Những con số (2)


bài trước đọc ở đây : http://chengdec.blogspot.com/2018/09/nhung-con-so-1.html


Những con số (2)
_______________

Tho Nguyen



https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/2467991743218884


Tiếp theo

Tuy còn thua xa Mỹ, Nhật, EU về nhiều mặt, nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc chưa thể đe dọa vị thế của Phương Tây cả về khoa học, kinh tế và quyền lực quốc tế.

Trung Quốc tuy vẫn là một công xưởng lớn, cung cấp từ cái bút bi đến màn hình LED cho cả thế giới, nhưng cũng đã đi sâu vào công nghệ tin học, sinh học, trí tuệ nhân tạo v.v. Trong số 20 công ty WEB lớn nhất thế giới, 11 là của Mỹ và 9 là của Trung Quốc. 

Trong số 260 doanh nghiệp công nghệ giá trị trên 1 tỷ USD, gần phân nửa (125) là của Mỹ, 77 của Trung Quốc, còn châu Âu chỉ có khoảng 30 (1). Bắc Kinh đang biến nhiều nước Nam Âu và Đông Âu thành con nợ, đang tung tiền để mua thuộc địa ở Châu Phi. 

Vốn ở đâu ra?

Câu trả lời nằm trong bản chất của chế độ độc tài mà tôi từng gọi là “Trung Quốc Xã”. Chỉ số HDI, bên cạnh thu nhập đầu người, còn xét đến hy vọng thọ trung bình, thời gian đến trường v.v. nên trong đó đã bao gồm cả sự chênh lệch giàu nghèo. 

Cùng là nước XHCN như Cuba hoặc cựu XHCN như Serbia, tuy có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn Trung Quốc, nhưng cả hai đều có chỉ số HDI cao hơn Trung quốc nhiều. Trong 1,4 tỷ người Hoa Lục, khoảng 100 triệu người có mức sống của Tây Âu, 400 triệu người no đủ, 900 triệu người nghèo khổ, trong đó có khoảng 80 triệu người nghèo đói thực sự (2). Sự đói nghèo của 900 triệu người này lại là nguồn lực phát triển của đế quốc Trung Hoa.


UNDP và đại học Oxford có lập ra bảng xếp hạng nghèo đói toàn cầu gọi là Multidimensional Poverty Index MPI(3).. Danh sách này chỉ bao gồm khoảng 100 nước nghèo và đang phát triển, được dẫn đầu bằng các nước châu Phi như Niger, Nam-Xu Đăng và Chad. Ở châu Âu chỉ còn Albania và 3 nước cộng hòa của Nam-Tư cũ đứng ở cuối bảng. Cuba nghèo đều, nhưng không để ai đói nên không bị vinh danh. Một bản xếp hạng rất minh bạch.
Điều nhục nhã là cả Trung Quốc và Việt Nam đều còn nằm ở đây. Trong năm 2018, Đông á còn 117 triệu người có thu nhập dưới 1,9 USD/ngày, chiếm 6% dân số. Tỷ lệ này ở Việt Nam là 4,7% , ở Trung Quốc = 4%, tức là 56 triệu dân (xem trang 57-60).

Con số 4,5 triệu người Việt thiếu ăn chắc không xa thực tế. Chỉ có các quan tỉnh ngồi trong những tòa biệt thự kiến trúc nửa Gothic, nửa hiện đại sẽ chối cãi. 
Nhưng Trung Quốc coi mình là siêu cường, tự đắc ban phát viện trợ phát triển cho các nước nghèo Á, Phi, Mỹ La tinh, vung tiền mua các công ty công nghệ phương tây mà để 56 triệu đồng bào chỉ sống bằng 700USD/năm là gì? Đây chính là điều quái dị chưa từng thấy trong lịch sử. 
Hitler xây dựng chủ nghĩa Xã hội Quốc gia mà không để một người Đức nào nghèo, chỉ bóc lột thuộc địa.

Tiềm lực của đế chế Trung Hoa không chỉ do bóc lột dân mình, mà còn ở thể chế. Khác với chủ nghĩa tư bản tự do, tư bản độc tài không những nắm nhiều nguồn lực quốc gia hơn, mà còn toàn quyền định đoạt việc sử dụng tài sản đó. Trong khi Trump đang khốn khổ với hai viện để có 18 tỷ cho bức tường Mexico thì Tập chỉ hất đầu là có 60 tỷ “viện trợ” cho châu Phi.

Ở xứ dân chủ, chính phủ chi tiêu đồng nào cũng phải được quốc hội chuẩn y. Xin chớ ai nghĩ rằng ở phương Tây, “Quốc hội là dân”, như cựu chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng từng tuyên bố (4). 
Quốc hội phương tây cũng đại diện cho các đảng phái chính trị, được hậu thuẫn bởi các thế lực kinh tế. Nhưng sự đa nguyên đó tự tạo ra cơ chế kiểm soát, dù là kiểm soát xài tiền chùa. Tất nhiên đảng nào cũng muốn lấy lòng dân và thế là phúc lợi xã hội luôn thành miếng bánh to nhất trong các ngân sách. 

Đơn cử: chi phí y tế ở các nước văn minh thường trên 10% GDP (Mỹ 17%, đứng hàng đầu, Thụy Điển 12%).
Nền y tế Trung Quốc chỉ được đầu tư 5,5% GDP, xếp thứ 125/195 nước. (Cu ba nghèo hơn nhiều nhưng xếp hạng 12/195, với 11%). Việt Nam đứng trên Trung Quốc, xếp thứ 79 với 7,10% (5). Có lẽ 7,10% này đã bao gồm tiền lót tay của toàn dân, cho từ mũi kim tiêm đến ca mổ.

Nước Đức từ bỏ điện hạt nhân để chuyển sang năng lượng xanh. Quốc hội cãi nhau mãi mới phê duyệt cho làm ba trục điện cao thế tổng cộng 4.000km để đưa năng lượng gió và nắng từ biển Bắc về vùng công nghiệp nam Đức. Kéo cao thế qua rừng thì bị bọn môi trường chống vì sợ chết hết chim. Đào đường ngầm thì nông dân chửi là từ trường ảnh hưởng đến rau mầu. Tốn bao tiền bồi thường và hầu tòa 5 năm vẫn chưa xong. Gã Trung Quốc nghe vậy cười khẩy: Nước tao một năm là xong hết, dân sao lại đòi cãi nhà nước? Ông nông dân Đức nghe vậy chỉ tay vào đầu: Nhà nước cũng là một thực thể kinh tế, khác méo gì tao?

Trò “dân chủ kinh tế” này thì cả tư bản đỏ lẫn tư bản trắng đều ghét. Ở phương tây, tư bản hay nhà nước cũng phải ra tòa kiện với lão nông dân, có khi thua vãi. 
Ở xứ độc tài thì cả vạn lão nông cũng sẽ bị đập chết ngoéo. Đó chính là sức mạnh của Trung Quốc.

Chỉ vài con số trên đã cho thấy, Trung Quốc tuy còn xa mới thành một cường quốc theo đúng nghĩa. Nhưng mối đe dọa tiềm tàng của nó khiến nhiều người lo ngại.

1,4 tỷ người Trung Quốc cũng có quyền được giàu có như 5 triệu người Na-Uy. Khi đó dù với Nominal-GDP là 100.000 tỷ USD (bằng 5 nước Mỹ), nhưng dưới một thể chế văn minh, dân chủ, sẽ không ai phải sợ và ghét người Hoa.

Nhà tư bản Đức thà thua ông nông dân khó chịu kia, hơn là đưa luật rừng Bắc-Kinh vào Đức.

Köln 30.09.2018


Loạt bài này là tiếp theo của 3 bài về “Trung Quốc Xã” trước đây


------------------


...........

Những con số (1)

Những con số (1)
_______________

Tho Nguyen

https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/2463365537014838


*********

Là dân kỹ thuật, tiều phu quen đánh giá sự việc qua các số liệu đáng tin cậy.
Nguồn dữ liệu chính xác nhất về quốc tế là của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ CIA, gọi là World Fact Book (1). Những nguồn khác của Ngân hàng thế giới World Bank hoặc Statista.com (2) cũng rất hay.

Thấy nhiều bạn hay bị các con số đánh lừa, tiều phu xin mạo muội đả thông một số hiểu lầm.

Có người cho là Trung Quốc đã vượt Mỹ, trở thành cường quốc kinh tế số một, dẫn đầu GDP (Gross Domestic Product). Sai!

Nominal GDP = Official Exchange Rate GDP (OER-GDP) là tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ mà mỗi quốc gia sản xuất ra trong một năm. Ví dụ như bao nhiêu chiếc ô-tô, bao nhiêu tấn thóc, bao nhiêu hợp đồng bảo hiểm v.v. quy ra USD.

Đây là GDP chính thức, nếu chia cho đầu người dân sẽ ra cho GDP/Capita (Capita = đầu người), gọi là thu nhập theo đầu người. 

Việt Nam năm 2017 đạt OER-GDP= 202 tỷ USD, nếu chia cho 96 triệu dân thành 2100 USD/đầu người/năm. (Xem đồ họa)






Vì mức sống ở các nước chênh lệch nên sức mua của đồng USD giữa các nước hậu công nghiệp, các nước công nghiệp và các nước đang phát triển chênh nhau dữ dội. 
Ở các nước hậu công nghiệp, mức sống bằng nhau nên một đồng USD có sức mua tương đương nhau. 
Sức mua của đồng USD ở Tây Âu chỉ xấp xỉ từ 1 đến1,1, thậm chí ở những nước giàu hơn Mỹ như Na-Uy thì sức mua của đồng USD lại giảm đi, chỉ bằng 0,98.

Ở các nước mới công nghiệp như Croatia hay Trung Quốc, sức mua của đồng USD khoảng 1,5 đến 2 lần. Các nước đang phát triển như Việt Nam thì hệ số sức mua là 3 - 4. 

Ở Châu Phi đen chậm phát triển, sức mua của đồng USD xấp xỉ 5-6 lần. Càng lạc hậu, tỷ số này càng cao. Ví dụ 1 USD ở Đức không đủ uống 1/3 cốc cà phê buổi sáng, nhưng ở Việt Nam có thể ăn đủ bữa trưa, còn ở Công-Gô thì gia đình 3 người ăn cả ngày. Như vậy cu Tí cầm 1USD thì sống ở VIệt Nam bằng cu Bill tiêu 3,2 đồng bên Mỹ. Nhưng Tý mang 1USD sang Mỹ thì vẫn là 1USD.

Vì thế nên các nhà kinh tế đưa ra chỉ số PPP-GDP (Purchasing power parity), có nghĩa là tính theo sức mua của đồng USD tại nước đó. Nếu đem chia PPP-GDP này cho đầu người thì sẽ ra cái gọi là PPP-GDP/Capita. Thu nhập theo sức mua này thể hiện đúng mức sống trong nước, trong khi OER-GDP là sức mạnh kinh tế ra bên ngoài.

Vì giá sinh hoạt của VN thấp hơn Mỹ gấp 3,2 lần nên GDP theo sức mua (PPP) của VN là 202 x 3.2 = 647 tỷ USD. Như vậy mỗi người Việt coi như có hơn 6.700 US/năm để ăn, học hành, đi lại, chơi Phây v.v. Nhưng nếu để nhập máy móc ở nước ngoài thì Việt Nam vẫn chỉ có 202 tỷ USD.

Nước Mỹ năm 2017 đạt 19 ngàn tỷ USD OER-GDP, và PPP-GDP cũng như vậy, đứng đầu thế giới. Chia cho 325 triệu chú Sam, thu nhập đầu người là 59.000 USD.

1,4 tỷ người Trung Quốc cày cả năm được 12 ngàn tỷ USD. Như vậy mỗi chú Khách làm ra khoảng 8.600 USD. Nhưng vì TQ là nước công nghiệp ở hạng trung bình với mức sống thấp, dẫn đến sức mua của đồng USD là 1,92. Thế là Trung Quốc đương nhiên có GDP-PPP là 12 x 1.92 = 23 ngàn tỷ USD để chia nhau tiêu trong nước và đi Việt Nam ăn tôm biển….Nhưng để vào Nasdaq hay mua động cơ Boeing, mua máy ly tâm Siemens thì họ chỉ có 12 ngàn tỷ USD mà thôi.


Nếu coi liên minh EU là một thực thể kinh tế, với OER-GDP= 17 ngàn tỷ USD thì sức mạnh kinh tế của Trung Quốc chỉ đứng thứ ba thế giới.

Nhưng thu nhập đầu người của Trung Quốc (theo sức mua) là 16.700 USD chỉ xếp thứ 108 trên 229 nước.
Đó là tiền trong túi. 

Số tiền đó được phân phối bình đẳng hay không? phúc lợi xã hội tốt không? Lại là vấn đề khác. 

Cơ quan UNDP của LHQ đưa ra chỉ số phát triển con người (Human Development Index HDI) tính cả mức thu nhập theo GDP, nhưng đưa thêm các hệ số chất lượng y tế, sức khỏe văn hóa và giáo dục vào đó (3). 

HDI, với chỉ số lý tưởng là 1, phản ánh đầy đủ hơn trình độ văn minh của mỗi quốc gia.

Tôi đã đến Guinea Xích đạo là nước xuất khẩu dầu mỏ với thu nhập đầu người là 36.000 USD/năm, nhưng dân chúng sống lầm than cơ cực, trong khi giới lãnh đạo phá tiền như nước. HDI của nước này chỉ đạt 0,591, xếp thứ 141/189, trong khi thu nhập đầu người của họ xếp thứ 55.

Chỉ số cao nhất hiện nay nằm ở Na-Uy: 0,953. Các nước hậu công nghiệp đều có chỉ số HDI trên 0,9. Châu Á có Nhật, Nam Hàn, Singapore và Hongkong tham gia nhóm này.

Các nước công nghiệp như Croatia, Hungary, Balan đều có HDI trên 0,8.
Từ 0.7 đến 0,8 là HDI của các nước đang phát triển và…không cần ngạc nhiên, Trung Quốc nằm trong nhóm này với HDI = 0,751 (xếp thứ 86).

Các nước đang phát triển chậm thì có chỉ số HDI dưới 0,7. Các nước lạc hậu thì từ 0,4 đến 0,55.

Giờ tán chuyện nhà. Có người gọi đểu Việt Nam là xứ Đông Lào, cho rằng ta kém cả Lào. Sai!

Theo thống kê của CIA và cả WB thì Lào có GDP theo đầu người cao hơn VN chút đỉnh, không đáng kể. Nhưng nếu xét theo HDI thì Việt Nam với 0,696 hơn hẳn Lào, 0,601. Việt Nam xếp thứ 116 nằm ở mâm trên của nhóm U 0,7 cao hơn hẳn thằng em, xếp thứ 139, ngồi mâm cuối .
An ủi quá, vì Trường Sơn Tây vẫn phải học Trường Sơn Đông. 
Nhưng kể cả HDI cũng chỉ nói lên tiềm lực vật chất của một quốc gia. Các nước vùng vịnh với những ông lãnh chúa, các đạo luật khắc nghiệt về tự do cá nhân, chèn ép phụ nữ vẫn đạt HDI trên 0,8, nhờ vào chỉ số thu nhập cao chót vót và các dịch vụ y tế, giáo dục miễn phí toàn dân.

Tôi có bạn bè làm việc cho „Phóng viên không biên giới“ (RSF) hay „Ân xá quốc tế“(AI). Họ thực sự là những người công tâm và không bị chỉ đạo của bất cứ nhà nước nào. Do vậy mọi cáo buộc rằng các tổ chức này là tay sai của thế lực nọ kia là vô trách nhiệm.

Các tổ chức này lập ra những chỉ số về dân chủ hay tự do báo chí để thúc đấy quyền con người toàn cầu. Bảng xếp hạng của họ được quốc tế công nhận. 

Vì thế mà nước Qatar giàu có, chiếm chỉ số HDI và GDP khá cao, phải ngậm bồ hòn cải cách luật nữ quyền, luật lao động v.v. nhằm được đăng cai giải bóng đá 2022.

Theo bảng xếp hạng tự do báo chí 2018 của RSF(4) thì Trung Quốc đạt 176/180 còn đứng sau Việt Nam một bậc và chỉ cách ông đội sổ Bắc Triều Tiên (180) có 4 chỗ.

Giả sử rằng Trung Quốc từ 12 ngàn tỷ USD cứ tăng trưởng 7%/năm, Mỹ từ 19 ngàn tỷ cứ tăng trưởng 3-4%/năm thì lúc nào đó, họ sẽ đuổi kịp Mỹ về Nominal GDP, khỏi cần nhân hệ số sức mua.

Đối với chỉ số thu nhập đầu người, chỉ số HDI và kể cả „Trò chơi dân chủ“ như “Tự do báo chí” thì chú Tập còn phải ...mỏi cổ mới theo được Nam Hàn, đừng nói tới Mỹ hay Đức.


Köln 27.09.2018

(còn tiếp)

Dương Danh Dy


*****

Huy Đức: “Sau bức hình này là một câu chuyện”. Nguồn: FB THS






Ông Dương Danh Dy đã từ trần hôm 17 tháng 9 và được đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng một cách lặng lẽ. Chỉ có vài cơ quan truyền thông thuộc hệ thống truyền thông chính thức loan báo điều này sau khi mạng xã hội và hệ thống truyền thông quốc tế đưa tin.
Với ông Dy, chết không phải là hết. Chuyện ông giã từ cuộc đời là dịp để người ta ôn – nhớ lại nhiều thứ, cả riêng với cá nhân ông lẫn những vấn đề có liên quan tới lịch sử, giờ tác động không chỉ tới hiện tại mà còn ảnh hưởng đến tương lai:
– Dương Danh Dy – Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, rồi Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc suốt hai thập niên (1977 – 1996), một trong những người được xem là “hiểu Trung Quốc nhất” đã đưa ra nhiều cảnh báo, khuyến cáo có giá trị nhất về quan hệ Việt – Trung. Góp sức cảnh tỉnh, loại bỏ sự mơ hồ giữa vận nước với “tình hữu nghị” và nỗ lực toan làm cho nó “đời đời bền vững”…
– Dương Danh Dy – viên chức ngoại giao kỳ cựu, thành viên của một thế hệ các viên chức ngoại giao như Nguyễn Cơ Thạch, Trần Quang Cơ,… tuy là Đảng viên CSVN nhưng suy tư và hành động vì lợi ích lâu dài của quốc gia, đặt lợi ích quốc gia bên trên tham vọng đổi hết mọi thứ để duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng CSVN, nâng tinh thần dân tộc lên cao hơn “tinh thần quốc tế vô sản”…
Dương Danh Dy từ biệt cuộc đời một cách lặng lẽ nhưng thời điểm ông “bỏ cuộc chơi” lại nhắc – khiến người ta nhớ tới “Hồi ức và suy nghĩ” của ông Trần Quang Cơ (1927 – 2015) – một viên chức có 44 năm phục vụ trong lĩnh vực ngoại giao, từ chối khi được phân công làm Ngoại trưởng, xin rút ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN. Người ta nhớ tới Dương Danh Dy vì ông là người trực tiếp dùng Internet phổ biến “Hồi ức và suy nghĩ” (1) – bạch hóa những bất thường, phi lý trong quá trình “bình thường hóa quan hệ Việt – Trung” mà di hại chưa biết đến bao giờ mới có thể khắc phục!
***

Một tuần trước khi ông Dy từ biệt cuộc đời, hệ thống truyền thông chính thức loan báo, Cục Xuất bản – In – Phát hành yêu cầu Sở Thông tin – Truyền thông các tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát và thu hồi cuốn “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” trên toàn quốc để “ngăn chặn việc phát tán cuốn sách có nội dung sai sót ra thị trường”.
“Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” là cuốn sách đầu tiên hệ thống hóa những thông tin, dữ kiện liên quan tới chuyện Trung Quốc cưỡng đoạt các bãi đá ngầm thuộc chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa hồi đầu năm 1988, kèm tường thuật của một số nhân chứng may mắn sống sót sau cuộc thảm sát ngày 14 tháng 3 năm 1988 ở bãi đá ngầm Gạc Ma, được… in – xuất bản – phát hành một cách… hợp pháp trên… lãnh thổ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cho dù tham gia tổ chức nội dung, biên soạn “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” có hai ông tướng (Lê Mã Lương – Thiếu tướng, cựu Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Lê Kế Lâm – Chuẩn Đô đốc, cựu Tham mưu phó đặc trách tác chiến của Quân chủng Hải quân, cựu Giám đốc Học viện Hải quân), một cựu Vụ trưởng đặc trách Cơ quan Thường trực phía Nam của Ban Tuyên giáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN (Đào Văn Lừng), một Đại biểu Quốc hội bốn nhiệm kỳ kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (Dương Trung Quốc), 68 nhà báo và các cựu chiến binh là nhân chứng vụ thảm sát ở bãi đá Gạc Ma nhưng tất cả đều bị một số ông tướng xem là “những kẻ đang thực hiện âm mưu xét lại lịch sử, hạ bệ thần tượng, bôi nhọ quân đội và xúc phạm vai trò lãnh đạo của Đảng”…
Cho dù chính quyền Việt Nam đã thành lập một hội đồng cấp quốc gia để thẩm định nội dung của riêng “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” và sau khi nâng lên, đặt xuống nhiều lần, hội đồng này mới gật đầu, giấy phép xuất bản mới được cấp cho nhà xuất bản thứ 14 (Nhà Xuất bản Văn học) nhưng cuối cùng hóa ra vẫn còn “sai sót” đến mức phải thu hồi!
“Sai sót” chính dẫn tới chuyện “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” bị xem là “cực kỳ nghiêm trọng, có hệ thống, nằm trong âm mưu xét lại lịch sử, nhằm làm suy yếu chế độ, làm phân hóa nội bộ Đảng, tiếp tay cho âm mưu ‘bài Trung, phò Mỹ, lật sử, dựng cờ vàng, thay chế độ’ của các thế lực thù địch, tiến hành ‘diễn biến hòa bình’ chống phá chế độ ta” là thông tin về “lệnh cấm nổ súng”. Dẫu không nêu đích danh nhưng “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” khiến người ta phải liên tưởng đến vai trò, trách nhiệm của ông Lê Đức Anh, khi ấy là Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, sau này là Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cùng lúc với sự kiện công bố lệnh thu hồi “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”, người ta thấy một số diễn đàn điện tử, một số trang facebook đăng lại bài “Đại tướng Lê Đức Anh với vấn đề Trung Quốc và biển Đông” (2) của ông Khuất Biên Hòa, Đại tá, Trợ lý của ông Lê Đức Anh.
Nếu đọc “Hồi ức và suy nghĩ” của ông Trần Quang Cơ, sẽ tìm thấy tại phần tường thuật về “Đại hội 7 và cái giá phải trả cho việc bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc”, ông Cơ than như thế này về Lê Đức Anh: Xin ý kiến đối phương và hướng giải quyết vấn đề để đàm phán trước khi đàm phán, thật là chuyện có một không hai trong lịch sử đối ngoại! Thời điểm 1990, tướng Lê Đức Anh tìm mọi cách để thuyết phục Bộ Chính trị nên trả mọi giá để “bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc” vì: “Mỹ là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Ta phải tìm đồng minh. Đồng minh đó là Trung Quốc” (Hồi ức và suy nghĩ – chương 14)…
Nói cách khác, “Đại tướng Lê Đức Anh với vấn đề Trung Quốc và biển Đông” của ông Khuất Biên Hòa là một nỗ lực “giải độc dư luận” từ thông tin, ý kiến của những người trong cuộc như ông Trần Quang Cơ, vừa nhằm loại bỏ trách nhiệm, vừa tô vẽ lại hình ảnh của ông Lê Đức Anh, kiểu như tác giả của 2/3 cuộc “lui quân vĩ đại trong lịch sử nhân loại ở thế kỷ 20” (rút quân khỏi Campuchia và rút quân khỏi biên giới phía Bắc của cả Việt Nam lẫn Trung Quốc để “khôi phục đường biên giới hữu nghị, lập lại quan hệ bình thường giữa hai quốc gia, hai dân tộc).
***
Thập niên 1990, ít nhất, Việt Nam cũng có một Nguyễn Cơ Thạch – Ngoại trưởng, Ủy viên Bộ Chính trị – tuyệt vọng cảnh báo “Chúng ta lại bước vào thời kỳ Bắc thuộc mới”, vì không cản được nỗ lực trả mọi giá để “bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc” và chính vì can ngăn, nhận định như thế mà bị Trung Quốc xem là trở ngại, bị giới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam gạt ra rìa.
Thập niên 2000, ít nhất cũng có một Trần Quang Cơ, cảnh báo đồng chí, đồng bào bằng “Hồi ức và suy nghĩ”. Thập niên 2010, ít nhất cũng có một Dương Danh Dy, lưu ý phải chú ý về “Hội nghị Thành Đô”, công khai thừa nhận trong một cuộc tọa đàm tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm rằng, trong Hiệp định Phân định biên giới Việt – Trung, Việt Nam mất 1.500 cây số vuông – tương đương diện tích tỉnh Thái Bình và mất toàn những địa danh có tính biểu tượng như: Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, bãi Tục Lãm… vì bị Trung Quốc gài từ hồi thập niên 1950, 1960 của thế kỷ trước (3)…
Đáng buồn là những nhân vật như thế quá ít nên “tinh thần bốn tốt”, “16 chữ vàng” mà Trung Quốc đề ra vẫn được giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam xem là “kim chỉ nam”, nên sau những ông tướng như Lê Đức Anh, vẫn còn nhiều ông tướng khác như Nguyễn Chí Vịnh, cổ súy cho suy nghĩ: “Nếu có được một người bạn XHCN rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam” (4)!
***
Những Nguyễn Cơ Thạch, Trần Quang Cơ, giờ là Dương Danh Dy,… đã từ biệt cuộc đời một cách lặng lẽ nhưng có muốn cũng chưa thể đặt dấu chấm hết cho những cuộc ra đi đó.
Với tuổi tác, tình trạng sức khỏe như đã biết về ông Lê Đức Anh, có lẽ ông Anh cũng sắp chết và chắc chắn, dù muốn hay không, “toàn Đảng, toàn quân, toàn dân” cũng phải để tang ông Anh.
Dẫu quốc tang rình rang tới mức nào, Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tụng ca tới đâu thì người Việt và các thế hệ hậu sinh của người Việt cũng sẽ nhớ: 1988 – ngoài bãi đá Gạc Ma (Johnson), Trung Quốc còn cưỡng đoạt của Việt Nam sáu bãi đá ngầm khác ở quần đảo Trường Sa (Châu Viên – Cuarteron, Chữ Thập – Fiery Cross, Ga Ven – Gaven, Tư Nghĩa – Hughes, Vành Khăn – Mischief, Xu Bi – Subi), song một tháng sau ngày mất bảy bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa và sự kiện Trung Quốc thảm sát 64 người lính Việt Nam vẫn còn nóng hổi, lúc đến thăm quần đảo Trường Sa nhân dịp kỷ niệm 33 năm Ngày Truyền thống của Quân chủng Hải quân (07/05/1955 – 07/05/1988), chính ông – Lê Đức Anh – vẫn khẳng định “nhân dân Việt Nam biết ơn sự giúp đỡ to lớn của nhân dân Trung Quốc”, dù “nhất quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” nhưng sẽ “nhớ mãi không bao giờ quên tình sâu nghĩa nặng giữa nhân dân hai nước Việt – Trung, kiên trì phấn đấu để khôi phục tình hữu nghị giữa hai nước”?
Người Việt và các thế hệ hậu sinh của người Việt sẽ ghi nhận, bất kể bảy bãi đá ngầm mà Trung Quốc cưỡng chiếm của Việt Nam đã được bồi đắp thành chuỗi căn cứ quân sự nhằm hiện thực hóa dã tâm mà ai cũng thấy là độc chiếm biển Đông nhưng khi xây dựng Bảo tàng Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa tại Lý Sơn – Quảng Ngãi, nhằm trưng bày dấu tích về lịch sử chủ quyền của người Việt trên biển Đông, những cá nhân mà ông – Lê Đức Anh – đã tham gia đào tạo, quy hoạch để lãnh đạo quốc gia, quân đội vẫn không quên giới thiệu những “lời vàng, ý ngọc” của chính ông về ơn nghĩa Trung Quốc và mối tình sâu nặng giữa Việt với Trung!
Chắc chắn sẽ rất ít người Việt và con cháu quên rằng, từ 1990, sau khi ông – Lê Đức Anh – và các đồng chí đồng thời với ông hoàn thành “bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc”, những người lính Việt đã tử trận ở biên giới Việt – Trung từ 1979 đến 1988, ở Campuchia đều bị gạt ra khỏi lịch sử. Lịch sử Đảng CSVN và lịch sử hiện đại do Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam soạn thảo không giành chỗ cho họ vì điều đó ảnh hưởng đến cam kết thực thi “Láng giềng tốt. Bạn bè tốt. Đồng chí tốt, Đối tác tốt” và “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.
Chết không phải là hết nên sống, hành xử thế nào mới quan trọng. Sợ, lên án, ngăn chặn “lật sử” cũng không thể cản được việc lật lại lịch sử, xác định chính xác, rõ ràng, ai thực sự có công, ai thực sự đắc tội với dân tộc này.
(1) https://baotiengdan.com/…/…/2018/09/hoi-ky-tran-quang-co.pdf
(2) http://vietnamnet.vn/…/dai-tuong-le-duc-anh-voi-van-de-trun…
(4) https://tinquansu.wordpress.com/…/khong-ai-quen-loi-ich-qu…/




Giáo dục Việt Nam đang đi về đâu


Giáo dục Việt Nam đang đi về đâu  
Nguyễn Quang Dy

****

Giáo dục không phải là đổ đầy bình, mà là thắp một ngọn lửa” (Education is not the filling of a pail, but the lighting of a fire)
(William Butler Yeats)

****

Hiện tượng bất thường
Gần đây, cách đánh vần trong sách giáo khoa CNGD trở thành chủ đề tranh cãi “như mổ bò” trong dư luận, che khuất các mảng tối của khủng hoảng giáo dục (như “phần nổi của tảng băng chìm”). Có hai hiện tượng bất thường đáng chú ý. Thứ nhất, trong khi công chúng bị phân hóa làm hai phe tranh cãi gay gắt, thì Bộ Giáo dục hầu như im lặng quá lâu một cách khó hiểu, như không liên can trách nhiệm. Thứ hai, trong khi tranh cãi phản ánh tâm trạng bức xúc của công chúng, như đống rơm khô dễ bắt lửa, nó bộc lộ tình trạng dân trí thấp.

Tuy vai trò sách giáo khoa rất quan trọng trong giáo dục truyền thống, nhưng nó không phải là yếu tố quyết định trong giáo dục khai phóng. Tại Việt Nam, sách giáo khoa trở thành vấn nạn đối với học sinh và phụ huynh, vì tình trạng độc quyền xuất bản và phát hành. Nói cách khác, sách giáo khoa đã bị thao túng bởi nhóm lợi ích vì lợi nhuận khổng lồ, nhưng chất lượng còn nghèo nàn vì chưa được coi trọng. Sách giáo khoa CNGD có lúc “bị dìm” vì dám cạnh tranh với sách truyền thống, nhưng có lúc “được nổi” vì sách CNGD có lợi.  
Chắc mọi người còn nhớ hình ảnh phụ huynh đạp đổ cổng trường Thực nghiệm, để xông vào trường nộp đơn xin cho con học. Hình ảnh độc đáo đó đáng lẽ phải được đưa vào Guinness Book of World Records. Có thể nói với Gs Hồ Ngọc Đại rằng đây là một sự cố hy hữu, có giá trị quảng cáo còn hiệu quả lớn hơn bất cứ một ý tưởng quảng cáo chuyên nghiệp nào khác (mà lại không mất tiền). Nhưng thật là nghịch lý vì sau khi “ba chìm bảy nổi”, Gs Hồ Ngọc Đại nay lại đang bị dư luận “ném đá tơi bời” vì chính sự thành công của mình.
Không biết đó là quá trình “ba chìm bảy nổi” hay là “ba nổi bảy chìm” của chương trình thực nghiệm CNGD (của Gs Hồ Ngọc Đại). Nhưng nếu người ta chỉ chúi mũi vào tranh cãi về sách giáo khoa hay cách “đánh vần” (như “đánh vật”) dù vì lý do học thuật hay vì động cơ lợi nhuận, thì có thể bị lạc đường, vì “thấy cây mà không thấy rừng”. Trong khu rừng rậm giáo dục Việt Nam từ thời dựng nước (sau 1945), đã có quá nhiều phong trào: từ “bình dân học vụ” đến “bổ túc công nông”, đến “vừa hồng vừa chuyên”, đến “tiên học lễ hậu học văn”, đến “con ngoan trò giỏi”, đến “kiên cố hóa trường lớp”, đến “thực nghiệm CNGD”, v.v.
Trong lần tranh cãi này, không thấy dư luận bàn cãi về vai trò của giáo viên, tuy quan trọng không kém sách giáo khoa, cũng không thấy nói đến vai trò của Bộ Giáo dục (nhất là Bộ trưởng). Quan trọng hơn là không thấy nói đến vai trò của thể chế đã dẫn đến các vấn nạn đó,  mà nay người ta hay gọi một cách văn hoa là “lỗi hệ thống”. Xét cho cùng, nếu lỗi ở sách giáo khoa, thì có thể thay sách. Nếu lỗi ở giáo viên thì có thể thay giáo viên. Nếu lỗi ở Bộ Giáo dục (hay Bộ trưởng) thì cũng có thể thay Bộ trưởng, nếu “chính phủ kiến tạo” thấy cần. Nhưng nếu do “lỗi hệ thống”, thì người ta có dám thay hệ thống và thể chế không?    
Với văn hóa chụp giật của các các nhóm lợi ích thân hữu, chính sách giáo dục “từ trên xuống” (top down) và tình trạng dân trí thấp “từ dưới lên” (bottom up) đã làm thui chột nguồn nhân lực chất lượng cao để hội nhập quốc tế. Trung Quốc đã cất cánh về kinh tế vì cách đây hơn hai thập kỷ, họ đã quyết tâm đầu tư lớn cho giáo dục đại học, đặc biệt là các trường đứng đầu (như Bắc Kinh và Thanh Hoa) để đạt “đẳng cấp quốc tế”.  Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, là yếu tố sống còn để phát triển, phải đổi mới thể chế và đầu tư đúng chỗ.   
Chúng ta nói quá nhiều về khủng hoảng giáo dục (như cái ngọn) nhưng vẫn chưa đổi mới thể chế (là cái gốc). Nếu không thoát khỏi hệ tư tưởng giáo điều đã lỗi thời, coi thường trí thức, thì không thể nâng cao dân trí. Mọi cố gắng cải cách giáo dục chỉ luẩn quẩn và duy ý chí như tự cầm tóc nhấc mình lên. Nếu không từ bỏ tư duy độc quyền thì không thể bỏ được độc quyền giáo dục, và không thể kiểm soát được quyền lực. Độc quyền sách giáo khoa là một loại tham nhũng chính sách của các nhóm lợi ích được thể chế độc quyền bảo kê.

Hệ quả khó lường
Văn hóa-Giáo dục là hai lĩnh vực gắn liền với nhau như hình với bóng, và tương tác theo luật nhân quả. Giáo dục mà thiếu văn hóa làm nền cũng giống như làm nhà mà thiếu móng. Học gì và học thế nào thường liên quan đến giáo dục-đào tạo, nhưng học để làm gì thường liên quan đến văn hóa-tư tưởng. Thời trước, khi nói đến “khai dân trí và chấn dân khí”, chắc cụ Phan Châu Trinh nghĩ đến cả giáo dục-đào tạo và văn hóa-tư tưởng. Nhưng ngày nay, vào thời “mạt pháp” (theo phật lịch) thì văn hóa-giáo dục đang bị suy đồi và khủng hoảng.
Khủng hoảng giáo dục-đào tạo thường kéo theo khủng hoảng văn hóa-tư tưởng và khủng hoảng lòng tin. Khi mất lòng tin, môi trường sống bị ô nhiễm, môi trường giáo dục-đào tạo suy đồi và khủng hoảng, nhiều người (cả quan chức và trí thức) sẽ bỏ đất nước,  tìm nơi khác cho gia đình cư trú như “tị nạn giáo dục” (thay vì “tị nạn chính trị”). Nhưng người ta không di cư sang Trung Quốc (vì đại cục “16 chữ vàng”), mà thường cho gia đình di cư sang Mỹ, Úc, Canada, và châu Âu, vì ai cũng muốn một môi trường sống và giáo dục an toàn.   
Vậy điều gì đã xảy ra tại Việt Nam làm chất lượng giáo dục xuống cấp như vậy? Sau giải phóng (1954 tại Miền Bắc và 1975 tại Miền Nam), cách mạng đã phá bỏ mọi thứ của “đế quốc thực dân” (kể cả hệ thống giáo dục). Tại nhiều nước khác (như Ấn Độ) người ta không làm như vậy, mà vẫn giữ nguyên hệ thống giáo dục của Anh (hay Pháp). Chính vì vậy, cho đến nay hệ thống giáo dục của họ (về cơ bản) vẫn còn nguyên, nên chất lượng vẫn tốt.  
Khi lập chính phủ thời VNDCCH, cụ Hồ cũng chú trọng đến giáo dục và văn hóa, nên chọn được các trí thức hàng đầu làm bộ trưởng, như ông Nguyễn Văn Huyên và Tạ Quang Bửu (Bộ Giáo dục) và ông Hoàng Minh Giám (Bộ Văn hóa). Tại Miền Nam, hệ thống giáo dục kiểu Pháp (về cơ bản) vẫn được duy trì đến 1975. Nếu so bộ trưởng giáo dục và văn hóa thời nay với thời trước thì hơi xấu hổ. Bằng cấp của họ tuy không thiếu (vì không giáo sư cũng tiến sỹ) nhưng chỉ thiếu văn hóa, nếu không ngọng tiếng Anh cũng ngọng tiếng Việt.
Lẽ ra khi phá cái cũ thì phải thay bằng cái mới tốt hơn, nhưng càng cải cách giáo dục, tình trạng suy thoái và tụt hậu về giáo dục càng tệ hơn. Cũng như kinh tế thị trường “định hướng XHCN”, Văn hóa-Giáo dục cũng phải “vừa hồng vừa chuyên”.  Cách đây đã lâu, một lãnh đạo (hình như cố thủ tướng Phạm Văn Đồng) nhận xét: “chất lượng giáo dục nước ta rớt nhanh như nhảy dù”. Khủng hoảng giáo dục nay đã trở thành vấn nạn quốc gia. Gần đây, cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng nói: “cán bộ yếu thì cho đi học, bắt cán bộ giỏi làm thay; đến khi bổ nhiệm thì nhờ có bằng cấp nên cán bộ yếu được đề bạt”. (Tuổi Trẻ, 18/7/2006).
Nếu ngành xây dựng “ăn nhà đất” và ngành giao thông “ăn cầu đường”, thì ngành giáo dục “ăn sách giáo khoa” và các đề án cải cách giáo dục. Tuy không biết ngành nào ăn to hơn và phá nhiều hơn, nhưng chỉ biết họ “ăn không chừa thứ gì” (lời bà Nguyễn Thị Doan). Nếu ngành y tế thiếu trách nhiệm, họ có thể làm nhiều người mất mạng hay tàn tật. Nếu ngành xây dựng làm hỏng vài tòa nhà và ngành giao thông làm hỏng vài con đường (là hạ tầng cứng), người ta có thể đập đi xây lại. Nhưng nếu ngành giáo dục làm hỏng một hai thế hệ (như hạ tầng mềm) thì không thể đập đi xây lại, và hệ quả của khủng hoảng giáo dục khó lường.    
Nếu vấn nạn giao thông hay vấn nạn y tế có thể gây ra “đột tử” cho hàng trăm sinh mạng, thì vấn nạn giáo dục có thể gây ra “đẳng tử” (chết từ từ) cho một hai thế hệ (vì dân trí thấp). Không biết cái chết nào nguy hiểm hơn.  Câu chuyện tụt hậu về kinh tế (so với nhiều nước trong khu vực) chắc chắn có nguyên nhân từ sự tụt hậu về chất lượng giáo dục-đào tạo. Suy thoái và tụt hậu về kinh tế hay công nghệ (là hạ tầng cứng) có thể làm lại và phục hồi trong một hai thập kỷ, nhưng suy thoái và tụt hậu về văn hóa và giáo dục, đạo đức và dân trí, (là hạ tầng mềm) thì rất khó phục hồi, có lẽ phải mất một vài thế hệ (hoặc không bao giờ).

Càng cải cách càng tụt hậu
Năm 2008, Bộ Giáo dục đã tổ chức đối thoại trực tuyến với dân một cách “rất cầu thị”, thừa nhận sai lầm trong chương trình dạy ngoại ngữ và “hứa sẽ cải tổ”. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lúc đó đã ký quyết định số 1400/QĐ-TTg, ngày 30/9/2008, duyệt kinh phí 10,000 tỷ đồng (gần 500 triệu USD) cho “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” (gọi tắt là “Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020”). Theo chương trình này, đến năm 2020 “đa số thanh niên Việt Nam sẽ có đủ năng lực ngoại ngữ, biến ngoại ngữ thành thế mạnh phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Trong khuôn khổ triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia đó, các tỉnh tranh thủ “tát nước theo mưa”. Long An duyệt chi 437 tỉ đồng, Kon Tum duyệt chi 135 tỉ đồng, Đà Nẵng duyệt chi 140 tỉ đồng. Không biết vì sao lại cần đến ngần ấy kinh phí, chẳng khác gì phong trào xây tượng đài.

Sau 7 năm (kể từ khi ký duyệt) hay 5 năm kể từ khi bắt đầu triển khai giai đoạn hai (2011-2015), bức tranh toàn cảnh về đề án này đã dần lộ rõ chân tướng, làm dư luận bức xúc về tính hiệu quả. Nhiều người nghi vấn về động cơ tham nhũng, làm lãng phí ngân sách.  
Việc cải tổ cách dạy tiếng Anh là rất cần, nhưng có cần một kinh phí khủng đến thế không (gần 500 triệu USD) khi Việt Nam còn nghèo và ngân sách đang cạn kiệt?  Số tiền đó đủ để lập ra 5 trường đại học đẳng cắp quốc tế (như đại học Fulbright). Ông Lý Quang Diệu chắc cũng không dám chi nhiều đến như vậy cho Singapore, tuy ông ấy thường kêu gọi “học tiếng Anh là vấn đề số một” để tiếp tục phát triển đất nước giàu mạnh. Nhưng vấn đề không phải là mất bao nhiêu tiền, mà là được cái gì. Tại sao đầu tư lớn đến như vậy nhưng năng suất lao động của người Việt vẫn thấp nhất khu vực, và không có đủ nhân lực để hội nhập quốc tế?

Trong khi người dân còng lưng đóng thuế và trả nợ thay cho những đề án cải cách lãng phí khủng khiếp đó mà không được hưởng một nền giáo dục tử tế, thì các nhóm lợi ích thân hữu và các quan chức tham nhũng (là “đầy tớ nhân dân”) tiếp tục làm giàu, để rồi tuồn tiền ra nước ngoài cho con cháu họ du học và chuẩn bị “hạ cánh an toàn”. Đó là một nghịch lý đáng buồn. Không chỉ ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm, mà các ngành khác (stakeholders) và các nhà tài trợ quốc tế (donors) cũng phải chịu một phần trách nhiệm liên đới.     
Sau nhiều chương trình cải cách ồn ào, và nhiều “đề án quốc gia” hoành tráng, được vẽ ra chủ yếu vì kinh phí, nhưng lại “đầu voi đuôi chuột”, đâu lại hoàn đấy. Hàng năm, hơn 40% sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm, hoặc không làm được việc, vì chất lượng đào tạo quá thấp và xa rời thực tế, không đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế. Kết cục là sinh viên tốt nghiệp vẫn thừa và thất nghiệp, trong khi các doanh nghiệp vẫn thiếu nhân lực. Người Việt “không thua kém ai” nhưng tại sao đất nước tiếp tục nghèo hèn và tụt hậu? Việt Nam có một cái mỏ người rất quý (hơn 90 triệu dân), nhưng đến nay vẫn không biết cách khai thác.  

Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để hội nhập quốc tế và có năng suất lao động cao hơn, phải nâng cao chất lượng giáo dục bằng cách nâng cao dân trí và xây dựng một xã hội công dân. “Xã hội hóa” chỉ là khẩu hiệu suông, nếu không thực sự đổi mới tư duy cải cách giáo dục. “Kiên cố hóa trường học” là một khẩu hiệu ngược đời, vì gía trị cốt lõi của giáo dục không phải là phần cứng (hardware) mà là phần mềm (software). Melinda Gates nói, “Chỉ trang bị cơ sở vật chất đơn thuần không giải quyết được những vấn đề giảng dạy…”.
Nói như vậy để thấy sự bất cập và phân liệt (dysfunctional) trong cơ chế quản trị đất nước. Một chính phủ “kiến tạo” không thể “trên nóng dưới lạnh” hay “trên bảo dưới không nghe” và “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” hay “tay phải, tay trái” khác nhau.
Hàng năm, tại các Diễn đàn Kinh tế, đại diện ngành giáo dục có tham gia không?  Các nhà quản trị và các doanh nghiệp có “đặt hàng” với ngành giáo dục hay không? Tại sao 40% sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, hoặc không làm được việc? Chẳng lẽ suy thoái và tụt hậu kinh tế không liên quan đến giáo dục-đào tạo? Chẳng lẽ khủng hoảng về đạo đức và nhân cách, tình trạng vô cảm và bạo lực đến mức báo động hiện nay trong xã hội không liên quan đến Văn hóa-Giáo dục? 

Đi tìm triết lý giáo dục
Người ta hay nói đến cải cách giáo dục (như cái ngọn), nhưng vẫn ít đề cập đến triết lý giáo dục (như cái gốc). Trong khi tham khảo các triết lý giáo dục khác nhau, chúng ta thử đề cập đến một triết lý giáo dục (educational philosophy) được nhiều nước trên thế giới vận dụng (trong đó có Việt Nam). Đó là “lý thuyết kiến tạo” (Constructivism & Constructionism) do các nhà khoa học Jean Piaget (1896–1980) và Seymour Papert (1928-2016) đề xướng. Papert là học trò xuất sắc của Piaget, đã phát triển constructionism trên cơ sở constructivism. (*)     
Theo Jean Piaget, lý thuyết constructivism giúp học sinh phát triển nhận thức (cognitive), qua thực nghiệm và quan sát (experience and observation), trong khi lý thuyết constructionism của Seymour Papert chú trọng thực hành (physical) thông qua “cách học thế nào” (learning how to learn). “Lý thuyết kiến tạo” cho rằng học sinh làm việc hiệu quả khi họ chủ động và tự giác làm ra những thứ hữu hình trong thế giới thực (maker place) bằng thực nghiệm, chú trọng đến cấu trúc sinh học hữu hình và những quy luật phổ quát của sự phát triển tri thức. Tuy lý thuyết này phát huy hiệu quả tốt với các lớp học sinh giỏi (và các lớp luyện thi), nhưng nó lại có nhược điểm là khó nhân rộng và khó áp dụng cho những lớp đông học sinh.  
Các nguyên lý và tiêu chí cơ bản của “lý thuyết kiến tạo” là “học tích cực” (Active learning), “học bằng thực hành” (Learning by doing), “lấy học sinh làm trung tâm” (Student-centered), “học qua vấn đề” (Problem-based learning), “học qua dự án” (Project-based training), “học qua trải nghiệm” (Experiential learning), “học qua khám phá” (Discovery learning), “học bằng làm việc nhóm” (Group work in learning), “dạy trên cơ sở khảo cứu” (Inquiry-based teaching),  “học qua kiến tạo và phối hợp” (Constructivism-based Blended learning)…  
Lý thuyết kiến tạo (constructivism & constructionism) chú trọng tạo cơ hội cho học sinh học một cách tích cực (active educational opportunities), để phát triển văn hóa thực nghiệm (maker culture) trong các lĩnh vực “STEAM” bao gồm khoa học (science), công nghệ (technology), chế tạo (engineering), nghệ thuật (arts), và toán học (mathematics).

Tại MIT, Papert đã lập ra Nhóm Nghiên cứu mà sau này đã trở thành “MIT Media Lap” nổi tiếng. Cũng chính tại MIT mà ông đã nghiên cứu và phát triển “lý thuyết kiến tạo” (constructionism). 
Từ nghiên cứu trẻ em bắt đầu hiểu về thế giới thế nào (how children make sense of the world) Papert đã nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo để ứng dụng vào học, thông qua thiết kế và chia sẻ trong môi trường cộng tác (learning through designing and sharing within collaborative environments).

Trong lý thuyết kiến tạo, học sinh sẽ học hiệu quả nhất nếu được tiếp cận tri thức cao hơn tại “vùng phát triển liền kề” (zone of proximal development).  
Theo các nhà nghiên cứu, ý tưởng về “kiến tạo” (constructs) thực ra đã xuất hiện từ thời xa xưa, từ thời Phật Tổ (Buddha) và Lão Tử (Lao Tzu). Sau đó, ý tưởng này được các triết gia và học giả khác tiếp tục phát triển (như Khổng Tử, Socrates, Immanuel Kant, Chu Văn An). Vì kiến tạo là quá trình phát triển tự nhiên, nên các mô hình học tập thuở ban đầu thường dựa trên phương pháp kiến tạo. Sau này, các nhà nghiên cứu tâm lý giáo dục đã tìm cách kết hợp các lý thuyết khác nhau và gắn với thực tế cuộc sống.

Trong cuốn sách “The Evolving Self” (Robert Kegan, Harvard University Press, 1982), Kegan đã tìm cách phát triển lý thuyết gắn kết đó vào lĩnh vực giáo dục (becoming embedded and emerging from embeddedness).
Tại Việt Nam, trường PTCS Thực nghiệm đã vận dụng “lý thuyết kiến tạo” từ 1978 (qua con đường Nga). Theo thống kê, đến 2013 đã có 1.591 học sinh tham gia các lớp thực nghiệm cấp tiểu học và THCS. Chương trình thực nghiệm được triển khai tại 1.447 trường tiểu học trên 63 tỉnh/thành. Tuy chương trình này được triển khai trên diện rộng, trong bốn thập kỷ qua, nhưng vẫn chưa được chính thức đánh giá và tổng kết để xác nhận tính phù hợp (conformity) với các tiêu chí của “lý thuyết kiến tạo” (ở cấp quốc gia hay quốc tế) để trở thành chính thống (như tại Nga), nên vẫn còn là thực nghiệm (chưa hoàn chỉnh), dễ gây tranh cãi.

Lời cuối    
Đó không phải là lỗi của chương trình thực nghiệm CNGD (vì đó chỉ là một sáng kiến trong quá trình cải cách và xã hội hóa giáo dục) hay của người đề xướng (vì Gs Hồ Ngọc Đại chỉ là một nhà khoa học chứ không phải là nhà quản trị). Nếu chương trình thực nghiệm CNGD (của Gs Hồ Ngọc Đại) hay các chương trình khác như “Nhóm cách Buồm” (của nhà giáo Phạm Toàn) chưa hoàn chỉnh hay chưa hoàn thiện, vì thiếu nguồn lực và thiếu hỗ trợ, thì đó không phải lỗi của họ, mà là “lỗi hệ thống” của Bộ Giáo dục và “chính phủ kiến tạo”. Đó là bức tranh giáo dục màu xám, với những khoảng tối khó lý giải và thật đáng tiếc. Lẽ ra, một đất nước với hơn 90 triệu dân là một cái mỏ nhân lực rất quý, thì nay là một gánh nặng. Sắp tới, khi trí tuệ nhân tạo (AI) và người máy phát triển, vấn đề nhân lực chắc còn nan giải hơn.    
Trong khi đó, bức tranh về văn hóa cũng không khá hơn. Theo thống kê của bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch, hàng năm nước ta có tới 7.966 lễ hội (Lao Động, 5/3/2018). Hầu hết các lễ hội đó không những tốn kém kinh phí và lãng phí thời gian, mà còn thiếu văn hóa và thừa bạo lực. Bên cạnh “hội chứng lễ hội” (như “cờ đèn kèn trống”), Việt Nam còn nổi tiếng vì “hội chứng tượng đài”. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Việt Nam có hơn 400 tượng đài có vốn đầu tư khoảng vài chục tỷ đến vài trăm tỷ VNĐ, thậm chí có dự án đến hàng ngàn tỷ VNĐ, không những làm cạn kiệt ngân sách quốc gia, mà còn làm méo mó hình ảnh đất nước. Ngoài ra, Việt Nam có quá nhiều cuộc thi hoa hậu đến mức phản cảm (với nhiều tai tiếng). Nói cách khác, tham nhũng và suy thoái về văn hóa-giáo dục đang làm xói mòn các giá trị cốt lõi.   


NQD. 17/9/2018


(*) Nhân đây, tôi xin nhắc lại một sự cố đáng tiếc đã xảy ra với Gs Seymour Papert khi ông đến Hà Nội dự một hội nghị toán học quốc tế (ICMI, Hanoi Dec. 2006). Có lẽ nhiều người Việt Nam đã quên mất sự cố bất hạnh đã xảy ra với nhà khoa học này (lúc đó đã 78 tuổi). Chắc họ quá mải mê tranh cãi về sách giáo khoa CNGD nên quên mất tác giả của “lý thuyết kiến tạo”. Seymour Papert không chỉ quan tâm đến toán học và phát triển “trí tuệ nhân tạo”, mà còn tìm cách ứng dụng công nghệ mới vào khoa học giáo dục, và muốn góp phần tháo gỡ vấn nạn ách tắc giao thông tại Hà Nội (mà bây giờ người ta sính gọi là 4.0).
Trong khi Papert đang nghĩ cách ứng dụng “lý thuyết tổ ong” (beehive theory) vào giải pháp tháo gỡ ách tắc giao thông Hà Nội, ông đã bị một xe máy đâm khi qua đường, gây chấn thương sọ não, phải cấp cứu tại bệnh viện Việt-Pháp một tuần trước khi được đưa về Mỹ. Thật trớ trêu thay, Papert đã trở thành nạn nhân của chính vấn nạn mà ông tìm cách tháo gỡ. Sau khi được đưa về Mỹ điều trị, tuy ông đã may mắn thoát chết nhưng bị tàn tật và sống thêm gần 10 năm. Seymour Papert đã mất ngày 31/7/2016 (tại Blue Hill, Maine).

............../.


Tác giả gửi cho viet-studies ngày 17-9-18