'''''''''' CHUYỆN FORMOSA



ĐÔI ĐIỀU TRAO ĐỔI VỀ BÀI VIẾT
“NHÌN TỪ CHUYỆN FORMOSA: NHU CẦU MINH BẠCH VÀ ỨNG XỬ VĂN MINH” của tác giả HOÀNG ANH MINH.

_________________________________________

ý kiến của chuyên gia kinh tế PHẠM CHI LAN








********


Trong khi vấn đề cá chết dọc bờ biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh trở vào đang là đề tài phủ đầy báo chí trên cả nước, thì tiêu đề trên của bài viết của tác giả Hoàng Anh Minh trên VnEconomy đã lập tức khiến tôi chú ý.


Tôi cũng đang mong đợi một sự minh bạch và ứng xử văn minh của các bên có trách nhiệm trong vấn đề này. Tuy nhiên, khi đọc bài viết, bên cạnh một số lý lẽ và gợi ý đáng hoan nghênh, thì lại có không ít điều khiến tôi muốn trao đổi lại với tác giả và với các bạn đọc khác. Xin nói rõ dưới đây.


Trước hết, qua bài viết, có thể thấy tác giả biết và có ấn tượng với các nhà đầu tư Đài Loan đã khá lâu rồi, kể cả từ món quà cái thang máy thuở ban đầu mở đường cho “kế hoạch Việt Nam” của người Đài vào cuối những năm 1980 trở đi. Tôi đồng ý với tác giả rằng, “trên phương diện đối tác kinh tế, đối tác đầu tư, không thể phủ nhận những gì các nhà đầu tư Đài Loan đã mang lại cho Việt Nam trong khoảng 25 năm qua, cả về đóng thuế, giải quyết việc làm và góp phần cho tăng trưởng chung”.


Tuy nhiên, xin cũng đừng quên những lợi ích to lớn mà các nhà đầu tư xứ này (cũng như mọi nhà đầu tư nước ngoài khác) thu được ở nước ta. Nguyên tắc “win-win” hay cùng có lợi trên thương trường mà, trong đó ai khôn ngoan hơn thì luôn hưởng lợi nhiều hơn, mà ta thì chắc chẳng khôn ngoan bằng họ.


Riêng về Formosa, có vẻ tác giả khá hiểu Formosa khi viết: “Trong tổng các yếu tố “rẻ”, yếu tố tiêu chuẩn thấp về môi trường chắc chắn đã được Formosa tính toán kỹ, sau rất nhiều trải nghiệm kém vui về môi trường tại nhiều quốc gia phát triển khác...Các ngành công nghiệp Formosa đã từng làm, chẳng hạn dệt nhuộm và nhựa, từng gặp rắc rối về môi trường tại nhiều quốc gia phát triển. Thép là lĩnh vực mới và cũng gây ô nhiễm không kém, nhưng vấn đề là với các điều kiện mà họ đưa ra, Việt Nam đã chấp nhận”.


Vậy là bài toán ô nhiễm đã có đáp số từ đầu khi Formosa chọn Việt Nam và Hà Tĩnh để đầu tư rồi, có phải không? Và cái ông giám đốc đối ngoại của họ đã khá “thật thà” khi nói thẳng tưng rằng Việt Nam phải chọn giữa thép và tôm cá đấy chứ! Do vậy, sự nghi ngờ của công chúng đối với Formosa trong vụ ô nhiễm này đâu phải là “hiểu nhầm” Formosa hay “đấu tố vu vơ”!


Tôi cũng không hiểu vì sao tác giả biết nguyên lý “Đơn giản chỉ là bài toán chi phí - lợi ích”, mà lại rất chủ quan khi cho rằng “Trong 5 năm gần đây, tổng lượng thuế Formosa đã nộp vào Hà Tĩnh đã vượt con số 10 ngàn tỷ đồng dù chưa đi vào sản xuất. Trong khi đó, về phía Formosa, “thu nhập” là con số không tròn trĩnh vì đơn giản là chưa có sản phẩm để bán ra thị trường”.


Theo dõi các nhà đầu tư từ lâu, chắc tác giả cũng biết các nhà đầu tư đâu cần chờ có sản phẩm của dự án làm ra để bán mới có thu nhập.


Khi họ tiến hành xây dựng, kể cả thuê công ty/người Việt làm, khi họ mua bán bao nhiêu thứ thiết bị, vật tư, thì họ đã làm kinh doanh và đã có thu nhập và lợi nhuận từ đấy rồi đó chứ!


Nên nhớ FDI là một dạng xuất khẩu cao hơn xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ thông thường nhiều, vì với FDI, nhà đầu tư có thể bán được vô vàn sản phẩm với mức giá có thể cao hơn giá thị trường, đồng thời lại được hưởng nhiều thứ ưu đãi khác, nhất là khi chủ tiếp nhận đầu tư thiếu thông tin, kinh nghiệm thương trường, tệ hơn nữa là lại còn tham nhũng.


Trong bài viết tác giả kể nhiều thành tích, đóng góp của Formosa, nhưng lại quên không kể những ưu đãi khủng mà Formosa được nhà nước Việt Nam và Hà Tĩnh cho hưởng, và bao thứ đòi hỏi của Formosa, kể cả những yêu sách vô lý đã từng khiến công luận phải lên tiếng.


Hà Tĩnh không tự dưng thu được thuế (ít nhất là phải căn cứ trên giấy phép đầu tư và trên những thứ nhà nước Việt Nam và tỉnh Hà Tĩnh đã cung cấp cho Formosa chứ!), và Formosa cũng không tự dưng “biếu” Hà Tình cả chục ngàn tỷ mà không thu nhập được gì đâu.


Bạn nên dành sự cảm thương cho những người dân Hà Tĩnh phải hy sinh đất đai, mặt biển, nguồn sống nhiều đời cho dự án mà chưa chắc đã hưởng lợi bao nhiêu, thì hơn là cảm thương cho Formosa không có thu nhập trên 2.000 ha đất liền và 1.300 ha mặt biển mà họ được sử dụng!


Tôi đồng ý với đoạn cuối tác giả viết về yêu cầu minh bạch, nhưng không nên chỉ đòi hỏi sự minh bạch từ phía nhà nước Việt Nam. Nhà đầu tư Formosa cũng cần minh bạch không kém, nếu như họ không muốn có cái mà bạn gọi là “các cuộc tấn công truyền thông”.


Bạn kể một loạt các câu hỏi mà người dân Việt, thông qua truyền thông, thường đặt ra cho Formosa mà bạn cho là “không phù hợp, phiến diện”. Nhưng muốn biết Formosa có bị “tấn công truyền thông” oan uổng không, thì cần đặt tiếp vấn đề tại sao lại có những câu hỏi đó, và tại sao lại là Formosa, trong khi tất cả các nhà đầu tư nước ngoài khác ở Việt Nam không bị đặt câu hỏi tương tự.


Bạn than cho “ba “đỉnh cao” khủng hoảng mà Formosa phải chịu gồm (i) biến cố tháng 5/2014, theo đó một cuộc bạo loạn đã diễn ra, gây thiệt hại to lớn và có chết người, ảnh hưởng lớn đến tiến độ; (ii) vụ sập giàn giáo tháng 3/2015 khiến 13 người chết và (iii) biến cố tháng 4/2016, với nghi án “xả thải gây cá chết”, cứ như là chính phía Việt nam gây ra 3 cuộc khủng hoảng đó cho Formosa vậy!


Trong câu kết khi tác giả viết “Đừng quên, bên ngoài kia, nhiều đối thủ trên đường đua kinh tế đều không chỉ khôn ngoan, giỏi giang, mà còn văn minh, nhân văn hơn chúng ta rất nhiều”, tôi không hiểu bạn định nhắc nhở ai về ý “văn minh, nhân văn” đây?


Không lẽ bạn cho rằng sự lo lắng và công phẫn của mọi người trước thảm họa môi trường ở 4 tỉnh hiện nay, trong đó có mối nghi đối với Formosa, nhà đầu tư lớn nhất và trong lĩnh vực có nhiều khả năng gây ô nhiễm ở khu vực này nhất, là “đấu tố rùng rợn, vu vơ”, là không “văn minh, nhân văn” với Formosa? Vậy khi họ cố tình chọn “điều kiện về môi trường dễ dãi” để “dụ” tỉnh nghèo Hà Tĩnh vào cuộc chơi nhà mày thép, thì họ “văn minh và nhân văn” lắm?


Cuối cùng, tôi cũng đồng ý với tác giả rằng “giới đầu tư quốc tế đang nhìn vào cách hành xử của chúng ta” trong vụ này. Nhưng tôi tin, chủ yếu họ sẽ xem Việt Nam chọn đầu tư với cái giá ô nhiễm hay chọn số phận của tôm, cá, của môi trường sinh sống của hàng triệu người dân.


Tôi hình dung, tương tự như cách nói rất xác đáng của ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trong một vụ khác gần đây, nếu kẻ có tội không bị lôi ra ánh sáng và trừng phạt thật thích đáng trong vụ tàn sát môi trường này, nếu chúng ta chọn đầu tư với cái giá ô nhiễm thì...mọi nhà đầu tư vô lương tâm đều có thể tàn sát môi trường ở Việt Nam, trong khi những người có lương tâm sẽ không thể chấp nhận một đất nước không biết quý môi trường sống và sinh mạng của hàng triệu người dân!




........./.

.. MỘT LỜI XIN LỖI








________ ..Formosa




Thép nội và Formosa: Cuộc so găng không cân sức




http://pomina-steel.com/index.php?option=com_content&view=article&id=282%3Athep-ni-va-formosa-cuc-so-gng-khong-can-sc&catid=1%3Atin-tuc-va-su-kien&Itemid=122&lang=vi





Ngành thép nội đang đứng trước cuộc so găng cùng Formosa khi dự án này chuẩn bị đi vào hoạt động.



Ưu ái cho Formosa


Formosa là dự án đến từ Đài Loan trị giá 28 tỉ USD. Cùng với vốn đầu tư “khủng” nêu trên, dự án này được ưu đãi đầu tư rất lớn mà chưa dự án nào có được: được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% (trong khi doanh nghiệp thép nội địa phải chịu thuế 22%) tính từ năm có thu nhập chịu thuế, sau đó được miễn thuế trong 4 năm và giảm tiếp 50% trong 9 năm tiếp theo.


Đặc biệt hơn nữa là mức ưu đãi đối với tiền thuê cho toàn bộ hơn 3.318 ha đất trong 70 năm, thời gian thuê ổn định và không bị thu hồi trong bất kỳ trường hợp nào. Đây là cơ sở ban đầu để nhà đầu tư láng giềng này mạnh tay đầu tư vốn lớn. Nhằm phục vụ triển khai dự án này, thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng gần 2.000 ha đất với 11.825 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức. Ngoài ra, còn thực hiện di dời 58 nhà thờ, gần 15.000 ngôi mộ về các khu tái định cư.


Có thể chúng ta đã quá ưu ái cho Formosa để thu hút được một dự án đầu tư lớn. Với một dự án thép ưu đãi lớn như vậy đã đặt doanh nghiệp thép Việt Nam vào thế cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà.


Sau sự cố “giàn khoan Trung Quốc” và những vụ tranh chấp xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh vào tháng 5, Formosa đã tận dụng thêm cơ hội này để đề nghị được bù đắp bằng những chính sách ưu đãi ở mức cao về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thậm chí Formosa Hà Tĩnh còn mong muốn được thành lập đặc khu kinh tế cho riêng mình. Chính phủ đã bác bỏ các đề xuất táo bạo này nhưng rõ ràng có thể thấy tiếng nói mạnh dạn của Formosa trên thương trường. Mới nhất, Formosa cũng đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép thành lập đội tàu vận chuyển thép của Công ty tại Việt Nam.


Trong bối cảnh hiện nay và đặc biệt là đối với lĩnh vực thép trong nước đang rất cần được hỗ trợ thì những biệt đãi dành cho Formosa dường như chưa được công bằng cho ngành thép nội địa. Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, mỗi biện pháp ưu đãi cần gắn liền với việc mang lại hiệu quả cho nền kinh tế, nhưng với dự án Formosa, lợi ích mang về cho Việt Nam chưa thực sự rõ ràng.


Về mặt lợi thế cạnh tranh trên thị trường, sự xuất hiện của Formosa với quy mô và ưu đãi lớn đã tạo thêm áp lực cạnh tranh, thậm chí có thể đẩy nhiều doanh nghiệp Việt ra khỏi thị trường.


Về lao động, theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Kinh tế Hà Tĩnh, tính đến đầu tháng 10.2014, số lượng lao động người nước ngoài tại Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) đã gần 6.000, trong đó có 4.200 lao động Trung Quốc hiện làm việc cho Formosa. Một dự án lớn tại Việt Nam nhưng lại giải quyết bài toán lao động cho người nước ngoài.


Về chuyển giao công nghệ, với dự án đến 28 tỉ USD và lò cao được thiết kế với công suất 2.000 m3, trong khi các công ty thép nội với quy mô nhỏ hơn rất nhiều và quy mô lò cao lớn nhất cũng mới đạt 500 m3 thì liệu doanh nghiệp nào có thể hưởng lợi từ công nghệ mà Formosa chuyển giao?
Bên cạnh đó, quá trình vận hành dự án cũng sẽ phát sinh một số vấn đề liên quan đến nguồn tài nguyên trong nước và gây ô nhiễm môi trường.


Formosa từng tuyên bố sản phẩm của họ chủ yếu để xuất khẩu nhưng với thị trường tiêu thụ lớn nhất trong khu vực là Trung Quốc đang đóng băng, thậm chí sẽ sụt giảm mạnh trong các năm tới thì có thể Formosa sẽ tìm mọi cách để gia tăng lượng thép tiêu thụ tại Việt Nam.


Khó khăn cho thép nội



Từ năm 2008 đến nay, khi thị trường bất động sản và xây dựng bị đóng băng và đình trệ, cộng với việc giảm đầu tư công dẫn dến sự suy yếu của toàn ngành thép, thậm chí ngay cả doanh nghiệp lớn có “máu mặt” như Công ty Cổ phần Thép Pomina cũng đã từng đứng trước thời khắc được xem là nguy hiểm nhất.

Năm 2014, theo ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nặng (Bộ Công Thương), tiêu thụ thép sẽ tăng nhưng chỉ ở mức 3-5% so với năm 2013 (do một số dự án hạ tầng của Chính phủ được triển khai), với sản lượng tiêu thụ khiêm tốn khoảng hơn 12 triệu tấn.


Doanh nghiệp thép Việt Nam gặp thị trường đã khó, nhưng khó hơn là phải cạnh tranh với nguồn thép được nhập từ Trung Quốc tăng mạnh trong nhiều năm gần đây. Và sẽ còn căng thẳng hơn khi hai tháp lò cao (giai đoạn I) của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đi vào hoạt động vào cuối năm nay.


Có 7,1 triệu tấn thép thành phẩm/năm sẽ được sản xuất bởi doanh nghiệp này, trong đó 3 triệu tấn thép được tiêu thụ trong nước (chủ yếu tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM). Một tương lai xa hơn, khi toàn bộ dự án Formosa trị giá 28 tỉ USD hoàn thành, ước tính hằng năm Formosa sẽ đưa ra thị trường 22,5 triệu tấn thép.


Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán KIS, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành thép của Việt Nam chưa cao. Trong khi tại Trung Quốc, các nhà máy lò cao được hoạt động với mức sàn về mặt công suất tối thiểu là 1.000 m3 thì lò cao nhất ở Việt Nam mới chỉ 500 m3. Chỉ có một số ít doanh nghiệp có lợi thế về địa lý như Thái Nguyên mới tự khai thác quặng và sản xuất thép theo công nghệ lò cao; hoặc những doanh nghiệp có tiếng khác như Thép Pomina, Việt Ý thì nhập khẩu thép phế và sử dụng lò điện hồ quang.


Việt Nam có khoảng 400 doanh nghiệp hoạt động sản xuất thép, nhưng đa số là quy mô nhỏ và sản xuất thép thô. Còn lại, những sản phẩm khác như thép cuộn cán nóng, thép hợp kim, thép chế cơ khí, thép tấm lá… lại phải đi nhập khẩu. Chính vì vậy, ngành thép nội địa luôn ở trong tình trạng mất cân đối, thừa thép thô nhưng thiếu các sản phẩm thép khác.


Vậy lúc này, các doanh nghiệp thép lớn của Việt Nam nghĩ gì từ câu chuyện Formosa?


Trao đổi với giới đầu tư mới đây, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Đình Long, cho biết dự kiến cuối năm 2014, doanh thu của Hòa Phát lần đầu tiên sẽ chạm mốc 26.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế có thể đạt hơn 3.000 tỉ đồng. “Chúng tôi không chỉ quyết tâm chiến đấu được trong nước mà còn có thể cạnh tranh sòng phẳng với thép Trung Quốc, kể cả với Formosa”, ông nói.


Động thái của tập đoàn này là đang chuẩn bị xây dựng lò cao số 3 để xuất khẩu phôi thép sang các nước Đông Nam Á nhằm giảm thiểu sự cạnh tranh ở thị trường trong nước. Theo nhận định của Hòa Phát, đây là thị trường có tiềm năng xuất khẩu lớn, bởi ở các nước như Thái Lan, Indonesia, Philippines, giá cả không cạnh tranh nhiều do doanh nghiệp nước sở tại sản xuất thép từ lò luyện gang và sắt vụn. Trong khi đó, Myanmar sẽ trở thành thị trường tiêu thụ hơn là thị trường cạnh tranh, do quốc gia này thiếu rất nhiều điều kiện để trở thành nhà sản xuất thép lớn (vì không có than, thiếu điện, quặng sắt và phế liệu rất ít).


Nếu Hòa Phát đẩy mạnh đầu tư để xuất khẩu, bài toán của Thép Pomina là đầu tư cho công nghệ tiên tiến. Điển hình như Dự án Pomina III của Công ty đã đi vào hoạt động chuyên sản xuất phôi và luyện thép với tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD. Dự án bao gồm 3 hạng mục đầu tư: nhà máy luyện thép công suất 1 triệu tấn/năm, nhà máy cán thép công suất 500.000 tấn/năm và một cảng biển có năng lực bốc dỡ đạt 3 triệu tấn/năm phục vụ cho nhà máy.


Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Pomina, cho biết dự án này là sự kết hợp của những công nghệ số 1 thế giới của Mỹ, Ý và Đức. Với các ứng dụng này, Pomina sẽ giảm chi phí sản xuất, tận dụng được nguồn nhiệt tối đa, cửa lò không phải mở, giữ nhiệt ổn định ở 1.6000C, giảm được thời gian nung từ 60 phút xuống còn 45 phút, giảm tiêu hao điện năng từ 600 KW/tấn xuống còn 350 KW/tấn. Chiến lược của Pomina trong thời gian tới cũng sẽ là cố gắng nâng cao sản lượng xuất khẩu ra thị trường quốc tế, đạt 30% tổng sản lượng của toàn hệ thống.


Một chuyên gia về công nghệ thép của Nhật cho biết dự án Formosa được đầu tư ở Việt Nam là sự dịch chuyển nhà máy Formosa từ Cao Hùng (Đài Loan) đã có từ lâu theo công nghệ lò cao. Và công nghệ này đã không còn phù hợp do tiêu hao quá nhiều điện năng. Do đó, có thể khẳng định là công nghệ Pomina có phần nổi trội hơn Formosa.

Ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng ban Khu Kinh tế Vũng Áng, cũng cho biết do chú trọng vào việc thu hút đầu tư, việc đánh giá công nghệ đầu tư tại Khu Kinh tế Vũng Áng chưa được quan tâm đúng mức; vì thế, dự án Formosa không có thẩm định công nghệ.


Còn ông Lê Phước Vũ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, thì không đề cập đến vấn đề Formosa mà nhấn mạnh nhiều hơn đến việc doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng triệt để các ưu thế về sản xuất và phân phối sản phẩm trên thị trường quốc tế để mở rộng xuất khẩu. Đầu tháng 10.2014, chính Tập đoàn Hoa Sen của ông Vũ cũng đã khởi công dự án thép ở Nghệ An với công suất giai đoạn 1 là 100.000 tấn/năm để chuẩn bị cho chiến lược toàn cầu hóa.


Tuy nhiên, khi nhìn nhận lại năng lực cạnh tranh giữa một bên là Formosa và một bên là các doanh nghiệp thép nội địa thì lợi thế vẫn thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Với chiến lược hướng đến thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp thép nội địa đã bỏ qua câu chuyện cạnh tranh ở thị trường này với ngay chính Formosa.

Cần nhắc lại rằng trong 7,1 triệu tấn thép thành phẩm của Formosa sản xuất mỗi năm, có 3 triệu tấn thép được tiêu thụ ở Việt Nam, hơn 4 triệu tấn thép còn lại sẽ nhắm đến thị trường các nước lân cận, vì chi phí vận chuyển khá lớn. Và thị trường Đông Nam Á hiển nhiên cũng nằm trong tầm ngắm của Formosa.


Ứng dụng công nghệ luôn là hướng đi đúng đắn và cần được khuyến khích đầu tư. Thế nhưng, nếu khẳng định sử dụng công nghệ có thể vượt lên Formosa là không thực tế, bởi thiếu điều kiệu về quy mô.Một nhà máy sản xuất với quy mô lớn sẽ có được lợi thế cạnh tranh rất lớn về giá thành sản xuất. Bên cạnh đó, hàng rào thuế nhập khẩu bảo hộ cho các mặt hàng như ống thép, phôi thép, thép xây dựng... sẽ được dỡ bỏ trước cột mốc năm 2015. Đây cũng là một lực cản lớn cho ngành thép nội.


Bài toán cho các doanh nghiệp thép Việt trước thách thức của thị trường và trước một đối thủ lớn vẫn còn khó và nhiều trăn trở. Những yêu cầu gần đây của các doanh nghiệp thép nội, đơn cử như yêu cầu tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp ngành thép xuống thấp hơn mức hiện hành, có thể sẽ rút ngắn khoảng cách trong cuộc so găng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thép nội hiện vẫn chờ đợi nhiều sự hỗ trợ hơn từ phía Nhà nước trong cuộc chiến sinh tồn phía trước.

_________________________________________________________


Tính đến hết tháng 9.2014, lượng sắt thép cả nước nhập về là 8,13 triệu tấn, trị giá 5,45 tỉ USD, tăng 15% về lượng và tăng 8,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2014 từ Trung Quốc là 3,95 triệu tấn, chiếm 48,6% tổng lượng sắt thép cả nước nhập về và tăng 50,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

_________________________________________________________


Nguồn NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

......../.


Nếu không có rượu mới



Nếu không có rượu mới
Huy Đức




Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay ông Nguyễn Tấn Dũng tại buổi bế mạc họp Quốc hội ngày 12/4
Con số cơ cấu 35-40% đại biểu chuyên trách trong Quốc hội khóa tới là một bước đi đúng. Nhưng việc những người như Nguyễn Quang A, Nguyễn Cảnh Bình... bị loại bỏ bằng những công cụ hết sức võ biền cho thấy Đảng vẫn chỉ muốn, ngay cả những người tự ứng cử, cũng phải chắc chắn là người của họ.

Cho dù cách hành xử đó là "truyền thống" hay chỉ từ các mệnh lệnh địa phương, để hệ thống ứng xử như vậy, cho thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chưa chuẩn bị tâm thế và chưa có bước đi quan trọng nào được coi là cải cách.
Khi ông Nguyễn Tấn Dũng bị loại bỏ, số người vui chẳng nhiều hơn bao nhiêu số người bị hụt hẫng. Không ai nghĩ Nguyễn Tấn Dũng là một nhà lãnh đạo anh minh nhưng nhiều người hy vọng nếu ông Dũng toàn quyền, ông sẽ giải tán hoặc làm cho Đảng này sụp đổ.
Không có bất cứ một bằng chứng khoa học nào cho thấy ông Dũng sẽ làm điều đó ngoài những bài viết vu vơ trên những trang mạng nặc danh.
Chỉ vì quá chán ngán cái thể chế đã kìm hãm sự phát triển của dân tộc này suốt hơn 70 năm người ta sẵn sàng đặt niềm tin vào một con người đang trục lợi nhiều nhất từ thể chế cả về châu báu và chức tước.
Không có ai đáng trách.
Khát vọng thoát cộng lớn đến nỗi làm lú lẫn không chỉ những cái nick vô danh mà còn cả với nhiều trí thức.
Là người đứng đầu một Đảng đang cầm quyền nếu ông Nguyễn Phú Trọng không nhận thức đầy đủ khát vọng này của những người dân có học, để thúc đẩy cải cách chính trị, thì chiến thắng của ông trước Nguyễn Tấn Dũng sẽ bị coi là chiến thắng của một người tham vọng quyền lực chứ không phải của một người vì đất nước.
Năm nay, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ là người chủ trì những hoạt động kỷ niệm 30 năm đổi mới. Đừng cắt lát miếng nạc từ năm 1986 mà hãy quay về khúc xương khởi đầu từ khi Hồ Chí Minh mang chủ nghĩa Marx - Lenin đến Việt Nam. Để thấy, đổi mới đơn giản chỉ là một tiến trình Đảng gỡ bỏ dần dần những gông cùm mà Đảng từng áp đặt.
Từ "Chính sách kinh tế nhiều thành phần" đến "Kinh tế thị trường" là một bước tiến chưa đủ nhưng khá dài. Và khi, Đại hội XI bãi bỏ nguyên tắc "sở hữu công là chủ yếu", thì các "đặc trưng của chủ nghĩa xã hội" ghi trong Cương lĩnh không còn dấu hiệu nào của chủ nghĩa cộng sản theo mô hình mà Marx và các cộng sự của ông thiết lập trong Tuyên Ngôn Cộng Sản.
Hiến pháp 1992, tuy còn dùng dằng giữa "hai con đường" đã vẽ cho Việt Nam một nền cộng hòa trên giấy. Ngay cả những tổng bí thư bị coi là bảo thủ nhất như Đỗ Mười hay Lê Khả Phiêu, sau Hiến pháp 1992, cũng đã phải chuyển dần từ một chế độ đảng trực trị sang một chế độ đảng cầm quyền thông qua nhà nước.
Việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là một bước lùi về chính trị.
Sinh thời, Nguyễn Bá Thanh là một người rất được công chúng tung hô nhưng nếu những người am hiểu nhà nước pháp quyền biết cách ông Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh ngồi sau cánh gà các phiên tòa "lãnh đạo án" như thế nào chắc chắn họ sẽ vô cùng thất vọng.



Hoang Dinh Nam AFP GETTY -   Dàn lãnh đạo mới của Việt Nam sau Đại hội Đảng XII



Hoang Dinh Nam AFP GETTY -   Dàn lãnh đạo mới của Việt Nam sau Đại hội Đảng XII
Chống tham nhũng bằng Ban Nội chính thay vì gỡ bỏ "vòng kim cô nội chính" cho các cơ quan tư pháp, để họ tiến hành tố tụng theo các nguyên tắc dân chủ, pháp quyền, thì không chóng thì chày sẽ có Ba X tân thời thay cho Ba X cũ.
Dân chủ đơn giản chỉ là một phương thức cầm quyền theo nguyên tắc không để ai có quyền lực tuyệt đối. Dân chủ không phải là đích đến mà là một phương tiện được lựa chọn để tránh sự tha hóa tuyệt đối của những người cầm quyền. Dân chủ không phải là một cây gậy thần để quốc gia nào cầm nó trong tay cũng trở nên thịnh vượng. Nhưng, chưa có phương thức quản trị quốc gia nào ít rủi ro hơn dân chủ.
Vấn đề là đi tới dân chủ như thế nào.
Những người kỳ vọng Nguyễn Tấn Dũng "giải tán đảng" không chỉ là những nhà dân chủ nôn nóng mà còn là những người suy nghĩ đơn giản. Họ chờ đợi dân chủ theo cách của Đại Lãn. Họ nghĩ có ai đó sẽ dọn sẵn mâm cỗ dân chủ cho mình mà không thấy rằng dân chủ là một hành trình của chính mình.
Không thể có dân chủ trong một thể chế độc tài đảng trị. Nhưng, nếu như độc tài sụp đổ sau một đêm chúng ta có thể có đa đảng ngay thì tự do chính trị mà ta có đó chỉ mới là một tiền đề cần nhưng chưa đủ.
Chúng ta có thể buộc các nhà cộng sản phải chịu trách nhiệm về những gì đã làm trong quá khứ. Nhưng tôi không nghĩ là con đường đi đến dân chủ dứt khoát phải loại bỏ những người cộng sản đang nắm quyền. Thay vì đẩy họ về phía đối địch, dân chúng cần tạo áp lực đủ để họ thay đổi và nhận thức được rằng, dân chủ hóa là một tiến trình kiến tạo tương lai cho chính cả những người cộng sản.
Trong lộ trình đó, cần phải có những bước đi vững chắc để sao cho "nền cộng hòa trên giấy" hiện nay từng bước có thể vận hành. Hãy để Quốc hội tập dượt vai trò giám sát của mình và chuẩn bị để các cơ quan tư pháp thoát dần ra khỏi tình trạng bị địa phương cát cứ. Trước mắt, không để nhánh quyền lực nào, cơ quan nào nắm giữ quá nhiều quyền lực, mũi đột phá cần được chọn ngay là Bộ Công an.
Giờ đây, tuy đứng vị trí cao hơn nhưng chắc chắn sẽ có khi đại tướng Trần Đại Quang cảm thấy mình lơ lửng. Bộ Công an hiện đang có đủ quyền để biến, thậm chí, cả những người trong bộ tứ trở thành con tin. Do quyền lực của Bộ bao trùm lên các cơ quan tố tụng, không dễ để chống tham nhũng, rất khó để tránh oan sai.
Đây là lúc, Tổng bí thư có thể đánh thức vai trò đồng minh từ ông Quang để tách Bộ Công an thành các cơ quan độc lập: Tình báo; Phản gián; Cảnh sát quốc gia - Cảnh sát địa phương - Cảnh sát giao thông; trả Trại giam về cho Tư pháp; lập Cơ quan Điều tra quốc gia.
Chức năng, nhiệm vụ của tình báo và phản gián không có gì tương thích với lực lượng cảnh sát. Đừng để lực lượng tình báo - phản gián tham gia quá sâu vào các cuộc chơi chính trị nội bộ mà sự "màu mỡ" của nó rất dễ làm họ sao nhãng nhiệm vụ chính là cảnh giác thù ngoài.
Cần có một Tư lệnh cảnh sát quốc gia để duy trì sự thống nhất quyền lực trung ương nhưng việc gìn giữ an ninh trật tự chủ yếu do cảnh sát địa phương đảm trách. Cảnh sát công lộ cũng nên là một lực lượng độc lập (vì điều tra không cùng một nhà họ sẽ không dám nhận mãi lộ phổ biến như hiện nay).
Nếu để điều tra trong Bộ Công an rất khó chống tiêu cực trong các cơ quan cảnh sát. Nên lập cơ quan điều tra quốc gia. Cảnh sát địa phương có thể điều tra các vụ án, trộm cướp... nhưng đã là án liên quan đến chức vụ, quyền hạn, liên quan đến tham nhũng phải do cơ quan điều tra quốc gia tiến hành [Tòa cũng lập thành tòa sơ thẩm, phúc thẩm... bố trí ở các khu vực; địa phương có tòa nhưng chỉ xử hình sự thường].


Điều mà nền kinh tế cần Chính phủ làm ngay là chấm dứt sự can thiệp bằng các công cụ hành chánh vào các quan hệ kinh tế, dân sự của người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nên ra ngay một quyết định yêu cầu các bộ ngưng ban hành các điều kiện kinh doanh mới (giấy phép con). Đồng thời, yêu cầu Tổ thi hành luật doanh nghiệp phối hợp với VCCI đưa ra một danh sách các giấy phép (trong số hơn 6000 giấy phép con ban hành dưới thời Nguyễn Tấn Dũng) có dấu hiệu lạm quyền, đình chỉ thi hành chúng cho đến khi Chính phủ có thời gian rà soát lại.
Để làm được việc này, Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc phải đủ dũng cảm để từ bỏ các bổng lộc mang lại do sự lạm quyền (hành chánh hóa các quan hệ dân sự, kinh tế) bằng cách tách ngay chức năng hành pháp chính trị và hành chính công vụ. Lập các vụ tham mưu chính sách bên cạnh các cục thực thi chính sách. Quan chức nào, vụ nào đã tham gia vào tiến trình ban hành chính sách thì không được dính vào quy trình thi hành (cấp phép, thanh tra, giám sát...).
Nếu chưa đủ sự ủng hộ chính trị để tư nhân hóa đất đai, Chính phủ cần sửa luật để đảm bảo đối xử với quyền sử dụng đất của người dân như quyền về tài sản. Bãi bỏ các điều luật cho phép chính quyền thu hồi đất (không thể dùng quyền hành chính để can thiệp vào quyền về tài sản). Chỉ khi thật cần thiết, chính quyền mới áp dụng quyền trưng mua, trưng dụng.
Mặc dù, đã từng có nhiều đại biểu ăn nói rất được lòng dân, nhưng Quốc hội không chỉ là một diễn đàn. Kể từ sau Hiến pháp 1959, lịch sử Quốc hội Việt Nam chỉ ghi nhận hai sự kiện đại biểu thực thi quyền: 1985, bà Đào Thị Biểu, đoàn Cửu Long, đòi quy trách nhiệm những người quyết định chính sách Giá - Lương - Tiền; 2010, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đòi lập Ủy ban điều tra độc lập, đình chỉ chức vụ và điều tra ông Nguyễn Tấn Dũng.
Tham nhũng sẽ không lúc nhúc như hiện nay, Chính phủ sẽ không thao túng như thời Nguyễn Tấn Dũng nếu có nhiều đại biểu như Nguyễn Minh Thuyết, Đào Thị Biểu...; Những người như Đào Ngọc Dung sẽ khó trở thành bộ trưởng nếu tuần trước ông ta phải điều trần ở các ủy ban cho báo chí tham gia và nếu Bộ chính trị không chỉ muốn Quốc hội hợp thức hóa quyết định của mình mà còn là nơi giúp loại bỏ những người tai tiếng.
Muốn như thế, không chỉ nâng số đại biểu chuyên trách lên 35 hay 40% mà phải mở cửa cho 15-20% những người thực sự tự ứng cử vào trong quốc hội.


Cần bãi bỏ ngay quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc để các nhân viên trong một bộ bỏ phiếu tín nhiệm cho bộ trưởng là một việc làm lố bịch [bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước dân, chính sách của ông nếu có lợi cho dân có thể làm cho nhân viên khó chịu].
Để tổ dân phố bỏ phiếu quyết định một người có thể trở thành ứng cử viên đại biểu quốc hội hay không lại càng phản khoa học và phi dân chủ. Tử tế với nơi mình sống là cần thiết, nhưng đánh giá họ là phải dựa trên khả năng tham gia của họ trong các chính sách ở tầm quốc gia chứ không chỉ chuyện cản con mèo ăn vụng cá nhà hàng xóm.
Hoặc Đảng cứ nắm toàn quyền Đảng cử. Hoặc sửa luật, để theo đó, ứng cử viên gồm những người có thể do đảng chính trị đề cử hoặc tự ứng cử (nếu thu thập đủ số chữ ký bằng một tỷ lệ luật định trên số cử tri).
Dân trí đã thay đổi, quan trí cũng phải theo; đừng tiếp diễn các trò hề dân chủ nữa.
Những người biết chuyện cung đình đánh giá cao sự giữ gìn của ông Nguyễn Phú Trọng và vợ con ông (ít nhất là cho đến nay). Nhưng, quản trị quốc gia (trong đó có chống tham nhũng) phải bằng thể chế chứ không thể trông chờ vào "tấm gương đạo đức" của một vài cá nhân hay việc bắt bớ, loại bỏ một vài con sâu chúa.
Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất, của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có "đổi mới II" trong nhiệm kỳ cuối của ông.
Nếu cho đến ngày nghỉ hưu, ông không đưa ra được một lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa.

HUY ĐỨC
........./.


Tài liệu Panama








http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20160406/tai-lieu-panama-dia-chan-the-ky-mot-nam-dai-dieu-tra/1079626.html



Những tài liệu vừa được đồng loạt tung ra hôm 3-4 đã khiến nhiều nhân vật, nhiều công ty như hứng phải “Ngày chủ nhật đen tối”...





“Chúng tôi không phải dạng như Wikileaks. Chúng tôi chỉ muốn chứng minh rằng nghề báo có thể thể hiện tinh thần trách nhiệm ra sao" 

GERARD RYLE (giám đốc ICIJ)





Người ta vẫn chưa thể hình dung những dư chấn của trận “sóng thần vấy bùn” này như một tờ báo đã mô tả.
Nhật báo Đức Süddeutsche Zeitung là tờ đầu tiên nắm được thông tin vụ việc từ một email nặc danh gửi đến đây. “Xin chào. Tôi là kẻ phiếm danh. Quý vị có lưu tâm đến dữ liệu mật? Tôi sẵn sàng chia sẻ”. Đấy là nội dung email đầu tiên gửi đến nhà báo Bastian Obermayer một ngày cuối năm 2014. Obermayer hỏi lại với ý thăm dò: “Vì sao ông/bà lại muốn làm như vậy?”. Người cấp tin trả lời đơn giản: “Tôi muốn đưa những vụ phạm tội này ra công luận”.

Nguồn tài liệu khổng lồ
Nhân vật ẩn danh cũng cho biết không thể gặp mặt trực tiếp nhà báo vì như thế sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Nhân vật chỉ muốn trao đổi qua ngõ chat được mã hóa. Obermayer hỏi thăm dò: “Thế tài liệu ông/bà đang đề cập đến là cỡ bao nhiêu?”. “Nhiều hơn những gì anh từng thấy” - nguồn tin đầu bên kia trả lời.
Sự kết nối bắt đầu và tiếp đó người cấp tin ẩn danh đã chuyển những tài liệu mật như đã hứa. Tổng cộng hơn 11 triệu tập tin tài liệu từ Công ty luật Mossack Fonseca của Panama được chuyển đến. Sáu nhà báo của tờSüddeutsche Zeitung được giao chuyên trách xử lý vụ việc mà họ đoán là sẽ gây ra cơn địa chấn.
Nhóm nhà báo Đức cùng các chuyên gia về dữ liệu bắt đầu kiểm chứng độ tin cậy của tài liệu mật họ vừa nhận được. Họ phải dùng nhiều biện pháp kỹ thuật khác nhau để kiểm tra chéo.
Chẳng hạn phải so sánh với các tên công ty đã có đăng ký chính thức, với những tuyên bố của các nhân chứng, những bản án tòa đã tuyên có liên quan một số vụ việc. Họ cũng đã nói chuyện với hàng trăm nhân chứng, trong đó có những người có tên trong tài liệu Panama, với các chuyên gia về tài chính, các luật sư và quan chức chính quyền...
Các văn bản tài liệu gồm cả thông tin, các email trao đổi, các bản định dạng pdf, hình ảnh..., sau đó được xử lý bước đầu và phân loại để công cụ phần mềm có thể đưa về cùng một cơ sở dữ liệu cho dễ xử lý, đối chiếu.
Vốn là thành viên của Liên minh Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), tờ nhật báo Đức quyết định chia sẻ nguồn thông tin quý giá mình có được độc quyền với tổ chức để có thể tiến hành đồng thời các cuộc điều tra nhằm giải mã cho được thông tin ở các nước có liên quan.
Hơn 214.000 công ty bình phong ở hơn 200 quốc gia và lãnh thổ có dính líu trong “tài liệu Panama” nên không thể đùa được. Quy mô lớn như thế bởi lẽ hồ sơ này được tích lũy gần 40 năm qua.

Người dân Iceland xuống đường biểu tình ở Reykjavik ngày 4-4 đòi Thủ tướng Sigmundur Gunnlaugsson từ chức ngay sau khi biết thông tin từ tài liệu Panama rằng nhà lãnh đạo của mình có công ty bình phong ở nước ngoài - Ảnh: Reuters


Gấp 1.500 lần tài liệu Wikileaks
Nhiều cuộc họp của đại diện ban biên tập các báo đã được tổ chức tại Washington (Mỹ) để xác định mục tiêu xử lý hồ sơ có được, từ đó định hướng cho việc phối hợp điều tra. Tổng cộng khoảng 400 nhà báo của độ 100 tờ báo và cơ quan truyền thông khắp thế giới đã tham gia vụ việc giải mã.
Nhà báo Maxime Vaudano, thuộc tổ giải mã của báo Le Monde (Pháp) xác nhận rằng khi đối diện với nguồn tài liệu khổng lồ như thế, ban biên tập báo Đức phải liên hệ với ICIJ nhờ hỗ trợ. Các thành viên ICIJ sau đó đã bay đến Munich để thảo luận bước đầu với tờ báo Đức.
Khó khăn đầu tiên của các nhà báo là khối lượng dữ liệu quá khổng lồ mà báoLe Monde làm phép so sánh là “nếu muốn đọc hết số tài liệu này từ đầu đến cuối thì phải mất nhiều chục năm đọc thâu đêm suốt sáng”. Số tài liệu này nhiều gấp 1.500 lần tài liệu rò rỉ của Wikileaks.
Chưa kể việc tài liệu không được sắp xếp theo chuyên mục. “Chúng tôi phải lục tung lên, tìm kiếm mối liên kết giữa các tài liệu để xem ai là người hưởng lợi đích thực từ các công ty bình phong vì nếu nhìn sơ bộ qua thì không thể biết được điều này” - nhà báo Maxime Vaudano mô tả.
Phía ICIJ đã phải đặt hàng đội ngũ viết phần mềm của công ty mới của Pháp là Linkurious để viết ra bộ lọc và tìm kiếm riêng cho nguồn tài liệu này để các nhóm dễ làm việc. Theo lời giám đốc ICIJ Gerard Ryle, các nhà báo phải sử dụng nhiều loại phần mềm khác nhau, thậm chí cả phần mềm nhận diện chữ cái để trích xuất văn bản chữ từ hình ảnh.
Họ cũng có hệ thống chat riêng để các nhà báo tham gia việc giải mã hồ sơ có thể trao đổi với nhau những “mánh khóe” giúp tìm ra thông tin cần thiết nhanh nhất, và cũng nhằm nhờ vả đồng nghiệp các nước khi đụng phải tài liệu tiếng nước ngoài mà mình không đọc được.
Trong vụ này, theo ông Ryle, các nhà báo điều tra được khuyến khích hỗ trợ chia sẻ thông tin với nhau để tiến độ công việc đạt hiệu quả nhất. Thậm chí một số ban biên tập còn tổ chức các buổi gặp mặt riêng tại nhiều thành phố để bàn bạc thêm khi gặp bế tắc.
Nhìn chung, các nhóm nhà báo thuộc quốc gia nào thì chỉ chuyên chú vào các nhân vật hoặc công ty thuộc quốc gia của mình, đương nhiên cũng vì nhu cầu thông tin bạn đọc của mình. Thậm chí họ chỉ đủ sức tập trung trước mắt vào một số lĩnh vực, một số cái tên cộm cán.
Như nhóm các nhà báo Pháp tập trung vào việc sàng lọc, lập ra một số danh sách như danh sách “Các nghị sĩ Pháp có dính líu”, danh sách những người thuộc nhóm 500 người Pháp giàu nhất, danh sách những người được công chúng chú ý...
ICIJ hiện quy tụ hơn 190 nhà báo điều tra ở 65 quốc gia. ICIJ thành lập năm 1997 tại Washington dưới dạng tổ chức phi lợi nhuận, theo đề xướng của nhà báo Mỹ Chuck Lewis với mục tiêu liên kết sức mạnh của những người làm nghề để tiến hành điều tra nhắm vào các chủ đề lớn như tội phạm xuyên biên giới, tội phạm tham nhũng, gian dối tài chính.
Tiêu chí hoạt động của tổ chức nghề nghiệp này là hợp tác để phát triển chứ không phải nhằm cạnh tranh, triệt hạ nhau. Nhiều tờ báo hàng đầu ở các quốc gia nay đều rất tự hào được tham gia những vụ tung tài liệu điều tra đình đám của ICIJ.

Theo Ủy ban châu Âu (EC) có khoảng 30 quốc gia trên thế giới vẫn còn bị xem là “vùng xám” trong hoạt động giúp rửa tiền, trốn thuế. Để lên được danh sách đen này, EC dựa trên báo cáo của các quốc gia thành viên của mình đánh giá về những nơi bị xem là còn khoảng trống luật pháp trong lĩnh vực tài chính.

Theo đó phần lớn điểm đen nằm ở các quốc gia Caribe và Antilles. Nhưng ở châu Âu và châu Đại Dương cũng còn những điểm được cho là “thiên đường tài chính”.

DŨNG NGUYÊN
........./.