PHẢI SỢ TRUNG QUỐC NHƯ THẾ NÀO?






PHẢI SỢ TRUNG QUỐC NHƯ THẾ NÀO? 

Nguyễn Gia Kiểng



****

Xin bắt đầu bằng một câu chuyện hoàn toàn có thực. Một gia đình Châu Phi, hình như ở Guinée, mất một con gà. Đây là một biến cố không quan trọng ngay cả đối với một gia đình nghèo. Nhưng hôm sau bà chủ con gà đi chợ gần đó và thấy một người đang bán con gà của mình. Bà đòi lại, gây ra cãi cọ và xô xát. Người phụ nữ này bị thương và quay về gọi làng xóm tới bênh vực. Những người phe kia cũng trở về làng kêu tiếp viện. Kết quả là một cuộc đâm chém dữ dội làm hàng chục người chết. Một biến cố không đáng kể đã tạo ra một thảm kịch khó tưởng tượng. Đó là điều có thể xảy ra trong trường hợp Trung Quốc. Thế giới đang đứng trước một nguy cơ lớn.
Hồng Kông, một biến cố không đáng kể đã tạo ra một thảm kịch khó tưởng tượng. Đó là điều có thể xảy ra trong trường hợp Trung Quốc.

Một trong những hiện tượng lớn nhất trong lịch sử thế giới đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta là sự trỗi dậy kinh ngạc của Trung Quốc.

Trong vòng 40 năm, kể từ năm 1978, khi Trung Quốc mở cửa ra với thế giới, tỷ lệ người sống dưới mức nghèo khổ 2 USD/ngày đã giảm từ 90% xuống dưới 1%. Nói cách khác hơn một tỷ người Trung Quốc đã thoát cảnh nghèo khổ.

Ngày nay, từ một quốc gia đáng thương hại, Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì trên thế giới, chiếm 1/3 ngoại thương thế giới, xuất khẩu nhiều nhất, nhập khẩu hạng nhì, cạnh tranh với các nước tiên tiến ngay trong cả các kỹ thuật hiện đại nhất. Bẩy trong số mười công ty xây dựng lớn nhất thế giới là của Trung Quốc. Trong ba năm từ 2015 đến 2018 Trung Quốc đã sử dụng một số xi măng lớn hơn tổng số xi măng mà Hoa Kỳ đã sử dụng trong cả thế kỷ 20. Sự hiện diện và ảnh hưởng của Trung Quốc lan tỏa như vũ bão với "sáng kiến Vành Đai và Con Đường" (Belt and Road Initiative).

Từ một nước gần như không có hải quân Trung Quốc đã tạo dựng ra một hải quân hùng hậu nhất thế giới về số tầu chiến và số binh sĩ, dù mới chỉ là về lượng, về phẩm còn thua nhiều nước, nhất là Hoa Kỳ.

Trung Quốc vươn lên nhanh đến nỗi thế giới không kịp ngạc nhiên, như lời cố tổng thống Tiệp Vaclav Havel.


Bẫy Thucydides và hiểm họa Hitler

Những tiến bộ đó bình thường phải đáng mừng và đáng khen nhưng đã gây lo âu vì ít nhất hai lý do.

Lý do thứ nhất là Trung Quốc càng mạnh lên càng hung hăng và bày tỏ quá rõ rệt tham vọng làm bá chủ thế giới.
Ngay trong Đại hội 18 của Đảng cộng sản Trung Quốc, năm 2012, khi vừa được bầu làm tổng bí thư, Tập Cận Bình đã dùng ngôn ngữ phục thù, tuyên bố phải rửa mối nhục mà Trung Quốc đã phải chịu đựng trong gần hai thế kỷ trước các nước phương Tây.

Trong Đại hội 19, cuối năm 2017, ông không chỉ nhắc lại tham vọng đó mà còn đặt ra ba cột mốc: vào năm 2025 Trung Quốc sẽ phải đứng hàng đầu trong mười công nghệ hiện đại, kể cả xe không người lái, robot và kỹ nghệ truyền thông; năm 2035 Trung Quốc sẽ phải là cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới, hàng Trung Quốc sẽ tràn ngập mọi thị trường; năm 2049, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Trung Quốc sẽ phải là cường quốc bá chủ hoàn cầu với một quân đội bách chiến bách thắng.

Giấc mơ vĩ đại đó đã cuốn hút các đảng viên cộng sản đang hoang mang và khiến tên của Tập Cận Bình được đưa vào điều lệ của Đảng cộng sản và hiến pháp Trung Quốc. Vinh quang này vừa buộc Tập phải quyết tâm thực hiện cam kết vừa khiến thế giới lo sợ.

Nỗi lo sợ này được sử gia Graham Allison, giáo sư Havard, gọi là "bẫy Thucydides" theo tên của Thycydides, người đã sáng lập ra môn sử học cách đây gần 2500 năm, với cuốn sử đầu tiên trên thế giới mang tựa đề "Lịch sử cuộc chiến Penopolese".

"Bẫy Thucydides" là khi một cường quốc mới xuất hiện đe dọa giành vai trò bá chủ của cường quốc đang chế ngự thì chiến tranh là đương nhiên.

Theo Thucydides, khi một cường quốc mới xuất hiện đe dọa giành vai trò bá chủ của cường quốc đang chế ngự thì chiến tranh là đương nhiên. 

Ông viết về cuộc chiến giữa Sparta và Athens đã làm tan nát vùng Cổ Hy Lạp như sau: "chính sự trỗi dậy của Athens đã gây lo âu cho Sparta và khiến chiến tranh không tránh khỏi". 

Ngày nay, theo Allison, cường quốc đang trỗi dậy là Trung Quốc, cường quốc đang chế ngự thế giới là Hoa Kỳ. Ông liệt kê 16 trường hợp tranh hùng trong 500 năm qua và cho thấy đã có 12 trường hợp đưa đến chiến tranh. Nếu Allison nghiên cứu lịch sử Châu Á chắc chắn ông sẽ thấy một tỷ lệ chiến tranh cao hơn nhiều. Allison đã được mời điều trần tại Quốc hội Mỹ và đã được nhiều nguyên thủ quốc gia tiếp để trình bày nguy cơ xung đột Mỹ - Trung.

Còn một lý do thứ hai đáng lo ngại hơn nhiều, mà ta có thể gọi là hiểm họa Hitler.

Đó là Trung Quốc trong khi trỗi dậy một cách thần tốc về kinh tế và quân sự vẫn ngoan cố khẳng định chế độ chuyên chính, phủ nhận mọi giá trị dân chủ và nhân quyền phổ cập.

Từ năm 1978, sau khi Đặng Tiểu Bình giành được chính quyền và theo kinh tế thị trường, Trung Quốc đã bỏ lý tưởng thế giới đại đồng của chủ nghĩa cộng sản nhưng vẫn giữ nguyên bản chất độc tài hung bạo của nó. Với Tập Cận Bình, chế độ của Trung Quốc hiện nay không khác gì chế độ Nazi của Hitler trong thập niên 1930 đã dẫn tới Thế Chiến II. Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc (Trung Quốc đặc sắc xã hội chủ nghĩa) chỉ là một tên gọi mới của chủ nghĩa quốc xã Đức.

Thucydides đã nhận định rất đúng nhưng ông đã không có mặt trong nửa sau của thế kỷ 20 để chứng kiến một bước đột phá tư tưởng của nhân loại.

Sau Thế Chiến II, trong đó trên một trăm triệu người thiệt mạng, một số trí thức Âu Mỹ đã nhìn ra nguyên nhân chính của chiến tranh là sự coi thường con người, coi con người chỉ là dụng cụ để thực hiện tham vọng quốc gia và vì thế có thể bị hy sinh. Sau hơn ba năm phấn đấu họ đã thuyết phục được đa số các quốc gia chấp nhận bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập như là thành phần của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.

Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập này về bản chất cũng là tuyên ngôn dân chủ vì nội dung của nó quy định những quyền con người trong một nước dân chủ. Họ đã nhìn thấy dân chủ là yếu tố cốt lõi để tránh chiến tranh. Và thực tế đã chứng minh họ có lý. Chiến tranh chỉ xảy ra khi ít nhất một trong hai chế độ lâm chiến là một chế độ độc tài chứ không bao giờ có chiến tranh giữa hai nước dân chủ.

Đức và Nhật đã vươn lên rất mạnh mẽ sau Thế Chiến II nhưng đã không làm ai lo sợ vì đã trở thành những nước dân chủ.

Trung Quốc là một đe dọa cho nhân loại bởi vì đã mạnh lên nhưng vẫn là một chế độ độc tài ngang ngược không khác chế độ quốc xã của Hitler.

Sự ngang ngược được biểu lộ rõ rệt qua sự khuyến khích và giật dây chế độ côn đồ Triều Tiên, những hăm dọa đối với Đài Loan, những khiêu khích đối với Nhật quanh quần đảo Điếu Ngư và nhất là với đường Lưỡi Bò xấc xược trên Biển Đông song song với những hành động thô bạo, gần đây nhất là tại Bãi Tư Chính, trong vùng độc quyền kinh tế của Việt Nam. Mối nguy Trung Quốc ngày càng hiện rõ.


Sợ hay không sợ ?

Sự lo âu thể hiện qua các phát biểu của phần lớn các chuyên gia Phương Tây về Trung Quốc. Họ nhìn thấy một nguy cơ Thế Chiến III mà hậu quả sẽ rất kinh khủng.

Giáo sư Graham Allison kêu gọi tập trung trí tuệ, sáng suốt và dũng cảm để lập lại kỳ tích của giai đoạn sau Thế Chiến II, trong đó, sau một cố gắng quyết liệt, bền bỉ và có phối hợp, một nhóm trí thức lỗi lạc đã thuyết phục được các chính quyền dân chủ liên kết với nhau thành lập ra Liên Hiệp Quốc như một định chế bảo vệ hòa bình trên nền tảng nhân quyền.

Riêng Hoa Kỳ, dù chỉ chấp nhận rất trễ bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập, cũng đã tận tình giúp Châu Âu phục hồi sau chiến tranh qua kế hoạch Marshall và chủ động liên minh với các nước dân chủ Tây Âu để thành lập Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để đương đầu với sự trỗi dậy của Liên Xô.

Do it again! (hãy làm lại như thế) là lời kêu gọi của Allison. Ông không giấu sự lo lắng trước chính sách đơn phương thô lỗ của Donald Trump.

Khá nhiều người, như chuyên gia địa chính George Friedman, coi chiến tranh Mỹ - Trung là khó tránh khỏi và phải chờ đợi nó.

Nhiều người khác, như David Brook, chuyên gia ngoại giao Anh từng phục vụ lâu năm tại Trung Quốc và hiện đang giảng dạy về bang giao quốc tế tại London School of Economics, cho rằng Mỹ và các nước dân chủ phải có đủ khôn ngoan để chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc và chia sẻ quyền lãnh đạo thế giới với Trung Quốc, nhất là tại Châu Á, ngay cả nếu phải hy sinh một số giá trị được coi là phổ cập. David Brook còn biện hộ cho thái độ nhân nhượng này bằng cách biện luận rằng văn hóa Trung Quốc thực ra cũng là một văn hóa đa nguyên vì đã cho phép Khổng Giáo, Phật Giáo và Lão Giáo cùng hiện diện một cách hài hòa! Thật là nhảm nhí.

Sau cùng, cũng có những người như Martin Jacques cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là tự nhiên, không thể đảo ngược và giải pháp duy nhất là chấp nhận để Trung Quốc thống trị thế giới. Cũng may là những "chuyên gia" như Martin Jacques không nhiều và họ chỉ được biết đến nhờ được Trung Quốc thổi phồng.

Nói chung các chuyên gia này đều kinh ngạc trước những tiến bộ ngoạn mục của Trung Quốc và đều tin là Trung Quốc sẽ tiếp tục mạnh thêm nhưng họ không đưa ra một lập luận có cơ sở nào để chứng minh niềm tin đó. Họ suy nghĩ theo kiểu đường thẳng nối dài.

Điều đáng lưu ý là phần lớn các chuyên gia gốc Trung Quốc đứng về phía, ngày càng đông đảo, những người cho rằng Trung Quốc đang đi dần tới khủng hoảng và không đáng sợ. Có lẽ vì họ hiểu Trung Quốc hơn. Phe này đưa ra những lập luận chính xác dựa trên những dữ liệu cụ thể.

Trước hết là núi nợ khổng lồ trên 40.000 tỷ USD, 303% GDP theo Bắc Kinh, cao hơn nhiều theo các định chế tài chính quốc tế, trong đó nợ công – gồm nợ chính phủ và nợ của các công ty nhà nước – là trên 200%. Khối nợ này không thể chịu đựng nổi trong một quốc gia mà GDP trên mỗi đầu người chỉ xấp xỉ 8.000 USD mỗi năm.

Chính quyền Bắc Kinh đã nhìn thấy nguy cơ và trong mười năm qua đã nhiều lần đưa ra các biện pháp hạn chế tín dụng. Mỗi lần họ đều phải triệt thoái. Như vậy phải hiểu rằng sự nguy ngập của kinh tế Trung Quốc không có giải pháp. Mặt khác tỷ lệ dân số trong tuổi hoạt động đang giảm, giai đoạn dân trẻ đã qua rồi.

Tỷ lệ tăng trưởng 6,2% trong sáu tháng đầu năm 2019, thấp nhất từ 27 năm qua, cũng không đúng. GDP và tỷ lệ tăng trưởng là những con số mà người ta có thể thao tác và đó là điều mà chính quyền cộng sản Trung Quốc đã làm, bằng cách gia tăng đầu tư và chi tiêu công cộng. Và đầu tư để xây dựng những xa lộ không có xe chạy, những đường sắt với một hay hai chuyến tầu mỗi ngày và những thành phố ma. Trung Quốc hiện đang có hơn 70 triệu căn hộ không người ở. Nếu bỏ qua những "đầu tư" không chỉ vô ích mà còn làm mất đất canh tác này thì tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc là một con số âm.

Tuy vậy kinh tế không phải là nguy cơ chính của Trung Quốc. Nguy cơ chính là môi trường đã bị đã bị hủy hoại ở mức độ không thể phục hồi.

Cả miền Bắc đã trở thành khô cằn, nhiều nơi gần như bị sa mạc hóa, hậu quả một chính sách tăng trưởng hoang dại bất chấp con người và môi trường. Trong những năm gần đây Bắc Kinh đã có những cố gắng phục hồi môi trường rất lớn và rất đúng nhưng đã quá trễ. Số người Trung Quốc bị ung thư vì ô nhiễm hiện nay tương đương với dân số Hoa Kỳ. Trong lần tham quan Ai Cập mùa hè năm trước tôi đã gặp một cặp vợ chồng người Bắc Kinh đang tìm cách di cư sang Châu Âu hoặc Mỹ. Họ là một trường hợp trong số hàng trăm triệu người khá giả đang tìm cách rời Trung Quốc không phải lý do kinh tế mà vì sợ chết vì ô nhiễm.

Trung Quốc cũng không đáng sợ về mặt quân sự.
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc lớn thứ nhì thế giới nhưng vẫn chưa bằng một nửa ngân sách quốc phòng của Mỹ. Chênh lệch lực lượng giữa hai nước đã rất lớn lại ngày một lớn hơn. Số tầu chiến của hải quân Trung Quốc tuy nhiều nhưng khả năng chiến đấu bị tất cả các chuyên gia về quân sự đánh giá là rất kém so với các tàu chiến của Nhật và Đài Loan, chưa nói tới Mỹ, Anh và Pháp. Không quân còn kém hơn. Đã thế 25% chương trình huấn luyện của quân đội Trung Quốc được dành để học tập chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông.
Những người không sợ Trung Quốc gây ra thế chiến hoàn toàn có lý.

Thái độ hung hăng của Trung Quốc trên Thái Bình Dương, nhất là tại Biển Đông Việt Nam, là một sai lầm rất lớn trong cách tiếp nhận di sản lịch sử.

Trung Quốc trong suốt dòng lịch sử hơn 2200 năm dù từng là đế quốc chế ngự vùng Đông Á nhưng vẫn chỉ là một đế quốc địa phương và lục địa chứ chưa hề có tham vọng đại dương. Cho tới gần đây hải quân và thương thuyền Trung Quốc không đáng kể. Kết quả là tuy có hơn 15.000 km bờ biển nhưng Trung Quốc gần như bị vây hãm.

Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Philippines, Indonesia, Singapore và Malaysia đều là những đồng minh của khối NATO. Trung Quốc sẽ tức khắc bị phong tỏa nếu xảy ra xung đột.

Cách xử lý đúng đắn và bắt buộc di sản lịch sử đó là dân chủ hóa và dứt khoát chọn đường lối phát triển trong hòa bình như Nhật và Đức đã làm (sau một sai lầm bi đát!). Cả hai nước đều không cần có quân đội mạnh nhưng không hề bị cô lập và đã vươn lên mạnh mẽ sau Thế Chiến II.

Nếu cũng chọn con đường đó Trung Quốc sẽ đương nhiên trở thành cường quốc số 1 trên thế giới trong trung hạn mà không gây lo ngại cho bất cứ ai, dù có thể phải chấp nhận một mức độ tản quyền lớn, kể cả sự ly khai của một số tỉnh.

Bắc Kinh đã chọn chính sách ngược lại, gây tranh chấp để càng bị cô lập. Phải chăng vì Đảng cộng sản Trung Quốc tin rằng mình không thể tồn tại sau một cuộc chuyển hóa về dân chủ? Sai lầm lớn nhất của các quốc gia là không nhìn đúng để quản lý đúng lịch sử của mình.

Trung Quốc từng là đồng minh của Liên Xô và hiện đang là đồng minh của Liên bang Nga, nhưng điều ngạc nhiên là Trung Quốc không rút ra bài học Liên Xô. Thành tích tăng trưởng của Trung Quốc không phải là chưa từng có. Sau Thế chiến II Liên Xô còn vùng lên nhanh hơn. Dù bị tàn phá tan tành, Liên Xô đã chỉ cần khoảng mười năm để vùng lên gần như về mọi mặt để tranh hùng với Hoa Kỳ. Đã chế tạo được bom nguyên tử, đã gửi được phi thuyền lên không gian trước Mỹ và đã đủ giàu mạnh để yểm trợ các đảng cộng sản anh em khắp nơi, kể cả Đảng cộng sản Việt Nam, đã dồn được Mỹ và các nước dân chủ vào thế thủ. Nhưng rồi chính vì đã cố gắng quá sức mà Liên Xô đã gục ngã. Đó là số phận đang chờ đợi chế độ cộng sản Trung Quốc.

Phải sợ gì?

Tuy vậy chúng ta không thể chia sẻ sự yên tâm của các chuyên gia thuộc phe không sợ.
Chúng ta phải sợ Trung Quốc vì một lý do khác và vì chúng ta là người Việt Nam.

Câu chuyện con gà Châu Phi ở đầu bài này cho thấy là một chuyện nhỏ có thể có những hậu quả lớn vì tâm lý con người phức tạp. Tâm lý của của các quốc gia và các thị trường càng phức tạp hơn. Chúng ta vừa có một thí dụ cụ thể. Ngày chủ nhật 04 tháng 8 vừa qua Donald Trump phát đi một tweet nói rằng sẽ đánh thuế 10% trên số hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD bắt đầu từ tháng 9. Thiệt hại tối đa cho Trung Quốc nếu không ai có phản ứng nào cả là 30 tỷ USD. Nhưng hôm sau các thị trường chứng khoán đã sụt giá trên dưới 3% vì đồng Yuan chao đảo. Sau đó các thị trường chứng khoán tiếp tục sụt giá ở mức độ tương tự hai lần nữa. Tính nhẩm thiệt hại cho các thị trường chứng khoán - và tài sản của những người chủ các cổ phần - vào khoảng 10.000 tỷ USD, nghĩa là 300 lần lớn hơn số tiền mà Donald Trump hy vọng thu được từ Trung Quốc.

Chúng ta phải sợ Trung Quốc ít nhất vì hai lý do.

Một là Trung Quốc chắc chắn sẽ lâm vào khủng hoảng kinh tế và có thể tan vỡ trong một tương lai gần kéo theo những dao động lớn trên thế giới trong khi nước ta vừa ở gần đám cháy vừa quá lệ thuộc vào ngoại thương.

Hai là nếu vì một hành động mị dân trong lúc bối rối Trung Quốc đánh chiếm các đảo Trường Sa còn lại hay một vùng đất biên giới nào đó Việt Nam vừa khó bảo vệ vừa khó lấy lại. Giai đoạn này đang đòi hỏi một chính quyền rất sáng suốt mà rõ ràng là chúng ta không có.

Biến cố lịch sử lớn nhất trên thế giới cho đến nay đã là sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết. Một đế quốc chuyên chính độc hại với quân lực mạnh thứ hai trên thế giới đã tiêu tan và nhiều dân tộc đã được tự do mà không có đổ máu cũng không khiến thế giới lâm vào khủng hoảng kinh tế. Thật khó tưởng tượng.
Điều phải sợ là sự sụp đổ chắc chắn của chế độ cộng sản Trung Quốc có thể sẽ không diễn ra như thế.


N.G.K.
(15/08/2019)


Người Việt và người Hán: Ai mới là tổ tiên của ai?


Người Việt và người Hán: Ai mới là tổ tiên của ai?
Tác giả: Hà Văn Thùy

http://nghiencuuquocte.org/forums/topic/nguoi-viet-va-nguoi-han-ai-moi-la-to-tien-cua-ai/?fbclid=IwAR1VkDu_ofpC6kA2Ehx6WAsuftNBJt4Nl7lIM3R7LZyJL9FEw2dcT74Abn4
***
Lời tác giả: Lâu nay nghe dư luận xôn xao: người Trung Quốc khuyên dân Việt “lãng tử hồi đầu!” Nghĩ rằng đó là việc rất nghiêm trọng, vừa xuyên tạc lịch sử vừa xúc phạm tổ tiên, chắc cơ quan chức năng như Tuyên giáo, Hội Sử phải nhanh nhạy ra tay… Nhưng chờ mãi chỉ thấy im ắng, dường như chẳng có vấn đề, không đáng chấp! Trong khi đó dân tình nháo nhác, không hiểu do cơn cớ nào người ta khuyên như vậy và khuyên vậy là có ý gì? Mới đây người bạn chuyển cho bài
Bác bỏ luận điệu Trung Quốc khuyên Việt Nam ‘Lãng tử hồi đầu’
trên Nghiên cứu quốc tế, bảo đọc rồi cho ý kiến nên chúng tôi viết bài này.
***
Vào đầu thế kỷ XXI, di truyền học khám phá loài người xuất hiện ở châu Phi khoảng 200.000 năm trước rồi từ đó lan tỏa ra thế giới, làm nên nhân loại. Riêng việc con người đến châu Á, giữa các nhà di truyền lại có hai quan điểm khác nhau. Phái con đường phương Nam cho rằng, từ châu Phi, người tiền sử sang bán đảo A Rập rồi theo ven biển Ấn Độ tới Việt Nam 70.000 năm trước. 40.000 năm cách nay, nhờ khí hậu ấm hơn, người từ Việt Nam đi lên Đông Á. Từ Đông Á có một dòng rẽ sang phía Tây, tới Trung Á rồi vào châu Âu. Tại đây họ gặp người Europid từ Trung Đông tới. Hai dòng người hòa huyết cho ra tổ tiên người châu Âu. 30.000 năm trước, từ Đông Á người tiền sử vượt qua eo Bering chiếm lĩnh châu Mỹ. Dòng di cư này làm nên đại bộ phận loài người ngoài châu Phi. (1)
Đối chọi với nó là phái chủ trương con đường phương Bắc, cho rằng, có chuyến di cư theo con đường phương Nam nhưng chuyến ra đi 45.000 năm trước, người tiền sử từ châu Phi, vào Trung Đông, lên Trung Á rồi sang phương Đông mới quan trọng vì tạo ra đại bộ phận nhân loại ngoài châu Phi. (2)
Nhiều nhà di truyền Trung Quốc theo trường phái con đường phương Bắc, cho rằng, người từ châu Phi vào Trung Quốc tạo nên cộng đồng Bách Việt mà người Hán là trung tâm. Dựa theo tài liệu của người Pháp viết: “ Năm 333 TCN, nước Sở diệt nước Việt, một bộ phận người Việt chạy vào Bắc Việt Nam, trở thành người Việt Nam.” (3)Từ “khám phá lịch sử” đó dẫn tới chủ trương kêu gọi đám con đi hoang hãy trở về nhà!
Tuy nhiên đó là sự lầm lẫn ê chề của giới khoa học.
Thực tế khảo cứu cho thấy, có con đường phương Bắc nhưng dòng di cư này không hề làm nên dân cư Đông Á. Ở trên chúng tôi nói, 40.000 năm trước, có dòng người từ Đông Á qua Trung Á vào châu Âu. Khoảng 15.000 năm trước, một dòng người từ châu Âu qua Trung Á, đi ngược lại con đường cũ để tới phương Đông.(1) Nhưng khoảng 10.000 năm trước, người ở phía Tây Hoa lục đã đông và có những bộ tộc dũng mãnh như bộ tộc Tần đã ngăn không cho người di cư phương Tây vào Trung Quốc. Đoàn di cư này buộc phải chia đôi: một bộ phận trượt xuống Tây Nam, trở thành dân thiểu sổ Uighur sau này. Một nhánh lên phía Bắc rồi tới Đông Bắc Trung Quốc, làm nên các sắc dân thiểu số ở Bắc Trung Quốc hiện nay. Thất bại trong việc xâm nhập Trung Quốc nhưng về mặt di truyền, cuộc di cư vẫn để lại những dấu hiệu (marks) trong bộ gen của dân cư. Do vậy, một số nhà di truyền học khi khảo sát bộ gen con người đã sa vào cái bẫy của cuộc xâm nhập bất thành. Nếu dòng di cư này vào được Hoa lục, sẽ để lại ba hệ quả:
1. Người Trung Quốc phải mang mã di truyền Ấn-Âu mà không phải Mông Cổ phương Nam như hiện nay.
2. Người Trung Quốc sẽ có chỉ số đa dạng sinh học (Bio-diversity) cao nhất châu Á (sinh vật có tuổi sinh học càng già tức càng gần tổ tiên thì chỉ số đa dạng sinh học càng cao.) Trong khi thực tế cho thấy, chỉ số đa dạng sinh học của người Hán gần như thấp nhất châu Á.
3. Với con đường di cư từ Tây Bắc xuống Đông Nam như vậy, mặc nhiên những di chỉ khảo cổ ở Tây Bắc sẽ có tuổi cao hơn và tiến bộ hơn các di chỉ ở Đông Nam. Tuy nhiên, sự thực ngược lại. Những di chỉ khảo cổ phía Nam không chỉ sớm hơn mà còn tiến bộ hơn so với ở Tây Bắc. Năm 2016, sau 80 năm khai quật và nghiên cứu văn hóa Lương Chử vùng Thái Hồ, học giả Trung Quốc kết luận: “Nhà nước Lương Chử sớm và tiến bộ nhất phương Đông. Triều đại Hạ và Thương trước đây được coi là sớm nhất, nay phải trả lại danh hiệu đó cho Lương Chử.”Và “Văn hóa Lương Chử là cội nguồn của văn minh Trung Quốc.”(4)
Kết luận được rút ra là không có chuyện người châu Phi theo con đường phương Bắc làm nên dân cư Đông Á.
***************
Bản đồ phân bố các nhóm người từ Việt Nam đi lên chiếm lĩnh Hoa lục (O: Indonesian, C: Melaanesian, N: Mongoloid và D: Negritoid) (8)
Trên thực tế, chỉ có duy nhất con đường phương Nam đưa người tiền sử tới Việt Nam 70.000 năm trước làm nên dân cư châu Á. Tại đây hai đại chủng Australoid và Mongoloid hòa huyết sinh ra bốn chủng người Việt cổ Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid. Người Indonesian chiếm đa số, giữ vai trò lãnh đạo về xã hội và ngôn ngữ, sau này được gọi là Lạc Việt. Cũng có một số nhóm người Mongoloid do “thiếu tinh thần tập thể” không chịu chơi với ai nên đi tới Tây Bắc Đông Dương và sống cách biệt trong môi trường lạnh giá. 40.000 năm cách nay, do khí hậu ấm lên, người từ Việt Nam đi lên Quảng Đông rồi lan tỏa ra trở thành dân cư Hoa lục. Tại di chỉ Điền Nguyên Động thành phố Chu Khẩu Điếm phát hiện xương chân người đàn ông 40.000 năm tuổi, được xác nhận là tổ tiên người Đông Á và là thủy tổ người châu Mỹ bản địa (5) Riêng nhóm người Mongoloid từ Tây Bắc Đông Dương theo hành lang phía Tây đi lên Tây Bắc Trung Quốc và đất Mông Cổ. Ban đầu họ sống bằng săn bắn hái lượm. Khi kỷ Băng hà kết thúc, họ chuyển sang du mục ở bờ Bắc Hoàng Hà. Do giữ được nguồn gen thuần chủng nên sau này được gọi là chủng Mongoloid phương Bắc (North Mongoloid). Khoảng 9000 năm trước, tại lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử, dân Việt đã đông, làm nên nền văn hóa nông nghiệp trồng lúa, trồng kê, nuôi gia súc ở Giả Hồ Hà Nam… Khoảng 7000 năm trước, tại bờ Nam Hoàng Hà, người Việt Australoid gặp gỡ người du mục Mông Cổ bên bờ Bắc để trao đổi hàng hóa. Việc hôn phối luyến ái diễn ra, lớp con lai Mông-Việt ra đời, mang mã di truyền Mongoloid phương Nam. (6) Người Mongoloid phương Nam tăng số lượng, dần thay thế người Australoid, thành chủ thể dân cư lưu vực Hoàng Hà. Họ sáng tạo văn hóa Long Sơn, xây dựng hai trung tâm văn hóa rực rỡ Thái Sơn và Trong Nguồn (đồng bằng Hán Thủy), sau này được gọi là người Hán.
Khoảng giữa thiên niên kỷ III TCN, một bộ phận người Việt từ lưu vực Hoàng Hà di cư về phương Nam, đem nguồn gen Mongoloid chuyển hóa dân cư Nam Dương Tử và Việt Nam sang chủng Mongoloid phương Nam. Từ khoảng 2000 năm TCN, đại bộ phận người Việt Nam mang mã di truyền Mongoloid phương Nam.
Như vậy, người Việt Nam và người Trung Quốc trước đây cùng chủng tộc Australoid thì từ 2000 năm TCN cùng chủng tộc Mongoloid phương Nam. (7)
Tuy nhiên, vì người Việt Nam được sinh ra từ tổ tiên 70.000 năm trước nên có tuổi sinh học già hơn do đó có chỉ số đa dạng sinh học cao nhất trong dân cư châu Á.
Do được hình thành như vậy, nên tiếng Việt là tiếng nói chung của dân cư phương Đông. Nhưng ở lưu vực Hoàng Hà, do tiếp xúc với người Mông Cổ nên tiếng nói chuyển theo cách nói Mông Cổ (phụ trước chính sau) đồng thời biến âm theo giọng Mông Cổ. Còn chữ viết thì chữ Giáp cốt xuất hiện 9000 năm trước ở văn hóa Giả Hồ. Khoảng 4000 năm trước, tại Cảm Tang, Lương Chử, chữ Giáp cốt đã trưởng thành. Vào đời Thương 1300 năm TCN, Giáp cốt văn được nâng cấp, sau đó được chuẩn hóa thành văn tự chính thức của Trung Quốc. Như vậy, về bản chất, tiếng Việt là chủ thể làm nên ngôn ngữ Trung Hoa, chữ Việt là chủ thể làm nên chữ viết Trung Hoa, văn hóa Việt là chủ thể của văn hóa Trung Quốc.
Bách Việt là gì? Sách đầu tiên nói về Bách Việt là cuốn Lã thị Xuân Thu, cho biết: năm 333 TCN, nước Sở diệt nước Việt, con cháu vua Việt là đầu lĩnh từng vùng, cùng đứng lên lập quốc, lấy tên đất làm tên nước, như Mân Việt, Đông Việt… bên cạnh những nước Việt có từ trước như Lạc Việt và những nước Việt trên đất Thái Lan, Miến Điện ngày nay. Cố nhiên, trong chiến tranh con người phải chạy loạn. Nhưng không hề có chuyện dân nước Việt chạy xuống thành người Việt Nam. Bởi lẽ, người Giang Nam và người Việt Nam đều là Lạc Việt, cùng mã di truyền Mongoloid phương Nam từ 2000 năm trước. Dân số Việt Nam lúc này đã đông nên vào đầu thời thuộc Hán, nhiều hơn số dân hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Bách Việt là những nước nhỏ, riêng lẻ chỉ tồn tại 200 năm (333-111 TCN). Sau này, các sử gia nhà Hán căn cứ theo tên Việt, gộp thành Bách Việt. Lạc Việt cũng được gộp vào Bách Việt một cách tự nhiên như vậy. Khi Bách Việt ra đời thì người Tần chưa vượt qua Dương Tử nên nói rằng “người Hán là trung tâm của cộng đồng Bách Việt” là không đúng sự thật.
Dù thừa nhận hay không thừa nhận thì cũng không ai có thể phủ định sự thật này:
1. Đất Việt Nam là nơi phát tích của tất cả các dân tộc châu Á.
2. Ra đời từ 70.000 năm trước nên người Việt Nam gần với Tổ tiên nhất, có tuổi sinh học cao nhất. Sinh ra từ 7000 năm trước, người Hán là lứa con cháu muộn mằn của tộc Việt.
3. Do cội nguồn như vậy nên tiếng Việt là chủ thể làm nên ngôn ngữ Trung Hoa. Chữ Việt là chủ thể làm nên chữ viết Trung Hoa. Văn hóa Việt là chủ thể làm nên văn hóa Trung Hoa.
Từ sự thực trên, việc khuyên người Việt Nam “lãng tử hồi đầu” là việc làm xuyên tạc lịch sử, đảo lộn tôn ty, xúc phạm Tổ tiên. Những kẻ vô hậu như vậy sẽ bị quả báo.
Sài Gòn, Thu 2019
——————

Tài liệu tham khảo:
1. Stephen Oppenheimer. Out of Eden: The Peopling of the World.
https://www.amazon.co.uk/Out…Stephen-Oppenheimer/dp/184119894
2. Spencer Wells. The Journey of Man: A Genetic Odyssey.
https://www.amazon.com/Journey-Man-Genetic…/dp/069111532X
3. Léonard Aurousseau. Theo Trần Trọng kim Việt Nam sử lược.
4. 良渚文化_互动百科 baike.com/wiki/
5. Sergio Prostak. DNA Analysis Reveals Common Origin of Tianyuan Humans and Native Americans, Asians. Jan 24, 2013
http://www.sci-news.com/othersciences/anthropology/article00842.html
6. YANGSHAO CULTURE (5000 B.C. to 3000 B.C.) | Facts and Details
factsanddetails.com/china/cat2/sub1/item32.html
7. Hà Văn Thùy. Góp phần nhận thức lại lịch sử văn hóa Việt. NXB Hội Nhà văn, H.2016
8. Chuan-Chao Wang, Hui Li. Inferring human history in East Asia from Y chromosomes, https://investigativegenetics.biomedcentral.com/articles/10.1186/2041-2223-4-11

...../.

Bác bỏ luận điệu Trung Quốc khuyên Việt Nam ‘Lãng tử hồi đầu’


Bác bỏ luận điệu Trung Quốc khuyên Việt Nam ‘Lãng tử hồi đầu’
Tác giả: Hồ Anh Hải
http://nghiencuuquocte.org/2019/08/04/bac-bo-luan-dieu-lang-tu-hoi-dau/
***
Vào ngày 02/05/2014, Trung Quốc (TQ) đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam và tiến hành khoan thăm dò dầu khí một cách phi pháp. Chính phủ Việt Nam đã mạnh mẽ tố cáo hành động này của Trung Quốc. Hành động ngang ngược của Trung Quốc cũng đã gây ra sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Đến ngày 16/07, Trung Quốc rút giàn khoan 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, sớm 1 tháng so với kế hoạch ban đầu. Sự kiện này để lại cho chúng ta những bài học hữu ích đến nay vẫn cần ôn lại.
Mặc dù trắng trợn vi phạm chủ quyền của Việt Nam nhưng Trung Quốc luôn tuyên truyền rằng Việt Nam mới là kẻ quấy rối họ thực thi chủ quyền. Ngày 19/06/2014, Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Nhà nước Trung Quốc đăng bài “Trung Quốc khuyên Việt Nam: Kẻ hư hỏng nên tỉnh ngộ trở về” (TQ phụng khuyên Việt Nam “Lãng tử hồi đầu”).[1] Tác giả bài báo lời lẽ xách mé này là bà Tô Hiểu Huy (苏晓晖 Su Xiao Hui), Phó Chủ nhiệm Ban Nghiên cứu Chiến lược quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề Quốc tế của Trung Quốc.
Xin đọc một số câu trong bài báo này (chúng tôi in đậm những chỗ cần chú ý):
Trong tình hình Việt Nam mạnh mẽ quấy nhiễu công việc bình thường của công ty TQ tại quần đảo Tây Sa [Việt Nam gọi là Hoàng Sa], gây nên tình thế căng thẳng liên tục nâng cấp, Ủy viên Quốc vụ TQ Dương Khiết Trì đã đến Việt Nam hội đàm với Trưởng đoàn Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác song phương TQ-VN. Trong hội đàm, hai bên đều tỏ ý coi trọng mối quan hệ song phương và ý muốn quản lý kiểm soát tình hình trên biển; tình thế căng thẳng suýt bùng nổ đã dần dần được hòa hoãn…
Chuyến đi của Dương Khiết Trì cho thấy “TQ một lần nữa tạo cơ hội cho Việt Nam ghìm ngựa trước vực thẳm. Trước đó TQ đã nhiều lần nghiêm chỉnh tuyên bố quần đảo Tây Sa là lãnh thổ vốn có của TQ, không tồn tại bất cứ tranh chấp nào, và yêu cầu Việt Nam ngừng quấy rối tác nghiệp [thăm dò dầu khí, xây đắp đảo…] của phía TQ… Trong hội đàm, Dương Khiết Trì một lần nữa nói rõ giới hạn cuối cùng đối với Việt Nam, TQ mong muốn Việt Nam từ bỏ dã tâm không thiết thực, ngừng tạo ra các tranh chấp mới, quản lý được bất đồng, tránh gây thiệt hại lớn hơn cho mối quan hệ song phương. TQ bỏ ra rất nhiều công sức khuyên Việt Nam “Lãng tử Hồi đầu”, nhưng Việt Nam có thể đi cùng TQ hay không thì vẫn là vấn đề chưa biết…”
Câu cuối cùng viết mập mờ, không rõ đây là lời Dương Khiết Trì hay lời Tô Hiểu Huy; nhưng đã đăng trên “Nhân dân Nhật báo” thì chắc chắn là quan điểm của Nhà nước TQ.
Chữ Hán “Lãng tử” là đứa con/em hư hỏng, bỏ nhà đi lêu lổng. “Lãng tử hồi đầu” là đứa con/em hư hỏng [đã đến lúc] ăn năn hối lỗi, cải tà quy chính, trở về với gia đình.
Trước thái độ nước lớn kẻ cả nói trên của TQ, chúng ta cần trả lời: Việt Nam đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ nước mình là hoàn toàn chính đáng, không có gì phải ăn năn hối cải và chẳng có cái “gia đình” nào ở TQ để chúng ta “trở về” cả.
Tại TQ lâu nay vẫn lưu hành một quan điểm lịch sử cho rằng Việt Nam vốn là đất của TQ, về sau lợi dụng cơ hội nội bộ TQ loạn lạc mà tách ra thành một quốc gia riêng; dân tộc Việt Nam vốn là một trong các tộc người bị tộc Hoa Hạ (từ triều Hán trở đi gọi là tộc Hán) ở Trung nguyên gọi vơ đũa cả nắm là “Bách Việt”, như Mân Việt, Ngô Việt, Lạc Việt…; trong khi các tộc này đều phục tùng sự “chinh phục” [thực ra là xâm lược và cai trị, cướp bóc, đồng hóa] của tộc Hoa Hạ thì tộc Việt Nam lại cứng đầu cứng cổ tách ra khỏi “gia đình Bách Việt”, độc lập với TQ; nay đã đến lúc Việt Nam – đứa con hư hỏng bỏ nhà ra đi này nên sớm hối cải, trở về với “gia đình” [nói cách khác, trở thành nước chư hầu của TQ].
Không ít dân mạng TQ tuyên truyền quan điểm nói người Việt Nam vốn là người TQ, sống trên đất TQ, có vương triều đầu tiên là triều Triệu Đà nước Nam Việt, hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân của nước này chính là miền bắc Việt Nam; về sau Việt Nam giành độc lập, tách ra thành một quốc gia nhưng vẫn triều cống TQ, nhận làm một “phiên quốc” [nước phên giậu] của TQ, cho tới khi bị Pháp chiếm (1884). Sử chính thống Việt Nam không coi nhà Triệu là vương triều của mình, chứng tỏ họ không còn coi TQ là “tôn chủ quốc” [chính quốc, nước mẹ] của mình, như thế là vong ân phụ nghĩa….
Các quan điểm kể trên hoàn toàn trái với sự thật lịch sử, cần dứt khoát bác bỏ. Dưới đây xin trình bày quan điểm của chúng tôi về các vấn đề đó.
1- Lãnh thổ Việt Nam không phải là đất của Trung Quốc.
Sau khi đuổi được giặc Minh ra khỏi bờ cõi nước nhà, năm 1428 Lê Lợi ra “Bình Ngô Đại cáo” tuyên bố: “Như nước Đại Việt ta thủa trước, Vốn xưng nền văn hiến đã lâu, Núi sông bờ cõi đã chia, Phong tục Bắc Nam cũng khác…”
Đúng là “bờ cõi đã chia”: Mảnh đất chữ S này trước đời Tần là một vùng đất riêng biệt, người phương bắc chưa hề đặt chân tới. Thiên nhiên rào chắn mảnh đất này cả bốn phía: phía tây có dãy Trường Sơn ngăn cách; phía đông và nam được biển bọc kín, phía bắc có dãy Thập vạn đại sơn hiểm trở. Việt Nam cách rất xa vùng Trung nguyên TQ – nơi sinh ra tộc Hoa Hạ và từ đời Tần xuất hiện đế chế Trung Hoa cùng chủ nghĩa Đại Hán. Chỉ sau khi bị nhà Tần chiếm (214 TCN), nước ta bắt đầu thời kỳ Bắc thuộc và từ đó mới bắt đầu tiếp xúc với nền văn minh Trung Hoa. Đất nước này dù bị TQ cai trị hơn 1000 năm và về sau bị Pháp cai trị 80 năm nhưng vẫn là đất của dân tộc Việt Nam. Nếu nói lãnh thổ nào từng bị TQ chiếm đóng đều là lãnh thổ TQ thì cả châu Âu và TQ đều là lãnh thổ của Mông Cổ chăng?
Quá trình bành trướng của chủ nghĩa Đại Hán khởi đầu bằng việc Tần Thủy Hoàng “chinh phục, thống nhất 6 nước”, thực chất là xâm chiếm lãnh thổ 6 nước Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Yên, Tề trong các năm 230-221 TCN nhằm biến nước Tần thành một đế quốc lớn mạnh. Quân Tần giết người như giết ngóe, dã man tới mức dù nước Hàn đã đầu hàng nhưng chúng vẫn “Ngũ mã phanh thây” vua nước Hàn và xử chém hàng trăm nghìn tù binh nước Triệu; dân thường bị giết nhiều vô kể. Thủ đoạn tàn ác này khiến các nước xung quanh sợ hãi, nhanh chóng đầu hàng khi bị quân nhà Tần xâm chiếm.
Năm 219 TCN, nhà Tần cho 50 vạn quân đánh xuống phía nam Trường Giang, quê hương của các bộ lạc “Bách Việt”, trong đó có vùng Lĩnh Nam ở phía nam dãy Ngũ Lĩnh. Cuộc chiến này ác liệt hơn cuộc chiến chiếm 6 nước trước đó, nhất là khi gặp sự chống cự của người Lạc Việt ở Quảng Tây. Đến năm 214 TCN nhà Tần mới chiếm được Lĩnh Nam sau khi mất hơn 10 vạn lính. Từ con số này có thể suy ra bao nhiêu vạn dân Bách Việt từng chết dưới tay quân Tần. Một số bộ lạc Bách Việt phải di tản, nhờ thế tồn tại và trở thành các dân tộc thiểu số ngày nay ở TQ; ví dụ người Lạc Việt, nay là dân tộc Tráng. Các bộ tộc ở lại dần dần bị tiêu diệt hoặc đồng hóa.
Hầu hết các vương triều TQ đều ra sức tăng số dân nước mình bằng chủ trương giết dân ở các vùng chiếm được – chủ yếu giết đàn ông và đưa nhiều người Hán đến định cư. Mấy nghìn năm qua chúng liên tục xâm chiếm các vùng xung quanh và đồng hoá các dân tộc thua trận, biến họ thành người Hán.[2] Kết quả là từ một nước Tần ở hai tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc hơn 2200 năm trước, hiện nay tộc Hán chiếm 92% trong số hơn 1,3 tỉ người sống trên lục địa rộng 9,6 triệu km2 và còn muốn chiếm 90% diện tích biển Đông. Ngày nay người TQ tự hào với công trạng ấy, cho dù tổ tiên họ phải trả giá bằng hàng trăm triệu sinh mạng – điều này cho thấy tư tưởng nước lớn “Đại nhất thống” đã ăn sâu vào đầu óc họ như thế nào.
2- Người Việt Nam không phải là người Trung Quốc và không thuộc cộng đồng Bách Việt
Xét về mặt ngôn ngữ, tiêu chuẩn quan trọng nhất để phân biệt các dân tộc, thời cổ, tổ tiên ta ở xa cách TQ cho nên tiếng Việt Nam thuộc ngữ hệ Môn-Khmer, khác hẳn tiếng Hán và tiếng của các tộc Bách Việt đều thuộc ngữ hệ Hán-Tạng.
Tiếng Việt có những âm và thanh điệu không có trong tiếng Hán, như âm b, đ, v, g, nh, ng, ư,… , thanh điệu nặng và ngã.
Tiếng Việt có số lượng âm tiết (syllable) nhiều gấp khoảng 15 lần (ngót 18 nghìn so với hơn 1000 âm tiết);[3] nghĩa là có hơn chục nghìn âm tiết mà tiếng Hán không có, người Hán không phát âm được. Vì thế chữ Hán không thể ghi được tiếng Việt và tiếng Việt không thể nào là một phương ngữ của Hán ngữ. Mặc dù Việt ngữ dùng chữ Hán hai nghìn năm nhưng người TQ không thể nghe hiểu bất kỳ bài văn thơ chữ Hán nào đọc bằng tiếng Việt.
Hán ngữ nghèo âm tiết nên chỉ có thể dùng chữ viết loại ghi ý (ví dụ chữ Hán), mà không thể dùng chữ viết loại ghi âm như chữ Quốc ngữ Việt Nam.
Các tộc Bách Việt như Mân Việt, Ngô Việt, Vu Việt, Lạc Việt… đều nói một trong các thứ tiếng địa phương (phương ngữ) của Hán ngữ, thuộc ngữ hệ Hán-Tạng, và chữ Hán ghi được các phương ngữ đó.
Tháng 11/2016, TQ công bố kết quả công trình “Nghiên cứu Phương quốc Lạc Việt” cấp nhà nước, thực hiện trong 8 năm, do sử gia nổi tiếng TQ Lương Đình Vọng chủ trì, xác định 8 dân tộc thuộc ngữ tộc Tráng-Đồng [Zhuangdong] là Tráng, Đồng, Bố Y, Lê, Thái, Thủy, Mục Lão và Mao Nam có tổ tiên chung là người Lạc Việt; trong đó tộc Tráng (Zhuangzu, chữ Tráng viết là Bouxcuengh) đông nhất, là hậu duệ chính gốc của người Lạc Việt;[4] tiếng nói của họ, tức tiếng Lạc Việt, thuộc ngữ hệ Hán-Tạng, khác với ngữ hệ của tiếng Việt Nam.
Thời xưa một số người Tráng di cư đến Việt Nam làm thành dân tộc Tày-Nùng, hiện có 2,7 triệu người. Tiếng Tày-Nùng chính là tiếng Tráng, người Kinh nghe không hiểu.
Về ngữ pháp, một khác biệt rất rõ là tiếng Việt đặt tính ngữ sau danh từ, ngược với Hán ngữ, ta gọi là nói ngược. Ví dụ “Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc” trong Hán ngữ phải đặt tính ngữ “Nhân dân Trung Quốc” lên trước “Ngân hàng”, thành “Zhongguo Renmin Yinhang”. Tráng ngữ cũng viết “Cunghgoz Yinzminz Yinzhangz” theo thứ tự hệt như Hán ngữ. Trong tiếng Việt, trạng ngữ chỉ thời gian có thể đặt trước hoặc sau chủ ngữ nhưng trong tiếng Hán bao giờ cũng phải đặt trước chủ ngữ.
Lẽ thường các dân tộc ở gần nhau đều có ngôn ngữ giống nhau. Sự khác biệt ngôn ngữ quá lớn kể trên giữa tiếng Việt với tiếng của các tộc Bách Việt là bằng chứng rõ nhất cho thấy dân tộc ta thời xưa không ở gần cộng đồng các tộc Bách Việt.
Dĩ nhiên, sau hơn 10 thế kỷ là quận huyện của TQ và gần 2000 năm dùng chữ Hán, ngôn ngữ Việt chịu ảnh hưởng lớn của Hán ngữ, khoảng 60% từ vựng tiếng Việt có gốc chữ Hán.
Xét về thể hình, người Việt Nam thuộc chủng người thấp nhỏ, phụ nữ thanh mảnh, khác với người Bách Việt ở Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Chiết Giang…Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học nước ta cho thấy hệ gene của người Việt Nam khác rất xa hệ gene của người Hán.[5]
Xét về văn hóa, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa Hán sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, nhưng nền văn hóa của dân tộc ta vẫn có nhiều điểm khác. Nổi bật nhất là sự khác biệt về văn hóa chính trị: Người Việt Nam coi độc lập dân tộc là lẽ sống cao nhất; dù bị nước ngoài chiếm đóng cai trị nhưng dân tộc ta xưa nay chưa hề ngừng đấu tranh giành độc lập và chống đồng hóa. Độc lập dân tộc đã trở thành đòi hỏi cao nhất, trên hết; đối với người Việt Nam “Không có gì quý hơn độc lập tự do” (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Trong hơn 1000 năm Bắc thuộc, người Việt Nam đều coi các vương triều TQ cai trị mình là chính quyền của kẻ địch, và không ngừng chống lại chúng. Quan điểm đó hoàn toàn chính đáng. Triệu Đà người Hán quê Hà Bắc, xa Việt Nam hàng nghìn dặm vô cớ đem quân đánh chiếm nước ta đang sống trong hòa bình, gây ra cảnh chết chóc tàn phá đau thương, rõ ràng là kẻ xâm lược. Triều đình nước Nam Việt của Triệu Đà đóng đô tại Phiên Ngung, toàn bộ quan lại, quân đội là người TQ, quan quân cai trị Việt Nam cũng đều là người TQ; chúng chỉ lo áp bức bóc lột dân ta, sao có thể coi nhà Triệu là vương triều của Việt Nam?
Với quan điểm trên, tổ tiên ta, kể cả phụ nữ, đã không ngừng nổi dậy đánh đuổi giặc xâm lược: Hai Bà Trưng (năm 40), Bà Triệu (năm 248), … Khúc Thừa Dụ (năm 905) và kết thúc bằng chiến thắng giành độc lập của Ngô Quyền (năm 938).
Có sử gia TQ nói Mã Viện diệt khởi nghĩa Hai Bà Trưng là “công việc nội bộ” TQ, tương tự việc đàn áp mọi cuộc nổi dậy khác của nông dân TQ, không thể gọi là xâm lược.[6] Thật vô lý. Dân tộc ta đang sống yên lành bỗng dưng bị bọn người phương bắc vô cớ đánh chiếm nước ta rồi sáp nhập làm quận huyện của chúng. Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc chiếm đóng là chính nghĩa. Mã Viện đánh nước ta, rõ ràng là xâm lược.
Đặc biệt hơn cả là, dù bị chính quyền cai trị ép phải học và dùng chữ Hán suốt cả nghìn năm nhưng do hiểu rõ nguy cơ để mất tiếng mẹ đẻ thì sẽ để mất nòi giống dân tộc mình nên tổ tiên ta đã tìm mọi cách giữ nguyên vẹn tiếng mẹ đẻ cùng nền văn hóa tiếng Việt, nhờ thế dân tộc ta không bị Hán hóa. Đây là thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam. Thời thuộc Pháp, dân ta cũng đấu tranh thắng lợi đòi thực dân Pháp bãi bỏ chế độ buộc người Việt học tiếng Pháp từ bậc tiểu học; nhờ vậy sau 80 năm Pháp thuộc dân ta vẫn không nói tiếng Pháp như các thuộc địa Pháp khác.
Nhưng các tộc Bách Việt như Ngô Việt, Mân Việt…đều khá dễ dàng chấp nhận sự chiếm đóng, cai trị và đồng hóa của nhà Tần. Tộc Lạc Việt có đánh trả và lánh về vùng núi Quảng Tây, nhờ vậy giữ được tiếng nói; nhưng sau đó họ không dám nổi dậy đánh đuổi quân xâm lược. Ngày nay họ trở thành một dân tộc thiểu số ở TQ, sống trong Khu Tự trị dân tộc Tráng, không được là một quốc gia độc lập như Việt Nam.
Ngay cả dân tộc Hán đông người nhất thế giới khi bị ngoại tộc (Mông tộc, Mãn tộc…) xâm lược cũng chịu để cho kẻ địch cai trị hàng trăm năm mà không vùng lên đánh đuổi; giới quan lại người Hán ngoan ngoãn làm tôi tớ cho vua chúa ngoại tộc, giúp chúng áp bức bóc lột đồng bào mình, ép họ phải theo văn hóa ngoại tộc. Thời Mãn Thanh, đàn ông TQ phải để đuôi sam theo kiểu tóc tộc Mãn, các triều thần phải khúm núm tự xưng là “nô tài” trước Hoàng đế người Mãn. Chính quyền TQ với đội ngũ quan lại cơ sở hầu hết là người Hán thời kỳ đầu còn bỏ chữ Hán, dùng chữ Mãn, và từng chặt đầu hàng triệu đàn ông TQ không chịu để đuôi sam. Hán tộc và các tộc Bách Việt đều coi nhà Nguyên và nhà Thanh là vương triều của mình, tuy thực ra đó chỉ là vương triều thực dân; thậm chí coi hoàng đế Thành Cát Tư Hãn của đế quốc Mông Cổ là anh hùng, coi Khang Hy là minh quân của người TQ…
Tóm lại, từ những khác biệt nhiều mặt kể trên, có thể khẳng định: Người Việt Nam thời cổ không phải là người di cư từ phương bắc xuống; trước khi nhà Tần xâm lược Việt Nam, dân ta không có quan hệ với các tộc người ở bên kia biên giới phía bắc. Dân tộc ta không phải là thành viên của cộng đồng Bách Việt. Tổ tiên ta chưa bao giờ ngừng đấu tranh giành độc lập dân tộc và trên thực tế đã giành được những thắng lợi vĩ đại, giữ được nguyên vẹn nòi giống và lãnh thổ. Chúng ta kiên quyết giữ vững truyền thống đó, không cho phép bất cứ kẻ nào xâm phạm đất nước này.
——————-
[1] 党报:中国再给越南机会奉劝浪子早回头 (2014.6.19 人民日报海外版 ) Báo Đảng: TQ một lần nữa cho VN cơ hội, hết lòng khuyên kẻ hư hỏng VN sớm tỉnh ngộ trở về (Nhân dân nhật báo, bản phát hành ra nước ngoài)
[2] Tộc người Hán: Một bản sắc được kiến tạo, Tia Sáng, 21/06/2019.
[3] Lạm bàn về tính ghi ý của chữ Hán (Nhân đọc “Nghiên cứu chữ Hán hiện đại của thế kỷ XX”), Tia Sáng, 26/06/2019.
[4] 《骆越方国研究》发布 (2016.11.07 人民网-文化频道) Công bố “Nghiên cứu Phương quốc Lạc Việt”
[5] Công bố nghiên cứu lớn nhất về bộ gen của người Việt, Nhân Dân, 16/07/2019.
[6] “越南反华情结:教科书写“越南史就是中国侵略史” Tình cảm chống TQ của VN: Sách giáo khoa VN viết “Lịch sử VN là lịch sử TQ xâm lược”
........./.