Sự kiện “Bạch chỉ cách mạng” và… Việt Nam

 

Sự kiện “Bạch chỉ cách mạng” và… Việt Nam ......

https://www.facebook.com/nguyen.manhkim/posts/pfbid0ExCGBoHF84cir39WAjmPRfjob5jxDf4YkZYTXfQ17yxFc3CEt2RqghBJjMuPnbQkl



Tôi gọi một anh sếp tòa soạn một tờ báo lớn, hỏi “Có lệnh cấm đăng vụ biểu tình Trung Quốc?”. “Biết rồi còn hỏi!”. “Cụ thể lệnh của ai?”. “Từ cấp cao nhất”…


Dò nhanh năm trong số tờ báo lớn nhất Việt Nam (Tuổi Trẻ, VNExpress, Zing, Thanh Niên và VietnamNet), tính đến 7g sáng ngày 29-11, không có bất kỳ tin tức nào về vụ biểu tình ở ít nhất 16 thành phố lớn khắp Trung Quốc. Bài viết trên Tuổi Trẻ “gần” với đề tài nhất là bài “Trung Quốc nhấn mạnh coi trọng sinh mạng người dân trong chống COVID-19”, đăng lúc 13:15 ngày thứ hai 28-11. Toàn bộ bài (hơn 800 từ) không có chi tiết nào liên quan loạt biểu tình ở Trung Quốc đang gây sốc thế giới, dù làn sóng phản đối chính quyền của dân Trung Quốc bắt đầu từ thứ sáu 25-11 và bùng nổ dữ dội vào hai ngày 26 và 27.

Đả đảo đảng cộng sản!
Đả đảo Tập Cận Bình!
Tự do ngôn luận!
Chúng tôi không muốn thấy những kẻ cai trị chúng tôi suốt đời!
Trung Quốc không cần hoàng đế!
Chúng tôi muốn tự do!
Tập Cận Bình, hãy từ chức!...

Thế giới đang nghe những tiếng thét này trên Twitter, Facebook, Telegram… Dù sự tưởng tượng đi xa thế nào, vượt giới hạn nhiều nhất có thể, cũng ít ai nghĩ rằng một đất nước mà cả tỉ người bị giam lỏng trong một nhà tù không song sắt khổng lồ lại có ngày có thể nghe được những tiếng thét khản giọng một cách dữ dội và công khai: “Tập Cận Bình, từ chức đi!”.




Nó chẳng khác gì cú đấm làm rung chuyển ngai vàng của hoàng đế Tập Cận Bình mà không bất kỳ nhân vật chính trị nào ở Trung Quốc có thể làm lung lay hoặc lật đổ sức mạnh bao trùm khủng khiếp của Tập. Hãy nhìn lại cảnh Tập “chơi nhục” Hồ Cẩm Đào trước bàn dân thiên hạ trong dịp Đại hội đảng vào tháng 10-2022 để hình dung sự ngạo mạn quyền thế khuynh loát thiên hạ của Tập.

Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 28-11-2022, Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, nói: “Trên mạng xã hội, có những thế lực với động cơ thầm kín liên hệ vụ hỏa hoạn với phản ứng của địa phương đối với chính sách thắt chặt phong tỏa ngăn chặn Covid-19”.

Tôi muốn nghe phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong cuộc họp báo nào đó được tổ chức sắp tới gần đây nhất, trả lời như thế nào khi được hỏi tại sao báo chí Việt Nam (tính đến ngày 29-11) đồng loạt “bạch chỉ” (giấy trắng) về cuộc “cách mạng bạch chỉ” ở Trung Quốc. Có thể hình dung rằng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam phải tránh, nói bâng quơ lòng vòng, theo cách như Việt Nam năm lần “kiên định” bỏ phiếu trắng tại Liên Hiệp Quốc về những gì liên quan Nga, bất luận thực tế rằng gần như cả thế giới lên án cuộc xâm lược Ukraine của Kremlin.

Tờ giấy trắng mà hàng ngàn người Trung Quốc cầm trên tay biểu thị những gì không cần nói ra hoặc không cần viết cũng thể hiện rõ nội dung và ý nghĩa của nó. Đó là sự cưỡng ép phải im lặng, trong một chế độ hà khắc và tàn bạo. Nếu phải viết ra, những tờ giấy trắng sẽ là bộ hồ sơ đàn áp nhân quyền khổng lồ có thể chất kín cả một hoặc nhiều thư viện. Ba thập niên kể từ sự kiện Thiên An Môn 1989 và đặc biệt 10 năm sống dưới ách Tập Cận Bình, không biết cần bao nhiêu cho đủ tờ giấy A4 mà dân Trung Quốc đang cầm để có thể nói cho hết “cáo trạng” dành cho Tập Cận Bình nói riêng và cho đảng cộng sản độc tài cai trị nói chung.

Ngọn lửa “bạch chỉ cách mạng” tại Trung Quốc đến từ một trận hỏa hoạn. Bắt đầu từ dây điện chập mạch trong phòng ngủ một căn hộ ở tầng 15 một chung cư tại trung tâm Urumqi (Ô Lỗ Mộc Tề, thủ phủ Tân Cương), ngọn lửa nhanh chóng bùng lên dữ dội. Thảm kịch khiến 10 người chết, trong đó có ba em nhỏ. Loạt video trên mạng cho thấy xe cứu hỏa đậu ở khoảng cách rất xa, đến mức vòi rồng xịt không tới. Người dân cho rằng chính biện pháp thắt chặt phong tỏa đã khiến người dân chung cư không thể tháo chạy và lực lượng cứu hỏa không thể đến nhanh.

Trong cuộc họp báo chiều thứ sáu 25-11 (một ngày sau thảm kịch), sếp đội cứu hỏa Li Wensheng nói rằng do đường hẹp, lại đậu đầy xe hơi, nên xe cứu hỏa không tiếp cận được sát hiện trường. Hơn nữa, “một số cư dân lại không có khả năng tự cứu”. Li Wensheng cũng phản bác “tin thất thiệt” rằng người dân không được phép rời khỏi chung cư, hoặc do cửa thoát hiểm hỏa hoạn bị khóa.




Trước thảm kịch hỏa hoạn chung cư tại Urumqi (24-11) vài tháng, ngày 18-9-2022, một chiếc xe buýt rời thành phố Quý Dương (tỉnh Quý Châu) sau nửa đêm, chở 45 người đi cách ly, đã bị lạc tay lái xuống mương. 27 người chết. Tai nạn xảy ra lúc 2:40 sáng.

Tương tự những diễn biến bi thảm của chính sách thắt chặt Covid tại Sài Gòn nói riêng và các tỉnh Việt Nam nói chung cách đây hai năm mà hẳn không ít người còn nhớ, nhiều người ở các thành phố lớn Trung Quốc, từ Thượng Hải đến Bắc Kinh, đều bị tử vong do không thể và (người thân) không được phép chở đến bệnh viện. Điểm giống nhau giữa Trung Quốc và Việt Nam là báo chí tuyệt đối không đề cập những vụ việc như vậy.

Cho đến sáng 29-11, giới lãnh đạo chóp bu Trung Quốc, trong đó có Tập Cận Bình, chưa lên tiếng gì về vụ biểu tình. Hệ thống báo chí nhà nước cũng im lặng.

Hôm qua, chủ nhật 28-11, hàng trăm sinh viên Đại học Thanh Hoa tập trung và gào thét: “Dân chủ và Thượng tôn pháp luật”. Chiều cùng ngày, ban giám hiệu Thanh Hoa tuyên bố sinh viên “được phép về quê ăn Tết sớm”. Chất rơm thành ụ tạo hiểm họa cháy là chính sách của các nhà cai trị độc tài nhưng rút củi dưới đáy nồi cũng là tuyệt kỹ cai trị của họ.

Tôi không tin cuộc “cách mạng bạch chỉ” có thể lật đổ đảng cộng sản Trung Quốc và hất văng ngai vàng của Tập. Truyền thông phương Tây khi tường thuật về làn sóng biểu tình Trung Quốc cho biết, có “hàng ngàn” người ở các thành phố lớn Trung Quốc đang xuống đường. Thượng Hải có hơn 26 triệu dân; Bắc Kinh hơn 21 triệu. “Hàng ngàn” người chỉ là những gợn sóng rất nhỏ. Giống như cuộc biểu tình cá ở Sài Gòn và một số thành phố Việt Nam hồi tháng 5-2016, vài ngàn người, trong một thành phố hơn 8 triệu như Sài Gòn, đã nhanh chóng bị đàn áp tàn bạo và bị dập tắt chóng vánh.

Dù vậy, tờ giấy trắng đã trở thành biểu tượng của một cuộc cách mạng, dù nó có thể chết yểu.

Thông điệp của nó đang được nhiều nước chia sẻ. Hàng trăm người đã tụ tập trước cổng Tòa đại sứ Trung Quốc ở London vào chiều chủ nhật 27-11. Loạt ký túc xá đại học ở Mỹ, từ Stanford đến Yale, đang lên kế hoạch tưởng niệm 10 nạn nhân chết cháy ở chung cư Urumqi. Cũng vào chủ nhật 27-11, hàng trăm người Nhật đã tập trung tại nhà ga Shinjuku vốn luôn đông người để bày tỏ việc “gửi gắm” một thông điệp đến đảng cộng sản Trung Quốc và Tập Cận Bình: Bất luận chế độ độc tài nào cũng luôn đối mặt với sức mạnh ẩn chìm của vô số tờ giấy trắng.

Ảnh: BBC, CNN, AP, Reuters

............/.