NỀN VĂN MINH ĐÃ THẮNG “CHẾ ĐỘ MAN RỢ”!


Mạnh Kim 

DI SẢN VNCH: NỀN VĂN MINH ĐÃ THẮNG “CHẾ ĐỘ MAN RỢ”!


********

Những ai sống ở miền Nam giai đoạn sau 30-4-1975 không thể nào quên những gì từng trải qua. Đó là những chuỗi ngày không chỉ khốn khổ về vật chất. Biết bao người không thể cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh hàng đống sách vở và băng đĩa nhạc bị đốt. Một cuộc thảm sát văn hóa đã xảy ra. Không chỉ sản phẩm văn hóa, con người của văn hóa cũng bị tận diệt. Nhà văn bị bỏ tù. Nhà báo bị “học tập cải tạo”. Nhà thơ đi đạp xích lô… Bất luận bị “tra tấn” và “truy diệt” tàn bạo như vậy, văn hóa VNCH vẫn không chết!
Trong "Hồi ký dang dở", cựu đại tá VNCH Dương Hiếu Nghĩa (từ trần ngày 14-4-2019) kể:
“Ngày mồng 3 tháng 5/1975. Không có chuyện gì làm, tôi lang thang tản bộ quanh khu chợ Sài Gòn, và đi lần về Thư Viện Quốc Gia, trong thâm tâm chỉ muốn gặp lại một người bạn của tôi là anh Hữu, quản thủ Thư viện Quốc Gia (ông Phan Văn Hữu – chú thích của MK). Có đến nơi mới thấy được cảnh mà cộng sản Bắc Việt gọi là bài trừ “văn hóa đồi trụy”: Sau ngày 30/4/75, một ủy ban gọi là “Ủy ban bài trừ văn hóa đồi trụy” ra đời. Thành phần gồm một cán bộ Đảng CSVN và sinh viên học sinh chít khăn đỏ trên tay (mà người dân Sài Gòn gọi là mấy con “cọp 30”)…
“Văn hóa đồi trụy” được định nghĩa là tất cả những ấn phẩm thuộc mọi lãnh vực chánh trị, kinh tế, lịch sử (nhất là lịch sử), giáo dục, khoa học kỹ thuật, văn hóa, văn nghệ, phim, ảnh. v.v… đang được lưu hành và sử dụng tại Việt Nam Cộng Hòa từ ngày 30/4/1975 trở về trước, được in, chép hay thu vào băng nhựa, bằng tiếng Việt Nam hay bất cứ loại sinh ngữ ngoại quốc nào (trừ chữ Tàu và chữ Nga). Mục tiêu mà các “ông cọp 30” nhắm vào trước tiên là Thư viện Quốc gia (National Library) ở đường Gia Long. Tất cả sách bìa cứng bìa mềm, gáy tím gáy vàng, dày mỏng gì cũng đều được mang ra đường xé nát và đốt hết. Tội nghiệp cho mấy bộ tự điển và encyclopédia chữ Anh chữ Pháp (trên 100 cuốn), và rất nhiều bộ sách quý thuộc các ngành công pháp quốc tế, khoa học kỹ thuật, hàng không và cả khoa học không gian v.v… mà anh Hữu đã tốn công sưu tầm trên 10 năm dài để làm giàu cho thư viện của đất nước, trong phút chốc bị “cọp 30” xơi tái hết! Chúng tôi đến gần lượm từng tờ của bộ encyclopédia lên xem mà ứa nước mắt nhưng không dám hỏi thêm vì bị ngay một “cọp 30” khoảng 16 tuổi tới đuổi: “Đi đi, tiếc gì mà coi, xé bỏ hết, đốt bỏ hết, nó là tiếng nước ngoài, của thực dân, của đế quốc đồi trụy, ru ngủ đầu độc dân tộc. Ta độc lập rồi thì ta cần gì ba cái thứ nầy nữa!”…

“Về văn nghệ thì tất cả các bản nhạc in hoặc thu vào băng nhựa, nếu không phải loại nhạc lai căn (lai nhạc Tàu) từ nhóm văn công miền Bắc mang vào, đều được liệt vào loại “nhạc vàng của đế quốc Mỹ và tay sai”, cấm lưu hành, xé đốt, hủy bỏ, ai lưu giữ sẽ có tội. Các kịch bản hay các vở tuồng cải lương, hát bộ v.v... cũng phải được duyệt xếp loại lại. Nói tóm lại Bắc Việt chủ trương hủy bỏ tất cả những gì mà họ cho là tàng tích của “Mỹ Ngụy” từ 75 trở về trước, để đem thay thế vào đó những gì mà miền Bắc đang có và đang áp dụng... Có nghĩa là thay vì đẩy miền Bắc tiến lên để theo kịp đà phát triển của miền Nam, họ làm mọi cách nhằm kéo lùi miền Nam thụt lùi lại vài chục năm, sao cho trình độ văn minh tiến bộ của hai miền Nam Bắc phải ở cùng nằm ở một trình độ kém phát triển như nhau”…

Câu chuyện của ông Dương Hiếu Nghĩa là một chi tiết rất nhỏ trên bức tranh kinh khủng mà miền Nam chứng kiến giai đoạn sau 30-4-1975. Hàng ngàn câu chuyện khác đã dệt nên tấm thảm kịch mà ngày nay vẫn gây nhức nhối mỗi khi được nhắc lại. Nhà văn Dương Thu Hương từng thốt lên trong uất nghẹn: “Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người. Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ đài nào, Pháp, Anh, Mỹ... nếu người ta muốn. Đó mới là chế độ của nền văn minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ. Đó là sự hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử. Đó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn nhất mà dân tộc Việt Nam phạm phải” (trích từ Ký 2, Đinh Quang Anh Thái, trang 178).

Tuy nhiên, văn hóa VNCH đã không chết. Di sản văn hóa của một nền văn minh đã không hoàn toàn thua “chế độ man rợ”. Sự kéo lùi lại “sao cho trình độ văn minh tiến bộ của hai miền Nam Bắc phải ở cùng nằm ở một trình độ kém phát triển như nhau” đã không thành công! 

Sau 44 năm, người ta có thể thấy rõ điều này hơn bao giờ hết. Chưa bao giờ mà văn hóa VNCH – sản phẩm của nền giáo dục khai phóng, của tinh thần sáng tạo tự do, của những tinh hoa kết tụ từ ba miền Bắc-Trung-Nam – lại trỗi dậy mạnh mẽ đến như vậy. Những nhà sách lớn giờ đây đầy tác phẩm trước 1975 in lại (dù không ít quyển bị cắt xén kiểm duyệt). Những quyển sách mới về miền Nam trước 1975 được ghi chép một cách tỉ mỉ và công phu cũng xuất hiện liên tục. Nhạc “ngụy” đã chẳng còn được hát và nghe lén lút. Nó được hát trên truyền hình và phát thanh, trong các cuộc thi “bolero đi cùng năm tháng”. Phải! Văn hóa VNCH chưa bao giờ ngưng “đi cùng năm tháng” với dân tộc. Nó cho thấy dân tộc luôn lớn hơn cái gọi là “Đảng”. Nó cho thấy kiểm duyệt chẳng có chút giá trị nào đối với tâm hồn và cảm thụ của người dân. Nó, cuối cùng, cho thấy một điều lớn nhất mà muốn hay không cũng phải thừa nhận: nền văn hóa nào có tính vượt trội hơn thì nó thắng!

Internet và mạng xã hội đã hỗ trợ rất nhiều trong làn sóng hồi sinh văn hóa VNCH. Nhiều trang web sách cũ đã mọc ra. Các “fan page” sách VNCH, nhạc vàng, Sài Gòn xưa… cũng xuất hiện nhan nhản. Một khảo sát nhỏ cho thấy cụ thể hơn. Trong khi trang “Nhạc Đỏ chọn lọc” (facebook.com/nhacdochonloc/) có 72 người like và 81 follow thì trang “Nhạc Vàng” (facebook.com/nhacvang/) có 188.737 like và 209.515 follow (khảo sát được truy cập lúc 8 am giờ VN, ngày 26-4-2019).

Việt Nam sau “ngày thống nhất 1975” đã không thể giống miền Bắc sau 1945. Một Việt Nam cộng sản, dù rập khuôn mô hình chính trị Trung Quốc, đã không thể giống Trung Quốc. Chế độ cộng sản Việt Nam không thể biến người dân Việt Nam thành một “đám ngu dân” như cách cộng sản Trung Quốc muốn. Khi thống nhất đất nước, Trung Quốc chẳng có một “miền Nam dân chủ” nào cả. 
Nỗ lực bắt chước Trung Quốc, đối với cộng sản Việt Nam, là bất khả thi. 
Nền dân chủ non trẻ mà miền Nam thụ hưởng, sau “ngày thống nhất”, đã trở thành một thứ “kháng thể” giúp chống lại, bằng cách này cách kia, những áp đặt phi dân chủ và phi tự do, đặc biệt trong văn hóa. Yếu tố kháng thể này đã âm thầm lan rộng. Nó tạo ra những ảnh hưởng nhất định. Nó ngấm ngầm nhưng nó mạnh mẽ. Nó hồi sinh và nó phát triển tự nhiên. Không ai có thể chặn nổi luồng gió trong lành này. Nó tạo ảnh hưởng ngay cả trong hệ thống của chế độ toàn trị. Đã có lúc người ta “kiếm chuyện” bằng cách “đặt vấn đề” rằng “chiến trường anh bước đi là chiến trường nào” (trong ca khúc “Con đường xưa em đi” của nhạc sĩ Châu Kỳ) nhưng rồi cũng bất thành. Khi tuyên bố “cấp phép” cho ca khúc “Ly rượu mừng”, người ta chắc hẳn đã uống một ly cồn đắng nghét bởi phải đầu hàng trước sự tồn tại hiển nhiên không chỉ của một ca khúc mà cả một nền văn hóa.

Ánh sáng văn minh luôn lấn át bóng tối mọi rợ. Bản năng tự nhiên của con người là luôn tìm đến ánh sáng. Cho đến thời điểm này, khi mà sự tự do hát, tự do nghe, tự do xem, tự do đọc đã trở thành một sự bình thường đương nhiên, thì bất kỳ cản trở hay ngăn cấm nào cũng đều vô ích và vô vọng. Dù muốn hay không, chế độ cũng cần phải thừa nhận một tính chất chính trị căn bản: họ có thể cai trị độc tài nhưng họ phải hiểu, trong bất lực, rằng không có bất kỳ công cụ văn hóa “toàn năng” nào của nhà cầm quyền có thể “chọc mù mắt” và “bịt lỗ tai con người”!

......../.

GIẢI HUYỀN THOẠI CỘI NGUỒN NGƯỜI VIỆT




GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG: GIẢI HUYỀN THOẠI CỘI NGUỒN NGƯỜI VIỆT 




***



Công việc giải huyền thoại đã từng được làm một cách khoa học trên tinh thần giải cấu trúc (de-construction) bởi nhà kí hiệu học Pháp Roland Barthes. Phương pháp giải huyền thoại bắt đầu từ việc tháo dỡ các kí hiệu – biểu trưng đã được cố kết tưởng chừng bền vững trong hình thức của huyền thoại, từ đó truy tìm dấu vết của sự thực ẩn đằng sau hình thức ngụy tín của nó. 

Sự thực đó chính là những ý đồ của một loại hình diễn ngôn mà lâu nay người ta tin là của dân gian; trong khi chính F. Engels là người đầu tiên phát hiện đó chỉ là phát ngôn của kẻ chiến thắng, kẻ thống trị [3] và được M. Bakhtin hưởng ứng [1], Foucault gọi đó là diễn ngôn quyền lực [4]. Huyền thoại xác lập tín ngưỡng đồng thời cũng hình thành trật tự xã hội đầu tiên của loài người, nó tồn tại bền vững hơn mọi thứ trật tự của các loại hình chuyên chính, cho nên nó mang tính hai mặt: đẹp đẽ, cao cả và cũng đầy mưu toan.

1. Giỗ Tổ: lễ cúng hay hội hè?

Trong bản tin của VTV về ngày giỗ tổ Hùng Vương năm trước, tôi quan tâm đến 2 sự kiện, cũng là điểm nhấn có chủ đích của VTV: 1) sự kiện Cụ Tổng dâng hương xong bước ra vạch rào chắn chìa tay cho dân bắt, và 2) sự kiện các hotgirl mặc áo dây hở nách và quần đùi sát bẹn đi dự hội. Cả hai đều có ý nghĩa biểu đạt như những kí hiệu – biểu trưng. Sự kiện 1 được VTV ca ngợi như một vẻ đẹp thiêng liêng và cao cả, trong khi sự kiện 2 lại phê phán như một nét xấu, phi truyền thống của thanh niên hiện đại.
Dù muốn hay không, VTV cũng chỉ là cơ quan tuyên truyền của quyền lực, một điều tất nhiên của mọi bộ máy tuyên truyền, mặc dù lâu nay nó vẫn cố thoát danh vai trò công cụ của mình và tự đồng nhất với văn hóa đại chúng. Hai từ “thoát danh” và “tự đồng nhất” mượn của Roland Barthes khi giải huyền thoại tư sản [1].
Vì là công cụ của quyền lực, cho nên hiển nhiên VTV phải tuyên truyền có định hướng, đúng tôn chỉ để mang lại hiệu lực trong diễn ngôn của nó. Nó phải ngợi ca cái này và phê phán cái kia trong mục tiêu cần định hướng và cũng là trách nhiệm vinh quang của nó.
Tuy nhiên, một khi trách nhiệm vinh quang vượt qua rào chắn của mục tiêu định hướng đã làm nảy sinh nghịch lí nằm ngoài định hướng. Trong lúc nhắm vào sự ngợi ca hình ảnh cao cả của Cụ Tổng, VTV đã quên mất sự thiêng liêng của Cụ Tổ. Dâng hương Cụ Tổ là nội dung chính của lễ hội, nhưng không có hình ảnh nào ghi lại việc đám đông cả triệu người đến dự lễ để làm cái việc thiêng liêng cần làm. Hóa ra, hàng triệu người trào lên ào ào không phải để tranh nhau dâng hương cho người đã khuất mà để được nắm tay vị lãnh đạo khả kính đang sống với sự chi phối đến miếng cơm manh áo của mình. Đây không phải là suy diễn vô căn cứ, tùy tiện. Bởi vì, nếu là để dâng hương, người ta phải tôn trọng nghi thức tế lễ trong trật tự. Sự vô trật tự chỉ có thể là sản phẩm nằm ngoài mọi nghi thức truyền thống, sản phẩm của “văn hóa fan” hiện đại mà ta vẫn thường thấy.


Thế giới hiện đại vẫn có huyền thoại và vẫn có thần tượng, nhưng nó không cần những nghi thức tôn nghiêm. Và như vậy, huyền thoại về Cụ Tổ đã biến thành huyền thoại về Cụ Tổng. Người ta sẽ hết lời ngợi ca về sự gần gũi, giản dị, thân ái nhưng hết sức sang trọng và cao cả của một vị lãnh đạo tối cao như là vị Cha già tôn kính của mình. Trong toàn bộ bản tin của VTV, người ta chỉ nhìn thấy hình ảnh cao cả của Cụ Tổng mà quên mất sự thiêng liêng của các Cụ Tổ. Nói cách khác, hình ảnh lồng lộng của Cụ Tổng đã làm lu mờ cả 18 đời Cụ Tổ.
Giây phút “đứng hình” của ống kính về hình ảnh của Cụ Tổng đã đưa Cụ Tổng vào bất tử!


Đến đây, chúng ta không thể không móc nối sang sự kiện thứ 2. Nhìn clip, không thể phủ nhận đội quân của VTV, ngoài việc đi theo ghi hình Cụ Tổng còn có một đội quân phái sinh đi lùng ghi hình hotgirls. Tính chất đối lập nhị nguyên trong định hướng tuyên truyền thể hiện khá rõ: trong lúc ngợi ca cái này thì phải phê phán cái kia. Thay bằng ghi lại chi tiết sự mất trật tự của đám đông khi ào lên tranh nhau nắm tay Cụ Tổng thì họ phải đưa ống kính vào các cô gái ăn mặc hở hang không thuộc đám đông này. Trong clip, rõ ràng là những cô gái này thuộc Cái Khác, cái thiểu số và rất bên lề, bởi vì không thấy em nào tranh nhau chen vào nắm tay Cụ Tổng. Khi gạt nhóm thiểu số này ra ngoại biên, VTV lại đặc biệt quan tâm ngược lại đến chuyện dâng hương. Họ chặn đường, họ phỏng vấn cưỡng bức, rằng các em đến dâng hương Cụ Tổ mà tại sao ăn mặc hở hang thế này, các em không sợ tổ tiên trách phạt sao? Và thật chưng hửng khi các em nói hồn nhiên, rằng chúng em đi hội chứ không đi dâng hương!!!


Không dâng hương, tức chỉ đi hội thì không phải tuân theo nghi thức! Tính chất hiện đại sống động đã che mờ nghi thức truyền thống cổ kính.


Bất cứ sự hồn nhiên nào tự nó cũng biểu hiện đầy đủ sự chân thật nhất. Sự thật không có giỗ ai cả, vì tổ tiên chỉ cần ba đời trở lên đã không còn ai nhớ huống nữa là ông tổ trong mờ mịt. Ngày 10 tháng 3 chỉ là ngày hội do ai đó đặt ra (nhà Nguyễn chính thức công nhận vào năm 1917?) và thành tập tục để ngợi ca quyền lực. Và đáp lại là cả triệu người, lớn có bé có, kín đáo có, sexy có kéo nhau đến để vui chơi, còn sùng bái quyền lực hay không tùy thuộc vào động cơ vui chơi. Không khí hội hè là không khí bình đẳng không phân biệt. Việc nắm tay Cụ Tổng không theo nghi thức cũng tương đương như việc hotgirls ăn mặc mát mẻ không theo chuẩn mực nào. Tất cả đều là niềm vui. Khác chăng là bên này vui để mong có ân huệ hay may mắn, còn bên kia thì hoàn toàn vô tư!


2. Ai là Cụ Tổ?

Khẳng định nhanh và dứt khoát ngay từ đầu: Tổ là một ước lệ, một kiến tạo. Ước lệ này thường chỉ thấy ở một số dân tộc thích sùng bái quá khứ, lấy quá khứ đắp đổi cho hiện tại. Một khi ước lệ được hình thành lâu đời, người ta mặc nhiên đó là sự thật và không ai tra vấn, truy nguyên hoặc chứng minh, diễn giải thêm.

Nói cách khác, Tổ là một huyền thoại được tạo ra trong một thời điểm nào đó và bởi một nhu cầu nào đó, cụ thể là nhu cầu sùng bái quá khứ, sùng bái nòi giống, sùng bái cá nhân.


Do huyền thoại chỉ được xác tín mà không cần chứng minh, cho nên người Việt lâu nay vẫn mặc nhiên các vua Hùng là Cụ Tổ của mình. Vậy là ta có 18 đời Cụ Tổ theo phép dùng số 9 của nhà Phật nhân 2. Lạ lùng là 18 đời theo trật tự tuyến tính thì lẽ ra chỉ có một Cụ đầu tiên là Tổ, còn lại phải là con cháu mới phải. Người kể huyền thoại còn cố tình kéo dài cuộc đời và sự nghiệp các Cụ, mỗi Cụ trị vì từ 200 năm đến 700 năm để biến thành thời gian vĩnh cửu, ngôn ngữ truyền thống gọi là vạn tuế, ngôn ngữ hiện đại là muôn năm.


Tất nhiên, có kéo dài kiểu gì thì vẫn không thể lấp hết cái vô hạn của thời gian. Cho nên đến lúc trẻ con khi nghe chuyện cũng phải hỏi: Ai đã sinh ra các vua Hùng? Tôi tin là từng có câu hỏi loại này, cho nên, và cũng tất nhiên, người kể chuyện sẽ không khó trả lời khi nối dài thêm thời gian bằng cách đẩy lùi vào quá khứ xa hơn: đó là Lạc Long Quân và Âu Cơ. 


Vậy là các vua Hùng chỉ là Sơ Tổ? Cao Tổ được ấn định cho Lạc Long Quân và Âu Cơ. Vậy là cứ thế thêm vào một ngày giỗ nữa. Ngoài giỗ tổ Hùng Vương, dân Việt còn có ngày giỗ Tổ Mẫu Âu Cơ và Tổ Phụ Lạc Long Quân. Hết chuyện. Trẻ em thì không đủ sức hỏi thêm khi bị bắt nạt: Im đi, đừng có hỗn!

Nhưng mà này, Rồng, Tiên cũng chết hay sao mà có giỗ? 

Đây là chỗ huyền thoại tự nó bị mắc kẹt trong trò chơi của nó chứ không cần tra vấn thêm.

Mà có hỏi thêm thì người ta sẽ tỏ ra kiên nhẫn diễn giải, nào có Đế Lai, Lộc Tục, xa hơn nữa sẽ có Đế Minh, Đế Nghi, Viêm Đế Thần Nông… Như vậy, cao Tổ của người Việt là Viêm Đế Thần Nông. Còn tối Tổ là ai, tức trước đó nữa ai đã sinh ra ông thần này thì không thể biết. Mà mấy ông này thì quá xa lạ, ở đâu bên kia giới tuyến, tận lưu vực sông Hoàng Hà, cho nên khỏi giỗ, mặc dù Tổ này còn nguyên thủy hơn Tổ Phụ và Tổ Mẫu được giỗ. Không chấp nhận chơi trò truy vấn đến cùng, huyền thoại phủ lên câu chuyện của mình một lớp sương mù dày đặc, thế là xong.


Như vậy, đúng nghĩa Tổ Tiên với tư cách là người đầu tiên sinh ra chúng ta phải là… không ai cả!


Chẳng qua người này liên tục thay thế cho người kia trong chuỗi vô hạn của thời gian. Cho nên Cụ Hồ rất thông minh khi đặt vấn đề bình đẳng quan hệ xưa nay: các Vua Hùng có công dựng nước, con cháu chúng ta có công giữ nước. Chẳng phải khi Tố Hữu viết: “Bác Hồ là vị Cha chung…” các nhà thơ và mọi người đã mặc định Bác cũng là Tổ đó sao? Rõ ràng, đến một lúc nào đó, chính chúng ta bị đẩy lùi vào quá khứ và thế hệ chúng ta ắt thành Tổ của con cháu sau này. Tất nhiên, không phải ai cũng thành Tổ mà phải là người được lựa chọn, nói theo dân gian là “so bó đũa chọn cột cờ”. Người đó thường là người đứng đầu được sùng bái. Biết đâu sau này Cụ Tổng thành Cụ Tổ, điều này không có gì trái với logic huyền thoại.


Huyền thoại kiến tạo lịch sử nhưng cũng chơi trò phá hủy lịch sử. Về mặt thời gian là chuỗi nối tiếp, nhưng về mặt không gian là sự đè lấp lên nhau. Bề ngoài tưởng cái sau kế thừa cái trước nhưng thực chất là xóa mờ, tiêu hủy cái trước. Trong lúc nhấn mạnh vào các Vua Hùng, nó phải hủy vết tích trước đó là ai sinh ra các Vua Hùng. Lạc Long Quân, Âu Cơ chỉ còn là vết mờ để bào chữa cho một khiếm khuyết, và cứ thế, trước Lạc Long Quân, Âu Cơ là ai nữa thì bắt đầu ngộ nhận và rơi vào tận cùng mờ mịt!


Giải huyền thoại, theo R. Barthes, không đồng nghĩa với phá bỏ lịch sử, mà khôi phục lịch sử, làm hiện ra các vết mờ ẩn giấu bên trong trò chơi kiến tạo của nó.


Nhưng lịch sử là cái gì vậy? Nó là sự thật, nhưng chẳng là gì cả. Bởi vì sự thật lịch sử luôn là miếng mồi của huyền thoại, nó bị lợi dụng và bị nuốt chửng trong cõi huyền ảo mông lung. Sự thật thường dễ bị tiêu hóa, bay hơi, trong khi huyền thoại thì tồn tại lâu bền trước khi bị huyền thoại sau đó đè lấp.


Việc VTV nhấn mạnh hình ảnh nổi bật của Cụ Tổng trong lễ hội Đền Hùng dự báo mấy ngàn năm sau các Vua Hùng sẽ bị mờ nhạt hay lãng quên hẳn là một tất yếu. Không chỉ là trò chơi huyền thoại mà xét đến cùng, cuộc sống cũng vận động theo cách ấy. Tôi dám chắc số đông đi dự hội quan tâm về Cụ Tổng hơn là dâng hương cho Cụ Tổ. Họ cần Cụ Tổng hơn, vì đó là miếng cơm manh áo, và cũng là lí tưởng của thời đại.


3. Vì sao trăm đứa con của Tổ Mẫu Âu Cơ đều là trai?

Ở phần 2 tôi nhấn mạnh: Huyền thoại kiến tạo lịch sử nhưng cũng chơi trò phá hủy lịch sử. Cái ra đời sau đè lấp lên cái trước, xóa mờ, tiêu hủy tất cả để cưỡng lại sự truy nguyên. Hệ quả, nó xác tín một sự thật không thể bàn cãi, rằng đó là sự thật và người nghe không cần, thậm chí không được phép điều tra sự thật.
Phải cả nghìn năm qua, người ta tin tưởng và tự hào về nòi giống Rồng Tiên của mình thì huyền thoại về cái bọc trứng mới tồn tại lâu bền đến cỡ… không ai dám giải thiêng.


Bây giờ thử đặt câu hỏi: Vì sao một trăm đứa con của Tổ Mẫu Âu Cơ đều toàn là con trai?


Cứ cho cái thời hồng hoang ấy, Rồng Tiên thì phải đẻ trứng như khủng long là hợp lí đi, nhưng một trăm đứa con trai được nở ra từ một bọc đó được cho là những người Việt đầu tiên thì thật vô lí, trừ phi những người này lưỡng tính. Chẳng lẽ họ tự lấy nhau rồi sinh con đẻ cái về sau?
Phân tâm học sẽ giải thích phức cảm Oedipus trong cái chi tiết 100 cái trứng vừa đẻ ra đã bị cha mẹ ruồng bỏ và vứt ra ngoài đồng. Và khi một trăm đứa con trai nở ra giữa đồng ruộng kia được quay về với cha mẹ, giống như Oedipus về lại thành Thebes, thì cái bầy đàn được gọi là gia đình đầu tiên ấy buộc phải tan rã và chia ly: Âu Cơ mang 50 người con lên núi, Lạc Long Quân mang 50 người con xuống biển. 50 người con trai theo Âu Cơ thành vua Hùng và các Lạc tướng, gọi là Tổ của người Việt. Trong khi 50 người con theo Lạc Long Quân về biển thì hoàn toàn vô tăm tích. 


Nếu không có một sự thật nào khác thì chỉ có thể giải thích bằng nguyên lí quần hôn tạp hôn nguyên thủy: những đứa con trai theo mẹ đã lấy lại mẹ mình để duy trì nòi giống. Trong thời kì quần hôn tạp hôn, người mẹ đồng thời là người vợ, sự thay thế vai trò người cha trần tục bởi những đứa con khi đã trưởng thành là một tất yếu. Lạc Long Quân và những đứa con theo cha mất tích hẳn trong huyền thoại là cả một vùng mờ ảo nhằm che giấu sự thật về cuộc tranh chấp tương tàn trong bối cảnh quần hôn tạp hôn. 
Kết quả, Lạc Long Quân chỉ còn tồn tại như một người cha nguyên thủy: vừa bị phế truất vừa được tôn kính; người cha trần tục chuyển thành người cha thần thánh thiêng liêng mà mỗi khi gặp nạn mẹ con Âu Cơ phải hú hồn cha phù trợ.

Nếu không chấp nhận giải thích bằng Phân tâm học đầy vẻ khắc nghiệt theo bi kịch Oedipus như thế thì vẫn còn lối thoát cho một cách giải thích khác. Huyền thoại che giấu sự thật nhưng vẫn lộ ra các vết mờ của sự thật. 

Rành rành là trong huyền thoại này nói, trước khi Lạc Long Quân và Âu Cơ đến đây lấy nhau, mảnh đất này đã từng có con người sinh sống chứ không hề là đất hoang. Huyền thoại khoe chuyện Lạc Long Quân đánh quái vật cứu dân chài, dạy dân làm nhà sàn chống thú dữ, Âu Cơ dạy dân trồng trọt, hái lượm. Vậy những người dân ấy là ai? 

Rõ là cả Lạc Long Quân lẫn Âu Cơ không phải là người sở tại. Lạc Long Quân gốc ở Động Đình, Hồ Nam, Âu Cơ con của Đế Lai theo đoàn quân từ tận phương Bắc tràn xuống. Đó có phải là sự thật lịch sử mà dư ảnh là những cuộc xâm lăng đã hắt bóng lên huyền thoại?

Điều này càng khẳng định chắc chắn Tổ tiên của người Việt, trên chính đất Việt này, không phải là 2 vị Tổ Mẫu Tổ Phụ kia!


Và cũng khẳng định chắc chắn luôn, huyền thoại cái bọc trứng sâu xa không phải là huyền thoại của chính người Việt sở tại.

Không ai hỏi tại sao thời Hùng chưa có chữ viết mà tên các ông toàn mang chữ nghĩa Tàu: Hùng Hiền Vương, Hùng Lân Vương, Hùng Vũ Vương… Tôi chắc chắn huyền thoại này đã được sáng chế xa lắm là từ trong lần Bắc thuộc đầu tiên, tức sau Sĩ Nhiếp.

Huyền thoại là sản phẩm của kẻ mạnh áp đặt lên kẻ yếu. Nó chỉ mang lại niềm tin ngây thơ chứ không là sản phẩm của tư duy ngây thơ. Cái gọi là dân gian chỉ là cái loa tuyên truyền khi lòng tin ngây thơ bị đánh cắp.

Điều này có thể có một cách cắt nghĩa khác về một sự kiến tạo vô lí của cái bọc trứng nở ra toàn con trai. Nếu không phải lấy lại mẹ mình theo lẽ quần hôn tạp hôn thì chắc chắn là họ lấy vợ, sinh con với người dân sở tại để đẻ ra những đứa con mà huyền thoại đã trộn chung thành một dòng máu với cái họ được gọi là họ Hùng. 


Cuộc phối hôn này cho thấy bản sắc là cái gì rất khó nhận ra.

Đó là chưa nói ngọc phả còn ghi mỗi ông Hùng có đến gần trăm bà vợ, không phải là dấu tích của thời bọn đàn ông bắt đàn bà sở tại làm nô lệ tình dục mà F. Engels đã nói khi phân tích thời đại anh hùng ca? [3]. Dấu ấn phụ quyền hay chủ nghĩa duy dương vật (phallocentrism) cùng với chiến tranh xâm lăng in đậm lên huyền thoại đã đè lấp, tiêu hủy vai trò lịch sử của người phụ nữ và người dân sở tại, những Tổ tiên thật sự của người Việt. 
Cái bọc trứng của Rồng Tiên kia phải được bịa ra là nở toàn con trai, mang họ phương Bắc để đảm bảo một khả năng toàn trị cha truyền con nối. Những đứa con được phong Lạc hầu, Lạc tướng trấn giữ khắp nơi để “nuôi dạy” và “thuần phục” con dân Việt là cái mà huyền thoại tự để lộ ra, dù là một vết mờ sau vẻ đẹp tổng thể của một hình thức hoàn hảo: vẻ đẹp hòa hợp của hai chữ đồng bào, không phân biệt Nam/ Bắc.

Mưu toan tạo ra sự hòa hợp Nam Bắc, đúng hơn là tuân phục Thiên triều, huyền thoại đã chấp nhận để lộ ra cái lẽ ra cần giấu kín như một nguyên tắc cấm kị: hôn nhân cùng huyết thống. Ngay từ đầu, Lạc Long Quân lấy Âu Cơ đã là vi phạm cấm kị (taboo) – lấy người cháu ruột của mình. Mặc cảm loạn luân mới là lí do thật của cuộc chia ly, còn “Ta nòi Rồng dưới nước, nàng giống Tiên trên trời không thể sống cùng nhau” chỉ là lí do giả.


Cho rằng Tổ mẫu Âu Cơ là biểu tượng cho văn hóa nữ tính, thậm chí có người còn khẳng định đó là dấu ấn mẫu hệ hay mẫu quyền là một ngộ nhận. Sự thực, trong huyền thoại này, Âu Cơ chỉ thực hiện mỗi chức năng sinh đẻ và nuôi con, còn những gì to tát đều phải cậy nhờ quyền lực đàn ông mà biểu tượng là Lạc Long Quân tồn tại như chỗ dựa tinh thần và sau đó là những đứa con trai lấy họ Hùng nối nghiệp muôn đời.

Huyền thoại cấp cho con người bằng da bằng thịt một uy quyền tuyệt đối bằng cách khoác lên màu sắc thần quyền: 100 đứa con trai mang họ Hùng ấy thuộc nòi giống con Rồng cháu Tiên, tức mang sức mạnh vô địch của Thiên tử. Điều ấy có ý nghĩa tiêu hủy hoàn toàn những cuộc phản kháng. Đám dân sở tại từ chính cư trở thành ngụ cư, bị thống trị vĩnh viễn.

Con Rồng cháu Tiên ban đầu chỉ là huyễn tưởng của giới cầm quyền, sau đó được dân gian hóa thành huyễn tưởng của cả dân tộc. Huyễn tưởng này một thời đẩy giới cầm quyền tự tôn về nguồn gốc thần thánh (Thiên tử – con Trời), sau đó ru ngủ nhân dân trong cái bọc trứng ấm áp dưới sự chở che của Thiên tử bản địa lẫn Thiên triều ngoại bang. 


Giống như Minh Trị Thiên Hoàng từng huyễn tưởng về nguồn gốc chí tôn Amaterasu (天照, Thiên Chiếu) của mình, lấy Thần Đạo làm quốc giáo để thống trị dân đen và đòi thống trị thế giới. Phải đợi đến khi bại hoại trong Thế chiến thứ 2, Thiên hoàng Hirohito mới chính thức cúi đầu tuyên thệ trước quốc dân đồng bào trong bản Tuyên ngôn Nhân gian (人間宣言, Ningen-sengen), chấp nhận từ bỏ quan niệm về sự thần thánh hóa gia tộc của mình. 
Bốn triệu tín đồ Thần Đạo thời ấy đành chấp nhận sự thật xác thịt trong hình hài con người, dù là hoàng tộc, và tuyên bố quan hệ của Vua với Dân không dựa trên một tư tưởng thần thoại học nào cả mà dựa trên sự tin cậy phát triển như một gia đình mang tính lịch sử (*). 

Không giải huyền thoại, không có nước Nhật văn minh, hòa bình và dân chủ. Tự trọng khác hẳn với tự tôn, tự đại.

Huyền thoại cái bọc trứng của người Việt tưởng đào sâu vào cội nguồn, nhưng hóa ra là sản phẩm vong thân, bị đồng hóa và đầy mặc cảm của một dân tộc bị cưỡng hiếp.


Cái bọc trứng là một sáng tạo hoàn hảo cho một chiến lược diễn ngôn: nó pha chế giữa những khác biệt: người và vật, thần tiên và người phàm, phương Bắc và phương Nam, ngoại bang và nội cư để đi đến một sự thống nhất thành đại cục. Mọi sự phản kháng, chia rẽ đều có thể bị quy kết thành thù địch, thậm chí phản cội nguồn!


Cần nhắc lại, giải huyền thoại không đồng nghĩa với bôi nhọ lịch sử, lật đổ thần tượng mà làm sáng tỏ lịch sử, trả thần tượng về với đời thường trần tục, vạch rõ trò chơi kiến tạo trong thế giới ảo gọi là lịch sử – văn hóa của loài người để bắt đầu một kiến tạo mới hợp lí hơn thay cho kiến tạo cũ đã lỗi thời. Hủy gắn với Tạo (De-construction) như một động lực của sự phát triển.


Chu Mộng Long
Viết xong vào mùa xuân 2016, sửa chữa 2017
————————————————
1. M. Bakhtin (Từ Thị Loan dịch) (2006), Francois Rabelairs và nền văn hóa dân gian Trung cổ và Phục hưng, Khoa học xã hội.
2. R. Barthes (Phùng Văn Tửu dịch) (2008), Những huyền thoại, Tri thức.
3. F. Engels (1884), Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước, https://www.marxists.org/vietnamese/index.htm
4. M. Foucault (2004), The Archaeology of Knowledge, trans. Sheridan Smith, A.M.,Tavistock, London.
---------------------------------------------------
(*) Đoạn kết của Tuyên ngôn Nhân gian (theo Wikipedia):
“ 朕ト爾等國民トノ間ノ紐帯ハ、終始相互ノ信頼ト敬愛トニ依リテ結バレ、單ナル神話ト傳説トニ依リテ生ゼルモノニ非ズ。天皇ヲ以テ現御神トシ、且日本國民ヲ以テ他ノ民族ニ優越セル民族ニシテ、延テ世界ヲ支配スベキ運命ヲ有ストノ架空ナル觀念ニ基クモノニモ非ズ。 ”
“The ties between Us and Our people have always stood upon mutual trust and affection. They do not depend upon mere legends and myths. They are not predicated on the false conception that the Emperor is divine, and that the Japanese people are superior to other races and fated to rule the world".
Tạm dịch:
“Mối quan hệ giữa Trẫm và các thần dân luôn luôn là dựa vào lòng tin và sự thương yêu lẫn nhau, chớ không phải dựa vào các huyền thoại và dị đoan. Quả nhân xin khẳng định rằng quan niệm về hoàng đế là thần thánh và người Nhật Bản là dân tộc siêu hạng so với các dân tộc khác và có trọng trách là thống trị thế giới này là một quan niệm sai lầm".
............./.

Ta Lính Miền Nam

Ta Lính Miền Nam




Ta trở về, giáp mặt chiến tranh
Ðồi cháy lửa mặt trời nhuộm đỏ
Thau rượu đế mừng ta thằng lính sữa
Dzô ông thầy ! hữu sự có thằng em

Trung đội ta về, hai mươi mấy thằng con
Thằng trai miền Nam hề , sinh thời ly loạn
Ðứa gốc Kinh, đứa Nùng, đứa Thượng
Ðứa độc thân, đứa con vợ đề đùm
Ðứa gốc nhảy dù , đứa gốc đào binh
Ðứa ăn chay trường , đứa thèm thịt chó

Ta ra trường núi sông nghiêng ngửa
Tập chửi thề, gái , rượu, xung phong
Hàng trang ta là lựu đạn dao găm
Thêm tuổi trẻ ta già như quả đất
Thêm một trái tim ngự đầy Chúa Phật
Thêm một cõi lòng tràn ngập quê hương

Khi đánh nhau, thắng bại lẽ thường
Chỉ mong đàn con bình an vô sự
Chỉ mong trở về gặp nhau đụng rượu
Lỡ chết rồi hồn cũng thoát thành men

Ta cần gì giáp sắt che thân
Gánh gì đồ chiến tranh cho nặng
Trên đầu ta mũ rừng nhẹ hẩ~ng
Trong túi ta một gói thuốc chuồn
Bắt tù binh mời điếu thuốc thơm
Ðể thấy miền Nam lính hiền ghê gớm

Mấy năm trời giày da vẹt gót
Ngày lãnh lương về chợ dưỡng quân
Cám ơn những nàng má phấn môi son
Yêu ta vội vàng trước khi tiếp Mỹ
Con gái tiểu thư mơ toàn hoàng tử
Còn ai chia giùm ta con rận hành quân ?

Ta lính miền Nam hề, gốc nho phong
Không chiến tranh cũng thành đốc tờ,đốc tiếc
Thời thế đẩy đưa ta làm lính chiến
Mang nỗi buồn như rừng lá khai quang
Ta đứng giữa trời bốn phía rưng rưng

Em mười lăm đi làm đĩ Mỹ
Thằng nhỏ mười ba học đòi sát ngụy
Ma quỉ phương ngoài học xẻ Trường Sơn
Ðất nước ta , cường quốc bán buôn
Hậu phương ăn chơi biểu tình đảo chánh
Lúc đồng đội ta sống lên chết xuống
Một đám ở nhà nhảy nhót thâu đêm
Lãnh chúa ta thì ăn trước ngồi trên
Hùng hổ lắm nhưng mạt hèn cũng lắm ...

Khóa của ta
Trên mấy trăm thằng tình nguyện
Ði nhảy dù, thủy bộ, thám báo " ác ôn "
Ðứng đợi cả ngày để bốc lá thăm
Toàn thứ dữ mà vui như chợ tết
Có đứa mang bằng kỹ sư về nước
Chọn cọp ba đầu rằn làm lính tiền phong
Ta lính miền Nam hề,vận nước ngửa nghiêng
Ta cũng lênh đênh cùng cơn mạt kiếp
Ta trèo lên cây hỏi rừng cho biết
một nơi nào hơn ở Việt Nam ?
Có người lính nào bi tráng hơn lính miền Nam ?


Trần Hoài Thư