ÔNG CHỦ NHÀ SÁCH KHAI TRÍ SÀI GÒN


ÔNG CHỦ NHÀ SÁCH KHAI TRÍ SÀI GÒN 


https://vantuyen.net/2014/06/11/ong-chu-nha-sach-khai-tri-sai-gon/

Tôi có ngươì chị ruột giúp viêc bán sách cho tiệm sách Việt Hương ở số 34 đưòng Lê Lợi. Từ đây đi về hướng chợ Bến Thành có thêm 3 tiệm sách : Thanh Tuan số 56 , Phuc Thành số 58 và Khai Trí chiếm 2 căn 60 – 62 . Theo chị tôi kể laị Ông Khai Trí khởi nghiệp bằng 1 chiếc xe đẩy ( như xe bán sách ở bến sông Seine bây giờ ) . Xe bán sách của Ông thường đậu trước cổng Trường Chasseloup Laubat đường Hồng Thập Tự . Tôi nghe kể laị vây thôi chớ đâu ngờ gặp Ông ở trại Z30C Hàm Tân.
Buôỉ sáng Tù đợi đi lao động , nhưng sớm hơn có 1 Ông già lúc naò cũng với bộ quần áo trắng đã ngã qua màu cháo lòng đẩy chiếc xe caỉ tiến chứa phân Bắc cuả Tù đem đi . Sáng naò cũng vậy , it ai biết ông là ai. Đó là ông Nguyễn Hùng Trương, chủ nhà sách Khai Trí nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975.
Người Sài Gòn gọi ông là “ông Khai Trí” (theo tên nhà sách – nhà xuất bản do ông làm chủ). Hết sức quảng bác nhưng ông lại rất ít nói về mình, nên ít người biết ông chính là tấm gương sống động: từ hai bàn tay trắng trở thành người kinh doanh ngành sách lớn nhất và uy tín nhất miền Nam .

Ông Khai Trí  tên thật là Nguyễn Hùng Trương, sinh năm 1926 tại Thủ Đức. Thuở nhỏ, ông thường nhịn ăn sáng, dùng 2 đồng xu mẹ cho để mua báo đọc. Lên Sài Gòn học trung học ở Petrus Ký, ông được sắm cho chiếc xe đạp cũ để cuối tuần đạp về nhà, đầu tuần trở lên với món tiền đủ để tiêu xài dè sẻn trong tuần. Nhưng cứ mỗi chiều thứ hai là ông tiêu sạch số tiền đó vào sách báo rồi cả tuần nhịn ăn sáng, chỉ uống nước lã cho đỡ đói.
Sách ông mua hầu hết là sách báo nước ngoài, vào thập niên 1940 ông đã gây dựng được một tủ sách có giá trị. Bạn bè đến chơi, thấy ông có nhiều sách hay thường nhờ ông mua giùm. Có lần, chỉ 5 người nhờ nhưng ông mua đến 10 cuốn để được hưởng 30% hoa hồng. Số sách dư ra, ông đem ký gửi ở quán sách. 3 hôm sau, người chủ quán hỏi ông sách loại đó còn không, nếu còn thì đem tới tiếp vì sách gửi trước đã bán hết rồi. Từ đó ông nảy ra ý định mua sách báo ở nước ngoài về gửi bán. Sách ông chọn là loại sách có giá trị, quý hiếm, nhiều người cần mà trong nước không bán. Lúc đầu mua mỗi thứ vài chục cuốn, thấy bán chạy ông mới tăng số lượng lên, có khi cả nghìn cuốn.
Nhờ cố gắng làm việc không quản mệt mỏi, tiết kiệm từng đồng nên đến năm 1952 ông Khai Trí đủ vốn để mở một hiệu sách nhỏ tại 62 đại lộ Bonard (nay là Lê Lợi), đặt tên là Nhà sách Khai Trí (nay là Nhà sách Sài Gòn). Đây là nhà sách đầu tiên ở Việt Nam bán hàng theo kiểu tự chọn, khách có thể đứng đọc tại chỗ hàng giờ rồi đi ra mà không phải mua. Nữ nhân viên bán hàng mặc đồng phục, lúc nào cũng vui vẻ ân cần, trông nom một cách kín đáo…
Những điều này hiện nay được áp dụng ở đa số hiệu sách nhưng vào thời điểm đó thì quá mới mẻ và rất được khách hàng ủng hộ, nhờ vậy mà sau đó nhà sách được mở rộng thêm 2 căn liền kề với nhiều tầng lầu.
Nhà sách Khai Trí còn phụ trách cả việc xuất bản sách với những đầu sách được chọn lựa kỹ càng và phong phú.
Một thú chơi đặc biệt của ông Trương nữa là sưu tầm sách báo (chỉ riêng tờ báo Pháp ngữ Le Monde, ông có từ số đầu tiên cho tới ngày 30/4/1975). Ông còn cùng nhà văn Nhật Tiến chủ trương ra Tuần báo Thiếu Nhi và là soạn giả của nhiều đầu sách có giá trị.
Riêng trong khoảng 10 năm từ 1993 đến 2003, ông đã tuyển chọn và biên soạn khoảng 15 cuốn sách: Thơ tình Việt Nam và thế giới chọn lọc, Quê em mến yêu, Làm con nên nhớ, Chánh tả cho người miền Nam, Huế mến yêu, Những bài thơ hay trong văn chương Việt Nam…
Nhà văn Nguyễn Thụy Long (tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Loan mắt nhung,” một cuốn tiểu thuyết mà sau này giới nghiên cứu miền Bắc sau 1975 cũng hết lời ca ngợi) có viết một bài nhan đề “Vĩnh biệt ông Khai Trí,” trong đó có nhắc đến hoàn cảnh đau thương của ông Khai Trí sau 1975.
Ông Khai Trí, Nguyễn Hùng Trương, sinh năm 1926 tại Thủ Đức, Gia Định, mất hồi 5 giờ 15 ngày 11 tháng 3 năm 2005, tức ngày mồng 2 tháng 2 năm Ất Dậu, thọ 80 tuổi sau hai tuần nằm bệnh viện. Ông mất đi do sức già lực kiệt, nhiều năm ông cố gắng tranh đấu để xin lại hiệu sách vĩ đại của ông sau khi bị nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa tịch thu, sau đợt cải tạo văn hóa 1976 tại Sài Gòn. Tiệm sách của ông tại đường Lê Lợi mang tên Khai Trí bị nhà nước “quản lý”, nay mang tên Phahasa của nhà nước.
Thuở đó, sau khi các sĩ quan chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị đi cải tạo trước, đến lượt những văn nghệ sĩ bị bắt, tác phẩm thiêu đốt và họ đều bị coi là kẻ có tội, đương nhiên bị bôi nhọ, kết tội là Biệt Kích Văn Nghệ.
Ông Khai Trí cũng bị coi là tội phạm, liệt vào hàng văn nghệ sĩ và bị bỏ tù, vì người chiến thắng cho ông là người kinh doanh và phát triển cái văn hóa đồi trụy. Những người đã từng sống ở miền Nam trước giải phóng, ai cũng biết đến ông. Gọi là ông Khai Trí mà quên cái tên cúng cơm của ông là Nguyễn Hùng Trương, ông làm được nhiều công việc lợi ích cho văn hóa Việt Nam, cả đời ông đam mê công việc ấy. Và ông quen biết rất nhiều văn nghệ sĩ ở miền Nam , kể cả những văn nghệ sĩ Bắc di cư 1954.
Ông Khai Trí lại ra tay giúp đỡ nhiều anh em văn nghệ sĩ gặp hoàn cảnh khó khăn, mua tác phẩm của họ, tuy chưa in còn để đấy nhưng ông vẫn trả tiền đầy đủ không thiếu một xu. Ngoài ra ông tài trợ cho nhiều tờ báo hồi đó ở Sài Gòn. Tôi không biết nhiều, nhưng tôi biết về tờ báo Sống của Chu Tử, cũng có sự góp sức về mặt tiền bạc.



..Bao nhiêu lần tôi đi qua đường Lê Lợi, tôi nhìn thấy ông Khai Trí buồn bã đứng ở góc đường đó, nhìn sang hiệu sách cũ của mình mang tên mới là Phahasa.Một lần khác, cũng trong bữa giỗ ông Chu Tử, tôi hỏi ông Khai Trí về việc xin lại nhà sách Khai Trí đến đâu rồi?Ông cười chua chát:- Phải đến năm 3000 thì may ra..
Ngày ông bị bắt, bị bỏ tù, bao nhiêu bài báo nói xấu ông, kết tội ông còn dấu bao nhiêu kho sách Ngụy, không thành thật khai báo. Chuyện thế thái nhân tình lúc ông gặp hoạn nạn, những kẻ trước đây từng chịu ơn ông, tố cáo ông bao nhiêu là tội kể cả những điều không có để lập công.
Buổi lễ tang ông Khai Trí, tại nhà ông đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, tôi gặp nhiều bạn bè của ông, những người thuộc chế độ Sài Gòn cũ đến thắp cho ông những nén nhang và chia xẻ sự thương tiếc với gia đình ông.
…Tôi nhớ mãi dáng ông Khai Trí đứng nhìn lên hiệu sách cũ của mình và câu nói chán nản của ông, năm 3000 thì người ta trả lại cho ông nhà sách Khai Trí. Sao mà chua chát thế cho ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương, cả một đời chỉ có một đam mê là làm văn hóa, giữ gìn cái hay, cái đẹp cho thế hệ mai sau.




Tiếng Xưa

.............../.

Khi chính quyền là nguồn gốc của ‘fake news’


Khi chính quyền là nguồn gốc của ‘fake news’



“Fake news” – tin giả, tin dỏm, tin đồn, tin nhảm, tin ngụy tạo… - đang bùng nổ trong kỷ nguyên thông tin không biên giới. Fake news đang như một đại dịch toàn cầu. Khi có thể ảnh hưởng cả cuộc bầu cử tổng thống thì vấn đề fake news không phải là chuyện nhỏ vô hại như bề ngoài nhảm nhí của nó…

Vượt khỏi phạm vi gây nhiễu xã hội với những tin đồn mua vui vô thưởng vô phạt, fake news còn đang được sử dụng cho mục đích chính trị. Có thể nói đây là biến tướng mang tính xu hướng của thời đại thông tin nằm dưới những ngón tay lướt chạm màn hình. 
Năm 2016, một phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chia sẻ trên Facebook bức ảnh thi thể cô gái trẻ được tin là bị hiếp và giết bởi một tên buôn ma túy. Sự thật là tấm ảnh có nguồn gốc ở Brazil. Nó được dùng để “minh họa” cho tính “đúng đắn” của việc bắn giết vô tội vạ các đối tượng ma túy của Duterte. Trước đó, hàng chục ngàn người sử dụng Facebook tại Philippines cũng chia sẻ câu chuyện rằng NASA đã bầu chọn Duterte là “tổng thống giỏi nhất Hệ mặt trời”! Nhiều người cho đó là thật!
Tại Indonesia, khi Joko Widodo tranh cử tổng thống năm 2014, bỗng xuất hiện tin đồn ông là người Công giáo gốc Hoa và còn là cộng sản chính cống. Tại quốc gia có tỷ lệ người đạo Hồi nhiều nhất thế giới như Indonesia thì điều đó không thể chấp nhận. Widodo cuối cùng phải trưng ra hôn thú để chứng minh ông không phải người Hoa và từng hành hương đến Mecca vào ngay trước thời gian bỏ phiếu. Tại Colombia, “dân mạng” cũng từng thổi lên tin đồn ca sĩ lừng danh Juanes phản đối một thương thuyết hòa bình với nhóm phiến loạn lớn nhất nước này.
Và trong chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ 2016, fake news đã thật sự trở thành công cụ được dùng để tiêu diệt đối phương. Người ta hẳn vẫn còn nhớ tin đồn về chuyện John Podesta (nhà chiến lược chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Hillary Clinton) tham gia một “nghi lễ bí ẩn” trong đó ông “uống các chất dịch từ cơ thể”; hay tin Hillary “trả tiền” cho các đối tượng thăm dò công chúng… Điều lạ là dù thế giới phát triển và văn minh đến đâu, tin nhảm vẫn có đất sống và vẫn được tin. Như Joshua Benton, giám đốc Nieman Journalism Lab cho biết hồi năm 2016, bản tin nhảm Giáo hoàng ủng hộ ứng cử viên Tổng thống Donald Trump đã được hơn 868.000 chia sẻ trên Facebook trong khi bài báo nói rằng tin ấy là nhảm thì chỉ được 33.000 lượt share.
Nhà báo Walter Lippmann (1889-1974), người được xem là cha đẻ của báo chí hiện đại, từng luôn hoài nghi về khả năng một công dân trung bình có thể hiểu được các vấn đề quốc gia hoặc có thể có những nhận định chính trị hợp lý. Nhiều năm sau thời Lippmann, điều này vẫn còn đúng. 
Một cách chính xác, fake news không phải là sản phẩm của thời đại kỷ nguyên số. 
Fake news tồn tại cùng lịch sử loài người. 
Trong khi đó, tâm lý con người dường như không thay đổi hoặc thay đổi rất ít, trong cách đón nhận và ứng xử với thông tin. Người ta vẫn thích nghe và đồn đãi những thông tin giật gân dù không thể kiểm chứng hoặc chưa được kiểm chứng. Xã hội vẫn có khuynh hướng “háo hức” rỉ tai nhau những thông tin “bí mật” và “rò rỉ”. Trong kỷ nguyên số, điều này càng dễ thực hiện. Khi lan truyền, fake news “bay” với vận tốc ánh sáng, dù nó chỉ làm đen kịt thêm màn đêm thông tin.
Fake news trong kỷ nguyên công nghệ số bùng nổ dữ dội còn một phần bởi yếu tố mang tính tâm lý cố hữu: sự “tự sướng”. 
Ai cũng thích là “người đầu tiên” “biết” câu chuyện đó. Một bản tin liên quan một vấn đề được tung ra đúng thời điểm mà cộng đồng hoặc xã hội đang quan tâm sẽ dễ dàng biến “fake news” thành “true news”. 
Năm 2005, trong quyển Amusing Ourselves to Death, nhà phê bình truyền thông Neil Postman nói, bản chất hoàn cảnh sẽ quyết định thông điệp mà nó truyền tải. Viết trên Foreign Policy (18-11-2016), Ilya Lozovsky nói thêm: truyền thông xã hội đang “nguyên tử hóa” các ý kiến thảo luận. “Chúng ta chia sẻ những câu chuyện chứa tín hiệu và củng cố bản thể bầy đàn của chúng ta, chứ không phải những điều dẫn đến việc đòi hỏi phải suy nghĩ thấu đáo. Chúng ta đọc những gì mà bạn bè chia sẻ. Chúng ta “retweet” những gì mà những nhà báo yêu thích của chúng ta đã tweet. Và chúng ta dường như không quan tâm đến việc tìm kiếm những quan điểm thay thế”.
Môi trường thông tin không minh bạch và bị bưng bít nhiều thì fake news càng dễ lan truyền. 
Đó là những gì xảy ra tại Việt Nam. 
Sự suy yếu của hệ thống báo chí “chính thống” đã cung cấp thêm “sức mạnh” cho fake news. Cái chết của Nguyễn Bá Thanh cùng vô số câu chuyện liên quan giới chức chính quyền đã được tung ra hư hư thực thực khiến chẳng biết đâu mà lần. Những bức ảnh được ngụy tạo được lan truyền với tốc độ chóng mặt khiến sự nhiễu loạn lên đến mức không thể kiểm soát. Chính quyền lại là “thủ phạm” gián tiếp cho cuộc “cách mạng thông tin” bằng fake news của cộng đồng mạng, khi chính quyền không bao giờ trung thực trong thông tin với người dân.
Trong vài trường hợp, fake news đã được các phe phái sử dụng như một công cụ để đánh đấm nhau. Người ta còn chưa quên thời tung hoành khuynh loát của “anh Lực” – cách nói phổ biến của cộng đồng mạng khi ám chỉ trang “Chân dung quyền lực”. Có một thời, “anh Lực” là nguồn tin được trông chờ hơn bất kỳ tờ báo nào. Một thời, “anh Lực” “thống trị” cả thế giới mạng. Điều đáng chú ý là “anh Lực” mạnh đến mức “công an mạng” chẳng làm gì “anh” cả. “Lực” không hề hấn gì dù “Lực” phơi bày bao nhiêu chi tiết liên quan đến các đối thủ chính trị mà tất cả đều là giới chính trị chóp bu. Khó có thể kiểm chứng mức độ chính xác những gì “anh Lực” kể nhưng “anh Lực” là ví dụ điển hình nhất và có vai trò “lịch sử” nhất khi xét đến việc sử dụng biến tướng fake news cho mục đích chính trị, trên một sân khấu chính trị Việt Nam luôn rủ màn che phủ bóng đen trước mắt người dân.
Thật khó có thể ngăn chặn fake news khi mà bản thân chính quyền, không chỉ không trung thực, mà còn tạo ra fake news, hay nói chính xác hơn là “fake news hóa” cho mục đích chính trị. Những cái chết hoặc tình trạng bệnh tật của các gương mặt lãnh đạo cao cấp luôn bị bưng bít hoặc được cung cấp tin giả. Những cáo buộc người dân đi biểu tình “nhận tiền của các thế lực phản động nước ngoài” được đưa ra mà không bao giờ có bằng chứng. Những câu chuyện “lý thú” về cuộc đời thuở “ấu thơ” của những quan chức cấp cao luôn có các chi tiết đáng ngờ mà không bao giờ người dân có cơ hội kiểm chứng. Ví dụ mới đây nhất là “trường hợp” “cậu học trò ấy (chủ tịch nước Trần Đại Quang) từng phải bắt đom đóm vào vỏ trứng làm đèn học tới đêm thâu” được đăng tên tờ Phụ Nữ TP.HCM (phunuonline) ngày 21-9-2018. Những câu chuyện “huyền thoại hóa” cá nhân lãnh đạo, tương tự những câu chuyện ngụy tạo “bi kịch hóa” thời chiến tranh, chẳng hạn chuyện “Mỹ-Diệm ăn thịt người”, từng tồn tại dai dẳng trong lịch sử fake news của hệ thống báo chí tuyên truyền cộng sản.
Bản chất thông tin là cung cấp những gì mà người ta chưa biết và ít nhiều mang lại niềm tin. 

Bản chất fake news là mang đến những gì người ta “muốn tin”; và nó, thay vì mang lại niềm tin, chỉ gieo rắc hoang mang. 

Chính quyền Việt Nam đang yêu cầu Facebook và Google kiểm soát fake news nhưng nếu chính quyền là “nguồn” của tin giả thì ai kiểm soát? 


Fake news đang là đại dịch của thời đại nhưng fake news tại Việt Nam không chỉ là tin đồn nhảm nhí. Nó còn là một công cụ chính trị để cai trị. Muốn xóa fake news, bản thân chính quyền phải chứng tỏ họ là những người trung thực và minh bạch trước mắt người dân. 

Với cộng đồng, fake news cũng không nên được sử dụng như một “giải pháp” để “đánh cộng sản”. Cộng sản không sợ fake news. Họ chỉ sợ sự thật.

..

......../.


"Cách mạng 4.0 " (3)

Tho Nguyen



******************
"Cách mạng 4.0 " (3)
*******************

Nền độc tài số - Digital Dictatorship.

(...Tiếp theo)
Kẻ nào nắm được khẩu phần ăn của bạn, chưa chắc đã điều khiển được bạn. Nhưng khi đã nắm được cách sống, cách suy nghĩ, cách tiêu tiền của bạn, họ có thể điều khiển được. Đó chính là mối nguy hiểm của Chủ nghĩa Tư bản số TBS mà nhân loại phải đối mặt.

Trong khi phương Tây đắp „thành lũy mạng“ để cản các cuộc tấn công của kẻ thù vào các căn cứ hạt nhân, các hệ thống năng lượng quốc gia, các kho dữ liệu tình báo… thì họ lại bị nốc-ao (Knocked out) qua các kẻ hở của các tập đoàn TBS. Giờ đây tình báo Mỹ, Phòng nhì Pháp và BND của Đức bỗng nhiên phải tập trung vào điều tra các fake news đã và đang tác động đến kết quả bầu cử và tình hình bài ngoại ở các nước này.

Sự tinh vi xuất sắc của các loại fake news này ở chỗ nó không tung tràn lan các thông tin chống lại đối tượng cần phải triệt hạ. Dựa vào các dữ liệu thu thập được, các trung tâm fake news thậm chí đưa ra các tin có lợi cho đối thủ, nhưng chỉ tập trung mê hoặc một nhóm cử tri thích hợp. Sau khi kết quả sit sao vụ trưng cầu dân ý Brexit với 51,9% vs. 48,1% được công bố, hàng trăm ngàn thanh niên Anh bỗng cảm thấy mình có lỗi. Chỉ trước đó 2 ngày, họ đã đọc được trên mạng kết quả thăm dò là phe họ sẽ thắng áp đảo. Dù đa số thanh niên Anh muốn ở lại EU, nhưng tin vui đó là một cái cớ để những kẻ ham vui tận dụng ngày thứ năm được nghỉ để ngủ bù cho đêm disco vừa qua. Sau ngày này, không ai tìm ra kế quả thăm dò đó ở đâu ra nữa. Đây có thể là giải thích cho việc quá ít thanh niên tham gia bỏ phiếu hôm đó. (1)

Những giả thiết về vai trò của Nga và vụ 50 triệu bộ hồ sơ người dùng Facebook bị Cambridge Analytica móc túi để dùng cho vụ bầu cử ở Mỹ cho thấy nhân loại đang có nguy cơ trở lại „Jurasic Park“. Người ta đã hân hoan vì tạo ra được những sinh vật cực kỳ thông minh, lớn nhanh như thổi, để rồi không còn kiểm soát được nó nữa. Những kho dữ liệu khổng lồ, được phân tích và phân loại cực kỳ chính xác, khi đã bị lợi dụng, sẽ có sức phá hoại khôn lường. Nhìn vẻ mặt lúng túng của Zuckerberg trong các cuộc điều trần ở quốc hội Mỹ và EU, tôi có cảm tưởng cậu đang mất dần sự kiểm soát đứa con cưng của cậu. Những gì đang xảy ra ở VN cũng vậy.

Nhưng may mắn là CNTB chỉ tồn tại trong không gian tự do và phát triển được nhờ tự do cạnh tranh. Chính nhờ cạnh tranh mà các tập đoàn TBS đã không thể trở thành khủng long. Người ta không quên sự biến mất của AOL, sự đi xuống của Hotmail và Yahoo. Không cẩn thận thì Facebook hay Google cũng cùng chung số phận. 
Cẩn thận với ai? Với các đối thủ, với thị trường, với hệ thống pháp luật. Nhưng đáng sợ nhất là xã hội dân sự, lực lượng bảo vệ đến cùng tự do thông tin và bí mật cá nhân. Tất cả các thợ săn này đã giữ được phần nào cân bằng sinh thái không gian mạng. Ở những khu rừng già thiếu các yếu tố trên, có lúc thỏ bị sói “nuốt bài” và “xé danh khoản” . Tư bản mà.

Nhưng toàn cầu hóa cũng góp phần cho TBS phát triển nhanh tại các chế độ Tư bản độc tài (Autocratic Capitalism). Ở đó TBS đã thực sự trở thành con quái vật. Trong nhiều bài trước, tôi đã kể về Chinanet một mình chống lại Internet.

Trung Quốc không phát minh ra Internet, eCommerce, hoặc eBanking, nhưng lại có 9 trong số 20 tập đoàn mạng lớn nhất thế giới. Các Weibo, Baidu, Alibaba, Wechat v.v. cung cấp cho gần 800 triệu người sử dụng tất cả các loại dịch vụ online nào mà trên đời này có. Hơn cả Amazon, Alibaba còn lo vận chuyển hàng xách tay cho khách du lich TQ từ các outlet ở châu Âu về đến tận nhà. 800 triệu người Hoa đang hân hoan tận hưởng các kiến thức mới, các tiện nghi trực tuyến qua các máy ZTE, Huawei... Chỉ có một thiểu số tinh tú biết rằng, họ đang bị giam và bị đồng hóa trong cái lồng sắt Chinanet (Khi đã biết thì có cách chống).

Những thanh niên Trung Quốc mà tôi gặp ở Đức thường là những người dễ thương và có học, rất linh hoạt trong sinh hoạt mạng. Nhưng khi nói chuyện về các đề tài dân chủ, nhân quyền, môi sinh, họ hẫng hụt bởi nhiều khái niệm.

TBS Trung quốc không chỉ tập trung vào ngu dân mà đã trở thành một bộ máy giám sát và theo dõi dân. Tiết lộ dữ liệu cá nhân của người sử dụng là một tội danh ở mọi xứ tự do, nhưng ở Trung Quốc không tiết lộ mới là tội. Những năm qua, công nghiệp tin học TQ đã có những bước tiến lớn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, nhận dạng và Big Data…. „Nhà nước và Tư bản cùng làm“, họ bắt tay ngay vào việc quản lý xã hội bằng các thành tựu đó. Mua bánh bao ngoài chợ hay cho tiền người hát rong bằng barcode và smartphone không phải là huyền thoại, mà là một thực tế. Trong xã hội dân chủ thì đây là một thành tựu eBanking vĩ đại. Nhưng trong chế độ độc tài thì đây là một cơn ác mộng.

Mới đây, Băc Kinh thí điểm việc quản lý công dân ở một số thành phố nhỏ bằng cách cho điểm và phân loại công dân. Social Credit System - Hệ thống tín dụng xã hội, cái tên nghe vừa XHCN vừa tư bản. 

Thông qua các mạng trên, người ta sẽ thu thập mọi dữ liệu về sinh hoạt của công dân. Hay xem phim sex sẽ bị trừ điểm, xem phim cách mạng thêm điểm. Mua nhiều rượu bị trừ, mua rau sạch được cộng điểm. 1,4 tỷ công dân bị kiểm soát bằng 200 triệu camera ở mọi ngõ ngách(2). Công nghệ Big Data và AI cho phép scan mọi biển số ô-tô và nhận dạng từng khuôn mặt. 

Ai đi sai luật hay cãi cọ bị trừ điểm. Phê phán chính quyền thì mất hàng đống điểm. Ai trên 1300 điểm thì được xếp hạng công dân AAA, con cái sẽ dễ vào đại học hơn. Ai dưới 700 điểm là có vấn đề. Thấp hơn nữa thì tự nhiên không mua được vé tàu, vé máy bay.(3)

Phóng sự của ABCnews đã làm tôi bị sốc (4). Sốc không phải vì các biện pháp dồn con người vào rọ, mà vì những nạn nhân lại thấy hạnh phúc khi được chui vào rọ. Ai có thời gian, có thể dịch và phụ đề tiếng Việt phim này để mọi người cùng xem, cùng rùng mình về Tư bản số trong chế độ độc tài.

Lùa được dân vào các khuôn phép vô hình và nếu ép vài thế hệ sống theo những ba-rem đó, người ta sẽ làm được như người Nhật trồng dưa hấu vuông. Vài trăm triệu người Trung Quốc sẽ bị đồng hóa tròn xoe như nuôi trong lọ.

Phẩm chất sống còn của loài người chính là ở chỗ không ai giống ai. Cá tính nhã nhặn, sạch sẽ, đúng giờ cũng cần như tính nóng mặt là chửi, hứng lên là làm. Tính khôn lỏi, né tránh cũng cần như máu khùng, rỗi hơi xuống đường biểu tình giữ cây xanh để ăn đòn của du côn…. Sự cọ xát giữa những dị biệt này đã đưa nhân loại đến được như hôm nay.

Nếu mọi người bị đồng hóa thành một quần thể, chỉ suy nghĩ và hành động theo một sự chỉ đạo thì loài người sẽ quay lại trước cả thời kỳ man rợ. Thời kỳ của những con giun. Giun digital !



Köln, 18.10.2018.



Ngày Blogger Như Quỳnh cùng gia đình được đoàn tụ tại Mỹ. Nhớ thương 4 mẹ con bà cháu chị Tuyet Lan Nguyen !




"Cách mạng 4.0 " (2)

Tho Nguyen


******************
"Cách mạng 4.0 " (2)
*******************

Chủ nghĩa tư bản số -Digital Capitalism



Trong bài trước tôi hệ thống hóa các cuộc „Cách mạng kỹ thuật” CMKT dựa trên tiêu chí: Chỉ coi những phát minh kỹ thuật nào là „cách mạng“, nếu như nó gắn với các biến cố xã hội. Nhiều người khác hệ thống hóa các cuộc CMKT theo tiêu chí khác. Do vậy có nhiều cách nhìn khác nhau. Ví dụ có người coi việc tìm ra đồng từ thời tiền cổ là CMKT lần thứ nhất, máy hơi nước là lần thứ hai và máy tính là 3, Internet là CMKT lần thứ 4. Có bạn lại coi công nghệ Nano, trí tuệ nhân tạo AI, hay logistic là CMKT 4, hoặc dẫn giải ý kiến Gartner để khẳng định Cách mạng 4.0. Cả Gartner, các bạn và cả tôi đều có thể sai, vì đó là cách nhìn.

Điểm tranh cãi nhất, dễ nhầm lẫn nhất là khái niệm “CMKT lần thứ 4” và “Cách mạng 4.0” hay “Công nghiệp 4.0”.

Khi tôi đến Đức 1991, đi dự hội thảo đã nghe nói về cuộc CMKT lần thứ 4. Cuộc cách mạng thông tin này xảy ra đúng lúc chiến tranh lạnh chấm dứt đã tạo ra toàn cầu hóa. Tức là Kỹ thuật và Xã hội cùng chuyển, cái này tác động tương hỗ cái kia. Hôm nay thế giới đã toàn cầu hóa như chúng ta chứng kiến.

Còn cái gọi là "Công nghiệp 4.0" hay "Cách mạng 4.0" mới chỉ được nói đến trong 2-3 năm gần đây, là một hệ quả của “Toàn cầu hóa”, chứ không phải là nguyên nhân dẫn đến “Toàn cầu hóa”. Vì thế nên tôi cho là không hợp với từ "Cách mạng", mà chỉ nên dùng từ "Công nghiêp 4.0".

Rõ ràng, cuộc CMKT lần thứ 4 dẫn đến “Toàn cầu hóa” và sau đó hơn 20 năm, “Toàn cầu hóa” đã cho phép ra đời "Công nghiệp 4.0".

Toàn cầu hóa không chỉ giúp công nghiệp hóa các nước đang phát triển, mà đã dịch chuyển các nước công nghiệp phát triển sang hậu công nghiệp. Tức là CMKT 4 đã tạo ra Chủ nghĩa Tư bản số - Digital Capitalism, tôi viết tắt là TBS. Mục tiêu của TBS không còn là sản xuất và kinh doanh hàng hóa, mà là tổ chức và nắm giữ kiến thức, thông tin. Trong chế độ TBS, thuật toán (Algorithm) là máy công cụ quan trọng nhất, dữ liệu (Data) là nguyên liệu sống còn và thông tin (Information) trở thành hàng hóa cao cấp.

Chủ nghĩa Tư bản số không khai thác trực tiếp sức lao động của người thợ để tạo ra của cải. Thay vào đó người sử dụng (User) lại nuôi sống Tư bản số mỗi khi vào mạng. Càng nhiều user, nhà mạng càng giàu. Giàu vì sở hữu mọi số liệu của người dùng, từ thói quen, sở thích, sức mua,....đến cỡ giày thể thao. Thậm chí có bao nhiêu bồ nhí, cô nào thích L’Oreal, cô nào thích Channel? Ngay cả mấy đứa cháu ngoại vẫn hay khoe trên mạng, đứa nào thích đồ chơi gì, nhà mạng cũng biết. Những bí mật vô giá này được sử dụng cho quảng cáo của chính hãng, hoặc bán cho các nhà sản xuất khác dưới dạng thống kê. Chỉ qua vài cái likes, bạn đã tiết lộ là người thiên tả, người mê Trump, hoặc cuồng Putin. Đối với các ban vận động bầu cử, những dữ liệu này trị giá bạc tỷ. Đó chính là sự vận hành tự động của cái gọi là User Generated Capitalism (Người sử dụng nuôi tư bản).

Tiền vào như nước, lại không tốn kém cho những đầu tư khổng lồ về nhà máy, kho tàng, không bị giai cấp công nhân đình công…, Tư bản số phát triển rất nhanh. Những gì Facebook, Google, Amazon tích lũy trong vòng 20 năm đã vượt xa gia tài mà Ford, General Motors, GE… hao tâm tốn lực hơn môt trăm năm.

Chàng thanh niên 27 tuổi Brian Chesky, khi thành lập công ty Airbnb vào năm 2007 (1), chỉ cần một website kết nối những người có phòng trống với những „Tây Ba-lô” ít tiền, nhưng thích đi du lịch. Ngày nay Airbnb đã là một công ty dich vụ khách sạn lớn nhất thế giới và tài sản riêng của Chesky là 3,8 tỷ USD. Chesky và đồng nghiệp không tốn một xu nào cho địa ốc, chỉ dùng thuật toán để tạo ra cổng thông tin, sử dụng số liệu của hàng chục triệu người có nhà cũng như người cần chiếu manh rồi bán cho nhau, ở giữa thu lợi. Uber hay Grab cũng chỉ là các công ty Tư bản số với phương thức kinh doanh số liệu và thông tin. Tiền vào như nước mà tiền ra thì „khóa vòi“.

Cũng chính vì vậy mà TBS có thể làm một lúc chức năng của hai loại tư bản truyền thống: Tư bản công nghiệp và Tư bản tài chính. Các tập đoàn công nghiệp Ford, General Motors hay GE dù mạnh đến mấy, cũng luôn khát vốn, làm gì cũng phải vay của các tập đoàn tài chính như JP Morgan hay Bank of America. Ngày nay các tập đoàn công nghệ IT cũng chính là nhà tài phiệt khổng lồ. Chỉ riêng Apple đã có khoảng 180 tỷ USD cho vay năm 2017 (2). Ít ai tin được điều đó. Nhưng thực tế là Apple đã xây dưng một trung tâm tài chính ở Nevada.

Cái vòng xoáy tích tụ đó quay một cách chóng mặt. Chỉ trong vòng 10 tháng đầu của năm 2017, giá trị cổ phiếu của 5 tập đoàn TBS: Apple, Microsoft, Google, Amazon và Facebook đã tăng thêm 950 tỷ US-Dollar. Có nghĩa là chỉ trong mười tháng 5 tập đoàn này đã giàu lên hơn gần 1000 tỷ, vượt qua GDP cả năm 2017 của ba nước Na-Uy, Phần Lan và Đan Mạch cộng lại.

Tôi nêu các ví dụ trên để chúng ta nhìn ra vấn đề: TBS đang dần ngự trị thế giới. Đã là tư bản thì mục tiêu tối thượng là làm giàu. Kể cả ý tưởng phủ sóng internet toàn cầu của Google và Elon Musk cũng không phải vì tự do thông tin, hay giải phóng nhân loại mà vì lợi nhuận. Đã vì lợi nhuận thì họ chỉ hành động theo tính toán. Tùy theo tình hình của thị trường mà họ sẽ tính xem nên chiều ai, nên bỏ qua ai. Họ biết: Thông tin đang là mặt hàng đắt nhất, ai cũng phải xài.

Köln 14.10.2018

Tái bút: Tôi không phải là học giả, chỉ viết những điều tôi hay nghĩ vẩn vơ để mọi người tranh luận cho vui. Tôi có thể sai và tôi luôn cảm ơn những ai đóng góp ý kiến.Tôi đã học được của rất nhiều còm viên. Nhưng tôi không ưa các kiểu chụp mũ và thóa mạ nhau là ngu, dốt hay „bại não“, cần „thông não“ v.v. Mong các bạn tử tế với nhau.


(Còn tiếp)

................................

"Cách mạng 4.0 " (1)


Tho Nguyen



******************
"Cách mạng 4.0 " (1)
*******************

Nhiều người hay nói về cuộc „Cách mạng 4.0“ mà có lẽ không biết đang nói gì ? Tiều phu chỉ coi cách mạng là các sự kiện lịch sử có tính bước ngoặt đối với xã hội. Trong khoa học cũng vậy, người ta chỉ nói đến các cuộc Cách mạng Kỹ thuât CMKT (Technical revolution) khi nó gắn với các sự kiện thay đổi cuộc sống loài người.

- Thời kỳ đồ đồng vào khoảng từ 3000 đến 2000 năm trước Công nguyên đã giúp con người biết làm dụng cụ canh nông và vũ khí. Vũ khí đã thúc đẩy hình thành các chế độ nô lệ và phong kiến, xóa bỏ cuộc sống bộ lạc. Cho dù về sau người ta đã tiến tới sắt thép và súng thần công sử dụng thuốc nổ lưu huỳnh, nhưng đồ Đồng là một cái mốc. Nhẽ ra, sử dụng kim khí này đáng được coi là cuộc CMKT lần thứ nhất. Nhưng vì không xác định được niên đại và xuất xứ nên hòa cả làng, coi như cuộc cách mạng số 0.

- Cuộc CMKT lần thứ nhất: Phát minh ra máy hơi nước của James Watt năm 1759, mở đầu cho quá trình công nghiệp hóa và ra đời CNTB. Trước đó, loài người chỉ biết dùng sức cơ bắp. Sức nước và sức gió, tuy đã được sử dụng, nhưng không khống chế được. Cũng nhờ máy hơi nước mà hàng hải phát triển, chủ nghĩa thực dân từ Châu Âu tràn sang châu Á, Phi và Mỹ La tinh. Nhờ đó, các cụ nhà ta bắt đầu nhìn thấy cái bóng đèn lộn ngược và ông giám mục Tây Đắc Lộ (Alexander de Rhode) được xóa nạn mù chữ tiếng Việt .

- CMKT lần thứ hai: Băng chuyền công nghiệp xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 mà đặc trưng là dây chuyền sản xuất máy móc do Henry Ford phát minh (1). Vua hề Sác-Lô đã nổi tiếng bằng bộ phim chế diễu sản xuất dây chuyền. Băng chuyền cũng sản sinh ra giai cấp vô sản bị bần cùng hóa và kết quả của nó là cuộc Cách mạng 1917 ở Nga. Hai chế độ đối nghịch là XHCN và TBCN kéo nhau lên vũ đài. Quê choa được lịch sử chọn làm nơi tỷ thí vào cuối thời kỳ này.

- CMKT lần thứ ba là cuộc cách mạng tự động hóa, xuất hiện vào đầu những năm 1970, khi người ta chế từ Silicon ra các vi mạch. Từ đó các vi máy tính dùng các bộ vi xử lý (Microprocessor nay ta gọi là CPU) ra đời (Máy Apple I năm 1976). Năm 1973 bác Việt kiều André Trương Trọng Thi đã chế ra máy vi tính Micral ở Pháp (2), nhưng bác Thi tiếp thị không giỏi bằng hai tay Steve kia (3) nên thua.

Mặc dù IBM đã làm ra các máy tính Mainframe từ những năm 60, nhưng không thể phổ cập được vì giá thành quá cao và cồng kềnh. 

Trước 1975, ở Miền Nam có một số máy tính IBM. Ví dụ máy IBM360/50 ở bộ tổng tham mưu Quân lực VNCH, dùng để quản lý lương và hồ sơ cho khoảng 700.000 quân sỹ và gia binh. Các nhà khoa học ngoài Bắc vào đã tròn mắt nhìn cái máy chạy bằng hàng chục ngàn bóng transitor và băng đục lỗ.

Cuộc cách mạng này đã đưa tự động hóa vào sản xuất, đẩy các nền công nghiệp đại cơ khí vào góc tối. Câu nói của Lenin: “XHCN là chính quyền Xô Viết cộng với điện khí hóa (công nghiệp hóa)“ bổng trở nên lỗi thời.

Trước đó tuy kém phương tây về mức sống, nhưng bên tư bản làm được cái gì, bên XHCN cũng có. Ví dụ như xe ô tô Lada, Trabant, Skoda so với BMW, Volvo hay Toyota. Rồi máy bay Ilyuschin IL 86 hay Tupolev TU 144 chọi với Boeing hay Airbus. Tuy động cơ XHCN tốn xăng hơn, nhưng vì được bao cấp bởi Liên Xô, vốn bán xăng rẻ hơn nước Kwatsch nên không hề chi.

Đến khi phương tây có các loại máy vi tính và máy cơ khí CNC thì bên XHCN ngắc ngư. Ngày đó mấy ông việt kiều ở Tây Đức sang Đông Đức kiếm vợ, thủ được cái máy PC-AT 286 theo là cả một làng VN ở Berlin sống khỏe. Cô bồ bán máy đó cho ông phòng bên giá gấp 2. Ông ta mang đến cho ông đội trưởng biết tiếng Đức, bán gấp ba. Ông đội trưởng đem bán cho một nhà máy hoặc trường đại học nước bạn, lại kiếm gấp 3. Đắt mấy nước bạn cũng phải mua.
Có thể nói cuộc cách mạng KHKT lần thứ ba góp phần xóa sổ CNXH đông Âu, kết thúc chiến tranh lạnh.

- CMKT lần thứ tư nổ ra vào cuối thế kỷ 20, được gọi là cuộc cách mạng thông tin. Sự cáo chung của nền kinh tế XHCN tập trung quan liêu, cộng với sự bùng phát của mạng Internet smartphone, mạng xã hội, từ hơn 20 năm qua đã biến trái đất từ tròn sang bẹt (phẳng). Nhân loại bước vào một kỷ nguyên mới: Toàn cầu hóa.

Toàn cầu hóa không chỉ có nghĩa là mang các sáng chế từ phương tây sang sản xuất ở các nền kinh tế mới được giải phóng sức lao động, giá cả thấp. 

Nó còn xuất khẩu các tư tưởng, lối sống phương tây sang các nước đang phát triển. Ngược lại nó biến sức lao động và mạng người rẻ trở thành đối thủ nguy hiểm, cạnh tranh với các nền công nghiệp lâu đời có phúc lợi cao. Một trong các kết quả của "Toàn cầu hóa" là sự trỗi dậy một đế quốc mới: Trung Quốc.

Từ đó đến nay chưa có cuộc CMKT nào khác. Các phát minh như trí tuệ nhân tạo, xe ô-tô điện hay Cloud computing vẫn chỉ là các sản phẩm của cuộc CMKT lần thứ 4. Khái niệm „Công nghiệp 4.0“ (4) được đưa ra vài năm gần đây chỉ là áp dụng các tiến bộ của cuộc CMKT 4 vào sản xuất công nghiệp trong một thế giới toàn cầu hóa về mặt chính trị và nối mạng bằng internet cao tốc mà thôi.

Công nghiệp 4.0. chưa đủ để được gọi là cách mạng, vì nó không gắn với một biến cố xã hội nào. Nó chỉ là: Một sản phẩm có thể thiết kế từ 3 nước khác nhau, sản xuất từ 5 nơi khác nhau và được giao đến nơi thứ 6 đúng lúc (Just in time) để làm ra đúng số lượng thành phẩm được đặt hàng mà không tốn vật liệu tồn kho. Cũng các cơ sở trên hôm nay có thể làm ra 1000 sản phẩm A, mai lại làm 2000 sản phẩm B, tiết kiệm rất nhiều tài nguyên và sức lao động.

Người Việt coi mình là lãnh đạo cách mạng thế giới nên tự phát minh ra “Cách mạng 4 chấm không“. 

Họ coi từ việc „Kéo đám mây điện toán về VN để bảo đảm an ninh“, đến việc dùng smartphone để chạy Uber, hay vào FB để bán hàng xách tay là đang tiến hành cuộc cách mạng đó 

Köln 12.10.2018

..về dự thảo 03/10/2018 hướng dẫn thực thi Luật An ninh mạng


 Nhật ký Cờ Mờ 4.0: 
về dự thảo 03/10/2018 
hướng dẫn thực thi Luật An ninh mạng

**********


 chuyên gia an ninh mạng Dương Ngọc Thái




++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Tóm tắt dành cho ai lười đọc:


1. Dự thảo bắt buộc các công ty Internet quốc tế phải lưu trữ dữ liệu cá nhân của người Việt Nam tại Việt Nam, nhưng bất kể các công ty tuân thủ, chính phủ cũng không thể tự ý truy cập vào nguồn dữ liệu này. Về mặt kỹ thuật, dữ liệu các công ty đặt trên các máy chủ sẽ luôn luôn ở dạng mã hoá và chỉ có thông qua công ty sở hữu dữ liệu mới có chìa khoá để mở nhưng luật của Mỹ là không được cung cấp khoá, nếu chưa có sự đồng ý của Bộ Tư Pháp hoặc Nhà Trắng.

2. Bắt buộc các công ty mở văn phòng ở Việt Nam không phải là một yêu cầu quá đáng, nhưng chính phủ cần phải hiểu được tại sao người ta không muốn mở. Singapore đâu cần ra luật gì, các công ty vẫn đua nhau mở trụ sở. Bắt buộc người ta vào, người ta sẽ vào cho có lệ, rốt cuộc Việt Nam sẽ không nhận được vốn hay công nghệ gì cả, mà lại còn tạo tiền lệ xấu.

3. Bắt buộc các công ty lưu trữ dữ liệu ở Việt Nam sẽ khiến họ chỉ có hai lựa chọn: rút khỏi thị trường Việt Nam hoặc sao chép dữ liệu thô từ trung tâm dữ liệu của họ sang các máy chủ thuê mướn ở Việt Nam. Sao chép dữ liệu thô làm gia tăng rủi ro dữ liệu bị xâm phạm, nếu xảy ra sự cố sẽ ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động kinh doanh của họ, vốn dựa rất lớn vào niềm tin của khách hàng. Và đương nhiên họ phải tốn thêm chi phí thiết kế lại hệ thống, thuê mướn thêm thiết bị lưu trữ, chi phí này sẽ do chính người dân Việt Nam phải chi trả, khi các công ty phải tăng giá thành dịch vụ, sản phẩm đối với thị trường Việt Nam.

Bộ Công an còn yêu cầu các công ty phải bàn giao dữ liệu hàng loạt. Ưu tiên hàng đầu của các công ty quốc tế là đảm bảo an toàn dữ liệu và riêng tư cho khách hàng, trừ khi có lệnh của tòa án và luật sư của họ đồng ý, họ không thể nào đơn phương tùy tiện chuyển giao dữ liệu cho bên thứ ba. Họ làm sao biết được Bộ Công an sẽ quản lý dữ liệu, sử dụng và chia sẻ dữ liệu của họ như thế nào. Nhưng nếu vì bất kỳ lý do gì dữ liệu bị lộ ra ngoài, họ sẽ hứng đủ.Vả lại, dữ liệu là tài sản của công ty, yêu cầu họ chuyển sang cho chính phủ Việt Nam chẳng khác nào quốc hữu hóa. Còn ai muốn làm ăn ở Việt Nam?

Một khi rủi ro, áp lực chính trị và chi phí hoạt động quá cao, các công ty sẽ phải tính đến phương án rút khỏi Việt Nam. Nếu các công ty rút khỏi Việt Nam, chúng ta sẽ lấy gì thay thế, Baidu và Weibo chăng?

4. Chuyển dữ liệu từ Singapore hay Đài Loan về Việt Nam sẽ không khiến dữ liệu được an toàn hơn. Internet không có biên giới, chuyển địa điểm lưu trữ không làm cho dữ liệu an toàn hơn, trái lại là đằng khác.

5. Bộ Công an tuyên bố sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu ($$$$) để tiếp nhận dữ liệu mà họ yêu cầu các công ty cung cấp. Nghĩa là toàn bộ dữ liệu của người Việt Nam sẽ được lưu ở một chỗ duy nhất, tạo thành một mục tiêu béo bở cho giới tội phạm chuyên nghiệp hoặc lực lượng tình báo mạng của các quốc gia.

6. Toàn bộ dữ liệu không chỉ của người dân, mà cả lãnh đạo cấp cao và toàn bộ hệ thống chính trị nằm trong tầm kiểm soát của Cục An ninh mạng, Bộ Công an. Với viễn cảnh u tối như Đông Đức năm 1984, ai còn muốn đến Việt Nam sống và làm việc? Nếu không thu hút được tài năng, làm sao Việt Nam có đủ nhân lực để làm cách mạng công nghệ?

7. Sau 30 năm nhận vốn và công nghệ thế giới, Trung Quốc đang giàu lên rất nhanh và đe dọa cả thế giới. Phương Tây đang rất lo ngại và muốn tìm đối tác đầu tư thay thế. Đây là cơ hội của Việt Nam, nhưng dự thảo 03/10/2018 chẳng khác nào một lời tuyên bố rằng Việt Nam không muốn đi cùng với thế giới. Nguy hiểm hơn hết, khi Việt Nam cản trở các công ty công nghệ phương Tây, các tập đoàn công nghệ rất giàu mạnh của Trung Quốc sẽ thao túng thị trường và dữ liệu của người Việt Nam, tạo ra những hiểm họa khôn lường.

Vì những lý do kể trên, tôi đề nghị chính phủ loại bỏ chương 5 của dự thảo 03/10/2018 và giới hạn phạm vi của dự thảo vào nội dung bảo vệ an toàn thông tin cho các hệ thống trọng yếu quốc gia. Yêu cầu lưu trữ dữ liệu nội địa cần được tách ra và hướng dẫn thực hiện bằng một dự thảo khác.


++++++++++++++++++++++++++++++++++++



(Một phiên bản của bài này đã đăng trên BBC)
(Cập nhật: bỏ phần tóm tắt cho ngắn lại; bài trên BBC hoặc trong phần comment có tóm tắt)
(Cập nhật: chôm từ "Vạn Lý Hỏa Thành" của một bạn đọc)


+++++++++++++++++++++++++++
Nhắc lại chuyện cái ao:

Sau khi tốn bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và nước miếng viết hai lá tâm thư mà Quốc hội vẫn thông qua Luật An ninh mạng, tôi muốn đưa ra một đánh giá toàn diện về bộ luật này, ở góc độ kỹ nghệ và pháp lý, nên đã dành ra bảy bảy bốn chín ngày tìm hiểu luật pháp an ninh mạng quốc tế. Những gì tôi đọc được thật thú vị. Hóa ra công việc của luật sư không khác lắm công việc của hacker, thay vì tấn công và phòng thủ bằng code họ chơi bằng từ ngữ.

Tôi tính sẽ viết một loạt bài về đề tài này, nhưng rồi giữa tháng 8 năm nay bạn tôi rủ tham gia nhóm 100 “nhân tài" về Việt Nam gặp gỡ lãnh đạo Việt Nam với kỳ vọng tôi sẽ có cơ hội được chụp hình chung với thủ tướng, tay bắt mặt mừng rồi nếu còn thời gian thì phân tích cho ngài thủ tướng nghe lợi và hại của Luật An ninh mạng. Nhưng rốt cuộc, vì mãi chụp hình, tôi không có cơ hội chia sẻ ý kiến.

Với những thay đổi về nhân sự trong nhóm những người làm ra Luật An ninh mạng và quan sát quyết tâm phát triển kinh tế công nghệ của chính phủ, tôi đã từng hi vọng các ý kiến của tôi không còn cần thiết nữa, rằng khi soạn thảo nghị định hướng dẫn thực hiện luật, vì phát triển kinh tế, vì lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, vì riêng tư cho người dân và an ninh quốc gia, chính phủ sẽ giữ cho người dân Việt Nam một Internet mở, tự do và an toàn.

Nhưng tôi đã lầm. Dự thảo nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng đề ngày 03/10/2018 [1] còn nặng nề tăm tối hơn cả luật. Cái giá của tự do quả là một sự cảnh giác vĩnh cửu, hở ra một chút là mất.

Vì dự thảo chỉ tiếp nhận ý kiến đóng góp trong vòng 20 ngày, thay vì 6 tháng như thường lệ, tôi viết vội bài này, thôi thì không nói được với thủ tướng thì chia sẻ với quốc dân đồng bào tại sao tôi nghĩ dự thảo nghị định 03/10/2018 sẽ không giúp ích được gì trong việc phòng chống tội phạm, mà còn tạo ra những nguy cơ không thể xem thường về kinh tế và an ninh quốc gia.

Bài này hơi dài, đúng là nếu có thời gian tôi đã viết ngắn hơn. Thời buổi này mà bắt người ta bỏ ra 15 phút tập trung đọc một tiểu luận chính trị là một tội ác chống lại loài người và Mark Zuckerberg. Ý kiến của tôi giải thích thì dài nhưng mục tiêu rất ngắn gọn: bỏ chương 5 của dự thảo 03/10/2018. Tôi hi vọng mọi người đọc hết và cho tôi biết ý kiến (thaidn@gmail.com). Chúng ta cần một cuộc thảo luận đại chúng về dự thảo 03/10/2018.

Tóm tắt dự thảo


Dự thảo này chưa được công bố, nhưng ai đó đã chia sẻ trên mạng. Toàn văn dự thảo có thể xem ở đây.

Dự thảo có năm chương, ngoại trừ chương 5, phần lớn nội dung tập trung vào vấn đề bảo vệ an toàn thông tin cho các hệ thống trọng yếu quốc gia. Mặc dù có những quy định khá ngớ ngẩn như bắt buộc đổi mật khẩu mỗi tháng một lần, chúng ta phải ghi nhận nỗ lực của nhóm soạn dự thảo và thành công phần nào của họ khi đưa ra được một chính sách an toàn thông tin chung cho các hệ thống trọng yếu.

Tôi sẽ có ý kiến riêng về nội dung an toàn thông tin của dự thảo, ở đây tôi tập trung vào chương 5, bắt đầu từ trang 40. Chỉ trong vòng vài trang giấy, dự thảo nghị định do Bộ Công an soạn thảo đã trao cho Cục An ninh mạng, Bộ Công an những quyền sau đây:
  • Điểm b, khoản 1, điều 57: bất kỳ công ty trong và ngoài nước cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên Internet tại Việt Nam phải có sự đồng ý của Cục An ninh mạng ($$$$).
  • Điều 54, 55, 56, 57: bất kỳ công ty trong và ngoài nước cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên Internet tại Việt Nam phải lưu trữ tất cả dữ liệu ở Việt Nam và phải cung cấp tất cả dữ liệu khi nhận được yêu cầu của Cục An ninh mạng.
  • Khoản 5, điều 58: Bất kỳ công ty trong và ngoài nước cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên Internet tại Việt Nam phải lưu trữ và chuyển giao cho Cục An ninh mạng “nhật ký truy cập, thông tin thanh toán dịch vụ, địa chỉ IP truy cập dịch vụ, thói quen tìm kiếm, log chat, thời gian giao dịch” sau 36 tháng kể từ lúc dữ liệu được thu thập. Nếu công ty đóng cửa hoạt động hoặc ngừng cung cấp dịch vụ, phải chuyển giao tất cả thông tin người dùng cho Cục An ninh mạng.

Khi tôi viết tất cả, ý của tôi là tất cả. Tất cả những gì bạn gõ vào Facebook hay Zalo. Tất cả hình bạn đã chụp và chia sẻ. Tất cả những email bạn đã gửi. Tất cả những gì bạn đã tìm kiếm. Tất cả website bạn đã vào. Tất cả những thông tin tế nhị, nhạy cảm, sâu thẳm nhất. Bạn có bao nhiêu tiền trong tài khoản. Ai cho bạn tiền, bạn cho tiền ai. Bạn thích quần lót màu gì. Bạn có mấy cô bồ nhí. Bạn thích phim con heo thể loại gì. Tất tần tật.

Trong các phần tiếp theo tôi sẽ giải thích tại sao dự thảo này không đem lại lợi ích gì mà còn tạo ra nhiều nguy cơ kinh tế và an ninh.

Bắt buộc lưu trữ dữ liệu ở Việt Nam không đem lại ích lợi gì


Chính phủ muốn yêu cầu các công ty nước ngoài lưu trữ dữ liệu và mở văn phòng ở Việt Nam là để nắm chủ quyền trên dữ liệu của người Việt Nam và có quyền tài phán đối với các công ty này. Đây không phải là một yêu cầu vô lý, vì suy cho cùng chính phủ phải có trách nhiệm và can dự vào việc bảo vệ dữ liệu của người dân. Tuy vậy có một lỗ hổng pháp lý lớn và vài vấn đề kỹ thuật mà Luật An ninh mạng và dự thảo 03/10/2018 đã bỏ qua.

Đa số các công ty Internet quốc tế phổ biến ở Việt Nam đến từ Mỹ, nên trong phần này tôi tập trung vào luật của Mỹ. Về mặt kỹ thuật, để an toàn, dữ liệu các công ty đặt trên các máy chủ sẽ luôn luôn ở dạng mã hoá và chỉ có thông qua công ty sở hữu dữ liệu mới có chìa khoá để mở nhưng luật của Mỹ là không được cung cấp khoá. Do đó, có đem dữ liệu về Việt Nam, chính phủ Việt Nam vẫn không thể tự do truy cập dữ liệu.

Từ năm 1986, Đạo luật Riêng Tư Trong Liên Lạc Điện Tử (Electronic Communications Privacy Act, ECPA [2]) của Mỹ nghiêm cấm các công ty nước này cung cấp dữ liệu cho bất kỳ chính phủ nào khác, mà không có sự đồng ý của Bộ Tư pháp. Đây là lý do mà trong những lần điều trần trước Ủy ban Việt Nam của Quốc hội Mỹ, đại diện Facebook đã nhiều lần khẳng định họ sẽ không bao giờ chia sẻ dữ liệu với chính phủ Việt Nam, vì chia sẻ như thế là trái luật.

Hồi tháng 3 năm nay, Đạo luật ECPA đã được bổ sung bởi Đạo luật Đám Mây (Clarifying Lawful Overseas Use of Data Act - CLOUD Act [3]). Đạo luật Đám Mây quy định các công ty chỉ được phép cung cấp dữ liệu cho các chính phủ đã được Nhà Trắng phê duyệt. Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu có thể là hai chính thể được phê duyệt đầu tiên. Nếu muốn truy cập dữ liệu để phục vụ cho việc phòng chống tội phạm, chính phủ Việt Nam nên gấp rút nghiên cứu Đạo luật Đám Mây, đàm phán với chính phủ Mỹ. Một khi đã được chính phủ Mỹ phê duyệt, chính phủ Việt Nam có thể đường hoàng yêu cầu các công ty Mỹ cung cấp thông tin và các công ty phải nhanh chóng đáp ứng như thể đó là yêu cầu từ chính phủ Mỹ.

Cần phải nhấn mạnh rằng việc Việt Nam phải được Mỹ phê duyệt không phải là chuyện nước lớn ép nước nhỏ, nhắc lại ngay cả Anh và Châu Âu vẫn phải đàm phán với Mỹ, mà chỉ đơn giản vì người Việt Nam sử dụng dịch vụ của các công ty Mỹ. Nếu như người Mỹ sử dụng Zalo của Việt Nam, chính phủ Mỹ muốn truy cập dữ liệu này họ vẫn phải thông qua chính phủ Việt Nam. Đây là cách thế giới vận hành, muốn hay không muốn chúng ta vẫn phải tuân theo. Tạo ra một bộ luật nội địa không làm thay đổi luật chơi quốc tế.

Vừa rồi Apple đã nhún nhường Trung Quốc, chuyển dữ liệu iCloud của người Trung Quốc về giao lại cho một công ty Trung Quốc. Đây là một cách lách luật và Apple đã phải hứng chịu rất nhiều chỉ trích [24]. Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có đủ tài lực để ép Apple như Trung Quốc đã làm? Nếu có đủ đi chăng nữa, liệu Việt Nam có nên làm như vậy? Tôi sẽ phân tích những điểm này trong phần cuối khi nói về Trung Quốc.

Phải thừa nhận rằng lưu trữ dữ liệu nội địa là một vấn đề đang gây nhiều tranh cãi. Kể từ sau sự kiện Snowden năm 2013, một số quốc gia đã đưa ra luật nội địa hóa dữ liệu lên bàn nghị sự. Nhưng thông tin “đã có 18 nước quy định phải lưu trữ dữ liệu trong nước” dễ gây lầm tưởng rằng tất cả các quốc gia đều yêu cầu lưu tất cả dữ liệu cá nhân hay cho phép một đơn vị như Cục An ninh mạng được phép tự ý truy xuất các dữ liệu đó. Sự thật không phải như vậy. Cùng với Việt Nam, chỉ có Trung Quốc, Nga, Indonesia là bắt buộc lưu trữ tất cả dữ liệu cá nhân. Đa số các quốc gia như Mỹ, Anh, Bỉ, Phần Lan, Thụy Điển, New Zealand, Hà Lan, Venezuela, v.v. chỉ yêu cầu lưu trữ dữ liệu thuế, kế toán, tài chính, hoặc dữ liệu của các tổ chức đại chúng [21].

Ngoài lưu trữ dữ liệu nội địa, dự thảo còn bắt buộc các công ty phải mở văn phòng ở Việt Nam. Đây không phải là một yêu cầu quá đáng, nhưng câu hỏi mà chính phủ cần đặt ra là tại sao chúng ta phải ép bằng luật. Singapore đâu cần ép gì đâu, các công ty vẫn đua nhau mở trụ sở. Thậm chí nhiều công ty khởi nghiệp Việt Nam cũng đều đăng ký ở Singapore. Không chỉ Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Myanmar đều có các công ty Internet lớn của thế giới đặt trụ sở. Rõ ràng mở văn phòng ở đâu là quyết định của doanh nghiệp, chính phủ không nên can thiệp mà chỉ có thể khuyến khích. Chính sách thuận lợi, không cản trở kinh doanh, luật pháp minh bạch, văn minh, không cần ra luật người ta cũng tự tìm đến.

Chính phủ nói rất nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0. Các quan chức đã nhiều lần tuyên bố muốn biến Sài Gòn, Hòa Lạc hay Bình Dương thành Silicon Valley. Đây là một giấc mơ lớn, đáng trân trọng, muốn thực hiện trước nhất phải thu hút được đầu tư của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, mà quan trọng nhất là Mỹ và Châu Âu. Nhưng chính sách và luật pháp của Việt Nam ra sao để rồi bây giờ chỉ yêu cầu mở văn phòng thôi, chứ chưa nói đầu tư hay chuyển giao công nghệ gì, mà người ta vẫn không muốn vào? Đây là một câu hỏi lớn, nhưng Luật An ninh mạng và dự thảo 03/10/2018 không phải là câu trả lời.

Những nguy cơ mới cho nền kinh tế


Bắt buộc các công ty lưu trữ dữ liệu ở Việt Nam chẳng những không đem lại lợi ích gì trong việc phòng chống tội phạm, đẩy Việt Nam vào thế đối đầu các tập đoàn công nghệ lớn, mà còn tạo ra nhiều nguy cơ không thể xem thường cho nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế công nghệ, quyền riêng tư của người dân và cả hệ thống chính trị. Đây không phải là ý kiến của cá nhân tôi mà còn là của rất nhiều học giả, luật sư, chuyên gia công nghệ và các nhà nghiên cứu luật pháp quốc tế [5] [6] [7] [8] [9]. Trong phần này tôi sẽ nói về các rủi ro cho nền kinh tế, sau đó tôi sẽ bàn về các rủi ro an ninh.

Muốn lưu dữ liệu thì phải có trung tâm dữ liệu. Nhưng khả năng các công ty nước ngoài xây dựng trung tâm dữ liệu ở Việt Nam là gần như bằng không. Không phải họ ghét bỏ gì Việt Nam, mà đây là bài toán kinh tế. Việt Nam không phải là trung tâm, đầu mối Internet của thế giới và khu vực. Đường truyền Internet quốc tế của Việt Nam đã có nhiều cải thiện, nhưng dăm bữa nửa tháng lại có sự cố. Chỉ số Rủi Ro Trung Tâm Dữ Liệu [4], một báo cáo xếp hạng các quốc gia dựa vào công nghệ, kinh tế và an ninh chính trị đối với trung tâm dữ liệu, thậm chí còn không xếp hạng Việt Nam (Trung Quốc, Indonesia và Nga, những quốc gia bắt buộc lưu dữ liệu nội địa xếp hạng rất thấp).

Có thông tin cho rằng các công ty lớn trên thế giới đã đặt hàng ngàn máy chủ ở Việt Nam từ lâu rồi [10]. Nói thế chỉ đúng một nửa. Đúng là các công ty đã có thuê mướn, đặt máy chủ ở Việt Nam, nhưng các máy chủ này đều không lưu dữ liệu cá nhân (như đã định nghĩa trong dự thảo 03/10/2018), mà chỉ lưu tạm (caching) một số ít dữ liệu ai cũng đã biết ví dụ như các video công cộng được chia sẻ trên mạng xã hội. Về mặt kỹ thuật, việc lưu trữ đầy đủ dữ liệu cá nhân đòi hỏi các công ty lớn phải thiết lập cơ sở hạ tầng máy chủ, sử dụng phần cứng chuyên biệt, với quy mô gấp vài chục lần những gì họ đang có tại Việt Nam.

Nếu không có trung tâm dữ liệu ở Việt Nam, các công ty sẽ lưu dữ liệu người dùng ở đâu? Họ chỉ có hai lựa chọn: đóng cửa không phục vụ Việt Nam hoặc sao chép dữ liệu thô về đặt ở các máy chủ thuê mướn của các công ty như Viettel hay VNPT. Các công ty lớn, có doanh thu tương đối ở Việt Nam sẽ sao chép dữ liệu, còn lại đa số những công ty nhỏ hơn, doanh thu không đáng kể, tôi dự đoán sẽ cấm cửa người đến từ Việt Nam. Việc bóc tách dữ liệu, sao chép về Việt Nam sẽ làm tăng chi phí thiết kế, vận hành sản phẩm. Tất cả chi phí này sẽ đổ lên đầu người dân Việt Nam, khi các công ty tăng giá thành dịch vụ, sản phẩm đối với thị trường Việt Nam.

Việc sao chép dữ liệu đến nhiều nơi còn làm gia tăng rủi ro dữ liệu bị xâm phạm, nếu xảy ra sự cố sẽ ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động kinh doanh của các công ty công nghệ, vốn dựa rất lớn vào niềm tin của khách hàng. Đó là lý do nhiều công ty đã phản đối Luật An ninh mạng. Đơn cử, Business Software Alliance, một tổ chức có nhiều thành viên là các công ty công nghệ lớn như Adobe, Apple, IBM, Microsoft, Oracle, hay Salesforce, đã có một kiến nghị rất chi tiết phản đối Luật An ninh mạng và yêu cầu xóa điều luật lưu trữ dữ liệu nội địa [14]. Ngoài ra Asia Internet Coalition, hiệp hội bao gồm các công ty công nghệ hàng đầu về Internet như AirBnB, Amazon, Apple, Expedia, Facebook, Google, Line, LinkedIn, Rakuten, Twitter và Yahoo, đã đưa ra một thông báo rằng họ nghĩ Luật An ninh mạng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Việt Nam [15].

Ngoài yêu cầu lưu trữ dữ liệu, Khoản 5, điều 58 của dự thảo 03/10/2018 còn yêu cầu các công ty phải chuyển giao hàng loạt cho Cục An ninh mạng “nhật ký truy cập, thông tin thanh toán dịch vụ, địa chỉ IP truy cập dịch vụ, thói quen tìm kiếm, log chat, thời gian giao dịch” sau 36 tháng kể từ lúc dữ liệu được thu thập. Nếu công ty đóng cửa hoạt động hoặc ngừng cung cấp dịch vụ, phải chuyển giao tất cả thông tin người dùng cho Cục An ninh mạng.

Quy định này hoặc là không thực hiện được hoặc là sẽ đẩy tất cả các công ty quốc tế ra khỏi Việt Nam. Ưu tiên hàng đầu của các công ty quốc tế là đảm bảo an toàn dữ liệu và riêng tư cho khách hàng, họ không thể nào đơn phương tùy tiện chuyển giao dữ liệu cho bên thứ ba. Nếu có chuyển các công ty cũng chỉ có thể chuyển từng trường hợp cụ thể, sau khi có lệnh của tòa án, xét duyệt của luật sư và cơ quan tư pháp chính phủ Mỹ.

Các công ty làm sao biết được Bộ Công an sẽ quản lý dữ liệu, sử dụng và chia sẻ dữ liệu của họ như thế nào. Nhưng nếu vì bất kỳ lý do gì dữ liệu bị lộ ra ngoài, họ sẽ hứng đủ. Sự cố lộ dữ liệu liên quan đến Cambridge Analytica đã khiến cổ phiếu Facebook sụt giảm 13%, tức khoảng 75 tỉ USD [24]. Để so sánh, theo một nguồn tin không chính thức, doanh thu năm 2015 của Facebook ở Việt Nam là 150 triệu USD [25]. Rõ ràng doanh thu ở Việt Nam chỉ là muối bỏ bể so với thiệt hại mà Facebook có thể phải gánh chịu nếu để xảy ra sự cố lộ dữ liệu.

Vả lại, dữ liệu là tài sản của công ty, yêu cầu họ chuyển sang cho chính phủ Việt Nam chẳng khác nào quốc hữu hóa. Ai sẽ còn muốn làm ăn ở Việt Nam?

Một khi rủi ro, áp lực chính trị và chi phí hoạt động quá cao, các công ty sẽ phải tính đến phương án rút khỏi Việt Nam. Đã có rất nhiều tiền lệ các công ty rút khỏi thị trường khi không thể chịu đựng được luật pháp sở tại. Mới đây thôi, khi Châu Âu chính thức đưa vào thực thi General Data Protection Regulation rất nhiều trang web ở Mỹ đã ngưng phục vụ khách hàng Châu Âu [11] [12]. Nếu các công ty rút khỏi Việt Nam, chúng ta sẽ lấy gì thay thế, Baidu và Weibo chăng?

Không phải Việt Nam không thể tự xây dựng những sản phẩm “Made in Vietnam” để thay thế. Nhưng để vươn ra thế giới, có một nền công nghiệp số tầm cỡ thế giới, Việt Nam cần vốn, công nghệ và tài năng của thế giới. Buôn có bạn, bán có phường, một khi các tập đoàn lớn nói không với Việt Nam thì cả thế giới công nghệ sẽ chẳng ai muốn chơi với chúng ta nữa (ngoại trừ Trung Quốc, tôi sẽ nhắc đến trong phần sau). Không có vốn, không có công nghệ, không có tài năng, không có cách chi Việt Nam xây dựng được những công ty công nghệ tầm cỡ thế giới.

Đã hi sinh kinh tế, nhưng vẫn không đảm bảo được an ninh


Đôi khi vì an ninh quốc gia, vì riêng tư của người dân chúng ta buộc phải cắn răng chọn lựa những chính sách gây hại cho phát triển kinh tế. Nhưng trong phần này tôi sẽ giải thích tại sao Luật An ninh mạng và dự thảo 03/10/2018 khiến cho Việt Nam tiền mất tật mang, vừa gây nguy hiểm cho sự phát triển kinh tế vừa tạo ra những rủi ro đáng ngại cho an ninh quốc gia và sự riêng tư của người dân cũng như toàn bộ hệ thống chính trị.

Như đã phân tích ở trên, vì lý do kinh tế, các công ty sẽ không thể nào xây dựng trung tâm dữ liệu đúng chuẩn ở Việt Nam. Họ sẽ phải chép dữ liệu ra khỏi các trung tâm dữ liệu được bảo vệ tối đa của họ, nghĩa là dữ liệu của người Việt Nam sẽ không được bảo vệ như dữ liệu của phần còn lại của thế giới. Thay vì chỉ phải tập trung bảo vệ dữ liệu ở một nơi, các công ty phải phân tán nguồn lực để bảo vệ nhiều nơi khác nhau. Các công ty công nghệ lớn còn có đủ tài chính và nhân lực để thiết kế các giải pháp đảm bảo an ninh, còn các công ty nhỏ hơn, đặc biệt là những công ty đang sử dụng dịch vụ Cloud Computing ở nước ngoài, sẽ chọn những giải pháp nội địa đơn giản, rẻ tiền nhưng cũng kém an toàn nhất.

Tại khoản 6, điều 58 của dự thảo 03/10/2018, Bộ Công an tuyên bố họ sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu để tiếp nhận dữ liệu mà họ yêu cầu các công ty cung cấp. Nói cách khác, toàn bộ dữ liệu của người Việt Nam sẽ được lưu ở một chỗ duy nhất, tạo thành một mục tiêu béo bở cho giới tội phạm mạng và lực lượng tình báo mạng của các quốc gia khác.

Nếu chúng ta lo lắng giới tội phạm hay lực lượng tình báo mạng của các quốc gia khác xâm phạm dữ liệu của người Việt Nam, tôi không hiểu tại sao dự thảo lại cho rằng việc chuyển dữ liệu từ Singapore hay Đài Loan về Việt Nam sẽ khiến dữ liệu được an toàn hơn. Internet không có biên giới, chuyển địa điểm lưu trữ không làm cho dữ liệu an toàn hơn, trái lại là đằng khác. Thay vì sử dụng dịch vụ Cloud Computing của những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất thế giới, các công ty sẽ phải sử dụng dịch vụ của các công ty nội địa, vốn có rất ít kinh nghiệm trong việc chống tội phạm chuyên nghiệp và lực lượng tình báo mạng của các quốc gia. Tôi chia sẻ lo lắng của chính phủ về việc dữ liệu cá nhân của người Việt Nam nằm trong sự kiểm soát của các công ty quốc tế, nhưng nóng vội đem dữ liệu về Việt Nam ở thời điểm hiện tại không giúp được gì mà còn làm tăng nguy cơ dữ liệu bị xâm phạm.

Tôi thấy rất khó hiểu khi người ta giải thích Luật An ninh mạng và dự thảo 03/10/2018 sẽ giúp bảo vệ riêng tư của người dân. Có lẽ câu hỏi đầu tiên chúng ta cần phải đặt ra là: bảo vệ chống lại ai?

Tôi được biết Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng sử dụng Gmail. Tôi đoán ngài Bộ trưởng, như bao người dân khác, cũng mong muốn có được an toàn và riêng tư khi sử dụng Internet. Nhưng dự thảo 10/03/2018 sẽ cho phép Cục An ninh mạng đơn phương, không thông qua bất kỳ cơ chế kiểm soát, yêu cầu bên cung cấp dịch vụ cung cấp tất cả dữ liệu, bao gồm tất cả email của ngài bộ trưởng. Sau khi đã lấy được thông tin, Cục An ninh mạng sẽ lưu trữ, sử dụng, tiết lộ thông tin đó như thế nào, là toàn quyền quyết định của họ. Nói cách khác, không chỉ người dân, mà cả lãnh đạo cấp cao và toàn bộ hệ thống chính trị sẽ nằm trong tầm kiểm soát của công an.

Với viễn cảnh u tối như Đông Đức năm 1984, ai còn muốn đến Việt Nam sống và làm việc? Nếu không thu hút được tài năng, làm sao chúng ta có đủ nhân lực để làm cách mạng công nghệ?

Sao chép Trung Quốc chỉ dẫn đến sự lệ thuộc


Thật khó để không nghĩ đến yếu tố Trung Quốc khi bàn đến Luật An ninh mạng, nhất là khi Luật An ninh mạng Việt Nam rất giống Luật An ninh mạng Trung Quốc [16]. Trong phần này tôi giải thích tại sao sao chép Trung Quốc chỉ làm lợi cho họ nhưng gây hại cho Việt Nam.

Với sức mạnh của nền kinh tế lớn thứ hai và sức hút của thị trường lớn nhất thế giới, Trung Quốc có thừa khả năng đặt ra luật chơi riêng và bắt buộc các công ty phải tuân theo. Apple vừa rồi đã đồng ý chuyển dữ liệu iCloud của người Trung Quốc về Trung Quốc [17]. Facebook luôn thèm khát thị trường Trung Quốc, đã nhiều lần xin giấy phép, nhưng vẫn chưa được chính phủ Trung Quốc cho vào. Tháng 7 vừa qua, Trung Quốc cấp giấy phép cho Facebook nhưng ngay lập tức thu hồi chỉ sau đó 1 ngày [18].

Có thể thấy rằng cách mà Trung Quốc ép các công ty công nghệ là cơ sở để những nhà làm luật Việt Nam tạo ra Luật An ninh mạng, nhưng Việt Nam không phải Trung Quốc, chúng ta không có đủ tài lực để ra yêu sách với thế giới. Trung Quốc không cho Facebook vào, còn Facebook không thèm vào Việt Nam. Cùng một chính sách, nhưng kết quả không thể khác nhau hơn.

Mô hình phát triển kinh tế số của Trung Quốc không thể áp dụng cho Việt Nam. Trung Quốc có một thị trường nội địa rộng lớn, và sau hơn 30 năm liên tục nhận vốn và công nghệ thế giới, Trung Quốc đã có những trung tâm nghiên cứu, những trường đại học, những tập đoàn công nghệ, những quỹ đầu tư top đầu thế giới [19]. Trước đây Trung Quốc chỉ sao chép công nghệ thế giới, nhưng bây giờ họ đặt ra mục tiêu năm 2030 sẽ vượt Mỹ, đứng đầu thế giới về những công nghệ cao cấp như Trí Tuệ Nhân Tạo [20].

Việt Nam không có gì có thể so sánh được cả. Chúng ta chỉ có gần 100 triệu dân, nhưng sức mua không lớn vì dân còn nghèo, phương tiện thanh toán điện tử còn chưa phổ biến. Tình trạng gian lận tràn lan (ví dụ như đánh cắp thẻ tín dụng để mua hàng hay click quảng cáo giả) cũng khiến việc kinh doanh trên Internet ở Việt Nam có chi phí cao hơn các quốc gia khác.

May mắn cho chúng ta, phương Tây đang rất lo sợ Trung Quốc, họ mong muốn tìm kiếm một đối tác khác để đầu tư, hợp tác và Việt Nam đang nổi lên như là một lựa chọn tốt. Để phát triển, Việt Nam cần dịch vụ, sản phẩm tiên tiến của thế giới, nhưng cần nhất vẫn là vốn, công nghệ và tri thức để tự phát triển các sản phẩm tương tự. Nhưng dự thảo 03/10/2018 chẳng khác nào một lời tuyên bố rằng Việt Nam không muốn đi cùng với thế giới. Không gì có lợi hơn cho Trung Quốc và bất lợi hơn cho Việt Nam khi Việt Nam “xù lông nhím" với phương Tây, vì Trung Quốc sẽ “bất chiến tự nhiên thành" loại bỏ bớt một đối thủ cạnh tranh thu hút vốn và công nghệ của thế giới.

Nguy hiểm hơn hết, khi Việt Nam cản trở các công ty công nghệ phương Tây, các tập đoàn công nghệ rất giàu mạnh của Trung Quốc sẽ thao túng thị trường và dữ liệu của người Việt Nam. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Baidu, Tencent, Alibaba tổng “tấn công” thị trường Việt Nam? Trước khi phát triển được những sản phẩm nội địa, chúng ta vẫn cần những đối tác phương Tây để đảm bảo dữ liệu không rơi vào tay Trung Quốc, nếu không muốn học lại mãi bài học lịch sử ngàn đời của cha ông.

Thay vì sao chép Trung Quốc để rồi phải lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, Việt Nam cần phải đi một con đường khác, xích lại gần hơn với thế giới. Chúng ta vẫn phải chơi với Trung Quốc, nhưng mục tiêu là giảm lệ thuộc và phải tận dụng lợi thế cạnh tranh của mình. Nhờ có Internet tự do hơn, so với Trung Quốc, Việt Nam có một xã hội cởi mở hơn và một không gian tự do ngôn luận rộng rãi hơn. Để tồn tại và phát triển, chúng ta phải giữ được những khác biệt này. Nếu Trung Quốc yêu cầu lưu trữ dữ liệu nội địa, Việt Nam phải giải phóng dữ liệu và trở thành thiên đường dữ liệu nơi mà cả thế giới có thể an tâm lưu trữ dữ liệu của họ. Nếu Trung Quốc đóng cửa Internet, Việt Nam phải có Internet tự do. Nếu Trung Quốc có Vạn Lý Hỏa Thành, Việt Nam phải dùng Internet để kết nối và đi cùng thế giới.

Tài liệu tham khảo


[1] Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, dự thảo ngày 3/10/2018, https://drive.google.com/file/d/1gBwAnqcdtEloR9dk0A3Pmz4mbzZlFRhl/view

[2] How Law Enforcement Should Access Data Across Borders, http://www2.itif.org/2017-law-enforcement-data-borders.pdf



[5] Where Is Your Data, Really?: The Technical Case Against Data Localization, https://www.lawfareblog.com/where-your-data-really-technical-case-against-data-localization

[6] Global Data Flows and Connectivity Are Creating New Economic and Trade Opportunities, https://www.brookings.edu/research/regulating-for-a-digital-economy-understanding-the-importance-of-cross-border-data-flows-in-asia/

[7] Data Localization Laws: an Emerging Global Trend, https://www.jurist.org/commentary/2017/01/Courtney-Bowman-data-localization


[9] The False Promise of Data Nationalism, http://www2.itif.org/2013-false-promise-data-nationalism.pdf

[10] Google, Facebook đã đặt hàng ngàn máy chủ ở Việt Nam, https://vtc.vn/google-facebook-da-dat-hang-ngan-may-chu-o-viet-nam-d367295.html

[11] Sites block users, shut down activities and flood inboxes as GDPR rules loom, https://www.theguardian.com/technology/2018/may/24/sites-block-eu-users-before-gdpr-takes-effect

[12] Major US news websites are going down in Europe as GDPR goes into effect, https://www.theverge.com/2018/5/25/17393894/gdpr-news-websites-down-europe

[13] Chưa có thông tin Google, Facebook rời Việt Nam do luật An ninh mạng, https://thanhnien.vn/cong-nghe/chua-co-thong-tin-google-facebook-roi-viet-nam-do-luat-an-ninh-mang-973883.html


[15] Statement from the AIC following the Congress of the United States letter on the Vietnam Law on Cybersecurity (17th July 2018), https://www.aicasia.org/2018/07/17/statement-from-the-asia-internet-coalition-following-the-letter-by-the-congress-of-the-united-states-on-the-law-on-cybersecurity-in-vietnam/

[16] Dự luật An ninh mạng: Hàng Việt Nam ‘Made in China’?, https://www.luatkhoa.org/2017/11/du-luat-ninh-mang-hang-viet-nam-made-china/

[17] Apple officially moves its Chinese iCloud operations and encryption keys to China, https://www.theverge.com/2018/2/28/17055088/apple-chinese-icloud-accounts-government-privacy-speed

[18] China Said to Quickly Withdraw Approval for New Facebook Venture, https://www.nytimes.com/2018/07/25/business/facebook-china.html

[19] China Internet Report 2018, https://www.abacusnews.com/china-internet-report/


[21] Cross-Border Data Flows: Where Are the Barriers, and What Do They Cost?, https://itif.org/publications/2017/05/01/cross-border-data-flows-where-are-barriers-and-what-do-they-cost


[23] Apple is under fire for moving iCloud data to China, https://money.cnn.com/2018/02/28/technology/apple-icloud-data-china/index.html

[24] Facebook fell 13 percent this week to below $160, the stock's worst week since July 2012,https://www.cnbc.com/2018/03/23/facebook-cambridge-analytica-stock-sees-third-worst-trading-week-ever.html

[25] Google, Facebook thu lợi hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm, https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/google-facebook-thu-loi-hang-ngan-ti-dong-moi-nam-898994.html



............../.