45 năm chính sách “triệt người”



Trong hồi ký Viết trên gác bút, nhà văn Nguyễn Thụy Long (cháu ruột nhà văn Nguyễn Bá Học, người nổi tiếng với câu “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”), kể lại thảm cảnh một vụ tịch thu sách năm 1975 sau khi chính quyền mới tiếp quản Sài Gòn: “Một cửa hiệu chuyên cho thuê truyện tại đường Huỳnh Quang Tiên bên cạnh nhà thờ Ba Chuông tại Phú Nhuận phát nổ khi đoàn thu gom sách mang băng đỏ xâm nhập tiệm. Ông chủ nhà sách mời tất cả vào nhà. Rồi một trái lựu đạn nổ. Chuyện xảy ra không ai ngờ. Đương nhiên là có đổ máu... Cả chủ tiệm cũng mạng vong”…
Câu chuyện ông chủ hiệu sách uất ức thà chết còn hơn nhìn “băng đỏ” gom và ném sách đi đốt chỉ là một trong những bi kịch của miền Nam sau 1975. Không chỉ đốt sách, con người cũng bị triệt, đến tận cùng. Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, bác sĩ, kỹ sư… đều bị tống đi học tập cải tạo. Miền Nam không chỉ đột nhiên rơi vào tình trạng thống khổ cùng cực mà còn chứng kiến những cảnh không thể tưởng tượng: phu nhân đại tá đi bán rong, vợ giáo sư buôn vỉa hè, thầy giáo mưu sinh bằng xích lô, ký giả chạy xe lam, con sĩ quan xếp hàng mua từng ký gạo… Những hình ảnh đã đột ngột làm biến dạng miền Nam sau 1975.
Trong số “đối tượng” hứng chịu sự trả thù vô lý và nghiệt ngã có những trí thức đỉnh cao mà trí tuệ họ xứng đáng đại diện cho dân tộc Việt. Điều đáng tiếc nhất là một số trí thức này đã phải “trả giá” cho lòng yêu nước, khi họ chọn ở lại mà không đi nước ngoài sau 1975, với niềm tin ngây thơ vào chế độ mới và với nhiệt tâm đóng góp tái thiết sau chiến tranh. Quê hương, với họ, là nước nhà; là đất nước và mái nhà.
Sinh năm 1929 tại Cần Thơ, giáo sư Phạm Hoàng Hộ có bằng Cử nhân khoa học, thủ khoa Thực Vật học, Paris; bằng Cao học Vạn Vật học, Paris; bằng Thạc sĩ/Agrégé Vạn vật học; bằng Tiến sĩ Khoa học/Vạn vật học, Paris. Giáo sư Hộ từng là giám đốc Hải học viện Nha Trang; Khoa trưởng Đại học Sư phạm Sài Gòn; Tổng trưởng Quốc gia Giáo dục; Viện trưởng sáng lập Viện Đại học Cần Thơ… Ông cũng là Hội viên Hội Thực vật học Pháp; Hội viện Hội Tảo học Quốc tế; Hội viện Hội Viện trưởng Đại học Quốc tế; Cố vấn Môi sinh Uỷ ban Quốc Tế Sông Mekong… Giáo sư Hộ là người vận động cho bằng được việc thành lập ngôi trường đại học đầu tiên ở miền Tây vào giữa thập niên 1960. Đó là Viện Đại học Cần Thơ, nơi canh nông trở thành môn khoa học chính quy được đào tạo như một chuyên ngành đại học.
Sau 9 năm sống dưới chế độ mới, giáo sư Hộ, từ khát vọng, trở nên thất vọng. Môi trường giáo dục bị thay đổi hoàn toàn. Nó bị cào xé rách nát để thay bằng chiếc áo thô đính băng đỏ. Cuối cùng, năm 1984, khi được Chính phủ Pháp mời sang thỉnh giảng, giáo sư Hộ quyết định ở lại Paris. Tại Pháp, ông vùi mình vào Viện Bảo Tàng Thiên nhiên Quốc gia Paris (thuộc hệ thống Đại học Sorbonne), miệt mài làm việc suốt sáu năm, bổ túc cho công trình Cây Cỏ Việt Nam của ông – một công trình đồ sộ có giá trị đến mức giới thực vật học thế giới phải nghiêng mình ngưỡng mộ.




Không như giáo sư Hộ, giáo sư Nguyễn Duy Xuân có số phận cay nghiệt gấp nhiều lần. Từng được giáo sư Hộ mời về Viện Đại học Cần Thơ thay mình ở ghế viện trưởng, giáo sư Xuân tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học Vanderbilt, Mỹ. Giáo sư Xuân cũng là vị Tổng trưởng Bộ Văn hóa Giáo dục cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa. Một bài báo trên Thanh Niên (28-4-2015) nhắc lại: “Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, trước ngày 30-4-1975, những người nào có chức sắc ở Viện Đại học Cần Thơ đều được cấp một tấm giấy coi như giấy thông hành để ra nước ngoài khi có biến cố. Với chức vụ tương đương bộ trưởng, giáo sư Nguyễn Duy Xuân có thể ra nước ngoài bất cứ lúc nào nếu muốn nhưng ông vẫn ở lại Việt Nam”.
Không chỉ không được trọng vọng, giáo sư Xuân còn bị tống đi tù, bị giam tại trại Hà-Nam-Ninh. Cuối cùng, năm 1986, giáo sư Xuân bỏ mạng chốn thâm sơn cùng cốc. Nhắc lại điều này, bác sĩ Ngô Thế Vinh không giấu được chua xót: “Tôi không thể không tự hỏi nếu không có 11 năm giam hãm đầy đọa độc ác và vô ích của những người cộng sản thắng cuộc, nếu giáo sư Nguyễn Duy Xuân, một tiến sĩ kinh tế tài ba và giàu lòng yêu nước, vẫn tiếp tục ở lại xây dựng Viện Đại học Cần Thơ với nhịp độ 1966-1975 thì không biết Viện Đại học Cần Thơ và ĐBSCL sẽ phát triển và tiến xa tới đâu”…
Sẽ phát triển và tiến xa tới đâu, nếu Việt Nam sau 1975 trân trọng trí tuệ và tài năng của các trí thức như giáo sư Phạm Hoàng Hộ, giáo sư Nguyễn Duy Xuân, giáo sư Lê Xuân Khoa, cụ Bùi Diễm, bác sĩ Ngô Thế Vinh, giáo sư Nguyễn Tiến Hưng, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, ông Đỗ Văn Thảo (cựu Phó Tổng Thanh Tra Ngân Hàng Quốc Gia; bị đi “cải tạo”), giáo sư Vũ Quốc Thông (Khoa trưởng Đại học Luật khoa Sài Gòn, cũng bị đi tù)?… Sẽ phát triển và tiến xa tới đâu, nếu chế độ cai trị - luôn dễ bị “kích động” một cách thái quá cái gọi là “tự hào dân tộc” - biết dùng hiền tài, để sự tự hào có phần đóng góp của những trí thức đỉnh cao và trí thức đúng nghĩa? Trí thức chân chính là những người không chỉ “thể hiện” lòng yêu nước bằng ngôn từ. Họ là những người không bao giờ ngưng bồn chồn lo lắng cho sự tụt hậu nước nhà cùng sự lấn át ngoại bang.
Trong bài viết trên tờ Một Thế Giới ngày 2-2-2017, tác giả Lê Học Lãnh Vân thuật lại tâm sự của giáo sư Phạm Hoàng Hộ trong một lần gặp ông tại Pháp giữa thập niên 1980: “Nhiều người Trung Quốc từ đại lục và cả từ Đài Loan, Singapore đã đến tìm học các bộ sưu tập thực vật Đông Dương của Pháp. Tôi không biết họ có chủ trương gì đó không. Tài nguyên nước mình, mình phải biết. Mình không biết mà người ta biết thì người ta xài hết của dân mình. Lãnh vực nào cũng vậy riết rồi người ta áp chế mình, ăn trên ngồi trước còn mình cắm đầu dưới đất, tiếng là có độc lập mà còn thua hồi thuộc Pháp!”…
Chưa ai thống kê cho thấy có bao nhiêu trí thức kiều bào vang danh nước ngoài nhưng không được mời về hoặc họ không buồn về. Thậm chí có những người bị cấm về, dù hệ thống tuyên truyền chế độ luôn ra rả về sự “trân trọng đón chào” trí thức hải ngoại. Một số trí thức đã quyết định không về. Họ không tin và họ có đủ bằng chứng để không tin nhà cầm quyền. Khi những Nguyễn Quang A, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Chu Hảo… còn là “thành phần phản động” thì không ai còn ngây thơ để ngộ nhận sự “thành thật” của nhà cầm quyền đối với trí thức. 45 năm sau 1975, chế độ cai trị vẫn tiếp tục chính sách “triệt người”, “triệt” cả chính người của họ. Trí thức muốn đóng góp và xây dựng nhằm thay đổi chính sách đã và sẽ không có cơ hội.
Một trong những trí thức mà khi tiếp xúc, tôi luôn nhìn thấy sự nhiệt tình dữ dội của ông dành cho nước nhà. Nói chuyện với ông có cảm giác như đang ngồi trước một sinh viên tràn đầy nhiệt huyết, dù ông đã gần 80 tuổi. Đó là bác sĩ Ngô Thế Vinh. Ông là một trong những người Việt Nam luôn nặng tình với miền Tây, với đồng bằng sông Cửu Long, một cách bền bỉ, dù quê quán ông ở Hà Nội. Ông là tác giả quyển khảo cứu Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng. Ông cũng là tác giả quyển Mekong, dòng sông nghẽn mạch… Việt Nam không chỉ có dòng Mekong nghẽn mạch. Việt Nam đang bị nghẽn cả dòng trí tuệ của các bậc trí thức minh tuệ-hùng tâm.

................../.

Ai có thể ngáng đường Tô Đại Tướng?

 Tiếng Dân News  / RFA

https://www.facebook.com/tiengdanbao/posts/pfbid02zZZ8BSVcoR6DVsS1a1MzWPhhhRkYMx2Diuz7qdzb5BX9pR7iHwHssexS4HTjCLhsl

Ai có thể ngáng đường Tô Đại Tướng?
*****
Gió Bấc

...
Giới quan sát hiện đang quan tâm, bàn luận về chủ nhân cái ghế trống Chủ tịch nước và hệ quả tiếp theo cái trụ cao nhất trong tứ trụ. Có nhiều phương án được dự đoán nhưng các dự đoán chừng như chưa xem xét đầy đủ thế và lực của các yếu nhân liên quan.
Với các diễn biến dồn dập gần đây, Tô Đại Tướng đang một mình một ngựa tiến tới ngôi vị cửu trùng, các đối thủ cạnh tranh không ai có đủ thế và lực đủ để xem là đối trọng.

Về lực, Phạm Minh Chính hiện đang giữ ghế quyền lực thứ hai, có nhóm địa phương Thanh Hóa, có quyền lực nhất định với một số bộ ngành địa phương. Nhưng Phạm Minh Chính có đối thủ rất mạnh là Vương Đình Huệ và phần nào đó là Tổng Trọng.

Bản thân Phạm Minh Chính có ít nhiều tì vết trong mối quan hệ lợi ích và có thể còn gì khác nữa với Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Thanh Nhàn đang ở đâu, ngoài sai phạm trong các dự án xuyên quốc gia, xuyên bộ ngành đã bị truy tố, xét xử, Bộ Công an còn tình tiết gì chưa công bố, chỉ có Tô Lâm mới biết.
Những đàn em thân tín, cán bộ thuộc quyền của Phạm Minh Chính ở Quảng Ninh vẫn đang nằm trong tay Bộ Công an, liệu họ có bất ngờ nhớ ra thêm hoặc hé ra thêm điều gì đó? Lực Phạm Minh Chính không đủ mạnh và tình thế phần nào đó chông chênh.

Vương Đình Huệ nắm Quốc Hội, được Tổng Trọng nhăm nhe ưu ái, có thế lực Nghệ An đông đảo từ Bộ Chính Trị đến BCH Trung ương. Với quyền lực ấy, Huệ đã nhiều lần ngáng chân Phạm Minh Chính trong các quyết sách đầu tư, giải ngân vốn, chính sách tiền tệ tín dụng… Nhưng từ đầu nhiệm kỳ đến nay Quốc Hội luôn phục tòng tuyệt đối, bấm nút thông qua tất cả các luật, chính sách do Bộ Công An đề xuất.

Việc xé đôi Luật Giao Thông Đường Bộ, thâu tóm lực lượng dân quân, dân phòng bị Quốc Hội khóa trước bác bỏ, được khóa này thông qua.

Việc thay đổi xoành xoạch từ Chứng Minh Nhân Dân, Căn Cước Công Dân, Căn Cước chỉ trong vòng mấy năm ngắn ngủi, cái này chưa xong đã đổi cái khác, gây tốn kém ngân sách, tiền của công sức người dân, nguồn lực cán bộ, gây xáo trộn lâu dài trong các quan hệ hành chính dân sự.




Việc Công An được trích “ăn chia” tiền phạt vi phạm hành chính giao thông với tỉ lệ cao ngất ngưỡng vừa sai nguyên tắc quản lý tài chính, vừa bất hợp lý.

Sai phạm mười mươi là mẫu Hộ Chiếu mới bị nhiều nước trên thế giới không chấp nhận, phải dán phụ lục, in mẫu mới, là yếu kém về năng lực, trách nhiệm, gây phiền nhiễu cho dân và ảnh hưởng đến danh dự quốc gia … Quốc hội ngoan ngoãn, vui vẻ thông qua, không ý kiến phản biện. Ông Huệ độ lượng bao dung hay đang bị Tô Lâm bắt thóp?

Ông bà nói, "đánh chó phải kiêng chủ nhà". Tô Lâm bắt người không kiêng mà cũng không cần tuân thủ luật. Thử lửa bằng việc bắt nóng tại sân bay ông Phó Ban Dân Nguyện, nguyên đại biểu Quốc Hội Lưu Bình Nhưỡng, với tội danh không rõ ràng, không ai dám phản ứng.

Tô Lâm tiếp tục bắt nóng đại biểu Quốc Hội đương nhiệm Hoàng Thị Thúy Lan ngày 8-3, mãi đến ngày 21-3, Quốc Hội mới họp bất thường bãi nhiệm (1).

Việc bắt nóng được hợp pháp hóa bằng Nghị Quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng cũng không phù hợp vì hành vi hối lộ của bà Thúy Lan bị cáo buộc, xảy ra đã lâu, không phạm pháp quả tang, khẩn cấp phải làm theo trình tự đó.

Năm 2023, báo chí "lề đảng" đã có chiến dịch đấu tranh sôi nổi với dư luận ca sĩ HT đi nước ngoài sinh hai con với ai đó. Báo chí cho rằng thông tin này sai sự thật (2). Mấy ngày gần đây, chuyện HT có hai “đom đóm” bất ngờ được khơi dậy trên mạng xã hội với hình ảnh rõ nét, thoạt nhìn các bé ai cũng biết cha nó là ai. Vui một cái là, những tin bài nguy hiểm này loan truyền vô tư, không ai bị phạt vạ, khởi tố theo điều 331. Báo chí lề đảng cũng làm ngơ không đấu tranh với "thế lực thù địch" này.

Nói về đạo đức cách mạng, chuyện sinh con ngoài luồng rất ư là hệ trọng, đồng chí nào bị lộ thì khó mà thoát nạn. Lưỡi gươm thần chết đang treo lơ lửng trên đầu ai đó!

Tổng Trọng thì sao? Người ta cứ bàn, chuyện Cụ Tổng khóc với ai đó bàn chuyện truyền ngôi nhưng mấy ai đọc vị được ý thật trong bụng Cụ. Cơ đồ, vận mệnh, vị thế đất nước nhờ tay cụ mà chưa bao giờ … như thế này.

Đám hàng thần kế cận cứ lăm le quần ngư tranh thực, đâm chém lẫn nhau, tranh quyền đoạt ghế, thì lòng dạ nào cụ có thể xuôi tay bỏ mặc, buông áo long bào quy ẩn.

Dù đang ngự trên đỉnh cao quyền lực, dù trí tuệ đòn phép Mác Lênin, Mao Trạch Đông có đủ, nhưng độ trung thành, tín cẩn của cấp dưới với cụ Tổng, chưa bao giờ tuyệt đối.

Ban Chấp hành Trung ương lẽ ra là công cụ quyền lực tối thượng, đã mấy lần đá phản lưới nhà. Kỷ luật đồng chí X bất thành, đưa Vương Đình Huệ và Nguyễn Bá Thanh vào Bộ Chính Trị không xong, khai trừ tên nhãi ranh Tất Thành Cang cũng không đủ phiếu… Cụ phải uyển chuyển ra luật, gom quyền thu hẹp vào nhóm nhỏ BCT.

Nhưng BCT như đàn ngựa đang cùng tranh về đích, chúng đá văng đối thủ ngay cả ngựa non tiếp sức cụ. Kẻ gom củi cho cái lò quyền lực của cụ đã đốt cả củi tươi dưới chân, quanh lưng cụ. Những tàn lửa thử thách đã bắn vào cả cụ.

Quân sư Hồ Mẫu Ngoạt phải về hưu đầy tai tiếng. Cụ vào Quân Y 108 tịnh dưỡng lại bị tung tin đã chết.
Ủy Viên Trung Ương Đảng bị bắt nóng không chờ ý kiến Ủy ban Kiểm tra.
Gót chân Asin tuổi tác và quy định điều lệ đảng không được giữ ghế quá hai nhiệm kỳ là nguy cơ cụ có thể bị đảo chính bất cứ lúc nào.
Lực không đủ mạnh, thế càng yếu, vận hạn cụ chỉ trông chờ vào trí tuệ Mác - Lê - Mao.

Ngược lại với các đối thủ đang ngồi trên đỉnh cao tam trụ, Tô Đại Tướng đang có binh hùng lực mạnh vô song.

Các nhà phân tích chỉ nhìn thấy thế lực Hưng Yên hay dũng tướng Đinh Văn Nơi trong Bộ Công An, mà chưa thấy hết tiềm năng thập diện mai phục trùng trùng điệp điệp của Tô.

Tại Hội Nghị Trung ương 8, Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an (em rể Tô Lâm) đã được bầu bổ sung vào Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương (3).
Vũ Hồng Văn, Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an (em rể Tô Lâm) đã được bầu bổ sung vào Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương


Tổng Trọng xen vào làm Ủy viên Đảng ủy Công an, dòm ngó Tô Lâm, thì Tô cũng cắm người thân tín vào cơ quan quyền lực tối hậu của Tổng.

Qua các đại án đã và đang điều tra, nhiều bộ ngành Trung ương như Y tế, Công thương, Giao thông Vận tải … đã trở thành con tin của Tô.

Qua chiến lược luân chuyển cán bộ Giám đốc Công an tỉnh không phải là người địa phương, Tô Lâm đã có tay trong quyền lực ở hầu hết các đoàn đại biểu tỉnh thành và cả các bí thư tỉnh thành. Nếu cần gom phiếu ở cấp độ BCH Trung ương và Đại hội đảng, chắc chắn Tô Lâm sẽ có số phiếu cao tuyệt đối.

Tô Lâm đã vượt qua lằn ranh đỏ, nguyên tắc bất di bất dịch xưa nay: Việc xử lý đảng viên phải có ý kiến của đảng ủy quản lý.

Tô bắt nóng Ủy Viên Trung Ương trước, như nước cờ chiếu bí, buộc Võ Văn Thưởng phải viết đơn từ chức, Trung Ương Đảng, Quốc Hội răm rắp họp bất thường chuẩn y.

Quyền lực, thế lực của Tô Lâm đã vượt qua kỷ luật, nguyên tắc của đảng, sợi dây thòng lọng quan trọng, thiêng liêng nhất để trói buộc đảng viên đã bị vô hiệu. Cán bộ bây giờ sợ Tô hơn sợ Tổng.

Không chỉ đốn cây dọn đường, gần đây, Tô Lâm vượt lên nhiệm vụ của Bộ trưởng Công an, nhiều lần thể hiện vai trò lãnh đạo quốc gia trong quan hệ đối ngoại.

Ngày 10.1.2024 tại Hà Nội, Tô đã tiếp xã giao Trần Tư Nguyên - Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc. Nói là tiếp xã giao nhưng Tô Lâm đã đề nghị nhiều vấn đề hợp tác cụ thể với thiên triều:
“Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị hai bên nhất quán sẽ quán triệt và thực hiện nghiêm túc nhận thức chung cấp cao; tăng cường trao đổi về các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan chủ nghĩa xã hội, Đảng cầm quyền, cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý; chống tham nhũng; kinh nghiệm giải quyết các mâu thuẫn xã hội, qua đó, bảo vệ tuyệt đối vị trí cầm quyền của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đấu tranh với hoạt động của các tổ chức lợi dụng tôn giáo, dân tộc chống Đảng, Nhà nước, phá hoại đoàn kết quan hệ Việt Nam - Trung Quốc...” (4).

Thể hiện đường lối ngoại giao cây tre hai mặt, vừa trung thành với Tàu Cộng, ngày 4-3, Tô Lâm hành xử như nguyên thủ quốc gia, tiếp đại sứ Mỹ tại Việt Nam và đề nghị “phía Hoa Kỳ sớm hoàn tất quá trình xem xét và công nhận/cấp Quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam...”(5).

Rất khôn ngoan, không chỉ đòi quyền lợi kinh tế với người Mỹ, Tô Đại Tướng còn đòi hỏi Mỹ phải cung cấp khoa học, trí tuệ, công nghệ để Việt Nam sử dụng đàn áp nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ngày 25/03/2024, tại Hà Nội, Đại tướng, GS. TS Tô Lâm đã tiếp Giáo sư Thomas J. Vallely, Cố vấn cấp cao của Trường Harvard Kennedy. Trong khi đang thực hiện luật an ninh mạng hà khắc đàn áp tự do ngôn luận, bắt bớ vô tội vạ người bất đồng chính kiến, Tô Lâm đã đề nghị “nhằm mục đích giải quyết các thách thức về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như về vấn đề chính sách, xây dựng hành lang pháp lý về lĩnh vực an ninh mạng và công nghệ mới, Bộ Công an Việt Nam rất quan tâm đến các chương trình hợp tác, trao đổi chuyên môn với các viện, trung tâm nghiên cứu của Đại học Harvard".

"Các hoạt động hợp tác giữa Bộ Công an và Đại học Harvard sẽ là minh chứng cụ thể hóa cho các nỗ lực hành động hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong bối cảnh hai quốc gia nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện”, Tô Lâm nhấn mạnh (6).

Sử dụng nguồn lực kinh tế, khoa học công nghệ của Mỹ, các biện pháp tàn bạo trấn áp người dân của Tàu Cộng để củng cố chế độ độc tài, chính quyền chuyên chính vô sản, Tô Lâm quả tài trí kinh bang tế thế, song kiếm hợp bích.

Với Bộ Chính trị, BCH Trung ương bị phân hóa theo lợi ích nhóm, đa phần đã bị Tô Lâm nắm thóp, với cơ chế chính trị độc đoán mà người dân không có chút quyền hành lựa chọn người lãnh đạo, thậm chí không được biết đến thông tin sức khỏe, bệnh tật của lãnh tụ, con đường thâu tóm quyền lực của Tô Lâm hanh thông rộng mở.

Thủ đoạn nhân danh tập thể, cậy vào số đông, vào các nguyên tắc, lý luận, tiêu chuẩn cán bộ của Tổng Trọng e rằng không thể lặp lại chiến thắng phút 89 như đã từng lật kèo, quật ngã đồng chí X.

Những ai cản đường Tô may mắn sẽ theo chân Phúc, Thưởng, tự nguyện về vườn. Kém may mắn hơn, sẽ cùng họp trung ương với Đinh La Thăng, Nguyễn Thanh Long...

Nhưng chính trường nhà sản thì đầy rẫy mưu mô, thủ đoạn.

Tô lộ hình quá sớm, đường đua còn dài, chỉ cần lỡ một bước cũng có thể suốt đời ôm hận.

Gây nợ quá nhiều, nếu Tô ngã ngựa, kết thúc sẽ cực kỳ thê thảm.
_________
Chú thích:

Cái loại người ấy, người gì?

 Cái loại người ấy, người gì?


Dương Tự Lập

* * *

Ngày 7/2/2021, nhà báo Nguyễn Như Phong có bài viết: Chuyện của tôi ở … cải cách ruộng đất. Mở đầu bài, ông viết: “Nói chuyện về cải cách ruộng đất thì phải khẳng định đó là một trang lịch sử đẫm máu của Việt Nam… Nhưng không nên bàn luận nhiều về việc này, mặc dù người ta vẫn cố lấp liếm, cố bưng bít”.
Kết thúc câu chuyện, ông Phong viết: “Còn mẹ tôi, mỗi khi nhắc đến cải cách ruộng đất, bà lạnh lùng: ‘Tao ỉa năm bảy đống vào cái Đảng nhà chúng mày’!!!”

Nhà báo Nguyễn Như Phong từng là Tổng Biên tập báo Petro Times, thuộc Hội Dầu khí Việt Nam, Phó tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân và từng là cựu đại tá công an. Ông cũng là đảng viên đảng Cộng sản, đã từng “lên voi” trong cỗ máy tuyên truyền bịp bợm của Ban Tuyên giáo đảng Cộng sản Việt Nam. 

Dù biết rõ mẹ mình muốn “ỉa năm bảy đống” vào cái Đảng man rợ ấy, nhưng Phong vẫn đi theo nó cả đời, nếu không có cú đạp, phế truất ông ta của “bác Tổng Trọng” ở khúc cuối đoạn trường.

Đầu tháng 10/2016, bất ngờ ông Phong bị “người đốt lò vĩ đại” Nguyễn Phú Trọng giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông xử. 
Ngày 3/10/2016, Bộ này quyết định thu thẻ nhà báo đối với Nguyễn Như Phong và đình bản 3 tháng với tờ báo này, vì can tội qua mặt Tổng Trọng và Bộ Công an, tiết lộ bí mật “không phải quốc gia”, khi cho đăng bài của blogger Người Buôn Gió, tức Bùi Thanh Hiếu, sống ở Đức, tung tin về Trịnh Xuân Thanh, một nhân vật tham nhũng, “cướp có môn bài” đang bị Đảng CSVN truy nã. 
Lúc đó, Thanh đã cao chạy xa bay, rồi quay lại nhổ vào mặt Đảng, phun nước bọt vào “bác Trọng kính mến” và cũng là Đảng trưởng của Thanh.

Trịnh Xuân Thanh từng là đảng viên, Đại biểu Quốc hội, trải qua nhiều cương vị khác nhau, trước khi bị truy nã và bị ông Trọng biến thành “củi”. Sau những phi vụ tham nhũng tiền tỉ của nhà nước (thật ra đó là tiền của dân đen ky cóp, đóng góp vào nuôi một bầy sâu ăn tàn phá hại đất nước này), Thanh nhận thấy cơ sự bất ổn, sợ sa thân vào tay đồng bọn sát nhân, nên đã bỏ chạy sang Berlin, Đức quốc, để trốn tội, trước khi nộp đơn xin tin nạn ở Đức.

Không rõ ai môi giới mà Thanh tìm đến kết thân với Blogger Người buôn gió – Bùi Thanh Hiếu, để trao gửi niềm tin. Với cương vị của Thanh, nếu còn ở quê nhà, Bùi Thanh Hiếu muốn được gặp, có lẽ phải mang một vali tiền đến ngồi chầu chực trước cửa ngõ nhà Thanh nhiều tháng trời, may ra Thanh mới cho gặp. Nay Thanh thất thế: “Đang khi bất ý chẳng ngờ/ Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn“.
Hèn nhưng vì cái máu ngông nghênh “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, nên Thanh hùng hồn tuyên bố bỏ đảng và to mồm chửi, rằng “không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của TBT Nguyễn Phú Trọng”, rằng nếu cho mở một cuộc họp tại Hà Nội, có mặt đầy đủ bá quan văn võ từ Bộ Chính trị cho tới Trung ương, thì Thanh sẵn sàng trở về nước đối chất xem có thằng nào con nào dám đủ bản lãnh lộ mặt ho he với Thanh không.

Thanh đâu có ăn một mình, mà có cả một lũ cùng ăn với Thanh. 

Nhưng Thanh chỉ là một con gà mờ không may bị cắt tiết trong một đàn gà cùng mò vào mổ trộm thóc của chủ. Thanh phải bỏ Đảng ra đi lúc đó, vừa tiếc mất chức mất quyền, mất ăn trơn mặc trắng, mất gái xinh phục vụ những đêm vắng thanh tao, vừa mang nhiều ấm ức trong lòng. Thanh muốn khi chết, phải kéo theo cả cái Đảng này chết cùng thì Thanh mới hả cơn tức.

Đùng một cái, Thanh bị lão Trọng điểm đúng huyệt, cho gái đẹp sang tận xứ Đức nhử vào khách sạn nhiều sao, tóm sống mang về nước hồi cuối tháng 7 năm 2017. 

Dẫu bị dẫn qua các cửa khẩu sân bay Quốc tế nhưng Thanh cũng không dám la hét kêu cứu. Ở Đức, Thanh to mồm chửi Đảng, chửi lão Trọng bao nhiêu, thì trước vành móng ngựa tại Hà Nội, Thanh cúi đầu, van xin “bác Trọng” bấy nhiêu. 

Khi bị “bác Trọng” mang ra xử, trong phiên tòa ngày 17/1/2018, Thanh òa khóc và nói: “Cháu muốn gửi lời xin lỗi đến bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mong bác tha lỗi cho cháu, coi cháu như người con, người cháu trong gia đình”.

***

Thanh chết đáng đời mà Nguyễn Như Phong lại khen Thanh thành lời, chẳng khác nào Phong cố tình trêu ngươi lão Trọng, mai mỉa khinh bỉ châm chọc bọn Tô Lâm. 

Làm cái việc cầm đèn chạy trước ô-tô này, những tưởng Phong sẽ nổi đình nổi đám hơn trong các thể loại Tổng Biên tập tạp nham tả pín lù khác của Đảng, ai dè chính Phong đã tự đưa “chim” của mình vào Ê-tô để kẹp.

Qua lời nói “ỉa vào mặt Đảng” của mẹ Phong, ta có thể đoán lòng hận Đảng của người đàn bà quê mùa chân chất này lên mức độ nào. 

Những tưởng Nguyễn Như Phong lớn lên trong một gia đình như vậy, được người mẹ trực tính hàng ngày chăm ẵm, hun đúc, dạy dỗ, lẽ ra theo gót mẹ, nuôi chí trả thù cha, về sau Phong phải ỉa liên tiếp nhiều bãi hơn nữa vào cái bộ mặt của Đảng này, thì mới giúp nguôi cơn giận cho mẹ, trả được công sinh thành cho cha.

Nhưng than ôi! Vô phúc thay cho người mẹ của Phong, mang nặng đẻ đau, tưởng con trai của mình sẽ có ngày rửa nỗi nhục cho bà, gột nỗi hận cho ông ngoại Phong bị Đảng nhốt ở chuồng lợn, chờ ngày ra pháp trường. Cũng chính cái đảng này suýt cướp đi mạng sống của Phong, khi cu Phong chưa đầy một tuổi, chỉ tí tẹo tèo teo, bị bà mẹ phẫn uất Đảng, định ôm con lao xuống giếng tự vẫn. Nếu không có người “vô tình” gọi ngoài cổng đúng phút kịch tính giữa đêm hôm ấy, thì Phong không còn sống đến ngày nay (lời của Phong trong bài).

Mọi người đọc đến đoạn này hú ba hồn bẩy vía, rụng rời cả tứ chi, lâm ly y như chuyện tình Lan- Điệp. 

Giả dụ không có giây phút “vô tình” đêm đó, chắc chắn Phong đã chết trương phình bụng cóc, thối hoắc thân ễnh ương dưới đáy giếng, coi như Đảng mất đi một nhân tố cực kỳ quan trọng của tương lai ngày mai xán lạn đi lên “thiên đường Xã hội Chủ nghĩa”. Và rồi sau đó, Nguyễn Như Phong đứng trong hàng ngũ “còn Đảng còn mình” ấy, trở thành “thanh kiếm lá chắn”, bảo vệ Đảng.




Sẽ không có những bài viết kiểu dạng dưới đây nếu như con đường thăng quan tiến chức của cựu Đại tá Công an Nguyễn Như Phong suôn sẻ: “Nghề phóng viên là phải như con chó ấy“, đăng trên báo Petro Times, ngày 10/6/2016. 

Lúc đó Phong đã bị “xuống chó” nên viết thế này:

“Trong các loài vật, có lẽ không có loài nào gắn bó với con người hơn con chó. Chó trung thành với chủ, gần như tuyệt đối. Chó tôn thờ chủ, yêu chủ bằng một tình cảm trong sáng, vô tư không bao giờ có tính hai mặt. Chó biết vui cùng chủ và cũng biết buồn cùng chủ. Bất luận vào những hoàn cảnh nào, khi bị chủ chửi mắng, thậm chí bị chủ đánh đòn nó chỉ đau khổ cúp đuôi chui vào một xó, nhưng rồi chỉ ít phút sau nó lại ngoe nguẩy đuôi đi đón chủ về…”

Sau bài báo này, người đời gọi Phong là “nhà báo chó”, hay “Phong chó”. Đó là con chó thật trong đời thường Phong tả. 

Qua bài viết, người ta biết Phong lúc nào cũng mánh lới, đóng vai con chó, giả vờ yêu chủ.
Phong viết về con chó, nghiễm nhiên Phong càng bộc lộ bản chất mình. Phong sẵn sàng làm cái việc đi đón lại ông chủ Phú Trọng trở về, chẳng thế khi bị ông Trọng vả mặt, giật lại thẻ nhà báo rồi cưa luôn cái ghế Tổng biên tập, Phong chạy vạy các cửa, những mong ông chủ Trọng động lòng trắc ẩn, trả lại thẻ và ghế, nhưng chờ mãi không thấy. 

Nằm trong tay Tổng Trọng để bảo vệ Đảng mà Phong quá coi thường ông ta, một người biết dùng và thải Phong thời điểm nào.

Từ đáy lòng mình, tôi càng thấy con mắt tinh đời của lão đốt lò Nguyễn Phú Trọng. Lão biết chiêu dụ người dùng loại ngoa ngôn, trường thanh đại họng Nguyễn Như Phong làm cái loa cho Tuyên giáo Đảng, nhưng lão cũng nhìn thấu tim đen Phong, là loài quái thai với hai cái lưỡi, hai lòng trong khi con người ta chỉ có một lưỡi, một lòng.

Thờ chủ mà thờ hai lòng là đồ phản phúc, phản lại cha mẹ đẻ là đồ vô luân. Vậy lão Phú Trọng chỉ dùng Phong tới điểm dừng đó, xong lão co cẳng đạp Phong xuống hố, chứ Phong chưa phải chịu nhục nhã như ông ngoại của Phong ngày xưa bị Đảng nhốt trong chuồng lợn, như con lợn chờ lôi ra xử. Phải nói tiếp đoạn trên cho hết nhẽ, vì đi theo Đảng, bố Phong cũng trở thành kẻ đáng căm giận, khốn kiếp. Phong viết:

“Bố tôi – nhà văn Hoài An khi đó là phóng viên báo Quân đội Nhân dân, bị quy ‘lấy con nhà địa chủ’ và bị bắt đưa đi cải tạo. Nhưng trước khi bị đưa đi, bố tôi bị vệ binh của báo QĐND áp giải về tận nhà mẹ tôi ở Hương Ngải, và phải nói: ‘Cô là con phản động. Nay tôi không thể sống với cô được nữa… từ nay chúng ta chấm dứt tình nghĩa vợ chồng’...”

Đọc đoạn Phong viết, bỗng nhớ tới câu chuyện khác cũng na ná, nói về cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp Trung ương Chu Văn Biên thời Cải cách ruộng đất (1953-1956) từng ngồi trên thềm cao chỉ tay vào mặt mẹ đẻ mạt sát. Trong chương 7, sách Đèn Cù, tác giả Trần Đĩnh thuật lại lời của Biên nói với mẹ mình: 

“Tao với mi không mẹ không con mà chỉ là kẻ thù giai cấp của nhau. Tao có phận sự tiêu diệt mi mà mi thì nhất định chống lại“. Mẹ Biên cắn lưỡi, rồi nhẩy giếng tự tử chết. Sau thành tích tiêu diệt mẹ của tay đảng viên Chu Văn Biên, hắn được cất nhắc lên làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp.

Trong những câu chuyện tản mạn đâu đó của đời mình, tôi thường được nghe nói về cựu Tổng Bí Đặng Xuân Khu – Trường Chinh, kẻ cũng từng chửi cha đẻ mình trong vụ Cải cách ruộng đất. Hay như ông nhạc sĩ Phạm Tuyên, có cha đẻ là học giả nổi tiếng Phạm Quỳnh, chủ bút tạp chí Nam Phong, cũng bị Việt Minh giết hại, nhưng người con Phạm Tuyên vẫn mê muội, một lòng theo Đảng, ca ngợi Đảng, mà tôi đã có bài trên Tiếng Dân ngày 24/3/2019: “Bài hát của Phạm Tuyên, người hàng xóm nhà tôi”.

Trong vụ Cải cách ruộng đất hồi thập niên 1950, con số bị quy là địa chủ, cường hào, phú nông oan sai, bị Cộng sản tàn sát tại chỗ cũng như chết dần, chết mòn trong ngục tù lên tới cả trăm ngàn người. Tôi cho rằng trong thời Cải cách ruộng đất xa xưa cũng như ngày nay, Cộng sản vẫn giỏi mánh lới chiêu dụ, sẽ có nhiều hơn nữa mà ta không được biết những đứa con bất lương, bất hiếu, chửi cha, nguyền rủa mẹ, ruồng vợ rẫy vợ chồng, như Trường Chinh, Chu Văn Biên, Phạm Tuyên, hay Hoài An, cha đẻ Phong…

***

Sau khi bị ông chủ Trọng đạp Phong “xuống chó”, Phong càng bộc lộ qua nhiều bài viết “trở cờ” chống Đảng, rao giảng đạo đức, như: “Nghề phóng viên là phải như con chó ấy” hay “Nửa ngày rau dưa với Trung tướng Phan Văn Vĩnh”, với hình ảnh chụp Phong đang ngồi ăn bữa cơm đạm bạc với Trung tướng Đảng viên trộm cướp công nghệ cao Vĩnh, cũng như bài “Nói một chút về Phan Văn Vĩnh – Bạn tôi“. Ảnh đăng kèm, Phong đang ôm Vĩnh trên giường bệnh rất… con người. 

Nếu không bị xuống chó, làm sao độc giả đọc được bài “Chuyện của tôi ở… cải cách ruộng đất”, hay những bài viết kể trên, cũng như các tấm ảnh Phong chụp chung với tướng cướp Phan Văn Vĩnh?

Ngoài nhiều bài đã đăng báo, Phong còn đăng trên trang facebook của mình các tiểu phẩm, kiểu viết như ca ngợi lòng nghĩa hiệp của Đảng viên Dương Tự Trọng, cựu Đại tá Công an, Phó Giám đốc Công an Hải Phòng, từng tổ chức cho anh ruột là tên quan tham, đảng viên lưu manh Dương Chí Dũng chạy trốn ra nước ngoài.

Chính Dương Tự Trọng, cựu Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng, là người đã từng ký lệnh bắt giam và khởi tố oan sai Nguyễn Văn Chưởng, người thanh niên vô tội suýt bị mang ra hành quyết, hiện vẫn còn bị giam sau 14 năm chưa được thả. Cũng Dương Tự Trọng là người đã kéo quân về Tiên Lãng, Hải Phòng, cưỡng chế đầm thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn ngày 5/1/2012. Rồi luật nhân quả không chừa một ai, Dương Tự Trọng cùng người anh là Dương Chí Dũng đã và đang ngồi tù vì vụ án khác.

Chưa biết Đại tá công an Dương Tự Trọng và Trung tướng Phan Văn Vĩnh có phải là khắc tinh của bọn trộm cướp, lưu manh xã hội đen như Phong ngợi ca không, nhưng chính bọn chúng là những kẻ khuyết tật của một băng Đảng với tiền sử thì trộm cướp, tiền án thì lưu manh có số má, cân hạng, thứ bậc, tên tuổi rõ ràng mà chính Phong gài chân trong đó.

Ngoài ra, Phong còn viết bài bóng gió ngợi khen hãng xe VinFast của tập đoàn VinGroup do tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập. Vượng có em trai là Phạm Nhật Vũ, là một trong những nhân vật chính của đại án Mobifone mua AVG, đã bị Tổng Trọng cho “vào lò”, cùng với hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, tìm cách hốt lớn qua thương vụ mua gian bán lận.

Mới đây Phong còn đe dọa sẽ cho công bố tố cáo tên tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ của 55 kẻ mua bằng giả của Đại học Đông Đô, đang nắm giữ nhiều chức vụ trong các cơ quan nhà nước. Phong còn ra hạn, trong vòng một tháng, nếu không 55 kẻ này sẽ chết dưới tay Phong. Mấy tháng trôi qua chẳng có kẻ nào ló mặt mà Phong cũng ngậm tăm luôn. Cựu đại tá Công an Phong nghiễm nhiên phạm vào hai tội, đe dọa vu khống và tội biết kẻ phạm pháp mà không khai báo với nhà chức trách, mà để dành ăn mảnh.

***

Khi chưa biết nhà báo Nguyễn Như Phong, cứ nghe độc giả gọi “nhà chó” chứ nhà báo gì loại đó, tôi thấy hơi nặng lời và bất nhã. Nhưng sau khi đọc bài: ” Chuyện của tôi ở … cải cách ruộng đất“, thì thấy Phong để lộ chân tướng quá trắng trợn. 

Thật khó có thể lý giải, một kẻ biết rõ mẹ đẻ của mình muốn “ỉa năm bảy đống” vào cái Đảng đó, mà Phong bỏ ngoài tai vẫn quyết đi theo chúng nó, thì không biết nên gọi Phong là gì cho chính xác.

Tôi cảm thấy ngao ngán, tự hỏi về Nguyễn Như Phong? Cái loại người ấy, người gì?!

...................../.

========================
Chuyện của tôi ở … cải cách ruộng đất
Nguyễn Như Phong
7-2-2021
....
Nói chuyện về cải cách ruộng đất thì phải khẳng định đó là một trang lịch sử đẫm máu của Việt Nam… Nhưng không nên bàn luận nhiều về việc này, mặc dù người ta vẫn cố lấp liếm, cố bưng bít.
Tôi xin kể chuyện của tôi, chính thằng tôi, cũng suýt là nạn nhân của ‘Cải cách ruộng đất’, mặc dù khi đó tôi chưa đầy năm!

Số là ngày ấy, ông ngoại tôi – Nhà văn, Danh y Nguyễn Tử Siêu ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây. Cải cách ruộng đất, ông ngoại tôi bị quy là “phản động, là đảng viên Đại Việt” và thế là bị kết án tử hình.

Bố tôi – nhà văn Hoài An – khi đó là phóng viên báo Quân đội Nhân dân, ngay lập tức bị quy vào việc “lấy con nhà địa chủ” và bị bắt đưa đi cải tạo. Nhưng trước khi bị đưa đi, bố tôi bị vệ binh của báo QĐND áp giải về tận nhà mẹ tôi ở Hương Ngải, và phải nói: “Cô là con phản động. Nay tôi không thể sống với cô được nữa… Từ nay chúng ta chấm dứt tình nghĩa vợ chồng“. 

Mẹ tôi bình tĩnh và bảo: “Bố tôi có là phản động hay không thì tôi biết… Anh cứ đi đường anh… Tôi không gây phiền cho anh đâu“.

Nỗi uất ức vì bố bị vu oan, giam trong chuồng lợn, chờ ngày ra pháp trường, uất ức vì chồng như vậy, uất ức về việc phải ra khỏi Đảng, mặc dù mẹ tôi được kết nạp Đảng từ năm 1948… Tất cả những nỗi uất ức đó cộng lại khiến mẹ tôi chịu không nổi và bà quyết định tự sát bằng cách ôm cả tôi nhảy xuống giếng …

Khi bế tôi ra đến giếng thì có tiếng gõ cổng, mặc dù đã gần nửa đêm… Mẹ tôi đặt tôi xuống cạnh giếng, chạy ra mở cổng. Và bà sững lại khi thấy nhà báo Phú Bằng, Ngô Thông… và hai người nữa đến. Và chưa kịp hỏi han gì thì tôi oe khóc… Ông Phú Bằng ra ngay giếng và bế tôi lên.. .Ông hiểu ngay ra sự tình.

Ông Ngô Thông nói gấp gáp: “Sao cô nghĩ liều thế. Thằng Hoài An nó cũng khổ lắm. Cấp trên bắt nó phải nói đấy! Nó gửi tiền về đây và dặn cô phải cố nuôi thằng Phong. Còn việc này Đảng sai rồi...”

Nói xong, mấy ông lại biến vào trong màn đêm. Nhờ thế mà tôi sống. Còn ông Ngoại tôi, cũng may mắn được tha tội chết vì là danh y… 

Còn mẹ tôi, mỗi khi nhắc đến cải cách ruộng đất, bà lạnh lùng: “Tao ỉa năm bảy đống vào cái Đảng nhà chúng mày!!!”

Chuyện là thế đấy!

....................../.

https://www.facebook.com/nguyenhuuvinh.basam