NHÀ VĂN ĐÚNG NGHĨA LÀ TINH HOA CỦA ĐỜI





NHÀ VĂN ĐÚNG NGHĨA LÀ TINH HOA CỦA ĐỜI

 

 

Nguyễn Hoàng Đức


Nước ta có hàng nghìn nhà thơ, đó là những người vào hội nhà nước, kỳ thực, nếu rưa rứa vậy, như hội thơ chui vừa qua kết nạp trong ít tháng đã có khoảng dăm ngàn người trình độ trứng gà – trứng vịt với hội chính thống luôn, thì Việt Nam có khoảng cỡ triệu nhà thơ, và cũng có khoảng vài trăm nhà văn. Nhưng số lượng hùng hậu đó có bao nhiêu nhà thơ và nhà văn chuyên nghiệp đúng nghĩa? Để biết cây hãy xem quả, và xem cách người cầm bút ra quả.
Văn học tất yếu phải có nhân vật, nếu không có khác gì bánh mỳ không kẹp nhân. Bánh trưng Việt Nam nếu không có nhân, sao thành bánh trưng?! Ấy vậy mà hầu hết các nhà thơ Việt không thể hiểu, và nếu có hiểu cũng không thể làm, hàng nghìn tập trường ca ra đời không hề có nhân vật, nếu có nhân vật thì rất nhợt nhạt, không tạo thành một xã hội nhân vật, hiếm hoi lắm mới xuất hiện một nhân vật trước biển trời mênh mông không biết làm gì ngoài gãi háng. Ngay cả văn xuôi, nhân vật cũng rất nhợt nhạt, nhiều tác giả trẻ viết truyện như là viết ký, nhân vật không giao tiếp, va chạm, xúc tác, mà chủ yếu là suy diễn trong đầu.
Suy diễn quá nhiều đó là cách làm nghèo và phản văn học, đặc biệt sau khi đã xuất hiện Hiện tượng luận, chủ nghĩa hiện sinh, và bút pháp đối thoại ngôn từ của Faulkner trong “Âm thanh và cuồng nộ”. Một vài nhà văn, nhà thơ quá nổi tiếng còn được khiên cưỡng ghép cho những bút pháp “hậu hiện đại”, nhưng than ôi, họ không biết tiếng Tây, cũng chẳng biết viết văn theo mệnh đề kép có đại từ quan hệ, hoặc giả có biết tiếng Tây thì lại sền sệt tâm hồn í ì i tre lá.
Nói một cách thẳng thắn, không thể ấm ớ che đậy, như trước đây ngành điện ảnh đã từng công bố sau bao nhiêu lần chần chừ: Phim Việt Nam dở là bởi kịch bản văn học yếu. Văn học Việt quả là rất non tay lèo tèo, nhân vật không có, định lấy đậu phụ làm nhân chay cho văn học, tưởng là nhân ăn vào thấy nhạt vô song. Nhân vật nhợt nhạt không có hành động, càng không có tư tưởng, chỉ có tí chút sinh hoạt ăn ngủ, dục vọng, họp hành vô bổ. Tình tiết yếu. Chủ yếu dùng suy diễn, nhưng tri thức và tư tưởng lại yếu nên suy diễn loanh quanh.
Chúng ta có những hội văn nghệ rất lớn, một cái cây to nhiều người khênh còn được, nhưng dăm người tụ lại một cây sáo, hay trăm người bấu lấy một cây đàn thì làm sao tấu nhạc được. Nhà văn là nghề cầm bút, đâu có phải đua nhau ra đồng tát nước, mà có thể xúm xít đông đảo trên trang giấy? Cụ thể chúng ta có Văn nghệ quân đội, Văn nghệ công an, Văn nghệ công nhân, chỉ còn thiếu văn nghệ nông dân và văn nghệ dọn môi trường. Đấy là cách chúng ta đã đặt vấn đề sai. Tại sao?
Bởi văn nghệ là của Văn nghệ sĩ, chứ làm sao của bộ đội và công an cũng như công nhân được?! Nhà nông làm ra sản phẩm thì người ta gọi là “nông sản”. Quân đội có súng ống bảo vệ biên cương. Công an có dùi cui bảo vệ an ninh. Chứ quân đội và công làm sao có tác phẩm để trở thành văn nghệ sĩ? Tất nhiên quân đội và công an có quyền yêu văn nghệ, thì chúng ta chỉ nên gọi là “câu lạc bộ văn nghệ quân đội” hay “CLB văn nghệ công an” thì được.
Văn nghệ là tinh hoa phải dùng đúng chỗ thì nó mới đắt.
Trái lại một khi chúng ta dùng từ “văn nghệ” cách lạm dụng tràn lan, thì nó mới nảy sinh sự coi thường nhàm chán và tạo ra vô số nhà thơ, nhà văn nghiệp dư.
Cụ thể, về mặt học thuật, các triết gia Hy Lạp xác định không thể có quân nhân, công nhân, nông dân viết văn. Aristote lập luận: Những người lao động chân tay nặng nhọc hay mưu sinh kiếm sống vất vả, khó có thể có tâm hồn thanh cao. Tại sao? Vì lao động mưu sinh đã không giúp người ta sự thanh nhàn để suy tư. Và nếu không suy tư đủ nhiều đủ chín, người ta khó mà ngẫm nghĩ thấu đáo mọi vấn đề. Xã hội Hy Lạp xưa tách bạch rõ ràng: người chủ và đầy tớ. Người chủ có tiền đầu tư làm ăn, có bổng lộc điền sản, vì thế học hành, đọc sách và suy ngẫm. Trái lại người ở vất vả lao động dịch vụ tay chân không thể có điều kiện suy ngẫm những điều cao thượng.
Về ngành nông nghiệp hiện đại, máy cày, máy bừa, máy gieo hạt, máy gặt đập đã đưa vào nông nghiệp rất nhiều, nhưng các chuyên gia tính toán, đưa máy móc vào nông nghiệp không có lãi bằng lao động chân tay. Chẳng hạn một gia đình nông Việt Nam, mua máy kéo vài chục triệu vào sản xuất, được vài vụ chiếc máy đó lăn ra hỏng, thì trồng bao nhiêu thóc cho lại? Dù lỗ, nhưng thế giới vẫn tăng tiến đưa máy móc vào nông nghiệp, vì lãi cho việc: làm tăng số người nhàn rỗi lên. Và một nền nông nghiệp tiên tiến được đo bằng: một người làm nông nuôi được bao nhiêu người khác, giúp họ nhàn rỗi để làm các công việc khác cũng như đầu tư cho trí tuệ và văn hóa.
Aristote còn cho rằng: mục đích của đời người là nhàn rỗi. Vì đương nhiên không ai muốn cuộc sống mưu sinh vất vả.
Từ nhàn rỗi, người ta mới có thời gian học tập, cầm quyển sách, và yêu thích văn chương.
Aristote bàn về giáo dục như sau: không nên để trẻ con ở gần những người ở, vì họ ít học, cục cằn, thô lỗ, hay nói tục. Trẻ con sẽ bị nhiễm.
Người Tàu có câu “làm tướng là ngồi trong màn trướng biết việc ở ngoài ngàn dặm”. Nhà văn như người ta thường nói là kiến trúc sư của tâm hồn, rất cần thiết phải cao thượng. Bởi chỉ có cao thượng anh mới có thể dấn thân vào cứu rỗi cuộc đời. Nhà văn không nhất thiết phải bò lê bò càng cùng đi thực tế vào đồng ruộng hay nhà máy. Ông Freud đâu có đến thanh lâu, vậy mà ông viết về tình dục lọc lõi mọi bề, vì ông viết bằng kiến thức có nguyên lý. Trong khi đó một triệu ma cô ăn chơi đĩ điếm rách trời có viết được một trang tình dục nào đâu?! Nhà văn rõ ràng là một viên tướng của chữ nghĩa và văn hóa, anh quan sát cuộc đời bằng tầm cao của tháp canh, chứ không phải bằng cách lăn lộn vào hiện trường như mấy cô đầu bếp.
Nhà văn là người sáng tạo và lao động bằng chữ nghĩa. Bản chất sâu xa của chữ nghĩa là Phổ quát, kiến thức, và cao thượng, vì đơn giản chữ nghĩa ở trên đầu. Người Tàu xưa cho rằng: chỉ có bậc thánh hiền mới nên viết sách để hướng dẫn chúng sinh. Còn dạng tiểu nhân thấp hèn thì không nên viết sách làm loạn chuẩn mực của xã hội. Ngày nay là thời đại của máy in và máy vi tính, quan niệm về văn học cũng thoáng hơn, ai biết chữ thì đều có thể làm thơ, viết sách. Chỉ có điều, nếu tri thức và nhân cách còn thấp lè tè thì nhà văn chúng ta khó mà chuyển tải được những giá trị cao thượng của cuộc đời. Muốn hay, muốn vĩ đại, văn học phải chuyên nghiệp. Không nên nôn nón vội vàng như cả triệu công – nông – binh hay giám đốc, vừa thuộc mặt chữ đã ào ào xếp vần làm thơ, hay mấy anh chị nhà báo đưa tin cấp một thấy sân nhà còn thừa liền tranh thủ viết vài truyện ngắn… như vậy làm sao có thể sản sinh một vài tác phẩm đồ sộ, mênh mông, quảng bác, và vĩ đại? Hãy làm cây lớn trước khi tỏa bóng xuống cuộc đời. Hãy rèn luyện mình thành tinh hoa trước khi tỏa sắc vào tác phẩm. Chớ nên tung hứng vài câu lèo tèo trên chiếu thơ mà đòi trùm bóng lên sông núi rồi cả những đại dương xa xôi nữa. Mây tre đan xuất khẩu dù đẹp đâu có thể trở thành cây đàn lia thiêng liêng của thơ đang cùng Homer tấu trên đỉnh O-lanh-pơ?



NHĐ  12/09/2013


......./.