Nguyễn Công Khế trong hồi ký của nhà báo Lê Phú Khải

 Nguyễn Công Khế trong hồi ký của nhà báo Lê Phú Khải

BTV Tiếng Dân

Lời giới thiệu: Nhân sự kiện ông Nguyễn Công Khế, cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên bị bắt hôm qua, chúng tôi xin được đăng lại phần viết về ông Nguyễn Công Khế trong hồi ký "Lời Ai Điếu" của nhà báo Lê Phú Khải.

***
Nhưng nếu phải chọn một ông Tổng Biên tập thật điển hình cho thời kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam thì phải chọn ông Nguyễn Công Khế, Tổng Biên tập báo Thanh Niên.


Tôi đã bị Nguyễn Công Khế lừa một vố đau. Đó là vào cuối năm 2002, Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) có một bản tổng kết năm gửi cho cơ quan thường trú tại TPHCM và các đơn vị trực thuộc Đài. Đọc bản tổng kết đó người ta thấy thành tích to lớn mở rộng cơ quan thường trú của Đài trên thế giới… Rồi còn có cả một công văn của Phó Tổng Giám đốc Kim Cúc ca ngợi công lao của Tổng Giám đốc Trần Mai Hạnh từ khi về Đài năm 1996 gửi đi khắp nơi…
Biết rõ mười mươi cái gọi là “mở rộng” cơ quan thường trú của Đài TNVN nên tôi viết bài nhan đề “Chuyện ông Trần Mai Hạnh ở Paris”, gửi đích danh Nguyễn Công Khế, Tổng Biên tập báo Thanh Niên, một tờ báo mà một người ngu ngơ như tôi cho là tích cực chống tiêu cực… Một người bạn ở báo Thanh Niên cho tôi hay, TBT Khế đã đọc bài đó và… OK!
Bản thảo bài báo đó tôi còn giữ đến bây giờ, nguyên văn:
CHUYỆN ÔNG TRẦN MAI HẠNH Ở PARIS
Vừa qua, tôi có đến Đài Phát thanh Truyền hình Bình Dương làm việc. Các anh trong Ban Lãnh đạo đài Bình Dương bảo tôi: Đài Tiếng nói VN (TNVN) có nhiều cán bộ tốt lắm. Chúng tôi ra làm việc với Đài, thấy nhiều cán bộ cấp trưởng ban (tương đương vụ trưởng) vẫn còn cọc cạch xe đạp đi làm, mà làm việc rất tận tâm, lại là nhà báo, nhà văn có tên tuổi nữa…
Là một phóng viên của Đài TNVN 27 năm có lẻ, mới được nghỉ hưu từ 1.5.2002, nghe được những lời như thế của đồng nghiệp, tôi không khỏi vui trong lòng, nhất là trong lúc này… Tôi phải nói thêm rằng, chẳng những nhiều đ/c trưởng ban của Đài TNVN mà còn nhiều phóng viên, ở Hà Nội cũng như ở các cơ quan thường trú của Đài ở nhiều vùng trong cả nước, đã lặn lội ngày đêm để “canh sóng” cho Đài. Họ không quản bão tố, lũ lụt… để đến tận những nơi hang cùng, ngõ hẻm đưa một cái tin, viết một phóng sự nhằm nâng cao chất lượng phát thanh. Và, hàng tháng vẫn nhận một đồng lương rất khiêm tốn theo qui định của nhà nước, có người phải “viết thêm” cho các báo để tăng thu nhập! Thật là không công bằng với các cán bộ của Đài TNVN như thế, bên cạnh sự chi tiêu tiền của từ ngân sách nhà nước một cách vô tội vạ của một số cán bộ lãnh đạo Đài mà điển hình là ông Trần Mai Hạnh và ê-kíp, như các ông Vũ Văn Khánh, trưởng ban kế họach tài vụ của Đài, văn phòng Đài v.v...
Những gì mà một phóng viên thương trú tận xa như tôi biết được, đủ nói lên điều đó. Đầu năm 2001, tôi có việc riêng qua Paris thăm người chú ruột, tôi có đến Cơ quan Thường trú của Đài TNVN tại Pháp ở 5. Rue de Tremple Villeneuve la Garrenne 923.90, thuộc vùng ven Paris. Đó là một khu phố sang trọng của những người có tiền. Ngôi nhà mà cơ quan thường trú của Đài mới mua là một villa nhỏ, có sân trước và vườn sau rất đẹp. Thấy tôi khen nhà và xe con của cơ quan sang trọng, anh Trần Kim Thâu, Trưởng Cơ quan Thường trú nói ngay: “Không cần thiết, lãng phí ngân sách”. Thời buổi này thiếu gì những phương tiện lấy tin mà phài mua một cái nhà đến 230.000 đô la thế này! Còn máy móc nữa. Có làm nhiều tin, bài cũng lấy chỗ đâu mà phát v.v. và v.v…
Cả cơ quan chỉ có 2 người, anh Thâu là trưởng, lái xe giỏi, nói tiếng Pháp khá giỏi, từng trải và đã công tác ở nước ngoài nhiều năm. Anh Thâu còn là người rất trung thực và thẳng thắn, anh sẵn sàng nói rõ suy nghĩ của mình. Buổi tối, anh xếp cho tôi ở riêng một phòng khá lịch sự, xưa nay vẫn bỏ không ở trên lầu 1. Tôi thật thà hỏi: – Chắc sếp Hạnh sang đây cũng ở phòng này!? Anh lắc đầu, nói: – Sếp ở khách sạn sang trọng tại Paris chứ đâu có ở đây bao giờ (!?) (Từ nơi cơ quan đóng vào Paris chừng 10 km). Sáng dậy, xuống tầng trệt nấu mì ăn sáng, tôi thấy cái bếp điện của cơ quan quá tồi tàn, lại thật thà hỏi: – Nhà ông chú tôi nghèo thế, ở tận quận 19 dành cho người nghèo mà tôi thấy cái bếp điện cũng không đến nỗi tồi tệ thế này! Sao cơ quan ta nhà đẹp, xe sang mà lại phải đun nấu bằng cái bếp thế này?! Anh Thâu lại cau mặt nói: – Ở Pháp, người bán nhà phải thuê người đem bếp cũ vứt đi, vì chủ mới không ai lại xài bếp cũ, vậy mà ông Khánh (trưởng ban Kế họach – Tài vụ của Đài) thì lại mua lại của chủ cũ với giá gấp hai lần cái bếp mới để chúng tôi dùng đó (!) Anh tính có “giỏi” không? Tiền ngân sách mà!!!
Tôi về nước và tìm hiểu, được biết rằng từ khi ông Hạnh về làm TGĐ Đài TNVN, từ 1995, ông đã cùng ê-kíp của mình còn mua và thuê nhà ở Băng Cốc, Bắc Kinh, Matxơcơva và đang chuẩn bị để mua nhà ở Lơ-Ke (Ai Cập) làm cơ quan thường trú một cách không cần thiết như chính người đi thường trú là anh Thâu đã nói. Và, tất nhiên là ê-kip của ông đã kéo nhau đi các nước mua và thuê nhà với giá như đã mua cái bếp điện ở Paris. Chỉ trong một thời gian ngắn, ê-kip của ông Hạnh đã giầu tấng lên. Ông Khánh, Trưởng ban Tài vụ có 2 con đi học ở nước ngoài!
Cách đây hơn 1 tuần, bà Kim Cúc, Phó Tổng GĐ Đài TNVN còn ký hẳn một công văn gửi cán bộ CNV của Đài từ Bắc chí Nam ca ngợi những đóng góp to lớn của ông T.M.Hạnh từ khi ông về Đài, trong việc “mở rộng” cơ quan và tăng giờ phát sóng… Toàn là những việc phải tiêu tiền tỷ của ngân sách nhà nước mà bất cứ ai cũng có thể làm được nếu được chi tiền… còn chất lượng của phát thanh và nhà cửa khắp nơi được thuê và mua nhằm mục đích gì, có tác dụng như thế nào để nâng cao chất lượng phát thanh thì không hề được nói tới. Xưa nay, từ suốt 27 năm tôi làm việc ở Đài TNVN, chưa hề có chuyện tự nhiên Phó TGĐ lại ký công văn “khen” Tổng giám đốc như thế ở Đài TNVN bao giờ. Điều đó làm dư luận toàn Đài TNVN rất bất bình.
Tôi chỉ muốn nói một điều, rất nhiều đồng chí đã có công lớn với Đài, xây dựng nên uy tín cho Đài TNVN mấy chục năm qua như các anh Trần Lâm, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Thúc Long, các nhà văn như Mai Văn Tạo, Phạm Tường Hạnh, Đoàn Minh Tuấn, nhạc sĩ Phan Nhân, nhạc sĩ Dương Hương Bang, nghệ sĩ ưu tú Trần Phương… thì không bao giờ được ban lãnh đạo hiện nay của Đài nhắc nhở tới.
Giá thử công văn của bà Kim Cúc lúc này nhắc đến những người có công lao với Đài TNVN, nhắc đến truyền thống tốt đẹp của Đài thì hay biết bao nhiêu!
Ảnh kèm: Cơ quan thường trú Đài TNVN tại số 5 Rue de Tremple ngoại vi Paris
Lê Phú Khải (nguyên p/v Đài TNVN)


***
Đợi mãi không thấy báo Thanh Niên đăng bài kể trên. Ít lâu sau, tôi nhận được thông tin của một cán bộ trong ban lãnh đạo Đài TNVN cho hay, Nguyển Công Khế đã gửi bài của tôi ra Hà Nội cho bên An ninh, với nhận xét bài viết không có gì sai, nhưng vì để “giữ uy tín” cho nhà nước nên không đăng. Gửi cho an ninh để biết. Một cán bộ an ninh đã cầm bài viết này qua Đài để tống tiền Kim Cúc và Trần Mai Hạnh!

Hiện bài đó đã được rất nhiều cán bộ lãnh đạo của Đài truyền tay nhau đọc…
Tôi rất hối hận về sự ngu ngơ của mình (từ ngu ngơ là từ của nhà văn Dương Thu Hương đã dùng để chỉ quần chúng ngu ngơ, bị lừa bịp)! Tôi cũng rất phẫn nộ với Nguyễn Công Khế khi được cán bộ lãnh đạo của Đài cho biết như thế. Tôi đem chuyện này than phiền với các đồng nghiệp báo chí ở Sài Gòn. Một người bạn tôi đã mắng tôi là thằng ngu vì không biết gì về Nguyễn Công Khế cả. Anh còn cho biết Khế luôn dùng tờ báo của mình để gây thanh thế, chẳng hạn y cho phóng viên của báo đi viết về tiêu cực, nhưng khi vụ việc có liên quan đến một ông lớn nào đó…
Ví dụ, đồng chí X xưa kia ở tỉnh Y, nay đã lên TW làm đến Bộ Chính trị mà bài viết có dính líu đến đồng chí đó khi còn ở địa phương thì Khế không đăng mà gửi bài cho đồng chí ấy biết “để giữ uy tín” cho lãnh đạo, thế là đồng chí X đã “mắc nợ” Khế. Khi báo Thanh Niên tổ chức một cuộc thi hoa hậu nào đó, Khế gửi giấy mời, thế là đồng chí ấy, dù là Chủ tịch nước cũng phải đến dự tận quê Khế ở Miền Trung xa xôi!!!
Một tờ báo hạng B mà Bộ Chính trị phải đến dự thì uy tín của Khế lên như diều… Cứ thế mà Khế “ra roi”, cứ thế mà dọa nạt thiên hạ để tống tiền. Trong cái mớ bòng bong của một xã hội được gọi là “kinh tế thị trường định hướng XHCN”… Khế cứ thế mà vơ vét… Anh bạn tôi kết luận: Nguyễn Công Khế là “tên lưu manh ngang tầm thời đại”!
Nhà thơ L đi viếng mẹ của Nguyễn Công Khế mất vào tháng 9 năm 2007 về, đã hốt hoảng nói với tôi, đám tang còn hơn cả tỷ phú bên Mỹ có mẹ mất. Giầu có không bút nào tả xiết, xe du lịch đời mới đỗ dài cả cây số. Cái “cảm tạ” của báo Thanh Niên ra ngày 5.9.2007 của gia đình Khế về cái mất của cụ bà Lê Thị Liễu, 79 tuổi, đã gây chấn động dư luận. Trang mạng của báo Thanh Niên đăng lên đã bị các trang “lề trái” ném đá dữ dội, vội vàng phải gỡ xuống, nhưng trang 10 báo in ngày 5.9.2007 kín cả trang còn đó. Xin bạn đọc hãy thử lướt qua danh sách gần 200 cá nhân và các đơn vị (được đăng gộp)… ”đã đến thăm viếng, giúp đỡ, chia buồn và tiễn đưa linh cữu” như báo đã đưa gồm: Ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng CP, ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước và gia đình, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CP và gia đình, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, ông Nguyễn Văn Chi, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra TW, ông Hồ Đức Việt, Uỷ viên BCT, trưởng ban Tổ chức TW, Đại tướng Lê Hồng Anh, Uỷ viên BCT, Bộ trưởng Bộ Công an, ông Lê Thanh Hải, Uỷ viên BCT, Bí thư thành ủy TPHCM và gia đình… rồi còn cả ông Thống đốc Ngân hành nhà nước, các bí thư tỉnh, chủ tịch tỉnh, các cơ quan báo chí, các nghệ sĩ, các Hội v.v và v.v.
Những người đứng đầu bộ máy cai trị đồ sộ của chế độ toàn trị đã đến “thăm viếng, chia buồn và tiễn đưa…” cụ bà Lê Thị Liễu. Ngay cả đến đương kim nguyên thủ một cường quốc trên thế giới mà bố mẹ mất cũng không được như thế.

Có thể nói, đây là đám tang mẹ một Tổng Biên tập một tờ báo ngành của một nước nhỏ nhưng “vĩ đại” nhất hành tinh, chưa hề thấy trong lịch sử báo chí nhân loại. Trong chế độ toàn trị, một tổng biên tập chỉ cần không chống chế độ, không nói ngược với đường lối của Đảng cầm quyền, biết luồn lách, biết dùng tờ báo của mình để nịnh bợ, dọa nạt và khống chế, biết té nước theo mưa, biết gió chiều nào che chiều ấy, giả vờ chống tham nhũng… thì anh ta kiếm bẫm hơn bất cứ nhà buôn nào, có thế lực như một “ông vua không ngai”. Cứ xem danh sách những người đến viếng mẹ anh ta thì thấy… Nếu xét về mặt nào đó thì đây còn hơn quốc tang!

Tờ báo quốc doanh Thanh Niên đã trở thành tờ báo riêng của Khế trong một đất nước không có báo tư nhân! Đội ngũ tổng biên tập như thế thì đội ngũ phóng viên đương nhiên là như thế. Nói cho công bằng thì không phải tất cả anh em làm báo đều như Hồng Vinh, như Khế, như Phan Huy… Có rất nhiều anh em tâm huyết với đất nước, muốn dùng ngòi bút của mình để “tải đạo”, nhưng số phận của các anh vô cùng hẩm hiu. Nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải, Hoàng Khương… là những ví dụ điển hình.

Báo chí ngày càng xuống cấp. Tàu của giặc Tàu đâm vỡ tan tàu của ngư dân ta, trong vùng biển của ta, nhưng báo chí của ta phải nhục nhã kêu là “tàu lạ”. Nỗi nhục này của báo chí Việt Nam “thời kỳ đồ đểu” này không thể nào rửa sạch trong lịch sử dân tộc.

Vì lẽ đó, tôi đã viết “Lời ai điếu cho một nền báo chí nô bộc” trên trang mạng Bauxite năm 2011. Giáo sư Phạm Toàn cho biết, học trò của ông đã in bài này từ trên mạng xuống để đi phát cho bạn bè đang làm việc ở các tở báo ở Hà Nội.
Người ta đều đọc và ngậm ngùi cho số phận của họ!!!


............/.

Ông Nguyễn Phú Trọng đang bị hôn mê?

 Tiếng Dân News

Ông Nguyễn Phú Trọng đang bị hôn mê?

********
Lê Văn Đoành

https://www.facebook.com/tiengdanbao/posts/pfbid0B9vyZxXU2kXdysHzEcJWeXCVKd6Juw8YrN7VbJPzqpckt3KqyeGHJgHUR6KgVDVtl


Tin chấn động trong triều đình cộng sản, Nguyễn Phú Trọng đã rơi vào hôn mê. Sinh, Lão, Bệnh, Tử, người đời không ai tránh khỏi, huống gì đó là người già bước qua tuổi 80. Tuy nhiên thời điểm mà ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư của đảng Cộng sản thoi thóp tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Viện 108), quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đang gây xôn xao dư luận.
Thông tin cho hay, ngày 26-12-2023, sau khi dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, ông Nguyễn Phú Trọng đã có vấn đề đột ngột về sức khoẻ, phải vào Viện 108. Diễn biến bệnh tình mỗi ngày một xấu đi. Tại đây, ông Trọng được chẩn đoán bị nhồi máu não và được đưa vào khoa hồi sức cấp cứu (ICU).
Suốt cả tuần qua, người ta thấy rất đông lực lượng quân đội và cả công an phong tỏa các lối ra vào Viện 108. Tin nội bộ rò rỉ, ông Trọng bị tai biến lần hai, xuất huyết não bán cầu phải. Khu A2, tầng 11 nơi ông Trọng nằm, tất cả các lối đi cũng đều bị phong toả. Cầu thang số 6 dẫn lên các lầu, được quân đội kiểm soát, chỉ dành cho người có thẻ mới được vào.
Gần 5 năm trước, ngày 14-4-2019, trong chuyến công du phương Nam, ông Trọng đã bị đột quỵ ở Kiên Giang, ông đã được trực thăng đưa vào khoa hồi sức cấp cứu, bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, ông được chẩn đoán bị xuất huyết não. Vài ngày sau, ông được chuyên cơ đưa về Hà Nội điều trị tại Viện 108. May mắn, lần đó ông chỉ bị xuất huyết nhẹ, bị liệt nửa người bên trái, một tháng sau thì hồi phục.
Tuy nhiên, may mắn không đến với ông lần này. Hiện tại, luồng thông tin hiếm hoi từ Viện 108 “bắn” ra, cho biết bệnh tình ông Trọng bất ngờ chuyển biến khá nặng. Tỉnh rồi mê, mê rồi tỉnh, rồi lại rơi vào hôn mê sâu, tiên lượng vô cùng xấu.
Trong một diễn biến khác, ngày 9-1-2024, Bộ tư lệnh Quân khu Thủ đô Hà Nội tổ chức khai mạc tập huấn công tác quân sự, quốc phòng năm 2024. Không biết, quân đội đang toan tính điều gì.
Có lẽ người “anh em phương Bắc” biết nhiều hơn xứ Đông Lào.
Sáng ngày 10-1-2024, Trần Tư Nguyên, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc đã bay sang Việt Nam, được Bộ trưởng Tô Lâm hội kiến. Chiều cùng ngày, Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc phối hợp tổ chức Hội nghị Đối thoại cấp Thứ trưởng về An ninh chính trị lần thứ nhất. Kết thúc hội nghị, hai bên đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về an ninh chính trị giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc. Nhiều câu hỏi đặt ra, hợp tác về cái gì? Sao lại là “lần thứ nhất” ngay lúc này?
Đảng đang lo lắng, bởi anh Trọng “lú”, anh “10B”, anh “đầu bạc” hay anh “A1” (theo thứ tự quyền lực trong đảng, tổng bí thư A1, chủ tịch nước A2, thủ tướng A3, chủ tịch quốc hội A4) có lẽ sắp đi theo cụ Mác, cụ Lenin.


Ai sẽ thay thế ông Nguyễn Phú Trọng?
Nếu ông Trọng ra đi đột ngột, ai sẽ thay ông nắm vị trí đầu đảng, là câu hỏi mà giới chóp bu và thượng tầng chính trị của đảng đang đặt ra.
Vương Đình Huệ là cái tên được đích thân ông Nguyễn Phú Trọng giới thiệu quy hoạch chức danh Tổng bí thư, khi đưa Huệ từ Phó Thủ tướng Chính phủ, sang thay Hoàng Trung Hải, “tráng men” ghế Bí thư Thành uỷ Hà Nội vào đầu năm 2020, để một năm sau đó, Huệ nắm ghế Chủ tịch Quốc hội.
Tuy nhiên, cuộc đua ngấm ngầm vào vị trí Tổng bí thư còn có các nhân vật khác đầy tham vọng: Phạm Minh Chính, Võ Văn Thưởng và Tô Lâm.
Lúc ông Nguyễn Xuân Phúc chưa bị truất phế, trong hai lần lấy phiếu thăm dò tại Bộ Chính trị, Vương Đình Huệ đều không đạt 70% số phiếu theo yêu cầu. Tại phiên họp Bộ Chính trị ngày 21-12-2022, sau khi thống nhất cho Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam thôi chức về vườn, nguồn tin của chúng tôi tham dự hội nghị ghi nhận, chính Vương Đình Huệ là người đứng lên phát biểu “Tôi nghĩ, anh Phúc cũng nên làm đơn xin thôi đi!”. Một số người nói đùa rằng, “Huệ sợ Phúc tranh ghế A1, nếu chẳng may ông Trọng đột tử”.
Trong “tứ trụ” hiện nay, ông nào cũng có “tì vết”. Vương Đình Huệ được cho là “say mê ca hát và gái gú “, thiếu chuẩn mực của một chính trị gia hàng đầu. Năm 2019, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vướng tin đồn tình ái với ca sĩ Hương Tràm. Phức tạp hơn, mạng xã hội cho rằng Hương Tràm mang thai và sang Mỹ sinh con, mấy năm không về Việt Nam.
Phạm Minh Chính bị “seri đòn” bởi các vụ án xảy ra ở Quảng Ninh và nhất là bê bối dính líu bà trùm AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Võ Văn Thưởng tương đối “sạch sẽ” hơn, nhưng điểm yếu là “non trẻ”, chưa đủ lão luyện để cầm đầu đảng và không phải “người Bắc có lý luận”. Ông Thưởng có xuất thân không thuộc “con ông cháu cha” như đồn đoán. Bố ông Thưởng (đã mất), từng là cán bộ quê Vĩnh Long, tập kết ra Bắc; mẹ ông là y tá quê huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Được cái, tính ôn hoà, chịu khó học hỏi và phấn đấu, nên các ông Sáu Dân, Sáu Khải, Sáu Phong, Tư Sang, Ba Dũng và cả Nguyễn Phú Trọng đều có thiện cảm.
Ngày 19-8-2023, trong Lễ kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người ta nhận thấy các “nguyên lão” phía Nam tụ tập gồm: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc… như ngầm liên minh ủng hộ Võ Văn Thưởng lên A1 tại đại hội 14. Đặc biệt, lần đầu tiên hai ông Tư Sang, Ba Dũng kề vai, sát cánh bên nhau thân mật trong một khuôn hình.


Các “nguyên lão” phía Nam bên cạnh Võ Văn Thưởng. Photo Courtesy
Tóm lại, rất nhiều kịch bản trên lý thuyết, còn thực tế thì Ban Chấp hành Trung ương đảng khoá 13 sẽ triệu tập phiên họp bất thường đặc biệt, để chọn người nắm vai trò Tổng bí thư.

Tin cuối ngày 11-1-2024, Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đang vận động để tranh vị trí A1, nếu như ông Nguyễn Phú Trọng trút hơi thở cuối cùng.

“Lề dân” đang theo dõi sát sao diễn biến nơi cung đình. Điều mà dân chúng chờ đợi, không phải là A1-A2-A3-A4 hay bất kỳ quan chức to nhỏ nào đi “chăn giun”. Mà họ thực sự chờ đợi khi nào thì đảng Cộng sản Việt Nam chịu giải tán và nhà nước độc tài toàn trị chính thức cáo chung, cũng như có hay không sự động binh, can thiệp từ ngoại bang qua cái gọi là “bảo vệ thành quả của CNXH” hay không. ................./.