NGUYÊN NGỌC (Trích Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)


NGUYÊN NGỌC 





(Trích Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)  

[www.facebook.com/NguyenNgocTayNguyen?hc_location=timeline]



Trong một bài chân dung viết về Nguyên Ngọc, tôi gọi anh là con người lãng mạn. (Nguyên Ngọc, con người lãng mạn). 

Cũng có thể nói, Nguyên Ngọc là người của cái tuyệt đối. Anh không chấp nhận sự nửa vời, trạng thái lừng chừng. Phải tuyệt đối anh hùng, phải tuyệt đối trong sáng. Không phải anh chỉ nghĩ thế, mà còn sống như thế. Rất dũng cảm, thích mạo hiểm. Anh từng đi đánh thổ phỉ ở Tây Bắc. Từng đi ngựa theo một đoàn buôn thuốc phiện lậu từ Cao Bằng đi Lai Châu. Đi B dài cùng Nguyễn Thi. Nguyên Ngọc ở lại khu Năm, còn Nguyễn Thi thì vào tuốt Nam Bộ. Họ chia tay nhau bên một khu rừng xà nu bạt ngàn, hẹn trở về phải đi đường số một. Ở khu Năm, Nguyên Ngọc sống và chiến đấu như một anh hùng. Một nhà văn như thế thì tìm đâu ra nhân vật trong đời sống thực tế quanh mình. Mà nhất thiết anh phải viết về chủ nghĩa anh hùng. Đó là quan niệm thẩm mĩ của anh. 

Viết Đất Quảng, anh tìm được một nguyên mẫu mà anh cho là lý tưởng. Viết đến tập II, thì được tin cái anh nguyên mẫu nọ té ra cũng dao động, lập tức đốt ngay bản thảo. Tìm đâu ra những con người tuyệt đối như thế? Phải bịa ra sao? Không, Nguyên Ngọc tìm lên núi cao và ra tận biển khơi. Anh tìm đến những con người như thuộc thời hồng hoang nguyên thuỷ, cái thời chưa có kinh tế thị trường, chưa có chuyện danh và lợi làm vẩn đục lòng người…Sống như tự nhiên, như tảng đá, gốc cây, con thú rừng. Ấy là Đinh Núp, Thnú ở Tây Nguyên, là Thào Mỵ ở Hà Giang, Mèo Vạc, là những chiến sỹ anh hùng trong Đường mòn trên biển… Nguyễn Khải thường nhắc lại lời Nguyễn Minh Châu nói với Nguyên Ngọc khi Ngọc vừa trở ra Bắc sau 1975: “Bọn mình cố phấn đấu để trở thành anh hùng, còn ông thì cố phấn đấu để trở thành người bình thường”. 


Đầu óc Nguyên Ngọc chỉ có cái tuyệt đối, cái phi thường mới lọt vào được. Cho nên nói chuyện với anh, thấy anh toàn say sưa kể những chuyện như sử thi, như thần thoại vậy. Anh cho bài viết của tôi về anh, đã nói đúng cái môi trường có tác động tới anh từ nhỏ: phố cổ Hội An và bãi biển Cửa Đại, nơi còn giữ được trong thời hiện đại không khí hoang sơ, hoang dã, với những con người rất đỗi hồn nhiên, trong sáng. Từ đó, năm 17 tuổi, cuộc kháng chiến đã đưa anh lên tuốt Tây Nguyên, lên tận đỉnh Ngọc Linh. Hồi ấy, tâm hồn lãng mạn của anh đã từng mơ ước gặp được một mối tình sơn nữ. 

Nguyên Ngọc trên đường đời đã vớ được cây xà nu. 

Anh liền lấy nó làm nhân vật tư tưởng của anh. Anh đích thực là một cây xà nu, thẳng băng, nhọn hoắt, chọc thẳng lên trời. Con người như thế, tuy người ta rất phục, nhưng không ai chịu nổi, không ai theo được. Sống thế mệt quá, căng thẳng quá! Anh mà làm lãnh đạo thì kể cũng khó đoàn kết được quần chúng. 

Hôm tôi trò chuyện với Nguyễn Đình Thi trên đường đi Tam Kỳ (năm 2000), Nguyễn Đình Thi cho biết, hồi bọn Tàu đánh ta ở biên giới, Nguyên Ngọc lúc ấy làm bí thư đảng đoàn Hội nhà văn, định đưa anh em lên mặt trận biên giới đấy. 

Một con người không biết mềm mỏng trong giao tiếp, rất cứng. Anh rất ghét Nguyễn Đình Thi, cho là thằng giả dối. Trong hội nghị, hễ Thi phát biểu, anh bỏ ra ngoài. Anh rất khinh Huy Cận. Anh cho con người nhân cách bẩn như thế viết hay sao được. 

Người ta nói, thơ Huy Cận trước cách mạng hay đấy chứ! Anh nói dứt khoát: “không hay!”. Anh rất ghét bọn chấp hành Hội nhà văn từ khoá năm, khoá sáu và tờ Văn nghệ của Hữu Thỉnh. Văn nghệ đưa đến, anh vất ngay vào sọt rác. Hội cấp tiền bồi dưỡng sáng tác cho anh, anh từ chối. Nhà anh ở khu tập thể quân đội số 8 – Lý Nam Đế. Từ cổng đi vào gặp rất nhiều nhà văn quen thuộc. Anh đi một mạch thẳng, chẳng trò chuyện với ai, khinh tuốt. 

Nguyễn Văn Hạnh nói, Nguyên Ngọc không có tâm lý làm nhân vật số hai. Anh chỉ có thể làm nhân vật số một. Tất nhiên Tố Hữu rất ghét Nguyên Ngọc. Tố Hữu từng nói với Tô Hoài: “Nguyên Ngọc, cứ để nó làm bí thư đảng đoàn thì nó sẽ làm vua”. Nguyên Ngọc thì bướng. Tố Hữu thì hách, tất nhiên rất ghét nhau. Hồi Nguyên Ngọc làm bí thư đảng đoàn Hội nhà văn, anh tổ chức một cuộc hội nghị nhà văn đảng viên. Anh đưa ra một bản đề cương chống giáo điều, đổi mới văn học. Tố Hữu đến, lên phát biểu đã phê phán quyết liệt bản đề cương, coi là hiện tượng ngược dòng. Vậy mà khi kết luận hội nghị, Nguyên Ngọc vẫn khẳng định bản đề cương đã được hội nghị nhất trí tán thành. Rõ ràng là bất chấp thái độ Tố Hữu… 
Tối hôm đó ở 4 Lý Nam Đế (Trụ sở Văn nghệ quân đội), Nguyên Ngọc đang ngồi với Nguyễn Khải, Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Trọng Oánh, Giang Nam, thì Chế Lan Viên đi bộ từ 51 Trần Hưng Đạo đến: “Tôi khuyên các anh đến xin lỗi anh Tố Hữu, tôi đưa các anh đến”. Không ai nói gì. Nguyên Ngọc trả lời: “Cám ơn anh, tôi tự thấy chả có gì phải xin lỗi cả. Còn nếu cần đến anh Tố Hữu thì tự tôi đến cũng được, không cần anh phải dẫn đi. (Chế Lan Viên ghét Nguyễn Đình Thi, muốn đưa Nguyên Ngọc lên để hạ Nguyễn Đình Thi. Vì thế không muốn Nguyên Ngọc đổ).


Nguyên Ngọc yêu ghét rất phân minh. Người anh ghét chủ yếu là những nhân cách xấu: Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Vũ Quần Phương, Phạm Tiến Duật, Đào Vũ, Hà Xuân Trường, Phan Cự Đệ… Anh rất quý Trần Độ, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Hoàng Ngọc Hiến… Nhưng Nguyên Ngọc hoàn toàn không phải là con người khắc khổ. 

Tôi bia bọt với anh nhiều lần. Anh sống rất thoải mái. Có chất nghệ sĩ. Tô Hoài từng đi một chuyến công tác với Nguyên Ngọc lên Tây Bắc. Ông nhận xét, Nguyên Ngọc về tình cảm thì mềm, chỉ lý luận và cách ứng xử thì cứng. Nguyên Ngọc là đối tượng hấp dẫn của một cô gái Mèo xinh đẹp tên là Vàng Thị Mỹ ở Đồng Văn, Mèo Vạc, Hà Giang. Cô làm phiên dịch cho bộ đội. Tô Hoài nói, ba mươi năm gặp lại Vàng Thị Mỹ, thấy vẫn đẹp. Cô ghi vào cuốn sổ tay của mình: “Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng ơi! (Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng là tên một tác phẩm của Nguyên Ngọc). Chắc nhớ và yêu Nguyên Ngọc lắm mới viết như thế. Và Nguyên Ngọc chắc cũng yêu cô. Vì anh tả Thào Mỵ đẹp tuyệt vời, đẹp như tiên “Khi im lặng trầm uất như một ngọn núi Mèo cô độc, khi lẳng lơ như những bông hoa thuốc phiện quyến rũ, khi phấp phới như ngọn gió ào ạt trên đỉnh Săm Pun…” Văn như thế thì cũng đa tình đáo để. 

Cho nên, Nguyên Ngọc tư tưởng rất cấp tiến, thích những lý thuyết mới mẻ, cởi mở. Rất ghét giáo điều. Yêu cầu dân chủ và đổi mới thật sự. Cho nên Nguyên Ngọc tán thưởng Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, Chiều chiều, Ba người khác của Tô Hoài… Nguyên Ngọc và Nguyễn Khải là hai tính cách đối lập. Một đằng rất lý tưởng, rất lãng mạn. Một đằng thiết thực và tỉnh táo. Một đằng dũng cảm, một đằng thì nhát. Nhưng Nguyên Ngọc thích Nguyễn Khải vì Nguyễn Khải chân thật. 

Nguyên Ngọc và Tô Hoài cũng là hai cực đối nghịch. Một đằng quan niệm con người là con người, tầm thường vậy thôi. Một đằng quan niệm con người là thiên thần, là thơ, là lý tưởng. Nhưng họ gặp nhau ở tư tưởng cấp tiến. Nguyên Ngọc nói với tôi nhiều lần: “Chế độ này thế nào cũng sụp đổ. Nhưng không biết nó sẽ sụp đổ theo kịch bản nào”. 

Hiện nay Nguyên Ngọc đang giúp Quảng Nam xây dựng một trường Đại học dân lập ở Hội An. Tôi hỏi anh, xây dựng trường theo kiểu gì? Anh nói vắn tắt: “Theo kiểu Mỹ”. Nguyễn Khải cho là ảo tưởng, là phiêu lưu. Nguyễn Văn Hạnh thì nói: “Nguyên Ngọc có thể gọi là một nhà tư tưởng, có thể đặt tên phố như một danh nhân. Nhưng quản lý một trường học thì không được.” Nguyên Ngọc mời anh làm hiệu trưởng. Anh từ chối. 

Nguyên Ngọc trước sau vẫn là một con người lãng mạn. 

Láng Hạ, 9.1.2008. 

Nguyễn Đăng Mạnh


........./.

HÀ VĂN THỊNH & NGUYỄN CHƠN TRUNG & LÊ HIẾU ĐẦNG



Sự nghiệp của Đảng dài hơn đời người 

http://tuoitre.vn/ban-doc/565759/su-nghiep-cua-dang-dai-hon-doi-nguoi.html


Mở đầu cho bài này, tôi xin khẳng định điều đầu tiên: tôi đã từng công tác chung với anh Lê Hiếu Đằng từ những ngày ở trong rừng, sau này lại tiếp tục gắn bó với nhau trong những vị trí công tác ở TP.HCM. 


Tôi với anh, cũng như với các anh khác đã, đang và vẫn luôn luôn là những người bạn thân thiết, đã từng có những bữa uống rượu, bàn chuyện đời quên trời quên đất.  

Nay, đọc bài anh viết trên giường bệnh, cả các bài anh trả lời phỏng vấn báo nước ngoài, tôi cảm thấy Lê Hiếu Đằng hôm nay khác xa với Lê Hiếu Đằng hôm qua, khi chúng ta cùng nhau xuống đường, trải qua những trận đàn áp khốc liệt, cùng vác balô vào rừng chịu đựng bao gian khổ, bao trận càn dữ dội, kể cả khi hòa bình anh đứng trên bục giảng cho học viên bao điều khoa học, tâm huyết về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam...  Tôi rất chia sẻ với anh những tâm sự của một người rất tâm huyết với đất nước, đã dấn thân vì nước từ những ngày còn rất trẻ.  


Chúng ta đều là trí thức, từ ngày cùng nhau bước vào con đường cách mạng, ai cũng đã thấu hiểu mình đấu tranh, hi sinh cho một lý tưởng: lý tưởng cộng sản, không có mục đích nào khác là xả thân cho Tổ quốc, nhân dân.  Con đường ấy chúng ta đi, có thăng có trầm. Cách mạng không phải một đường thẳng. Những sai lầm trong quản lý kinh tế, trong chính sách, chủ trương sau năm 1975 là có thật, rất nghiêm trọng, đã được nhìn nhận đầy đủ.  Sai lầm ấy đã được sửa chữa và chúng ta đã đi đến đường lối đổi mới. Không nên nhìn quá cực đoan mà cần nhìn trong tinh thần xây dựng.  

Chúng ta phải cùng nhau sát cánh đấu tranh để mạnh hơn, cùng nhau vượt qua những sai lầm, những khó khăn, phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo để có thái độ ứng xử đúng đắn thì mới có thể tiếp tục cùng nhau đi tới.  


Tôi thật buồn khi đọc những dòng anh viết: “Tôi xin “tính sổ” với Đảng Cộng sản Việt Nam và với bản thân cuộc đời của tôi”. Anh Đằng ơi, ừ thì khi về già, ta có thể nhìn lại cuộc đời mình, có thể tính sổ cuộc đời mình, chứ sao lại tính sổ với Đảng.  Đảng của chúng ta từ ngày ra đời đến nay đã 83 năm, so với tuổi thọ của một người vẫn còn chưa được coi là dài, nhưng Đảng đã cùng nhân dân kiên cường vượt qua biết bao phong ba, bão táp, đương đầu với mọi kẻ thù, chịu đựng bao gian khổ, hi sinh.  

Đã có hàng triệu đảng viên ngã xuống trên khắp các chiến trường và trong lao tù thì mới có nước Việt Nam hòa bình - độc lập - thống nhất cùng 27 năm đổi mới đất nước như hôm nay. Những thành tựu ấy đều mang ý nghĩa lịch sử đáng tự hào. Lịch sử của Đảng, sự nghiệp của Đảng là do, và phải do nhiều người, nhiều thế hệ vun bồi chứ đâu thể đòi hỏi phải tính những thành bại gọn trong một đời người.  Chúng ta không thể đánh mất những điều tốt đẹp mà chúng ta đã đạt được bằng xương máu của chính mình, của đồng đội mình và của cả dân tộc.  Anh hãy nhớ lại lịch sử: 68 năm trước, khi thành lập Chính phủ độc lập, Bác Hồ đã mời nhiều đảng, nhiều nhân sĩ trí thức với những xu hướng chính trị khác nhau cùng tham gia chính quyền, cùng chống Pháp xâm lược, xây dựng hòa bình độc lập, thống nhất đất nước.  Ngày càng về sau, đối mặt với chiến tranh khốc liệt, với sống chết, nhiều đảng đã rời bỏ cuộc kháng chiến, thậm chí có đảng còn quay lưng lại, chống phá cách mạng, chống lại nhân dân.  

Không ai phủ nhận sự đóng góp của những người ngoài Đảng, của các phái khác như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học, Nguyễn An Ninh... nhưng Đảng Cộng sản vẫn là nổi bật nhất, một mực trung thành với nhân dân, với lý tưởng, xả thân hi sinh vì nước vì dân, xứng đáng làm ngọn cờ hiệu triệu hàng triệu người để bảo vệ đất nước.  

Tôi và nhiều đảng viên khác cũng nhìn thấy rõ những sai lầm, những tiêu cực trong Đảng như anh, kể cả cấp cao nhất là Tổng bí thư cũng đã thừa nhận, nhưng chúng tôi vẫn đứng trong Đảng để đấu tranh, sửa chữa chứ không quay lưng chống lại Đảng. 

Ví von một cách hình ảnh: khi trong nhà có rác, hay tường, cột kèo có hư hỏng, chúng ta nên chọn giải pháp quét rác đi, sửa chữa chỗ dột, chỗ mục nát hay là đập bỏ, đốt nhà xây mới?  

Tôi có gặp một số trí thức Việt kiều và bàn về vấn đề này. 

Không phải ai cũng tán thành chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản nhưng họ đều nói: “Anh em không ở ngoài nên không thấy sự ổn định chính trị của Việt Nam là vô cùng quý giá. Chúng tôi chỉ mong ổn định chính trị để về nước đầu tư, có thời gian xây dựng sự nghiệp và đất nước”.  

Tôi là người trong cuộc, anh em mình đã từng kề vai sát cánh bên nhau nên tôi rất hiểu. Chúng ta lớn tuổi rồi, nhìn lại thấy mơ ước của mình chưa thành hiện thực, sốt ruột lắm.  

Nhưng chúng ta đã được nhìn thấy ngày nay: vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế đã lớn mạnh hơn xưa nhiều lắm, xưa thế giới biết Việt Nam vì chiến tranh, nay biết Việt Nam vì có thành tích xóa đói giảm nghèo rất ấn tượng, trình độ học vấn ngày một cao, mức sống cũng tăng lên nhiều lần.  Ta đã có hòa bình, độc lập, tự do và đang từng bước thực hiện quá trình dân chủ. 

Những thành quả ấy là vinh quang chứ, trong đó có cả phần của anh Đằng. Đã sốt ruột vì đất nước trì trệ, nếu không chung tay gánh vác sẽ còn trì trệ hơn.  Tôi cũng có một bài thơ viết cho cuộc đời sóng gió của mình, xin chép ra đây tặng anh:  

Đời  

Đời với ta tuy hai mà một 
Ta với Đời tuy một mà hai 
Đường đời còn lắm chông gai 
Sao ta cứ mãi mê say với Đời 
Ta nhờ người nên đời nên vóc 
Đời cho ta trí óc thông minh 
Cho ta chân cứng đá mềm 
Cho lòng ta vững như kiềng ba chân  
Ta với Đời mười phần trọn vẹn 
Đời với ta như kiếm như gươm 

Ta đưa Đời đến vinh quang 
Đời làm ta quá phũ phàng vậy sao  

Đời làm ta lao đao lận đận 
Không bao giờ ta hận với Đời 
Đời gieo trăm đắng ngàn cay 
Lòng ta vẫn mãi yêu Đời, Đời ơi.  


Tôi rất xúc động khi đến thăm anh trên giường bệnh, nhìn gương mặt anh, thấy rõ tâm anh bất tịnh. Đức Phật đã nói: “Tâm bất tịnh thì thân thọ khổ”. Với tình đồng đội sống chết với nhau năm xưa, tôi nghĩ anh phải cố gắng giữ cho tâm được tịnh, để tâm hồn thanh thản hơn, sức khỏe tốt hơn và sẽ có cơ hội làm điều gì đó tốt đẹp hơn cho đất nước ở tuổi “cổ lai hi” của chúng mình.  

Cuối cùng, chắc anh Đằng vẫn nhớ lời hẹn cùng nhau uống rượu ngâm bao tử nhím với tôi sau khi trị bệnh chứ?  

NGUYỄN CHƠN TRUNG (Sáu Quang)


........../.










Mục nát thì phải phá bỏ, thưa ông Nguyễn Chơn Trung! 



Hà Văn Thịnh 




Lâu lắm rồi tôi không viết, vì nhiều lẽ, nhưng cái chính là do tiêu cực, tham nhũng, cái ác, cái xấu của quan chức nhiều quá; sự dốt nát, lộng hành, khinh dân – kiêu binh… của các cấp lãnh đạo nhiều quá (chẳng hạn: hơn 50.000 văn bản sai quy phạm pháp lý, đến mức như những trò hề)…, thành thử, nếu viết sẽ lại trùng, lại lặp, bởi động đến cái gì cũng có “tham gia” rồi (tôi đã từng có bài “Viết cái gì và viết thế nào đây”)…  


Thế nhưng, hôm nay đọc bài của ông Nguyễn Chơn Trung – Sáu Quang , tự thấy rằng không thể im lặng…  

Trong các “nguyên tắc” của phản biện thì tiêu chí đầu tiên không thể thiếu là sự chặt chẽ của lập luận, chứng cứ. Ông Nguyễn Chơn Trung phê phán ông Lê Hiếu Đằng để “thức tỉnh” – phù phép hàng triệu người có thể “lầm lạc” (như ông Lê Hiếu Đằng?) nhưng lại quá kém cỏi khi sự biện hộ biến thành ngụy biện một cách thô thiển. 

Do khuôn khổ của một bài có hạn, xin nêu ra mấy chỗ khó chấp nhận sau đây.  

Thứ nhất, ông Nguyễn Chơn Trung cho rằng “Đã có hàng triệu đảng viên ngã xuống trên khắp các chiến trường, trong lao tù thì mới có nước Việt Nam hòa bình – độc lập  – thống nhất cùng với 27 năm đổi mới đất nước như hôm nay”. Thật là nực cười khi trong những thành tựu mà NCT vơ hết vào mình ấy chẳng thấy bóng dáng nào của NHÂN DÂN – DÂN TỘC? Càng khôi hài hơn nữa khi ai cũng biết rõ rằng “ngày xưa” đảng viên ít lắm, đông như bây giờ thì cũng chỉ chiếm 3% dân số. Vậy, nếu đảng viên chết hàng triệu (“hàng triệu” có nghĩa là phải từ hai triệu trở lên) thì dân chết hàng chục triệu sao? Và không lẽ sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước chỉ do mỗi đảng viên làm?  


Thứ hai, ông Nguyễn Chơn Trung cho rằng “vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế đã lớn mạnh hơn xưa nhiều lắm” bởi thành tích xóa đói giảm nghèo rất ấn tượng. Đọc đến đây thì chắc hẳn ai cũng phải nghẹn họng bởi cách viết nói lấy được không hề biết thế nào sự run rẩy của sự xấu hổ mỏng manh nhất: 30 năm sau chiến tranh, Nhật Bản là cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, Hàn Quốc là con rồng mới của châu Á, Cộng hòa LB Đức là nền kinh tế thứ ba…; còn ta, sau 38 năm, vẫn cứ mải mê mài miệt với sự tự sướng xóa đói giảm nghèo? Làm sao có vị thế lớn mạnh nếu chỉ loay hoay với xóa đói, giảm nghèo? Ông Nguyễn Chơn Trung không biết rằng tự hào xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới mà cứ tự ca xóa đói là tự vả vào mặt mình đấy – nếu không muốn nói là đang tiếp tục tự bóc trần bộ mặt thật để mặc hàng vạn người bị đói trong lúc xuất khẩu để vơ vét, làm giàu cho một thiểu số nhỏ nhoi. Và, đã xóa đói, giảm nghèo được chưa khi thu nhập thực tế của hàng triệu hộ gia đình nông dân hiện nay chỉ có 48.000 đồng/ngày – cho 4-5 miệng ăn?  


Thứ ba, sự ngụy biện vô lối còn đáng hãi hơn nữa khi ông Nguyễn Chơn Trung triết lý trong cái gọi là thơ với những câu Đời cho ta trí óc thông minh/ Đời với ta như kiếm như gươm/ Ta đưa Đời đến vinh quang/ Đời làm ta quá phũ phàng vậy sao/ Đời làm ta lao đao lận đận/ Không bao giờ ta hận với Đời… 

Không biết “Đời” ở đây có thực là đời hay không vì ông Nguyễn Chơn Trung viết hoa hay ám chỉ một Đ nào đó nhưng thấy hao hao giống những câu khẩu hiệu lòe dân mà ai cũng biết. Chẳng hạn, trí thông minh là bẩm sinh của một con người, thừa hưởng từ mẹ, cha, ông bà, tiên tổ, từ Tạo Hóa chứ chẳng có Đ hay Đời nào mang đến được! 
Chẳng lẽ ông Nguyễn Chơn Trung không biết câu nói nổi tiếng của một danh nhân rằng một triệu kẻ ngu dốt cũng không thể có được một quyết định thiên tài? 
ông Nguyễn Chơn Trung chỉ đúng có duy nhất một điều (trong cả bài): Ta đưa Đời đến vinh quang/ Đời làm ta quá phũ phàng vậy sao (!)…  

Thay lời kết bằng điều đáng bàn thứ tư: ông Nguyễn Chơn Trung đã “ví von một cách hình ảnh” rằng với một căn nhà, khi cột, kèo bị mục nát thì có nên sửa chữa hay không? 

Thưa ông NCT, dột từ nóc, chỉ có nghèo kiết xác mới lấy mo cau mà trám cho cho đỡ ướt, chứ còn cột và kèo đã mục nát thì chẳng có bất kỳ người nào có vài phần trăm chất xám trong đầu lại đi sửa chữa cả.  


Chỉ có vất bỏ đi, thay mới thôi, thưa ông!  


Huế, 27.8.2013  H.V.T.


......../.




...tỷ giá


facebook.com/nguyenvanphu




Tuần này, TBKTSG tổ chức một cuộc bàn tròn qua mạng về tỷ giá.

Vấn đề đặt ra là một giả định:  “Giả thử lạm phát một năm nào đó là 25% và tỷ giá năm đó hầu như không thay đổi. Tôi là một người sản xuất tăm tre trong nước. Theo tốc độ tăng giá chung, có lẽ giá bán của tôi sau một năm cũng phải tăng 25% vì các chi phí đầu vào nội địa tăng kể cả lương, điện, nước, nguyên liệu, vận chuyển…  

Ngược lại, bạn tôi nhập tăm tre về bán. Vì tỷ giá không đổi, giá tăm ở nước ngoài không đổi nên bạn tôi có thể giữ nguyên giá, hoặc tăng ít hơn và sẽ cạnh tranh gay gắt với tôi.  

Đây chỉ là một giả định nhưng thực tế nhiều năm qua quả là như vậy (tính từ tháng 7-2007 đến tháng 7-2013, chỉ số giá tiêu dùng tăng 99,57%; trong cùng thời gian đó, tỷ giá đô-la Mỹ/tiền đồng chỉ tăng 24,2%) thì có phải tình hình như thế đang gây áp lực cạnh tranh giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu hàng về bán? 

Chẳng mấy chốc hầu như mọi doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh nổi với hàng hóa nhập khẩu về giá nên sản xuất đình trệ, hàng tồn kho tăng, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng sản xuất?”  


[...]

...một con số do Tổng cục Thống kê vừa công bố (không đưa vào bàn tròn nói trên): 

Nhập siêu tám tháng năm 2013 là 577 triệu USD, 
trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,4 tỷ USD; 
khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 7,8 tỷ USD.  


Rõ ràng với chính sách tỷ giá như hiện nay các doanh nghiệp trong nước cứ nhập hàng về bán chứ sản xuất làm gì cho mệt (nên mới nhập siêu đến 8,4 tỷ USD)! 

Còn vì sao các doanh nghiệp FDI vẫn xuất siêu đến 7,8 tỷ USD?

Chuyện Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị TPHCM lãnh lương 2,6 tỉ đồng/năm là cá biệt (lương ông này như vậy là còn ngon hơn lương giám đốc ở Mỹ nữa đó) nhưng rõ ràng chi phí tiền lương ở các doanh nghiệp trong nước đã tăng nhanh trong nhiều năm qua.

Lương của giới quản lý tương đương vài ba ngàn đô-la là phổ biến. Cấp cao hơn thì cả trăm ngàn đô-la một năm. Nhưng thử nhìn vào lương của công nhân ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu trước đây lương của họ tương đương 100 đô-la nay tăng lên 200 đô-la thì nhà đầu tư nước ngoài nào chịu thấu – nhưng với thực tế lạm phát như mấy năm qua, mức lương từ dưới 2 triệu nay lên trên 4 triệu cũng chẳng thấm tháp vào đâu. 
Cho nên xung đột lương đã và sẽ còn căng thẳng ở khu vực này.

Nói cách khác chi phí sản xuất (trong đó có lương) ở doanh nghiệp trong nước tăng nhanh do lạm phát, do các loại bong bóng nhà đất, chứng khoán tác động vào nhưng bị kiềm chế mạnh ở doanh nghiệp FDI do tỷ giá. 

Chi phí tài chính cũng vậy (vay trong nước so với vay ở nước ngoài). Vậy doanh nghiệp FDI còn tận dụng được giá công nhân rẻ thêm một thời gian nên vẫn còn xuất siêu lớn. Còn tương lai, họ sẽ tận dụng thêm tài nguyên giá rẻ, hàng nông sản còn thấp, nguồn vốn rẻ, mạng lưới khách hàng… 

Không biết doanh nghiệp trong nước lúc đó cạnh tranh bằng gì?


https://www.facebook.com/nguyenvanphu/posts/10201308862677237

Những điều nói rõ thêm...


Những điều nói rõ thêm...

http://boxitvn.blogspot.com/2013/08/nhung-ieu-noi-ro-them.html





Lê Hiếu Đằng
clip_image002Sau khi bài viết Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh của tôi và bài viết Phá xiềng của nhà báo Hồ Ngọc Nhuận đăng tải trên các trang mạng, một số bạn bè, đồng đội, nhân sĩ trí thức, nhà báo..., hoặc qua điện thoại hoặc gặp trực tiếp tôi đặt một số vấn đề, khiến tôi thấy cần làm rõ thêm về những suy nghĩ của mình.
Trong tình hình đặc biệt cần có những biện pháp đặc biệt, những liệu pháp “sốc” để đẩy nhanh quá trình phát triển theo chiều hướng dân chủ, tiến bộ để hội nhập thực sự vào dòng chảy hiện nay trên thế giới.
Tôi còn nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói ý này trong một cuộc gặp gỡ với một số nhân sĩ, trí thức và anh em trong phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh trước năm 1975, được thường xuyên tổ chức vào ngày 30 tháng 4 hàng năm – ngày mà theo cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt “có triệu người vui, có triệu người buồn”.
Thế thì tình hình đặc biệt hiện nay là gì? Có thể nói một cách khái quát là Việt Nam đang rơi vào một cuộc tổng khủng hoảng sâu sắc và toàn diện trên tất cả các lãnh vực mà nhiều chuyên gia, nhiều nhân sĩ, trí thức, nhà báo trong cũng như ở nước ngoài đã phân tích. Tôi chỉ xin nêu một số tình hình sau đây.
Nền kinh tế của chúng ta đang trên bờ vực thẳm do nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân chủ yếu là do sự lãnh đạo và điều hành yếu kém của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt, những tập đoàn, những nhóm lợi ích đang càng ngày lũng đoạn, chi phối nhà nước một cách nghiêm trọng; tệ nạn tham nhũng, lãng phí tràn lan không thể nào ngăn chận, làm thất thoát không biết bao nhiêu của cải, tài sản của nhân dân. Về vấn đề này, nhiều bài báo, nhiều phát biểu của các chuyên gia kinh tế trong nước và ở nước ngoài đã phân tích một cách sâu sắc với những cứ liệu cụ thể, tôi không nói gì thêm.
Đạo đức xã hội, trong đó những giá trị truyền thống của dân tộc, của gia đình bị xoáy mòn dữ dội trước lối sống thực dụng, giả dối, chạy theo chức vụ, đồng tiền của đông đảo cán bộ, đảng viên và một bộ phận nhân dân. Đặc biệt hai lãnh vực liên quan đến sự hình thành nhân cách và thể chất con người là giáo dục và y tế ngày càng bị thương mại hóa một cách tàn nhẫn, nên đã xuống cấp nghiêm trọng và toàn diện, không phương cứu chữa.
Sự phân hóa xã hội giàu nghèo ngày càng dữ dội. Một bộ phận nhỏ giàu lên nhờ tham nhũng, buôn lậu, mua quan bán tước. Còn đại bộ phận nhân dân, nhất là nông dân, công nhân, những người lao động, cuộc sống vô cùng khó khăn, mất đất mất nhà, phải ly hương khắp nơi, đôi lúc phải cho con em đi lao động nước ngoài như một lối thoát cho gia đình. Thậm chí một số nữ thanh niên rơi vào những địa ngục lao động tình dục đầy thương tâm, mất đi phẩm giá, danh dự của những công dân Việt Nam mà nhà nước phải có trách nhiệm bảo hộ.
Đảng Cộng sản Việt Nam đang rơi vào tình trạng khủng hoảng về lý luận và đường lối nghiêm trọng, với một nền “chính trị cường quyền” – chữ mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ám chỉ đường lối chính trị của Trung Quốc hiện nay nhưng đau xót thay, lại được áp dụng triệt để cho nhân dân Việt Nam. Vì vậy Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng xa dân, mất lòng dân, không có khả năng tự điều chỉnh, thay đổi. Với kinh nghiệm của một người hoạt động trong hệ thống chính trị hiện nay dưới sự lãnh đạo “toàn diện và tuyệt đối” của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiều năm, tôi xin chứng minh khả năng tự điều chỉnh, thay đổi của Đảng Cộng sản Việt Nam là không có, hoặc nếu có thì phải có những điều kiện nhất định.
- Lúc tôi còn là Phó Chủ tịch thường trực và là Ủy viên Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM, có buổi làm việc với ông Lê Quang Đạo, lúc đó là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ông Phạm Văn Kiết (Năm Vận), Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Mặt trận Trung ương. Trong cuộc họp, hai ông đặt vấn đề: Trong hệ thống chính trị hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một tổ chức chính trị xã hội rộng lớn bao gồm nhiều giai cấp, nhiều tôn giáo, dân tộc (theo điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cần phải giữ vai trò “đối trọng” để giám sát chính quyền, ngăn chận khuynh hướng độc đoán, bè phái, tham nhũng. Hai vị nói rất say sưa về vấn đề này. Tôi và các vị trong Đảng đoàn và Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM rất phấn khích, đồng tình. Nhưng một thời gian sau, được biết chủ trương về vai trò “đối trọng” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã bị phê phán kịch liệt và có lệnh không được phép nhắc lại nữa. Ông Lê Quang Đạo cũng được cho về nghỉ vì đã dám có chủ trương nói trên.
- Cách đây vài năm, lúc ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Thường trực Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng có một đề án “Về vai trò giám sát và phản biện xã hội Việt Nam” gởi qua Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng đề án này cũng bị xếp xó cùng với luật lập hội...
- Gần đây nhất là qua việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đề nghị 7 điểm và bản dự thảo một hiến pháp mới, Hiến pháp năm 2013 của 72 nhân sĩ trí thức của cả nước đã được hàng vạn người ký tên đồng tình ủng hộ và những ý kiến có thể gọi là “tiến bộ” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội đồng chính phủ đều bị lờ đi và dự thảo lần thứ tư trình trước Quốc hội vừa rồi có những điều còn lạc hậu thụt lùi hơn cả Hiến pháp năm 1992, nhất là quyền sở hữu đất đai, vấn đề lực lượng vũ trang. Về bản dự thảo lần thứ tư này, 40 vị nhân sĩ trí thức đã ra tuyên bố phê phán thẳng thừng, không còn nói một cách tế nhị như trong đề nghị 7 điểm, mà nói thẳng phải bỏ điều 4 Hiến pháp, phải thực hiện chủ trương đa nguyên đa đảng, phải thay đổi thể chế, v.v. Phải nói đây là những ý kiến quyết liệt nhất từ trước đến giờ của các nhân sĩ trí thức trong cả nước. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn không nghe, như trước đây họ đã không nghe những ý kiến tiến bộ và rất xây dựng của những người đã từng đảm đương những trọng trách trong Đảng và nhà nước như Trung tướng Trần Độ, Trung tướng Đặng Quốc Bảo, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị và nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, và nhiều người nữa. Họ dùng phương châm làm ngơ, không nghe, không thấy để tiếp tục củng cố Đảng, ngỏ hầu “một mình một chợ” muốn làm gì thì làm, đưa đất nước đến bờ vực thẳm.
- Ngoài những sự kiện trên, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam là tạo ra một tầng lớp cán bộ, một loại “giai cấp mới” với nhiều đặc quyền đặc lợi để vì lợi ích cá nhân và gia đình mà sống chết bảo vệ chế độ. Chủ trương phát triển Đảng trong trường học là minh chứng cho việc này. Cho phát triển Đảng trong các trường trung học, đại học sẽ phá vỡ môi trường sư phạm, làm xấu đi quan hệ giữa thầy và trò. Trong một trường học, một lớp học thầy ngoài Đảng còn trò là đảng viên thì còn thể thống gì trong quan hệ giữa thầy và trò. Đoàn Thanh niên Cộng sản là lực lượng “kềm kẹp” học sinh sinh viên mà việc một số sinh viên trường Đại học Luật lập blog “Bảo vệ công lý cho Đoàn Văn Vươn” bị Đoàn Thanh niên Cộng sản của trường này dùng nhiều biện pháp ngăn cản, đe dọa là một ví dụ. Hoặc hiện nay con đường tiến thân của thanh niên để leo nên những nấc thang quyền lực, nấc thang xã hội là về phường xã công tác, vo tròn, luồn cúi, vân vân, dạ dạ để được kết nạp vào Đảng – bước đầu tiên để họ tiến thân vào nấc thang danh vọng. Họ biết rằng trong chế độ hiện nay không đảng viên là không được cất nhắc đảm nhận những chức vụ quan trọng cho họ có quyền hành để nhận quà cáp, hối lộ. Nhiều quan chức giữ vai trò chủ chốt trong chính quyền của TP HCM hiện nay là từ con đường này mà đi lên. Vì vậy trình độ của họ rất kém, thiếu hẳn văn hóa cơ bản, chẳng biết gì về xã hội nhân sự, xã hội công dân, tuyên ngôn Nhân Quyền và các nền văn hóa, triết học của thế giới, nền tảng của tri thức nhân loại hiện nay.
- Điều nghiêm trọng hiện nay là nền Độc lập Dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ mà đồng bào, chiến sĩ chúng ta qua nhiều thế hệ đã hy sinh biết bao xương máu mới giành lấy được, nay bị đe dọa nghiêm trọng bởi nhà cầm quyền Bắc Kinh mà bản chất bành trướng, xâm lược không hề thay đổi. Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhượng bộ nhiều trong hội nghị Thành Đô năm 1990. Đây là cơ sở cho chánh quyền Bắc Kinh mưu toan độc chiếm Biển Đông, thực tế là đã chiếm hẳn Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của chúng ta và nay vẫn tiếp tục ngang ngược bắt bớ, truy đuổi cướp bóc ngư dân của chúng ta đang đánh bắt trong những ngư trường truyền thống. Thật là khó hiểu khi Đảng và nhà nước Việt Nam cho Trung Quốc triển khai lực lượng, tuy gọi là dân sự dưới chiêu bài các dự án kinh tế, ở các vùng chiến lược trọng điểm như Tây Nguyên, các vùng rừng núi phía Bắc, miền Trung và đến cả Cà Mau của đồng bằng sông Cửu Long. Họ biến những khu vực đó thành vùng riêng của họ, không cho người Việt Nam bén mảng vào. Một khi có biến, “đạo quân thứ 5” này sẽ là một lực lượng làm chúng ta không kịp trở tay mà kinh nghiệm trong những ngày đầu cuộc xâm lược của bành trướng Bắc Kinh năm 1979 ở các tỉnh biên giới phía Bắc là những kinh nghiệm đầy máu và nước mắt của cán chiến sĩ, đồng bào ta. Càng khó hiểu hơn khi Đảng và nhà nước Việt Nam lại cấm hoặc lờ đi trong một thời gian rất dài việc tổ chức các ngày tưởng niệm những người đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc này.
Những điều nêu trên chứng minh rằng Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đã không còn là đảng cách mạng như trước đây nữa, mà đang trở thành yếu tố ngăn cản sự phát triển của đất nước, đưa đất nước chúng ta vào một cuộc tổng khủng hoảng toàn diện chưa có lối ra. Gần 40 năm là thời gian quá đủ cho một nước “cất cánh” như các nước trong khu vực. Chủ trương đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản và chủ nghĩa lý lịch cùng với việc không thực tâm thực hiện chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc, làm hạn chế sức mạnh đoàn kết dân tộc, một yếu tố cực kỳ quan trọng để phát triển đất nước cũng như để chống lại sự bành trướng của bọn xâm lược Bắc Kinh. Tôi và nhiều bạn bè đồng đội khác cho rằng nguyên nhân chính là vai trò độc đảng của Đảng Cộng sản, không có những lực lượng xã hội khác thực sự làm đối lập, đối trọng để giám sát, ngăn chận sự lạm quyền, lộng quyền và các chủ trương chính sách của Đảng Cộng sản đi ngược lại lợi ích của quần chúng, của đất nước. Vì vậy đã đến lúc phải đẩy mạnh sự phát triển của xã hội dân sự, xã hội công dân, trong đó có các tổ chức chính trị độc lập và cùng tồn tại với Đảng Cộng sản và đấu tranh qua các cuộc bầu cử công khai hợp pháp có sự quan sát của quốc tế. Sự ra đời của Đảng Dân chủ Xã hội hay một đảng hợp pháp nào đó là lẽ đương nhiên, phù hợp với sự phát triển hiện nay của một nước dân chủ thực sự. Đây là biện pháp đặc biệt để giải quyết một tình hình đặc biệt dù cho có gây “sốc” đối với đảng cầm quyền hiện nay. Việc rời bỏ hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam của nhiều đảng viên vừa qua cũng như hiện nay là để không còn ràng buộc gì nữa với 19 điều cấm đảng viên, tước đoạt một số quyền công dân cơ bản, mà Đảng Cộng sản đã tùy tiện đặt ra, để trở thành những công dân tự do.
Sau năm 1975 trong giới công giáo có một bài hát rất hay “Trước khi là người công giáo tôi đã là người Việt Nam”. Trước khi trở thành đảng viên Cộng sản, chúng tôi là người Việt Nam. Dù quá khứ như thế nào, khuynh hướng ra sao, chúng ta đều là người Việt Nam, đều có chung một mục đích là đấu tranh để xây dựng một nước VIỆT NAM ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC.
Vậy tình hình đã chín muồi để đặt vấn đề này chưa? Một số người đặt vấn đề với tôi như vậy. Tôi và nhiều người nữa thấy tình hình đã chín muồi, khẩn cấp lắm rồi, nếu không tích cực giải quyết thì Việt Nam sẽ rơi vào cuộc tổng khủng hoảng triền miên, không loại trừ nguy cơ sụp đổ, nhất là trước áp lực ngày càng nặng nề của Trung Quốc, một nước láng giềng rất tráo trở, muốn biến nước ta thành một bộ phận, hoàn toàn phụ thuộc họ. Đây là nguy cơ thực sự.
Còn giải thiết rằng tình hình chưa chín muồi thì lại càng phải đấu tranh để nhanh chóng thay đổi thể chế, từ chế độ độc tài toàn trị sang chế độ Dân chủ Cộng hòa, phát triển xã hội dân chủ, xã hội công dân với những lực lượng chính trị độc lập để qui tụ quần chúng ngõ hầu đấu tranh kềm chế, giám sát đảng cầm quyền một cách có hiệu quả. Nếu chưa chín muồi thì chúng ta chủ động làm cho nó chín muồi, chứ chẳng lẽ khoanh tay thụ động ngồi chờ cho nó chín muồi sao? Không thể có thái độ ngồi chờ sung rụng như vậy được. Chúng ta đã ngủ một giấc ngủ dài, làm ngơ trước những cái ác, cái xấu, cái bất công. Trước nỗi khổ của những người dân mất tự do, mất nhà, mất đất, chúng ta phải thức tỉnh, không thể chần chừ được nữa. Để đất nước rơi vào tình hình hiện nay có phần trách nhiệm của giới “sĩ phu”. Vậy đã đến lúc giới sĩ phu trong cả nước phải lãnh trách nhiệm đứng lên, dõng dạc và hiên ngang đi đầu trong cuộc đấu tranh này. Chẳng lẽ chúng ta không thấy xấu hổ trước tấm gương sinh viên Phương Uyên, người con gái 21 tuổi trong phiên xử của tòa án phúc thẩm tại Long An vừa qua hay sao? Trước áp lực của xã hội, của quần chúng, tòa án phúc thẩm buộc phải xem xét lại bản án và Phương Uyên được trả tự do ngay tại tòa. Đây là một kết quả ngoạn mục, ít ai nghĩ đến. Nếu chúng ta cứ thụ động ngồi chờ cho tình hình chín muồi thì chắn hẳn bản án sẽ khác đi. Bất cứ cuộc đấu tranh nào, qui luật chung là đều có những “đột phát khẩu” để phá rào cho quần chúng tiến lên. Sẽ có hy sinh mất mát nhưng chúng ta phải chấp nhận.
Một vấn đề nữa là quá trình ra đời và phát triển một tổ chức chính trị, kể cả một đảng chính trị, không thể một ngày một bữa mà có ngay.
Đọc bài viết Phá xiềng của nhà báo Hồ Ngọc Nhuận, nhiều người hỏi là Đảng Dân chủ Xã hội đã có trên thực tế chưa. Thực ra bài viết của nhà báo Hồ Ngọc Nhuận chỉ nêu ra một ý tưởng để mọi người cùng suy nghĩ. Chứ thực ra việc thành lập một tổ chức chính trị nào, kể cả Đảng Dân chủ Xã hội, đều phải theo một qui trình nhất định. Chúng ta chủ trương đây là một việc làm công khai, hợp pháp nên trước tiên phải thành lập một ban vận động để sơ thảo cương lĩnh, điều lệ để có cơ sở cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ tổ chức này như thế nào, đường hướng ra sao để ủng hộ hoặc không ủng hộ và cũng là cơ sở khi đăng ký với chánh quyền để họ xem đây có phải là một tổ chức khủng bố, phản động, như ngôn ngữ hiện nay họ thường dùng, hay không hay đây là một tổ chức có đường hướng tuy khác với Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng không có gì đi ngược lại lợi ích của đất nước, của dân tộc, có thể cùng song song tồn tại với Đảng Cộng sản và các tổ chức chính trị khác. Chủ trương của chúng ta là hòa bất bạo động, chống lại các hành động quá khích, khủng bố, vũ trang lật đổ. Chúng tôi tin rằng việc làm đúng đắn của chúng ta sẽ được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp quần chúng, tuy bây giờ là đa số “thầm lặng”, những đến một lúc nào đó có điều kiện sẽ trở thành một lực lượng đấu tranh hùng hậu để xây dựng một nước VIỆT NAM HÒA BÌNH, ĐỘC LẬP, THỐNG NHẤT, TIẾN BỘ XÃ HỘI VÀ VĂN MINH, một khát vọng sâu xa mà nhiều thế hệ cha ông chúng ta đã mơ ước.
Cho nên đây là một quá trình vận động. Hiện nay chúng ta đang trong quá trình vận động.
Những điều tôi viết trong bài này cũng như bài Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh là lời tâm huyết mà tôi đem cả tim óc để bộc bạch cho bạn bè, đồng đội và những người đã cùng nhau chiến đấu trước hoặc hiện nay, cũng như những người chưa quen biết trong và ngoài nước. Bệnh tôi chưa biết sẽ diễn biến ra sao, nhưng tôi hạnh phúc được nhiều người – kể cả có vị lãnh đạo cao của Đảng, Nhà nước – thăm hỏi, chăm sóc, có người còn cho những loại thuốc quý. Trong tình hình bất an hiện nay, nếu biết đâu tôi bị một tai nạn nào đó thì xin mọi người xem đây như những gì tôi để lại cho những người thân trong gia đình, những người mà tôi thương yêu, cho bạn bè, đồng đội và cho đời. Đó là tâm nguyện của tôi, rất mong mọi người hiểu cho.
Sài Gòn, ngày 18 tháng 8 năm 2013



L. H. Đ.



......../.

Đã đến lúc, dù không đúng lúc, ông tôi chết!


Đã đến lúc, dù không đúng lúc, ông tôi chết!





Khuất Đẩu











Ông tôi đã chết!
Chết ở tuổi 99 nên sự tiếc thương được mọi người dành cho ông chỉ là: Uổng quá há, còn năm nữa thôi, sao không ráng sống cho đủ trăm? Làm như thể “đủ trăm” thì ông mọc được cánh mà bay lên giời! Dĩ nhiên, vì chưa đủ trăm nên đến tận cuối đời, ông vẫn cứ phải nằm trên chiếc giường mà dù có thay chăn chiếu từng ngày, thì cái mùi của người già, một cái mùi ngai ngái, khăm khẳm vẫn khiến cho những cái mũi trẻ trung của khách đến thăm phải khó chịu. Họ kính cẩn (hay giả vờ kính cẩn) đặt quà lên bàn, run rẩy đưa cả hai bàn tay úm lấy tay ông. Bàn tay ông thì xương xẩu lạnh lẽo. Bàn tay họ thì mum múp ấm áp. Chưa khi nào mà sự tương phản của tuổi trẻ và tuổi già lại rõ rệt đến thế.
Ông chết ngày 15 tháng 8. Lại tiếc!
Phải chi ráng thêm 4 ngày nữa thì trọn vẹn làm sao, vì đó là ngày cách mạng thành công! Một ngày mà ông sung sướng, hãnh diện, luôn nhắc tới, luôn nhớ tới. Ông thường nói, mẹ cha chỉ sinh ra mỗi cái xác, chính cách mạng mới sinh ra ông cái phần hồn. Không có cái ngày ấy thì ông cũng u mê tăm tối như bao thế hệ trước mà thôi.
Ngày ấy ông 26 tuổi. Từ một anh chân quê, quanh năm bận bịu với cái cày cây cuốc, ỗng bỗng dưng được mặc đồ đại cán, đi dép cho dù là dép râu, đội mũ nan bọc vải, mang xách cốt bằng da bò và cứ thế đi xuống xã chạy lên huyện vun vút như con thoi. Có trời mới biết được ông làm đến chức gì. Ngay như bà tôi, là người có một thời tâm phúc ruột rà với ông, mà cũng chỉ biết ông có mỗi một việc là hết đi lại về. Chuyện nhà cửa ruộng vườn, chuyện con cái ốm đau, chuyện tết nhứt giỗ chạp… ông mặc nhiên trút cái gánh hết sức nặng nề đó lên đôi vai mỏng mảnh của bà. Công tác, lúc nào cũng công tác, bà nói. Mà có đưa về được đồng xu cắc bạc nào đâu. Toàn là lấy của nhà. Nhưng nhà đâu có của nả gì. Cũng chỉ toàn là mồ hôi, nước mắt của vợ con thôi. Hỏi thì bảo cấm hỏi, làm cách mạng là phải hy sinh. Đến xương máu còn chưa tiếc, huống hồ là bạc tiền.
Vậy đó, bà nói, ông mày làm cách mạng như thể được mời đi ăn cỗ. Chỉ có mỗi một việc là bỏ dép, phủi chân cho sạch bụi lên ngồi xếp bằng trên phản. Trước mặt là cỗ bàn ê hề. Hết chả lụa đến chả giò. Hết tim cật xào lăn đến canh cá ám. Hết bún Song Thần đến bún Bồng Sơn. Mời mọc nhau, mà thực ra là rình rập nhau, lựa riêng miếng nạc cho mình mà đẩy miếng xương cho kẻ khác. Thi nhau nói, thi nhau cười, vẫn không quên thi nhau gắp, thi nhau múc, thi nhau chan, thi nhau húp, thi nhau lua… xì xoạp đến hả hê. No nê xong lại bày ra bài bạc, đàn hát. Trong khi đám đàn bà con gái dưới bếp thức dậy từ khuya, hết mổ gà lại cắt tiết vịt, hết chiên lại xào, hết đưa những cái tô đầy ụ lên lại đem những cái đĩa nhẵn bóng xuống, hết rượu đến trà, để rồi khi cỗ tàn thì chỉ còn lại trong nồi chút nước có váng mỡ, chan húp đại một chén cơm hay đĩa khoai rồi lại phải mướt mồ hôi mà dọn rửa chén bát, kỳ cọ chảo nồi cho đến tận nửa đêm… Ai là dân, ai là quan? Ai sướng, ai khổ? Cháu biết rồi đấy, không cần phải nói!
Thưa rằng, sở dĩ bà có giọng cay đắng phản cách mạng như thế là vì sau 9 năm, tức hơn 3000 ngày đi đi về về không một chút nào ngơi, ông tôi bỏ bà ở lại trong tay giặc để đi tập kết! Đi một mình thì nói làm chi, đằng này lại được Đảng ưu ái cho đem hai bác tôi theo, một người lúc đó lên 10, một người lên 8. Còn ông thì cũng không quên ưu ái tặng thêm cho vợ một cái bụng bầu, để rồi sau đó bà phải gạt nước mắt mà sinh con trong tù.
Cứ tưởng ông và các con đi 14 tháng lại về, không ngờ đến những hơn 20 năm. Đó là quãng đời dài cơ cực nhất của bà. Vì là vợ của cán bộ nên bà bị chính quyền mới hành tới hành lui, kêu lên kêu xuống hạch hỏi đủ điều. Cái ô nhục của một người đàn bà có chồng cán bộ không kể sao cho xiết. Bọn nghĩa quân, bọn dân vệ đứa nào cũng tự cho mình có cái quyền được chọc ghẹo, gạ gẫm, sờ mó, tán tỉnh bất kể là ngày hay đêm. Có đứa đáng tuổi em út cũng lên giọng cớt nhả: bỏ quách thằng cán bộ già đó đi, về với anh, em Hai ơi!
Ruộng đồng bị bom đạn hai bên thi nhau cày xới, bà phải bồng con lên chui rúc ở chợ súc vật Bình Định. Mùi phân heo gà, mùi nước đái trâu bò nồng nặc trong suốt hai chục năm, khiến cho cái đầu của cha mày trở nên khai ngấy, tối đen, học mãi cũng không đậu nổi cái tú tài, đành phải đi trung sĩ, bà nói một cách chán nản.
Đến tuổi lính thì phải đi thôi, không đi mà yên thân với nó à? Nhưng ông mày lại nổi xung lên, cho đó là nỗi nhục! Ở Bắc về, cha tôi kể thêm, câu đầu tiên ông mày hỏi bà là, sao không đưa nó lên núi theo cách mạng?
Nghe hỏi thế, bà hứ một cái cốc, theo làm gì, theo chi ba cái thứ mà ai cũng ghét!
Ông gầm lên, bà dám ăn dám nói như vậy hả? Nó theo ai, bà để nó theo giặc à?
Ừ, bà ngẩng đầu lên, cái đầu giờ đã lốm đốm bạc, thách thức, thì theo giặc đó, sao ha? Còn thằng Hùng và thằng Cường theo ông thì giờ ở đâu, sao không thấy về?
Ông nói lấp mấp, tụi nó đang công tác.
Công tác gì, bà hỏi dồn, hòa bình thống nhất rồi thì cũng phải về thăm mẹ chứ.
Rồi như linh cảm bởi cái sợi dây thiêng liêng giữa mẹ và con, bà gào lên, con tôi đâu, con tôi đâu? Trả lại con cho tôi!
Đến lúc này, ông mày mới rón rén bước lại bên bà, nói nhỏ đủ để bà nghe, hai đứa hy sinh hết rồi!
Hy sinh là sao? Bà khóc nức nở. Ai bắt chúng nó hy sinh? Ông hả? Hay là cái Đảng chết tiệt của ông?
Tôi cấm bà nói thế, ông lại gầm lên.
Cấm mà được à, mất con mà không cho tôi nói sao? Tôi sẽ đi ăn xin, sẽ gối đất nằm sương ra tận cái Trung ương Đảng của ông để đòi lại con.
Để tôi nói cho bà nghe, ông trở nên nhũn nhặn, tụi nó lần lượt hy sinh là hết sức vẻ vang cho gia đình mình đó. Một đứa trên đường Chín Nam Lào, một đứa tại Quy Nhơn trong Tết Mậu Thân, nghe đâu tại kho xăng ông Tề.
Vậy là các con tôi chết cả rồi, bà khóc quều quào, con ơi là con ơi! Con chết bờ chết bụi, chết tức chết tối, chết đói chết khát mà người ta bảo là vẻ vang, vẻ vang cái nỗi gì hả trời! Đi, ngay bây giờ đây tôi đi ra Bắc đòi con, ông có dám đi với tôi không?
Ai cho phép bà làm cái việc phản động đó, ông hốt hoảng, tụi CIA xúi giục à, hay là cái thằng con theo giặc trời đánh của bà? Phải chi không có nó thì bà đã được phong tặng bà mẹ anh hùng rồi.
Ối trời ơi, anh hùng cái nỗi gì! Bà lại gào lên, con chết mà mẹ lại anh hùng! Có người mẹ nào lại khốn nạn như thế?
Cái buổi chiều đoàn viên không có tiếng cười ấy, tưởng chừng sẽ chia cắt hai người mãi mãi, nhưng không hiểu sao họ vẫn cứ sống chung một nhà. Có lẽ ngoài những điều khác biệt như tối và sáng, ông tôi và bà tôi may ra hãy còn có một điểm chung. Đó là, trong suốt 20 năm ở miền Bắc, ông không dối Đảng để lấy vợ khác, còn bà, tuy chẳng tin gì ở ông nhưng cũng không chịu lấy ai.
Sống chung dưới một mái nhà, nhưng bao nhiêu uất hận đã được tuôn ra như một cái đập vỡ, nên bà chẳng hề mở miệng với ông một lần nào nữa. Ngay lúc lâm chung, ông ú ớ muốn giăng dối điều gì, bà cũng lặng câm như chưa từng biết nói. Bà đi chùa gần như mọi ngày. Ở đó bà lầm rầm cầu xin đức Phật giải oan cho các con. Bà cũng khóc mà xin các con tha tội cho mẹ, vì đã sinh ra các con nhưng lại thua một con gà mái, không dám xù lông ra trước con diều để bảo vệ chúng.
Ông thì ngược lại, ngày nào cũng đến câu lạc bộ hưu trí, đọc báo Nhân dân, đánh cờ và chê bai lớp cán bộ trẻ, nhất là những kẻ a dua, đầu đội nón cối nhưng bụng thì đầy bơ sữa của Mỹ Ngụy. Cha tôi, dù cố tránh mặt ông, nhưng vẫn bị ông càm ràm bực bội. Ông bảo, trong nhà có mùi của thằng giặc nên ăn không thấy ngon, ngủ không yên giấc!
Ngày 19 tháng Tám, ngày 30 tháng Tư, ngày 19 tháng Năm, ngày 2 tháng Chín và bao nhiêu ngày lễ khác nữa, ông sung sướng tự hào được khoác áo đại cán, có dịp đeo huân chương đầy ngực, hãnh diện được ngồi ở hàng ghế của cán bộ lão thành. Huân chương của ông nhiều đến nỗi, nếu đeo hết phải tràn ra cả sau lưng và chen nhau xuống tận rốn, lúc nào cũng được ông chăm chút lau chùi trịnh trọng.
Ông có thể ngồi kể suốt ngày cho con cháu nghe (mà có đứa nào chịu nghe đâu) lịch sử từng cái một, chiến công gì, thành tích ra sao, được trao ngày tháng nào, và ai trao, có bao nhiêu cái được chính tay Bác ký, bao nhiêu lần được gặp Bác, ôi thôi, cả một trời những chuyện có thật và những chuyện tưởng như có thật.
Đã có lần ông muốn viết hồi ký bằng cách kể lại cho tôi ghi. Ông cũng tập tễnh làm thơ ca ngợi Đảng và Bác. Thơ ông được in trên nội san của tỉnh ủy và đã có lần được ngâm đọc trên đài phát thanh. Như mọi người cộng sản chân chính, ông không hề biết khiêm nhường là gì, cứ đem cái vinh quang trong thời bình ấy ra kể mãi.
Ông cũng không hề xót xa mà ngược lại cảm thấy sung sướng khi ruộng đồng được san lấp để từ đó chạy dài những con đường thẳng tắp, mọc lên những ngân hàng nhà nước, cục thuế, đồn công an to đùng. Ông bảo, như thế mà không tiến bộ à, đúng như Bác nói, giờ to đẹp gấp mười lần xưa.
Vì là người cộng sản, nên ông cũng là một trong những người lạc quan nhất nước. Sợ gì Pôn Pốt, Đặng Tiểu Bình! Ông nói, mặc kệ cái lý thuyết mèo trắng mèo đen ngu xuẩn và cái giấc mộng bá bành đáng ghét của nó, mọi việc đã có Đảng lo. Vậy nên, so với bà lúc nào cũng ưu tư rầu rĩ, ông sống rất hồn nhiên, vô tư. Ông như đứa bé còn nằm trong nôi được Đảng đút từng muổng sữa, thay từng chiếc tã. Chỉ có mỗi một việc là nằm mút tay rồi ngủ, chưa cần biết tới những gì xảy ra ở bên ngoài.
Bà thường chua xót nói, ông mày chỉ biết ghét tao và căm thù thằng cha mày chứ biết yêu ai. Nói vậy là bà có hơi thiếu công bằng với ông. Đâu chỉ có ghét và căm thù không thôi, ông yêu nhiều lắm chớ, yêu XHCN, yêu các nước anh em, nhất là nước Lào anh dũng liền núi liền sông.
Có một phóng sự trên truyền hình khiến ông rất xúc động. Phóng sự kể rằng, có hai đứa bé Lào lạc mất cha mẹ đã được tình nguyện quân ViệtNam đem về nuôi. Đến nay hai đứa bé ấy đã thành người già. May mắn làm sao, cả gia đình nhà họ đã được đoàn tụ.
Chính cái lúc bốn mái đầu đã bạc chụm lại nhau trong ánh hoàng hôn trên sông Mê Kông khiến ông xuýt xoa kêu lên: tình đoàn kết Việt-Lào đẹp quá, vĩ đại quá! Và có lẽ vì quá đẹp, quá vĩ đại nên những mạch máu già nua trong não của ông không chịu nỗi, vỡ ra, khiến ông lịm dần rồi nằm im một chỗ.
Đúng như ông nói, mọi việc đã có Đảng lo. Từ ngày ông bị đột quỵ đến nay đã mười bốn năm. Mười bốn năm ông được Đảng đưa từ viện này đến viện nọ, từ Tây y đến Đông y. Đảng lo cho ông từng viên thuốc, ống kim tiêm (qua bảo hiểm y tế), nhiều lần đút cho ông ăn, lau rửa cho ông khi đái ỉa (qua hộ lý). Giờ ông chết, Đảng cũng lo hòm xiểng, tẩm liệm, lo cáo phó trên truyền thanh truyền hình, lo cả điếu văn… Và nhờ vậy con cháu mới biết được ông đã kinh qua rất nhiều chức vụ. Từ quân sự đến chính trị, từ văn hóa đến cả khoa học, nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành, khó khăn nào ông cũng vượt qua.
Nói chung, một người có đến 70 năm tuổi Đảng như ông, tức là được Đảng dạy dỗ trở thành người yêu nước yêu dân mẫu mực (nhưng không yêu vợ con) thì những chức vụ kia, những huân chương nọ là rất xứng đáng. Chỉ có một điều ai cũng lấy làm ngờ nhưng không dám nói ra, ấy là cái chức Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh X. bỗng dưng như từ trên trời rơi xuống tỏa ánh hào quang rực rỡ suốt một cõi (gần đủ) trăm năm của ông.
Nếu bảo rằng cái tin ông chết không khiến ai bất ngờ là thiếu kính trọng. Mà bảo rằng ai cũng thấy nhẹ người là thiếu nhân ái mà thừa tàn nhẫn. Còn bảo rằng rất đỗi vui mừng là quá hỗn. Tiếc rằng đó là sự thật.


[...]


15/8/2013


......../.

sân bay Long Thành




Không sân bay Long Thành vẫn có cách làm tăng hiệu quả



Thay vì phải xây dựng một sân bay mới, TS Trần Đình Bá, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đã đưa ra một giải pháp chứng minh tính hiệu quả và tiết kiệm hơn rất nhiều.
PV: - Thưa ông, câu chuyện về vận tải hàng không thời gian qua được dư luận đặc biệt quan tâm nhất là khi có ý kiến phản biện của 2 chuyên gia liên quan đến dự án Sân bay Long Thành. Xung quanh những ý kiến này ông đánh giá như thế nào về năng lực vận tải hàng không hiện nay của Việt Nam?
TS Trần Đình Bá: - Có thể nói Việt Nam đang sở hữu một danh sách trên 50 sân bay cả cũ lẫn mới, với những sân bay hiện đại tầm cỡ quốc tế như Tân Sơn Nhất lớn hơn cả sân bay Changi – Singapore, đến những sân bay có từ thời chiến tranh bị Cục Hàng không Việt Nam cho rơi vào quên lãng, gần như bình quân tỉnh thành nào cũng có sân bay.
Siêu đô thị là Thành phố Hồ Chí Minh có sân bay tân Sơn Nhất bên cạnh là sân bay hiện đại Biên Hòa có tính năng ngang với Đà Nẵng chưa dùng đến.
Thủ đô Hà Nội có tới 3 sân bay là Nội Bài – Gia Lâm – Bạch Mai. Riêng  Gia Lâm là sân bay quốc tế đầu tiên của nước Việt Nam độc lập đã có ngày từng tiếp nhận hàng trăm máy bay của các đoàn nguyên thủ quốc tế đến Hà Nội 9/1969, sân bay lịch sử - điểm đến của nhiều máy bay vận tải quân sự hạng nặng DC 10 sau Hiệp định Paris 1973.
Có huyện đảo chỉ 80.000 dân – bằng một phường của TP HCM cũng sở hữu tới 2 sân bay, trong đó có một sân bay quốc tế hiện đại công suất 5 triệu hành khách/năm.
Riêng số lượng sân bay quốc tế, VN đã có tới 10, gấp ba lần Nhật Bản – một cường quốc kinh tế đứng thứ ba thế giới.
Chỉ dùng phép nhân thông thường, bình quân cho mỗi sân bay trị giá 1.5 tỷ USD thì Hàng không nước ta đã sở hữu một tài sản tới 75 tỷ USD – gấp đôi cả giá trị tài sản của ngành Đường sắt mà chưa thể có một bộ ngành nào sở hữu lượng tài sản quốc gia lớn như cục Hàng không đang thay mặt nhà nước quản lý vận hành khai thác.
“Tầm phủ sóng” của sân bay dày đặc có thể tính bình quân bán kính khoảng 30 km có một sân bay cạnh tranh được với ngành viễn thông.
Trong  ASEAN, nước ta có một hạ tầng hàng không tốt nhất như đã nêu với một thị trường hàng không dồi dào với 90 triệu dân và 5 triệu kiều bào ngoài thường xuyên đi về bằng đường hàng không.
Chỉ 1 sân bay Changi mà công suất  60 triệu hành khách/ năm thì nội suy tuyến tính 10 sân bay quốc tế và các sân bay khắp các tỉnh thành thì tiềm năng của tất cả các sân bay nước ta có thể tiếp nhận tối thiểu 200 triệu hành khách/năm, gấp hai lần dân số nước nhà. Đó là con số còn quá khiêm tốn so với hạ tầng hàng không lên  tới 75 tỷ USD.




TS Bá kiến nghị phải đổi mới toàn diện và cho nhiều hãng máy bay giá rẻ vào vận hành





PV: - Như phân tích của ông cho thấy cơ sở hạ tầng của hàng không Việt Nam rất tốt nhưng chúng ta chưa phát huy được hiệu quả của nó. Xin ông phân tích kỹ hơn và có thể chỉ ra vì sao chúng ta lại có thực trạng đó?
TS Trần Đình Bá:- Hàng không VN đang đưa nước ta  dẫn đầu thế giới về lãng phí hạ tầng. Tiềm năng 200 triệu hành khách đi/năm, tương đương bình quân mỗi người dân được mỗi năm 2 lần sử dụng dịch vụ hàng không, dù  đây còn là tỷ lệ quá thấp so với các nước xung quanh ta - thế nhưng hiện nay năng lực vận tải hàng không chỉ mới đạt gần 12 triệu hành khách/năm.
So với tiềm năng ngành hàng không chỉ mới khai thác được 6%, tức để lãng phí tiềm năng tới 94%.
Riêng sân bay Tân Sơn Nhất lớn nhất nước mà năng lực hiện nay mới chỉ đạt khoảng 5 -6 triệu hành khách/năm thì cũng mới chỉ bằng 1/12 so với Changi trong khi diện tích sân bay của ta lại lớn hơn, lợi thế thị trường về dân cư thuận tiện hơn nhiều lần.
Thế nhưng với tài sản về  hạ tầng gấp 2 lần đường sắt, gấp 7 lần đường sông mà năng lực vận tải về hành khách và hàng hóa chỉ đạt 0.3% thị phần, chỉ bằng 1/3 đường sắt, và bằng 1/40 đường sông và xếp cuối bảng trong 5 loại hình vận tải là Đường bộ , Đường sông - Hàng hải và  Đường sắt. Đây là là sự thất bại đến mức tồi tệ nhất nấp sau những ảo ảnh thành tích vừa qua.


Nhiều sân bay tài sản tới hàng tỷ USD mà mỗi tuần chỉ có vài chuyến trong khi phải nuôi cả một hệ thống vận hành.
Sân bay quốc tế Cần Thơ nơi trung tâm Tây Đô mà mỗi ngày chỉ vài chuyến, các sân bay địa phương khác như Đồng Hới, Dung Quất, Quy Nhơn, Cam Ranh, Liên Khương, Buôn Mê Thuột cũng vắng như “chùa Bà Đanh” vài ngày mới có một chuyến chiếu lệ.
So với khu vực thì càng lãng phí , thị phần vận tải hàng không nước ta chỉ bằng 1/5 so với Singapore – nước có 4 triệu dân và duy nhất chỉ có 1 sân bay nhỏ hơn Tân Sơn Nhất , Thua xa cả Thái lan, Philippin, Malaixia có dân số ít hơn ta. Về chất lượng phục vụ hàng không thua xa Lào  – Cambodia – Mianma, giá vé lại cao nhất thế giới.
Hạ tầng hàng không siêu lớn còn phương tiện bay thì lèo tèo. Đội bay hùng hậu nhất là VNA cũng chỉ có 80 chiếc, các hãng khác chỉ 10, gia tài rỗng tuyếch vì từ phi cơ đến phi công toàn phải “thuê khô”, “thuê ướt”.
Mỗi năm tới 1200 lượt phi công nước ngoài, thuê cả nữ phi công ngoại, cả phi công bằng rởm đó là một sự mất cân đối, một sự thua thiệt đáng hổ thẹn!    
Các hãng Hàng không thi nhau thua lỗ và phá sản, hàng năm Chính phủ phải đứng ra ký bảo lãnh L/C vay nợ nước ngoài hàng trăm triệu USD và các ngân hàng trong nước trong khi năng lực vận tải chưa vượt qua con số 12 triệu hành khách/năm thì lấy gì gọi là có lợi nhuận để nuôi hàng không và trả nợ, nguy cơ vỡ nợ  “Vina Alines” là khó tránh khỏi.
Về giá vé và giá dịch vụ sân bay thì trên trời. Vé máy bay VNA từ HN- đến TPHCM tương đương chuyến du lịch Thái Lan 5 ngày 4 đêm…
Chuyện bát mỳ tôm sân bay đắt tới mức Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng phải lắc đầu, làm chấn động giới truyền thông… cho thấy chúng ta chưa biết cách ‘chiều lòng’ khách để thực sự thu hút họ.
PV: - Vậy theo ông có giải pháp nào khác để ‘cứu’ hàng không ra khỏi tình trạng hiện nay, cải thiện được năng lực mà không phải đầu tư lãng phí?
TS Trần Đình Bá: - Tôi cho rằng hoàn toàn không có chuyện quá tải hay tắc nghẽn đường hàng không mà chính là tắc nghẽn tư duy.
Tôi nghĩ cần phải rà soát lại để thấy những điểm khuyết, nhanh chóng bù đắp thì may ra mới  thay đổi được thực trạng.
Ví như việc sắp sếp lịch bay, chuyến bay, cách thức vận hành, tận dụng tối đa tính năng các sân bay hiện có… cải thiện dịch vụ cũng là khâu đặc biệt quan trọng.
PV: - Với tư cách là một chuyên gia ông tư vấn gì cho ngành hàng không lúc này?
TS Trần Đình Bá: - Cục Hàng không VN đang làm ngược đường lối Đổi mới, vi phạm luật Doanh nghiệp khi trói tất cả các hãng hàng không trong cơ chế cửa quyền quan liêu bao cấp – xin cho và làm trái quy luật kinh tế hàng không về đường bay. Họ đã bức tử nhiều hãng hàng không như ICA, MCA đi đến phá sản và đẩy JPA thua lỗ cho VNA thì khó tránh khỏi một “Vina Arlines”.
Tôi nghĩ rằng cần cho đổi mới toàn diện, kiên quyết xóa tệ quan liêu bao cấp cửa quyền vô trách nhiệm trong Cục Hàng không cụ thể bằng “Dự án kinh doanh có lãi cho VNA… từ năm 2012.
Phải để cục Hàng không đi đúng đường lối đổi mới hội nhập theo hiệp định “Bầu trời mở rộng với ASEAN “để đi đúng quy luật kinh tế hàng không.
Phải mở cửa cho các hãng hàng không giá rẻ vào VN để chúng ta khai thác tiềm năng lợi thế hạ tầng hàng không, đưa năng lực vận tải hàng không lên 80-90 triệu hành khách/năm.
Đó là cú đột phá thông minh để giảm thiểu TNGT, vừa tiết kiệm đầu tư công cho Chính phủ.  Cục hàng không cần phải “cởi trói” các hãng hàng không tự tìm lối kinh doanh có lãi theo đúng đường lối đổi mới.
Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!
Bích Ngọc (Thực hiện)     

 



....../.

....NHẠC CẢM [2]


http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/565571/nhac-si-nguyen-anh-9--toi-xin-loi.html

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: “Tôi xin lỗi”



Chiều 25-8, trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cho biết ông muốn gửi lời xin lỗi đến các ca sĩ nếu như họ cảm thấy buồn lòng vì những lời nhận xét của ông được diễn đạt sai ý.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 thừa nhận ông có trả lời phỏng vấn phóng viên một tờ báo điện tử về một số ca sĩ được xem là hàng đầu hoặc đang nổi tiếng bậc nhất trong làng nhạc Việt hiện nay.
Tuy nhiên, ông cho rằng những lời của ông đã được phóng viên “diễn dịch” theo ý khác. “Ý tôi đã bị hiểu lầm. Trong suốt cuộc đời nghệ thuật của mình tôi vốn rất kiệm lời và không bao giờ tự cao tự đại. Tôi giận mình tại sao nói không rõ ràng để người khác hiểu lầm".
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nói dù đánh giá cao hay không cao về bất kỳ ca sĩ nào, ông cũng tôn trọng “nét riêng” của họ.
“Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà… hay bất kỳ ca sĩ thành danh nào khác đều có khả năng thực lực riêng, có một hướng đi và chỗ đứng riêng. Quan trọng nữa là mỗi ca sĩ sẽ đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận công chúng mến mộ mình. Chính nét riêng của từng ca sĩ mới hình thành được một nền ca nhạc phong phú, đa dạng, phục vụ đông đảo đối tượng công chúng”.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cũng thừa nhận ông “quá mệt mỏi và buồn” trong hai ngày qua. “Có người đồng ý, có người phản đối, dư luận ồn ào nhưng sao không nghĩ rằng ai cũng có quyền nhận xét của riêng mình. Hơn nữa, tôi không muốn những nhận xét của mình bị hiểu theo hướng “đạp đổ, phủ nhận” ca sĩ này, ca sĩ khác. Tôi không hề muốn làm tổn thương người khác như vậy bởi tôi chưa bao giờ có ác cảm với ai hết".



/////////////



Đàm Vĩnh Hưng: Chú Ánh tháo mặt nạ

nam ca sĩ  Đàm Vĩnh Hưng đã bác lại những lời nhận xét trước đó của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 với lời lẽ có phần hỗn hào.
 
"Thưa Chú! Với một người tài hoa như Chú, “hiền lành” như chú trong mắt anh chị em nghệ sĩ bấy lâu nay thì không biết lần này chú có bị “cài” hay “dẫn dắt” bởi người viết bài hay không? Hay bài viết đã bị sửa chữa, cắt ghép như lần “tai nạn” của chị Bảo Yến? Đàm Vĩnh Hưng vẫn mong chú bị rơi vào trường hợp này!
 
Nhưng nếu đó là những lời chú phát biểu thì thật tiếc cho chú với hình ảnh đẹp dễ thương, hiền lành trong suốt bao nhiêu năm qua chú mải công “giữ gìn” nay tan biến và Đàm Vĩnh Hưng cho đó là hình ảnh của ngụy quân tử thưa chú. Và nếu đúng, thì cũng đã đến lúc chiếc mặt nạ đó phải được tháo xuống bởi chính chú!" - Đàm Vĩnh Hưng viết.

[.....]




.... nhạc cảm



NS Nguyễn Ánh 9:

Nhiều lúc Thanh Lam, Mỹ Linh không có nhạc cảm!




[…]

 - Có thâm niên 60 năm trong nghề, ông đánh giá thế nào về thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay?
Việt Nam hiện tại chỉ có giải trí, không có nghệ thuật. Bây giờ, nhạc để xem nhiều hơn là để nghe. Người ta làm giải trí kiếm tiền, coi qua rồi bỏ chứ hiếm người tâm huyết làm nghệ thuật. Điều này khiến tôi buồn lắm vì con đường nghệ thuật của mình không có những người chung chí hướng để làm tốt vai trò nghệ sỹ.


- So với thế hệ trước như ông, giới ca - nhạc sỹ Việt hiện nay có gì khác biệt đáng nói?
Hồi xưa, người nhạc sỹ viết ca khúc từ những cảm xúc thật của họ, họ viết ra để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cho mọi người chứ họ không viết nhạc để bán. Còn bây giờ, nhạc sỹ viết nhạc theo yêu cầu đơn đặt hàng nên âm nhạc không có hồn, không có cảm xúc thật của người sáng tác.
Ca sỹ bây giờ đa số chỉ chú trọng ăn mặc, make-up cho đẹp và lên sân khấu hát thì sau lưng có một đám múa. Nhưng ít chú trọng đến xúc cảm âm nhạc, không để tâm hồn vào bài hát.





Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9



Hồi xưa, có những giọng ca còn để tiếng đến bây giờ như Lệ Thu, Thanh Thúy, Thái Thanh… nhưng bây giờ nhng ca sỹ hát giọng tốt đếm trên đầu ngón tay, đã vậy lại bị vướng vào kỹ thuật thanh nhạc.
 Tôi nói có lẽ sẽ đụng chạm đến những người học thanh nhạc. Người ca sỹ học thanh nhạc hát phải phát âm cho tròn chữ, và cố gắng đưa giọng mình cho tròn trịa, giọng ngân cao vút… nhưng quá mải lo kỹ thuật nên hát không có cảm xúc!



Thanh Lam hát Cô đơn còn thua ca sỹ nghiệp dư
- Những ca sỹ được phong hàng diva như Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Trần Thu Hà có bị vướng vào kỹ thuật thanh nhạc?
Thanh Lam, Mỹ Linh giọng hát rất đẹp, cái gì cũng tốt nhưng đều bị vướng kỹ thuật thanh nhạc nên nhiều lúc nhạc cảm không có, tâm hồn bài hát không có. Hồng Nhung hát tốt hơn Mỹ Linh, Mỹ Linh tốt hơn Thanh Lam.
Đơn cử, nghe Thanh Lam hát bài Cô đơn của tôi, tôi buồn lắm! Nó không ra cái cô đơn, thua một ca sỹ nghiệp dư hát vì hát không có hồn dù giọng đẹp thiệt! Thanh Lam hát những bài sâu lắng nhiều khi đóng kịch nhiều hơn là hát.
Mà đóng kịch phải như người diễn viên, người ta nhập hồn vào vai diễn đó, ví dụ Kim Cương trong Lá sầu riêng, cô là nhân vật cô gái đau khổ tên Tâm chứ không phải là nghệ sỹ Kim Cương, phải quên Kim Cương đi! Ca sỹ cũng phải hát 'nhập vai' như vậy mới ra ca sỹ.
Trần Thu Hà thì khôn hơn, biết cách lợi dụng kỹ thuật để áp dụng. Nhưng mấy người được như Trần Thu Hà? Người nào cũng phô trương, tôi phải hát giọng cao tới nốt đó tôi mới là ca sỹ, còn hát chưa tới thì chưa phải là ca sỹ. Cái đó là sai lầm tai hại vô cùng và không ai chấp nhận.

- Hai nữ ca sỹ đang nổi tiếng nhất trên thị trường hiện nay là Mỹ Tâm và Hồ Ngọc Hà, ông đánh giá tài năng của họ ra sao?
Mỹ Tâm chỉ hát nhạc Pop bình thường thôi, nhưng được cái là sáng sân khấu, xử lý bài hát chính xác. Mỹ Tâm cũng có những ca khúc hát không tới, gặp bài nào hát tới mới hay, như Cây đàn sinh viên, Ước gì...
Mỹ Tâm hát chỉ hợp với tuổi trẻ. Về tính nghệ thuật thì Hồng Nhung, Trần Thu Hà hát xong có để lại ấn tượng, còn Mỹ Tâm chỉ nghe vui mắt, vui tai, nghe qua xong rồi thì thôi, không để lại ấn tượng gì hết.
Mỹ Tâm được cái là may mắn rơi vào đúng thời điểm không có ai cạnh tranh, từ đó nổi tiếng và khi nổi tiếng rồi thì rất khôn khéo đầu tư vào hát, múa, sắc đẹp để giữ vị trí.




Hồ Ngọc Hà và Mỹ Tâm



Hồ Ngọc Hà hát chỉ nghe chơi thôi! Giọng Hồ Ngọc Hà yếu lắm, khều khào không à! Hồ Ngọc Hà đẹp, có vóc dáng sân khấu, chịu khó múa… cái gì cũng đẹp nhưng giọng hát thì lại không được.
Khi diễn tả nội tâm, Hồ Ngọc Hà diễn kịch tính nhưng đóng kịch chứ không thật. Ca sỹ hát phải biến mình thành nhân vật trong ca khúc mới hiểu nỗi đau làm sao. Không lẽ, ngoài đời mình buồn là phải hét, gào thét? Đâu phải vậy!



- Với các giọng ca nam đang nổi tiếng như Bằng Kiều, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng… ông đánh giá thế nào?
Bằng Kiều cũng giọng tốt như Trần Thu Hà nhưng sau này khoe giọng quá, cố hát lên cao vút để không ai bắt chước được. Thành ra, Bằng Kiều hát bài Buồn ơi chào mi của tôi khiến khán giả ở dưới sững sờ luôn! Tính lại thì hiệu quả sân khấu có nhưng tôi mở băng ra nghe thì phải nghe Tuấn Ngọc hay Xuân Phú, Trọng Bắc hát.
Quang Dũng hát được vài bài của Trịnh Công Sơn chứ không phải là tất cả. Còn Đàm Vĩnh Hưng chỉ được bề nổi vậy thôi, tôi không cho là ca sỹ đúng nghĩa. Tôi chỉ cho Đàm Vĩnh Hưng là một người
hát. Đàm Vĩnh Hưng cố hát nhạc xưa, nhạc vàng mà hát có ra đâu!




Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 không thích Đàm Vĩnh Hưng hát nhạc của ông



Đàm Vĩnh Hưng hát bài Ai đưa em về của tôi, tôi bảo ‘con đừng hát bài của bố nữa, tội nghiệp bố lắm’. Tôi không thích, tôi nói thẳng luôn. Đàm Vĩnh Hưng nói ‘nhưng con thích hát nhạc bố…’, tôi nói ‘nhưng con không nên hát nhạc của bố thì hay hơn’.
Thật ra, giọng Đàm Vĩnh Hưng nửa Nam nửa Bắc, cách thức hát cũng không có và lối hát cũng vậy. Hồi xưa, Đàm Vĩnh Hưng mà đi hát thì chỉ xứng là ca sỹ loại C hát lót chứ không được vào hạng ca sỹ chính của phòng trà đâu!


- Ngoài danh ca Tuấn Ngọc thì những giọng ca nào khiến ông hài lòng nhất?
Giọng nữ thì tôi thích Ngọc Anh, Hồng Nhung, Ánh Tuyết, Trần Thu Hà… Nguyên Thảo nếu tiếp tục hát như ngày xưa thì rất hay. Ngày xưa, Nguyên Thảo hát cho thỏa đam mê còn sau này, bị gò bó vào kỹ thuật như Mỹ Linh để khoe giọng và vô tình giết chết tình cảm.
Vừa rồi làm đĩa than của tôi có 2 bài Nguyên Thảo hát. Cách đây 6 năm, Nguyên Thảo hát Buồn ơi chào mi xuất thần luôn, nhưng giờ Nguyên Thảo để tâm đến kỹ thuật nhiều nên tình cảm không còn, so ra khác hẳn.
Giọng nam thì ngoài Tuấn Ngọc còn có Trọng Bắc, Lê Hiếu… Tuấn Hiệp lúc trước hát tốt, tôi thích nhưng giờ chạy theo hát nhạc vàng bị mất chất.



- Nhưng rõ ràng trên thị trường, những giọng ca này không phải nổi tiếng nhất, được khán giả ưu ái nhất. Theo ông vì sao có nghịch lý này?
Nhiều ca sỹ hát hay nhưng chưa nổi được, tại vì bây giờ còn phụ thuộc vào công nghệ lăng xê. Khán giả cũng bị ảnh hưởng bởi phim ảnh Hàn Quốc nhiều quá, 10 cái clip của Hàn Quốc thì 11 cái có nhảy rồi! Cái đó gọi là âm nhạc giải trí, nghe qua rồi bỏ, khác xa với nghệ thuật.
Tôi thấy giới trẻ bây giờ nghe nhạc vô tội vạ, nghe theo phong trào, chạy theo lai căng ngoại quốc nhiều quá nên không còn bản chất.



Mong có nhiều nghệ sỹ ‘tử tế’ và người nghe ‘tử tế’
- Với những đánh giá này, phải chăng gu thưởng thức âm nhạc bây giờ của khán giả quá khác với ông, bởi đơn cử, Đàm Vĩnh Hưng đang được phong là ‘ông hoàng nhạc Việt’?
Không phải! Nếu đem so sánh Tuấn Ngọc với Đàm Vĩnh Hưng, người ta vẫn thích nghe Tuấn Ngọc hát nhiều hơn, đúng không?
Nghe Tuấn Ngọc hát thấy nó khác liền, hát ra là cảm xúc đến với người nghe chứ không phải gắng gượng. Tại vì Tuấn Ngọc đã sống trong bài hát đó, khi hát Tuấn Ngọc để tâm trạng vào bài hát, nói lên tâm trạng của nhiều người. Ví dụ khi mình bị người yêu bỏ, nghe Tuấn Ngọc hát Buồn ơi chào mi, nghe nó đã lắm!
Tuấn Ngọc vẫn là giọng ca số một dù tuổi tác, thời gian làm cho giọng của Tuấn Ngọc không còn được đẹp như ngày xưa nữa, nhưng cái xúc cảm vẫn là Tuấn Ngọc và xúc cảm càng ngày càng sâu hơn.


- Vậy theo ông, thị trường nhạc Việt sẽ đi về đâu?
Đây là vấn đề lớn, cả một thế hệ chứ không phải đơn giản, ăn thua là cách giáo dục của gia đình với con em làm sao. Nếu trong một gia đình chỉ có tối ngày đi kiếm tiền thì tinh thần nghệ thuật của họ chết rồi, bị tiền bạc chi phối hết.
Thành ra, họ cũng không chăm sóc con cái, cứ cho tiền là xong. Họ cũng ỷ lại tiền, đưa con vào trường này trường kia, mặc con muốn làm gì thì làm.
Theo tôi, thị trường nhạc Việt vẫn đang nằm yên. Rồi từ từ, nhạc thị trường sẽ rớt dần và tới một giai đoạn nào đó, nghệ thuật sẽ lên ngôi. Nhạc thị trường tự động phát sinh rồi sẽ tự động chết bởi những gì không hay sẽ không tồn tại. Tôi tin tưởng như vậy. Đời tôi không thấy nhưng đời con, đời cháu của tôi sẽ thấy điều này.




- Sau 60 năm cống hiến cho nghệ thuật, điều ông mong muốn nhất là gì?
Tôi chỉ mong muốn duy nhất là có nhiều nghệ sỹ tử tế và người nghe nhạc tử tế. Tất cả những gì cứ để thử lửa đi, đốt cách mấy thì vàng cũng vẫn là vàng.
Mình hãnh diện là người Việt Nam không thua ai hết!
- Xin cảm ơn ông!
Theo Phượng Hoàng
Vtc.vn





......./.