________ CẦU TREO bằng CỎ ...




Qeswachaka, 
....cây cầu treo nằm ở phía Nam tỉnh Canas tại Cuzco, Peru. 
Nó được dệt tay ( bện) từ một loại cỏ địa phương gọi là "Qoya". 
Nó dài 120 feet và được xây dựng lại mỗi năm bởi một cộng đồng địa phương.... 
























..../.

___________________________ Tâm tình ông Bảy Nhị





“CHỈ CẦN RÀNH BỐN PHÉP TOÁN LÀ LÀM ĐƯỢC LÃNH ĐẠO” 

Hồ Cúc Phương (thực hiện)

Bài phỏng vấn dưới đây báo Nhân dân đã đăng số ra ngày 22-10-2012 sau khi biên tập. Những đoạn biên tập chỉnh sửa có màu đỏ sẫm, những đoạn bị cắt bỏ cómàu đỏ tươi.



Tôi gọi điện thoại cho nguyên Chủ tịch tỉnh Nguyễn Minh Nhị và đề nghị được về tỉnh lúa An Giang thăm ông. Biết tôi lặn lội từ Hà Nội vào, ông xởi lởi, “chờ ngày nghỉ cuối tuần, chú lên Sài Gòn kết hợp công chuyện và tới chỗ cháu luôn cho đỡ cực”. 
Thấy tôi tỏ ý xúc động vì tấm thịnh tình ông dành cho cô phóng viên lần đầu gặp gỡ, bạn bè bảo: “quan chức địa phương, ông nào chẳng có xe hơi, chẳng sở hữu dăm ba căn nhà ở thành phố. Một công đôi việc, đằng nào cuối tuần ổng chẳng về đây nghỉ ngơi, hưởng thụ!”. Tôi nghĩ thầm, cũng có lý.
Rồi ông tới tận Văn phòng đại diện báo Nhân Dân gặp tôi, đúng hẹn, không sai một phút. Thấy tôi nhìn quanh: “xe chú đậu chỗ nào”, ông cười hiền: “chú lên bằng xe đò mà”. “Rồi trò chuyện với cháu xong, chú về đâu?”. “Kêu thằng con rể chạy xe gắn máy tới rước, lâu rồi chú chưa thăm con, thăm cháu ngoại”. “Vậy chứ chú không có nhà riêng trên này sao?” – tôi ngạc nhiên. Lại một nụ cười chân chất, “Đừng nghĩ cứ quan chức là vơ vét được nhiều tiền, thu vén được nhiều tài sản. Chú sinh ra là nông dân, làm quan chức sống cùng nông dân.  Nghỉ hưu, chú nuôi năm  hầm cá tra, được bảy năm rồi, có năm thu hoạch gần cả ngàn tấn, kiếm bộn tiền đó nghe. Chú đã gắn bó máu thịt một đời với mảnh đất Long Xuyên, An Giang. Giờ mắc mớ chi mà lên Sài Gòn ở cho mệt”.

Nhiều nhà báo từng được trò chuyện trực tiếp với người đứng đầu vựa lúa An Giang đều đánh giá ông có vốn hiểu biết rất rộng, tư duy nhạy bén, sắc sảo, cách diễn đạt giản dị nhưng đầy sức thuyết phục. Vậy mà nghe nói ngày còn nhỏ, ông còn chưa học hết lớp Nhất trường làng?
-Ông Bảy Nhị (cười sảng khoái): Chính xác. Tất cả những kiến thức tôi có được trong đầu đều nhờ vào học lỏm, chẳng hề được đào tạo bài bản cái gì hết trơn. Người ta hay đặt vấn đề nghi vấn bằng cấp của mấy ông quan chức này nọ là đồ thật hay đồ giả.
Trường hợp tôi rất khoẻ, khỏi phải đi xác minh chi cho cực. Đời tôi chỉ có duy nhất một tấm bằng lý luận chính trị do Trường Nguyễn Ái Quốc cấp thôi. Tôi bỏ ngang lớp Nhất vì không có tiền làm giấy khai sinh cho đủ thủ tục để thi lên đệ thất. Nhưng quyết tâm tự học không ngừng nghỉ của tôi có được là nhờ ông anh trai ruột Nguyễn Minh Đào (sau này là Phó Bí thư Tỉnh uỷ An Giang) luôn khuyên bảo, động viên.
Lý do mà ổng đưa ra giản dị thế này thôi. Giấc mơ mà tôi ôm ấp từ nhỏ là muốn làm được nhiều điều tốt đẹp cho người dân An Giang quê mình. Để biến giấc mơ ấy thành hiện thực, tôi phải ráng học, phải cố gắng phấn đấu vào Đảng. Vô Đảng là để được giao trọng trách, để có thể làm được nhiều việc có ích. Xin được nhấn mạnh, trọng trách chứ không phải địa vị.  Bởi không được ngồi ở vị trí ấy, không có quyền quyết định thì có muốn phục vụ nhân dân cũng đành chịu. Còn nếu không có chữ nghĩa thì rất khó làm được công việc lãnh đạo, mà nếu có làm thì cũng rất dễ mắc sai lầm vì thiếu hiểu biết.

Và nhờ nỗ lực tự học không ngừng nghỉ, ông đã được giao trọng trách rất sớm, như một lãnh đạo trẻ nhất tỉnh. Những quyết sách đầu tiên của ông lúc đó, nghe nói cũng rất táo bạo?  
- Năm 1988, mới 42 tuổi, tôi trở thành người lãnh đạo trẻ nhất tỉnh, khi nhận quyết định chuyển công tác từ Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ sang làm Giám đốc Sở Nông nghiệp An Giang.
Một năm sau, tôi đề xuất xây dựng chương trình khuyến nông đầu tiên của cả nước và ký quyết định thành lập Ban khuyến nông của Sở. Phó Giám đốc đề xuất nên báo cáo Tỉnh uỷ vì đây là việc khá nhạy cảm, Bộ Nông nghiệp lúc đó không ủng hộ. Biết đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ rất đồng tình nhưng không dám quyết, tôi nói luôn với cậu phó, “khỏi báo cáo, tao chịu trách nhiệm toàn bộ. Được thì dân hưởng, tội vạ đâu tao xin gánh hết”. 
Tôi nghĩ, làm người lãnh đạo thì phải dám quyết, dám làm và dám chịu trách nhiệm cá nhân vì tất cả những điều đó. Không được phép dựa dẫm, đổ thừa vào cái gọi là trách nhiệm tập thể. Tính tôi là vậy, quyết liệt tới cùng.
Không chỉ một lần, sau này khi đang là Chủ tịch An Giang, tôi cũng đã kiên quyết phản đối chủ trương xây bảy cái cống ngăn thoát nước sông Hậu do Bộ Nông nghiệp chủ trương thực hiện. Tôi nói, trong này đã chống lũ triệt để xong rồi, làm chi cho tốn kém ngân sách thêm nữa, lại cản trở giao thông. Vụ việc sau đó phải báo cáo lên Hội nghị thường vụ Tỉnh uỷ. Ông bí thư bảo, “có tốn kém cũng là tiền trung ương”. Tôi phản đối, “đâu có, đó là tiền của dân. Cá nhân nào quyết làm là tôi thưa đến cùng đó”.  Mà nghe đâu nay người ta vẫn còn tiếp tục ghi danh mục đầu tư sắp tới.

“Trực ngôn nghịch nhĩ”, thái độ quyết liệt ấy chắc chắn mang lại cho ông khá nhiều hệ luỵ. Ông đã chọn cách hoá giải chúng ra sao?
- Tôi quan niệm thế này, cái tâm chính là cứu cánh lớn nhất của cuộc đời mình. Làm cái gì cũng phải thật, trước hết là thật với chính mình. Nhiều người cứ tự gạt gẫm, rằng làm bậy ai biết. Nhưng ông bà mình đã dạy “cái kim giấu trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Cứ làm thật, ăn thật, nói thật và đối xử với nhau chân thành thì chẳng ai nỡ hại mình. Mà rủi có ai làm vậy thì Trời sẽ cứu.
Ngày tôi làm Giám đốc Sở Nông nghiệp, có một nhân viên làm đơn nặc danh kêu thưa khắp nơi. Tôi quyết định rút anh ta về làm trợ lý, theo dõi tình hình tài chính của toàn bộ hệ thống doanh nghiệp do Sở quản lý. Mọi người thắc mắc, tôi nói “ ở xa không biết nên nghi tao làm bậy, mới kiện cáo tùm lum.  Giờ cho  về gần, quan sát tao làm việc trực tiếp, chắc chắn  sẽ hiểu”. Cậu đó sau này thương tôi lắm đó.
Nhớ hồi tôi quyết định giao đất xây dựng Trung tâm khảo nghiệm Định Thành rồi Nhà máy sản xuất thuốc sâu ngoài Bình Đức, tranh chấp thưa gởi khắp nơi, còn tôi trở thành đối tượng bị cấp trên điều tra, xem xét. May mắn là những cơ sở này đều phát huy được hiệu quả, đem lại lợi ích cho nông dân. Chứng tỏ mình đã giao đất đúng người, đúng chỗ. Mấy chỗ đó mà làm ăn trây trét là chắc chắn khối người mắng: “giao đất cho thằng mắt ma ấy làm gì, thấy nó phá dữ không”.

Nhân nhắc tới chuyện giao đất, tôi chợt nhớ trong một lần trả lời phỏng vấn, ông đã khẳng định như đinh đóng cột trước công luận: tôi có thể tự hào rằng suốt những năm làm lãnh đạo, tôi chưa hề có đề xuất nào gây hậu quả cho nông dân, không hề bị thế lực nào chi phối chủ trương đầu tư để kiếm lợi mà làm dân thiệt, ngân sách thiệt. Đã nghỉ hưu nhưng tôi vẫn sẵn sàng lắng nghe phê bình, chứ không phải giờ  “hạ cánh an toàn” rồi mới nói mình sạch, nói cho sướng miệng?
- Về đề xuất gây hậu quả cho nông dân, tôi tự tin rằng mình tránh được. Bởi tôi sinh ra là nông dân thứ thiệt. Đã có lần tôi khẳng định với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Tôi uống nước phèn mà lớn, đất phèn có thể dùng thủy lợi cải tạo và kỷ thuật canh tác riêng đều có thể trồng trọt được hết các loại cây ngắn ngày nên tôi không sợ”. Những quyết sách mà tôi đưa ra không hề liều mạng, bởi tôi chỉ làm khi biết chắc chắn 99,99% thành công. Uy tín dù có nhiều, xài hoài rồi cũng hết. Thất bại là dân chửi te tua, tôi đâu dám quyết bậy.
Ngày làm lãnh đạo, tôi cũng từng xắn quần đi trồng rừng, chửa cháy rừng, thiết kế mương phèn trên đất khai hoang vùng Tứ giác Long Xuyên… cùng người nông dân, anh em kiểm lâm và bộ đội. Không được trang bị nhiều kiến thức khoa học nhưng tôi gắn bó máu thịt với mảnh đất này, tôi luôn gần dân, học hỏi kinh nghiệm từ dân.
Chuyện đắp đập chắn nước để sản xuất vụ Hè Thu 1976 ở huyện Phú Tân lần đầu tiên ở An Giang là tôi học từ kinh nghiệm người Campuchia hồi còn kháng chiến (1972) qua câu họ trả lời tôi “Vì sao đêm qua nước tràn đồng?” – là vì “Ăn bắp rồi bửa đập cho nước vô”. Thuyết phục nông dân, tôi dùng hình ảnh và ngôn ngữ trực quan, nôm na. Dân hiểu và nghe, nghe là họ làm theo thôi.

Vâng, những quyết sách do dân và vì dân ấy dù sao cũng dễ thực hiện, vì nó chỉ phụ thuộc vào cá nhân ông Chủ tịch dám làm dám chịu trách nhiệm. Nhưng việc đối mặt với những mánh lới chạy dự án tinh vi, những món lợi quá lớn từ số phần trăm hoa hồng “lại quả”, trong khi vẫn phải giữ mình trong sạch là điều rất khó, thưa ông?
- An Giang là một trong những địa phương có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư. Chạy dự án, lobby – vận động hành lang … để có suất ngon lành, để hưởng lợi không thiếu. Nhưng tôi dám nói mình chưa hề chịu sự chi phối của bất kỳ thế lực nào trong chủ trương đầu tư là có cơ sở. Là người ký duyệt dự án, tôi chẳng cần nhận bao thơ của ai. Riêng chuyện biết trước qui hoạch, cho người nhà hoặc “tay chân” lén mua đón đầu chờ cơ hội bán (hoặc đền bù) lấy lời là đủ kiếm bộn tiền nhưng tôi dứt khoát nói không. Chuyện (theo thông lệ mà luật cho phép doanh nghiệp) tôi có nhận quà (tiền) cảm ơn (thưởng cuối năm) chút đỉnh từ phía doanh nghiệp, cá nhân là có. Nói chưa bao giờ nhận là không thật thà. Mỗi người chỉ dăm ba triệu thì cộng lại cũng đã là một mớ kha khá mà dân nghèo nằm mơ cả đời không có. Nhưng nếu có màu đút lót, xin xỏ hoặc mưu cầu này nọ là tôi kiên quyết gạt đi, nhận mấy cái thứ đó mình chết chắc.
Nhưng mình cũng không thể quá máy móc, cứng nhắc trong ứng xử (có thể gọi là “thiếu tế nhị”) .
Nhớ có những lần “tiền thưởng” khá hậu hoặc có lần người đưa bao thơ “quá dày” … Trả không được, nhận không xong, tôi giao cho thủ quỷ cơ quan lập riêng một cuốn sổ. Gặp người này người kia khó khăn, có cái chi tiền ngân sách không được tôi quyết (qua một cán bộ văn phòng) là cô chi, cuối tháng có quyết toán với nhau rành mạch. Tới ngày tôi rời khỏi ghế Chủ tịch, tôi hỏi, cô báo: “Quỷ của  chú bằng không rồi”. Tôi nói: “Vậy là huề!.Giải tán!”. (cười). Sau nầy tôi đọc báo, hình như có người biết, phê phán là làm vậy chỉ biết giử mình chớ “không kiên quyết chống tham nhũng”. Lập biên bản bắt tại tay người đút lót, theo tôi không phải cách làm hay của người lãnh đạo. Vả lại, ai đút lót mình họ đều nghe ngóng trước xem ông nầy “hảo ngọt” hoặc “thích phần trăm (%)” hay ham đi du lịch không?. Đừng tạo cho người ta cảm giác an tâm khi làm việc đó với mình thì tốt nhất, an toàn nhất. Ngược lại thì khó lắm!. Khổ nhất là họ mua mình không được thì họ sẽ phá mình bằng nhiều cách, nhất là nói xấu. Tôi trả giá cho vấn đề nầy cũng khá đắt, điển hình là một vụ khai thác tài nguyên ở nơi nhạy cảm có nhân tố nước ngoài. Tôi (Chủ tịch tỉnh) kêu lên đến sáu Bộ mà cũng không cứu được tài nguyên!
Nhưng cùng một cái phong bì giống nhau, cảm ơn hay hối lộ thì không phải lúc nào cũng rõ ràng và dễ nhận biết, thưa ông?
- Chính xác. Tôi nhận ra, ranh giới giữa sự tri ơn với biếu xén, hối lộ, đút lót nhiều khi rất mỏng manh. Người lãnh đạo phải rất tinh tường để nhận ra cái lằn ranh lắm khi vô hình ấy.
Ngày đã nghỉ hưu, tôi có thú vui trồng và chăm cây kiểng. Có hôm đang ở xa, tôi nhận cú điện thoại từ một số lạ hoắc. Người gọi trình bày muốn mua một cây thế đã suy của tôi với giá cả chục ngàn đô. Tôi nói, cây sắp chết ôm về làm chi, anh ta bảo em thích nên sẽ cố chăm sóc để nó sống khoẻ. Tôi suy nghĩ lung lắm. Từng ấy đô la là cỡ 200 triệu đồng, nghe cũng ham, tiền nhiều ai không thích. Nhưng tôi vẫn băn khoăn, một người lạ làm vậy là có ý gì, đằng sau nó là mục đích gì. Cuối cùng, tôi kiên quyết nói không. Ít lâu sau, tôi lại nhận cuộc gọi, từ chính số điện thoại đó. Lần này, anh ta tha thiết nhờ tôi nói một tiếng để đơn vị kiểm lâm cho chuyển mấy cây gỗ từ Campuchia về. Vậy là tôi hiểu ngay vấn đề, chục ngàn đô bỏ ra mua cây kiểng của tôi là để dọn đường, chỉ cần tôi trả nghĩa bằng một chuyến vận chuyển trót lọt là dư thừa. Tôi cười “tao về hưu rồi nói ai nghe”, bụng thầm nghĩ “may quá, bán cây rồi thì biết cư xử sao đây”.
Chuyện trò nãy giờ, thấy ông Bảy Nhị đúng là một quan chức -  nông dân đươc xếp vào hàng “quý hiếm”.  Xin được hỏi câu cuối cùng, làm người lãnh đạo đúng nghĩa được dân tin yêu như ông có khó lắm không ạ?

- Chỉ cần rành bốn phép toán là làm được. 
Đó là: luôn biết cộng thêm nghĩa tình, yêu thương;  biết trừ đi những oán thù, ghét bỏ; biết nhân lên của cải cho người dân, cho xã hội và biết chia sẻ hạnh phúc. Tôi nghĩ vậy.

Xin trân trọng cảm ơn ông!   


"HỌA PHÚC HỮU MÔI PHI NHẤT NHẬT"




NHÂN KỶ NIỆM 570 năm NGÀY MẤT CỦA NGUYỄN TRÃI

 

"HỌA PHÚC HỮU MÔI PHI NHẤT NHẬT"

                                                                                                                                TươngLai   


Kỷ niệm 570 năm ngày người trí thức số một của dân tộc chịu cảnh tru di là một dịp để làm sống động lại một bi kịch lịch sử. Thế nhưng, lịch sử thì thiếu gì bi kịch, hà cớ gì lại nhắc đến bi kịch Nguyễn Trãi vào lúc này? Phải chăng vì chưa lúc nào tư tưởng và nhân cách của Nguyễn Trãi lại có ý nghĩa thời sự và cập nhật với thế cuộc như hôm nay.

Lý do thì nhiều, song có lẽ bức xúc và sống động nhất lại là vấn đề nhân cách và thân phận người được mệnh danh là trí thức đang được kiểm nghiệm gay gắt trong bối cảnh khi mà "một bộ phận không nhỏ" những người tự khoác cho mình cái danh xưng người "tiền phong" lại đang thoái hóa biến chất gây tai tiếng nghiêm trọng mà "trăm đôi mắt đều nhìn vào, trăm ngón tay đều chỉ vào [Phạm Văn Đồng].

Với Nguyễn Trãi, nhân nghĩa gắn liền với an dân, đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng, tình cảm và sự nghiệp của ông: "Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, nên công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu". Cho nên ông đòi hỏi "phép nước phải thuận lòng dân, không lấy điều muốn của một người mà cưỡng ép nghìn muôn người phải theo".




Là một kẻ sĩ đích thực, ông "coi công việc của quốc gia làm công việc của mình, lấy điều lo của sinh dân làm điều lo thiết kỷ", cho dù

" Ðã biết cửa quyền nhiều hiểm hóc, Cho hay đường lợi cực quanh co"

vẫn cứ dấn thân để thực thi sứ mệnh của người trí thức:

"Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược, Có nhân, có trí, có anh hùng".*

[...]


Để hiểu hơn bối cảnh nảy sinh ra "hiện tượng Nguyễn Trãi", phải chăng cần lưu ý đến nhận định của Trần Quốc Vượng: "Nguyễn Trãi tắm mình trong bầu không khí văn hóa ở đó đang diễn tiến cuộc đấu tranh gay gắt giữa truyền thống và đổi mới, cuộc đấu tranh gay gắt giữa xu hướng Trung Quốc hóa với xu hướng giải Trung Quốc hóa trong nội bộ các thế lực cầm quyền và giới trí thức, văn hóa Đại Việt.
Hai mươi năm Minh thuộc, với chủ trương và âm mưu tái Trung Quốc hóa nền văn hóa Việt của bọn giặc Minh càng làm gay gắt thêm, phức tạp thêm cuộc đấu tranh nhằm xây dựng một nền văn hóa Việt Nam, một lối sống Việt Nam. Nguyễn Trãi đã dấn thân hết mình vào các cuộc đấu tranh chính trị, văn hóa, xã hội này; và tiếc thay, ông đã ra khỏi cuộc đời này một cách bi thảm"!*** Và, nỗi bi thảm ấy là điều không thể tránh khỏi vì nó mang tính quy luật.

Sau mười năm "nằm gai nếm mật", đánh tan giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi "Vẫy vùng một mảnh nhung y nên công đại định"! Nhưng khi "phẳng lặng bốn bề thái vũ mở hội vĩnh thanh" [Bình Ngô Đại cáo] thì cũng là lúc diễn ra các cuộc thanh trừng đẫm máu do những mâu thuẫn phe cánh trong triều đình.

Đại công thần Trần Nguyên Hãn [là cháu nội Đại tư đồ Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Nguyễn Trãi] tự tử khi bị bọn Đinh Bang Bản, Lê Quốc Khí, Trình Hoành Bá dâng sớ tố cáo ông mưu phản. Hai năm sau, một đại công thần khác là Phạm Văn Xảo bị giết khi bọn Lê Quốc Khí tố cáo ông ngầm làm phản. Những người mà bọn Lê Quốc Khí không bằng lòng đều bị vu cho là bè đảng của Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo, bị xử tử và bị tù.
Không rõ Nguyễn Trãi có bị vu cáo như vậy không, nhưng theo phỏng đoán của một số sử gia hiện đại thì thời gian này Nguyễn Trãi đã bị bắt và hạ ngục hoặc đã bị nghi ngờ có liên quan đến Trần Nguyên Hãn nên bị bắt, sau lại được tha...
Cũng do thái độ nghi kỵ và hành động sát hại công thần của Lê Thái Tổ, một số đại thần cương trực đã từ quan xin về quê ẩn dật trong đó có Nguyễn Tuấn Thiện vốn là người em kết nghĩa của Lê Lợi thời khởi nghĩa, đã từng giữ chức Ðô tổng quản, Thái bảo quận công và Bế Khắc Thiệu là người tham gia phái bộ Bình Ðịnh Vương trong Hội thề Ðông Quan cuối năm 1427.

Nguyễn Trãi chứng kiến tất cả những bi kịch cung đình đó, ông những muốn lèo lái làm sao để "nhân nghĩa duy trì thế nước yên" nhưng ông hoàn toàn bất lực và lâm vào thế bế tắc "Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải". Ở chốn triều quan thì ông mắng thẳng vào mặt lũ gian thần "sở dĩ có tai nạn ấy chính tự lũ các ông. Các ông chỉ là đồ thích sưu cao thuế nặng, vơ vét của nhân dân cho nhiều..."

Đối với vua thì ông đòi hỏi phải  "hết lòng yêu thương nuôi dưỡng muôn dân, để nơi thôn cùng xóm vắng không có tiếng oán giận sầu than"  nhằm để "giữ được cội gốc của nhạc" mà theo quan điểm của ông thì "hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc"

[...]


Xin trở lại với Trần Quốc Vượng: "Cuộc đấu tranh giữa mô hình dân tộc và mô hình kiểu Tàu cho đến khi phong kiến hết thời vẫn chưa chấm dứt..."***. Cuối thế kỷ XIV, xã hội, văn hóa khủng hoảng mà không có đường lối giải quyết. Đúng lúc đó nhân vật Hồ Quý Ly xuất hiện...Ông kiên quyết chống quân Minh, muốn giải Hán hóa nền văn hóa Việt, nhưng ông chỉ mới thổi "tiếng kèn ngập ngừng", sử dụng những biện pháp nửa vời... Tâm thức ông cũng đầy mâu thuẫn giữa hai dòng nước: "Trung Quốc hóa" và "Dân tộc hóa": sau bốn đời lấy họ Lê, ông lại đổi họ là Hồ, truy lên gần 500 năm về trước là gốc Hoa từ Phúc Kiến di cư sang xứ Nghệ; tự cho là dòng dõi Ngu Thuấn bên Tàu để đổi quốc hiệu là Đại Ngu! Ông lại xây dựng một nền độc tài cá nhân. Do không cố kết được nhân tâm, không hòa hợp được dân tộc, mất nước vào tay giặc Minh là điều khó tránh khỏi.

Chính trong bối cảnh đó, Nguyễn Trãi kế tục và phát huy truyền thống dân tộc và thân dân của văn hóa Đại Việt thời Lý Trần, cố gắng để khôi phục và phát triển nền văn hóa dân tộc đang đứng trước những thách đố gay gắt.

Quả thật, "tìm về dân tộc" và "thân dân" là phương thuốc tích cực nhất để giải nọc độc vọng ngoại, giải Hán hóa. Dân là gốc nước. Đã yêu nước thì phải yêu dân. Một khi đã gắn bó với dân thì tự nhiên nảy sinh lòng tự hào dân tộc".

Ngược lại, không quyết liệt đẩy tới quá trình "giải Hán hóa" thì khó để củng cố, phát huy lòng tự hào dân tộc và đường lối thân dân! Đây là bài học nằm lòng với người trí thức Việt Nam.
Điều này đâu chỉ đúng với thời Nguyễn Trãi mà càng là một nguyên lý không thể bàn cãi với hôm nay, khi điểm quy chiếu chính tà là thái độ đối với quân xâm lược, là kiên quyết tiếp tục quốc sách "giải Hán hóa" của tiến trình văn hóa dân tộc mà ông cha ta bao đời gây dựng.

[...]

Ngược trở lại với cuối thời Trần, một ông vua của thời suy vong như Trần Dụ Tông vẫn kiên quyết khẳng định "Miếu hiệu tuy đồng, Đức bất đồng" mà Trần Quốc Vượng bình rất xác đáng: "Đồng ở cách, bất đồng ở cốt, giống nhau ở phần biểu kiến, hiện tượng - kết quả của "Trung Quốc hóa", hội nhập văn hóa vời Trung Quóc trên bề mặt - khác nhau ở phần tiềm ẩn, bản chất - kết qủa "Dân tộc hóa", "giải Hán hóa" dưới bề sâu.

Hiểu được điều đó, kẻ thù tìm mọi cách để phá cho sạch cái sức "tiềm ẩn", cái "giải Hán hóa" dưới bề sâu" ấy.

Các thế lực phong kiến phương Bắc trăm phương, nghìn kế thực hiện quyết sách nham hiểm đó. Chỉ cần dẫn ra một sắc chỉ ngày 21.8.1406 của Minh Thành tổ gửi tướng viễn chinh Chu Năng đủ nói lên điều này  "...Một khi binh lính vào nước Nam...hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến những loại ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ nhỏ, loaị sách có câu "thượng đại nhân, khưu ất kỷ" ...một mảnh, một chữ đều phải đốt hết...Khắp trong nước, phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều gìn giữ cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá huỷ tất cả, một chữ chớ để còn..."
Có hiểu thủ đoạn ác độc này của kẻ thù mới càng thấm thía tư tưởng mở đầu cho Bình Ngô Đại cáo: "Duy ngã Đại Việt chi quốc, thực thi văn hiến chi bang". Điều này khẳng định niềm tự hào và cũng là điểm tựa vững chắc của Nguyễn Trãi trong toàn bộ tư tưởng và sự nghiệp của ông và càng hiểu rõ hơn sự quyết liệt của định hướng "giải Hán hóa" trong nhận thức của nhà văn hóa số một của đất nước. Đáng tiếc là, định hướng ấy chưa nhận được sự tiếp sức và đẩy tới của các triều đại nhà Lê, kể cả thời cực thịnh.
Chỉ nói riêng triều Lê Thánh Tông, một triều đại để lại nhiều thành tựu trong lịch sử , thế nhưng về chính trị thì lại củng cố chế độ trung ương tập quyền theo hướng chuyên chế, về tư tưởng thì theo hướng độc tôn Nho giáo, bài xích Phật, Đạo và tín gưỡng dân gian, về văn hóa thì cũng dần dần xa rời vốn liếng dân gian. Tinh thần kỳ thị tôn giáo, chuyên chế tư tưởng hết sức nặng nề. Nền văn hóa chính thống ngày càng rơi dần vào quỹ đạo của văn hóa phong kiến Trung Quốc. Mà đã đi vào quỹ đạo này thì làm sao mà "thân dân" được? Đấy cũng là cội nguồn thảm kịch của người trí thức, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc thế kỷ XV như đã nói ở trên.
Thật ra thì thảm kịch ấy không sao tránh được vì đó chính là quy luật của sự tha hóa quyền lực, một quy luật muôn đời như sự đúc kết của Lord Acton, nhà sử học Anh thế kỷ XIX: "Quyền lực có xu hướng tha hóa. Quyền lực tuyệt đối thì sự tha hóa cũng tuyệt đối" [Power tends to corrupt and absolute power corrupts absolutely]. Mà sự tha hóa lớn nhất là sự bám chặt lấy quyền lực để mở rộng vô hạn độ quyền lực ấy. Sự thanh toán lẫn nhau của những người giành giật quyền lực là mang tính quy luật. Quy luật ấy cũng chẳng dành riêng cho chế độ phong kiến.
 Xin gợi lại đây một tư liệu về các cuộc thanh trừng đẫm máu của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời kỳ "Xây dựng  XHCN mang màu sắc TQ": Các kiểu hạ bệ lãnh đạo cao cấp TQ hết sức đa dạng, có kiểu hạ bệ nhanh, lại có kiểu hạ bệ chậm. Có kiểu hạ bệ trực tiếp, lại có kiểu hạ bệ gián tiếp. Có kiểu hạ bệ bình thường, lại có kiểu hạ bệ bất thường. Có kiểu hạ bệ làm ra vẻ “dân chủ” – họp hội nghị TW, phê phán, vạch trần khuyết điểm, lại có kiểu hạ bệ “phản dân chủ”, tóm cổ đối thủ tại chỗ. hoặc buộc đối phương “tự nguyện” rút lui, đột ngột làm đảo chính, bắt giữ toàn bộ đối phương.
Lâm Bưu – người thừa kế Mao Trạch Đông từng phân tích : vật tự nó thối rữa trước, rồi mới sinh giòi bọ. Đề phòng đảo chính phản cách mạng thì vấn đề chính là nắm chắc nhân tố trong nước. Giữa Trung ương và địa phương thì lấy Trung ương làm chính, giữa trong nước và ngoài nước thì lấy trong nước làm chính, giữa trong đảng và ngoài đảng thì lấy trong đảng làm chính, giữa trên và dưới thì lấy trên làm chính. Trọng điểm là trong nội bộ, là ở thượng tầng. Thế nhưng chính ông ta bị Mao hạ bệ.
Mao chọn chiến thuật không đánh trực diện vào Lâm mà đánh vào các tướng tá, trợ thủ của ông ta trước. Đầu tiên là buộc Trần Bá Đạt phải kiểm thảo tại Hội nghị Trung ương, tiếp đó cho phê phán bốn viên đại tướng của Lâm là Hoàng, Ngô, Lý, Khưu.
Lâm Bưu hiểu rất có thể mình sẽ bị hạ bệ nên đã ra tay trước. Kết cục là phải cùng vợ con lên máy bay chạy trốn và bị rơi trên đất Mông Cổ.
Rồi chuyện hạ bệ La Thụy Khanh Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân TQ cũng na ná như vậy. Hội nghị vừa khai mạc thì Bành Chân đập bàn nói, La Thụy Khanh, anh đã phạm sai lầm, hôm nay trước hết để cho anh tự xử mình. Và rồi chưa đầy nửa năm sau, sự việc giống hệt như thế lại xẩy ra với Bành Chân. Tại hội nghị Bộ Chính trị, Lưu Thiếu Kỳ nghiêm mặt nói: “Vấn đề đồng chí Bành Chân vô cùng nghiêm trọng, là tạo ra một vương quốc độc lập với Trung ương đảng, là phản bội Mao chủ tịch. Tôi cảnh cáo đồng chí, hôm nay chớ nuôi ảo tưởng, hãy thật sự hối cải, nếu không số phận sẽ như La Thụy Khanh vậy”. Chưa đầy nửa năm sau, sự việc giống hệt lại xẩy ra với Lưu Thiếu Kỳ. Tại hội nghị Trung ương, Trần Bá Đạt phát biểu: “Mấy chục năm qua, Lưu Thiếu Kỳ luôn vỗ ngực là nhà lão thành cách mạng. Tôi thấy ông ta không phải lão thành cách mạng mà là lão bại cách mạng". Thế là Lưu Thiếu Kỳ bị hạ bệ, bị đày đọa cực kỳ dã man. Tình huống giống hệt lại đến với Trần Bá Đạt – nhà lý luận “thiên tài”,  chuyên gia thảo các báo cáo chính trị cho Đại hội đảng!
Còn việc Đặng Tiểu Bình "ba lần vào ra Trung Nam Hải" quả là một “kỳ tích” về "phê và tự phê" gắn với thanh toán chính trị chỉ có thể xảy ra ở xứ sở mà "tranh bá đồ vương" diễn ra như cơm bữa , được Mao kết luận : "đấu tranh với người là niềm vui lớn"! Ngay sau khi Mao nằm xuống là cuộc thanh toán quyết liệt giữa liên minh Diệp Kiếm Anh – Hoa Quốc Phong và “bè lũ bốn tên”: Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Giang Thanh và Diêu Văn Nguyên. Nếu chỉ họp hội nghị Trung ương, phê phán rồi bỏ phiếu tín nhiệm e không được, Diệp quyết định dùng biện pháp đặc biệt, bắt giữ “bè lũ bốn tên”, rồi mới họp Bộ Chính trị, báo cáo tình hình. Diệp đã thực thi phương châm của Lâm Bưu nêu ở trên :  "giữa trong đảng và ngoài đảng thì lấy trong đảng làm chính, giữa trên và dưới thì lấy trên làm chính, trọng điểm là trong nội bộ, trước hết ở thượng tầng"!
Gần đây nhất vụ Bac Hy Lai cho thấy sự thối rữa trong nội bộ giới cầm quyền Trung Quốc không còn che dấu được nữa. Bạc là "ngôi sao đang lên" với hứa hẹn chiếm được một ghế cao trong Thường vụ Bộ Chính trị, là người đứng đầu một thành phố vào loại lớn nhất phất lá cờ chống tham nhũng và chống xã hội đen quyết liệt nhất, nhưng rồi sự việc vở lỡ cho thấy y là tên trùm mafia lớn nhất mà mức độ tham nhũng và tội ác dựa trên quyền lực đã vượt quá mọi giới hạn đạo đức là chưa có tiền lệ xét về quy mô và phạm vi trong lịch sử Trung Hoa đương đại.
Bất chấp những nỗ lực của giới cầm quyền cố giải thích rằng "đây chỉ là hiện tượng riêng lẻ và hy hữu", nhưng theo học giả Cheng Li trong bài viết "Hồi kết cho chế độ chuyên quyền bền bỉ của Đảng Cộng sản Trung Quốc" đăng trên "The China quartely", 211, September, 2012, thì tham nhũng dựa vào quyền lực đang tràn lan, đặc biệt với sự tham gia của gia đình các lãnh đạo cấp cao chứng tỏ đây là sự suy đồi của "chủ nghĩa tư bản thân hữu" [quanggui sibenshuy] Trung Quốc hiện đại.
Hiện tượng Bạc Hy Lai cho thấy vụ "xì căng đan" này là một khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ năm 1989 với sự kiện Thiên An Môn, đang đặt ra những thách thức lớn cho uy tín và sự chính danh của Đảng CSTQ!
Giá Phùng Mộng Long, tác giả của "Đông Chu Liệt Quốc" sống lại thì nguyên liệu thực tế chỉ của hơn nửa thế kỷ, chứ không phải dài hơn 400 năm kể từ đời Tuyên Vương nhà Chu cho đến đời Tần Thủy Hoàng, đủ để ông viết nên một bộ "CHXH mang màu sắc Trung Quốc" còn hấp dẫn hơn nhiều. Vì, nhân vật Mao thì cũng nham hiểm, tàn bạo còn hơn Tần Thủy Hoàng, còn những kiểu Lã Bất Vi hiện đại cũng đa dạng và sống động hơn nhiều với tài đánh hơi nhận ra những Tử Sở để mà buôn! Đương nhiên, lịch sử dường như lặp lại song trên một vòng xoay trôn ốc, với những màu sắc mới, diện mạo mới. Trút bỏ gánh nặng lịch sử này quả thật dai dẳng cho đến tận bây giờ với những biến thái cực kỳ phức tạp đòi hỏi một sự tỉnh táo của trí tuệ dân tộc nhằm tỉnh thức những người đang chìm đắm, có thể là vô thức nhưng thường là hữu thức, vì những lợi ích rất nhày nhụa được khoác cho những tấm áo mỹ miều.

Còn phức tạp hơn nữa với công cuộc "giải Hán hóa" của buổi hôm nay khó khăn gấp bội. Vì vậy, nói đến cùng, trong vị thế địa-chính trị trứng chọi đá quá trình ông cha ta dựng nước và giữ nước cũng là quá trình "giải Trung Quốc hóa" [dé-sinisation] với những lưỡng lự và những nghịch lý của lịch sử, thậm chí của từng nhân vật lịch sử". Quá trình "giải Hán hóa" với nội dung mới gay go phức tạp hơn trong bối cảnh đầy biến động khó lường của thế kỷ XXI mà chúng ta đang sống.

Xin kết thúc bài viết này bằng lời của Võ Nguyên Giáp trong diễn văn tại lễ kỷ niệm 600 sinh Nguyễn Trãi tại Hà Nội năm 1982 : " Nguyễn Trãi nói: "Thời! Thời! Thực không nên lỡ"*** với nhận thức rằng không thể bỏ lỡ thời cơ khi mà Viêt Nam đang đối diện với những điều kiện mới để tự lực, tự cường, thoát khỏi vòng kiềm tỏa, chi phối của các thế lực bên ngoài, cùng với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới hợp thành sức mạnh răn đe, ngăn chặn và làm thất bại mọi mưu đồ bành trướng của chủ nghĩa Đại Hán. Đó là cách thiết thực tưởng nhớ và noi gương người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Thế giới, người trí thức số một trong lịch sử dân tộc.
Bỏ lỡ thời cơ là sự bỏ lỡ đau đớn nhất mà lịch sử phải gánh chịu.


’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’

*Những trích dẫn thơ chữ Hán và thơ Nôm của Nguyễn Trãi đều lấy từ "Tổng tập Văn học Việt Nam', Tập 4. NXBKHXH. Hà Nội, năm 2000.
** Báo Nhân Dân ngày 19.9.1962
***Kỷ Niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi. NXBKHXH.Hà Nội 1982, tr.96, tr.99, tr.110 và tr.35


____________________________ĐỖ HỮU CA






.........../.

Tượng đài



Khủng khiếp … Truông Bồn! Nhưng không phải khủng khiếp về sự hy sinh của hàng trăm chiến sĩ nơi đây năm xưa, mà là số tiền khủng của dân mà ngày nay người ta vung vít tung ra, để rồi không tránh khỏi lũ “sâu” tha hồ đục khoét, thế mà cũng chưa rõ là 175 tỉ như nhiều báo đưa, hay là 300 tỉ theo VTV loan báo hôm qua, hay gần 400 tỉ theo dự toán của địa phương từ 4 năm trước. 

Khủng khiếp nữa là, dường như phong trào quăng tiền tỉ cho những dự án thô kệch một cách thảm hại kiểu này tại xứ sở thuộc loại nghèo nhất nước cứ ngày một dữ dội hơn, nào là 

Tượng đài Chiến thắng Đồng Lộc (1998), không rõ bao nhiêu tiền, nhưng làm mất 3 năm; tiếp theo là 

Cụm tượng đài 10 nữ TNXP Ngã Ba Đồng Lộc (2010), hết 14 tỉ mà chưa đã cơn say, lại thêm 

Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ ngành GTVT tại Ngã ba Đồng Lộc(2012), thêm 14 tỉ nữa.  Rồi 

tượng đài công nông Xô Viết Trường Thi – Bến Thủy (2012) không rõ bao nhiêu tỉ, nhưng hình như thay cho khối tượng đài để hoang phế trước đó. Vậy mà vẫn chưa hết, còn có cái 

tượng đài “Hậu phương hướng về tiền tuyến”, hết 62 tỉ, tới tận 2015 mới xong. Và… còn nhiều nữa, như 

tượng-quảng trường Hồ Chí Minh (2003)… Mệt quá không kể nữa! 

Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ ngành
Giao thông vận tải (GTVT) tại Ngã Ba Đồng Lộc. Ảnh: hatinhonline.com


http://webwarper.net/ww/~av/anhbasam.wordpress.com/2012/10/28/tin-chu-nhat-28-10-2012/#more-79556


......./.

________ thủ tướng Trung Quố


Gia đình thủ tướng Trung Quốc che giấu tài sản kếch xù 2,7 tỷ đôla   



Tú Anh 

Thủ tướng Ôn Gia Bảo là người cộng sản giàu nhất thế giới ? 

Sau hai nhiệm kỳ thủ tướng, gia đình của thủ tướng Trung Quốc từ mẹ, vợ, đến con trai và em trai tóm thu một tài sản khổng lồ, ít nhất là 2,7 tỷ đôla. Thông tin của báo Mỹ New York Times đang gây bối rối cho đảng Cộng sản Trung Quốc trong bối cảnh chuẩn bị Đại hội 18.  Phát hiện của báo New York Times về tài sản của gia đình thủ tướng Trung Quốc là một quả bom nổ tung vào lúc đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị Đại hội Đảng. 

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo
tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày
13/05/2012 REUTERS 

Ngòi bút của phóng viên David Barboza, trong bài điều tra dài, ghi rõ : « Xem xét những sổ bộ xí nghiệp và văn kiện pháp lý từ 1992 đến 2012 cho thấy, những người thân của thủ tướng Ôn Gia Bảo, kể cả phu nhân của ông, nắm trong tay ít nhất 2,7 tỷ đôla Mỹ ».  

Gia đình người đứng đầu chính phủ Trung Quốc có « quyền lợi » trong nhiều lãnh vực kinh tế khác nhau từ « ngân hàng, nữ trang, du lịch, điện thoại di động và xây dựng tại Hoa lục và kể cả ở hải ngoại ».  

Trong một số trường hợp, họ núp sau bình phong, mượn tên của bạn bè.  Mẹ của thủ tướng Trung Quốc, bà Dương Chi Vân, là một giáo viên hồi hưu, cha của ông bị Cách mạng Văn hóa bắt chăn nuôi heo. Thế nhưng, năm nay 90 tuổi, không những bà thoát ra khỏi nạn nghèo khó, mà còn trở thành một triệu phú đôla, có phần hùn trong một công ty dịch vụ tài chính lên đến 120 triệu đôla Mỹ.  
Cả gia đình gồm mẹ, vợ, con trai và em trai của ông Ôn Gia Bảo tích lũy số tiền khổng lồ này từ khi ông lên làm thủ tướng vào năm 2003.
New York Times khẳng định cổ phần mà gia đình và người thân của thủ tướng Trung Quốc nắm giữ trong công ty bảo hiểm Bình An lên đến 2,2 tỷ đô la vào năm 2007. Cũng chính năm này, lúc ông sắp hết nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên, mẹ của ông đầu tư vào công ty Bình An 120 triệu đô la.  
Về phần thủ tướng phu nhân Trương Bội Lê mà New York Times đặt biệt danh là « nữ hoàng kim cương », bà tạo dựng sản nghiệp trong ngành đá quý. Tại Trung Quốc, lãnh vực thương mại này do Nhà nước kiểm soát chặt chẽ.  
New York Times cho biết thêm là phần đông những thương vụ của gia đình họ Ôn có sự tham gia của các tập đoàn Nhà nước mà mọi quyết định đều đặt dưới thẩm quyền của thủ tướng. 

Trường hợp điển hình là em trai của thủ tướng Trung Quốc, có phần vốn đầu tư 200 triệu đôla trong nhiều xí nghiệp. Năm 2003, trong vụ dịch bệnh « viêm phổi cấp » SARS, người em trai này trúng thầu xử lý nước thải và rác bệnh viện, được Nhà nước tài trợ 30 triệu đôla, sau khi tân thủ tướng Ôn Gia Bảo chỉ thị phải khẩn cấp tăng cường vệ sinh công cộng vì sức khỏe nhân dân.  

Người con trai duy nhất tên Ôn Vân Thông cũng là một doanh nhân thành đạt nhanh như pháo thăng thiên. Hiện Ôn Vân Thông làm chủ nhân một công ty đầu tư tài chính quan trọng nhất nhì Trung Quốc và có sự hùn hạp của chính phủ Singapore.  

New York Times phát hiện gia đình thủ tướng Ôn Gia Bảo đầu tư vào một dự án bất động sản tại Bắc Kinh, một nhà máy chế tạo vỏ xe hơi, và một công ty đã tham gia vào công trình xây sân vận động cho Thế Vận Hội 2008.  Cách nay hai năm, trong một cuộc họp báo, người lãnh đạo có tiếng « gần dân » còn khẳng định ông không có tài sản riêng tư.  

Bắc Kinh khóa cổng internet của New York Times 

 Bộ Ngoại giao Trung Quốc và gia đình thủ tướng từ chối trả lời phỏng vấn của New York Times và các hãng thông tấn quốc tế.  Bản tin tiếng Anh và tiếng Hoa của New York Times trên trang mạng internet bị chận tại Hoa lục.  
Tháng Sáu năm nay, hãng tin tài chính Bloomberg cũng bị phản ứng tương tự từ phía Trung Quốc, khi tiết lộ gia đình phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có hàng trăm triệu đôla.  
Theo AFP, tài sản của giới lãnh đạo Trung Quốc được xem là bí mật quốc gia, trừ phi xảy ra đấu đá nội bộ như trường hợp Bạc Hy Lai. 
Người dân biết rõ là đảng viên cao cấp của chế độ cộng sản sống rất xa hoa, tự do lợi dụng đặc quyền đặc lợi mà không bao giờ bị trừng phạt.  Người dân Trung Quốc có câu ngạn ngữ “ Không nên nghe lãnh đạo nói mà hãy nhìn lãnh đạo làm ". 

Một cựu bộ trưởng Trung Quốc nhận định với New York Times: “ Tại Trung Quốc, không một nhân vật quan trọng nào của chế độ mà gia đình lại không giàu. Kẻ thù của Ôn Gia Bảo cố ý hạ nhục ông bằng cách cung cấp tài liệu ” cho báo chí quốc tế.  

Tuy xem tự do báo chí là kẻ thù, nhưng khi cần, chính quyền Trung Quốc mượn tay báo chí để triệt hạ nhau. Vậy ai là kẻ muốn triệt Ôn Gia Bảo vào lúc ông sắp về hưu? Vị thủ tướng 70 tuổi này khoanh tay chịu đòn hay sẽ phản ứng và phản ứng ra sao trong những ngày tới ?


http://webwarper.net/ww/~av/www.viet.rfi.fr/chau-a/20121026-gia-dinh-thu-tuong-trung-quoc-che-dau-tai-san-kech-su-27-ty-dola
......../.

Thơ NGUYỄN MINH KHIÊM





Thơ

NGUYỄN MINH KHIÊM

**********************

NÚI ĐỐN


Trần Khát Chân ơi, nghe nói ông bị Hồ Quý Ly chặt đầu ở đây
Chặt đầu ngay trước cửa nhà mình
Bị chặt đầu rồi mà ông vẫn xách cái đầu mình chạy đi hỏi thiên hạ xem từ xưa đến nay có ai bị chặt đầu rồi vẫn sống 
Cho đến khi cả thiên hạ bảo rằng chưa từng có chuyện đó xảy ra
Ông mới chịu ngã xuống.

Nghe nói sau cái chết của ông
Hồ Quý Ly còn giết ba trăm bảy mươi người phò tá nhà Trần
Vẫn với một tội danh có âm mưu làm phản
Người chết như cây bị chặt, như chuối bị đốn xếp lượt lên nhau
Vì thế núi thành tên Núi Đốn ?

Đất nước hàng triệu người nhưng tiếng hô vạn tuế chỉ có một
Lưỡi gươm quyền lực không có khái niệm chén tạc chén thù
Không ký ức, không huyết thống
Nhân nghĩa là thứ phù phiếm dưới câu châm ngôn “Bất độc bất anh hùng”

Núi Đốn đỏ như màu máu
Từ đó ta đọc được một thứ triết lý rùng rợn
Từ đó ta thấy bao nhiêu người xách đầu mình chạy đi hỏi thiên hạ xem từ xưa đến nay có ai chặt đầu rồi vẫn sống
Từ đó ta thấy có bao nhiêu địa danh trở thành núi Đốn!



20.6.2011

'''''''''''''''''''''''''''



HÒN ĐÁ TRIỀU TRẦN


Không một bức tượng mang tên Thái Sư
Không một con đường mang tên Thái Sư
Không một con phố mang tên Thái Sư
Không một đền thờ mang tên Thái Sư!?

Người ta gọi
Kẻ loạn luân Trần Thủ Độ!
Kẻ hèn hạ đoạt ngôi Trần Thủ Độ!
Kẻ hủ bại thuần phong mỹ tục Trần Thủ Độ!
Và Ông bị ném ra ngoài trang sử vĩ đại triều Trần như ném một hòn đá.

Và ai cũng biết
Mọi áng hùng văn hay nhất Triều Trần
Mọi bức tượng vĩ đại nhất Triều Trần
Mọi ngôi đền linh thiêng nhất Triều Trần
Đều đặt trên hòn đá ấy
Một hòn đá Triều Trần.



12.10.2012
'''''''''''''''''''''''''''''''



NGỌC HÂN


Mười sáu tuổi dám ngăn cả triều đình lập ngôi vua
cho một kẻ chưa đủ tầm kế vị
Mười sáu tuổi lòng đầy ắp thi ca thông kinh bác sử
Mưởi sáu tuổi về làm Hoàng hậu của Hoàng đế Quang Trung
Mười sáu tuổi làm sứ giả hợp lưu văn hoá hoà bình
ru êm đao kiếm
Mười sáu tuổi thay mặt Quang Trung mời các sĩ phu
Bắc Hà về lo đại sự Quốc gia

Bây giờ nhớ nàng, người ta chỉ còn nhớ Ai tư vãn
Tiếng khóc chồng của người con gái Thăng Long lịch lãm, kiều diễm hơn hai trăm năm còn thổn thức lòng người
Máu và nước mắt đọng trên từng con chữ
Mơ hồ một sắc hoa đào Nhật Tân về nở Phương Nam
Như khói như sương một cành liễu Tây Hồ quấn theo vó ngựa
Không biết mình được hậu thế liệt vào kỳ nữ
Không biết có những con đường mang tên Ngọc Hân
Không biết có bao nhiêu mối tình mang tên Ngọc Hân
trong vận nước bi hài
Bao nhiêu nét hoa văn được chạm khắc quanh bi kịch
một trái tim của người con gái

Ngọc Hân ơi, nàng là cửa ô thứ sáu mở vào Hà Nội
Kinh thành Thăng Long nghe tiếng lá thầm rơi
Cầm trên tay bông hoa hái về từ hoàng hôn lịch sử
Chân trời nhuộm đỏ màu câu lý hoài nam…



7. 10. 2010
''''''''''''''''''''''''''''''''




.................../.

Người xưa cảnh tỉnh



Trích từ chuyên mục Người xưa cảnh tỉnh

'''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''



Không có hiểu biết thì làm sao nghĩ chuyện tranh đấu?    



PHAN BỘI CHÂU
Đời Trần Nhân Tông niên hiệu Thiên Bảo (1280) năm thứ hai, thổ tù ở Đà Giang là Trịnh Giốc Mật làm phản, vua sai Trần Nhật Duật đi đánh dẹp. Nhật Duật biết tiếng Mường, lại biết phong tục như ăn bốc uống ngụp, người Mường rất mừng. Mật dẫn cả gia thuộc ra hàng.    
Ôi! Là một vị thân vương mà thông hiểu được tiếng người các xứ xa xôi, đó cũng là một người khai thông (1) thứ nhất vậy!  
Tôi nay làm một người dân thuộc địa của Pháp mà hỏi tiếng Pháp chữ Pháp như câm như điếc, thì tranh đấu làm sao? Ở vào thời đại giao thông (2), phải cùng người ngoài tranh cạnh (3), mà tôi ngu lậu như thế này, nhìn tấm gương xưa càng thêm tự thẹn cho mình nhiều lắm.
Giữa thời đại cạnh tranh mặc sức này, việc học tập ngôn ngữ đã là việc thường, vậy làm sao để có được mấy trăm người như Trần Nhật Duật.  

'''''''''''''
(1) tức người mở đường trong một sự nghiệp nào đó
(2) ý muốn nói thời đại các dân tộc mở rộng giao lưu tiếp xúc
(3) cũng như tranh đua.  

Phan Bội Châu    
Việt Nam quốc sử khảo, 1908


***********





Sử ta, ta không biết    


Tại sao tôi viết bộ Việt nam sử lược? Nước ta có sử từ đời nhà Trần, đến nay kể đã sáu bảy thế kỷ, nhưng sử của ta chép theo lối biên niên của Tàu, ngày nào năm nào thì ghi lấy một cách vắn tắt không tìm đến cái gốc ngọn và sự liên can đến việc.    
Nhà làm sử lại là người làm quan, vua sai coi việc chép sử, không được tự do phải chiều nhà vua, chép việc nhà vua, ít khi để ý đến những sự tiến hoá của nhân dân trong nước …    



Thành thử ra đọc sử thấy tẻ và không giúp được sự học vấn mấy.  
Sử của ta thì thế mà người mình thì lại quá lãnh đạm với nó. Quy lỗi cho dân tộc mình có lẽ là không đúng, vì từ trước tới nay, cái học vấn đã bắt buộc ta phải thuộc sử Tàu hơn là sử của mình. Học để đi thi, để làm thơ phú văn chương, theo những cái điển của Tàu. Trước là một sự bó buộc, sau thành một thói quen. Lúc ấy những chuyện nước mình, so sánh với những chuyện nước người, đều không đáng kể. Thật đáng buồn!.
…Lắm lúc tôi nhìn thấy những điều trước mắt mà lo. Ở xã hội ta ngày nay, có một hạng người nghe nói đến nước mình thì ngây ngây như người ngoại quốc, sử nước mình không biết, tiếng nói nước mình chỉ biết qua loa, đủ dùng cho sự giao thiệp hàng ngày. Nếu sự đời cứ theo chiều ấy và cái đà ấy mà thay đổi, thì không hiểu dân tộc mình sẽ ra sao?  


Trần Trọng Kim
Theo Lê Thanh, Cuộc phỏng vấn các nhà văn, 1943



***********





Điều hòa với nghĩa … chắp vá bừa bãi 

   
PHAN KHÔI
Điều hòa là một thói quen của người nước ta.    Người mình hễ ró ra (1) đâu là điều hòa đó, cái trên trời, cái dưới đất cũng điều hòa phứt đi được.    
Rượu thì pha rượu trắng với rượu chát; đầu thì đùm tóc sùm sùm mà đội mũ; hết “Tây Nam đắc bằng”  thì “Pháp Việt đề huề “ (2); tu thì tu tam giáo; nực cười nhứt là đạo Cao Đài “nảy” kia thờ cả năm ông giáo chủ là Khổng Tử, Lão Tử, Thích Ca, Gia Tô, và Mô-ha-mét !    
Phải,  việc dễ nhất trong thiên hạ là chỉ có điều hòa, điều hòa thì vô sự mà !     
Sau cuộc chiến tranh 1914-18 ở bên Tây có một số người hoảng hốt mà kêu lên rằng văn minh Âu châu đã đến ngày phá sản. Rồi ở Đông phương cũng có một số người ó lên mà bài kích văn minh Âu châu. Thuyết điều hòa có, một phần bởi lời đồn huyễn văn minh phá sản. Thật là sợ hoảng, đúng như tục ngữ nói “Chưa giàu đã lo ăn cướp”.  

(1 )hiện ra, lấy ra ( chữ  được ghi trong Đại nam quốc âm tự vị  của Huỳnh Tịnh Của ) 
(2) Tên một tác phẩm của Hoàng Cao Khải và một luận thuyết mà Phan Bội Châu thường được coi là bị xúi giục, đã trình bày trong một bài tiểu luận trước 1925.  Theo tôi nhớ bài tiểu luạn này có tên là  Dư thập niên lai cửu trì chi chủ nghĩa.  


Phan Khôi 
Bác cái thuyết tân cựu điều hòa, Đông Pháp thời báo, 1928




*****************



Gọt chân cho vừa giày        


Vô luận là vấn đề gì, về quốc kế hay dân sinh cũng như về luân lý hay triết lý, kẻ sĩ nước ta đều thấy các thánh hiền Trung quốc giải quyết sẵn cho mình rồi, cái công phu của mình chỉ là thuật lại để thực hành cho xứng đáng chứ không cần phải sửa chữa thêm bớt chút gì.      

Trái lại cái gì của Trung quốc có vẻ vĩ đại hay cao siêu quá, thì chúng ta lại phải hãm lại, cô lại cho vừa với kích thước khuôn khổ của chúng ta. 


Đào Duy Anh 
Bởi thế chính trong thời kỳ toàn thịnh của nho học nước ta, người ta thấy có những nhà nho kinh luân như Tô Hiến Thành, nhà nho anh hùng như Trần Quốc Tuấn, nhà nho cao khiết như Chu An, nhà nho khẳng khái như Nguyễn Trãi, mà tuyệt nhiên vẫn không thấy một nhà nhà tư tưởng một nhà triết học nào. 

Chúng ta chỉ có những nhà nho lao tâm khổ tứ để bắt chước thánh hiền mà cư xử và hành động cho hợp với đạo lý chứ không có nhà nho nào dám hoài nghi bất mãn với đạo lý xưa mà băn khoăn khao khát đi tìm đạo lý mới.   



Đào Duy Anh
Việt Nam văn hoá sử đại cương, 1950










........../.