"HƯƠNG CẢNG NHÂN" – NHỮNG NGƯỜI HÙNG TRONG NĂM!



"HƯƠNG CẢNG NHÂN" – NHỮNG NGƯỜI HÙNG TRONG NĂM!



******

Một số tờ báo lớn bắt đầu lấy ý kiến thăm dò độc giả để chọn nhân vật trong năm theo thông lệ. Chưa gương mặt nào được công bố, nhưng ai, ngoài người Hong Kong, xứng đáng hơn để được chọn đứng đầu trong danh sách bình chọn này. Vượt qua mọi nguyên thủ, mọi nhân vật chính trị sừng sỏ và mọi lãnh đạo của bất kỳ tổ chức quốc tế nào, “Hương Cảng Nhân” đã làm chấn động thế giới bằng tinh thần phản kháng chống lại một thế lực độc tài hung hăn nhất nhì hành tinh mà sự tuân phục trong khiếp sợ trước nó đang xảy ra không chỉ đối với các tổ chức quốc tế, các tập đoàn khổng lồ mà cả với không ít quốc gia.

Khi đến Bắc Kinh vào tháng 6-2019, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã hết lời ca ngợi “con đường tơ lụa” mới nối châu Á với châu Âu. Dù luôn cổ xúy những giá trị Hồi giáo ở một quốc gia theo đạo Hồi như Thổ Nhĩ Kỳ nhưng Erdogan đã im tịt trước chính sách tàn bạo của Trung Quốc đối với cộng đồng Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Năm 2018, Trung Quốc đã đồng ý cho Thổ vay 3,6 tỷ USD trong các dự án năng lượng và giao thông. Tháng 3-2019, trong một hội nghị hai ngày, Tổ chức hợp tác Hồi giáo (gồm 57 quốc gia Hồi giáo) thậm chí ra một nghị quyết với nội dung ca ngợi Trung Quốc “quan tâm chăm sóc các công dân theo đạo Hồi của mình” (New York Times 8-4-2019)…

Sự trỗi dậy Trung Quốc đã kéo theo sự “nổi trội” của một “xu hướng thời đại”: tâm lý chấp nhận cúi đầu trước Bắc Kinh chỉ để được Trung Quốc viện trợ hoặc để được tiếp cận vào thị trường Trung Quốc. Khó có thể kể đầy đủ các sự kiện liên quan những quốc gia thỏa hiệp im lặng hoặc buộc phải nói những gì Bắc Kinh muốn họ nói dưới ảnh hưởng ngọn roi Trung Quốc khi Bắc Kinh triển khai chính sách ngoại giao mang “đặc tính Trung Quốc”. Từ châu Á đến châu Phi, đâu đâu cũng thấy ảnh hưởng ngọn roi này. Họ “nhai lại” theo Trung Quốc những gì Bắc Kinh muốn họ phát biểu, từ vấn đề chủ quyền biển Đông đến chính sách đối với Hong Kong và Đài Loan…

Sự kiện Hong Kong làm lộ rõ hơn bao giờ hết thái độ “cúi đầu” như vậy. Tháng 8-2019, bốn hãng kiểm toán lớn nhất thế giới – PwC, Deloitte, KPMG và Ernst & Young – đã đồng loạt ra tuyên bố không liên quan đến cuộc biểu tình Hong Kong. Danh sách các tập đoàn khổng lồ “xin lỗi” Trung Quốc khi “gây hiểu lầm” về vấn đề liên quan chính sách đối với Hong Kong, Đài Loan và Tây Tạng nối tiếp nhau dài bất tận, từ Marriott, Delta Airlines, Zara, Gap, McDonald’s, Swarovski, Versace, Coach, Givenchy, Nike, Mercedes, Dolce & Gabbana, Ray-Ban, đến Tiffany & Co… Disney/ESPN thậm chí ra một bản ghi nhớ nội bộ nghiêm cấm nhân viên đề cập các vấn đề chính trị Trung Quốc…

Bởi sức ảnh hưởng của nguồn tiền đầu tư từ các tập đoàn giải trí Trung Quốc và bởi cần thị trường Trung Quốc, giới công nghiệp giải trí Mỹ nói chung cũng im tịt về sự kiện Hong Kong.

Gần như không ngôi sao Hollywood hoặc ngôi sao ca nhạc nào lên tiếng ủng hộ cuộc biểu tình Hong Kong. Cần nhấn mạnh, trong 100 phim đạt doanh thu cao nhất toàn cầu từ 1997-2013, Trung Quốc đã hùn vốn đầu tư 12 phim. Nhưng trong 5 năm kể từ 2013 (tức tính đến năm 2018), Trung Quốc đã đồng sản xuất 41 phim hốt bạc của Hollywood. Thái độ nhún nhường chiều lòng Trung Quốc, trong vài trường hợp, đã trở thành một hành vi thậm chí tệ hơn cả “khấu đầu”. Khi Disney quảng bá Maleficent (2014), diễn viên chính trong phim, Angelina Jolie, đã phát biểu về chuyện Đài Loan độc lập khỏi Trung Quốc. Disney hoảng hốt. Cuối cùng, để “sửa chữa sai lầm”, Angelina Jolie đã đưa gia đình đến Trung Quốc, cùng “chia sẻ” chiếc bánh sinh nhật với đám đông hâm mộ tại Thượng Hải và sau đó còn học làm dim sum…

Không thể kể hết ảnh hưởng Trung Quốc trong giới hạn một bài viết nhưng vài trường hợp vừa đề cập có lẽ cũng đủ để thấy một thực tế rằng, thế giới đã không thể thay đổi Trung Quốc như được tưởng mà là ngược lại. Sức mạnh kim tiền cùng ảnh hưởng chính trị Bắc Kinh ngày càng thấy rõ.

Chế độ cộng sản Bắc Kinh, đặc biệt với phương Tây, luôn đáng bị khinh bỉ nhưng chừng nào còn cần thị trường nước này thì người ta còn tỏ ra sợ hãi sự “trừng phạt” Trung Quốc.

Thái độ ngạo mạn Bắc Kinh được “nuôi dưỡng” bởi sự sợ hãi đó đã sụp đổ bất ngờ từ sự phản kháng của cuộc biểu tình vô tiền khoáng hậu trong lịch sử cai trị cộng sản Trung Quốc, xuất phát từ Hong Kong.


Bắc Kinh có thể khiến nhiều nguyên thủ thế giới phải khom lưng thần phục nhưng chính “thần dân” Hong Kong là những người cho thấy “hệ giá trị” mà Bắc Kinh đang xây dựng và áp đặt cho thế giới không thể so với những giá trị tự do và dân chủ kiến tạo ra nền văn minh nhân loại; và nó bằng mọi giá phải được giành lại, bất chấp máu đổ nhiều bao nhiêu và bất chấp điều đó khó khăn như thế nào.
 
Trong suốt nửa năm trời, hình ảnh chiếc áo đen, cái mặt nạ hồng, cùng chiếc nón vàng của những người biểu tình Hong Kong không chỉ mang lại cảm xúc thán phục, sự đồng cảm chia sẻ mà nó đã trở thành biểu tượng của một cuộc cách mạng đẹp nhất thế kỷ tính đến thời điểm này. Sự dữ dội không khoan nhượng của cuộc biểu tình đã làm thức tỉnh và lay động một sự thật mà người ta dường như cố không thừa nhận: một phần thế giới đang đánh mất lương tri và bây giờ là lúc cần giành lại trước khi quá muộn.
 
Trong suốt nửa năm trời, nhiều người trên thế giới đã khóc khi nghe “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng”. Trong nửa năm trời, nhiều người đã chia sẻ những cái nắm tay thật chặt và những nụ hôn của các bạn trẻ Hong Kong. Trong suốt nửa năm, nhiều người đã xúc động khi thấy những em học sinh tọa kháng bãi khóa.
Trong nửa năm trời, nhiều người đã thức thâu đêm để xem và tức giận trước cảnh người Hong Kong bị đàn áp man rợ như thế nào. Cho đến thời điểm này, cuộc chiến của họ chưa thể gọi là chiến thắng khi mà những yêu cầu của họ chưa được thỏa mãn. Tuy nhiên, họ đã khắc lại một hình ảnh mà lịch sử thế kỷ 21 không thể quên. Họ đã để lại cho thế hệ tiếp theo điều mà hai chữ “kiêu hãnh” và “tự hào” dường như vẫn là những từ chưa đủ mạnh để diễn tả trọn vẹn ý nghĩa của cuộc cách mạng dữ dội và lãng mạn nhất thế kỷ 21 này.
...

Ảnh: New York Times, South China Morning Post, HKFP, AP, AFP, Reuters



.../.

Mỹ muốn gì từ Trung Quốc? Và thế cờ chót của Mỹ là gì?




Mỹ muốn gì từ Trung Quốc? Và thế cờ chót của Mỹ là gì?


David Grossman
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50342254
............

Ngày càng có nhiều hy vọng là Washington và Bắc Kinh sẽ đạt được một thỏa thuận giúp giải quyết cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nhưng cạnh tranh giữa hai siêu cường không chỉ đơn thuần là thương mại, mà còn là kinh tế, quốc phòng, văn hóa và công nghệ.
Vậy Mỹ muốn gì từ Trung Quốc? Và thế cờ cuối cùng của Mỹ là gì?
Câu trả lời ngắn gọn là thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà Tổng thống Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc bắt tay trong Phòng Bầu dục vào tháng trước.
Nhưng căng thẳng giữa hai nước đi sâu nhiều hơn chỉ giao thương và tôi từng nói chuyện ở Washington không ai nghĩ rằng thỏa thuận phác thảo này sẽ tự nó tạo ra được nhiều khác biệt.
Thái độ về Trung Quốc đã có một sự thay đổi tiêu cực rất rõ rệt tại Mỹ trong những năm gần đây và điều quan trọng là phải nhận ra rằng sự thay đổi này có từ trước khi ông Trump đến Nhà Trắng.
“Tôi nghĩ rằng nếu bà Hillary Clinton, hoặc một thành viên đảng Dân chủ khác, hoặc đảng Cộng hòa khác lên làm tổng thống vào năm 2016, bạn sẽ thấy bước ngoặt sắc nét này”, Daniel Kliman, cựu cố vấn cấp cao của bộ quốc phòng Mỹ nói.
“Đã có một suy nghĩ rằng cách tiếp cận của chúng ta với Trung Quốc không có hiệu quả”, Tiến sĩ Kliman, hiện là giám đốc Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) nói.

Có nhiều lý do cho sự gia tăng căng thẳng này.
Những lợi ích kinh tế kỳ vọng từ việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 không bao giờ trở thành hiện thực, Ray Bowen, người từng làm việc cho chính phủ Mỹ với tư cách là nhà phân tích kinh tế từ năm 2001 đến năm 2018, nói.
Trung Quốc không bao giờ có ý định tuân theo luật, ông nói. “Đúng ra thì là Trung Quốc dự định tham gia các diễn đàn đa phương để bắt đầu thay đổi cách các diễn đàn đa quốc gia điều chỉnh thương mại toàn cầu.” Nói cách khác, Trung Quốc tham gia có ý định tạo sự thay đổi thay vì phải thay đổi.
Kết quả là một làn sóng mất việc lớn và đóng cửa nhà máy ở Mỹ, được gọi là “cú sốc Trung Quốc”. Các tiểu bang được mệnh danh là “các tiểu bang vành đai rỉ sét” đã dồn phiếu cho Tổng thống Trump vào năm 2016 là số nạn nhân lớn nhất của cú sốc này.
Nhiều công ty Mỹ chuyển sản xuất sang Trung Quốc để tận dụng chi phí lao động thấp hơn. Tuy nhiên, theo Daniel Kliman, các công ty chuyển đến Trung Quốc phải trả một giá rất đắt: “Trung Quốc đã buộc những công ty này phải bàn giao công nghệ và tài sản trí tuệ cho họ.” Ông nói.
Và, ngay cả những công ty không mang sản xuất qua Trung Quốc cũng thấy rằng Trung Quốc bằng cách nào đó đã lấy được bí mật thương mại của họ. Các cơ quan thực thi pháp luật ở Mỹ có một danh sách dài những cáo buộc các cá nhân và công ty Trung Quốc tội gián điệp và hack máy tính.
Giám đốc FBI, ông Christopher Wray, gần đây nói với Quốc hội Hoa Kỳ rằng có ít nhất 1.000 cuộc điều tra đang tiến hành về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ từ các công ty Mỹ có xuất xứ từ rung Quốc.
Chính phủ Hoa Kỳ ước tính rằng tổng giá trị tài sản trí tuệ bị Trung Quốc đánh cắp trong bốn năm tính tới 2017 là 1,2 triệu đôla.
Theo ông Dean Cheng thuộc Tổ chức Di sản, một nhóm chuyên gia tư tưởng bảo thủ của Mỹ, đây là lý do chính khiến quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên tồi tệ.
“Khi các công ty khám phá ra rằng bằng sáng chế của họ bị cuỗm mất, sản phẩm của họ bị cho qua một tiến trình ‘kỹ thuật đảo ngược’ (reverse engineering), các quy trình R & D của họ bị hack, ngày càng nhiều công ty kết luận rằng việc hợp tác với Trung Quốc không mang lại lợi nhuận, và thực sự có thể hoàn toàn tiêu cực,” ông nói.
Từ bên trong chính phủ, nhà phân tích kinh tế Ray Bowen nói rằng ông nhận thấy sự thay đổi tâm trạng vào cuối năm 2015. Những người trước đây ủng hộ sự tham gia với Trung Quốc giờ đã hoảng hốt khi thấy Trung Quốc bắt kịp nhanh như thế nào.
……………
Đồng thời, tại Lầu năm góc, Chuẩn Tướng Robert Spalding đang lãnh đạo một nhóm người cố gắng hoạch định một chiến lược an ninh quốc gia mới để đối phó với sự trỗi dậy và ảnh hưởng của Trung Quốc.
Ông Spalding đã rời quân đội và viết một cuốn sách có tên “”Stealth War, How China Took Over While America’s Elite Slept” (Chiến tranh Tàng hình, Trung Quốc đã thống lĩnh ra sao khi giới tinh hoa của Mỹ đang say ngủ).
Khi được hỏi về mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra cho Mỹ, câu trả lời của Tướng Spalding rất rõ ràng. “Đó là mối đe dọa cho sự sinh tồn quan trọng nhất kể từ Đức Quốc xã trong Thế chiến Thứ hai.
“Tôi nghĩ đó là mối đe dọa lớn hơn nhiều so với mối đe dọa từ Liên Xô. Là nền kinh tế thứ hai trên thế giới, tầm với của nó, đặc biệt là vào các chính phủ và trong tất cả các tổ chức của phương Tây, vượt xa những gì Liên Xô có thể làm.”
Kết quả nỗ lực của Tướng Spalding tại Lầu năm góc là Chiến lược An ninh Quốc gia xuất bản vào tháng 12 năm 2017.
Chiến lược này được xem là tài liệu chính cho chính phủ Mỹ, được làm kim chỉ nam hướng dẫn mọi cơ quan, và thể hiện sự thay đổi sâu sắc của Mỹ trong cách tiếp cận với Trung Quốc, theo Bonnie Glaser, giám đốc của Dự án điện Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.”
Hiện nay có một khuynh hướng không chú tâm vào cuộc chiến chống khủng bố. Cạnh tranh giữa các cường quốc là mối đe dọa lớn với Hoa Kỳ, thay cho chủ nghĩa khủng bố trước đây.” Bà Glaser nói.
Bộ quốc phòng Mỹ hiện tin rằng giải quyết sự trỗi dậy của Trung Quốc là một trong những mục tiêu quân sự lớn của Hoa Kỳ trong những thập niên tới. Tốc độ mà Trung Quốc xây cất, và sau đó quân sự hóa, một chuỗi các đảo nhân tạo ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế đã khiến nhiều người ở Washington hoảng sợ.
Theo ông Dean Cheng, 5,3 triệu đôla của giao thương đi qua khu vực này mỗi năm. “Hành động của Trung Quốc là một nỗ lực để có thể cắt đứt động mạch của thương mại toàn cầu,” ông Dean Cheng nói.
Rặng san hô Subi ở quần đảo Trường Sa: Trung Quốc đã xây dựng và quân sự hóa một chuỗi các đảo nhân tạo như thế này ở Biển Đông


Trung Quốc đã rất rõ ràng trong tham vọng dẫn đầu thế giới về các công nghệ quan trọng của tương lai, như robot và AI. Bonnie Glaser nói:
“Điều này rất cốt lõi đối với sự cạnh tranh, bởi vì nếu Trung Quốc thành công trong các lĩnh vực này, thì có lẽ nó sẽ thay thế Hoa Kỳ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới.”
Đó là những gì đang bị đe dọa. Quyền lực tối cao của quân đội Mỹ không dựa trên một đội quân thường trực khổng lồ, mà dựa trên các hệ thống vũ khí công nghệ cao. Nếu Trung Quốc dẫn đầu các công nghệ quan trọng này, thì Mỹ có lẽ không thể theo kịp trong tương lai gần.
Daniel Kliman tin rằng cuộc đua công nghệ phi quân sự cũng rất quan trọng. “Trung Quốc không chỉ hoàn thiện các công nghệ giám sát và kiểm duyệt tại nhà, mà ngày càng xuất khẩu các công nghệ này cũng như tài chính và bí quyết ra nước ngoài.”
Ông Kliman tin rằng cuộc chiến với cái mà ông gọi là “chủ nghĩa độc đoán công nghệ cao” là một cuộc chiến sẽ ngày càng trở thành trọng tâm trong những thảo luận về Trung Quốc.
Vì vậy, đừng hy vọng lập trường của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc thay đổi trong nhiệm kỳ gần, ngay cả khi Tổng thống Trump thất cử trong cuộc bầu cử sắp tới.
Tâm trạng ở Washington đã khác đi. Câu chuyện chính trị duy nhất không phải là về việc có nên đối đầu với Trung Quốc hay không mà là làm thế nào để đối đầu tốt nhất với Trung Quốc.


“NẾU CÓ TẦM NHÌN, CHÚNG TA NÊN ĐỨNG VỀ PHÍA ANH, LẬT ĐỔ NHÀ THANH”




Bài viết khiến dư luận Trung Quốc dậy sóng: “NẾU CÓ TẦM NHÌN, CHÚNG TA NÊN ĐỨNG VỀ PHÍA ANH, LẬT ĐỔ NHÀ THANH”

Phùng Học Vinh 

*********

Thủy Thu (lược dịch)


*********

"Các nhà sử học Trung Quốc là một nhóm những người giảo hoạt, họ hiểu được nhân quả của việc cắt gọt các sự kiện lịch sử để phù hợp với thị hiếu của độc giả", học giả Phùng Học Vinh viết.

…………………
LTS: Phùng Học Vinh là tác gia đương đại nổi tiếng Trung Quốc. Ông sinh năm 1979 tại Dương Giang, Quảng Đông, tốt nghiệp Học viện Pháp luật, Đại học Ngoại ngữ Quảng Đông, hiện đang sinh sống tại Hồng Kông.
Ông có nhiều tác phẩm khiến dư luận Trung Quốc dậy sóng vì quan điểm phê phán mạnh mẽ những điều chướng tai gai mắt trong xã hội. Bài viết Vì sao tôi coi thường các nhà sử học Trung Quốc mà chúng tôi lược dịch để giới thiệu tới quý độc giả dưới đây là một ví dụ.
…………………

Các nhà sử học Trung Quốc là một nhóm những sự nực cười. Hôm nay chúng ta cùng thảo luận xem họ là loại người như thế nào.

Nực cười thứ nhất: TIÊU CHUẨN KÉP
Một trong những sự nực cười lớn nhất của các nhà sử học Trung Quốc là có tiêu chuẩn kép để nhìn nhận vấn đề. Ví dụ, kỵ binh nhà Thanh thảm sát thành Gia Định – khi tiến vào Trung Nguyên – là tội ác, nhưng cũng là đội kỵ binh nhà Thanh tàn sát sạch người của Dzungar Khanate – một đế quốc du mục trên thảo nguyên châu Á – không phân biệt nam nữ già trẻ, lại được gọi là "dẹp yên Dzungar Khanate".
Cùng là thảm sát nhưng giết chóc không có lợi cho bản thân gọi là tội ác, giết chóc có lợi cho bản thân lại được gọi là công trạng.
Còn nữa, Hung Nô không thể tấn công vào lãnh thổ nước tôi, nhưng tôi có thể tấn công ra sa mạc, truy sát Hung Nô. Những người khác đánh vào thì là xâm lược, tôi đánh ra là tự vệ. Hán Vũ Đế nam chinh bắc chiến, thu gom vùng đất rộng lớn của người khác vào túi riêng nhưng tôi không thấy nhà sử học nào đứng lên và đưa ra một lời chỉ trích. Vì sao vậy? Vì vị trí quyết định suy nghĩ.
……
Các nhà sử học không thể đối mặt điều này vì nếu không có xâm lược thì lãnh thổ của người Hán đến từ đâu?
[Đến từ] đánh chiếm đó!
………
Người Nhật sáp nhập Đài Loan và Triều Tiên để trở thành đế quốc Nhật Bản thì gọi là xâm lược. Tuy nhiên, Tần Thủy Hoàng sáp nhập sáu quốc gia và thống nhất Trung Hoa thì lại là công thần lịch sử.
Lập trường của bạn quyết định thế giới bạn nhìn.
Còn nữa, chia tách Mông Cổ là một tội ác nhưng chia rẽ Triều Tiên lại là công trạng.
Còn nữa, các thủy binh Mỹ giương oai ở Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) thì coi là quốc sỉ (sỉ nhục quốc gia); hạm đội Bắc Dương của Đại Thanh giương oai ở Nagasaki Nhật Bản thì coi là Quốc khánh.
(…)
Còn nữa, người Anh đã thiết lập tô giới ở Thượng Hải, đó là sự xâm lược. Đại Thanh thiết lập tô giới ở Triều Tiên, đó lại là thân thiện.
Một loạt các tiêu chuẩn kép, tất cả đều là lừa đảo. Xem thế đủ rồi!
Hãy soi vào gương đi, xem bạn có phải là người như vậy không?

Nực cười thứ hai: ĐẢO LỘN LOGIC
Các nhà sử học Trung Quốc, đồng thời cũng là một nhóm người thích sĩ diện. Do đó, ngay cả khi mất nước, họ vẫn có thể được viết thành một lịch sử đẹp. Ví dụ điển hình nhất là sự sáp nhập đế chế của người Hán (nhà Tống) vào Đế quốc Mông Cổ.
Rõ ràng đế chế người Hán mất vào tay Mông Cổ nhưng các nhà sử học Trung Quốc nói rằng đó cũng là một triều đại của Trung Quốc, được gọi là "Triều Nguyên". Trên thực tế, căn bản không có cái gọi là "Triều Nguyên", cái gọi là "Triều Nguyên", là đế quốc Mông Cổ tung hoành khắp hai lục địa Á-Âu khi đó. Trong mắt những người cai trị Mông Cổ thời đó, người Hán là tiện dân, là kẻ bị chinh phục. Triều Nguyên căn bản không phải là Trung Quốc.
Khi Hốt Tất Liệt phái quân tấn công Nhật Bản, sự kiện này được lịch sử Nhật Bản gọi là gì? Được gọi là "cuộc tấn công của Mông Cổ", tại sao người Nhật không gọi cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Nguyên là "cuộc chiến tranh xâm lược Nhật Bản của Trung Quốc?" Bởi vì nhà Nguyên căn bản không phải là Trung Quốc.
Cái gọi là triều Nguyên chỉ là thời kỳ lịch sử mất nước 97 năm của người Hán, chỉ như vậy mà thôi. Căn bản không tồn tại "triều Nguyên" gì cả, Thành Cát Tư Hãn cũng không phải là anh hùng dân tộc của Trung Quốc. Triều Nguyên cũng không phải là một quốc gia của người Trung Quốc.
Nếu một đội quân xâm lược cướp nước tôi, xây dựng quốc gia của riêng họ, sau đó quốc gia của họ lại trở thành quốc gia của tôi trong lịch sử, thế thử hỏi cái gọi là kháng chiến chống xâm lược còn có ý nghĩa gì?
Đế quốc Đại Thanh cũng như vậy, cũng là lịch sử mất nước của người Hán, khoảng 268 năm, Đế quốc Đại Thanh có phải là Trung Quốc không? Không phải. Điểm này, Đinh Nhữ Xương, Đặng Thế Xương (tướng nhà Thanh) không nhìn ra nhưng Tôn Trung Sơn lại hiểu rất rõ, cho nên năm chiến tranh Giáp Ngọ nổ ra, Tôn Trung Sơn đã vội vã tìm đến lãnh sự quán Nhật Bản ở Hồng Kông, để làm gì? Để xin hỗ trợ tiền, súng, Tôn Trung Sơn muốn Nhật Bản hỗ trợ tiền, ông muốn thành lập một nhóm vũ trang, muốn [bản thân] ở phía Nam Trung Quốc và Nhật Bản thực hiện thế kẹp Nam Bắc tấn công Đại Thanh.
Tại sao Tôn Trung Sơn muốn liên thủ với Nhật Bản để tấn công nhà Thanh? Vì nhà Thanh không phải Trung Quốc. Trung Quốc đã mất từ năm 1644 rồi. Về điểm này, Tôn Trung Sơn hiểu rất rõ, Đồng minh hội năm đó cơ bản đều hiểu rõ, cho nên Tôn Trung Sơn muốn Nhật Bản giúp ông lật đổ nhà Thanh sau đó khôi phục quốc gia của người Hán.
Cho nên, chúng ta hãy cùng nhìn lại hai cuộc chiến tranh nha phiến, người dân Trung Quốc chúng ta nên giúp đỡ ai? Đáp án là: Nên giúp người Anh, đuổi người Mãn Thanh, sau đó dưới sự giúp đỡ của người Anh, khôi phục lại quốc gia của người Hán. Sau đó, coi như là trả nợ, mở cửa toàn bộ thị trường Trung Quốc cho người Anh, đây mới là con đường đúng đắn.
Lưu ý: Dữ liệu lịch sử cho thấy Vương quốc Anh không có tham vọng thôn tính lãnh thổ. Hợp tác với Vương quốc Anh không có nguy cơ mất nước và mở cửa thị trường có lợi cho cả hai bên. Đây là vấn đề kinh tế.
Vì vậy, chúng ta nói nên ai bị đánh trong hai cuộc chiến tranh nha phiến? Có phải "chúng ta" bị đánh không? Không. Đó là những kẻ xâm lược Mãn Thanh bị đánh. Vương quốc Anh, lá cờ đầu về thương mại tự do, đại diện cho một nền văn minh tiên tiến, nếu chúng ta là những người có tầm nhìn, chúng ta nên đứng về phía Vương quốc Anh và cùng nhau lật đổ nhà Thanh và thiết lập quốc gia của người Hán với nền kinh tế thị trường tự do.

Nực cười thứ ba: LỪA MÌNH DỐI NGƯỜI
Các nhà sử học Trung Quốc là một nhóm những người giảo hoạt, họ hiểu được nhân quả của việc cắt gọt các sự kiện lịch sử để phù hợp với thị hiếu của độc giả.
Ví dụ điển hình nhất là sự kiện hạm đội Bắc Dương của đế quốc Đại Thanh năm 1886 giương oai giễu võ ở Nagasaki, Nhật Bản. Từ tài liệu lịch sử ngày nay có thể thấy, thủy binh của Đại Thanh ra tay trước nhưng dưới ngòi bút của các nhà sử học Trung Quốc, các sách vở lịch sử, tác phẩm điện ảnh liên quan thì dường như, tình tiết thủy binh Đại Thanh ra tay trước đều đổi thành Nhật Bản ra tay trước.
Lừa dối người có thể duy trì lâu dài được không? Không thể lâu dài được. Vì bản tính con người vốn là đi tìm sự thật. Rồi sẽ có người lên tiếng. Chẳng hạn là tôi.
Là một đội thủy binh của một quốc gia lớn, mạnh mẽ dựa vào hạm đội pháo của mình đến vùng đất của người ta, ra tay đánh người, xong việc lại không phản tỉnh mà còn ngang nhiên công khai nói dối trong sách sử, nói là người ta ra tay trước. Đây là hành vi gì?
Đều thích mắng Nhật Bản đúng không? Thế bản thân thì là gì? Người chạy 50 bước cười người chạy 100 bước, như thế cả thôi.
Có vụ lửa thiêu Viên Minh Viên. Bản thân đi giết sứ đoàn đàm phán người ta, hai nước giao binh không được giết sứ. Đây là giáo huấn của tổ tiên ai vậy? Giết sứ đoàn người ta, còn trách người ta đốt vườn nhà mình?
Còn sự kiện Nghĩa Hòa Đoàn, các nhà sử học chỉ nói cho bạn biết về Điều ước Tân Hợi mà Tuần phủ Sơn Tây Dục Hiền tiến hành giết các giáo sĩ bất kể nam nữ già trẻ ở Thái Nguyên, tôi chưa từng thấy nhà sử học nào đề cập đến dù chỉ một chữ.
Cắt gọt nguyên nhân, chỉ lưu lại hậu quả, đây chính là thủ thuật thông thường được các nhà sử học Trung Quốc sử dụng để đánh lừa thế giới.
Tuy nhiên, lừa mình dối người chỉ có thể sảng khoái nhất thời, trong thời gian dài, mọi thứ sẽ lộ chân tướng, sáng rõ như ban ngày.
Tiêu chuẩn kép, đảo loạn logic, lừa mình dối người, thế hệ của họ đã không thế cứu vãn được nữa, chúng ta đành phải gửi gắm hy vọng cho thế hệ tiếp theo, hy vọng rằng những người trẻ của chúng ta, trong tương lai tất cả đều là những người sáng suốt, đừng một lần nữa trở thành kẻ dối trá như vậy.

………………..