Bác sỹ Võ Văn Châu




NGƯỜI KHAI HOANG TRONG NGÀNH VI PHẪU

Nguyễn Thị Ngọc Hải thực hiện


Bác sỹ chuyên khoa 2 Võ Văn Châu, người đầu tiên thành lập đơn vị vi phẫu thuật của bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, khâu ngón tay chân đứt lìa. Ông đã từng tự chế dụng cụ để phẫu thuật trong những thời kỳ khó khăn. Giờ đây, dù đã rời chức vụ, ông làm việc cho nhiều bệnh viện như bệnh viện Nhân dân 115, Triều An…vẫn tiếp tục mổ dưới kính hiển vi những trường hợp phải khâu nối, xử lý những cấu trúc nhỏ như các mạch máu cứu các bộ phận cơ thể bệnh nhân. Ông đã từng nói, cố gắng để không còn “bò sau thế giới 20 năm.”
***********
PV: Người dân thường dễ hiểu với những chuyên khoa chữa các bệnh phổ biến như tim mạch, tiểu đường, hoặc ngành mổ xẻ, còn ít biết về vi phẫu thuật, BS có thể nói một cách thật dễ hiểu?
BS Võ Văn Châu: Trước đây quen gọi là vi phẫu thuật, nôm na là mổ những cái nho nhỏ. Giờ gọi là vi phẫu.Ta vẫn nghe trong phẫu thuật có đại phẫu, trung phẫu (ruột thừa, xương nhỏ…), tiểu phẫu (rách da, nốt ruồi..). Vi phẫu là phẫu thuật dưới kính hiển vi, khâu nối, bóc tách,cắt, xử lý cấu trúc thật nhỏ (có khi tới nửa milimet). Đây là một chuyên khoa sâu của chấn thương chỉnh hình..
PV: Báo chí gọi ông là “người khai hoang“. Như vậy trước đó, ngành này “bị bỏ hoang “sao? Do nhu cầu ít hay do chuyên môn kỹ thuật?
BS Châu: Theo tôi biết thì trên thế giới đã bắt đầu từ năm 1920, nhưng bỏ bẵng một thời gian, mãi năm 1960 mới nghiên cứu lại. Thời kỳ tôi làm, ở Việt Nam có 2 người :Hà Nội có GS Nguyễn Huy Phan học và nghiên cứu ở Liên xô về, áp dụng cho phẫu thuật hàm mặt ở bệnh viện 108. Tại Sài Gòn tôi là người đầu tiên nghiên cứu năm 1982, áp dụng vào khâu ngón chân tay đứt lìa. Trước đó không có ai làm.. Từ việc tự nghiên cứu, rồi được đi đào tạo tại Pháp với thày rất giỏi, tôi phổ biến cho các đồng nghiệp anh em bác sỹ nào có quan tâm, mở lớp chuyên nghành vi phẫu. Cho đến nay, các tỉnh từ Quảng Trị trở vào, đều có người theo học nhiều lớp. Chuyện khâu nối, anh em ở tỉnh cũng đã làm được.
PV: Có thể nói, bác sĩ đã khám phá từ một vùng đất hết sức trống trải để nay có ngành vi phẫu..Cái kính hiển vi do ông làm từ ống nhòm được dùng rất nhiều trong thời gian dài. Có người bảo chìa khóa mở ra nghành vi phẫu là từ sợi chỉ khâu do ông tự chế. Câu chuyện thế nào ạ?
BS Châu: Những năm 80 đó, đất nước nghèo khó. Lương bác sỹ 60 đồng, mà một sợi chỉ khâu nhập 17 đôla (đến bây giờ giá cũng còn 550 ngàn đồng, gần như 100% do Mỹ sản xuất ). Tôi phải dùng sợi chỉ thường ngâm, chế biến cho thành sợi chỉ phẫu thuật nhỏ như sợi tơ nhện đảm bảo đúng yêu cầu. Tôi dùng ống nhòm pháo binh thời chiến để chế ra kính mổ.Được dùng trong thực tế. Nghèo quá mà muốn có dụng cụ hành nghề nên tôi mày mò tự chế.
PV: Nghe nói BS được công nhận bằng sáng chế phát minh độc quyền?
BS Châu: (Cười lớn )Bằng sáng chế Quốc gia thì có thật, tôi nhận vào năm 1987. Nhưng không có chuyện độc quyền trong nghành y, vì sự nghiệp bảo vệ con người. Đã nhiều nơi sử dụng. Trong y khoa, ai tìm ra phương pháp, sáng kiến mọi người áp dụng chữa bệnh. Chỉ rieng những hình ảnh, thí dụ, chứng tỏ của tác giả, Những phương pháp kỹ thuật thì không độc quyền trong nghành y. Sáng chế chỉ khâu của tôi nhiều nơi áp dụng.Nhưng sau này hàng nhập bên ngoài dễ dàng. Năm 93-94 có rất nhiều rồi, khó khăn đã được giải quyết.
PV: Lúc đó ông nói mình cố “bò sau thế giới 20 năm“, bây giờ khoảng cách ấy được rút ngắn thế nào rồi?
BS Châu: Thế giới họ nghiên cứu vào năm 1960, mãi 1982 tôi mới bắt đầu, vậy là bò sau họ hơn 20 năm. Bây giờ dù đã tiến bộ, vi phẫu ở Việt Nam đã tiến hành được những loại phẫu thuật như các nước Âu Mỹ, nhưng chưa theo kịp họ về trình độ y tế, trang thiết bị dụng cụ và nghiên cứu cơ bản. Mình không phải dở, nhưng bị những giới hạn về tài chính.Những vấn đề kỹ thuật đỉnh cao còn nhiều cái khó. Mình cũng làm được nhưng ở mức độ thấp hơn. So với các nước khu vực, mình không kém.
PV: Xin bác sỹ cho biết một số ca khó mà ông đã làm gần đây?
BS Châu: Những trường hợp ngày càng phức tạp ta cũng giải quyết được nhiều rồi. Khâu nối đứt lìa chi. Rơi ngón tay cái, khâu lại cử động như bình thường. Có ca tôi lấy hai ngón chân đưa lên làm hai ngón tay. Một cô giáo được đưa ngón chân lên tay, sau 5 năm vẫn cử động bình thường, rất tốt…Không thể nhớ hết được các trường hợp.Một em bé cho tay vào máy cán đất làm gạch bị cán đứt tới vai, vậy mà người học trò của tôi khâu thành công. Có cả bệnh nhân từ Campuchia nửa đêm gọi, chúng tôi cũng bảo đưa qua để chữa.
PV: Vậy bây giờ, cái gì là khó nhất mà ông muốn chinh phục?
BS Châu: Có nhiều cái khó. Có thể nói cái gì cũng khó. Hiện nay tôi đang theo đuổi một việc khó mà một số nước không làm được, hoặc làm được ở mức độ thấp..
Đó là liệt mạng thần kinh cánh tay.
Chẳng hạn một ngừoi té xe, tay không cử động được, phải tái tạo ra sao.Có người mất gần hết bên tay, thế thì đời chỉ còn làm được mỗi việc đi bán vé số thôi chứ gì? Phải cứu chữa ra sao?. Đó là nói nôm na cho dễ hiểu thế thôi...Nhiều chuyện lắm Nhiều việc đặt ra. Kể cả chuyện đưa khơp ngón chân lên tay, thay thế khớp khuỷu… Tôi phải tìm ra một số phương pháp, những kỹ thuật đặc biệt khâu nối thần kinh, mạch máu. Mạng thần kinh cánh tay bị đứt, phải mổ, ghép giây thần kinh cho người ta sử dụng được tay. Nếu bệnh nhân đến sớm, lâu nhất trong vòng 6 tháng thì tốt, để lâu sẽ khó.Những tìm tòi này tôi dùng phổ biến theo cách nghề truyền nghề để áp dụng trong thực tế.
PV: Mạch máu, thần kinh chằng chịt, như hình ảnh mạng nhện các loại dây điện chăng khắp thành phố…Không hình dung nổi bác sỹ có thể nối ghép “mớ bùng nhùng“ đó. Bằng từ ngữ thông thường, ông có thể giải thích cho người trung bình có thể hình dung ra công việc của ông?
BS Châu: Ví với mạng điện thế đúng đấy. Ví đơn giản như máy phát điện truyền đến mô tơ, mở máy. Đứt trên cao thì như hư nhà máy phát điện, phải kéo dây cắm vào nhà máy khác. Từ máy phát điện lên lưới chia nhánh đến từng nhà.. Dây thần kinh cũng vậy. Năm nhánh cánh tay chạy đan xen đến cơ thể, chỉ huy các cử động. Có những bệnh nhân liệt mạng thần kinh cánh tay đã 20 năm…Những dây thần kinh thay đổi, thế mới khó.
PV: Đã phẫu thuật cho bệnh nhân nhiều năm. Nay bác sỹ đã lớn tuổi, lại mổ nối ghép những thứ nhỏ li ti, tuổi tác, có ảnh hưởng nhiều không?
BS Châu: Mắt tốt thì không lo, nhưng dù mắt tốt hay kém đi cũng đều nhìn qua kính lúp, hiển vi, trừ người chỉ còn 1 mắt mới không làm được. Nhìn 2 mắt nhìn ảnh nổi có độ sâu. Nhưng nếu chỉ có 1 mắt thì chả có ai lại đi làm nghề này. Tôi vẫn mổ nhiều ca mỗi tuần, trung bình 4, 5 ca.Giờ đây tôi không bị ràng buộc ở một bệnh viện nào.
PV: Hồi xưa ông bảo: có tiền cũng không có thì giờ để mà ăn. Bây giờ đỡ chưa, và làm sao chịu đựng được một công việc như vậy?
BS Châu: Nói vậy hết sức chính xác. Bây giờ vẫn thế. Một ca mổ kéo dài 6, 8 tiếng, có khi 12 tiếng là bình thường. Không có lúc nào để ăn. Có cục kẹo bỏ túi phòng khi tụt đường huyết thì bỏ miệng ngậm. Cơm trưa ăn vào đầu chiều tối.. Gần như không ăn cơm trưa. Phải chịu thôi. Không thể bỏ ca mổ giữa chừng được.. Có khi tôi còn cần 4 bác sỹ chia làm 2 kíp mổ, một kíp mổ phía trên, kíp kia đồng thời mổ phía dưới.
PV: Vậy ảnh hưởng tới sức khỏe?
BS Châu: Có bác sỹ phụ mổ xỉu. Người bác sỹ phẫu thuật đứng nhiều, dễ mắc bệnh trĩ. Kém vận động.. Chỉ run tay là sai. Sai số bằng micromet. Có khi nín thở khi khâu, nhịp tim cũng làm kim rung. Trước lúc vào ca mổ không được uống café, phòng tim đập mạnh. Không vận động nặng.
PV: Bác sỹ có mắc bệnh nghề nghiệp gì không?
BS Châu: Ăn uống không điều độ, dạ dày là bệnh đầu tiên. Các bác sĩ rất dễ mắc bệnh trĩ. Đầu cúi suốt trên kính hiển vi, tay giữ cứng, dễ thoái hóa đốt sống cổ, lưng. Tư thế ngồi không thoải mái, phải theo tư thế vết thương bệnh nhân.
PV: Nhiều người thấy bác sỹ lúc ngoài 60 tuổi vẫn lên xe đò ra tận Buôn mê Thuột mổ xong lại về ngay. Bây giờ 66 tuổi, ông còn đi như vậy không?
BS Châu: Rất thường. Nha Trang đi tàu lửa, sáng tới nơi, ăn sáng. Mổ nhiều ca trong 3 ngày liên tiếp rồi mới về.. Đi Buôn Mê Thuột lên xe 9 giờ, sáng đến nơi nghỉ một lúc, ăn sáng rồi mổ đến 9, 10 giờ đêm, rồi về Saigon liền. Làm như thế nhiều năm rồi. Lên xe ngủ.
PV: Bác sỹ nhận xét về tình hình căn bệnh này?
BS Châu: Có sự gia tăng công nghiệp, giao thông và bạo hành, thì căn bệnh tăng. Nhưng phát triển ngành vi phẫu còn vì ý nghĩa khác. Việc sử dụng kỹ thuật vi phẫu giống một vũ khí nữa trong chữa bệnh nói chung, chống bệnh tật.. Một bác sỹ biết thêm kỹ thuật này giống như quân có thêm vũ khí tối tân để chống quân thù. Vi phẫu thuật làm rốt ráo,thí dụ bệnh nhân bị phỏng, cổ co rút, phải cắt da sẹo. Phương pháp cũ làm cuốn da bụng đưa lên xử lý cổ, tốn kém và rất lâu.. Kỹ thuật vi phẫu cho phép lấy da ghép mạch máu cho da sống luôn, không tốn thời gian.
Vi phẫu có 2 mục đích: sáng tạo ra phương pháp kỹ thuật mới và làm tăng cường những phương pháp kinh điển.
PV: Đội ngũ những bác sỹ cho nghành này đã đủ lớn mạnh chưa?
BS Châu: Từ năm 1994 chúng tôi liên tục mở lớp đào tạo cho các tỉnh như Khánh Hòa, Đắc Lắc, Kiên Giang, Cần Thơ…Đại học Y Dược đã mở các khóa đào tạo phẫu thuật viên cho cả nước. Mỗi năm có những đoàn đến các tỉnh mổ cho bệnh nhân. Các hướng dẫn viên, bác sỹ giảng dạy cùng làm thực nghiệm cho học viên làm ngay tại chỗ.. Nhiều phẫu thuật khó, sử dụng kỹ thuật cao được làm ở tỉnh.
Năm 2001 chúng tôi làmở Khánh Hòa, rồi có khi hàng năm ra 3, 4 lượt.. Khánh Hòa đã có một khoa ngoại, có khoa Chấn thương chỉnh hình và một đơn vị vi phẫu thuật..
Đac Lak có bác sỹ theo học khóa đầu tiên. Ở tại bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình là bệnh viện Thành phố nên tôi nghĩ nhiệm vụ đào tạo cho khu vực, không vươn tay rộng được như đơn vị trung ương. Một số bác sỹ trẻ theo tôi làm vi phẫu, có người đã theo tôi cả chục năm. Vi phẫu là kiến thức chuyên sâu, nhiều khoa “dính dáng” tới vi phẫu như niệu khoa, ngoại chung, sản phụ khoa. Mặc dù đào tạo như vậy nhưng số bác sỹ chỉ đi chuyên về vi phẫu cũng chưa thật nhiều lắm.
PV: Ngành này trên thế giới có gặp khó khăn như Việt Nam không?
BS Châu: Gần như ở các nước phát triển đều có Hội chuyên về Vi phẫu, Việt Nam chưa có. Dù vào năm 95-96 tôi đã cố gắng thành lập.
PV: Vì sao ông không thành công?
BS Châu: Con số bác sỹ học và làm vi phẫu còn ít. Nó còn phụ thuộc vào những người quản lý tỉnh nhìn tới. Một số bác sỹ học về rồi không làm vi phẫu vì nhiều lý do như thiết bị dụng cụ tổ chức tốn kém. Cho là không thông thường, không nhiều bệnh nhân. Nhưng giờ có nhiều suy nghĩ lại rồi, thấy tầm quan trọng của nó, khi có bệnh nhân, không cần chuyển về Saigon, xa và đòi hỏi thời gian phải nhanh chóng cấp cứu.. Họ đã có nhận thức thay đổi vì thực tế có những trường hợp bác sỹ chưa học vi phẫu nên phải xử lý bằng phương pháp thông thường, đạt hiệu quả kém, hoặc có những trường hợp không thể xử lý theo cách thông thường được.
PV: Bác sỹ là tác giả đầu tiên và viết nhiều nhất, tới 8 cuốn sách về Vi phẫu thuật của Việt Nam?
BS Châu: Đầu tiên tôi viết để phục vụ các lớp đào tạo. Tôi có đi dự hội thảo và nghiên cứu học tập tại một số nước như Pháp, Anh, Thái lan, có nhiều bài viết báo cáo tham gia hội nghị hội thảo, và công tác thực tiễn cần ghi lại phục vụ chuyên nghành.
PV: Vậy ông viết sách vào lúc nào trong một ngày bận rộn?
BS Châu:  Chỉ viết vào đêm khuya, một vài tiếng, khi đầu óc thanh thản, dễ tập trung suy nghĩ. Ban ngày bận việc rồi.. Tôi đang tập trung viết về điều trị liệt mạng thần kinh cánh tay. Kế hoạch của tôi chỉ là tập trung phát triển ngành vi phẫu.
PV: Công việc đó theo ông, có những thách thức gì?
BS Châu: Ngành muốn tiến bộ phải có nghiên cứu cơ bản. Sự nghiên cứu ở Việt nam rất ít. Không đủ tài chính, trang thiết bị phục vụ. Trước đây, để tiến hành nghiên cứu, tự tôi phải nuôi chuột lấy. Nhà tôi như trại chuột, 200 con chuột trắng. Tôi mong Vi phẫu lớn mạnh tiến lên áp dụng cho phẫu thuật. Quỹ thời gian còn lại ít, tôi tập trung hoàn thiện những kỹ thuật tái tạo vận động cho người liệt.
PV: Là TS ( sau giải phóng học vị này không được công nhận), BS y khoa trước giải phóng, lao động hết mình, được tặng Huân chương Lao động Hạng 3…Có vẻ đời ông chỉ toàn công việc, không có vui chơi hay sở thích riêng??
BS Châu: Sở thích ư? Tôi đi chơi mút chỉ. Chủ nhật không làm việc, xách xe đi chơi nơi nào mình thích. Có khi chạy ra Vũng Tàu cùng với một số bạn bác sỹ, ngắm cảnh trên đường đi. Tới nơi, chỉ cùng nhau ngồi uống ly café đá cũng thích. Tôi không ghiền thuốc lá, rượu, bài bạc, chỉ đi mổ là vui thôi.
PV: Các con ông có ai theo nghề của cha không?
BS Châu: Cả 3 con tôi đều vào nghề của cha, trong đó một người theo chuyên ngành của tôi.
PV: Bác sỹ có theo dõi xã hội đang bàn luận lời bà bộ trưởng Y tế kêu gọi mọi người đừng đưa phong bì cho bác sỹ. Là người trong ngành, ông nghĩ sao?
BS Châu: Tôi xin khẳng định trong nghề này, sự hồi phục của người bệnh, sự thành công của điều trị là niềm vui lớn nhất của bất kỳ bác sỹ nào. Phần thưởng lớn vô cùng, đừng nói tiền bạc..
Thứ hai, không phải bác sỹ nào cũng giống nhau. Không phải tất cả đều quan trọng hóa tiền bạc, dù ai cũng phải ăn, phải sống, lo cho vợ con và những mối quan hệ phải lo.. Thứ ba, vì lý do có những người này người kia xấu tốt thì một ngành nghề có thể bị mang tiếng, nhưng hãy nghĩ lại. Nếu một ngành nghề đều tốt hết thì chỉ có trong mơ.
Chính sự khác biệt tạo nên toàn cảnh xã hội.
Cảnh sát giao thông cũng thế. Không có họ, chết người tệ gấp ngàn lần. Chỉ nhìn một số để đánh giá một ngành nghề, bôi bẩn người làm tốt là không nên. Thày cô cũng thế. Đừng suy nghĩ quá đáng. Nếu chúng ta đặt lại vấn đề, liệu có thể nhìn lỗi nhỏ, vài chấm đen vất luôn tờ giấy trắng, là bất công.. Phải chấp nhận cái muôn mặt.
PV: Giờ đây dù công việc nhiều, nhưng chính thức ông đã nghỉ hưu. Ông thấy cuộc sống của mình có khác trước nhiều không??
BS Châu: Về hưu cực hơn, vì trước ở một bệnh viện, nay chạy tới lui. Công việc thì tôi không thấy khác. Tôi không lo nhiều. Vì như người lớn tuổi thường có 2 vấn đề: tôi sống đủ rôi,và cuộc sống đã giúp ích, để lại cho nghề nghiệp những người giỏi thay thế. Có câu nói tôi đọc ở trên tường quán café ở Bình Định, trên đường vào sân bay Phù Cát, tôi không nhớ tên tác giả nhưng biết đó là câu nhiều người thích, đại ý: Lúc sinh ra, mình khóc, thiên hạ cười. Khi mình chết đi, mỉm cười trong lúc thiên hạ khóc. Được người đời yêu và nhớ, phần thưởng lớn biết bao. Phong bì nhiều, chết cũng không mang theo.. Ý nghĩa cuộc đời đâu phải tiền bạc.
PV: Xin cảm ơn bác sỹ rất nhiều về những việc làm và suy nghĩ về cuộc sống thật ý nghĩa.



NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (thực hiện )

...../.