi" tự nó đọc lên, khơi dậy trong ta thứ cảm xúc ăm ắp những ấn tượng sầu bi, không được đáp ứng; gần như đối chọi với "niềm": niềm vui, niềm hân hoan, niềm tự hào, …
Khi gặp phải những từ khó phân loại, "sự" được đem ra sử dụng tuốt: sự việc, sự điều khiển, sự hiểu biết, sự hậu thuẫn, … Những gì có "sự" gắn vào, trở nên quan trọng hẳn ra: "Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, nhân dân ta, chậm mà chắc, sẽ từ từ Xuống Hố Cả Nũ."
Tiếng Việt không thiếu, mà có thể nói là lạm phát, những ngữ vựng trừu tượng loại ấy. Nếu thiếu, là thiếu những từ ngữ học thuật, thí dụ dành cho triết học. Xưa cũng như nay, chủng tộc Việt không có ai có thể được gọi là triết gia, nói chi tới lỗi lạc. Tiếng Việt không phải là thứ tiếng dùng để biện luận như tiếng Trung hoa, tiếng Ấn ở phương đông hay tiếng La-tinh, tiếng Đức, tiếng Pháp ở phương tây.
Trong bài tiểu luận "Đố kỵ cái trừu tượng" [2] của nhà văn Võ Phiến, có đoạn:
"Người có hai phía: phía cảm thụ, phía suy tư; văn có hai thứ: thứ nghệ thuật, thứ luận thuyết. Ta xuất sắc về một phía thứ nhất. Không chừng đó lại là phía hay ho đa. Có được các giác quan mẫn nhuệ, có cảm xúc tinh vi, ta tha hồ hưởng thụ, sống một đời phong phú, đậm đà. Phía thứ nhất mà kém, không thể trông cậy vào ai được; ta không thể mượn chiếc lưỡi tinh tế của kẻ khác để thưởng thức chén trà ngon, tô phở ngon, ta không thể nghe nhạc hay bằng đôi tai sành sõi của kẻ khác, không thể xem tranh ngoạn cảnh bằng mắt kẻ khác, yêu đương rào rạt bằng con tim kẻ khác. Một dân tộc có thiên khiếu về cái cụ thể, một dân tộc sở hữu những giác quan tinh nhạy không phải là được Trời cưng sao?"
Tôi xin được thêm thắt đôi điều: Chữ viết là biểu tượng của tiếng nói, mà tiếng nói, tôi nghĩ, là một sự thoả thuận giữa một số người chia sẻ nhau ít nhiều điểm chung. Chung điểm lớn nhất là có cùng bản sắc, cùng tạng An-nam-mít. Cái tạng ấy, từ nào tới giờ, có hài tính cao, giàu tưởng tượng, nặng "tình" hơn "lý", tranh cãi giỏi hơn biện luận, chuộng cái qua quít hơn tinh tế, thích điều đơn giản hơn phức tạp, xét đoán mông lung hơn tập trung, … Tất cả những ưu và khuyết điểm này được biểu lộ tương đối rõ trong ngôn ngữ Việt nam, điển hình là kho tàng ca dao truyền khẩu vô cùng phong phú, mà từ đó ta có thể nhặt ra cái Việt-tính tiềm tàng bấy lâu nay.
Có điều mà cá nhân tôi cứ hoài nghi, không hiểu từ "đực" trong "đực rựa" có thật sự là loại từ hay không? Thì ra, ngay bản thân tôi cũng còn lắm nỗi băn khoăn, đâu chỉ riêng gì "con" với "cái".
 


(11.2009)



........./.

Chui qua đáy sông Sài Gòn




Chui qua đáy sông Sài Gòn

http://nhavantphcm.com.vn/tac-pham-chon-loc/but-ky-tap-van/tran-thanh-giao-chui-qua-day-song-sai-gon.html


TRẦN THANH GIAO





Tôi đã vượt Đông Phố đại kiều qua sông Hoàng Phố thăm khu dân cư Đông Thượng Hải, tôi đã đến ngắm khu "nhà chọc trời" La Défense bên kia sông Seine, Paris... và nay mơ về sự đổi thay của vùng đất Thủ Thiêm, khi lướt gió chui trở lại hầm dưới đáy sông Sài Gòn với bao nhiêu là ước mong, trăn trở...

Ngày còn bé, được đi chơi ra chỗ vườn Một Hình, tôi chỉ biết đứng nhìn rặng dừa nước tít bên kia sông, ngóng gió mát đưa con đò nhỏ dập dờn sóng nước, chứ không ngờ có ngày mình chui qua đáy sông sang bờ Thủ Thiêm. Vườn Một Hình là tên dân Sài Gòn lúc đó gọi Công viên Mê Linh bây giờ, vì trước 1945, ở chỗ tượng Trần Hưng Đạo là một ông Tây bận quân phục có ngù vai, tay trái đặt lên bao như sẵn sàng rút gươm ra chém. Dân không biết ông là ai, chỉ gọi Một Hình (sau này tôi tra cứu mới rõ đây là tượng Rigauld de Genouilly, một trong những tướng Pháp đầu tiên xâm lược nước ta). Nhiều người kháo nhau: có đêm khuya, Một Hình giơ tay lên chỉ sang sông thì xóm nhà phía Thủ Thiêm liền bốc cháy! Tượng Một Hình, nghe đã ớn mà coi càng dễ sợ!

Lớn lên một chút, đi dọc bờ từ cột cờ Thủ Ngữ tới Ba Son, tôi thấy cầu tàu Nguyễn Văn Kiệu và bến đò, bến phà Thủ Thiêm tấp nập những người, lại có nhiều ghe nhỏ đậu ken dày, trong đó có một ghe của bà chị con ông bác ruột tôi, ghe không dùng đi lại mà ghe là... nhà.

Sau ngày thống nhất, những buổi tối ra hóng mát ở bến Bạch Đằng, nhìn những cô gái ngồi nướng bắp trên bếp than hồng mùi thơm thoang thoảng, tôi chợt nhớ câu ca xưa xa vời heo hút, chắc của đám thợ thuyền bên kia sông sang làm ca đêm trở về, không đi phà lại đi đò:

Bắp non mà nướng lửa lò
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm

Ai chẳng biết "qua sông thì phải lụy đò", song ở nơi người xe đông đúc như Sài Gòn, cái sự "lụy" này nó luôn thách thức:

Chừng nào Chợ Lớn hết vôi
Thủ Thiêm hết gạo thì thôi đưa đò.

Vậy mà Chợ Lớn chưa hết vôi, Thủ Thiêm chưa hết gạo nhưng con đò - và cả con phà chở hàng ngàn người xe nữa - đã vắng khách sang sông. Hàng trăm năm rồi không ai ve được nhưng mới vài năm thôi, con đò đã phải gác chèo, "bỏ thuyền bỏ bến bỏ dòng sông / cô lái đò kia đi lấy chồng" (Nguyễn Bính)... Vì những chuyên gia Nhật Bản, kỹ sư và thợ Việt Nam... đã "đổ mồ hôi sôi nước mắt", không phải "nướng bắp trên lò" mà dìm những đốt hầm to như những tòa binh-đinh cao rộng, làm nên cái hầm Thủ Thiêm cho ta chui qua đáy sông hôm nay!

***

Tôi ngồi sau xe máy của một anh bạn chạy dọc đại lộ Đông - Tây tiến vào trung tâm thành phố. Ngồi sau để tha hồ quan sát, không phải bận tâm lái xe, có thể "nhìn tận mặt bắt tận tay" cảnh và tình, hơn là ngồi xe hơi ngăn cách... Sau 30 tháng 4, tôi trở lại Sài Gòn làm báo nên đã nhiều lần đi qua các bờ kinh Tàu Hủ, rạch Bến Nghé. So với những dãy nhà lụp sụp, những chung cư xuống cấp bong vữa, lòi xương thép, con đường hẹp và ổ gà lở lói của 40 năm trước thì bây giờ đường rộng thênh thang, sau giải phân cách, giống cái hàng rào sắt trước nhà mới, là hàng cây xanh vừa độ tuổi thiếu niên và kinh rạch nước tràn đầy, gió sông phả vào mặt mát rượi. Ký ức tuổi thơ lại hiện về: hơn bảy mươi năm trước, nhà cha mẹ tôi ở Cầu Kho (đường Trần Đình Xu bây giờ) gần sông, con mương trước nhà tôi còn đầy ô rô, u du, cỏ nước mặn, tôi thường hái chùm trái ô rô giả làm nải chuối chơi bán hàng với cô bạn nhà bên... Vậy mà...


Cửa hầm Thủ Thiêm chui qua đáy sông Sài Gòn. Ảnh: Cao Thăng





Chui qua mấy gầm cầu bắc ngang rạch Bến Nghé, cầu vượt giao lộ, tôi đã thấy cửa hầm Thủ Thiêm nhô mái hiên đón khách. Cảm giác đầu tiên của tôi khi vừa tới cửa hầm là mình chui tọt vào bụng một con trai khổng lồ đang há miệng. Tôi mở tròn mắt khám phá những viên ngọc trai bên trong. Xe hơi (hai làn) và xe máy bật đèn cốt, nối nhau chạy ào ào cho đúng tốc độ qui định. Ba cái quạt lớn treo trên cao giống ba động cơ máy bay thổi vù vù cùng lúc với tiếng rào rào của động cơ xe hơi, xe máy vang dội vách hầm; người ta khuyên khách qua hầm nhét nút bịt tai cũng có lý lắm vậy. Từ ánh sáng trắng ngoài trời, tôi gặp ngay ánh sáng hồng quí phái, luôn được tự động điều chỉnh cân bằng với ánh sáng ngoài hầm, tránh cho người mới vào  khỏi lóa mắt. Gần mười lăm năm trước, dự án đại lộ Đông - Tây mà hạng mục quan trọng nhất là hầm Thủ Thiêm đã được lựa chọn. Nhưng việc xây dựng bị đình trệ đến năm 2004, do vướng giải tỏa, đền bù và tái định cư. Hầm do Obayashi corporation của Nhật Bản làm nhà thầu chính thi công. Bể đúc hầm đặt tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, giáp sông Nhà Bè. Cùng lúc với đúc hầm là đào dưới đáy sông Sài Gòn, sâu đến 13 - 14m và xây sẵn móng chuẩn bị cho việc đặt các đốt hầm...

Ánh sáng trong hầm dần chuyển sang màu trắng xám. Nhưng màu hồng của các cọc làm giải phân cách cùng ánh đèn xe hắt vàng, hắt đỏ lên vách hầm bóng lộn, vẫn loe lóe những đốm ruby. Đường dốc xuống thoai thoải. Tôi đang ở dưới mặt nước 24 mét, trên đầu là cả dòng sông Sài Gòn! Đã đến hầm dìm chưa nhỉ? Nhớ những ngày dân Sài Gòn ngồi uống nước ở công viên Bạch Đằng hay leo lên các cao ốc ven sông theo dõi tàu lai dắt các đốt hầm nặng 27.000 tấn, rộng như "một sân bóng đá", từ Nhơn Trạch theo sông Nhà Bè rồi sông Sài Gòn về vị trí đánh chìm...

7 giờ 40 phút ngày 7-3-2010, tiếng súng lệnh xuất phát ở Nhơn Trạch vang lên. Đây cũng là phát súng lệnh đua ma-ra-tông cho kỹ sư và công nhân Việt Nam lần đầu tiên làm hầm dìm trên đường đua đẳng cấp quốc tế. Ca nô cảnh giới sơn trắng, chạy trước mở đường. Các lực lượng trên sông trên bộ cùng ráo riết triển khai, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đoàn lai dắt. Công nhân trên "đốt hầm sân banh" lừng lững giữa sông, quần áo và mũ bảo hộ màu đỏ, không ngừng tuần tra để kịp thời phát hiện sự cố trong khi đốt hầm di chuyển. Trực thăng sơn màu vàng, sọc xanh, cánh quạt quay lạch phạch bay bên trên, vừa quan sát toàn cảnh, vừa chở lực lượng báo chí ghi lại sự kiện đặc biệt "trăm năm một hội" này của Sài Gòn. Bốn tàu lai dắt phía trước và sau, cột tàu sơn đỏ, cùng hai tháp định vị màu xanh ở mặt hầm nổi lập lờ trên mặt nước, từ từ di chuyển trên sông. Từ ngã rẽ "Nhà Bè nước chảy chia hai, ai về Gia Định Đồng Nai thì về", đoàn lai dắt tiến vào sông Lòng Tàu để về Sài Gòn - Gia Định. 12 giờ 30 phút, hai tháp chỉ huy của hầm dìm đã xuất hiện bên nhà truyền thống khu di tích bến Nhà Rồng, sau quãng đường dài 22km. Hàng ngàn người dân chờ đón đốt hầm dìm đầu tiên đứng chật hai bên bờ Thủ Thiêm và phía vàm Bến Nghé như những thân nhân hồi hộp chờ người nhà mình ngoài phòng thi. Mặt sông hẹp nên việc lai dắt đốt hầm dài suýt soát 93m xoay ngang 90 độ không phải dễ dàng. Đốt hầm cẩn trọng nhích từng chút một. Các kỹ sư, công nhân người Việt Nam, tất bật mà tỉ mỉ kiểm tra góc độ đấu nối của đốt hầm như những thí sinh tự tin và bình tĩnh làm bài thi. Sau nhiều nỗ lực, đốt hầm đã vào đúng vị trí lúc 2 giờ chiều.

8 giờ sáng hôm sau, đốt hầm số 1 bắt đầu được bơm nước vào và lặng lẽ chìm dần xuống sông từ phía bờ Thủ Thiêm. Đốt hầm chìm xuống dăm mét thì dừng lại chờ công nhân lặn chỉnh sửa. Càng xuống sâu, qui trình xử lý càng chặt chẽ hơn, có khi hầm chỉ hạ khoảng mươi phân là phải ngừng lại chỉnh sửa. Công việc cứ tuần tự diễn ra như thế đến khi đốt hầm chìm đúng vị trí. Cuối cùng, nước trong đốt hầm kín được rút hết ra. Bài thi đầu tiên đã vượt qua với kết quả tốt,... Đốt hầm số 2 và 3 được lai dắt về vị trí vào các ngày 4-4 và 5-5-2010 và kết nối với nhau bằng những ron cao su đặc biệt,  hầm có tuổi thọ trăm năm...

Còn đốt thứ tư, đốt cuối cùng? Nó được lai dắt về vàm Bên Nghé vào ngày 4-6-2010 và băt đầu dìm xuống lòng sông Sài Gòn đúng 7g30 sáng 5-6 theo phương thẳng đứng, khác hoàn toàn so với ba đốt hầm đã được dìm trước đó (dìm xiên), vì bây giờ chiều rộng lòng sông chỉ còn thừa đúng 1,25m để dìm đốt 4. Ngay sau khi lắp xong, đốt hầm này được nối thông với đốt số 3 trong tối đó và bơm cát để cố định đáy hầm... Bài thi cuối cùng đã được đặt dấu chấm hết và đây cũng là những ký ức rất đáng ghi nhớ của người Sài Gòn trong bốn chục năm qua...
              
Đường dốc bắt đầu lên. Những ngọn đèn trong hầm tỏa ánh vàng ấm áp. Cách quãng chừng 50 mét, ánh đèn xanh yên bình báo cửa thoát nạn. Tôi nhớ những ngày sửa soạn thông xe, nhiều đoàn đại biểu đã được mời đến tham quan, các bạn trẻ hớn hở phất cờ vẩy chào và đoàn lân sư rồng tưng bừng nhảy múa. Ban quản lý đường hầm mở cửa thoát hiểm giới thiệu: Hầm Thủ Thiêm có hai lối thoát nạn nằm dọc hai bên hông. Đường thoát nạn có đèn chỉ dẫn, loa phát thanh, hệ thống quạt hút gió, thoát khói và chống tụ khói... Sau cửa thoát hiểm, các con số xanh báo quãng cách để người chạy chọn hướng gần nhất. Tôi nhớ cái cửa vừa mở ra đã thấy dấu hiệu hình người chạy và hai mũi tên chỉ hai hướng ngược nhau 519m và 513m, nghĩ bụng đây chính là "khúc giữa" của đường hầm...
Xe chếch mũi lên dốc. Trước mắt tôi, vầng sáng cửa bên kia bờ đã mở ra, trắng lóa... Trên nền trời xa xa ấy, có gương mặt của những người đã làm nên chiếc hầm chui qua đáy sông Sài Gòn, những nhà quản lý, những kỹ sư và công nhân Việt Nam lành nghề và đã trưởng thành qua "kỳ thi tốt nghiệp" với cái "bằng cấp" tầm quốc tế... nằm yên dưới đáy sông. Đó là vốn quí  của một đất nước đang xây dựng...

Vầng sáng vỡ òa, tiếng ồn chợt dứt: Tôi đã sang đến đất Thủ Thiêm...

***

Chúng tôi chạy xe trên đoạn cuối đại lộ Đông Tây bên Quận 2. Đường rộng mênh mông, có đoạn tới 140m, nhà dân thưa thớt, gió biển thổi mặn mòi... Lợi ích to lớn về giao thông, kinh tế, dân sinh... của đại lộ này ra sao báo chí đã nói nhiều, chắc không cần phải dài dòng thêm nữa. Điều đọng lại vẫn là ký ức. Có ai đó đã ví: hầm Thủ Thiêm cong cong như cánh võng, cánh võng mà ai ru mình trong đó cũng nặng những ước mơ...

Từ đầu thế kỷ trước, Thủ Thiêm vẫn còn là một vùng hoang vắng, nơi đất sình lầy ngập nước đầy năn lác, cỏ bàng (giống cỏ năn nhưng to, cao, dùng đươn đệm, may nóp)..., một vùng "bưng biền" thật sự, vùng đất của giới giang hồ hảo hớn và vùng đất của dân cư lầm than. Từ "hòn ngọc Viễn Đông" bên này bờ sông Ngó qua bên chợ Thủ Thiêm / Thấy em đươn đệm giắt ghim trên đầu mà thương biết bao nhiêu...

Trước ngày thống nhất, tuy có thêm xưởng tàu Caric và một số cơ sở công nghiệp nhưng Thủ Thiêm cơ bản vẫn là vùng nghèo khó, vùng đất giang hồ tứ chiếng của những Đông đại ca ở Phú Nhuận và một cánh nữa ở Hoà Hưng tụ tập về đây làm mưa làm gió... Sau 30 tháng Tư, tôi nhớ có lần cô giáo Tống Thị Kim Lộc, người khởi xướng phong trào "lớp học tình thương" gây xúc động một thời đã vượt sông về đây "chiêu sinh" một đứa trẻ  mồ côi chuyên cướp giựt ở chợ Vườn Chuối; cô tới Đồng con mồ tìm ra nhà của một bà "anh chị" cụt tay chuyên "chăn dắt" trẻ trộm cắp, hứa hẹn giành lại tương lai cho em, nhưng cái việc "vá trời" đó dần mai một và chỉ còn trong ký ức...

Cho tới hôm nay, vùng đất này hoàn toàn đổi khác với cái hầm, chiếc cầu Thủ Thiêm và nhiều cầu vượt sông sắp tới... Thủ Thiêm sẽ biến thành một khu đô thị hiện đại, một trung tâm tài chính, thương mại quốc tế, với nhiều cụm chức năng như tài chính, văn phòng, dân cư, giải trí..., tháp truyền hình, nhà bảo tàng, trung tâm nghiên cứu y khoa..., và một công viên lộng lẫy có bến du thuyền quốc tế trên sông, cùng các kiến trúc biểu cảm, đặc trưng của bản sắc văn hoá “sông nước Nam Bộ”. Thủ Thiêm sẽ được ghi tên trên bản đồ du lịch thế giới bởi khu công viên rừng ngập nước độc đáo ở ngay giữa lòng đô thị...

Tôi đã vượt Đông Phố đại kiều qua sông Hoàng Phố thăm khu dân cư Đông Thượng Hải, tôi đã đến ngắm khu "nhà chọc trời" La Défense bên kia sông Seine, Paris... và nay mơ về sự đổi thay của vùng đất Thủ Thiêm, khi lướt gió chui trở lại hầm dưới đáy sông Sài Gòn với bao nhiêu là ước mong, trăn trở...


Tháng 9.2014

......../.