KHI LÒNG HẬN THÙ ĐƯỢC NUÔI DƯỠNG



KHI LÒNG HẬN THÙ ĐƯỢC NUÔI DƯỠNG




Tiếng la hét cuồng nộ trong một không khí bạo lực dữ dội. Đó không chỉ là cuộc biểu thị của tức giận. Đó là sự bùng nổ. Sự bùng nổ giận dữ của con người không có sức công phá như bom đạn nhưng nó khủng khiếp đến mức có thể khiến thần kinh tê liệt. Tôi đang xem lại cảnh nhà độc tài Muammar Gaddafi bị lôi ra từ ống cống và bị đánh tới tấp vào đầu. Gương mặt tên độc tài khát máu từng dùng bộ máy an ninh tàn ác cai trị đất nước 42 năm giờ mềm nhũn như một bao cát đầy máu trước những nắm đấm bung ra như từ những chiếc lò xo bị nén lâu ngày. Trước đó 8 năm, người dân, không tấc sắt trong tay, như vốn dĩ, đã gào thét điên cuồng trong nỗi mừng không thể diễn tả bằng lời, khi hùa nhau giật sập và đập nát bét tượng Saddam Hussein.

Không như sự giận dữ, lòng hận thù không bột phát tự nhiên. Nó là kết quả của một quá trình bị dồn nén. Hận thù không tự nhiên mà đến. Nó phải được nuôi bằng sự căm tức, bằng chất liệu mà hệ thống cai trị tạo ra: sự khốn nạn. Bàn tay sắt luôn khiến xã hội sợ hãi nhưng những tác nhân gây ra sợ hãi luôn dắt theo sát sau nó “hiệu ứng phụ” là sự oán thù. 
Cộng sản từng giành chính quyền bằng lòng hận thù. Bộ máy tuyên truyền cộng sản là bậc thầy trong gieo cấy lòng hận thù. Tuy nhiên, vũ khí hận thù đã không được “giải giáp” sau khi cộng sản giành được quyền lực. Hận thù vẫn được nuôi dưỡng.

Đừng chỉ đơn giản trách tại sao xã hội ngày càng trở nên hung hãn. Đừng chỉ trách “một đám dân mạng” ngày càng trở nên “vô học” hoặc “vô văn hóa” khi dễ dàng “ném đá” vào bất cứ chuyện gì. Hãy thử tìm hiểu nguyên nhân sâu xa gì khiến “một đám dân mạng” trở nên “vô văn hóa”. 

Có phải đó là phản ứng trước sự bất lực và bế tắc của một xã hội trong đó người dân mỗi ngày chứng kiến hoặc gánh chịu hết bất công này đến bất công khác? Sự “vô văn hóa” của đám đông, như lời một bà "tiến sĩ", không phải là phản ứng tức giận nhất thời. Nó là sự bùng nổ của sự thù hận đang được nuôi mỗi ngày. 
Đừng nghĩ những tiểu xảo đánh lạc hướng dư luận là giải pháp an toàn. Nó chính là những “hạt mầm” tích lũy sự khinh bỉ dẫn đến thù hằn. 
Cũng đừng nghĩ việc sử dụng những con chó đen đúa hung dữ dễ dàng xua ra đường để dọa nạt là có thể mang lại sự an toàn tuyệt đối cho ngôi nhà mình.


TRẠM THU PHÍ CAI LẬY / Hàng chục cảnh sát cơ động được tăng cường. Ảnh: Như Quỳnh.


Tôi không cổ súy bạo lực. Trong tất cả bài viết của mình, tôi chưa bao giờ chửi tục, ủng hộ kích động bạo lực hoặc nhào theo các “chiến dịch” “ném đá”. Tôi đang nói lên những gì mình thấy. Và tôi thấy rõ một không khí hận thù, đang được chế độ cai trị nuôi dưỡng mỗi ngày, trực tiếp hoặc gián tiếp. 

Cho đến thời điểm này, chế độ vẫn cho thấy nó không dễ bị lật đổ nhưng nó cũng cho thấy nó đang ở giai đoạn yếu nhất trong lịch sử của nó. 
Trong khi đó, nó tiếp tục gieo rắc hận thù và oán ghét, từ người dân, từ một đám đông đang chất chứa phẫn nộ.



Chiều 30/11, nhiều tài xế tiếp tục tụ tập phản đối trước trạm BOT Cai Lậy,
tỉnh Tiền Giang huy động hàng chục cảnh sát cơ động để vãn hồi trật tự.




........../.

Anh còn nhớ hay anh đã quên?




Nhắc PTT Vũ Đức Đam: Anh còn nhớ hay anh đã quên?



https://www.luatkhoa.org/2017/11/nhac-ptt-vu-duc-dam-anh-con-nho-hay-anh-da-quen/







Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại một sự kiện công nghệ. Ảnh: Giáo dục Việt Nam.


Khi phát biểu trước Quốc hội ủng hộ việc chặn, lọc, và hạn chế Internet, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có thể không biết hoặc đã quên một chuyện mới xảy ra hơn một năm trước đây.
Khi đó, vào tháng 7/2016, với tư cách là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã đồng thuận với các thành viên khác cho thông qua một nghị quyết coi việc sử dụng Internet và biểu đạt trên Internet là một quyền con người.
Cụ thể, nghị quyết này coi “những quyền mà con người được hưởng offline cũng phải được bảo vệ trên môi trường online”.
Nghị quyết này nhấn mạnh quyền tự do biểu đạt trên mạng cũng được bảo vệ theo Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị, bất kể con người ở nơi đâu trên thế giới và chọn sử dụng công cụ nào.
Nếu PTT Đam chưa thoả mãn với nội dung trên thì ông có thể đọc thêm nội dung thứ 10 của nghị quyết, theo đó, Hội đồng Nhân quyền “lên án một cách dứt khoát những biện pháp được cố ý dùng để ngăn chặn hoặc làm gián đoạn việc truy cập hay phổ biến thông tin trên mạng” và “kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên gỡ bỏ và không tiến hành các biện pháp đó”.
Không những thế, nghị quyết còn lên án tất cả những hành vi bắt giữ, sách nhiễu và trừng phạt một người vì những gì họ biểu đạt trên Internet.
Những gì PTT Đam nói, rất đáng tiếc cho ông, đi ngược lại hoàn toàn với những gì mà chính Việt Nam đã đồng ý thông qua tại diễn đàn nhân quyền quan trọng nhất toàn cầu – Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Tại thời điểm đó, Việt Nam hãy còn là “tân binh” ở Hội đồng Nhân quyền. Nhiệm kỳ của Việt Nam ở Hội đồng kéo dài từ đầu 2014 đến hết 2016. Nhiều người có thể thắc mắc tại sao một nước có thành tích nhân quyền kém cỏi như Việt Nam lại có chân trong Hội đồng 47 thành viên này, nhưng đó là câu chuyện chính trị quốc tế và có thể được bàn trong một bài viết khác.
Cũng cần phải nhắc PTT Đam về một phát biểu của ông hồi tháng Ba năm ngoái, khi ông tới dự một hội thảo của Ngân hàng Thế giới:
“Tôi chỉ muốn nói rằng, giờ không phải lúc bàn lợi ích của công nghệ số là thế nào mà phải khẳng định: Bản thân công nghệ số có những mặt trái, nhưng không phải do công nghệ mà do người sử dụng công nghệ. Vì thế, không có lý gì vì tác động mặt trái của nó mà kìm hãm nó, mà phải tìm mọi cách để nó phát triển”.
PTT Vũ Đức Đam được Thủ tướng Chính phủ giao phụ trách quản lý ngành thông tin – truyền thông. Ông cũng là người được cho là thân thiện với giới công nghệ khi từng công tác lâu năm ở Tổng cục Bưu Điện và từng làm đến chức Thứ trưởng Bộ Bưu chính – Viễn thông.
Mới tháng Hai đầu năm nay thôi, khi nói chuyện với sinh viên đại học FPT, ông Đam còn kể rằng, ông đã triệu tập những bộ óc hàng đầu Việt Nam để khái quát bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư trong một từ, thế mà không ai trả lời được.
Và chính ông đã tự mình nghĩ ra từ đó:
“Nếu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất gắn với ‘hơi nước’, cuộc cách mạng lần thứ hai là ‘điện’, lần thứ ba là ‘số hóa’ thì đa phần những người tích cực cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đặc trưng là ‘kết nối’”.
Ông còn nhấn mạnh thêm: “Đó là việc kết nối tám tỷ thiết bị, kết nối ở mọi tầng lớp, mọi giác độ, sự kết nối không chỉ ở một mái trường, một tỉnh, một đất nước mà là sự kết nối toàn cầu. Cuộc cách mạng ấy liên quan mật thiết đến công nghệ thông tin”.
Vậy thì cái gì làm cho ông Đam đi từ một người coi “kết nối” con người trên toàn cầu là bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đến một con người cổ xuý cho việc xây dựng một mạng biệt lập như Trung Quốc và đề xuất kiểm soát để người dân ít dùng mạng xã hội hơn?
Không những thế, ông còn muốn “dùng biện pháp kỹ thuật chặn, lọc làm chậm lại khi cần thiết”.
Đâu mới là quan điểm thật, con người thật của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam?
Nhẽ phải nhắc lại cho ông tất cả những điều này kẻo ông quên.

........../.


MẠNG XÃ HỘI



MẠNG XÃ HỘI
 18.11.2017





Dữ liệu rất quan trọng cho công tác nghiên cứu và hoạch định chính sách. Nhưng sử dụng các số liệu từ Đức, Hàn Quốc... thậm chí từ Trung Quốc để so sánh với Việt Nam cũng giống như so sánh hai số hạng không cùng đại lượng (mét so với kg).
Người Đức, người Mỹ... sử dụng MXH đôi khi chỉ để đáp ứng những nhu cầu bạn bè trong từng group nhỏ. Người Việt Nam sử dụng MXH ngoài những nhu cầu thông thường, còn là để thực hiện các quyền Hiến định - quyền tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến; quyền làm công tác từ thiện, giúp đỡ người yếu thế. Những quyền mà báo chí nhà nước và không gian chính trị của Việt Nam không có khả năng cung cấp.
Tự do biểu đạt chính kiến quan trọng đến nỗi, tổng thống của một quốc gia tự do như D. Trump cũng phải sử dụng MXH để tuyên ngôn khi ông không còn tin báo chí. Đừng so với Trung Quốc, chỉ trong một quốc gia mà việc người dân chỉ trích lãnh đạo, chỉ trích chính quyền được coi là "văn hoá" thì quốc gia đó mới có cơ may được coi là văn minh, chính quyền của quốc gia đó mới được coi là chính quyền mạnh.
Với những tiến sỹ rừng như ông Trương Minh Tuấn thì tôi không chấp, tôi rất tiếc khi nghe phát biểu của PTT Vũ Đức Đam. Ông có một trí nhớ tuyệt vời, một khả năng diễn thuyết rất thuyết phục, nhưng ông đã mơn trớn các đại biểu có chức có quyền trong quốc hội thay vì giúp phần lớn trong họ nắm được MXH là môi trường sống của thế giới ngày nay. Nó chứa chấp đủ thứ dịch bệnh của loài người nhưng nó cũng giúp chính loài người từng bước loại bỏ các dịch bệnh đó và nuôi nấng từng mầm tích cực.
Chỉ từ khi có internet, Việt Nam mới tốt lên như vậy và chính quyền mới mạnh như vậy (dù bị chỉ trích nhiều hơn, dù nhiều người chỉ trích chính quyền không muốn thế).
Dân trí của Việt Nam như ông nói, chưa bằng Thái và tất nhiên là chưa bằng Đức. Nhưng vì sao. Chưa có một quốc gia nào (tôi không tính Trung Quốc và Bắc Hàn) mà Bộ Luật Hình Sự chứa đựng nhiều điều luật để đe doạ người sử dụng MXH như Việt Nam. Tuy nhiên, các công cụ này chủ yếu nhắm vào những người sử dụng MXH để "nói xấu lãnh đạo và tuyên truyền chống chế độ". Danh dự, nhân phẩm và bí mật đời tư của thường dân, trong thi hành luật, chưa bao giờ được ưu tiên bảo vệ.
Đừng lẫn lộn các khái niệm trong an ninh mạng.
Những gì thuộc về bí mật quốc gia phải thuộc trách nhiệm của những người được giao nắm giữ nó. Có thể vận đông ý thức của công dân trừ những vụ việc nhân danh bí mật quốc gia để lén lút chia chác tài sản của dân. Trong thời đại ngày này, quốc gia nào cũng phải có ý thức lập nhiều tầng dữ liệu (cái gì local, cái gì international). Còn thông tin cá nhân thì kể từ khi ta mua vé máy bay, mua hàng trên Alibaba, xin visa... từng cá nhân đã chấp nhận tiết lộ bí mật đời tư của mình, đừng đổ hết cho MXH.
Cũng không nên dùng con số doanh thu quảng cáo 300 triệu USD (như anh Đam nói) hay 100 triệu (như anh Tuấn nói) để đánh vào dạ dày quốc hội. Facebook, Google không kinh doanh ở VN, họ kinh doanh toàn cầu. Ngay cả các cường quốc cũng vẫn còn đang phải tranh cãi việc đánh thuế như thế nào. Các nhà cung cấp dịch vụ internet phải tuân thủ luật thương mại điện tử nhưng các quốc gia cũng phải tuân thủ các cam kết "tránh đánh thuế hai lần".
Đành rằng, thu được đồng thuế nào từ con số 300 triệu đó đều tốt. Nhưng chỉ chăm bẵm vào những con số đó là đã để lá che mất rừng. Thử tính, nếu người dân Việt đã bỏ ra 300 triệu USD quảng cáo trên MXH toàn cầu thì doanh thu có đóng thuế cho ngân khố quốc gia phải tăng lên đến nhường nào.
Đành rằng, để MXH phát triển thì việc nhũng nhiễu dân sẽ không còn như chỗ không người nữa; việc đưa con đàn cháu đống vào bộ máy quyền lực sẽ bị săm soi; công trình nghìn tỷ đắp chiếu sẽ không thể che mắt dân cho đến khi mục nát... Nhưng, cầm quyền thì phải nhận ra rằng, MXH không chỉ đang chỉ trích chính quyền - giúp Chính phủ tu sửa để rồi vừa có quyền vừa có dân - mà còn đang chỉ trích những thói hư tật xấu trong xã hội, đang "khai dân trí và chấn dân khí" chứ không chỉ mắng nhiếc nhau. Hãy vì lợi ích bền lâu của Việt Nam, đừng vì những mục tiêu ngắn hạn.


......./.

Niềm cay đắng của một nữ doanh nhân yêu nước

Niềm cay đắng của một nữ doanh nhân yêu nước




Hôm nay, từ Paris, tôi nhận được tin buồn. Bà Trịnh Văn Bô, nhà kinh doanh thành đạt đã trút hơi thở cuối cùng ở Hà Nội, đại thọ 103 tuổi.
Tôi buồn vì tôi coi bà là bà chị thân thiết có lòng nhân ái, yêu nước tuyệt vời.
Tôi buồn vì bà đã nhiều lần tâm sự với tôi về hoàn cảnh éo le của bà và nhờ tôi giúp đỡ từ những năm 1976-1980 nhưng tôi không sao làm bà vui lòng. Năm 1990 trước khi sang Pháp tôi đã đến chào bà như một niềm ân hận và thương cảm đối với một bà chị có tấm lòng nhân hậu và lòng yêu nước tột đỉnh đang ở trong tình trạng uất hận mà vẫn lạc quan, tươi cười.
Tôi xin kể tóm tắt nguồn cơn với các bạn, nhất là với các đảng viên cộng sản để có thể hiểu rõ thêm cái bản chất của đảng này và tự tìm ra kết luận.

Bà Trịnh Văn Bô, tên khai sinh là Hoàng Thị Minh Hồ, là bà chủ hiệu Tơ lụa Phúc Lợi, phố Hàng Ngang, khu phố cổ Hà Nội. Bà là doanh nhân thành đạt lớn. Bà tham gia phong trào Việt Minh bí mật năm 1944, nhiều lần góp những món tiền lớn cho phong trào, từ 1 vạn đến 8 vạn đồng bạc Đông dương.
Tháng 8/1945 bà tình nguyện đón ông Hồ Chí Minh từ chiến khu miền Bắc về ở ngôi nhà mình ở 48 Hàng Ngang. Ông Hồ đã ở đây hơn 1 tháng, viết Tuyên Ngôn Độc Lập tại đây. Sau đó bà biếu tặng cả ngôi nhà này thành Bảo tàng cấp Nhà nước cho đến nay. Trong Tuần lễ vàng, bà góp hàng nghìn lạng vàng, gần bằng ngân sách tiếp thu của chế độ cũ. Tổng cộng số vàng bà góp là trên 5 nghìn lạng. Tất cả áo quần mới tươm tất của ông Hồ, các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… mặc trong ngày 2/9/1945 đều do bà cung cấp. Hồi ấy nhiều người coi bà là «Bộ trưởng tài chính» của nước Việt Nam độc lập. Sau này bà sinh hoạt trong đảng Xã hội do đảng cộng sản lập ra để vận động các trí thức, nhà kinh doanh cũng như trong Hội Liên hiệp Phụ nữ.
Điều không may đối với bà là năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chính phủ từ Việt Bắc trở về Hà Nội, Bộ Quốc phòng yêu cầu mượn tạm ngôi nhà rộng lớn của bà ở số nhà 34 phố Hoàng Diệu gần Cột Cờ, sát khu vực quân sự của Bộ Quốc phòng.
Bản giao kèo cho mượn trong 2 năm (từ 1954 đến 1956) có chữ ký cam kết của đại tướng Hoàng Văn Thái, tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân. Chính gia đình ông Thái đến ở ngôi nhà ấy. Quá hạn, năm 1957, 1958 bà Trịnh Văn Bô ngỏ ý «xin lại» ngôi nhà cũ của mình nhưng ông Thái và bộ Quốc phòng không trả lời. Lúc này gia đình ông bà Trịnh Văn Bô đã có 7 người con, đều lập gia đình, có đúng 30 cháu và chắt, tất cả 40 người ở tại ngôi nhà cũ chật chội 24 phố Nguyễn Gia Thiều, gần hồ Ha Le, nơi tôi ghé thăm bà trước khi sang Pháp.
Điều làm cho ông bà Bô cay đắng rồi oán hận là vào năm 1978, đại tướng Hoàng Văn Thái được cấp nơi ở mới trong ngôi nhà lớn xây riêng cho cấp tướng ở khu Liễu Giai, nhưng ông không trả lại nhà cho ông bà Bô. Ngôi biệt thự 34 phố Hoàng Diệu vẫn là nơi ở của cặp quý tử Võ Điện Biên, con đầu của đại tướng Võ Nguyên Giáp và vợ là con gái đầu của đại tướng Hoàng Văn Thái.
Năm 1988, ông Bô ốm nặng, qua đời trong niềm ân hận trên đây. Trong buổi dự đám tang ông, bà Bô đã khóc khi gặp tôi và yêu cầu tôi giúp, sau khi ông bà đã gửi hơn 20 lá đơn cho mọi cửa. Tôi đã in thêm các đơn của bà, gửi cho vợ chồng tuớng Giáp, vợ chồng tướng Thái, cho Ban kiểm tra trung ương đảng, cho đại tướng Chu Huy Mân ở Tổng cục chính trị, nhưng đều vô hiệu.
Cho đến tháng 6/1989 bà Bô mới nhận được công văn do ông Đỗ Mười nhân danh Thủ tướng ký, yêu cầu Bộ Quốc phòng trả lại ngôi nhà trên cho bà Bô. Công văn này chờ hoài vẫn không hiệu quả.
Tháng 7 năm 1990 chính Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo ký công văn yêu cầu Bộ Quốc phòng sớm trả lại ngôi nhà trên, nhưng rồi cũng như nước đổ đầu vịt.
Cho đến năm 1993 Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phó thủ tướng Phan Văn Khải yêu cầu có cuộc họp liên tịch giữa Ủy ban Hành chính Thủ đô, Sở nhà đất Hà Nội và Bộ Quốc phòng để giải quyết xong xuôi một vấn đề dân sự đã kéo quá dài này.
Cuộc họp có kết luận nhưng rồi không ai chấp hành, không có ai có thể cưỡng chế việc thi hành. Một thái độ ù lỳ, bất chấp luật pháp, bất chấp đạo đức của kẻ có uy quyền đảng trị!
Cho đến tận tháng 10 năm 2003, gia đình, con cháu bà Bô mới quyết định làm liều khi đã bị dồn đến chân tường. Tận dụng khi gia đình người ở ngôi nhà đi vắng, chỉ có một bộ đội gác gần đó, con cháu bà Bô cõng bà – bà cụ 90 tuổi già yếu đã nghễnh ngãng liều đột nhập vào ngôi nhà, mang «Bằng khoán điền thổ» gốc, trưng ra, với một giải lụa mang dòng chữ: «Vui mừng trở về ngôi nhà cũ.» ký tên: Gia đình Trịnh Văn Bô. Tôi được tin này, đã lập tức gọi điện thoại về mừng bà chị và con cháu đã giành lại được ngôi nhà của mình, các cháu thuật lại cho bà bằng cách viết ra, vì tai bà đã điếc hẳn!
Sau này anh Trần Duy Nghĩa, con cố thị trưởng Thủ đô, bác sĩ Trần Duy Hưng - là bạn cực thân của gia đình bà Bô - từ Pháp trở về Việt Nam, có dịp đến thăm bà cụ Bô kể cho tôi chuyện cơ mật của gia đình. Đó là khi tự mình trở về nhà, bà Bô đã dự liệu sẽ liều mình nếu như bà bị đuổi khỏi ngôi nhà thân yêu của chính mình. Bà đã bảo con bà mang theo một can đầy xăng để liều sống chết với lẽ phải, sống chết với nhà cửa, với con cháu ruột thịt của mình. Thế nhưng thật là may mắn và hạnh phúc, can xăng đã không cần dùng đến.
Bài báo này như một nén hương thắp trên mộ của bà Trịnh Văn Bô, bà chị của tôi đầy lòng nhân ái, yêu nước đến tột đỉnh, từng tự cho mình một phương châm sống, là «Trong buôn bán, nếu có lời chỉ nên giữ lại 7 phần mười làm vốn, để ra 3 phần mười làm từ thiện. Còn khi đất nước cần thì nên hiến hết không tính toán, chỉ giữ chút ít để sống và kinh doanh tiếp.» Bài học cho đảng viên tham nhũng ở khắp nơi hiện nay, cho các doanh nhân mới.

Một nhà kinh doanh yêu nước đến tột cùng, yêu nhân dân đến thế là cùng! Xin bà chị mỉm cười, yên nghỉ trên cõi vĩnh hằng.
.........../.