http://bongbvt.blogspot.com/2013/09/nhin-lai-su-kien-thai-binh-1997.html
Nhìn lại
SỰ KIỆN THÁI BÌNH 1997
BÙI VĂN BỒNG
Sự kiện Thái
Bình năm 1997 mặc dù được nghe “truyền miệng” nhiều nhưng lại ít thấy có cuốn
sách nào, tờ báo chính thống nào nói một cách đầy đủ và hệ thống. Dù sao, nói
đến Thái Bình 1997, người ta vẫn giữ thái độ dè dặt và thận trọng khi phát ngôn,
bởi người ta vẫn nghĩ nó “nhạy cảm”.
Mới đây TỈNH
ỦY-HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN-ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH chỉ đạo cho ra đời cuốn TỪ
ĐIỂN THÁI BÌNH do NXB Văn hóa Thông tin xuất bản 2010
Cuốn sách, theo
lời giới thiệu của ông Bùi Tiến Dũng – Bí thư tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh giới
thiệu, “gồm 5.000 mục từ với hơn 1.300 trang”, đáng được xem là một công trình
từ điển bách khoa về Thái Bình.
Không ngại va chạm
để nói đến những sự kiện lịch sử có tính bước ngoặt, lần đầu tiên một ấn phẩm,
một công trình đồ sộ do Tỉnh Thái Bình xuất bản chính thức đưa Sự kiện Thái
Bình 1997 vào sách dưới những đề mục nhỏ, như một sự công nhận lịch sử mà không
hề chối bỏ.
Cuốn TỪ ĐIỂN THÁI
BÌNH là sách tra cứu và không phải ai cũng có thể sở hữu vì số bản in không
nhiều. Đối với sự kiện Thái Bình năm 1997, có 4 đề mục nhỏ là: Vụ Quỳnh Hoa, Vụ
Quỳnh Hội, Vụ Quỳnh Mỹ và Vụ Thái Thịnh.
*****************************
1. Vụ Quỳnh Hoa
“Điểm nóng số 1
của tỉnh. Chiều ngày 16/6/1997, khoảng 300 người dân xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh
Phụ đã bắt giữ Bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã và Phó ban tài chính xã dong
lên huyện, đi bộ trên quãng đường 7km dưới trời mưa không cho đội mũ nón, vừa
đi vừa lăng mạ, chử bới, đánh đập. UBND huyện cứ người ra tiếp, trong cuộc đối
thoại, yêu sách của dân tập trung vào việc đòi xử lý cán bộ xã tham nhũng, tiêu
cực; huyện yêu cầu trả tự do cho cán bộ xã và hứa cử đoàn thanh tra về làm rõ,
nếu cán bộ vi phạm sẽ xử lý.
Sau đó, tại xã
Quỳnh Hoa vẫn tiếp tục tiếp diễn tình trạng lăng mạ, vây ép đòi cán bộ xã phải
ký vào những văn bản do một số người thảo sẵn. Ngày 12/9/1997, 34 cán bộ xã
Quỳnh Hoa gồm Đảng ủy, UBND, Công an, xã đội, các đoàn thể HTX nông nghiệp và
6/10 trưởng xóm mang 6 con dấu và đơn xin nghỉ việc lên trả cho huyện. Không
khí ở địa phương rất căng thẳng, ngày nào cũng có hàng trăm người lên UBND xã
chất vấn cán bộ. Ngày 12/11/1997, khoảng 400 người dân xã Quỳnh Hoa kéo lên
UBND tỉnh khiếu tố, đòi gặp chủ tịch tỉnh.
Do không chấp nhận
giải thích của lãnh đạo UBND tỉnh, một số người đã hành động quá khích, gây rối
trật tự công cộng, lăng mạ chửi bới cán bộ trước cổng UBND tỉnh. Đoàn người tập
trung ngời cổng trụ sở UBND tỉnh từ sáng tới chiều tôi thì nhiều người trèo qua
cổng và hàng rào tràn vào UBND tỉnh, đập phá cửa kính, hò hét, chửi bới.
Trước tình hình
đó, ngày 13/11 cơ quan bảo vệ pháp luật đã bắt một số người phạm pháp quả tang
trong đoàn khiếu kiện tại thị xã và tại xã Quỳnh Hoa. Đối phó lại, ngay chiều
tối hôm ấy, tại xã Quỳnh Hoa hàng nghìn người bao vây cản trở không cho công an
thi hành nhiệm vụ, lùng sục bắt giữ 23 công an và 1 cán bộ Viện kiểm sát nhân
dân tỉnh; cướp 1 máy bộ đàm ném xuống ao, phá hỏng 1 xe ô tô; đối xử tàn nhẫn
thô bạo với những người bị bắt đồng thời tổ chức rào làng, đặt chướng ngại vật,
huy động thanh thiếu niên sử dụng dao kiếm, côn gậy tuần tra canh gác, liê tục
đánh kẻng, gõ mõ báo động, kiểm soát chặt chẽ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”
gây không khí căng thẳng.
Trong khi đó, hàng
trăm người ở các xã Quỳnh Mỹ, Quỳnh Giao, Quỳnh Thọ, An Ấp, An Thái cũng kéo
sang Quỳnh Hoa, càng làm cho tình hình thêm phức tạp.
Sau 2 ngày thuyết
phục vận động, đến 16h ngày 16/11/1997, 20 cán bộ chiến sĩ công an mới được trả
tự do (4 chiến sĩ đã tự giải thoát)
Hoạt động của tổ
chức Đảng, chính quyền, đoàn thể xã Quỳnh Hoa hoàn toàn bị tê liệt, không kiểm
soát được tình hình. Các đoàn công tác của tỉnh, huyện cũng phải rút khỏi Quỳnh
Hoa. Sự kiện Quỳnh Hoa gây chấn động dư luận, thu hút sự quan tâm chú ý của cả
nước.
Từ ngày 2 đến
4/7/1998, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án
“gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, bắt giữ người trái
pháp luật” xảy ra tại Quỳnh Hoa. Vụ án có 40 bị cáo, đông nhất từ trước đến nay
ở Thái Bình, 28 bị cáo bị tạm giam, 12 bị cáo tại ngoại, một số bị cáo là
thương binh, đối tượng chính sách.
Đào Văn Tá bị xử
phạt 11 năm 6 tháng tù giam, Nguyễn Văn Hội 9 năm tù giam, Nguyễn Xuân Hùng 8
năm tù giam. Các bị cáo khác bị phạt tù từ 7 năm đến 18 tháng tù cho hưởng án
treo. Đồng thời cơ quan cảnh sát điều tra Thái Bình cũng quyết định khởi tố vụ
tham ô tài sản XHCN đối với Nguyễn Thanh Vận, Phan Văn Phền, Chủ nhiệm và
nguyên chủ nhiệm HTX nông nghiệp Quỳnh Hoa.”
Trích: TỪ ĐIỂN
THÁI BÌNH. TỈNH ỦY-HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN-ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH. NXB VĂN
HÓA THÔNG TIN. 2010. Trang 1082 – 1083.
2. Vụ Quỳnh Hội
“Sự kiện khởi đầu
của tình hình mất ổn định chính trị – xã hội ở Thái Bình. Trong 2 tháng cuối
1996, hàng trăm người ở xã Quỳnh Hội huyện Quỳnh Phụ nhiều lần lên xã, huyện,
tỉnh khiếu tố về việc UBND huyện Quỳnh Phụ không thực hiện quỹ đất 5% là trái
với chủ trương của tỉnh; các khoản dân phải đóng góp quá lớn; cán bộ xã có hành
vi tham nhũng, tiêu cực. Dân yêu cầu cấp trên thanh tra, xử lí cán bộ sai phạm.
Ngày 5/12/1996,
UBND huyện Quỳnh Phụ thành lập đoàn thanh tra liên ngành, tiến hành thanh tra
việc xây dựng cơ bản, ngân sách xã và kinh tế HTX Nông nghiệp. Kết quả thanh
tra xây dựng cơ bản (trạm bơm, cải tạo mương máng, làm đường giao thông…) bước
đầu phát hiện có dấu hiệu tham ô 90.600.000 đồng.
Thanh tra kinh tế,
tài chính xã, phát hiện chi sai nguyên tắc 48.275.000 đồng. Ngoài ra còn có
nhiều biểu hiện tiêu cực trong việc mua thóc giống, vay tiền cá nhân sử dụng
cho HTX với lãi suất cao…
19h30 ngày
26/12/1996, Chi nhánh điện Quỳnh Phụ ngừng cấp điện cho xã vì còn nợ chi nhánh
3.800.000 đồng. Hàng nghìn người trong xã kéo đến nhà chủ tịch UBD xã thắc mắc
và một số người quá khích đã đập phá tài sản, làm thiệt hại khoảng 3.000.000
đồng.
Ngay sau khi sự
việc xảy ra, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo công an tỉnh, của Thường trực huyện
ủy, UBND huyện Quỳnh Phụ, lực lượng công an và các ngành đã tập trung giải
quyết nhằm ổn định tình hình.
Ngày 26/12/1996,
Công an huyện Quỳnh Phụ đã khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng, khởi tố bị
can đối với Nguyễn Văn Toán, Phạm Văn Quýnh, Nguyễn Tiến Mừng.
Ngày 14/1/1997,
khởi tố điều tra vụ án tham ô, cố ý làm trái gây thiệt hại tài sản XHCN, khởi
tố 3 bị can: Đặng Đình Thảo (Bí thư Đảng ủy xã, nguyên Chủ nhiệm HTX), Nguyễn
Quốc Dũng (kế toán trưởng), Vũ Thị Tám (thủ quỹ HTX nông nghiệp).”
Trích: TỪ ĐIỂN
THÁI BÌNH. TỈNH ỦY-HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN-ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH. NXB VĂN
HÓA THÔNG TIN. 2010. Trang 1083.
3. Vụ Quỳnh Mỹ
Vu gây rối trật tự
nghiêm trọng nhất. Ngày 6/5/1997, Phạm Hữu Hoành, Phạm Văn Tới và Nguyễn Văn Ty
tự nhận là đại diện cho nhân dân đứng ra in giấy mời, triệu tập Bí thư Đảng ủy,
Chủ tịch UBND xã, Bí thư chi bộ, xóm trưởng, trưởng các ban ngành của xã về Hội
trường UBND để họp bàn chống tham nhũng.
Tại đây Phạm Hữu
Hoành công khai đả kích , phê phán chính quyền xã, kích động quần chúng kéo lên
huyện, tỉnh yêu cầu xử lý những cán bộ mà họ cho là tham nhũng.
Xét hành vi của
Phạm Hữu Hoành và Phạm Văn Tới có dấu hiệu về tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ
xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước và xã hội”, ngày 8/5/1997, Công an huyện
Quỳnh Phụ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt Phạm Hữu Hoành và Phạm Văn Tới.
Lập tức, từ ngày 9 đến 11/5/1997, hàng nghìn người xã Quỳnh Mỹ và các xã lân
cận liên tiếp kéo lên huyện đòi thả người bị bắt.
Chiều 10/5, khoảng
3.000 người đã tràn vào Viện kiểm sát nhân dân huyện, một số người đã đập phá
phòng làm việc và lăng mạ, súc phạm Viện trưởng; thu và xé tài liệu của Viện
kiểm sát nhân dân.
Tình hình càng
căng thẳng khi hàng trăm người của xã Quỳnh Hồng cùng số dân xã Quỳnh Mỹ kéo
đến bao vây trụ sở công an huyện. Trong suốt 6 giờ đồng hồ (từ 19 giờ ngày 10/5
đến 1 giờ sáng ngày 11/5) khoảng 2.000 người tụ tập trước trụ sở công an huyện.
Lợi dụng đêm tối, một số người quá khích hò hét, chửi bới, xô đổ cổng, dậu của
Công an huyện và trường Đảng huyện; dùng gạch đá tấn công trụ sở và cán bộ
chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ. Họ còn dùng các vật cản chắn đường ô tô,
ngăn không cho lực lượng công an tỉnh và công an các huyện tăng cường; đồng
thời tổ chức săn lùng, đánh đuổi các chiến sĩ công an. 11 cán bộ chiến sĩ công
an bị thương, nhiều tài sản bị hư hỏng, trong đó có 3 xe chữa cháy, 1 xe cứu
thương, 1 xe chở quân, vỡ nhiều lá chắn, hỏng toàn bộ cánh cửa nhà 2 tầng, hệ
thống chiếu sáng và nhiều máy móc thông tin liên lạc..
Để giảm bớt áp lực
của quần chúng, tạm ổn định tình hình, Thường trực Tỉnh ủy và UBND Tỉnh đã họp
bàn thống nhất chủ trương tạm tha 2 đối tượng bị bắt. Được thể, một số người ở
Quỳnh Mỹ đã ép Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện phải ký vào văn bản họ viết
sẵn, thừa nhận việc bắt người là sai rồi công bố trên Đài truyền thanh xã Quỳnh
Mỹ và tổ chức ăn mừng thắng lợi.
Trích: TỪ ĐIỂN
THÁI BÌNH. TỈNH ỦY-HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN-ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH. NXB VĂN
HÓA THÔNG TIN. 2010. Trang 1083 – 1084.
4. Vụ Thái Thịnh
Vụ tham nhũng,
tiêu cực và gây rối trật tự công cộng điển hình ở huyện Thái Thụy.
Ngày 25/6/1997, 60
người dân xã Thái Thịnh lên UBND tỉnh kiến nghị giải quyết thanh quyết toán các
công trình xây dựng của xã và tố cáo Chủ tịch xã vi phạm luật đất đai, tham
nhũng. Buổi tối cùng ngày, quần chúng họp tại 2 địa điểm xóm 1 và xóm 5 để nghe
thông báo kết quả đi khiếu kiện ở tỉnh về.
14h ngày
26/6/1997, trong lúc Đảng bộ xã đang họp bàn chủ trương thực hiện công văn số
279 của UBND tỉnh, hơn 200 người kéo đến bao vây trụ sở, yêu cầu xã phải thực
hiện ngay công văn số 279. Chủ tịch xã ra giải quyết yêu cầu mọi người giải
tán. Quần chúng không nghe và có lời lẽ thô tục, lăng mạ.
5h chiều cùng
ngày, Chủ tịch huyện cùng đoàn cán bộ huyện Thái Thụy về xã Thái Thịnh để giải
quyểt, hứa sẽ chỉ đạo xã thực hiện nghiêm túc công văn 279 của UBND tỉnh. Có
tới hàng nghìn quần chúng tụ tập tại trụ sở UBND xã. Những người quá khích đã
ào lên vây giữ Chủ tịch huyện và đoàn cán bộ. Lực lượng công an tìm cách đưa
được Chủ tịch huyện ra ngoài. Chủ tịch xã và Trưởng công an huyện bị một số
phần tử xấu hành hung trọng thương. 6 cán bộ khác của xã, trong đó có Bí thư
Đảng ủy và 3 an ninh viên bị xâm phạm đến thân thể. Toàn bộ bàn ghế, cánh cửa,
tủ đựng tài liệu, tăng âm, loa đài của xã và HTX bị đập phá và mất 13,600,000
đồng quỹ UBND xã.
Sau đó, họ kéo đập
phá nhà, tài sản gia đình Phạm Văn Chiêm (Chủ tịch xã), Phạm Văn Nghị (Phó Chủ
tịch xã), Đinh Thị Tâng (Cán bộ địa chính xã), gây nhiều thiệt hại.
Tình hình rối loạn
diễn ra từ 7 giờ tối ngày 26/6 đến 1 giờ sáng ngày 27/6/1997.
Để giải quyết ổn
thỏa tình hình xã Thái Thịnh, Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình đã chỉ đạo 3 ngành
Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án tiến hành đồng thời việc điều tra truy tố những
đối tượng quá khích, gây rối trật tự công cộng, vi phạm pháp luật với việc truy
tố những cán bộ xã có hành vi tham nhũng, tiêu cực là nguyên nhân chủ yếu dẫn
tới việc khiếu kiện phức tạp của quần chúng.
Ngày 3/7/1997,
Công an tỉnh đã thực hiện lệnh bắt 5 đối tượng chủ yếu (Vũ Văn Kiện, Vũ Văn
Tuấn, Phạm Văn Vịnh, Ngô Thị Duyên, Phạm Văn Khuynh) trong 36 đối tượng gây rối
trật tự công cộng, cố ý hủy hoại tài sản XHCN, tài sản công dân, cố ý gây
thương tích, xảy ra đêm 26/6/1997 tại Thái Thịnh.
Đồng thời, Công an
tỉnh khẩn trương điều tra, xác định Phạm Văn Chiêm (Chủ tịch xã từ 1991 – 1997)
đã cấp trái phép 23.686m2 đất và đã cùng Phạm Văn Thiện (Phó ban tài chính xã)
vi phạm các quy định về chế độ, nguyên tắc quản lí kinh tế nhà nước, gây thất
thoát ngân sách xã hơn 220 triệu đồng. Chiêm tham ô 24.670.000 đồng, Thiện tham
ô 63.804 ngàn đồng.
Một số cán bộ chủ
chốt khác của xã như Phạm Thanh Nghị (Phó chủ tịch xã) , Phạm Văn Thái (Bí thư
Đảng ủy xã), Phạm Huy Khản (Phó Bí thư Đảng ủy xã), Phạm Thị Duyên (Thủ quỹ
UBND xã) đồng phạm gây thất thoát 154 triệu đồng ngân sách xã. Ngoài ra, Nghị
còn tham ô 13 triệu đồng, Thái 11 triệu đồng, Khản hơn 2 triệu đồng, Duyên 5
triệu đồng, Tăng hơn 13 triệu đồng.
(Trích: TỪ ĐIỂN
THÁI BÌNH. TỈNH ỦY-HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN-ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH. NXB VĂN
HÓA THÔNG TIN. 2010. Trang 1084 – 1085).
************************
Theo Wikipedia tiếng Việt:
Biểu tình tại Thái Bình
Tỉnh Thái Bình thành lập từ năm 1890,
tách từ Nam Định và phủ Tiên Hưng và huyện Hưng Nhân (từ tỉnh Hưng Yên) là tỉnh
có truyền thống cách mạng. Tháng 5-1930, ở Thái Bình đã diễn ra nhiều cuộc biểu
tình. Tháng 6-1942, nông dân Tiền Hải đòi chia ruộng công. “Tiếng trống Tiền
Hải” đã đi vào lịch sử của Đảng Cộng Sản.
Trong vòng 10 năm (1987 – 1997) ở Thái
Bình đã “xảy ra trên 300 (ba trăm) vụ mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu tố, khiếu
nại về đất đai, tố cáo cán bộ xã đã cấp, đã bán (nhiều diện tích đất) sai thẩm
quyền; tham nhũng, tiêu cực trong quản lý kinh tế, tài chính ngân sách xã…”.
Trong 7 năm 1987 – 1994 đã xảy ra 48 vụ tranh chấp đất đai, có tính chất gay
gắt, có nơi trở thành “điểm nóng” (như vụ tranh chấp con đường giữa hai thôn ở
xã Thụy Hồng (Thái Thụy), đến mức hai bên đã đánh nhau, đổ máu; như vụ nhân dân
xã Bình Lãng (Hưng Hà) vây ép cán bộ công an Viện kiểm sát huyện…). Tháng 4 năm
1994, nhân dân xóm Dân Chủ, Quỳnh Xá, huyện Quỳnh Phụ tố cáo cán bộ xã tham
nhũng. “Phong trào” được lan nhanh đến các xã trong các huyện Quỳnh Phụ, Thái
Thụy, Đông Hưng, Tiền Hải, Hưng Hà, Vũ Thư… Bị một số phần tử xấu kích động,
một bộ phận quần chúng đã tập hợp đông người đi khiếu kiện, có hành động gây
rối, quá khích.
Không khí căng
thẳng đến mức nhiều cơ quan Đảng, nhà nước gặp khó khăn trong hoạt động…
Chỉ tính từ tháng
1 năm 1997 đến tháng 6 năm 1998, toàn tỉnh đã có 242/285 xã, phường, thị trấn
(trên dưới 90% đơn vị hành chính) có đơn thư, khiếu nại, tố cáo (tham nhũng,
làm sai quy định về đất đai…) với 43.000 lượt người “đi biểu tình khiếu kiện”.
Ngày 9 tháng 5 năm 1997, để phản đối việc bắt hai đối tượng gây rối, dân khiếu
kiện đã bao vây trụ sở Viện Kiểm sát huyện Quỳnh Phụ, lăng mạ, chửi bới cán bộ
Viện, cán bộ công an, ném gạch đá vào trụ sở Công an huyện làm 11 cán bộ công
an bị thương. Đêm 26 tháng 6 năm 1997, bọn xấu lợi dụng tình hình mất ổn định
đã xúi giục một bộ phận quần chúng đốt nhà, cướp tài sản của 24 cán bộ ở Quỳnh
Phụ, Thái Thụy, Kiến Xương…
20 giờ, ngày 26
tháng 6 năm 1997, hàng ngàn người kéo đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã An Ninh
(Quỳnh Phụ) chửi bới cán bộ, đốt 9 nhà của cán bộ xã. Cùng trong đêm ấy, nhiều
nhà cán bộ xã ở xã Thái Tân, Thái Thịnh, Mỹ Lộc huyện Thái Thụy cũng bị đốt
phá, cướp tài sản. Ngày 8 tháng 7 năm 1997, 300 người đi “khiếu kiện” đã bắt
giữ Bí thư và Chủ tịch xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ dong lên huyện, vừa giải
đi vừa lăng mạ.
Ngay sau đó, Bộ
Chính trị thành lập tổ công tác để giải quyết tình hình mất ổn định ở Thái Bình
và cử ông Phạm Thế Duyệt làm Tổ trưởng. Sau gần hai năm hoạt động, đi đôi với
việc phát hiện xử lý những kẻ xấu, “Tổ công tác đặc biệt” đã vận động nhân dân
ổn định đời sống chính trị, lao động sản xuất, đồng thời kỷ luật khiển trách 21
cấp ủy, cảnh cáo 12 cấp ủy, đình chỉ công tác 1.040 cán bộ, trong đó có gần 40
cán bộ thuộc diện Trung ương và tỉnh quản lý; 560 cán bộ do huyện, thị quản
lý(6) , thay thế 237 cán bộ chủ chốt của xã; khởi tố 51 vụ án tham nhũng gồm
148 bị can; truy tố 47 vụ, với 120 bị can. Đồng thời cũng đưa ra xét xử 10 vụ
với 105 bị cáo phạm tội gây rối trật tự trị an.
Đại biểu Quốc hội
Dương Trung Quốc nói: "Nếu nhìn bề ngoài các đại biểu cho rằng đây là bạo
loạn. Nhưng lúc đó Đảng rất tỉnh táo, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng
đã đến tận nơi phát hiện ra cả 2 mặt. Mặt tiêu cực là thiếu tổ chức dẫn đến
tình trạng nhũng loạn. Nhưng mặt tích cực của nó là góp phần phát hiện những
sai sót yếu kém trong bộ máy chính quyền địa phương. Nhờ đó, chúng ta đã điều
chỉnh cả 2 mặt. Nếu chúng ta bên cạnh việc nâng cao hơn nữa quản lý bộ máy công
quyền, cộng với luật biểu tình thật xác đáng, đó là tác động rất tích cực cho
xã hội".
........../.