.....chuyện buồn nước Mỹ
http://tuoitre.vn/The-gioi/525166/Ac-quy-da-ghe-qua-Connecticut.html
Sự yên bình của cộng đồng Newtown đã chết dưới những tiếng súng lạnh lùng của kẻ thủ ác 20 tuổi Adam Lanza ngày 14-12, khi hắn xông vào Trường Sandy Hook và nổ súng vào 600 học sinh vô tội tuổi từ 5 đến 10.
Trong vòng vài phút, hắn đã cướp đi sinh mạng của 20 em nhỏ cùng bảy người khác, trong đó có mẹ của hung thủ.
Cú sốc lập tức làm rúng động cộng đồng nhỏ bé và tạo làn sóng phẫn nộ lan khắp nước Mỹ.
Ngày 16-12, nhà chức trách thành phố Newtown, bang Connecticut (Mỹ) đã công bố danh tính 20 nạn nhân nhỏ tuổi trong vụ thảm sát ở Trường tiểu học Sandy Hook. Tất cả đều mới chỉ 6-7 tuổi.
Theo báo Washington Post, nhà chức trách Connecticut tiết lộ điều tra hiện trường cho thấy hung thủ Adam Lanza, 20 tuổi, đã xông vào trường bắn xối xả vào các nạn nhân.
“Hôm nay tất cả chúng ta đều tan nát cõi lòng”.
Đây là lần thứ ba Tổng thống Barack Obama phát biểu trực tiếp với người dân ngay sau một vụ xả súng. Bạo lực với súng là vấn đề đau đầu và chia rẽ nước Mỹ.
Trung bình một ngày ở Mỹ có 34 người thiệt mạng vì súng. Khoảng một nửa nước Mỹ muốn có luật siết chặt súng đạn, nhưng với nửa còn lại (chủ yếu ở miền Nam và theo Đảng Cộng hòa) lại xem sở hữu súng - quy định trong Tu chính án số hai của Hiến pháp từ 1791 - là vấn đề sống còn và không thể nhượng bộ.
Ngoài hiến pháp, đứng đằng sau quyền sử dụng súng này là Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA), tổ chức lobby quyền lực số 1 ở Washington DC. Được thành lập từ sau cuộc nội chiến 1865 như một hội của những người mê bắn súng, NRA đã dần trở thành một con ngáo ộp trên chính trường Mỹ, một lực lượng có thể làm lệch cán cân cuộc đua vào lưỡng viện và Nhà Trắng.
Năm 2010, có đến 80% trong số 307 ứng viên hạ và thượng nghị sĩ được NRA ủng hộ đã giành chiến thắng trong bầu cử giữa kỳ. Trong hai thập niên qua, NRA đã chi khoảng 100 triệu USD cho các hoạt động chính trị, chủ yếu để vận động hành lang và cho các hoạt động tranh cử.
Phe Dân chủ quá hiểu sức mạnh của NRA. Bill Clinton đã thất bại nặng nề trong các cuộc bầu cử giữa kỳ năm 1994 khi muốn siết chặt súng ống. Và đặc biệt Al Gore lại thất bại ngay trên chính bang nhà Tennessee vào năm 2000 vì chính sách cứng rắn của ông với vấn đề súng ống.
Thất bại này được coi là cú giáng chí mạng đối với phe Dân chủ, đảo ngược hoàn toàn cái nhìn của đảng này về vấn đề súng đạn. Kể từ đó phe Dân chủ thường xuyên tránh né vấn đề này. Ngay ông Obama, khi vận động tranh cử lần đầu đã kêu gọi ra luật cứng rắn hơn đối với vấn đề sử dụng súng, nhưng tới cuộc vận động tái tranh cử năm 2012 ông hầu như im lặng.
Cây bút bình luận trên báo New York Times đã viết: “Nước Mỹ đang tự hại chính mình khi trao cho những kẻ tâm thần công nghệ để nắm quyền sinh sát đối với con người”.
Với ông Obama, lần này nạn nhân là những đứa trẻ, nếu ông không có hành động nào đối với việc kiểm soát súng thì đây có lẽ không phải lần cuối cùng ông phát biểu trước dân Mỹ về một vụ thảm sát.
Và đây cũng không phải là những giọt nước mắt cuối cùng.
THANH TUẤN (từ New York)
........../.