Số liệu vui, sự thật buồn
ĐỖ HÀ Thứ Tư, 26/12/2012
nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/77/105010/So-lieu-vui-su-that-buon.aspx
Việt Nam lần đầu tiên trở thành quốc gia xuất siêu sau 20 năm, lạm phát thấp hơn dự báo và tỷ lệ thất nghiệp giảm là 3 số liệu đáng mừng về nền kinh tế nước ta năm 2012.
Tuy nhiên, ẩn sau đó lại là những sự thật đáng buồn về đời sống của người dân, đặc biệt là dân nghèo! Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa công bố các số liệu chủ yếu về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012.
Theo đó, ngoại trừ tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,03%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu trên 6% của Chính phủ, thì các số liệu chủ chốt khác của nền kinh tế đều chuyển biến tích cực.
Cụ thể, theo báo cáo của TCTK thì lần đầu tiên sau 20 năm, Việt Nam rũ bỏ được gánh nặng nhập siêu và trở thành một quốc gia xuất siêu, dù thặng dư chỉ ở mức khiêm tốn là 248 triệu USD. Lẽ ra đây phải là một số liệu đáng mừng vì cho thấy nền kinh tế trong nước đã chủ động hơn trong việc cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân, giảm phụ thuộc vào các quốc gia khác trên thế giới.
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, sở dĩ Việt Nam chuyển mình từ một nước nhập siêu suốt 20 năm qua thành nước xuất siêu là nhờ “công lớn” của nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và nhu cầu nhập khẩu trong nước thấp. Như vậy, mặc dù kết quả xuất nhập khẩu là khả quan nhưng cả 2 yếu tố tác động đến cán cân thương mại đều cho thấy một nền kinh tế đang bị “rút ruột” và trì trệ. Bằng chứng là việc các doanh nghiệp FDI đẩy mạnh xuất khẩu, tức là biến nguyên vật liệu, nhân công giá rẻ của Việt Nam thành sản phẩm đắt giá và xuất khẩu ra thế giới nhằm thu lời cho tập đoàn mẹ ở một quốc gia khác chứ không mang lợi về cho người dân Việt Nam.
Trong khi đó, thu nhập thực tế giảm sút khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm, tác động xấu đến nhập khẩu.
Bên cạnh đó, số liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng là một kết quả tưởng vui hóa buồn của nền kinh tế. Theo công bố chính thức thì lạm phát cả năm 2012 tăng thấp hơn dự kiến, đạt 6,8% và được chính TCTK thừa nhận là “bất thường”.
Lý do được TCTK lý giải là CPI, thông thường đều tăng cao vào tháng tết nhưng năm 2012 lại “bình chân như vại” trong thời điểm này và tăng “bù” vào tháng 9 do giá dịch vụ y tế, giáo dục – 2 lĩnh vực mà người dân không có quyền từ chối tiêu dùng - nhảy vọt.
Thêm một nghịch lý đáng buồn nữa trong báo cáo cuối năm của TCTK là trong khi tỷ lệ thất nghiệp năm 2012 giảm nhẹ, xuống 3,25% thì số lượng người thất nghiệp lại lên đến gần 1 triệu người.
Sở dĩ có nghịch lý này là do số lượng việc làm được tạo mới của nền kinh tế không tăng theo kịp số lượng lao động mới gia nhập vào thị trường này. Điều này cũng cho thấy kinh tế đang tăng trưởng chậm hơn so với tốc độ mở rộng của thị trường lao động, vốn được coi là xương sống của bất kỳ nền kinh tế nào.
Nhìn vào số liệu này, người dân có lẽ sẽ không khỏi thất vọng bởi hầu hết các số liệu phản ánh “thể trạng” nền kinh tế đều không mấy khả quan và khó có thể đoán được tình hình năm 2013 có thể sáng sủa hơn hay không!
...../.