văn hóa “thuần Việt” ở miền Tây..

văn hóa “thuần Việt” ở miền Tây..


*****************
NGÔ NHẬT ĐĂNG







Tất niên Sài Gòn với “nhóm miền Tây”, chỉ có một mình là Bắc kỳ. Cũng có vài vị nhưng dân “9 nút” lại còn sanh trong này nữa thì là dân Nam chánh hiệu rồi, dĩ nhiên. Ăn mừng cuốn sách viết về miền Tây mới in, thật cảm động và hãnh diện nữa khi được mời : “Anh cũng là rể miền Tây, anh phải viết chứ”. Thật ra, nó cũng là trách nhiệm như anh bạn phát biểu : “Chúng ta chỉ có ngòi bút và một ít chữ, phải viết để tạ ơn mảnh đất đã sinh ra hoặc đã cưu mang nuôi nấng ta”. Anh nói thêm : “Chúng ta cũng phải viết vì là miền đất mới, chúng ta lâu nay bị quan niệm là vùng đất không có văn hóa, văn chương”.

Ồ chuyện này thì dứt khoát không đồng ý, thật ra nó đã được giải quyết từ đầu thế kỷ 20, khi cụ Phan Khôi vào Sài Gòn làm báo đã đăng một số bài viết chê văn chương Nam kỳ bình dân, đơn giản, không sâu sắc thâm trầm, nó đã gây ra một cuộc bút chiến sôi nổi của báo chí miền Nam ngày ấy. Ngày đó, cụ Phạm Quỳnh cũng chê, nhưng là chê trí thức Nam Kỳ “Tây quá”, cụ Phạm đồng ý rằng văn minh phương Tây hơn hẳn Nam nhiều phương diện, nhưng có điều đáng lo ngại là cái tư duy quá duy lý dễ cực đoan. Điều lo lắng ấy chứng tỏ Phạm Quỳnh là người có viễn kiến dù ông là một trí thức Tây học (đã từng sang Paris diễn thuyết tại Quốc hội Pháp về văn hóa Việt Nam).

Lịch sử đã chứng minh tại châu Âu vào thế kỷ 19 có hai phong trào giải phóng chính trị to lớn đó là chủ nghĩa cá nhân nhân bản và chủ nghĩa dân tộc lãng mạn. Nhưng hai dòng suối vĩ đại ấy cũng sinh ra 2 đứa con quái thai là chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát-xít, cũng vì quá duy lý đến mức cực đoan. Linh hồn và lãnh tụ của phong trào Cộng sản Đệ tứ ở Việt Nam hầu hết là những trí thức miền Nam với những tên tuổi lẫy lừng : Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường vv….

Ngược về cội nguồn, trong đoàn người Nam tiến chắc chắn có những kẻ hào kiệt bất mãn với triều đình, mà ngôn ngữ ngày nay gọi là “bất đồng chính kiến”, họ phản đối những tư tưởng, chính sách thủ cựu, cũ kỹ của triều đình, bất mãn vì những tư tưởng tiến bộ của mình không được sử dụng mà còn mang họa sát thân, họ phải ra đi tìm vùng đất mới có con người mới, tiêu biểu như Đào Duy Từ và con rể là Nguyễn Nhật (Hữu) Tiến được coi là “Đệ nhất khai quốc công thần” của triều Nguyễn.

Tất nhiên họ không thể dùng cái ngôn ngữ (để diễn đạt tư tưởng) mà chính họ đã đả phá nơi cố hương, đất mới, ngôn ngữ cũng cần đổi mới. Suy cho cùng, ngôn ngữ là công cụ để truyền tải tư tưởng. Một nhóm các nhà triết lý “biểu diễn” tư tưởng của mình bằng những khái niệm trừu tượng với ngôn ngữ rắc rối, càng bí hiểm càng hay, khi không có ai hiểu được mình thì họ tự xếp mình vào một đẳng cấp khác, bay lượn trên đầu chúng sinh, cho mình mới là “hàn lâm” còn cái ngôn ngữ kia chỉ là “bình dân” dành cho những kẻ ngu tối, mông muội. Trò đời, người ta hay sợ những gì mình không hiểu nên vô hình chung dân chúng e sợ và tôn kính những người đó như là những vĩ nhân. Nhưng về hiệu quả, những tư tưởng mà ai cũng hiểu với những tư tưởng mà chẳng ai hiểu (kể cả những người viết ra), cái nào có ích cho nhân loại ? Phân biệt “hàn lâm” và “bình dân” chỉ làm những người có kiến văn thấy lố bịch, tức cười. Anh thử nói thật rằng, thực ra mình chẳng hiểu quái gì những từ ngữ bí hiểm ấy mà coi ? Nào là : “suy niệm siêu hình học”, “suy niệm thường nghiệm”, nào là “những phương pháp tâm lý học duy lý và xã hội điều khiển bởi những người lú lẫn có thiện chí” vv… ha ha…

Lịch sử cũng đặt ra những câu hỏi cần phải được giải đáp rốt ráo. Tại sao sau khi chiếm toàn bộ Việt Nam, người Pháp lại đặt Nam Kỳ là thuộc địa, trong khi Bắc Kỳ là bảo hộ ? Lại nữa, năm 1861, người Pháp xóa bỏ Nho học ở miền Nam, đặt ra giáo dục Tiểu học Pháp- Việt bắt buộc, nhưng đến năm 1905, Nho học được khôi phục ở Nam Kỳ trong khi năm đó lại là năm cuối cùng của kỳ thi Nho học xứ Bắc. Phải chăng tư tưởng “Nho” tại miền Nam có điều khác biệt, tiến bộ hơn, hay tinh tuyền hơn ? Henry Cuocherousset viết : Người Tây không đồng ý với vài phong tục của người Nam, nhưng người Tây cũng thấy tiếc rẻ vô cùng khi những thuần phong mỹ tục của người Nam đang bị mất đi"

Khi Paul Duomer đến làm toàn quyền ở Đông Dương, ông ta lại chọn Hà Nội là thủ đô, lý do không được nêu ra rõ ràng với vài dòng ngắn ngủi : “Sài Gòn đã hình thành là một thành phố, chúng ta chỉ cần tiếp tục hoàn thiện nó, nhưng Hà Nội có đủ điều kiện phát triển xứng tầm là một thủ đô”. Cũng chính do ông ta mà các trường Cao đẳng và Đại học được mở tại Hà Nội, và thành phố này cũng là thành phố đầu tiên có điện trên toàn cõi Đông Dương. Nghiên cứu những cuốn niên giám của các trường đó, ta thấy số sinh viên Nam Kỳ hồi ấy theo học chiếm tỷ lệ tương đối lớn, số lượng sang Pháp du học thì dân Nam kỳ chiếm đa số tuyệt đối.

Khi cuộc chiến Quốc- Cộng đi về cuối, các trường được chuyển dần vào Sài Gòn, cho đến năm 1954 thì toàn bộ các trường Cao đẳng, Đại học và cả những trường Trung học tiếng tăm như Chu Văn An, Trưng Vương cũng đều vào Sài Gòn với hầu hết giáo sư, giáo viên và số đông sinh viên, học sinh. Đến năm 1956 “Viện Đại học Sài Gòn” được hoàn thiện, có thể khẳng định rằng từ đây, trung tâm văn hóa cả nước đã chính thức chuyển vào miền Nam. Nó là cơ sở để năm 1957, hội nghị giáo dục toàn miền Nam đã thống nhất với triết lý giáo dục của mình : “Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng”. Trong 20 năm ngắn ngủi, miền Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong triết học, văn chương, nghệ thuật, âm nhạc vv….bỏ xa miền Bắc. Bản thân tôi, lớn lên nhiều nhờ được tiếp xúc với văn chương miền Nam trước 75.

Một điều nữa, tại sao người miền Nam lại chấp nhận một thể chế chính trị xa lạ với phương Đông vào lúc đó, đó là chế độ Cộng hòa với 2 viện, thoát thai từ những mô hình chính trị dân chủ của phương Tây, được đánh giá là tiên tiến ở châu Á ? Trong khi miền Bắc thì chưa (4.000 năm qua vẫn chưa), chính vì thế mà Việt Minh dưới sự lãnh đạo của ông Hồ mới chơi được trò tháu cáy “tổng tuyển cử” năm 46.

Muốn đất nước phục sinh và trường tồn phát triển phải là bằng văn hóa, cái văn hóa Việt dù bị tàn phá nặng nề nhưng vẫn còn được bảo tồn phần cốt lõi “thuần Việt” ở miền Tây, nó vẫn sống âm ỉ dưới lớp sóng ngầm. Phải khơi dậy nó khi chưa quá muộn. Đó là điều tự hào và cũng là một trách nhiệm nặng nề. Một sứ mạng.

Cách đây hơn nửa thế kỷ, triết gia Lương Kim Định vui mừng với phát hiện của mình từng hét lớn : “ Sứ mạng của đồng bằng sông Cửu Long”. Ai sẽ là người bước tiếp ?


.........../.

HUGO CHAVEZ, CHỦ NGHĨA HỖN ĐỘN VÀ NỖI ĐAU CỦA NHÂN DÂN VENEZUELA





HUGO CHAVEZ, CHỦ NGHĨA HỖN ĐỘN  VÀ NỖI ĐAU CỦA NHÂN DÂN VENEZUELA

**********

TRAN DINH THU


https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2206701166052211&id=100001370467846


Hugo Chavez không phải là đảng viên Đảng cộng sản và ở Venezuela cũng không có đảng cộng sản nào. Các lý thuyết mà Hugo theo đuổi thật ra rất hỗn độn.
Ban đầu Hugo theo ý thức hệ của Chủ nghĩa Bolivar, về sau ông ta kết hợp thêm ý thức hệ của Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21 và vay mượn thêm một ít từ Chủ nghĩa xã hội Marx-Lenin.
Bolivar là tên một anh hùng dân tộc của Venezuela đã lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc khỏi sự thống trị của Tây Ban Nha cho 6 nước bao gồm Venezuela, Colombia, Panama, Ecuador,Peru, và Bolivia.
Chủ nghĩa Bolivar bao gồm 7 điểm chính: Độc lập dân tộc, Quyền tự chủ của nhân dân, Công bằng xã hội, Giáo dục toàn dân, Chống tham nhũng, Chống chủ nghĩa quân phiệt, Liên kết Mỹ Latinh.
Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21 được tạo ra bởi Heinz Dieterich, một người cánh tả Mexico gốc Đức, sau đó được phát triển bởi Hugo Chavez, Rafael Correa của Ecuador, Evo Morales của Bolivia và Luiz Inácio Lula da Silva của Brazil. Lula da Silva làm tổng thống Brazil đến 2 nhiệm kỳ, từ 2003 đến 2011.
Nói dài một chút, giới trẻ ở Châu Mỹ Latin khá nhiều người mê Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21 của nhóm này và nhờ đó mà Lula da Silva đắc cử tổng thống Brazin đến 2 nhiệm kỳ. Mới đây Bolsonaro, tổng thống mới của Brazil đã đuổi việc 300 viên chức chính phủ Brazil theo Chủ nghĩa xã hội chính là Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21 của nhóm này.
Chủ nghĩa xã hội không phải là đặc sản của Marx. Chủ nghĩa xã hội ra đời trước Marx rất lâu và về sau phát triển thành nhiều nhánh khác nhau và Marx chỉ phát triển một trong các nhánh đó, gọi là Chủ nghĩa Marx. Tiếp đến Lenin phát triển thành Chủ nghĩa Marx-Lenin, hướng đến việc xây dựng Chủ nghĩa cộng sản, và trong lý luận của học thuyết này có 1 giai đoạn trải qua chủ nghĩa xã hội mà ta có thể gọi là Chủ nghĩa xã hội Marx-Lenin.
Ở các nhánh chủ nghĩa xã hội khác có thể không có mục tiêu đi lên Chủ nghĩa cộng sản mà chỉ dừng ở Chủ nghĩa xã hội.
Điểm chung của tất cả các nhánh chủ nghĩa xã hội bao gồm cả Chủ nghĩa xã hội Marx-Lenin là cho rằng chủ nghĩa tư bản thiếu vắng tính nhân đạo nên cần phải tìm cách hoặc là “cải tạo” chủ nghĩa tư bản cho nhân đạo hơn như các nhánh thuộc Chủ nghĩa xã hội dân chủ hoặc là đánh đổ chủ nghĩa tư bản để xây dựng một xã hội hoàn toàn mới nhân đạo hơn rất nhiều như Chủ nghĩa xã hội Marx-Lenin.
Sự khác nhau là các nhánh Chủ nghĩa xã hội dân chủ vẫn giữ phương thức sản xuất kinh tế thị trường và giữ vững dân chủ. Riêng Chủ nghĩa xã hội Marx – Lenin từ mục đích rất kiên quyết của mình mà có các đặc điểm khác với các trường phái chủ nghĩa xã hội khác ở chỗ chủ trương: 1). Đánh đổ chủ nghĩa tư bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội ngay lập tức chứ không chờ đợi sự phát triển từ từ chậm chạp mà nó gọi là Chủ nghĩa xã hội không tưởng 2). Xây dựng nền kinh tế kế hoạch hóa và 3). Giao cho Đảng cộng sản nắm giữ quyền lãnh đạo độc tôn để đảm bảo 2 mục tiêu trước.
Trong 3 đặc điểm này, Hugo vay mượn đặc điểm kế hoạch hóa nền kinh tế, tập trung phát triển kinh tế nhà nước và triệt tiêu dần kinh tế tư nhân để áp dụng vào Venezuela. Và có lẽ Hugo cũng vay mượn thêm một ít nữa từ tư tưởng độc tôn lãnh đạo mặc dầu Hugo không thành lập Đảng cộng sản ở Venezuela.
Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21 mà Hugo đã tham gia sáng lập và đi theo nếu không vay mượn thêm một số tư tưởng từ Chủ nghĩa xã hội Marx-Lenin thì nó vẫn tôn trọng dân chủ và kinh tế thị trường nên nó phát triển được ở một số nước như Ecuador, Bolivia, Brazil. Chính vì vậy mà ban đầu Hugo được nhân dân Venezuela tín nhiệm bầu làm tổng thống. Ở đây lưu ý có nhiều hiểu lầm rằng Chủ nghĩa xã hội Marx – Lenin đã được người Venezuela đón nhận nồng nhiệt là không chính xác. Trên thực tế họ chỉ đón nhận Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21.
Lại nói dài hơn một chút. Thật ra Gorbachov không phải là người từ bỏ chủ nghĩa xã hội mà chỉ từ bỏ Chủ nghĩa xã hội Marx-Lenin. Gorbachov nằm trong số những người theo Chủ nghĩa xã hội dân chủ, trong đó không công nhận kinh tế kế hoạch hóa, không công nhận vai trò độc tôn của Đảng cộng sản.
Cách làm của Gorbachov trên thực tế là chuyển từ Chủ nghĩa xã hội Marx-Lennin thành Chủ nghĩa xã hội dân chủ.
Tôi cho rằng ông Tập Cận Bình cũng có thể đang cân nhắc việc chuyển này như Gorbachov đã làm và trong một mức độ nào đó thì nó vẫn dễ được nhiều nước trong đó có Mỹ chấp nhận. Bởi vì khi chuyển qua Chủ nghĩa xã hội dân chủ thì vai trò độc tôn của Đảng cộng sản không còn, dù Đảng cộng sản vẫn tồn tại trong đời sống chính trị như Nga hoặc là chuyển thành một đảng xã hội dân chủ để lãnh đạo đất nước Trung hoa.
Với Trump thì có lẽ ông có tư tưởng hoàn toàn không thích tất cả các trường phái xã hội chủ nghĩa còn Obama thì có thể thích Chủ nghĩa xã hội dân chủ. Obamacare là một biểu hiện khá rõ nét của Chủ nghĩa xã hội dân chủ và chúng ta cũng đừng lạ về điều này vì chính Brazil cũng có một tổng thống Chủ nghĩa xã hội dân chủ và ở Châu Mỹ Latin có nhiều nước có tổng thống theo Chủ nghĩa xã hội dân chủ, và phong trào này có thể lan rộng ra nhiều nước. Vì vậy cho nên khi Trump trước diễn đàn Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc công khai phê phán Chủ nghĩa xã hội là ông bao hàm luôn cả Chủ nghĩa xã hội dân chủ và luôn cả những mầm mống tư tưởng như Obama và có vẻ ông răn đe luôn cả Đảng Dân Chủ với các cá nhân có cảm tình với Chủ nghĩa xã hội dân chủ. Có lẽ Trump lo lắng một ngày nào đó nước Mỹ sẽ có một tổng thống Chủ nghĩa xã hội dân chủ như Luiz Inácio Lula da Silva của Brazil và lại vay mượn các tư tưởng khác như Hugo Chavez.
Người dân Brazil có lẽ đã lo lắng từ bài học Venezuela nên vừa rồi kiên quyết bầu ra một tổng thống có tư tưởng như Trump và cũng vì thế nên với Trump ông coi vấn đề Venezuela rất hệ trọng chứ không phải là coi nhẹ như phân tích của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới hiện nay.
Thực tế Chủ nghĩa xã hội dân chủ cũng có những mặt tích cực của nó, và nó chỉ gây ra các hệ luỵ như ở Venezuela khi vay mượn thêm các tư tưởng của Chủ nghĩa xã hội Marx-Lenin một cách vô nguyên tắc.

Bây giờ quay trở lại Venezuela. Qua một thời gian ngắn nắm quyền lãnh đạo Hugo đưa đất nước này rơi vào kiệt quệ. Sau khi Hugo chết, ông ta “truyền ngôi” lại cho Maduro mà không tổ chức một cuộc bầu cử dân chủ như Brazil. Maduro sau đó có xu hướng triệt tiêu hoàn toàn dân chủ, khiến cho nhân dân phản ứng dữ dội, đưa Venezuela rơi vào vòng xoáy bất ổn nghiêm trọng như đã biết.
Vào lúc thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido kêu gọi thành lập chính phủ chuyển tiếp để đưa Venezuela đi vào ổn định thì ông Diosdado Cabello, chủ tịch Hội Đồng Lập Hiến trả lời: “Sự chuyển đổi duy nhất đối với Venezuela là hướng tới chủ nghĩa xã hội”.

............./.

Bỏ Tết cổ truyền ?

Bỏ Tết cổ truyền ?


Bỏ Tết cổ truyền vì Việt Nam đã nghỉ quá nhiều? Hãy thử so sánh với các nước khác xem sao!

Những năm gần đây, rộ lên ý kiến đòi bỏ Tết Nguyên Đán để ''phù hợp với kinh tế thế giới'', rằng Việt Nam nghỉ nhiều, nghỉ ''lệch'' thời gian với các nước phát triển. Điều đó đúng hay sai?
Vào năm 2005, ý tưởng bỏ Tết ta, gộp Tết Nguyên Đán với ngày nghỉ đầu năm dương lịch được khởi xướng bởi Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân. Tuy đa phần người dân đều phản đối, chính phủ cũng không phê duyệt nhưng vẫn có một số trí giả trong nước đã có ý kiến ủng hộ đề xuất này.
Ông Võ Tòng Xuân cho rằng việc giữ Tết Nguyên Đán là tạo điều kiện cho người dân ăn chơi, phè phỡn nhậu nhẹt, mất cơ hội làm ăn với nước ngoài. Quan điểm này sau đó lại được một bộ phận dân chúng tự xưng ''trí thức'' khơi lại khi nước Nhật đầu tư ồ ạt vào Việt Nam với lý do là Nhật Bản đã từng bỏ Tết Nguyên Đán và Việt Nam nên học hỏi theo Nhật.
Vậy có thực là bỏ Tết Nguyên Đán sẽ tốt cho Việt Nam? Thiết nghĩ chỉ cần đưa ra một vài dẫn chứng thực tế là có thể tự đánh giá khách quan.
So với các nước khác, Việt Nam nghỉ nhiều hay ít?
Nếu lấy năm 2018 làm ví dụ thì Việt Nam chỉ nghỉ 14 ngày lễ bao gồm:
Nguồn: Chuyên trang lịch số, niên giám thống kê timeanddate.com
Trong thời gian Việt Nam nghỉ Tết Nguyên Đán 2018 là 7 ngày kể trên (từ 14 tháng 2 đến 20 tháng 2 năm 2018) lại đã bao gồm Thứ 7 và Chủ Nhật. Những ngày lễ còn lại như Giỗ Tổ Hùng Vương, Giải Phóng Miền Nam 30 tháng 4, Quốc Khánh 2 tháng 9 chỉ nghỉ một ngày, không có gì để bàn cãi. Còn lại đều theo thông lệ quốc tế như ngày Quốc Tế Lao Động 1 tháng 5.
Trong khi đó, năm 2018 người lao động Nhật Bản nghỉ lễ tổng cộng 20 ngày như sau:
Nguồn: Chuyên trang lịch số, niên giám thống kê timeanddate.com
Theo như thống kê ở trên, Nhật Bản đã nghỉ các ngày lễ truyền thống nhiều hơn Việt Nam, trong đó có Tuần Lễ Vàng kéo dài liên tục 5 ngày từ 29 tháng 4 đến ngày 5 tháng 5, tương đương Tết Nguyên Đán của Việt Nam hoặc Trung Quốc.
Ngoài ra, học sinh Nhật Bản có nghỉ đông cuối tháng 12 đến giữa tháng 01, nghỉ xuân cuối tháng 2 đến đầu tháng 3, nghỉ hè 7 tuần từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8. Nói chung là bên cạnh người lao động thì học sinh Nhật Bản cũng được nghỉ nhiều hơn học sinh Việt Nam.
Tuần Lễ Vàng ở Nhật cũng kéo dài như Tết Nguyên Đán ở Việt Nam.
Cứ như vậy, tính theo số lượng ngày nghỉ, thì nước Lào chỉ nghỉ có vỏn vẹn 5 ngày lễ, Hàn Quốc có 16 ngày lễ được nghỉ, Trung Quốc thì có 11 ngày (đã gồm cả Tết Nguyên Đán). Nhưng kinh tế Lào không hơn Việt Nam, và Trung Quốc thì là nền kinh tế thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ. Điều này chứng tỏ rằng số lượng ngày nghỉ ít hay nhiều không phải là yếu tố quyết định với nền kinh tế nước nhà.
Có phải người Nhật Bản bỏ Tết Nguyên Đán để dễ bề kinh doanh với phương Tây không?
Câu trả lời là HOÀN TOÀN KHÔNG. Bất cứ ai học chuyên ngành Tiếng Nhật hoặc Đông Phương Học, có tìm hiểu về văn hóa văn minh Nhật Bản sẽ biết rằng xứ sở Hoa Anh Đào có hệ thống lễ hội cực kỳ phong phú, nhiều ngày lễ hơn Việt Nam. Cho dù có bỏ Tết Nguyên Đán, họ vẫn còn hàng chục ngày lễ hội khác để nghỉ ngơi và vui chơi trong khi người phương Tây đang làm việc.
Ngày Oshougatsu ở Nhật Bản.
Một số ngày tiêu biểu mà người lao động ở Nhật được nghĩ có thể kể đến như ngày Xuân Phân, Thu Phân, Ngày Lá Xanh, Lễ Thành Nhân, Ngày Chiêu Hòa, Sinh nhật Thiên Hoàng, Ngày Trẻ Em, Ngày Tạ Ơn Lao Động, Ngày Kính Lão. Thậm chí có cả Ngày Của Núi, Ngày Của Biển... Có thể nói là: "Ôi thôi đủ loại ngày nghỉ lễ!"
Trên thực tế mà nói, Nhật Bản bỏ Tết Nguyên Đán có hai lý do sau:
1. Tết Nguyên Đán du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc. Tổ tiên người Nhật vốn không có ngày này. Người Nhật có một ngày hội khác tên là Oshougatsu (Chính Nguyệt), với thời gian khá tương đồng với Tết Nguyên Đán. Trước 1873, khi còn dùng Âm Lịch và ăn Tết Nguyên Đán, người Nhật thường gộp chung Tết Nguyên Đán và Oshougatsu. Về sau khi bỏ Âm Lịch dùng Dương Lịch, họ vẫn giữ ngày Oshougatsu chứ không bỏ đi.
Ngày Oshougatsu, người Nhật vẫn kéo đèn kết hoa mừng năm mới.
2. Nhật Bản bỏ Tết Nguyên Đán để thể hiện thái độ ngả về phương Tây, biểu lộ quan điểm đối nghịch cứng rắn trước sức ảnh hưởng của Trung Quốc chứ không phải để ''khớp với lịch làm ăn của phương Tây''. Đây là một quyết định mang tính biểu tượng vào một thời điểm nhạy cảm.
Căn bản, người Nhật vốn bỏ đi một thứ không thuộc về họ, điều đó hoàn toàn không có gì sai cả. Tuy nhiên, đối với Việt Nam thì hoàn toàn khác.

Tết Nguyên Đán của Việt Nam hay Trung Quốc?
Tết Nguyên Đán là tài sản của nền văn minh lúa nước.
Những người yêu cầu bỏ Tết Nguyên Đán có một luận điệu như sau: "Tết Nguyên Đán là của Trung Quốc, cần phải bỏ để thoát Trung!''. Dựa trên những bằng chứng lịch sử, quan điểm trên là vô cùng nông cạn và không có hiểu biết về văn hóa lịch sử Việt Nam và Trung Quốc.
Nền văn minh lúa nước của bộ tộc Bách Việt mà người Việt Nam (Lạc Việt) thừa hưởng bắt nguồn hơn 10000 năm trước Công Nguyên.
Trước hết, cần biết Tết Nguyên Đán là bắt đầu của một năm mới Âm Lịch. Bộ lịch ''Âm Lịch'' (hay lịch mặt trăng) vốn được đúc kết từ kinh nghiệm trồng lúa, canh tác nông nghiệp của bộ tộc Bách Việt (tổ tiên của người Việt Nam). Người Bách Việt chia thời gian trong năm thành 24 tiết khí, trong đó Tiết Lập Xuân đánh dấu một năm mới. Chữ ''TIẾT'' sau hàng ngàn năm thì biến âm thành chữ ''TẾT'', chính là Tết Nguyên Đán ngày nay.
Có thể nói, Âm Lịch là di sản của nền văn minh lúa nước. Khai quật ở Đồng bằng Sông Hồng phát hiện nhiều hóa thạch của hạt lúa từ 9000 ngàn năm trước Công Nguyên, chứng tỏ văn minh lúa nước của Việt Nam đã phát triển từ rất lâu.
Hạt lúa hóa thạch, duy nhất tìm thấy ở Việt Nam và Thái Lan, là hai nền văn minh lúa nước lâu đời, cũng hiện tại là hai quốc gia xuất khẩu lúa gạo đứng đầu thế giới, ở Trung Quốc không nơi nào tìm ra hóa thạch tương tự.
Ngược lại, tổ tiên của người Trung Quốc là người Hoa Hạ vốn là những người chăn thả gia súc, du canh du cư, không biết trồng lúa nước. Sự hình thành của người Hoa Hạ bắt đầu từ 4000 năm trước Công Nguyên khi bộ tộc Hạ ở Hoàng Thổ Cao Nguyên (黄土高原) vốn ở phía Bắc Trung Quốc đánh chiếm bộ tộc Hoa ở Bình Nguyên Vị Hà (渭河平原).
Thủ lĩnh người Hạ là Hiên Viên Hoàng Đế đánh thắng thủ lĩnh người Hoa là Viêm Đế, sáp nhập tộc Hoa vào tộc Hạ, gọi là Hoa Hạ. Sau đó họ tiếp tục tiến đánh về phía Nam, thắng tộc Xi Vưu rồi đến nô dịch tộc Bách Việt của chúng ta.
Những hóa thạch hạt lúa có niên đại từ năm 9000 đến 7000 năm trước công nguyên.
Bản thân người Trung Quốc xuất thân từ tộc Hoa Hạ ở nơi cao nguyên lạnh lẽo, không có đồng bằng phù sa để phát triển lúa nước, sau khi giao thoa văn hóa với người Bách Việt thông qua hành vi cướp bóc nô dịch, người Hoa Hạ mới biết đến cây lúa nước. Họ mang cây lúa về mẫu quốc gieo trồng và lấy luôn bộ Âm Lịch để sử dụng. Ngoài ra họ cũng ''mượn'' luôn tính ngưỡng thờ Thần Nông (vị thần đã dạy cho người Việt cách trồng lúa).
Tượng thờ Thần Nông cầm bông lúa.
Chi tiết này dễ chứng minh trên phương diện ngôn ngữ. Trong ngôn ngữ Trung Hoa, khi cấu thành từ ghép họ đặt bổ ngữ trước danh từ, ví dụ Sơn Thần (山神), Thủy Thần (水神), Thiên Thần (天神)... Có thể thấy, tất cả các ''thần'' của Trung Quốc đều có chữ thần đứng sau và bổ ngữ đứng trước, chỉ riêng có một ngoại lệ là ''Thần Nông'' (神農) khi bổ ngữ đứng trước chữ Thần.
Vì sao lại có sự khác biệt? Đơn giản là vì người Trung Quốc đã ''mượn xài đỡ'' và giữ nguyên luôn chữ Thần Nông của Bách Việt. Người Việt nói bổ ngữ phía sau danh từ, ví dụ người Việt nói ''Sao Hỏa'' trong khi người Trung Quốc gọi là ''Hỏa Tinh''.
Ngoài ra, khi khai quật ở khu vực sinh sống của người Hoa Hạ, vốn không có hạt lúa hóa thạch nhiều tuổi như ở Việt Nam hoặc Thái Lan, chứng tỏ mãi về sau này họ mới biết cách trồng lúa, tất nhiên họ cũng không phải chủ sở hữu của Âm Lịch và Tết Nguyên Đán (điều này người Trung Quốc cũng không hề phản đối, họ là người đã phát tán Tết Nguyên Đán sang Triều Tiên, Nhật Bản, nhưng không phải là người sở hữu ngày lễ này).

Kết Luận
Tóm lại, minh chứng lịch sử, khảo cổ đều cho thấy Âm Lịch và Tết Nguyên Đán là tài sản ''chính chủ'' của người Việt Nam.
Chính vì thế, chúng ta không cần phải bỏ Tết Nguyên Đán như Nhật Bản, không có lý do phải bỏ để chống đối Trung Quốc và càng không thể bỏ thứ tài sản quý giá của chính tổ tiên dân tộc mình, vì một dân tộc mất gốc chính là một dân tộc lụi tàn.

Nguồn bài: Tổng Hợp
............/.

Công nghiệp 4.0 thực ra là gì?




Công nghiệp 4.0 thực ra là gì?


Nguyễn Vạn Phú


https://nguyenvanphu.blogspot.com/2019/01/cong-nghiep-40-thuc-ra-la-gi.html?fbclid=IwAR3uEHGraRF46yWaBfNUXvNaGFvLYEeTa543Rw2s37nntHSsTYfVkMNgTrA



****



Cụm từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay công nghiệp 4.0 là một từ thời thượng, nhiều người dùng nó một cách say sưa cho nhiều tình huống và nhiều người khác cười chê ai dùng nó như những kẻ hoang tưởng. Nhưng dường như ít ai bỏ công tìm hiểu nguồn gốc của nó cũng như nói cho cặn kẽ nội dung của nó là gì.

Năm 2011, Liên đoàn nghiên cứu kinh tế và khoa học Đức đưa ra cho Thủ tướng Merkel một đề xuất thực hiện chương trình nghiên cứu sử dụng máy tính vào công nghiệp để duy trì thế mạnh của Đức trong lãnh vực này. Chương trình được đặt tên Cách mạng công nghiệp 4.0 với lập luận thế giới đang bước vào ngưỡng cửa của một cuộc cách mạng công nghiệp mới tiếp nối cuộc cách mạng công nghiệp 3.0 vốn đã là ứng dụng máy tính, công nghệ thông tin, truyền thông và tự động hóa vào sản xuất và mọi mặt của cuộc sống.

Thủ tướng Merkel ủng hộ chương trình nhưng không hài lòng với cái tên vì đời nào chính phủ Đức lại đi tài trợ cho một cuộc cách mạng, dù là trong công nghiệp. Thế là tên được đổi thành Công nghiệp 4.0, trở thành nội dung chính của sáng kiến “Chiến lược Công nghệ cao 2020 cho nước Đức”.

Theo lời kể chuyện của giáo sư Christoph Roser, chuyên ngành quản lý sản xuất tại Đại học Karlsruhe, Đức, ngoài phần giới thiệu ai cũng biết về các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, không ai rõ nội hàm của khái niệm Công nghiệp 4.0 là gì. Nhưng vì chính phủ Đức đồng ý tài trợ đến 400 triệu euro nên nhiều cơ quan, trường đại học và doanh nghiệp nhảy vào cuộc, các đề tài nghiên cứu đẻ ra như nấm mọc sau mưa, chủ yếu xoanh quanh nội dung liên quan đến máy tính dùng trong công nghiệp như dữ liệu lớn, in 3D, nhận diện khuôn mặt, xe tự hành, điện tử đám mây và vạn vật kết nối.

“Bạn có thể đọc những tài liệu rất dài về Công nghiệp 4.0 nhưng trang nào cũng nói một chuyện như nhau chỉ có điều bằng từ khác mà thôi” – GS Roser viết.

Những năm sau đó hàng loạt các nhà nghiên cứu cũng như các chuyên gia về công nghiệp đã dồn về Đức để học hỏi về Công nghiệp 4.0. Các phần mềm hỗ trợ Công nghiệp 4.0 bán chạy như tôm tươi. Nhưng GS Roser thú nhận: “Người Đức chúng ta cũng không biết gì nhiều hơn phần còn lại của thế giới. Cũng như câu chuyện về hoàng đế với bộ quần áo mới, có nhiều bài viết ca tụng chuyện mọi thứ sẽ tuyệt vời hơn như thế nào với Công nghiệp 4.0 nhưng nếu nhìn cho kỹ, nội dung không có gì cả. Tuy thế, vẫn có nhiều người khen bộ quần áo mới của Công nghiệp 4.0!”

Một trong những đề tài thu hút sự chú ý của nhiều người là về các hệ thống vật lý ảo (Cyber-Physical Systems) – ý tưởng ở đây là kết nối máy móc, thậm chí các linh kiện với nhau bằng mạng kỹ thuật số. Nhờ thế thông tin về hiện trạng của hệ thống sẽ dễ có sẵn đó kèm theo là một lượng thông tin khổng lồ giúp phân tích hiện trạng. Từ đó trên báo chí phổ thông mới xuất hiện các hình ảnh, một quản lý nhà máy sáng sớm biết ngay máy nào cần dầu, máy nào cần thay linh kiện, máy nào chạy tốt, máy nào có vấn đề. Thậm chí ông ta không cần ra lệnh nữa mà máy thiếu dầu tự động yêu cầu dầu, máy thiếu linh kiện ra lệnh thay linh kiện. Thật là một hình ảnh hấp dẫn. Người ta tính toán nếu máy móc biết trước được hỏng hóc để tránh, hệ thống biết trước nguyên liệu cần có, chừng đó cũng đã tiết kiệm đến 270 tỷ euro mỗi năm cho nước Đức. Thế là từ đó về sau Công nghiệp 4.0 được gán với nội dung này là chủ yếu.

*                           *                           *

Người đưa cụm từ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào ngôn ngữ hàng ngày, gán cho nó những ý nghĩa rộng hơn, mang tính khái quát hơn chính là Klaus Schwab, nhà sáng lập và hiện đang làm giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Theo ông ba cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên được thúc đẩy bởi than đá và hơi nước, đến điện và xe hơi, rồi đến máy tính. Nay loài người, theo ông đang tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà động lực là tự động hóa và trí tuệ thông minh nhân tạo. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016, Schwab đã chọn cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay nói gọn là công nghiệp 4.0 làm chủ đề, từ đó ý tưởng này lan rộng.   

Một số bài viết của các tác giả khác sau đó triển khai về hướng người tiêu dùng nên chú trọng đến vạn vật kết nối, mọi thứ đồ dùng quanh ta đều nói chuyện với nhau và nói chuyện với máy tính để mọi người cũng có thể nắm được thông tin mọi thứ trong đời sống như trong sản xuất. Đây là hướng triển khai của các nước bên ngoài Đức.

Kể từ đó, bất kỳ một xu hướng ứng dụng công nghệ làm thay đổi cuộc sống nào cũng được gán cho cái nhãn công nghiệp 4.0 như robot thông minh, xe tự lái, biên tập bộ gen… Tuy nhiên điều đáng lưu ý là các tác giả khi nói về công nghiệp 4.0 thường dành phần đầu để ca ngợi các đột phá công nghệ làm thay đổi tận gốc rễ cơ cấu xã hội nhưng phần sau đều nhắc đến các thách thức mà loài người phải vượt qua. Chủ đề lớn nhất vẫn là bất bình đẳng gia tăng, xã hội tan rã thành cụm nhỏ, các định chế lâu đời bị phá vỡ trong khi cái thay thế lại chưa định hình. Xã hội có thể tiến tới chỗ có một “giai tầng vô tích sự” gồm hầu hết nhân loại và một số ít những người thuộc giai tầng công nghệ nắm trong tay bí quyết và phương tiện để sống tách biệt với phần còn lại của nhân loại.

Ở Việt Nam, khái niệm công nghiệp 4.0 được đón nhận với một sự nhiệt thành đáng kinh ngạc; có lẽ vì khái niệm này có thể giúp “đi tắt, đón đầu” và có lẽ không ai muốn lập lại sai lầm “bế quan tỏa cảng” ngày xưa. Khát vọng mở cửa “đi tắt, đón đầu” này có tác dụng thúc đẩy các chính sách tiếp nhận cái mới mà làn sóng công nghệ tạo ra. Tuy nhiên gần đây khái niệm công nghiệp 4.0 được gán cho quá nhiều xu hướng nên ý nghĩa của nó gần như bão hòa, không còn mang hàm ý như thế giới hiểu công nghiệp 4.0: một sự tổng hòa khi vạn vật kết nối tạo ra sự thông minh trong quản lý sản xuất, khi trí tuệ thông minh nhân tạo, rô-bốt làm thay cho con người trong nhiều hoạt động và khi dữ liệu lớn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các thuật toán ẩn đằng sau sự vận hành của xã hội.



........./.