Vụ án Nguyễn Hữu Giộc – Mười Vân



Vụ án Nguyễn Hữu Giộc – Mười Vân
_________________

Hoàng Đức Tâm




Vụ án Nguyễn Hữu Giộc – Mười Vân – Nguyên GĐ Công an Đồng Nai bị tử hình gây chấn động dư luận một thời với những tình tiết đặc biệt nghiêm trọng trong những năm đầu giải phóng miền Nam. Vì sao Mười Vân phải nhận án tử hình ? Câu hỏi đơn giản này đặt ra trong giai đoạn lịch sử nhất định của đất nước không phải ai cũng biết tường tận sự việc.

Về gia thế, Nguyễn Hữu Giộc là con ông Chín Nài (Nguyễn Văn Nài) nhà ở gần sông Rạch Chanh, ấp Long Kim, xã Long Định, Cần Đước, Long An. Ông Chín Nài nhà có mấy mẫu ruộng và làm nghề buôn chuyến trên sông chở các loại chiếu dệt ở vùng Long Định ngược theo sông Vàm Cỏ lên Gò Dầu, Trảng Bàng, Tây Ninh để bán và mua hàng nông sản chở về.

Năm 1948, Mười Giộc gia nhập vào công an xã Long Định thuộc tỉnh Chợ Lớn lúc bấy giờ. Thời kỳ 1948-1949 huyện Cần Đước tình hình khó khăn, phức tạp. Các cơ quan lãnh đạo của huyện phải chia thành hai khu: khu A đóng tại kinh Bo Bo huyện Thủ Thừa – Tân An. Khu B đóng tại Lý Nhơn – rừng Sác, Nhà Bè. Trưởng công an huyện Trương Văn Tư phụ trách khu A, còn Mười Giộc làm phó phụ trách khu B. Chính trong thời kỳ này, Mười Giộc đã làm mưa làm gió giết hại rất nhiều  người trong đó có lãnh đạo huyện đội trưởng và vu cáo vào tội theo“Đại Việt quốc dân đảng” mà Tư và Mười Giộc lập thành tích phá án.

Khoảng năm 1951, Tư Thắng làm Phó ty Công an Bà Rịa- Chợ Lớn phát hiện ra việc oan sai tày đình mà Mười Giộc gây ra mấy năm trước khiến nhiều người dân kháng chiến và cán bộ chết oan uổng.

Năm 1954, Mười Giộc lên đường tập kết ra Bắc được cử làm Phó phòng CS trị an Ty Công an Hòa Bình. Trong một lần đi săn bắn, Mười Giộc nổ súng bắn chết đồng chí Trưởng phòng. Sau đó vợ người này làm đơn bãi nại cho Giộc vì chỉ là bắn nhầm. Thoát khỏi tội danh “ngộ sát” nên năm 1962 Mười Giộc được bố trí về miền Nam chiến đấu. Đến đây thì mọi người mới ‘vỡ lẽ” ra, “đồng chí” Giộc có quan hệ bất chính với vợ Trưởng phòng, thậm chí có con chung.

Nhưng thời chiến tranh, không phải việc gì cũng được điều tra tường tận, tất cả tập trung cho tiền tuyến, tập trung cho đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và giải phóng miền Nam.

Sau năm 1975, Mười Giộc được cử làm giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai. Với bản chất nham hiểm và độc ác, Mười Giộc dùng nhiều thủ đoạn để triệt hạ và hãm hại đồng chí, đồng đội. Giộc cho thả tên Nguyễn Văn Sang là cảnh sát đặc biệt Miền Đông đang giam giữ tại trại giam Tam Hiệp, đặt cho bí số H.20 khống chế tên này khai khống, lập hồ sơ giả tố cáo đồng chí Năm Trang – Thường vụ tỉnh ủy, Bí thư thành ủy Biên Hòa và đồng chí Ba Lan – Tỉnh ủy viên, Bí thư thành ủy Vũng Tàu là người của CIA cài lại. Vụ việc này khiến Tư Thắng day dứt rất nhiều năm.

Chuyện là khi giải thể Khu ủy, An ninh Miền Đông, Tư Thắng đề nghị bố trí đồng chí Tư Nam (Anh hùng Đặng Công Hậu đã nghĩ hưu) thay thế chức giám đốc Công an.

Nhưng khi về Ban An ninh miền Nam, Tư Thắng lại nghe tin Mười Giộc làm giám đốc, còn Tư Nam làm phó. Mười Giộc tung hỏa mù báo cáo láo với lãnh đạo tỉnh, trung ương và bắt hai đồng chí Bí thư thành ủy là những cán bộ kiên trung hạ ngục tra tấn, bức cung rất dã man. Dã man hơn cả cầm thú, chúng bỏ đói đồng chí Ba Lan, dùng phân trộn với bo bo bắt ăn…

Tiếp theo là hàng loạt cán bộ khác không cùng ekip với Giộc lần lượt bị bắt bỏ tù mà không biết lý do gì. Thậm chí có nữ đồng chí bị Giộc hãm hiếp trong tù như bọn chúa ngục trước đây. Có một lần, ông Trương Văn Tư từng là cấp trên Mười Giộc lúc còn ở Cần Đước, sau này là Chi cục phó Chi cục Thống kê TPHCM quá bức xúc trước hành vi tàn bạo mất nhân tính của Giộc đã đến nhà Tư Thắng thú tội ngày trước nghe lời Giộc giết oan nhiều người và xin Tư Thắng nhanh chóng nghĩ ra cách nào đó tác động đến tỉnh ủy Đồng Nai ngăn chặn tội ác của Giộc gây ra…

Nhưng có ai ngờ, ông  Năm Chữ – Bí thư Đồng Nai lại quá mù mờ cả tin Giộc nên nói với đồng chí Trần Bạch Đằng rằng : “Mười Giộc nó là thằng tốt. Tại Tư Thắng thành kiến với Giộc”.

Được bí thư tỉnh ủy dung túng và quyền lực một tay che trời, Giộc ngang nhiên “cặp bồ” với ả hồ ly Trần Kim Anh (Kim Anh Cyrnos) là vợ bé của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã bị lực lượng an ninh miền Đông bắt giam cải tạo. Không chỉ phóng thích hồ ly Cyrnos Kim Anh, Mười Giộc còn công khai quan hệ với ả này với âm mưu khủng khiếp. Bố trí cho Kim Anh vượt biên sang Mỹ gầy dựng cơ nghiệp. Mặt khác, trong hai năm 1978-1979, Giộc câu kết với ả nhân tình gián điệp Kim Anh tổ chức hàng chục chuyến tàu vượt biên mua bãi, chung chi đầy đủ tại Hồ Cốc, Bình Châu, Lộc An thu cả nửa tấn vàng chuyển cho Kim Anh xây tổ ấm chờ ngày đoàn tụ.

Nhưng thói đời thường tình xưa nay, những kẻ gieo ác luôn gặt tai họa và vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Khi bọn đàn em trong và ngoài tù của Kim Anh kẹt lại Việt Nam được Giộc tạo điều kiện thuận lợi nhất vượt biên an toàn, được tin tưởng Kim Anh giao vàng bạc sang trước, ả bắt đầu lật mặt nạ Giộc ra trước Trung ương. Nghe đâu là ả viết thư gởi lãnh đạo Trung ương kèm theo đầy đủ hình ảnh, băng ghi âm tổ chức vượt biên, thu nhận vàng tiền đóng bãi xuất bến và ăn nằm du hý với vợ bé Tổng thống Thiệu…Ả còn điêu ngoa cảm ơn cách mạng đã đào tạo ra những người như Mười Giộc “hết mình giúp đỡ’ cho bọn phản động vượt biên an toàn.


Năm 1983, vụ án Mười Giộc bị Trung ương chỉ đạo phá án.
Bộ trưởng Phạm Hùng đích thân ký lệnh bắt Mười Giộc. Đồng chí Phó Tổng cục trưởng Tổng cục an ninh Nguyễn Phước Tân hồi hộp cầm lệnh tiến đến nhà Tư Thắng bàn bạc phương án bắt gọn Giộc.

Theo kế hoạch, sau khi Giộc bàn giao chức giám đốc công an, chắc chắn sẽ về nhà người yêu là cô Nga (vợ Sơn Tiêu) ở 17 Phan Kế Bính, quận 1, TPHCM. Nửa đêm bố trí cảnh sát khu vực và Công an quận 1 đến kiểm tra và bắt tại chỗ. Từng là cấp trên của Mười Giộc nhiều thời kỳ và hiểu mức độ tinh ranh, quỷ quyệt của Giộc nên Tư Thắng bàn: “Kế hoạch này sẽ có 2 khả năng cản trở : Giộc là một tên cáo già, khi ngủ tại nhà người yêu nửa đêm bị kiểm tra y sẽ tìm cách lẩn trốn bằng mọi cách và sinh nghi. Hơn nữa, Giộc cùng đường sẽ kháng cự để tẩu thoát vì hắn có súng và rất khôn ngoan, không thể đổ máu vô ích”.

Tư Thắng cho rằng, muốn bắt Giộc phải hết sức bí mật, bất ngờ trở tay không kịp. Bố trí trinh sát hình sự giỏi võ theo từ cơ quan về nhà, dừng xe nơi đèn đỏ bất ngờ kiểm tra đọc lệnh và bắt. Hoặc sắp đặt cho lãnh đạo trên mời lên làm việc  sau đó trinh sát ngoại tuyến bất ngờ ra tay.

Ngày tàn của bạo chúa Mười Giộc đã đến…Theo giấy mời làm việc của UB Kiểm tra Trung ương tại nhà khách T78, Giộc rất tinh khôn tìm đến trước 2 ngày, nhưng đồng chí phụ trách trả lời bận việc không thể tiếp và hẹn đúng như trong thư. Qủa nhiên kế hoạch bắt Giộc diễn ra rất êm ái và bài bản trong khuôn viên nhà khách T78 khi tra tay vào còng số 8, khuôn mặt ương bướng và nham hiểm của Giộc vẫn không chút thay đổi hay biến sắc.

Ngồi trong trại biệt giam, Giộc vẫn còn nghĩ ra quỷ kế để hại người theo một kịch bản dàn dựng sẵn. Giộc khai : Mỗi lần tên thiếu tá Trần Hùng vào chiến khu D đi săn đều ghé nhà H.20 (chỉ tên Nguyễn Văn Sang) thực ra là tìm căn cứ khu ủy miền Đông và Trung ương Cục để chỉ điểm cho Mỹ ném bom hủy diệt. Giộc khai tên Hùng thường ngủ nhà tên Sang có tiết lộ, ngoài việc tìm mục tiêu trên, còn tìm cách liên hệ với cơ sở mật của tình báo Hùng là ông Huỳnh Việt Thắng…

Cán bộ an ninh trực tiếp hỏi cung và đối chất với tên Sang (H.20) nhận diện ảnh Trần Hùng cũng không biết, hỏi tên Tư Thắng, Việt Thắng, Mười Qùy cũng không biết. Giộc tưởng mình khôn ngoan hơn tất cả vì nghĩ rằng tên Sang H.20 đã vượt biên không ngờ vẫn còn trong trại giam.

Phiên tòa sơ chung thẩm xét xử Mười Giộc tại hội trường lớn tỉnh Đồng Nai là một phiên tòa lịch sử của ngành tòa án Việt Nam do Phó Chánh tòa phúc thẩm tối cao Phạm Như Phấn làm chủ tọa, Tư Thắng đứng sau rèm chỉ huy.

Trước Tòa, Giộc vẫn ngoan cố nói: Chỉ khi nào giải phóng khỏi nước Mỹ, lấy hồ sơ Năm Trang, Ba Lan xem mới thấy họ làm cho CIA.

Liên quan đến Nguyễn Văn Sang (H20), Tòa đưa lên công đường, Giộc tái méc không còn hột máu trên mặt. Sang khai bị Giộc bắt đánh đập ép cung nhiều lần, ép khai hồ sơ giả mới để yên cho vợ và 8 người con nhỏ dại. Nếu nghe lời, vợ con được sống sung sướng, được cấp xe hơi cho chạy, nếu cãi lời sẽ giam và giết hết. Lời khai của Sang đã khiến Giộc ngã quỵ không nói một lời nào thêm.

Sau 3 ngày xét xử, Tòa tuyên án Tử hình Nguyễn Hữu Giộc và Vũ Cao Thanh.

Vụ án kết thúc trong niềm vui khôn tả của hàng ngàn người dân, đặc biệt là những người từng phải chết oan, tù tội và nhục hình do Mười Giộc gây ra. Kẻ ác phải đền tội.



......./.