BÀI HỌC ĐAU ĐIẾNG CỦA NHÂN DÂN



BÀI HỌC ĐAU ĐIẾNG CỦA NHÂN DÂN

Mạnh Kim

https://www.facebook.com/nguyen.manhkim/posts/10157899778464796

******

Kể cả những cú đấm tàn bạo nhất vào mặt người biểu tình cũng không đau bằng việc chiếc lư hương ở tượng đài Đức Thánh Trần (bến Bạch Đằng, quận 1, Sài Gòn) bị dời đi ngay trong dịp tưởng niệm sự kiện 17-2 (Trung Quốc xâm chiếm Bắc Việt Nam). Hành động cực kỳ vô văn hóa, thất kính với tiền nhân và vô lễ với nhân dân này lại xảy ra ngay trong bối cảnh mà cụm từ “sòng phẳng với lịch sử” được nhắc đi nhắc lại như một trong những động thái cần làm để giải oan lịch sử và gỡ được lời nguyền “hèn nhục” trong quan hệ ngoại giao quái đản giữa Việt Nam với Trung Quốc. Tuy nhiên, nhân dân đã bị mắc lỡm. Hèn vẫn hèn và nhục vẫn nhục!
Lời nguyền “hèn nhục” vẫn ám nặng trong kịch bản “tưởng nhớ sự kiện 17-2”. Nội dung lớn nhất của kịch bản là chỉ đạo báo chí làm mạnh sự kiện tưởng niệm với các “tuyến bài” chủ yếu vạch trần tội ác Trung Quốc và tính chính nghĩa Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc. Chẳng có cái gì gọi là báo chí được “cởi trói” ở đây cả. Đừng đánh giá cao “sự cởi mở” của Ban Tuyên giáo Trung ương. Báo chí không hề được cởi trói. Họ tiếp tục bị trói khi được yêu cầu thực hiện “nhiệm vụ chính trị tuyên truyền” với nội dung bài vở được chỉ định từ cách đây vài tháng. Lực lượng truyền thông đã được xua ra để diễn một vở kịch chính trị tuyên truyền nhằm phục vụ chính trị đối ngoại.
Đừng vội vỗ tay hoan hô Tuyên giáo trước một hoặc vài sự kiện được bật đèn xanh. Chừng nào còn phụ thuộc vào tín hiệu đèn xanh thì báo chí vẫn còn sống dài dài với nỗi thấp thỏm bị siết cổ nửa đêm bằng tin nhắn hoặc cú gọi lạnh tóc gáy từ một “đồng chí” Tuyên giáo. Cá nhân Võ Văn Thưởng, trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cũng là công cụ. Tuyên truyền phục vụ đường lối chính sách của Đảng vẫn là “tôn chỉ” xuyên suốt của hoạt động báo chí Việt Nam. Thậm chí cách thức thể hiện cũng được chỉ định. Cơ quan truyền thông trung ương VTV chỉ được phép dùng từ “đối phương”, “lính bên kia biên giới”... chứ không được đề cập trực tiếp đến “Trung Quốc”.
“Ban tổ chức” cũng yêu cầu siết chặt “công tác an ninh”, hay chính xác hơn, là tăng cường rình rập, theo dõi và ngăn chặn các cuộc thắp hương tưởng niệm của người dân. Những nhân vật nằm trong danh sách “đối tượng nguy hiểm” lâu nay lại được lệnh giám sát nhất cử nhất động… Và không như đợt tưởng niệm sự kiện Mậu Thân (21-1-2018), khi “một cầu truyền hình cảm xúc kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 được diễn ra tại ba điểm cầu…, cùng sự tham gia biểu diễn của hơn 600 nghệ sĩ, diễn viên với 14 tiết mục nghệ thuật…, với sự tham dự của các bà mẹ, cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử, lãnh đạo trung ương và thành phố nhiều thời kỳ”…, nơi người ta nghe “những chứng nhân… kể chuyện một thời lửa đạn”…, đợt tưởng niệm 40 năm cuộc chiến biên giới Trung-Việt không hề có một chương trình ca nhạc “hào hùng” nào.
Đặc biệt, không có bất kỳ chương trình đi thắp hương nào của các cấp lãnh đạo, từ trung ương đến địa phương. Nhang khói chỉ được thắp trên mặt báo. Không có phát biểu nào của Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân… Một sự kiện đau thương trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn lại được ca hát “tự hào” nhưng với cuộc chiến trước ngoại xâm thì ánh đèn không được rọi đến.
Điều bất ngờ “tuyệt đối” nhất khiến người dân phẫn nộ tột độ là việc ra lệnh dời lư hương tại tượng Đức Thánh Trần. Nói về lý do dời lư hương, bí thư quận ủy Q.1 (TP.HCM) Trần Kim Yến cho biết, việc chuyển dâng hương ở tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo về Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo là chương trình nằm trong kế hoạch chỉnh trang Q.1 sau Tết. “Một số người cho rằng việc làm này nhạy cảm nhưng tôi nghĩ đó là việc làm bình thường và được nhiều bà con ủng hộ” - bà Yến nói. Ngay lập tức, phản ứng dư luận là rất dữ dội. Bà Yến trở thành tấm bia để người dân công kích và thậm chí phỉ nhổ. Tuy nhiên, vụ này có thể bà Yến không tự quyết. Còn có vai trò Ủy ban nhân dân TP.HCM, Sở Công an thành phố, Tuyên giáo thành phố và Bí thư thành phố Nguyễn Thiện Nhân. Cũng không loại trừ khả năng quyết định này đến từ Trung ương. Với những gì diễn ra, có thể thấy toàn bộ câu chuyện tưởng niệm sự kiện 17-2 đã được xây dựng kịch bản từ trước và các ban ngành địa phương theo đó thực hiện. Ý đồ kịch bản và chi tiết kịch bản không thuộc quyền địa phương. Nó chắc chắn không phải là kết quả của một cá nhân. Một viên chức địa phương tép riêu như Trần Kim Yến càng không.
Nhân dân lại bị tạt một gáo nước lạnh vào mặt. Nhân dân lại bị đấm một cú vào đầu. Đau điếng! Nhân dân lại được “ăn” một cú lừa. Bài học “đừng nghe những gì cộng sản nói” không mới. Nhân dân vẫn bị lừa thường xuyên. Có điều đây là lần đầu tiên người ta lừa cả Đức Thánh Trần. Chính quyền cộng sản ăn cướp của dân thì còn lạ gì nhưng chính quyền lần này ăn cướp cả bàn thờ và ăn cướp cả lịch sử. Bài học này sẽ luôn là bài học lớn nhất và là bài học đau nhất mà nhân dân nhận được từ chính quyền.


........../.

..cuộc chiến 17 tháng 2

Nhân kỷ niệm cuộc chiến 17 tháng 2

TẠ DUY ANH


https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10213650979126371&id=1160946631

******


Tôi nhập ngũ khi cuộc chiến 1979 đã lùi lại được gần 6 năm, chỉ còn phần cuối của cuộc chiến 1984. Nơi tôi đóng quân là thị xã Lào Cai hoang tàn, đổ nát và dày đặc mìn. Do làm công tác quản lý quân lực, nên tôi có điều kiện la cà nói chuyện với những chỉ huy có mặt trong ngày Lào Cai thất thủ, kết hợp kiểm chứng qua lời kể của một số người dân còn bám trụ ở lại sau khi quân Trung Quốc rút đi và có thể đi đến khẳng định, bên Việt Nam hoàn toàn bất ngờ trước đòn tấn công ồ ạt của phía Trung Quốc. 
Bất ngờ một trăm phần trăm. 
Cả những quân nhân có mặt trong ngày 17-2-1979 lẫn người dân (những người tôi hỏi) đều kể lại giống nhau rằng, vào đêm hôm trước, do là ngày nghỉ, nên bộ đội ta và một số bộ đội, dân thường Trung Quốc vẫn cùng nhau xem phim ở thị xã Lào Cai, như mọi kỳ nghỉ cuối tuần khác. Chỉ mãi gần sáng, khi pháo binh Trung Quốc bắn vào sân bay Lào Cai, mọi người mới hốt hoảng hỏi nhau chuyện gì đang xảy ra. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy thì quân Trung Quốc đã tràn ngập ở bất cứ chỗ nào, từ trận địa trên chốt, lẫn các con đường chính. 
Hóa ra quân Trung Quốc cải trang thành dân thường, lợi dụng lính biên phòng ta đi xem phim, đã chiếm một số điểm chốt tiền tiêu! Nhiều bộ đội Việt Nam bị giết chết ngay từ đêm ngày 16 mà không một ai hay biết? Hôm sau, khi chiến tranh chính thức nổ ra, để bảo toàn lực lượng, những người lính biên phòng và một số quân địa phương ít ỏi phải lùi xuống tuyến sau, lúc đầu là Cam Đường, Bến Đền, rồi thị trấn Lu thì dừng lại, chờ phản công. Vì không hề có kháng cự đáng kể, nên lính và dân binh Trung Quốc tràn qua biên giới như đi vào chỗ không người, thả sức cướp bóc sâu vào hàng chục km. 
Chúng nhanh chóng đánh chiếm Cam Đường, nơi có mỏ Apatit. Toàn bộ thiết bị cơ giới ở đây đều bị Trung Quốc lấy đem về nước hoặc đốt cháy. Mỗi cái xe Zin ba cầu mới tinh mà họ lấy đi, còn chở kèm theo mấy tấn quặng mang về làm 4 hiện đại hóa! Tại thị xã Lào Cai thì các cơ quan của nhà nước, của tổ chức quốc tế như trụ sở làm việc, trường học, văn phòng đại diện…, đều bị Trung Quốc giật mìn phá sập. Kho lương thực thì họ phá sau khi lấy hết thóc gạo. Gần sáu năm sau cuộc chiến, tôi vẫn còn kịp được chứng kiến di sản của sự tàn phá nhơ bẩn ấy.
Thời kỳ đó, quân đội Trung Quốc còn rất yếu, trang thiết bị lạc hậu, chiến thuật cổ lỗ, chủ yếu cậy đông để áp đảo đối phương. 
Nhiều người tiếc rằng, nếu phía Việt Nam chủ động đón lõng bằng trận địa bày ra từ trước để đánh địch (như từng xảy ra ở trận Chi Lăng thời Lê), có lẽ con số lính Trung Quốc phải phơi xác trên lãnh thổ Đại Việt không dừng lại ở ba vạn như ước tính của Hoa Kỳ. Đặng Tiểu Bình có thể cũng thắt cổ hoặc uống thuốc độc mà chết vì nhục, như tổ tiên của ông ta 200 năm trước.

Nhưng điều đó, may thay cho kẻ xâm lược, đã không xảy ra. Nhiều năm sau này, tôi vẫn cố công đi tìm lời giải thích vì sao phía Việt Nam hầu như không chuẩn bị gì đáng kể trước cuộc chiến tổng lực của Trung Quốc? Có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc chuẩn bị chiến tranh từ rất lâu trước đó, nhất là sau khi quân Việt Nam tiến vào Campuchia. Vậy mà dọc tuyến biên giới từ Bát Xát đến thị xã Lào Cai, tại thời điểm tháng 2 năm 1979, chỉ có duy nhất một trung đoàn bảo vệ với hệ thống hầm thưa thớt, chủ yếu làm bằng cốt tre!. 
Thật không thể tưởng tượng chúng ta lại mất cảnh giác một cách…tuyệt đối như vậy.

Khi cuộc chiến kết thúc, người ta mới biết Trung Quốc huy động một lực lượng quân sự khổng lồ, gấp gần 30 lần số quân Thanh tràn vào nước ta thế kỷ 18. Làm thế nào mà với trình độ tác chiến lạc hậu, bọn xâm lược có thể tập trung được tới 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn), 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không với 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối và dàn hỏa tiễn, (chưa kể hơn 200 tàu chiến của hạm đội Nam Hải và 1.700 máy bay sẵn sàng phía sau) và áp sát biên giới Việt Nam mà không hề gây ra bất cứ động tĩnh nào cho đối phương? Rồi còn hàng triệu dân binh? Chúng không thể chui từ dưới đất lên chỉ sau một đêm? Chắc chắn nó phải được chuẩn bị nhiều ngày, với sự tham gia của hàng chục triệu người và không sự tài giỏi nào có thể giấu kín tuyệt đối mà không bị đối phương phát hiện, dù chỉ bằng mắt thường! 
Vậy mà đối phương là chúng ta thì lại hoàn toàn bất ngờ. Dù ai có đưa ra bằng chứng hoặc lời giải thích gì đi nữa, thì cái sự thật ấy vẫn không thay đổi.
Một câu hỏi đặt ra là chả lẽ tình báo của chúng ta bị “mù” hay bị vô hiệu hóa? Tôi không tin vào điều này. 
Tôi ngờ là có sự mù lòa từ ở tít thượng tầng? 
Tuy nhiên, câu trả lời cuối cùng xin bỏ ngỏ để mọi người tiếp tục suy ngẫm và đưa ra lời lý giải. Tôi chỉ xin góp vào bằng một câu chuyện do một đại tá quân đội kể. 
Anh kể rằng, thực ra biên giới Tây Nam đã có chuyện đụng độ từ ngay năm 1975, nhưng phải mãi khi quân Pôn-pốt gây thảm sát ở đảo Thổ Chu, nhất là cuộc bắn giết đẫm máu ở thị trấn Ba Chúc, tỉnh biên giới An Giang, các “cụ” nhà ta mới tỉnh ra để thấy hóa ra nó là kẻ thù, chứ chẳng còn là đồng chí đồng hướng gì nữa (Còn gì nhục hơn khi là đồng chí với lũ diệt chủng và quan thấy của chúng). Theo anh bạn tôi thì trước đó một hai năm, lính Khơ-me đỏ đã giết dân và lính ta tràn lan. Cũng bắn hàng loạt, chặt đầu, phanh thây, nhưng hễ cứ báo cáo lên là lại được trả lời đó chỉ là xô xát đơn thuần, chứ không phải chủ trương gây chiến của lãnh đạo Campuchia! 
Dù sao thì họ vẫn là những người đồng chí! 
Tình đồng chí lớn lắm??? 
(Viết đến đây tôi lại chợt nhớ lời của một ông thầy, khi ông bảo rằng, cái từ tàn phá văn hóa khủng khiếp nhất chính là từ đồng chí!)
Ngay giờ đây bất cứ ai cũng có thể vào từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia để đọc những dòng chua xót sau, như một phần lời xác nhận câu chuyện tôi vừa ghi lại:
“Từ ngày 30 tháng 4 năm 1977, quân Khmer Đỏ bắt đầu đồng loạt nổ súng tấn công biên giới Tây Nam Việt Nam. Ngày 18 tháng 4 năm 1978 (tức là 12 tháng sau), chúng tràn vào Ba Chúc, thẳng tay chém giết những dân thường vô tội. Nhiều người chạy tới chùa Phi Lai và Tam Bửu và chạy lên núi Tượng nhằm ẩn náu, song cũng bị quân Khmer Đỏ tàn sát dã man.
 
Trong suốt 12 ngày chiếm đóng từ 18 đến 30 tháng 4 năm 1978, quân Khmer Đỏ đã giết chết 3.157 dân thường”.

Lịch sử thường hay lặp lại, nhưng cơ may sửa chữa sai lầm thì không mấy khi. 
Nếu bị một cú “mù” tương tự như sự kiện 17-2 năm 1979, nhưng lần này là ở trên biển Đông, thì chúng ta mất sạch.

Kỉ niệm 30 năm rời quân ngũ
......../.