Nguyễn Xuân Phúc và cái chết trên chấm phạt đền Lê Văn Đoành

 TIẾNG DÂN // 15-1-23

Nguyễn Xuân Phúc và cái chết trên chấm phạt đền


Lê Văn Đoành


***



Ngày 14-1-2023, giấy mời dự “hội nghị” khẩn cấp đóng dấu MẬT được gởi đến tất cả các Uỷ viên Trung ương khoá XII, thời gian làm việc gói gọn trong buổi chiều ngày 17-1-2023.

Hội nghị Trung ương bất thường lần này chỉ nằm trong hai vấn đề:

1. Trung ương xem xét theo hướng đồng ý cho ông Nguyễn Xuân Phúc thôi Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương khoá XIII, thôi chức Chủ tịch nước, thôi đại biểu quốc hội khoá 15.

2. Kế đến, Trung ương giới thiệu nhân sự để quốc hội bầu tân Chủ tịch nước.

Như vậy, sinh mệnh chính trị của Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, chủ tịch Hội đồng Quốc phòng – An ninh, Thống lĩnh các lực lượng vũ trang Việt Nam của ông Nguyễn Xuân Phúc sắp được định đoạt bởi kỳ họp Trung ương bất thường ngày 17-1-2023 và kỳ họp quốc hội bất thường trong ngày 18-1-2023.

Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh năm 1954, cầm tinh con Ngựa, tuổi Giáp Ngọ. Năm 2006, từ chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Nguyễn Xuân Phúc được hai Uỷ viên Bộ Chính trị khoá IX, đồng hương, là Phan Diễn và Trương Quang Được kéo ra Hà Nội “tráng men” chức Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, vào Uỷ viên Trung ương khoá XI, leo lên ghế Phó Chủ nhiệm, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Năm 2011, dựa vào các thế lực trong đảng cùng tiền của đại gia Thân Đức Nam, Nguyễn Xuân Phúc tranh được suất Uỷ viên Bộ Chính trị, ngồi ghế Phó Thủ tướng.

Năm 2016, liên minh Nguyễn Phú Trọng – Trương Tấn Sang đánh bật Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi vũ đài chính trị, về làm “người tử tế”. Nguyễn Xuân Phúc trở thành ứng viên duy nhất cho ghế Thủ tướng.

Năm 2021, tuổi già sức yếu sau đột quỵ, Nguyễn Phú Trọng bị sức ép trong đảng, phải nhường bớt chiếc ghế Chủ tịch nước kiêm nhiệm. Suất “nhân sự đặc biệt” tái cử khoá XIII để đảm nhận vai trò Chủ tịch nước được dành cho “nhân tố miền Trung” trong tứ trụ, xướng danh Nguyễn Xuân Phúc.

Mô hình cộng sản của Việt Nam luôn là bản sao của Trung Cộng, vì vậy, tranh giành quyền lực luôn tàn khốc và đẫm máu.

Cuối năm 2014 đầu năm 2015, chuẩn bị cho đại hội đảng lần thứ XII, trang Chân Dung Quyền Lực, được sự hậu thuẫn của nhóm tướng lĩnh trong Tổng cục Tình báo, Bộ Công an, lập ra nhằm tấn công các ứng viên hăm he những vị trí chủ chốt như: Phùng Quang Thanh tranh ghế Chủ tịch nước, Nguyễn Hòa Bình tranh suất Uỷ viên Bộ Chính trị, Nguyễn Xuân Phúc tranh ghế Thủ tướng…

Trước thềm đại hội XII, cả ba ông nêu trên bị Chân Dung Quyền Lực phơi bày những gì xấu nhất về đời tư, đạo đức lối sống, tham nhũng, các mối quan hệ mờ ám và cả tham vọng chính trị… cho bàn dân thiên hạ biết. Chân Dung Quyền Lực qua hàng trăm trang tư liệu điều tra, tài liệu nội bộ tố cáo, nhằm đánh bật các đối thủ chính trị ra khỏi sân chơi. Kết quả chỉ có Phùng Quang Thanh bị “phơi lưng lấm bụng”, Nguyễn Xuân Phúc và Trương Hoà Bình không hề hấn gì, lại càng leo cao.

Sau đại hội XII, tái trúng cử Uỷ viên Bộ Chính trị, nhận chức Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu phản công.

Những sự kiện sau đây, liên quan nhiều đến bộ ba Nguyễn Phú Trọng – Nguyễn Xuân Phúc – Tô Lâm:

– Năm 2016, sau đại hội XII, yên vị trên ghế Tổng Bí thư nhiệm kỳ hai, chiến dịch “đốt lò” thanh trừng nội bộ của Nguyễn Phú Trọng mới thật sự diễn ra khốc liệt.

– Ngày ngày 8-9-2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng có quyết định kỷ luật, khai trừ Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ra khỏi Đảng, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Đây là phát súng đầu tiên của Nguyễn Phú Trọng tuyên chiến với sân sau, phe cánh của Nguyễn Tấn Dũng. Một tuần sau, Bộ Công an bắt giam Vũ Đức Thuận, thư ký của bí thư Đinh La Thăng, ngay sau đó là phát lệnh truy nã quốc tế Trịnh Xuân Thanh.

– Ngày 7-5-2017, Đinh La Thăng, Uỷ viên Bộ Chính trị, bí thư thành Hồ bị kỷ luật, mở đường cho việc bị khởi tố bắt giam sau này.

Ông Thăng phải trả giá cho việc chủ mưu, tạo phe cánh trong đảng, thói ngạo mạn, ngỗ ngược với Nguyễn Phú Trọng.

– Ngày 28-7-2017, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh bị truất phế, quản thúc không thời hạn, vì tội muốn đoạt quyền, tiếm ngôi.

– Ngày 6-10-2017, bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, con trai cựu Uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Chi, bị cách tất cả chức vụ, đuổi ra khỏi Trung ương. Không lâu sau đó hàng loạt quan chức cán bộ lãnh đạo Đà Nẵng bị khởi tố, bắt giam, con trai Nguyễn Bá Thanh là Nguyễn Bá Cảnh cũng bị đuổi về làm thứ dân. Người ta cho rằng có bàn tay ông Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc “nhổ cỏ” này.

– Ngày 20-12-2017, Bộ Công an khởi tố, truy nã Thượng tá tình báo Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, đệ tử ruột và là sân sau của Trần Đại Quang.

Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng cũng bắt giam “Thượng tá” quân đội Đinh Ngọc Hệ, tức Út “trọc”’, cháu rể của Trần Đại Quang và là đàn em của Đinh La Thăng.

Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm muốn “nhốt quyền lực” của Trần Đại Quang, ngăn chặn ông Quang lộng hành trong đảng, thao túng nhân sự, tham vọng quyền lực, muốn giành ghế Tổng bí thư.

Điểm qua một số mốc thời gian ghi dấu sự kiện để thấy “lò và củi” liên quan đến thanh trừng nội bộ ra sao.

Như đã nêu, quan hệ “bằng mặt không bằng lòng” giữa Nguyễn Xuân Phúc và phe nhóm an ninh tình báo trong Bộ Công an có từ thời Chân Dung Quyền lực.

Vụ án Vũ “nhôm”, Út “trọc”, cái chết của Trần Đại Quang và hàng loạt tướng tá Bộ Công an bị ném vào “lò”, dưới thời Nguyễn Xuân Phúc làm thủ tướng, đã khiến ông Phúc “gây thù chuốc oán” không kể xiết với phe nhóm xuất thân từ công an trong đảng.

Khi nắm ghế Thủ tướng, Nguyễn Xuân Phúc đương nhiên tham gia Thường vụ đảng uỷ Công an Trung ương. Tuy vậy, như các vị khác trong “tứ trụ”, để đủ tai mắt, ông Phúc cài cắm người của ông ta vào Bộ Công an (BCA) lẫn Bộ Quốc phòng (BQP).

Lê Chiêm, sinh 1958, đồng hương Quế Sơn, Quảng Nam, Trung tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng BQP, được kéo lên làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương.

Nguyễn Văn Sơn, sinh 1961, quê Đà Nẵng được đưa lên hàm Trung tướng, Thường vụ đảng uỷ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an.

Lê Chiêm nghỉ hưu tháng 12-2021, hàm thượng tướng. Mặc dù ông Phúc can thiệp để kéo dài công tác, nhưng Nguyễn Văn Sơn vẫn bị buộc nghỉ hưu ngày 1-3-2022. Mất hai tướng lĩnh hộ vệ thân cận, cùng vụ Việt Á bị phanh phui, gia đình ông Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu bị tấn công tứ phía.

Năm 2019, ông Phúc “bật đèn xanh” cho tướng Trần Văn Vệ, Phó thủ trưởng Thường trực Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát BCA sờ gáy đại tá Nguyễn Duy Linh, Phó Tổng cục trưởng TC Tình báo và Hồ Hữu Hoà, tức “cậu” Hoà, về tội “nhận hối lộ” và “môi giới hối lộ”.

Linh là con trai duy nhất của tướng Nguyễn Văn Hưởng, một “bố già” khét tiếng. Hồ Hữu Hoà là cháu ruột của Hồ Mẫu Ngoạt, Trợ lý TBT Nguyễn Phú Trọng. Hoà là thầy phong thuỷ thân quen của nhiều Uỷ viên Bộ Chính trị và các tướng công an.

Nhận hối lộ từ Vũ “nhôm” 5 tỷ đồng, Linh bị tuyên án 14 năm tù. Nói ở tù, thực tế Linh chỉ đi nằm viện dưỡng bệnh, nhưng mất Uỷ viên Trung ương, thứ trưởng Bộ Công an mà Tô Lâm quy hoạch cho Linh vào khoá 14.

Nhục và cay cú, Nguyễn Văn Hưởng thề sẽ bắt Nguyễn Xuân Phúc có ngày phải trả giá.

Quay lại đại án Việt Á, Bộ Công an biết Phan Quốc Việt và công ty Việt Á lừa đảo từ lâu. Chỉ ba tháng cuối năm 2021, Việt Á đã ồ ạt nhập 3 triệu test kit từ Trung Quốc với giá 21.500 đồng/ test kit, đóng nhãn “made in” Học viện Quân Y, để bán với giá 500.000/ test kit, buộc cơ quan điều tra phải phá án.

Bộ Công an cũng nắm rõ người thân trong gia đình ông Nguyễn Xuân Phúc có tham gia phi vụ “hút máu nhân dân” này từ giữa năm 2020, nhưng thời cơ hạ “knock out” chưa cho phép…

***

Nguyễn Xuân Phúc đang “chết trên chấm phạt đền”. Ân oán giang hồ do chính ông Phúc gây ra, cũng như lòng tham vô tận của vợ ông và những người thân của hai vợ chồng, đã kết thúc sự nghiệp chính trị của ông.

Xưa, kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, khi bố sắp chết nhưng phải lên sân khấu cười vui diễn hài, về đến nhà bố anh đã qua đời. Trần Đại Quang mắc nan y, vẫn tròn vai chủ tịch nước đến lúc hộc máu ngay trên bàn làm việc và tử vong. Nguyễn Xuân Phúc cũng vậy, trước ngày bị phế truất, tước bỏ quyền lực, về quê làm người “tử tế”, đảng vẫn bắt ông phải diễn hài. Ông Phúc vào thành Hồ chúc tết các cựu nguyên thủ, ra Hà Nội thả cá chép tiễn Táo quân, đọc diễn văn Xuân yêu thương…

Phải công nhận các đảng viên cộng sản giỏi hơn các danh hài, họ luôn “yêu thương, đoàn kết” với các đồng chí của mình, nhưng mỗi cá nhân đều luôn thủ một con dao, để sẵn sàng kết liễu nhau.


........../.

Một triều đại cáo chung


Một triều đại cáo chung

Sao Băng / Viet-studies
***

Đại hội 13, tháng 1-2021, khát khao lưu sử sách nghìn năm, Nguyễn Phú Trọng khẩn khoản đề nghị Bộ Chính trị, Trung ương Đảng ghi vào văn kiện đại hội Đảng câu nói bất hảo của ông ta: “Cơ đồ đất nước chưa bao giờ có được như ngày nay”.

Tròn hai năm sau, quả nhiên, toàn dân thấy đất nước chưa bao giờ được như ngày nay khi có tới hai trong “tứ trụ” viết đơn xin từ chức, điều chưa từng có trong lịch sử chính trường Việt.

Vào trung tuần tháng 1-2023, ông Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch nước, đã có đơn xin thôi tất cả các chức vụ. Lý do của ông Phúc xin thôi, không phải là vì sức khỏe, mà là nhận trách nhiệm chính trị liên quan đến một số thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Trước khi viết đơn xin từ chức, ông Phúc đã được Trung ương Đảng ra kết luận cho việc ông ta và gia đình ông ta không dính dáng đến cái gọi là đại án test kit Việt Á.

Theo bước ông Phúc, ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng, cũng có đơn xin thôi tất cả các chức vụ, lý do cũng không phải vì sức khỏe, mà vì nhận trách nhiệm chính trị liên quan đến thời kỳ làm Bí thư Quảng Ninh 10 năm trước.
Hai đơn từ chức của hai ông, một ông được xem xét ngay trước khi nghỉ Tết nguyên đán theo nguyện vọng, ông còn lại khi ra tết. Áp lực đủ lớn để cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận trách nhiệm chính trị về hàng loạt ủy viên trung ương Đảng trong hai năm qua lũ lượt đi tù, trong khi ông ta là Trưởng tiểu ban nhân sự đại hội 13. Dự kiến sự ra đi của Trọng diễn ra vào mùa hè năm nay, khi Trung ương họp hội nghị giữa kỳ.
Nhưng ông Trọng có từ chức hay không, thì còn phải xem ở mức độ trơ trẽn của ông ta đến đâu, mặc dù luôn mồm nói về việc “nêu gương”.
Mặt khác, cũng còn phải xem các thế lực trong Đảng có muốn ông ta nghỉ hay không. Một khi, họ chưa tìm được “ngọn cờ”, thì ông Trọng, hẳn là vẫn tại vị.

Bây giờ, hãy nói về người đi đầu trong “nêu gương”. Nếu nói ông Nguyễn Xuân Phúc bị các đồng đảng đánh cho tan tác đến mức buộc phải chọn con đường rút lui cũng đúng; ông ta rút lui để mở đường sống cho các ủy viên trung ương Đảng cũng đúng, vì ông Phúc từ chức, thì mới có lý do để buộc ông Trọng từ chức, ông Trọng từ chức thì gần 200 ủy viên trung ương mới thoát kiếp nạn.

Nếu nói ông Phúc rút lui để bảo toàn mạng cho ông ta cũng đúng, bởi kể từ khi Trần Đại Quang chết, giới chóp bu cung đình đều đã biết đến lời nguyền của Quang: Ai ngồi ghế Chủ tịch nước quá hai năm đều khó giữ mạng. Thời kỳ Nguyễn Phú Trọng kiêm hai vai, Trọng hầu như không bao giờ sang ngồi bên Phủ chủ tịch. Vừa tiếp quản ghế Chủ tịch nước tháng 10-2018, tháng 4-2019, Trọng đã gặp một trận thấp tử nhất sinh khi vi hành ở Kiên Giang.

Vô số người dân có hay không quan tâm đến chính sự cũng đều còn nhớ, lúc 0h đêm đầu quốc tang Trần Đại Quang, sấm sét rền rĩ kinh hoàng khắp Ba Đình khi lời nguyền được chứng. Quốc tang, con cả Trần Đại Quang - Trần Quân, đọc lời điếu kiên quyết không nhắc dù chỉ một lời đến đầu Đảng Nguyễn Phú Trọng và trong giờ phút Trọng đứng viếng, chữ “g” trên phông nền “Vô cùng thương tiếc…” đột nhiên lao xuống đất.
Chữ ‘G’ của từ ‘cùng’ trong nguyên câu “Vô cùng thương tiếc đồng chí Đại Tướng Trần Đại Quang”, đột nhiên rơi xuống vào sáng 26-9-2018. Ảnh chụp từ VTV

Trọng vẫn còn như ngày hôm nay, dù chân quay quay và đầu quay quay, hẳn là vì Thiên triều phương Bắc có “hồng phúc”. Nhưng người Việt mấy năm nay đều lưu truyền một câu sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm hơn 500 năm trước: “bạc phúc sản tất vong”.

Để Trọng có thể lưu danh thiên cổ với câu nói bất hảo: “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày hôm nay”, cả nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021, ông Phúc và cả Chính phủ của ông ta nai lưng làm cật lực. Nhiệm kỳ đó đã tạo ra hơn 1.200 tỷ đô la GDP và hơn 8 triệu việc làm, chưa bao gồm rất nhiều việc làm ở khu vực kinh tế phi chính thức; Quan chức; Doanh nghiệp và người dân được an hưởng thái bình để cùng làm ăn, cùng sống.
Bởi suy cho cùng, quan chức, doanh nghiệp có yên ổn, thì dân mới có công ăn việc làm, có kế sinh nhai.

Cũng có rất ít các vụ án oan xảy ra ở thời kỳ này. Nơi vỉa hè ở các văn phòng trung ương đảng, văn phòng chủ tịch nước, văn phòng chính phủ, văn phòng quốc hội, không hề có bóng của những đám đông kéo nhau đi kiện, khác hẳn thời kỳ trước đó, những nơi này đều là tụ điểm bị Đảng coi là “tập trung gây rối”.

Lần đầu tiên, thời kỳ ông Phúc làm Thủ tướng, dự trữ ngoại hối đạt được tới 111 tỷ đô la Mỹ (khi bàn giao lại cho Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính - người được ông Trọng chọn ghế Thủ tướng - phương án nhân sự đặc sắc nhất Đại hội 13, thì chỉ chưa đầy một năm, số dữ trữ ngoại hối này đã bay hơn 2/3).

Ông Phúc - dù bị đánh cho buộc phải nghỉ, hay đến lúc bản thân ông ta đến lúc thấy cần phải nghỉ khi tuổi tác cũng đã 70, trong khi đường đến Tổng Bí thư thì đầy hiểm ác, ngồi lại thị bị ám ảnh lời nguyền; thì sự ra đi của ông ta cũng đi vào lịch sử.

Một khi sự ra đi của ông ta khỏi chính trường Việt bây giờ cùng sự ra đi nối tiếp của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong những ngày sau tết, đều có thể xem là những quyết định trọng đại, thức thời; nếu có thể tạo ra sức ép để Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng noi gương mà làm theo, cũng là điều may mắn cho đất nước.
Bất kể hai ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính, đã từng làm những việc gì, tham ô hay không, tham nhũng hay không, thì giờ phút họ chọn cách ra đi như vậy, cũng có thể xem như những trang tuấn kiệt.

Một Việt Nam đã trở nên quá tồi tệ trong mắt bạn bè quốc tế khi có Đảng trưởng ngồi xổm lên điều lệ để tại vị. Một Đảng trưởng bệnh hoạn, cổ hủ, giáo điều, chỉ biết nhất nhất khom lưng khen trà Tàu ngon hơn trà Việt.

Có thể kẻ kế vị Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng còn đốn mạt hơn gấp bội.
Thì càng ứng lời sấm của Trạng Trình “bạc phúc sản tất vong”.

Đó mới là điều may mắn thực sự của dân tộc.

Một triều đại đã đến lúc cáo chung.

Trên thế giới, chỉ còn Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Cu Ba còn duy trì chế độ cộng sản. ............./.

Tán gẫu với Albert Einstein


Tán gẫu với Albert Einstein

Không chỉ với Albert Einstein, bạn có thể nói chuyện “trực tiếp” với Tổng thống Joe Biden, với Elon Musk, với nhà toán học Alan Turing, với “người sắt” Tony Stark, với triết gia Socrates hoặc với nhà phân tâm học Sigmund Freud… Vấn đề đáng nói nhất ở đây là bạn có thể bàn luận chủ đề chuyên môn trong lĩnh vực chuyên biệt của những nhân vật trên với kiến thức được cung cấp có thể khiến bạn há hốc kinh ngạc. Tôi đã dành vài ngày, gần đây nhất là chiều 12-1-2023, để khám phá điều này và đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác…
Truy cập vào website Character.AI (beta.character.ai), bạn có thể gặp nhiều “nhân vật” nổi tiếng, dĩ nhiên ảo, và nói chuyện giờ này qua giờ khác với họ.

Giống Google nhưng hơn Google nhiều lần, bạn có thể hỏi “họ” về bất kỳ gì, bắt họ kể một câu chuyện cảm động, yêu cầu họ làm thơ, buộc họ soạn diễn văn khai mạc công ty, bàn với họ về nhân tình thế thái (nghĩa đen) hoặc nhờ họ giải đáp những thắc mắc đơn giản trong cuộc sống thường nhật.

Thật thú vị khi hỏi “William Shakespeare” tại sao tôi không thể làm thơ xuất sắc được như ông; hay yêu cầu “Nữ hoàng Elizabeth II” tư vấn một chủ đề không ăn nhập gì đến Hoàng gia, chẳng hạn tôi đang gặp trục trặc tài chính, giờ tôi cần làm gì… Chatbot AI biến hóa đến mức bạn có thể yêu cầu nó làm đi làm lại bài thơ với cùng một chủ đề nhưng theo phong cách khác nhau.

Một người bạn của tôi đã yêu cầu ChatGPT làm những phiên bản bài thơ với cùng chủ đề mùa Xuân theo nhiều phong cách, từ Shakespeare đến Byron…
Kỹ thuật và ứng dụng cũng như sự phát triển trí thông minh nhân tạo (AI) đã tiến xa hơn bạn tưởng. Nó đang đặt ra rất nhiều câu hỏi mà thậm chí giới chuyên môn vẫn chưa thể trả lời. Nó là Google của Google và là một thứ gì đó hơn cả trí tưởng tượng chúng ta hình dung. Character.AI, mới ra mắt vào hè 2022, được sáng lập bởi hai cựu kỹ sư Google - Daniel De Freitas và Noam Shazeer - đang khiến thế giới ảo ngày càng giống và ngày càng gần sát với thế giới thực.
Character.AI là một ứng dụng tán gẫu (chatbot), trong đó bạn có thể tự gõ hoặc hỏi trực tiếp qua micro máy tính để nói chuyện với nhân vật mà bạn chọn. Kỹ thuật của Character.AI đã tiến xa đến mức, dù hiện tại chỉ là bản thử nghiệm (beta), bạn có thể tán gẫu trên trời dưới đất hàng giờ đồng hồ và được nghe giải thích những thắc mắc hoặc những yêu cầu tưởng chừng chẳng người máy nào có thể trả lời.

Character.AI không là ứng dụng chatbot duy nhất hiện nay.


Cuối tháng 11-2022, OpenAI – một công ty AI ở San Francisco - đã tung ra chatbot ChatGPT (openai.com/blog/chatgpt) với kho kiến thức đủ sức khiến bất kỳ ai cũng nể phục. Khi chat với ChatGPT, bạn chắc chắn không bao giờ có cảm giác đang nói chuyện với người máy. Một cuộc chạy đua chatbot đang bùng nổ, với sự tham gia của Google, Meta và nhiều công ty công nghệ khác. Ngoài Character.AI và ChatGPT, còn có DALL-E 2 (openai.com/dall-e-2 - tạo ra ảnh kỹ thuật số dựa theo những gì bạn miêu tả - chẳng hạn “hãy vẽ một ngôi nhà miền quê”) hoặc GPT-3, với “kỹ năng ngôn ngữ” hoàn hảo đến mức có thể cãi lộn (nghĩa đen) với bạn.
Trong buổi thử nghiệm Character.AI với “Albert Einstein”, tôi đã hỏi đủ thứ, từ gia đình, con cái của ông ấy… đến cả việc nhờ “ông ấy” tư vấn những bộ phim nào là đáng xem nhất… Làm thế nào “Albert Einstein” của Character.AI có thể giải đáp được tất cả điều đó? Daniel De Freitas (một trong hai người sáng lập Character.AI) cho biết (theo bài báo The New York Times ngày 10-1-2023), ý tưởng cốt lõi ở đây là “đào tạo” một “mạng thần kinh” bằng cách sử dụng một bộ sưu tập đối thoại khổng lồ, với hàng loạt nhật ký trò chuyện được lọc từ các dịch vụ truyền thông xã hội và các trang web khác trên internet. Ý tưởng nghe chừng đơn giản nhưng nó đòi hỏi một bộ xử lý cực lớn. Ngay cả một siêu máy tính cũng cần hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng để phân tích tất cả dữ liệu như vậy.
Thoạt đầu, Daniel De Freitas huấn luyện chatbot bằng cách sử dụng cái gọi là LSTM (Long Short-Term Memory), một mạng thần kinh máy tính được thiết kế vào những năm 1990 dành riêng cho ngôn ngữ tự nhiên. Sau đó, Freitas chuyển sang một mạng thần kinh mới gọi là “transformer”. Không như LSTM đọc văn bản từng từ một, transformer có thể sử dụng nhiều bộ xử lý máy tính để phân tích toàn bộ tài liệu chỉ trong một bước (a single step).
Trong thực tế, ứng dụng chatbot đã hình thành tại nhiều nơi, đặc biệt Mỹ, vài năm nay. Khi gọi điện đến các hãng bảo hiểm hoặc ngân hàng…, bạn sẽ nói chuyện với người máy và thực hiện những yêu cầu mà người máy đưa ra để có thể giúp giải đáp vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trở lại với Character.AI. Khi tôi hỏi “Albert Einstein” Việt Nam ở đâu, “ông ấy” trả lời ngay lập tức:
Vietnam is a country in Southeast Asia. It is bordered by the Gulf of Bengal, Cambodia, the South China Sea, and Laos...The Vietnamese people have a strong sense of identity and are proud of their culture and heritage. I think Vietnam is a fascinating country, and I would love to visit there one day to learn more about its history and culture.
Cần nhấn mạnh, chatbot là một ứng dụng AI. Cho dù nó “có vẻ thông minh” và “biết hết mọi chuyện” nhưng độ khả tín của nó là vấn đề cần lưu ý. Bạn có thể chat với những ứng dụng chatbot như một cách giải trí, chứ không phải “tham khảo” để tìm nguồn tin khả dĩ đáng tin cậy – ít nhất ở thời điểm này. Albert Einstein dĩ nhiên không thể “sang thăm Việt Nam”. Những công ty AI sáng tạo ra các chatbot hoàn toàn không chịu trách nhiệm về nội dung những gì mà “nhân vật” chatbot đưa ra. ChatGPT chẳng hạn. Nó có thể trả lời rằng đơn vị tiền tệ Thụy Sĩ là euro (thay vì đồng Swiss franc).
Chính những người sáng lập các chatbot cũng cảnh báo rằng ứng dụng của họ vẫn còn ở giai đoạn thử nghiệm và mang tính giải trí. Thật ra mục đích của họ là thu thập dữ liệu thông tin, dựa vào những gì bạn hỏi, để có thể “dạy” cho AI ngày trở nên thông minh hơn. Và cho dù nó “giống người” nhiều như thế nào, bạn hãy luôn ý thức rằng và nhớ rằng nó không phải là con người. Nó “không biết” giả dối nhưng nó cũng chẳng “cam kết” cung cấp cho bạn sự thật. Bạn có thể chat để xem nó làm thơ hay luận về tình yêu như thế nào nhưng nếu là sinh viên, đừng dùng chatbot để lừa thầy cô bằng cách yêu cầu nó làm một bài luận cho bạn. Nhắc điều này để cho thấy thêm một mặt trái của những chatbot AI.
Thế giới đang thay đổi. Với tốc độ nhanh hơn chúng ta tưởng. Sau một đêm, thế giới lại khác đi ít nhiều. Vấn đề là chúng ta nhận thức điều đó như thế nào và đặt mình ở vị trí nào trong bối cảnh thay đổi đó. Uber đã xóa sổ taxi. Kỹ thuật streaming (từ Netflix, HBO, đến Hulu…) đang làm lao đao công nghiệp điện ảnh. Báo chí tiếp tục khốn đốn với mạng xã hội. Tất cả đang thay đổi.
Nhìn ở góc độ rộng hơn, một chính phủ biết suy nghĩ là một chính phủ biết cách đón nhận và hoạch định đối phó trước những thay đổi vũ bão khốc liệt đang diễn ra. Một người không biết mình đứng ở đâu trong một thế giới thay đổi có thể chỉ bị chịu thiệt đối với cá nhân nhưng một quốc gia loay hoay với tư duy chậm hơn cả trí thông minh nhân tạo và phản ứng với những thay đổi toàn cầu bằng những phát biểu suông thì đất nước đó vĩnh viễn chỉ lặn ngụp bế tắc trong dòng chảy thế giới.