...công nghệ giáo dục // GS Hồ Ngọc Đại

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/141548/gs-ho-ngoc-dai---toi-khong-kieu-ngao-.html



GS Hồ Ngọc Đại: 'Tôi không kiêu ngạo'


GS Hồ Ngọc Đại cho biết, dù chương trình công nghệ giáo dục đã tồn tại hơn 30 năm nhưng Bộ GD-ĐT vẫn rất cẩn trọng khi cho quay trở lại.



Hồ Ngọc Đại, sách giáo khoa, thí điểm
Tiết học giáo dục lối sống của thầy và trò Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (Nam Định). Ảnh: Kiều Oanh

Nguyên tắc: Trẻ em luôn đúng
Ngoài sách Tiếng Việt, sách của các môn Toán, Giáo dục lối sống của GS Hồ Ngọc Đại đang trên hành trình vừa làm vừa nghe góp ý của những người triển khai.
Đều đặn hàng tuần, GS Đại lên kế hoạch đi thực địa một tỉnh để hoàn thiện sách làm thử.
"Làm thử là thưa với trẻ em Thầy làm thế có được hay không? Giáo dục lối sống hay giáo dục bất cứ vấn đề gì thì phải thật. Với trẻ con, cái gì thật thì nó tin, cái gì nó tin thì sẽ làm theo. Nếu trẻ không chấp nhận thì chúng ta sai chứ đừng nghĩ rằng trẻ không biết gì" - ông nói.
Giải thích thêm về nguyên tắc "lấy trẻ làm chuẩn", vị GS tuổi 78 cho hay:
"Nền giáo dục hiện đại là thầy giáo phải biết chấp nhận trẻ con chứ không phải trẻ con biết chấp nhận người lớn"
"Đã đến lúc chúng ta phải cư xử lại, điều chỉnh lại thái độ cư xử của mình: đặt trẻ là trọng tâm. Tôn trọng trẻ một cách thực sự, không xã giao, không chính trị thì trẻ sẽ yêu mến".
Đối với ông, việc dạy trẻ  phải công phu như thế chứ không nên áp đặt theo chủ quan người lớn.
Về phương pháp thì không phải "bắt chước" mà để học sinh tự làm trên cơ sở việc cô giao. Khi giao việc không làm mẫu, học sinh tự tư duy đáp án. "Đáp án nào cũng đúng để thấy trong cuộc sống có nhiều đáp án khác nhau".
"Khi giao nhiệm vụ phải căn cứ vào trẻ để cư xử chứ không phải căn cứ vào anh để cư xử".
Hồ Ngọc Đại, sách giáo khoa, thí điểm
GS Hồ Ngọc Đại cùng lãnh đạo Sở GD-ĐT Nam Định dự giờ tiết học giáo dục lối sống tại Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (Nam Định). Ảnh: Kiều Oanh
"Phải dạy cho trẻ hết sức đa dạng chứ đừng cứng nhắc cái gì" - GS truyền kinh nghiệm.
Đi tập huấn khá nhiều tỉnh thành, ông từng nói với các cô giáo, mất thời gian là mất tuyệt đối, cho nên sách công nghệ không có ôn tập.
"Ôn tập là làm 1 việc 2 lần - mất hai lần thời gian cho việc đó như vậy lãng phí. Phải xác định buổi sáng có nghĩa vụ của buổi sáng và buổi chiều có nghĩa vụ của buổi chiều. Hai buổi đều quý giá như nhau. Không thể buổi sáng học không tốt buổi chiều làm lại hoặc ở trường làm chưa tốt về nhà bố mẹ dạy lại" - GS Đại quan niệm.
Sẽ không có chết lần 2
Theo GS Hồ Ngọc Đại, CGD sống lại không phải là nguyện vọng cá nhân mà là nhu cầu của cuộc sống. Nhu cầu cuộc sống đã đến mức nhiều người nhận ra.
Theo đuổi CGD trong 35 năm thăng trầm "chết đi, sống lại", GS Hồ Ngọc Đại tự tin khẳng định sẽ không có "chết lâm sàng" lần 2.
Việc Bộ GD-ĐT đưa vào trong giảng dạy và "không còn thí điểm" ở lớp 1 nữa theo GS, đó là tín hiệu khi đã chấp nhận cái này thì theo tất yếu buộc phải chấp nhận những cái tiếp theo.
"Cho nên, mình phải suy nghĩ làm sao để các bước tiếp theo phải làm chu đáo. Làm để triển khai đại trà chứ không "để chứng minh nó đúng".
Hồ Ngọc Đại, sách giáo khoa, thí điểm 
Học sinh chăm chú lắng nghe tiết học Toán theo chương trình công nghệ (Ảnh: K.Oanh)
"Tôi không kiêu ngạo"
GS Hồ Ngọc Đại nói, trong số những người có bằng cấp, may ra có một số nhà khoa học, còn tuyệt đại đa số là những học trò thi đỗ.
"Khi CGD bị dừng lại, tôi cũng biết trước nên không có gì ngạc nhiên" - GS lạc quan.
Khi CGD bị dừng, ông dành thời gian để hiệu chỉnh bộ sách.
Hồ Ngọc Đại, sách giáo khoa, thí điểm
GS Hồ Ngọc Đại
Ông vẫn còn nhớ những người đồng hành giúp mình "hoàn thiện chương trình chuẩn đến từng dấy phẩy" là giáo viên địa phương, học sinh, phụ huynh và các giám đốc sở, một vài nhà quản lí.
Năm 1987, tại hội nghị toàn quốc về giáo dục, phát biểu của ông khiến cả ngành giáo dục lao xao:
"Các anh có thể không đồng ý với tôi, có thể chống lại tôi, không đồng ý với tôi...nhưng nền giáo dục hiện nay ở bên này bờ sông - nền giáo dục của tôi ở bên kia bờ sông. Muốn đi từ bên này sang bên kia bờ sông thì không thể không qua cây cầu Hồ Ngọc Đại được."
Giải thích về phát ngôn "khó lọt tai" này từ gần 30 năm trước, giáo sư Đại cười:
"Tôi nói thế không kiêu ngạo mà đầy trách nhiệm. Tôi không phải là cá nhân - tôi là đường lối tư tưởng - tôi là một công nghệ - tôi là một giải pháp, một thực tiễn. Các anh muốn hơn phải qua cầu công nghệ - không còn cách nào khác. Tôi nói thế để có trách nhiệm với đất nước".
3 nguyên tắc của công nghệ giáo dục
Theo GS Hồ Ngọc Đại, CGD được thiết kế dựa trên 3 nguyên tắc: Ai cũng học được; Học gì được nấy; Học đâu chắc đó.
Do đó giúp học sinh đọc thông viết thạo, đúng chính tả, không thể tái mù chữ. Bất kỳ tiếng nào miễn là nghe được, nhắc lại được thì viết được. Nếu học bộ sách này thì xong lớp 1 đọc thông viết thạo, hết lớp 2 viết thành câu, hết lớp 3 không bao giờ viết sai câu.
Bộ GD-ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc cho phép lưu hành bộ SGK Tiếng Việt CGD. Sách này không bán rộng rãi mà tỉnh nào đăng ký thực hiện phải đăng ký trước với Bộ GD-ĐT trong hè để Nhà xuất bản Giáo dục căn cứ vào số lượng đó in ấn.
  • Kiều Oanh (ghi)



....../.