CÁI GỐC CỦA TĂNG BIÊN CHẾ



Như thường lệ, các đại biểu Quốc hội lại bàn về "giảm biên chế, thu gọn đầu mối..." như những người... ngoài cuộc. Chưa thấy ai đặt câu hỏi đúng để tìm câu trả lời vì sao công cuộc tinh giảm biên chế và bộ máy được bắt đầu từ thập niên 1990s tới nay đã không thành hiện thực.
Trong các năm 1991-1994, biên chế đã từng giảm được 31.000 người, để rồi trong các năm 1995-1998, số biên chế lại tăng trở lại 113.000 người. Cuối năm 1998, tổng số người hưởng lương và phụ cấp là 2,5 triệu người, trong đó, biên chế của bộ máy nhà nước là 1,3 triệu. Đây là giai đoạn thứ Hai của thời kỳ "phát triển kinh tế nhiều thành phần", thời ký "tiền kinh tế thị trường..." trong khi cung cách quản lý của nhà nước vẫn là "quan liêu bao cấp". Nhu cầu hành chánh của dân tăng lên vì được tự do làm ăn, tự do đi lại... thì bộ máy đáp ứng nhu cầu đó tất nhiên phải tăng lên.
Trong khoảng 2002 đến 2012, số lượng công chức (chỉ riêng hành chánh) tăng từ 72.833 người lên đến 200.784 người cũng do đây là thời kỳ hậu Luật Doanh nghiệp, kinh tế dân doanh phát triển trong khi số lượng giấy phép và điều kiện kinh doanh tăng thêm tới 7.000 (con số của VCCI, theo CIEM là 5.300).
Như vậy, nếu không thay đổi cung cách "quản lý ", Nhà nước vẫn muốn can thiệp vào các mối quan hệ mà thị trường, xã hội và người dân có thể tự xử lý; Nhà nước vẫn muốn dùng quyền lực hành chánh can thiệp vào các quan hệ kinh tế và dân sự thì đừng mong tinh giản biên chế hay thu gom đầu mối.
Từ tháng 8-1991, chính phủ đầu tiên của ông Võ Văn Kiệt chỉ có 3 phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thay vì 6 như trước đó. Và, hiện nay thì Chính phủ đang có 5 phó thủ tướng và các bộ cũng có 5, 7 ông bà thứ trưởng. Chính phủ cũng như các bộ đã không tách bạch được hai chức năng căn bản của mình: Hành pháp chính trị (hoạch định chính sách, phân bổ nguồn lực quốc gia...) và Hành chính công vụ (bao gồm chức năng cung cấp dịch vụ công). Chính phủ cũng không phân định đâu là phần việc của chính quyền trung ương, đâu là phần việc của địa phương. Lãnh đạo Chính phủ vì thế thường xuyên phải đi hết tỉnh này, bộ nọ, 5 phó thủ tướng, hơn trăm thứ trưởng có khi chưa phải là nhiều.
Nếu các chức năng này tách ra thì ta sẽ thấy chỉ cần một bộ cũng có thể đảm trách chức năng ban hành chính sách, đàm phán quốc tế cho nhiều bộ. Trong khi đó, chẳng cần phải sáp nhập theo cách giấu (thay vì giảm) đầu mối những cơ quan thật sự cần: Ví dụ như Tổng cục Năng lượng, Tổng cục Du Lịch... Và, những cơ quan như Tổng Cục địa chính lẽ ra chẳng cần phải "trốn" trong Bộ Tài nguyên vì nó không nên làm chính sách mà nên làm những phần việc mà đất nước này cần nó: Quản lý về mốc giới lãnh thổ, mốc giới phần đất đai vẫn còn ở dạng tài nguyên chưa thuộc quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân; Đo đạc và lập bản đồ thửa đất; Đăng ký, lưu trữ hồ sơ về đất đai...
Nếu không xác lập triết lý quản trị quốc gia, chỉ can thiệp khi người dân thực sự cần, thì không thể tổ chức được một bộ máy thích hợp: xác lập được ranh giới rõ ràng giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp; và, trong hành pháp, tách bạch rõ chức năng hành pháp chính trị và hành chính công vụ.
Nếu không phân biệt các ngạch trật trong nguồn lực cán bộ: chính trị gia (nắm quyền qua dân cử hay đảng cử); chính trị gia và viên chức chính trị bổ nhiệm (được các nhà lãnh đạo dân cử lựa chọn và được các cơ quan dân cử phê chuận); công chức hành chánh chuyên nghiệp (những người được đào tạo, tuyển chọn, thường thông qua thi tuyển)... Thì, sẽ không bao giờ có thể tinh giảm biên chế một cách đúng đắn và bộ máy sẽ như một trạm thu dung, chứa chấp những công chức thiếu chuyên môn và chính trị gia nửa mùa - một đội ngũ cán bộ chỉ có thể sa thải bằng cách tống về hưu khi đến tuổi.

......./.

Nghịch lý





LẮNG NGHE THỊ TRƯỜNG, HAY “ÉP” THỊ TRƯỜNG NGHE THEO CHÍNH SÁCH?




***



Chuyện người CPC làm kinh tế giỏi hơn Việt Nam một số lĩnh vực đã được nói tới gần đây. Mới đây đi Tà keo có việc, gặp anh bạn cũ CPC, bây giờ làm nghề kinh doanh gạo.
Anh nói về công thức của CPC: “Bớt lúa bớt nghèo, cứ lúa có tên, lúa sạch là mình giàu”. Sao vậy? Anh nói như chuyện hiển nhiên. CPC ruộng nhỏ hẹp, trung bình nửa mẫu một miếng ruộng, phải kiếm cái gì quí, ngon, thượng hạng mần để bán được giá. Bán giá tốt thì thu nhập nông dân mới khá, Mai mốt tích tụ đất, diện tích lớn hơn, tụi tôi cũng vẫn nghe theo ông thầy: THỊ TRƯỜNG, chỉ trồng cây có giá trị cao, chất lượng cao, tức an toàn và đúng tiêu chuẩn quốc tế. Vậy dù đất nhỏ hay lớn, chủ đất nghèo hay có vốn, họ cũng chỉ nghe theo ông thầy THỊ TRƯỜNG, từ đó mà tính tiếp theo mọi thứ trên toàn chuỗi giá trị.

VN mình đứng nhất thế giới về hồ tiêu, nhưng chỉ một trận thương lái TQ quậy phá là liêu xiêu.
Hồ tiêu của CPC không cần đứng nhất thế giới, nhưng tiêu KAMPOT của họ đã độc quyền dùng trong thực đơn các nhà hàng 5 sao thế giới, cũng như cà phê MONDULKIRI của CPC đang là thương hiệu có số má giang hồ thế giới.
Không chạy theo sản lượng, họ không cần xài phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc cỏ tán loạn, không cần đào đất liên miên lấy nước ngầm tưới ruộng tưới vườn. Không bị nạn đất nghiện thuốc, người ung thư, nông sản rớt giá, để chỉ đạt được một thứ: đảm bảo an ninh lương thực, đạt chỉ tiêu sản lượng.

Mới đây, Hội nghị phát triển ĐBSCL và thích ứng biến đổi khí hậu đã tính ngược lại: giảm lúa vụ 3, xóa chủ trương an ninh lương thực, đề cao chất lượng và giá trị gia tăng.
Nhưng làm sao, làm sao được vẫn đang là bài toán khó. Khi mà nhà nước chưa chính thức cấm và có giám sát trừng trị “gắt mấu” chuyện bán thuốc độc trên thị trường, bán cả trên mạng điện tử, và ở cơ sở, không ít nơi, cán bộ khuyến nông “thầu” thuốc sâu thuốc cỏ, khuyến khích và khuyến mãi cho dân xài. Người lạc quan thấy mừng vì chính sách có vẻ đổi hướng nhưng người thực tế hơn thì nhắc, đừng quên "nhịp" thay đổi chính sách đến thực thi được, cũng phải…5 năm.

Chừng ấy, cha mẹ ơi, thị trường đã chia xong, thị phần đã định đoạt. Thu nhập của nông dân thì, hỡi ôi, liệu có tiếp tục chặt tiêu trồng điều, chặt cả tiêu điều thì trồng... sầu riêng, trong nỗi sầu chung?

Giải bài toán này như thế nào, GS Võ Tòng Xuân và nhóm chuyên gia nghiên cứu về tài nguyên bản địa GẠO sẽ phân tích sâu tại diễn đàn Mekong Connect 2017, ngày 26/10 tại Bến Tre.

/////////////





Ảnh cũ. Chiêu PR cho gạo CPC : tặng gạo cho hoa hậu CPC tại lễ đăng quang HH Hòa bình thế giới.

Gạo VN xuất khẩu, nhà SX phải có kho 5.000 tấn và có nhà máy xay xát công suất 10 tấn/g mới được xuầt khẩu, là đúng theo định hướng tất cả cho sản lượng!





............/.

CHIẾN TRANH TOÀN DIỆN VÀ CHIẾN TRANH LÍNH TRẬN...




CHIẾN TRANH TOÀN DIỆN VÀ CHIẾN TRANH LÍNH TRẬN, VÀI LỜI DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI CHỐNG CỘNG





Trong bài viết trước (“Lớt phớt về chiến tranh Việt Nam”) tôi có lý giải : Bản chất của nền kinh tế thị trường tự do không thể đồng hành với chiến tranh, nhưng vì sao nước Mỹ lại đi gây chiến tranh với Việt Nam. Đó là vì bắt đầu từ các chính sách New Deal của Tổng thống F. D. Roosevelt và bước vào thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa can thiệp vào thời Tổng thống J. Kennedy và Tổng thống L. Johnson, nước Mỹ từ một Small government hòa bình thân thiện biến thành một Big government, đối nội thì phế bỏ thị trường tự do truyền thống, đối ngoại thì tự gán cho mình sứ mệnh mang hạnh phúc đến cho nhân loại. (Ai muốn tranh cãi thì trước hết phải đọc cho kỹ lịch sử nước Mỹ đã nhé).
Nhưng một số bạn đọc stt của tôi lại một mực muốn biến cuộc chiến xâm lược của chủ nghĩa can thiệp Mỹ thành cuộc chiến tranh ý thức hệ với hàm ý người Mỹ đem quân vào Việt Nam tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản là để bảo vệ tự do. Vì vậy tôi thấy cần viết tiếp stt này để trình bày thêm bằng những lời lẽ dễ hiểu nhất mà tôi có thể.


1- Tự do (liberal) mà người Mỹ mang đến Việt Nam cùng với bom đạn và chất độc hóa học không phải là thứ liberal đích thực mà các nhà lập quốc Mỹ tuyên bố. Từ liberal dùng để chỉ những giá trị tự do truyền thống được hàm chứa trong Hiến pháp Hoa Kỳ (quyền tự nhiên của con người, nhà nước tối thiểu không can thiệp vào thị trường và cuộc sống riêng tư của cá nhân…) đã bị chủ nghĩa can thiệp cưỡng đoạt từ thời F. D. Roosevelt dùng để chỉ thứ “tự do” bị chi phối bởi những sứ mệnh của nhà nước.
Đến nỗi, sau này nhiều học giả, trong đó có Ludwig von Mises muốn “đòi” cái chữ liberal đó để trả lại cho những người tự do chân chính nhưng không “đòi” được. Người theo chủ nghĩa tự do chân chính ở Mỹ được liệt vào những người bảo thủ (conservative), khiến cho Tổng thống Reagan đã phải nhiều lần lưu ý cần phải hiểu ngược lại. Còn triết gia kiêm kinh tế gia tự do nổi tiếng F. A. Hayek mỗi khi dùng từ liberal lại rất lúng túng, ông muốn lấy từ tolerant (khoan dung) để thay thế.
Cho nên, thứ liberal mà người Mỹ mang đến cùng với chiến tranh thì người Việt không cần, thứ liberal chân chính của Mỹ mà người Việt cần thì cụ Hồ đã mang về đưa vào bản Tuyên ngôn độc lập và hàm chứa trong bản Hiến pháp năm 1946 rồi. Bản Hiến pháp tự do năm 1946 sở dĩ không được thực hiện, vì ngay sau đó cả nước phải bước vào cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, tiếp đó phải tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, nên cần phải có một thể chế thích hợp với chiến tranh mà tôi sẽ nói dưới đây. Tư tưởng của bản Hiến pháp tự do năm 1946 tuy không thực hiện, nhưng nó vẫn sống trong lòng dân tộc và trỗi dậy trong công cuộc đổi mới sau này.

2- Cần biết rằng, trước cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi của Việt Nam, không có một dân tộc nào trên thế giới có thể thắng được chủ nghĩa thực dân. Bởi thế mà phần lớn các nước Á, Phi và Mỹ la-tinh mới trở thành thuộc địa. Như tôi đề cập ở bài trước, một nước nhỏ có thể thắng một nước lớn nếu như biết huy động sức mạnh của toàn dân, huy động cả nhân tài vật lực của cả nước và đánh dài.
Cụ Hồ đã nhận ra điều đó khi tìm đường cứu nước và ông đã chọn Quốc tế cộng sản, vì quốc tế này trang bị cho ông một phương tiện. Chỉ có một Đảng với kỷ luật sắt, có mục tiêu rõ ràng, tư tưởng thống nhất, chỉ huy thống nhất, hành động thống nhất, hy sinh gương mẫu, thì mới có thể huy động được sức mạnh của toàn dân. Không kế hoạch hóa toàn dân thì không tổ chức kháng chiến nổi. Đó là chủ nghĩa xã hội thời chiến, dù có gọi đúng tên của nó hay không.
Nhưng cũng cần biết rằng, cụ Hồ chưa bao giờ được Staline thừa nhận là người cộng sản (theo kiểu Staline), ông bị quy là nationalist (dân tộc chủ nghĩa).
Việc Đảng cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán ngày 11-11-1945 là sự kiện gây nhiều tranh cãi, tóm tắt : kẻ thù coi là giả, còn đồng chí (quốc tế) thì coi là thật, nhưng dù sao thì sự kiện này cũng cho thấy cụ Hồ đã đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, như lời tuyên bố tự giải tán nói rõ là “hy sinh quyền lợi của đảng phái cho quyền lợi chung của dân tộc”.
Do đó, chiến tranh Việt Nam (chống Pháp và chống Mỹ) vào cao điểm là sự đối đầu giữa một bên là chiến tranh toàn diện (total war), một bên là chiến tranh lính trận (soldier’s war). Một sodier's war từ một nước nhỏ không thể thắng được một soldier's war từ một nước lớn. Cho nên phải tiến hành total war, mà tiến hành total war thì không thể không kế hoạch hóa nền kinh tế, không thể không có sự chỉ huy thống nhất toàn dân hướng vào cuộc chiến. Phương cách tổ chức của chủ nghĩa xã hội (theo mô hình Liên Xô cũ) là phương cách duy nhất để bảo đảm giành độc lập. Nó giống như Liên Xô, không có nền kinh tế kế hoạch hóa thì không thể thắng phát-xít Đức.

3- Câu hỏi đặt ra là, nếu coi chủ nghĩa cộng sản (mà nội dung cốt lõi là nền kinh tế kế hoạch hóa) chỉ là phương tiện cứu nước thì tại sao cứu được nước rồi lại tiếp tục đi theo chủ nghĩa xã hội kế hoạch hóa ? Câu trả lời là : Sau năm 1975, Việt Nam phải đối mặt với một cuộc cấm vận toàn diện từ phương Tây, liền sau đó phải tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc chống bè lũ Pon Pot ở biên giới Tây Nam và chống quân Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía bắc. Không duy trì kế hoạch hóa thì không thể huy động được tiềm lực, không tổ chức được lực lượng để đối phó với chiến tranh và cấm vận.
Và khi chiến tranh kết thúc rồi thì việc tháo bỏ kế hoạch hóa trở nên không dễ dàng chút nào, vì nó đã trở thành cơ chế ăn sâu vào nền kinh tế, trong bộ máy nhà nước và thâm nhập vào các ngõ ngách của đời sống xã hội. Đổi Mới là một cuộc “phá chấp” đau đớn, chuyển nền kinh tế từ kế hoạch hóa sang thị trường là cuộc vượt ải vô cùng gian truân, đều do chính những người cộng sản tiến hành.
Và sau 30 năm đổi mới, những thành tựu đạt được là không thể phủ nhận. GDP bình quân đầu người năm 2015 đã vượt qua Ấn Độ và gần bằng nước có nền kinh tế thị trường “toàn tòng” là Philippines, rút ngắn khoảng cách từ 15,3 lần vào năm 1990 xuống còn 2,7 lần so với Thái Lan. Đã có hàng chục triệu người được xóa nghèo, đưa tỷ lệ nghèo từ 58% năm 1993 xuống mức 9,8% vào năm 2015, thấp xa so với con số tương ứng của Philippines (25,2%), thấp hơn cả Thái Lan (12,6%). Đây không phải là “số liệu tuyên truyền của cộng sản” mà là số liệu của Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á.
Đây chính là thành quả của quá trình tự do hóa kinh tế. Ai am hiểu lịch sử thế giới có thể thấy mức độ tự do hóa kinh tế của Việt Nam hiện nay còn cao hơn rất nhiều so với nước Anh trước khi bà Thatcher lên làm Thủ tướng. Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng tuyên bố ở Việt Nam “chỉ có chủ nghĩa tư bản”, tuy có sai sự thật nhưng cũng không phải là sai nhiều lắm. Còn cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” đi liền với kinh tế thị trường, chỉ là một cách gọi về các chính sách an sinh xã hội, nội dung thực tế chẳng khác bao nhiêu so với mô hình nhà nước phúc lợi châu Âu (tất nhiên là chưa đạt được thành quả như mô hình này).

Chủ nghĩa chống Cộng trên thế giới là một hệ thống lý luận mà bản chất là chống nền kinh tế kế hoạch hóa và hệ quả tất yếu của nền kinh tế đó là một nhà nước toàn trị.
Lý tưởng của những người chống Cộng có lý luận là một nền kinh tế thị trường tự do. Theo cách hiểu này thì ở Việt Nam không còn những người chống Cộng, vì họ không còn gì để chống nữa cả, mà ngược lại, họ sẽ phải ủng hộ Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc bãi bỏ cơ chế kế hoạch tập trung để chuyển sang cơ chế thị trường, họ phải hoan nghênh Việt Nam gia nhập WTO và các hiệp định kinh tế tự do, mỗi một bước tiến trong mở rộng quyền tự do kinh doanh họ đều phải vỗ tay tán thưởng. Chống Cộng với lý luận nói trên thì Đảng Cộng sản Việt Nam là người chống Cộng hiệu quả nhất. Các bạn nhân danh chống Cộng thử nghĩ xem, nếu như Staline còn và nếu như Quốc tế Cộng sản còn thì Đảng Cộng sản Việt Nam nhất định sẽ bị khai trừ ra khỏi phong trào cộng sản quốc tế và bị gọi là những “tên phản bội”.
“Chế độ cộng sản” của Việt Nam không phải là một chế độ cộng sản nguyên nghĩa, mà bản chất là một chế độ hướng tới kinh tế thị trường. Những người chống Cộng có lý luận đều hiểu rằng, tự do hóa kinh tế ắt sẽ dẫn đến tự do hóa chính trị, quá trình tự do hóa chính trị là quá trình kéo theo tiệm tiến, cũng giống như chế độ toàn trị là hệ quả tất yếu của nền kinh tế kế hoạch hóa. Cho nên, nói chế độ ở Việt Nam là “toàn trị” là hoàn toàn sai. Việt Nam có những vấn đề nghiêm trọng, nhưng nhất định không phải là vấn đề vừa nói.
Vấn đề của Việt Nam là vấn đề xây dựng một nhà nước pháp quyền và một nền dân chủ pháp trị để chuyển tải và nuôi dưỡng nền kinh tế thị trường, là vấn đề hoàn thiện hệ thống luật pháp của một xã hội tự do. Tham nhũng, mất dân chủ, lợi ích nhóm đều nảy sinh từ một nhà nước pháp quyền chưa hoàn thiện, từ một nền dân chủ pháp trị vừa mới manh nha đã bị các nhóm lợi ích lũng đoạn làm cho lệch hướng.
Vì lẽ đó mà chống Cộng ở Việt Nam là ném đá vào hư không, chẳng “gãi ngứa” được ai, cũng chẳng ai hơi đâu mà bắt bỏ tù. Nhưng chống các nhóm lợi ích lũng đoạn nhà nước, chống lại kẻ quyền thế muốn xé bỏ pháp quyền, chống các quan chức câu kết với các đại gia phá rừng chiếm đất vơ vét công sản, lại là chuyện khác, chống những đối tượng đó đồng nghĩa với bạn bảo vệ đường lối đổi mới theo hướng tự do hóa của Đảng Cộng sản, đồng nghĩa với việc bạn thực tâm bảo vệ sự trong sạch của chế độ này, nhưng bạn có thể phải trả giá bằng chính sinh mệnh của bạn và bằng tai họa ập đến cho gia đình bạn. Đó là một bi kịch của lịch sử.




........../.

TRUNG QUỐC TRONG “VIETNAM WAR”


TRUNG QUỐC TRONG “VIETNAM WAR”



Cuộc chiến Việt Nam không chỉ là cuộc chiến “ủy nhiệm” của Mỹ. Những lập luận và cách giải thích quen thuộc cùn mòn về cái gọi là “lý thuyết domino” là không đầy đủ khi nói đến bản chất cuộc chiến. Tìm hiểu quá trình can dự Trung Quốc, với sự cầu cạnh chủ động của Bắc Việt, mới có thể có thêm cái nhìn rõ hơn về cuộc xung đột này.
Một bài báo Washington Post, đề ngày 17-5-1989, viết: “Hôm nay, Trung Quốc đã thừa nhận họ đưa 320.000 quân vào (Bắc) Việt Nam”, và “viện trợ hơn 20 tỷ USD để ủng hộ quân đội chính quy Bắc Việt và du kích Việt Cộng”. Bài báo cho biết thêm, trong thời gian chiến tranh, có những báo cáo tình báo Mỹ cho biết nhiều đơn vị tác chiến Mỹ đã phát hiện lính vận quân phục Trung Quốc và mang phù hiệu quân đội Trung Quốc nhưng Bắc Kinh lúc đó luôn phủ nhận.
Sự có mặt quân đội Trung Quốc tại Bắc Việt bắt đầu từ cuộc kháng chiến chống Pháp. Tháng 4-1950, ba tháng sau khi Trung Quốc công nhận chính quyền VNDCCH, Việt Minh chính thức xin Trung Quốc viện trợ trang thiết bị quân sự, gửi cố vấn và giúp đào tạo binh lính. Bắc Kinh thành lập Nhóm cố vấn quân sự Trung Quốc với chỉ huy của Vi Quốc Thanh cùng Trần Canh và 281 sĩ quan. Hỗ trợ quân sự Trung Quốc cho Việt Minh tăng từ 3 sư đoàn năm 1950 lên 7 sư đoàn năm 1952. Số người Trung Quốc tại Bắc Việt trong cùng thời gian lên đến 15.000 người... Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Hà Nội tiếp tục cầu viện Trung Quốc. Trong chuyến đi Bắc Kinh từ 25-6 đến 8-7-1955 của Hồ Chí Minh, Bắc Kinh đồng ý viện trợ 800 triệu tệ (200 triệu USD) để xây 18 dự án, trong đó có nhà máy xi măng Hải Phòng, nhà máy điện Hà Nội, nhà máy dệt Nam Định – theo sử gia Qiang Zhai thuộc Đại học Auburn-Mỹ trong “China and the Vietnam Wars, 1950-1975” (trang 71).
Chuyến kinh lý Bắc Kinh của Hồ Chí Minh đã diễn ra trước khi Nhóm cố vấn quân sự Mỹ (MAAG) có mặt tại Sài Gòn (1-11-1955). Và khoảng ba tháng sau khi hai sĩ quan Dale R. Ruis và Chester M. Ovnand trở thành những người Mỹ đầu tiên bị giết chết trong cuộc chiến Việt Nam, khi Việt Cộng tấn công một căn cứ MAAG tại Biên Hòa (8-7-1959), thì, tháng 10, Phạm Văn Đồng sang Bắc Kinh, yêu cầu Chu Ân Lai viện trợ quân sự để miền Bắc có điều kiện “hỗ trợ nhân dân miền Nam”. Ngày 10-11 cùng năm, một phái đoàn quân sự Trung Quốc sang Bắc Việt, nán lại hai tháng để khảo sát, từ hải quân, không quân, học viện quân sự, sân bay, cầu cảng đến thậm chí các nhà máy sản xuất (Qiang Zhai, nđd, trang 82-83).
1959 cũng là thời điểm mà quan hệ giữa Tổng thống Ngô Đình Diệm với các cố vấn MSUG (Michigan State University Vietnam Advisory Group; đặc trách kiến thiết quốc gia) trở nên rất gay gắt (“Misalliance”, Edward Miller, trang 150). Không như những thông tin gây “ngộ nhận” một cách có chủ ý về việc “miền Nam quỵ lụy và bán đứng quốc gia cho Mỹ”, hai chính quyền VNCH, Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu, đều luôn thẳng thừng bày tỏ bất bình trước việc Mỹ can thiệp sâu vào nội chính và đặc biệt tự ý đưa quân vào Nam Việt Nam.
Ngày 12-5-1963, Washington Post đăng bài phỏng vấn Ngô Đình Nhu trong đó ông nói rằng “ít nhất 50%” cố vấn quân sự Mỹ tại Nam Việt Nam là “hoàn toàn không cần thiết” và cần phải được đưa đi khỏi (Edward Miller, nđd, trang 258; xem thêm thông tin liên quan trang 230-231). Chính quyền Sài Gòn hiểu rõ tâm lý người dân về sự hiện diện quân đội nước ngoài có thể bị đánh giá như một đạo quân xâm lược; và đất nước lại bị đô hộ bởi ngoại bang (các cuộc biểu tình của sinh viên Sài Gòn đã được kích động bằng lập luận này).
Trong “Tâm tư Tổng thống Thiệu”, tác giả Nguyễn Tiến Hưng cũng thuật lại sự bất mãn của ông Thiệu khi ông nhận được tin Mỹ đưa thủy quân lục chiến vào (đổ bộ Đà Nẵng ngày 8-3-1965) mà không hề được báo trước. Mỹ chưa bao giờ tham vấn ý kiến các tổng thống VNCH về việc đưa quân bộ Mỹ vào Nam Việt Nam. Sự thật này cần được nhấn mạnh. Sài Gòn chỉ yêu cầu Mỹ cung cấp vũ khí và các khoản viện trợ liên quan quân sự chứ không muốn “Mỹ hóa” cuộc chiến theo cách William Westmoreland.
Hà Nội khác với Sài Gòn. Quan hệ Sài Gòn-Washington, về bản chất, khác nhiều so với quan hệ Hà Nội-Bắc Kinh. Cách mà “khi đồng minh Trung Quốc nhảy vào Bắc Việt” cũng khác với cách mà Mỹ “nhảy vào” miền Nam. Bắc Kinh luôn chờ Hà Nội phải gõ cửa. Hè 1962, Hồ Chí Minh và Nguyễn Chí Thanh đến Bắc Kinh. Hồ yêu cầu Bắc Kinh ủng hộ phong trào du kích tại Nam Việt Nam. Mao đồng ý bằng việc cung cấp miễn phí 90.000 khẩu súng, đủ để trang bị cho 230 tiểu đoàn (Qiang Zhai, nđd, trang 116). Tiếp đó, ngày 5-10-1962, Võ Nguyên Giáp lại dẫn một phái đoàn quân sự sang Trung Quốc.
Tháng 5-1963, giữa lúc miền Nam ngập chìm trong cuộc khủng hoảng Phật Giáo dẫn đến sự kiện Thích Quảng Đức tự thiêu (11-6-1963), Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ sang Hà Nội, nói với Hồ: “Chúng tôi đang đứng bên cạnh các đồng chí. Nếu chiến tranh bùng nổ, các đồng chí có thể xem Trung Quốc là hậu phương” (Qiang Zhai, nđd, trang 117). Ngay sau khi anh em ông Diệm bị giết, tháng 12-1963, tướng Trung Quốc Lý Thiên Hữu (Li Tianyou) đã cấp tốc dẫn một phái đoàn quân sự sang Bắc Việt, nán lại suốt gần hai tháng, bàn bạc một kịch bản chiến tranh toàn diện.
Đại hội Đảng Lao Động tháng 12 đã thống nhất tăng cường tấn công miền Nam. Ngày 27-12-1963, Mao viết cho Hồ, chúc mừng “Đại hội thành công tốt đẹp”. Lúc này, Bắc Kinh bắt đầu phơi bày tham vọng chính trị trong việc “đánh Mỹ” theo cách của Mao. Trong một cuộc nói chuyện với đại diện Bắc Việt năm 1964, Mao nói: “Tốt nhất là mở rộng thành một cuộc chiến lớn hơn. Đừng lo ngại sự can thiệp Mỹ. Tệ lắm thì cũng như một cuộc chiến Triều Tiên nữa mà thôi. Quân đội Trung Quốc đã sẵn sàng. Nếu Mỹ mạo hiểm tấn công Bắc Việt, quân đội Trung Quốc sẽ có mặt lập tức. Quân đội chúng tôi giờ đang muốn một cuộc chiến đây” (“Mao: The Unknown Story”, Jung Chang và Jon Halliday, trang 482).
Vin vào đó, đầu tháng 4-1965, Lê Duẩn và Võ Nguyên Giáp sang Bắc Kinh. Không chỉ yêu cầu tăng cường viện trợ quân sự, lần này, Hà Nội đã mở lời về việc Trung Quốc đưa quân bộ vào. Duẩn nói với Bắc Kinh: miền Bắc cần “phi công tình nguyện, quân lính tình nguyện…”. Ngày 8-4-1965, Lưu Thiếu Kỳ trả lời: “Nguyên tắc chúng tôi là chúng tôi sẽ làm hết sức để cung cấp bất cứ gì mà các đồng chí cần và bất cứ gì mà chúng tôi có. Nếu các đồng chí không mời, chúng tôi sẽ không đến. Chúng tôi sẽ gửi bất kỳ binh chủng nào mà các đồng chí cần…”. Kết quả, Bắc Kinh và Hà Nội ký một số thỏa ước liên quan việc đưa quân bộ Trung Quốc vào miền Bắc. Ngày 21 và 22-4, Giáp thảo luận với La Thụy Khanh chi tiết hơn về điều này. Vài ngày sau, tháng 5, Hồ bí mật thăm Mao tại Trường Sa, Hồ Nam (Qiang Zhai, nđd, trang 133-134).
Năm 1965, sau khi Lê Duẩn chính thức yêu cầu Trung Quốc đưa quân bộ vào, viện trợ Trung Quốc tăng rất nhanh. So với năm 1964, số súng tăng 2,8 lần (từ 80.500 lên 220.767 khẩu); số đạn tăng gần 5 lần (từ 25,2 triệu lên 114 triệu viên); số đạn đại bác tăng gần 6 lần (từ 335.000 lên 1,8 triệu viên)… Từ tháng 6-1965, Trung Quốc bắt đầu ào ạt đổ quân vào miền Bắc, cùng với nhiều loại quân cụ, từ hỏa tiễn phòng không, đạn dược đến các đơn vị công binh, phá mìn, kỹ thuật quân sự… Tổng số quân lính Trung Quốc tại Bắc Việt từ tháng 6-1965 đến tháng 3-1968 lên đến 320.000 người (Qiang Zhai, nđd, trang 136-137).
Luôn chần chừ trong kế hoạch hiện đại hóa quân lực VNCH, mãi đến tháng 6-1968, sau sự kiện Mậu Thân, Mỹ mới cung cấp súng M-16 cho binh lính miền Nam (Nguyễn Tiến Hưng, nđd, trang 278). Trong khi đó, chỉ trong năm 1968, Trung Quốc đã viện trợ cho Bắc Việt: 219.899 khẩu súng; 1.854 bộ đàm; 454 xe cơ giới; một triệu bộ quân phục. Trong 10 năm, từ 1964-1974, Trung Quốc viện trợ tổng cộng 560 chiếc xe tăng; 144 máy bay; 1.781.197 khẩu súng, hàng triệu viên đạn các loại…
Mỹ can thiệp vào Nam Việt Nam để ngăn chặn “làn sóng Đỏ” – hàng trăm quyển sách và nhiều đời sử gia đã nhai đi nhai lại điều này. Đến nay, người ta vẫn nói về cuộc chiến như một “cuộc chiến của Mỹ”. Đã thành “quán tính” khi các phân tích rơi vào lối mòn trong việc mổ xẻ quyền lợi Mỹ, trong khi quyền lợi Trung Quốc thì gần như phớt lờ. Cuộc chiến Việt Nam không chỉ là cuộc chiến của “5 đời tổng thống Mỹ”. Nó còn là cuộc chiến của Mao Trạch Đông. Nó là cuộc chiến, bằng máu người Việt, của những kẻ hoạt đầu chính trị quốc tế.
Với Trung Quốc, việc giúp Bắc Việt đáp ứng 5 mục tiêu lớn: 1/ Cản trở nguy cơ Mỹ đe dọa an ninh quốc gia họ; 2/ Thể hiện khả năng và vị trí số một như một đàn anh đáng tin cậy cho phong trào quốc tế cộng sản; 3/ Chứng tỏ Trung Quốc đủ sức tranh giành vị thế lãnh đạo quốc tế cộng sản trước Liên Xô; 4/ Tạo uy tín chính trị cho cá nhân Mao trong nước; 5/ Cuối cùng, sự can thiệp tại Đông Dương cho thấy một tham vọng xa hơn của Mao: tạo ra một trật tự thế giới mới thay thế trật tự thế giới cũ thời hậu thực dân, mang lại cho Trung Quốc cảm giác rửa được những mối nhục thời Thế chiến thứ hai.
Di sản cuộc chiến của Mao tại Việt Nam, cùng mối quan hệ Bắc Kinh-Hà Nội, không chỉ có xác 1.100 lính Trung Quốc và 4.200 người bị thương, sau khi những người lính Trung Quốc cuối cùng rút khỏi Bắc Việt vào tháng 8-1973. Nó còn dây dưa như một thứ quan hệ đồng minh kỳ lạ, như thể Bắc Kinh chỉ có “nhảy vào” nhưng không hề có ý “tháo chạy”. Dù có lúc bất đồng nhưng di sản quan hệ Mao-Hồ đến nay vẫn tạo ra một thứ “quan hệ” mà Lưu Vân Sơn, ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc, trong chuyến kinh lý Hà Nội giữa tháng 9-2017, đã miêu tả bằng cụm từ: “Hai nước có cùng số phận”. Làm thế nào có thể tự hào để nói về “nền độc lập” sau chiến tranh, khi mà Hà Nội vẫn còn bị ràng buộc dai dẳng bởi một thứ quan hệ “sống cùng sống, chết cùng chết” với Trung Quốc? Hàng triệu triệu người Việt đã chết trong cuộc chiến để đổi lấy một “nền độc lập” như vậy, liệu có xứng đáng không?
....
“China and the Vietnam Wars, 1950-1975” của sử gia Qiang Zhai thuộc Đại học Auburn (Mỹ), một trong những quyển sách hiếm hoi viết về vai trò Trung Quốc trong cuộc chiến Việt Nam