dự án đào kinh Phù Nam - Techo của Campuchia

 

Trương Nhân Tuấn :

Vì sao Việt Nam cần lo ngại nhiều hơn đối với dự án
đào kinh Phù Nam - Techo của Campuchia?



Bởi vì, thứ nhứt, con kinh này sẽ mở đường cho nước sông Cửu Long đổ ra vịnh Thái Lan, thay vì đổ ra Biển Đông như hiện trạng. Hệ quả hai sông Tiền và Hậu sẽ cạn nước. Nước biển sẽ ngược sông tràn vào sâu trong đất liền, có thể tới Cần Thơ hay Hồng Ngự, tùy theo mức thủy triều. Điều này xảy ra, toàn bộ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ bị ngập mặn. Có thể 90% đất vườn và đất ruộng sẽ không còn sử dụng được.

Thứ hai, về an ninh. Con kinh Phù Nam - Techo là một phần của dự án "vành đai kinh tế và con đường tơ lụa" của Trung Quốc. Con kinh hoàn tất, từ Nam Vang sẽ có hai đường chở hàng (Trung Quốc) ra biển: Đường cao tốc và đường thủy. Căn cứ Ream được Trung Quốc đầu tư và xây dựng từ hai năm nay có mục đích bảo đảm an ninh cho dự án. Bước cuối cùng của dự án "Vành đai - con đường" (đoạn Vân Nam ra biển) là đào con kinh Kra, nối Vịnh Thái Lan và Ấn Độ Dương.

Việt Nam vì vậy có tới ba nỗi lo: ĐBSCL bị bức tử vì thiếu nước ngọt và nước biển xâm thực. Một cuộc di cư khổng lồ, có thể trên 20 triệu người từ miền Nam ra các tỉnh miền Trung và Bắc. Kinh tế Việt Nam sẽ bị lụn bại, do vựa lúa và đất vườn cây trái ĐBSCL bị hủy diệt. Hệ quả cuối cùng, an ninh quốc gia của Việt Nam sẽ bị vô hiệu hóa. Việt Nam sẽ trở thành một "phiên bang" hạng chót của Trung Quốc, đứng sau cả Campuchia và Lào.


***
Hà Lệ Chi/ RFA:

Vì sao Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ chết

Con sông huyết mạch của Đông Nam Á
Mekong là con sông huyết mạch trọng yếu ở khu vực Đông Nam Á. Đây là con sông dài nhất Đông Nam Á, với chiều dài xấp xỉ 4.800 km. Sông Mekong khởi nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, chảy qua sáu quốc gia (Bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam) và đổ ra Biển Đông.
Tiểu vùng sông Mekong mở rộng là khu vực kinh tế tự nhiên bao quanh sông Mekong, có diện tích 2,6 triệu km2 với dân số khoảng 339 triệu người. Tổng diện tích lưu vực sông Mekong là 795.000 km2, là nơi sinh sống của khoảng 60 triệu người, sinh kế của 80% trong số họ phụ thuộc vào dòng sông này. Được coi là một trong những lưu vực sông đa dạng sinh học nhất trên thế giới, lưu vực sông Mekong cũng là một trong những khu vực đất canh tác màu mỡ nhất.
Mực nước sông Mekong thời gian gần đây đã xuống thấp tới mức chưa từng có trong lịch sử, khiến kinh tế và nông nghiệp các nước hạ lưu chịu tác động nghiêm trọng. Năm 2019, một đợt hạn hán kéo dài ở miền Nam Trung Quốc và lục địa Đông Nam Á đã khiến mực nước ở sông Mekong hạ xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua.

Năm 2019 và 2020, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mực nước đã giảm xuống mức thấp nhất trong 100 năm trở lại đây. Lượng nước chảy vào đồng bằng ít đi trong khi mực nước biển lại dâng cao, làm tăng độ mặn của đất trồng trọt. Do đó, diện tích dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp.

Mực nước thấp là vấn đề nguy hiểm đối với các quốc gia thuộc khu vực hạ lưu như Việt Nam và Campuchia. Mực nước thấp tác động tiêu cực đến các khu vực phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các vùng trồng lúa. Hậu quả là năng suất lúa gạo của ĐBSCL đã suy giảm rất lớn. Trong khi đó, Đồng bằng Sông Cửu Long là “vựa lúa” lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam, 17,3 triệu dân của vùng đồng bằng sông Cửu Long sản xuất hơn một nửa số gạo của Việt Nam; gần 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đến từ vùng này.

Ủy hội sông Mekong (MRC) ngày 7/8/2020 công bố một bản báo cáo, trong đó nêu rõ tình trạng khô cạn và hạn hán trên sông Mekong trong năm có liên quan đến lưu lượng xả nước ở mức thấp của các con đập thủy lợi và sự vận hành của các nhà máy thủy điện trên sông Mekong.

Do các đặc điểm độc đáo trên, khu vực này đang ở trong tình trạng rất dễ bị tổn thương.

Các con đập mà Trung Quốc, Lào và Campuchia đang xây dựng ở thượng nguồn đã chặn nước, giữ lại phù sa và cản trở sự di chuyển của cá. Các quốc gia hạ lưu theo truyền thống lấy khoảng 40% lượng nước của họ từ phần sông của Trung Quốc trong mùa khô và 18% trong mùa mưa, nhưng tỷ lệ đó đã giảm mạnh do các con đập ở thượng nguồn.

Sau năm 2020, lượng phù sa đổ vào ĐBSCL ước tính chỉ còn khoảng 1/3 của năm 2007. Theo một nghiên cứu năm 2018, các con đập cũng ngăn chặn sự di cư của cá và dự kiến sẽ gây ra sự sụt giảm thu nhập từ nghề cá ở các quốc gia phía Nam Trung Quốc lên tới 22,6 tỷ USD trong vòng 24 năm.

Chiếc đinh cuối cùng cho cỗ quan tài chôn vùi ĐBSCL

Mới đây, Campuchia đã quyết định cho đào một con kênh mang tên Phù Nam Techno.
Con kênh này dự kiến sẽ là tuyến đường thủy nối thủ đô Phnom Penh với tỉnh Kampot, qua sông Bassac. Tỉnh Kampot nằm ở phía nam Campuchia, có một mặt giáp với tỉnh Kiên Giang của Việt Nam, và một mặt giáp với vịnh Thái Lan. Dự án này sẽ vận chuyển hàng hoá đến và đi từ cảng Phnom Penh ra biển mà không cần phải trung chuyển qua Việt Nam.

Hôm 17-10, tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, Ủy ban liên bộ Campuchia do Phó thủ tướng Sun Chanthol đứng đầu đã ký kết thỏa thuận với đại diện Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) về dự thảo khung xây dựng kênh đào nối ra biển Phù Nam Techo.

Thỏa thuận này sẽ cho phép CRBC tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về tất cả các khía cạnh của dự án trong vòng tám tháng. Dự án kênh đào Phù Nam Techo ước tính sẽ tiêu tốn khoảng 1,7 tỷ USD và mất bốn năm để hoàn thành.

Campuchia cũng thông báo rõ ràng là các nghiên cứu thực hiện dự án kênh đào này sẽ do các công ty Trung Quốc thực hiện.
Theo nhận định ban đầu của các chuyên gia, việc Campuchia xây dựng kênh đào Phù Nam Techno này ra biển sẽ làm giảm lưu lượng nước trên dòng sông Hậu, điều này sẽ tác động đến ĐBSCL, khu vực đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn…

Brian Eyler - Một chuyên gia về Mekong và cũng là tác giả của cuốn sách “Những ngày cuối cùng của một dòng Mekong hùng vĩ”, đã nhận xét về tác động của kênh đào Phù nam Techno như “một chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài ĐBSCL”.



Chính phủ Việt Nam làm gì để cứu ĐBSCL?

Theo đánh giá sơ bộ, dự án sẽ gây tác động xuyên biên giới đến tài nguyên nước, môi trường, thuỷ sản, đa dạng sinh học, giao thông thuỷ, nông nghiệp, sinh kế, kinh tế xã hội vùng ĐBSCL.
Lo lắng trước những hậu quả tồi tệ cho dòng Mekong và ĐBSCL, nhiều nhà trí thức hải ngoại đã lên tiếng mạnh mẽ, yêu cầu Chính phủ Việt Nam cần có hành động cần thiết để cứu vãn tình thế.

“Với những hậu quả đã hiện rõ trước mắt nếu như giới chức Việt Nam vẫn tiếp tục thái độ bàng quang, duy trì các chính sách nông nghiệp, thủy lợi duy ý chí và lạc hậu, không cho người nông dân quyền tự quyết về việc “nuôi con gì, trồng cây gì” như hiện tại thì ngay khi “Đế chế Phù Nam” hoàn thành, người ta sẽ tận mắt chứng kiến sự tàn lụi của một vùng châu thổ giàu có ĐBSCL chỉ trong vài năm tới.

ĐBSCL đang gánh vác trách nhiệm an ninh lương thực, đảm bảo diện tích trồng lúa lớn. Người dân không có quyền trên thửa ruộng của họ và ngay cả việc bán sản phẩm lúa gạo cũng phải thông qua các công ty lương thực nhà nước hoặc các chủ vựa là người nhà của giới chức chính quyền”.

Mới đây, Học viện Ngoại giao đã tổ chức một Diễn đàn về Mekong tại TP.HCM. Diễn đàn này được cho là: “bên cạnh nỗ lực của kênh ngoại giao chính thức, các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp của giới chuyên gia, học giả sẽ góp phần hỗ trợ thực hiện các mục tiêu này. Hợp tác liên cơ chế, hành động tập thể, chia sẻ kiến thức và phối hợp chính sách là chìa khóa để thúc đẩy hợp tác hướng tới tương lai bền vững của tiểu vùng Mekong…”
Thêm nữa, báo chí cũng cho biết: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã giao Bộ TN&MT, Uỷ ban sông Mekong Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành và địa phương thu thập thông tin chi tiết về dự án, triển khai đánh giá tác động xuyên biên giới của dự án kênh đào Phù Nam Techno tới vùng ĐBSCL của Việt Nam.
Chính quyền Việt Nam thời gian qua đã bất lực trước việc Lào xây các con đập trên cả dòng chính và dòng nhánh sông Mekong. Và giờ đây chính phủ Việt Nam cũng sẽ bất lực trước dự án kênh đào này của Campuchia. Tuy nhiên điều đáng nói là không phải là Việt Nam không thể cứu vãn, mà chính vì chính sách bất nhất của chính phủ Việt Nam cùng với các nhóm lợi ích “tranh thủ lợi dụng” đã khiến Việt Nam tuyệt vọng trong vấn đề này như vậy.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Từ khi Lào quyết định xây một loạt đập thuỷ điện trên dòng chính Mekong, nổi bật trong đó là các đập Xayaburi, Donsahong… Đã nhiều nhà khoa học trong nước và thế giới cùng lên tiếng, yêu cầu Lào phải tôn trọng quy trình PNPCA được quy định rõ ràng trong Hiệp định Mekông 1995 mà Lào là một thành viên ký kết. Thế nhưng báo chí trong nước luôn giữ im lặng khi nhắc tới Lào, do Ban Tuyên giáo Trung ương có chỉ đạo là không được làm ảnh hưởng tới tình bạn với Lào. Trong khi Lào sẵn sàng phớt lờ lợi ích của hơn 20 triệu dân ĐBSCL khi bất chấp mọi ngăn cản để xây dựng các con đập thuỷ điện, và các công ty xây dựng các con đập này đều từ Trung Quốc.

Thêm nữa, mặc dù một số ban ngành ra sức kêu gọi can thiệp vào các dự án xây đập hoặc kênh đào Phù Nam Techno, nhưng Việt Nam thực sự không đủ sức mạnh và uy tín khiến Lào và Campuchia phải đắn đo khi thực hiện các dự án này, đơn giản là vì Việt Nam luôn tiếp tay cho các dự án này của Lào và Campuchia. Chính Việt Nam đã phớt lờ các quy định PNPCA của Hiệp định Mekông 1995 và lợi ích của hàng triệu người dân ĐBSCL thì cớ gì mà yêu cầu họ cân nhắc.

Năm 2019, dư luận Việt Nam bàng hoàng khi một tập đoàn lớn thuộc loại doanh nghiệp nhà nước lớn nhất nhì Việt Nam lại tham gia một dự án thuỷ điện trên dòng Mekong của Lào.

Đây cũng không phải là trường hợp duy nhất. Đầu năm nay, dư luận lại rúng động khi một tập đoàn tư nhân Việt Nam đã bí mật tham gia một dự án xây đập Sekong A tại Lào. Brian Eyler đã nhận xét: “tôi gọi dự án này là một hồi chuông báo tử cho nghề cá trên sông Mekong. Và theo nhiều cách, Việt Nam đang tự bắn vào chân mình bằng cách xây dựng con đập này ở Lào”.

Nhiều tổ chức quốc tế đã kêu gọi Việt Nam dừng các dự án này lại, nhưng các nhóm lợi ích cứ phớt lờ tất cả.
Và như mọi khi, các thông tin thực tế về tác hại của các dự án này sẽ không bao giờ tìm thấy trên báo chí Việt Nam.

Một mặt, một số ban ngành ở Việt Nam tìm cách can thiệp vào các dự án đập thuỷ điện ở Lào, tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn vô tư mua điện từ các dự án đập thuỷ điện đã tham gia vào việc bức tử ĐBSCL.

Tranh thủ lợi dụng

Không chỉ “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” trong hoạt động chính sách, nhiều nhóm lợi ích còn ngang nhiên lợi dụng tình trạng khó khăn, đã vẽ ra các dự án ma để trục lợi. Đơn cử như trường hợp đập Xayraburi. Bất lực khi không yêu cầu được Lào ngừng dự án. Theo quy định của Luật pháp quốc tế về sử dụng các nguồn nước, cũng như quy định tại Hiệp định Mekông 1995, Lào có nghĩa vụ phải thực hiện một báo cáo đánh giá tác động môi trường (EIA) trước khi thực hiện dự án xây đập. Tuy nhiên, Lào chỉ thực hiện EIA một cách qua loa, và chỉ đánh giá tác động môi trường cách đập Xayaburi chưa đầy 3km, trong khi ĐBSCL mới là nơi bị tác động nhiều nhất thì lại không được đánh giá.

Uỷ ban Sông Mekong Việt Nam cùng với Bộ Tài nguyên và Một trường (Bộ TN&MT) Việt Nam đã đề nghị với Chính phủ Việt Nam thuê một bên nước ngoài thực hiện EIA với kinh phí gần năm triệu USD. Phía Uỷ ban Sông Mekong Việt Nam và Bộ TN&MT khẳng định đây là nghiên cứu quan trọng để xác định tác động đến môi trường của ĐBSCL trước các dự án thuỷ điện của Lào.

Thế nhưng, kết quả đánh giá thì hỡi ôi. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Trân đã nêu rõ vấn đề này: “Trong hai lần phản biện của mình, tôi đã chỉ rõ năm điểm yếu cơ bản của nghiên cứu của DHI (phương pháp luận, mô hình hóa, số liệu, chế độ vận hành, hiểu biết thực tế) và đi đến kết luận là các kết quả và kết luận của công trình là không đáng tin cậy và tiềm ẩn hậu quả bất lợi khôn lường nếu được Chính phủ Việt Nam phê duyệt”.

Nói một cách ngắn gọn, đây chỉ là dự án Bộ TN&MT cùng với Uỷ ban Sông Mekong Việt Nam vẽ ra để trục lợi mà thôi.

Với những chính sách “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như vậy, cộng với việc tham nhũng chính sách, thì ĐBSCL sẽ chết chỉ là chuyện sớm hay muộn mà thôi.

_____
Tham khảo:
* Tác giả Hà Lệ Chi là một nhà nghiên cứu độc lập, đã tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế ở Úc. Hà Lệ Chi đã có thời gian làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam. Hiện tác giả đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Diện mạo của một kiểu ‘do dân, vì dân’

Diện mạo của một kiểu ‘do dân, vì dân’

_______

Trân Văn / VOA
***

TRONG KHI NHỮNG BÁO CÁO VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI CÀNG NGÀY CÀNG... LUNG LINH THÌ TẤT CẢ CÁC GIỚI CÀNG NGÀY CÀNG CHẬT VẬT.

Trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Văn Luông, tọa lạc ở quận 6, TP.HCM đã nhận được khoảng 200 triệu đồng, khoản tiền đủ để trang trải chi phí bảo hiểm y tế (BHYT) trong năm 2024 cho khoảng 300 học sinh. Đó là kết quả của đợt vận động nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay.

Cách nay chừng mươi ngày, Ban Giám hiệu (BGH) THCS Nguyễn Văn Luông gửi thư ngỏ cho phụ huynh và các doanh nghiệp thường ủng hộ trường để cho biết, tại trường đang có 89 đứa trẻ mà gia cảnh khó khăn đến mức phụ huynh không thể trả nổi khoản phí bảo hiểm y tế (BHYT) là 680.400 đồng. Do trường thường được tặng hoa, bánh vào Ngày Nhà giáo Việt Nam (20 tháng 11 hàng năm) mà hoa đẹp và bánh ngon chỉ có giá trị sử dụng trong một ngày, rất phí phạm, nên năm nay, BGH THCS Nguyễn Văn Luông đề nghị được đổi hiện vật thành hiện kim để giúp những được trẻ có gia cảnh khó khăn trang trải chi phí BHYT.

Ông Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng THCS Nguyễn Văn Luông, kể với báo giới, trường chỉ mong nhận được sự ủng hộ đủ để giúp 89 đứa trẻ, không dè mức độ ủng hộ lại nhiều như đã kể.

Theo lời ông Cường, trước kia, số học sinh có gia cảnh khó khăn đến mức đó không nhiều nên giáo viên tự nguyện đóng góp hỗ trợ học sinh song năm nay, số trẻ có gia cảnh khó khăn tăng vọt, nhiều phụ huynh chấp nhận để con không có BHYT, những phụ huynh khác thì xin được trả góp...

Khi đã nhận đủ tiền để mua BHYT cho 89 đứa trẻ, trường đã thông báo ngưng nhận ủng hộ nhưng nhiều phụ huynh phản đối, thành ra trường sẽ dùng khoản còn dư để chăm sóc những học sinh nghèo vào dịp Tết sắp tới.

***
Trong khi những báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội càng ngày càng... lung linh thì tất cả các giới càng ngày càng chật vật.

Doanh nghiệp tiếp tục ngừng hoặc thu hẹp hoạt động, sản xuất đình đốn, dịch vụ ế ẩm, thất nghiệp càng ngày càng cao.

Vì sao “kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực”, rồi “kinh tế - xã hội Việt Nam như một ngôi sao ngược gió, có xu hướng phục hồi tích cực so với thế giới” nhưng các trung tâm thương mại, các khu phố thương mại trên toàn quốc vắng vẻ, đìu hiu, thậm chí tự khai tử vì mãi lực quá thấp?

Bởi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không có bất kỳ giải pháp thiết thực nào để hỗ trợ doanh giới, ổn định dân sinh nên mới có những sự kiện như chuyện vừa xảy ra tại THCS Nguyễn Văn Luông – giáo viên không còn sức hỗ trợ chi phí BHYT cho những đứa trẻ có gia cảnh khó khăn vì số lượng những đứa trẻ như vậy càng ngày càng nhiều.

Điều duy nhất mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền quan tâm vẫn chỉ là thúc ép toàn hệ thống phải giải ngân cho bằng được 711 ngàn tỉ đồng vốn đầu tư công của năm nay vì... “giải ngân vốn đầu tư công tăng 1% so với năm trước sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,06%, nếu năm nay giải ngân được 95% kế hoạch vốn đầu tư công thì sẽ thúc GDP tăng thêm 1,3%”, bất kể “nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân dưới mức trung bình cả nước, thậm chí xin trả lại vốn kế hoạch năm 2023” vì “hệ quả của quy trình phân bổ vốn đầu tư dàn trải theo phương châm ‘cả làng cùng vui’ mà chưa để ý tới thực trạng về môi trường pháp lý, thể chế, năng lực và khả năng hấp thụ vốn đầu tư của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công” và với những yếu tố như thế, chắc chắn vài năm nữa sẽ có thêm hàng loạt đại án ngàn tỉ sau khi kinh tế - xã hội điêu đứng, chưa thể gượng dậy vì những đại án ngàn tỉ để ông Nguyễn Tấn Dũng lập thành tích tăng trưởng GDP.


Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn say sưa đuổi theo chỉ tiêu tăng trưởng GDP dù dân chúng vẫn còn còng lưng gánh hậu quả của những chuyện như bất kể giá dầu thế giới đang giảm vẫn ép ngành dầu khí phải khai thác thêm một triệu tấn dầu, bất kể đang ứ đọng chín triệu tấn than vẫn ép tập đoàn than – khoáng sản khai thác thêm than để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP dù lỗ nặng .

Không chỉ cách nay mươi năm mới thế mà giờ cũng vậy.

Đầu tháng này, bất kể không ít đại biểu băn khoăn vì cả kinh tế lẫn dân sinh đang đối diện với vô số vấn nạn nan giải, quốc hội vẫn nhất trí cao trong việc ấn định chỉ tiêu tăng trưởng năm tới - GDP phải đạt từ 6% đến 6,5% .

***

Khi năm mới cận kề, báo chí Nam Hàn nhắc lại một quyết định sắp có hiệu lực của chính phủ Nam Hàn:

Từ 1/1/2024, trợ cấp cho trẻ dưới một tuổi sẽ tăng từ 700.000 Won (khoảng 540 Mỹ kim)/tháng thành 1.000.000 Won (khoảng 744 Mỹ kim)/tháng.
Trợ cấp cho trẻ từ 12 tháng đến 23 tháng sẽ tăng từ 350.000 Won (khoảng 270 USD)/tháng 500.000 Won (khoảng387 USD)/tháng

(😎. Tiêu chuẩn xác định gia đình đông con cũng đã được điều chỉnh từ ba con xuống còn hai con, nghĩa là nếu có hai con sẽ được ưu đãi khi mua nhà, mua xe, được giảm giá khi mua vé sử dụng các dịch vụ do nhà nước cung cấp như tham quan bảo tàng, vào nhà hát quốc gia.
Nam Hàn đặt định và liên tục điều chỉnh chính sách hỗ trợ việc nuôi dạy con vì kinh tế - xã hội bị đe dọa bởi tình trạng sinh suất giảm, dân số bị già hóa, thiếu nhân lực.

Vì sao Việt Nam đang đối diện với vấn nạn tương tự nhưng không làm gì để khuyến sinh cả, thậm chí giáo giới phải hy sinh hoa, bánh để những đứa trẻ còn trong độ tuổi thiếu niên có BHYT?

Chẳng lẽ dân chủ gấp ngàn lần tư bản là “sống chết mặc bay”, là thản nhiên duy trì thực trạng nghèo khổ không chỉ đồng nghĩa với thiếu cơm ăn, áo mặc mà còn bị tước bỏ cơ hội thụ hưởng phúc lợi giáo dục, y tế và cơ hội được làm cha, làm mẹ bởi không đủ sức kham gánh nặng nuôi dạy con cái? .............../.


NGHÈO ĐÓI BIẾNG LƯỜI XẤU XÍ

 NGHÈO ĐÓI BIẾNG LƯỜI XẤU XÍ

Nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật thích viết rằng những người làm tranh Đông Hồ chỉ là những người nông dân lúc rỗi rãi thì vẽ thêm tranh. Trong thực tế thì không hẳn vậy. Nghề làm ruộng ở Đông Hồ đã mất từ lâu, làng có ruộng nhưng toàn nhờ người các làng khác cấy gặt .

Thế tại sao giới nghiên cứu nghệ thuật cứ viết khơi khơi như vậy? Mục đích của họ cốt cho người ta thấy nghệ thuật ở VN “gắn liền với đời sống“.

Có biết đâu làm thế chỉ là một cách tốt nhất để phô ra một sự thật: trong xã hội VN, người ta sống và làm việc thiếu chuyên nghiệp.

Kỹ thuật cổ lỗ. Sự phân công lao động được chăng hay chớ. Tình trạng của nghề làm tranh cũng là tình trạng của nghề dệt, nghề đúc đồng, nghề làm muối, nghề làm đồ gốm, cả nghề làm ruộng…

Chỗ nào người ta cũng thấy sự ngưng trệ. Năng suất thấp. Con người uể oải. Con người nhởn nhơ dông dài ngay trong sự chăm chỉ của mình.

“Cối xay tre, nặng nề quay, từ ngàn đời nay, xay nắm thóc“.
Trong lời thuyết minh viết cho phim Cây tre Việt Nam (1955), Thép Mới từng viết một câu văn xuôi mang đầy chất thơ để hằn sâu vào tâm trí của nhiều thế hệ học sinh tiểu học chúng tôi như vậy.

Vào những năm năm mươi của thế kỷ trước, nó gợi một cảm giác về sự nhẫn nại bất khuất kiên cường.
Nhưng sang đến thế kỷ XXI này, đọc lại, thấy dấu hiệu của một cuộc sống ù lì tăm tối.

ẢO TƯỞNG MỘT ĐẰNG CUỘC SỐNG MỘT NẺO
Không phải dân Việt xưa nay không hiểu đói nghèo dễ dẫn đến hư hỏng. Người ta tự nhủ "Đói cho sạch rách cho thơm".
Ảo tưởng thật.
Mà nhắc lại mãi nghe như có lý.
Song khi người ta quá nghèo thì khó lòng giữ được sự tử tế.
Mạnh tử từng nói, có hằng sản mới hằng tâm.
Người châu Âu cũng hiểu thế.


Trong cuốn Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài 1688, (bản của NXB Thế giới, 2006), một nhà thám hiểm người Anh là W.Dampier ghi lại một số nhận xét có liên quan đến các hạng người ở đô thị Việt thế kỷ XVII.

Đây là tầng lớp trên và bộ sậu của họ: “Những kẻ quyền quý thì tỏ ra kiêu căng, hách dịch và tham lam trong khi đám lính tráng thì hỗn xược.”
Đây là những kẻ dưới đáy: “Cư dân lớp dưới lại hay trộm cắp làm cho nhà buôn và những người đến giao dịch ở đây bắt buộc phải canh gác cẩn thận về đêm“.
Theo W. Dampier, sự hư hỏng của con người bắt đầu bằng sự kém cỏi trong điều kiện sống mà người ta không cách gì thay đổi.

Nhà cửa người Việt ngay ở Kẻ Chợ, tức thủ đô, được tác giả mô tả là quá đơn sơ tầm thường. Nhà nhỏ và thấp. Mấy tấm phên che dột nát tạm bợ. Bên trong chia làm nhiều gian, mỗi gian có những cửa sổ để lấy ánh sáng thực chất là những lỗ đục xấu xí.

Theo lái buôn người Anh, nhà cửa như vậy thường làm mồi cho bọn người trộm cắp. Chúng có thể dễ dàng thực hiện mưu đồ đào tường khoét ngách.



SỰ CHĂM CHỈ BẤT ĐẮC DĨ
Trải qua trường kỳ lịch sử sự thấp kém về trình độ sản xuất đã để lại một dấu ấn kỳ lạ trong tính cách người Việt.

Đã xảy ra một tình trạng nước đôi. Người ta vừa yếu đuối vừa cứng cỏi, vừa chăm vừa lười, tốt đấy mà cũng xấu ngay đấy.

Rất phổ biến là cái công thức một chiều: người Việt khá chăm chỉ năng động.

Do có cái nhìn của con người biết rộng ra cả thế giới, Nguyễn Văn Vĩnh tỏ ra tinh nhạy hơn người khi nêu cùng lúc cái tình trạng nước đôi ấy: người Việt vừa cần cù, vừa cho người ta cảm thấy họ coi lao động là bất đắc dĩ, chẳng qua không có cách nào khác nên phải chân lấm tay bùn vậy.

“Nói tổng lại, trong nước Nam ta, cần mẫn nhất chỉ có người làm ruộng, nhưng mà sự cần mẫn ấy, nhà làm ruộng không biết lấy làm vinh hạnh. Tay cầm cây mạ, mà mắt vẫn trong bọn dài lưng tốn vải, lúc nào quăng được cái cày có ích mà cầm lấy cái bút lông thỏ vẽ hươu vẽ vượn tả cảnh trên trờ dưới biển, thì cũng quăng đi ngay.”

Trong mục Xét tật mình, người chủ trì Đông dương tạp chí đã làm cái việc mà sau ông chưa ai dám làm là bóc mẽ cái gọi là tính siêng năng của bộ phận chủ yếu trong cộng đồng như vậy.

DÙ THÓI LƯỜI ĐƯỢC SOI XÉT KỸ LƯỠNG ...
Cái nghèo kéo theo nhiều cái xấu khác.
Nhiều nhân vật trong những truyện cười dân gian là những chàng lười. Ca dao hóm hỉnh dựng lại một chân dung, rất sẵn trong nông thôn thời trung đại:

Con cò đậu cọc cầu ao
Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng
Chú tôi tốt tóc đen răng
Hay ăn làm biếng hay nằm ngủ trưa
Ngày thì ngóng những ngày mưa
Đêm thì ngóng những đêm thừa trống canh.

Xưa các tài liệu tuyên truyền và cả sách giáo khoa trong các nhà trường Hà Nội sau 1954 thường bảo những câu ca dao trên là để nói về bọn người giầu có. Có biết đâu đó cũng là để nói về lớp cùng đinh trong xã hội. "Giàu tham việc thất nghiệp tham ăn."
Mở rộng ra là để nói về người Việt nói chung.



Nhìn vào sách vở, người ta cũng bắt gặp các ý tương tự. Trong cuốn Lịch sử tự nhiên dân sự và chính trị xứ Đàng Ngoài in ở Paris 1778 ( Trích từ Tư liệu văn hiến Thăng Long Hà Nội – Tuyển tập tư liệu phương Tây, NXB Hà Nội 2010, nhà sử học Nguyễn Thừa Hỷ chủ trì) giáo sĩ Jerome Richard cho biết:
“(…) Nghèo khổ quá khiến người ta chỉ nghĩ đến sinh tồn tức là phó mặc mình cho sự biếng nhác bẩm sinh. Bộ máy hành chính sẵn sàng “vét cạn” các mầm mống tài năng. Bộ máy này ngu dốt và kiêu căng, nhưng có quyền lực. Họ đối xử với những người khéo tay hơn họ và giàu hơn như nô lệ."

...SONG SỰ HƯ HỎNG VẪN LÀ HẬU QUẢ TẤT YẾU
Nghèo đói quá lâu, lại do thiếu sự mở đường của trí tuệ, nên nhiều Việt cảm thấy đó là cả một định mệnh.

Thấy của thiên hạ cái gì cũng hơn mình. Bất lực. Cay đắng. Chán chường. Một niềm tự ti nằm rất sâu trong tâm lý, mang lại nhiều biến thái kỳ quặc.

Lo học nhưng chỉ học mót học lỏm.

Sợ người ta coi thường nên phải tìm cách nhấn mạnh cái riêng, và nhắc đi nhắc lại rằng mình chẳng kém gì mọi người.

Sống gồng lên ra vẻ thế nọ thế kia, sẵn sàng giả dối cốt sao khỏi bị mất mặt.

Xã hội thiếu đi sự năng động tìm tòi. Của chìm chủa nổi đầy rẫy chung quanh mà không biết khai thác.

Nhà nho xưa nhiều người kiêm cả thầy lang. Trong một lần so sánh văn hóa Trung quốc và Việt Nam, nhà nghiên cứu Phan Ngọc nhắc lại cái ý mà nhiều thế hệ nho sĩ truyền miệng với nhau. Đó là một nhận xét của người Tầu: người Việt sống trên cả đống nguyên liệu dùng làm cây thuốc nhưng vẫn chết vì thiếu thuốc.

W.Dampier, trong cuốn sách nói trên, còn ghi nhận một điều mà sau này các nhà nghiên cứu văn hóa từ Phan Kế Bính Đào Duy Anh tới Nguyễn Văn Huyên, Lương Đức Thiệp … đều chia sẻ, là thói máu mê cờ bạc quá nặng của người Việt. Khi rỗi rãi người ta lao đầu vào cuộc đỏ đen một phần là vì bế tắc trong cuộc sống.
Toan tính duy nhất ở đây là ngẫu nhiên tìm được một cơ may giữa cảnh đời tuyệt vọng. ...................../.