Giới công chúng phê phán trong
Internet của Trung Quốc (trích)
***
“Dân chủ ư? Chúng tôi đã có Internet rồi”
Bà C., 32 tuổi, đại diện văn học, Bắc Kinh:
“Hệ thống độc đảng và thiếu dân chủ không phải là vấn đề đối với chúng tôi.
Chúng tôi đã có Internet rồi.
Tôi đã sống nhiều năm ở châu Âu và ở Hoa
Kỳ, và nhận thấy rằng người Trung Hoa trẻ tuổi dùng Internet như là phương tiện
trao đổi thông tin tích cực hơn nhiều so với giới trẻ ở Phương Tây.
Có hai thái cực trong xã hội của chúng tôi: ở một mặt là chính phủ,
mặt kia là Internet. Trong những năm vừa qua, Internet đã trở nên mạnh mẽ vô
cùng, tốt cũng như xấu. Nhiều người dùng tin rằng họ không phải chịu trách
nhiệm cho những gì mà họ phát biểu ở đó. Họ kích động con người, nói không có
lôgic, và mặc dù vậy người ta vẫn tin họ. Người ta không tin vào chính phủ,
chính phủ nói gì cũng vậy, ngay cả khi đó là sự thật. Người ta đã mất lòng tin
rồi.
Ngày nay, người ta có thể phê phán các lãnh
tụ chính trị ở trên mạng. Lời phê phán càng thô bỉ và càng khó tin thì càng
tốt. Đảng không sợ những lời phê phán quá lố như vậy, vì người đọc hoài nghi
chúng. Chính phủ sợ nhất là các trang
mạng của giới trí thức, vì những trang này thường lập luận có sơ sở khách quan.
Người ta rất thích đóng cửa những trang như thế.
Nhiều người có nhiệm vụ tìm những bài viết
phê phán chính phủ và xóa chúng đi. Họ nhận được năm mươi cent cho công việc
xóa một bài viết.
Vì thế mà chúng tôi gọi họ là Đảng 50 cent.
Họ không chỉ xóa các bài viết. Họ cũng gây
bất an bằng cách dựng lên những lời khẳng định quá lố, để rồi người ta không
còn biết cái gì là thật, cái gì không thật nữa. Qua đó, họ cố tình làm cho
Internet mất đi giá trị của nó.
Họ cũng tấn công người khác với giọng điệu
trơ tráo và đưa ra những khẳng định không thật về những người nổi tiếng. Cách
diễn đạt của họ khiến cho người ta nhớ đến cách ăn nói của thời Cách mạng Văn
hóa. Cả điều đó cũng đẩy những người nào đó rời xa Internet.”
Internet như là người mở đường cho dân chủ hóa
Ông C., 52 tuổi, nghệ nhân thủ công, Thượng
Hải: “Nhiều người trẻ tuổi tin rằng Internet có thể thay thế được nền dân chủ.
Thật là thơ ngây!
Trong Internet, ai cũng có thể phê phán và
chửi rủa, và phần lớn đều là nặc danh. Vì thế mà không ai nghĩ rằng mình phải
chịu trách nhiệm cho những gì đã nói ra. Đó không phải là dân chủ, đó là hỗn
loạn và có hại cho một nển dân chủ trong tương lai. Vì khi người ta lẫn lộn
giữa Internet và dân chủ thì rồi sau này họ cũng sẽ không tin vào một hình thức
chính phủ dân chủ, vì họ biết rằng dối trá và lừa đảo trong Internet là có thể,
và thêm vào đó lại còn phổ biến nữa.
Mặt khác, các cán bộ lãnh đạo của chúng tôi
trước sau gì thì cũng không ưa chuộng dân chủ. Họ chỉ muốn giữ vững quyền lực
của họ thôi. Đứng trong trung tâm của quyền lực là một đặc quyền mà họ sẽ không
bao giờ tự nguyện từ bỏ nó. Mặc kệ cho trong Internet có chửi bới và phàn nàn
như thế nào đi nữa. Những người đó vẫn ở trên cao, họ mặc kệ phê phán và càu
nhàu.
Đi tới dân chủ là một con đường dài và cực
nhọc. Các dân tộc khác đã cần nhiều thế kỷ mới có nó được. Tôi cho rằng áp dụng
nó ở chúng tôi trong thời gian sắp tới đây là điều không thể.”
Từ người vô danh trở thành số hai của thế giới
Năm 2010, tạp chí Time đã đưa anh vào danh
sách của 100 người có ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới: Hàn Hàn từ Thượng
Hải. Một sự phóng đại? Hoàn toàn không phải thế. Anh đứng hạng nhì qua bỏ phiếu
trong Internet.
Hàn Hàn với hơn 400 triệu lượt truy cập vào
trang mạng của mình là một trong những blogger thành công nhất Trung Quốc. Đặc
biệt giới tinh hoa trẻ tuổi ở thành thị đều biết đến con người chống đối này.
Đối với những người nào đó, anh là một thần tượng, vì anh nói ra những gì mà
nhiều người chỉ dám nghĩ đến.
Hàn Hàn sinh năm 1982, tức thuộc cái được
gọi là thế hệ sau tám mươi, những người biết đến ba mươi năm đầu tiên của nước
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với nhiều phong trào chính trị thảm họa của nó chỉ
từ lời thuật lại của cha mẹ họ – nếu nói chung là có.
Anh không thích trường học. Anh căm ghét
việc phải học thuộc lòng, bỏ học và vì vậy mà cũng không đủ tiêu chuẩn để được
nhận vào một trường đại học. Anh chỉ muốn làm những nghề nghiệp ngồi, vì anh
muốn không bao giờ phải đứng nữa, như thường xảy ra trong trường khi thầy giáo
phạt anh phải đứng vào trong một góc nhà vì hay chống đối. Vì vậy mà anh trở
thành nhà văn và người lái xe đua. Đặc biệt nghề nghiệp thứ nhất đã có những
thành công to lớn.
Mặc dù thầy giáo cho anh điểm xấu trong giờ
văn, anh đoạt giải nhất trong một cuộc thi viết văn trên khắp nước. Cha anh đã
giới thiệu cho anh những tác phẩm của các tác giả Trung Quốc nổi tiếng. Với 18
tuổi, anh xuất bản quyển tiểu thuyết đầu tiên của mình, một câu chuyện trào
phúng về hệ thống giáo dục Trung Quốc. Sách bán được hơn hai triệu bản, vì
trong đó Hàn Hàn đã đánh trúng tâm lý của thế hệ anh.
Cũng như nhiều người của thế hệ sau 80, Hàn
Hàn sử dụng Internet một cách hết sức tự nhiên. Từ năm 2006, anh bình luận trên
trang mạng của mình về cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc.
Ngay trước Triển lãm Thế giới 2010, khi cả
phân nửa Thượng Hải bức xúc về các công trường xây dựng đường phố ở giờ phút
cuối cùng và về sự cản trở giao thông cực lớn do các công trường đó gây ra, Hàn
Hàn đưa ra một lời giải thích hết sức dễ hiểu: nếu như người ta tiến hành bảo
trì các con đường đó một năm trước đây thì cho đến Expo chúng cũng sẽ lại hư
hỏng trở lại.
Anh cũng bàn đến các đề tài nhạy cảm như
tham nhũng, kiểm duyệt, chuyên quyền của nhân viên nhà nước và tàn phá môi
trường. Nhiều người cũng làm điều đó, nhưng điểm đặc biệt của Hàn Hàn là lời
chế giễu bén nhọn của anh và tính hài hước không trau chuốt của anh. Vì vậy mà
hiện giờ anh không những được giới trẻ thán phục mà với những lời nói sắc nhọn
của mình cũng đã chiếm được cảm tình của những người lớn tuổi hơn.
Có những người nào đó đã nhìn thấy ở anh
một Lỗ Tấn thứ hai, nhà văn Trung Quốc nổi tiếng nhất của thời hiện đại.
Sự nổi tiếng của anh bảo vệ anh trước những
người kiểm duyệt, những người hẳn phải đau đầu vì sự chế giễu của anh.
Khó có thể tấn công được Hàn Hàn.
Tuy là anh gọi thẳng tên các sự việc, thế
nhưng anh lại không công khai phê phán. Anh thích kêu gọi tình yêu nước nhiều
hơn, với nhiều tính khôi hài. Có những lời bình luận nào đó của anh được chuyển
đi tiếp như là những lời nhận xét dí dỏm, những lời bình luận khác đã nhanh
chóng bị những người kiểm duyệt xóa ngay sau khi xuất hiện. Hàn Hàn không để
cho những việc đó tạo ấn tượng. Khi anh có kế hoạch cho một tờ tạp chí về tiểu
luận, thơ và ý kiến, và cơ quan nhà nước đã không cấp cho anh giấy phép xuất
bản, anh đã nhanh chóng chuyển sang xuất bản riêng lẻ dưới dạng sách mà việc
xuất bản nó không còn có thể bị ngăn chận được nữa.
Yu-Chien Kuan (Quan Ngu Khiêm)
Phan Ba dịch
...../.