Vua lốp
"Vua lốp", hay còn gọi là "Vua dép lốp", tên thật là Nguyễn Văn Chẩn, là một người đương đại có tiếng vì tài năng và sự tháo vát, gây dựng nên một tài sản lớn từ hai bàn tay trắng, nhưng cuộc đời gặp phải nhiều oan trái, tù tội, một "bi kịch lớn". Ông chỉ mất tổng cộng chừng chục năm trời để gây dựng nên sự nghiệp, nhưng lại mất tới gần hai mươi năm để đi kiện đòi lại tài sản của mình bị tịch thu và đòi lại công lý cho mình.
Khởi nghiệp
Ông sinh ra ở vùng quê huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, làm nghề nông, làm việc vất vả nhưng không thoát được cảnh nghèo túng. Năm 1954, quyết tâm ra Hà Nội tìm đường làm giàu, ông bán tài sản giá trị nhất là ruộng rau, mang theo nửa số tiền bán ruộng, để lại vợ con ở nhà với một nửa số tiền còn lại.
Khởi sự, ông xin làm công ở một xưởng làm dép lốp, bóc vỏ xe ô tô cắt làm dép. Cần cù chịu khó, ông tích lũy được số vốn nhỏ để đón vợ con lên Hà Nội và mở cửa hiệu của riêng mình.
Công việc của ông trở nên phát đạt, nhưng thời của dép lốp cũng dần qua. Ông chuyển sang lĩnh vực làm bút. Bút do ông làm mang kiểu dáng Trường Sơn, bán với giá rẻ, được bày ở khắp các cửa hàng bách hoá chiếm được cảm tình của người mua nên ông trở nên khá giả.
Tai vạ
Đang làm ăn phát đạt, thực hiện "Chỉ thị Z30", tịch thu những nhà 2, 3 tầng mới xây những năm 1980, thì phòng tài chính quận Hoàn Kiếm đến khám nhà, kiểm tra đăng ký sản xuất. Dù ông đã trình giấy tờ đủ, nhưng vẫn bị tịch thu toàn bộ công cụ, nguyên liệu, sản phẩm, thuê xe đưa về quận Hoàn Kiếm. Ông khiếu nại, "vì sao tôi ở quận Ba Đình mà Hoàn Kiếm lại bắt?" và gửi đơn kiện đi khắp nơi, ít lâu sau ông được trả lại một số những thứ đã tịch thu[1].
Một thời gian ngắn sau đó, công an quận Ba Đình kéo đến khám nhà, tịch thu toàn bộ mô-tơ, khuôn làm bút, vài tạ dép đứt quai, cao su, hàng ngàn chi tiết bút... Ông bị khởi tố và bị xử 30 tháng tù vì tội "tàng trữ, đầu cơ, sản xuất trái phép". Theo con trai ông kể lại: "Lúc đó bố tôi chống án nhưng không được xử phúc thẩm. Cuối cùng phải ngồi tù đủ 30 tháng không thiếu một ngày".
Ông phải ngồi tù 18 tháng tại Hoả Lò và 12 tháng tại trại Hồng Ca (Yên Bái). Ra tù, ông làm đơn kêu oan. Tòa án nhân dân tối cao xử phúc phẩm ngày 25 tháng 5 năm 1972, án số 22 xử ông phạm tội đầu cơ, phạt cảnh cáo và nộp phạt một trăm đồng. Theo lời con ông:
"Như vậy bố tôi bị tù oan, hai năm rưỡi chống án, tại sao toà không xét? Ông chánh án trả lời chúng tôi giữa phiên toà là người ta quên. Bố tôi chỉ đáng cảnh cáo mà ngồi tù 30 tháng!".
Làm lại sự nghiệp
Ra tù, ông tìm cách kiếm sống bằng đủ nghề, cuối cùng đành quay lại với nghề dép lốp. Nhận thấy nguồn cung ứng lốp khan hiếm, ông nghĩ ra cách mua lốp xe cũ về dán lại, và sáng chế ra một loại nhựa vá săm tốt, bán rất chạy. Tuy nhiên sự thuận lợi trong kinh doanh của ông chỉ kéo dài được hai năm. Đầu năm 1974, công an Ba Đình lại đến khám nhà bắt người, ông bị giam ở quận, với lý do "ăn lên làm ra vùn vụt, chắc phải có gian lận". Do ông đã có tiền án tiền sự nên việc bị bắt, bị giam chỉ là chuyện thường. Ông bị giam đến ngày 30 tháng 3 năm 1974 thì được thả.
Để kiếm sống, ông định làm nghề vá lốp sửa chữa xe đạp, và qua đó sáng chế ra khuôn đúc lốp xe. Sau năm năm mày mò nghiên cứu, ông cho ra đời hiệu lốp Quyết Thắng. Những năm đó, lốp của ông nổi tiếng toàn quốc, mỗi năm sản xuất trên 2.000 đôi. Năm 1983 lốp Quyết Thắng được trao Huy chương đồng tại Hội chợ triển lãm Giảng Võ, ông được xưng tụng là "vua lốp".Ông mở rộng cơ sở sản xuất, mua lại toàn bộ bãi rác của nhà máy cao su Sao Vàng, bao gồm lốp và cao su phế liệu. Bãi nguyên liệu của gia đình ông (chợ Thành Công bây giờ) luôn có tới hàng trăm tấn.
Ngày 27 tháng 8 năm 1983, lực lượng liên ngành quận Ba Đình bao gồm quân đội, công an, viện kiểm sát, ủy ban đã phong tỏa nhà và xưởng sản xuất để công bố quyết định: tịch thu nhà cửa, toàn bộ công cụ và nguyên vật liệu sản xuất của xưởng sản xuất lốp và bắt ông Nguyễn Văn Chẩn.
Khi công an đến nhà, ông Chẩn đang trốn trên Hàng Đào, sau đó phiêu bạt đi Thái Bình, Hải Phòng, Hà Bắc gần một năm. Ông chỉ về nhà khi bà và các con đã phát đơn khởi kiện, do vậy tránh được việc phải vào tù lần nữa. Nhà cửa bị tịch thu, vợ con ông phải sống lay lắt ngoài đường.
Đi tìm công lý
Trong một lần trả lời báo chí, cố nhà báo Trường Phước, Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, ông coi những doanh nhân như "Vua lốp" là những anh hùng thời đổi mới: "Nếu nói trong "chiến dịch" đánh đổ những tư nhân làm giàu như ông Chẩn - Hà Nội có sai lầm thì trong đó có cả những sai lầm của những nhà báo lên tiếng cổ vũ cho chiến dịch này như tôi. Bằng công cụ truyền hình, bằng các buổi bình luận, nhưng trước hết bằng lòng nhiệt tình trong sáng nhưng nhầm lẫn của mình, tôi đã làm "đau" ông Chẩn".
Thời gian đó, ông phải vừa lẩn trốn, vừa viết, gửi rất nhiều đơn đến cơ quan công quyền. Cuối cùng thì Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng ra quyết định đình chỉ vụ án, yêu cầu trả lại toàn bộ tài sản, nhà cửa cho "Vua lốp". Tuy nhiên Công an lại ra quyết định miễn tố. Không hài lòng, ông tiếp tục kiện, vì "Miễn tố là có tội nhưng miễn cho, nhưng tôi có tội gì?". Tới ngày 21 tháng 12 năm 1985, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra quyết định hủy bỏ quyết định miễn tố của Sở Công an Hà Nội, quyết định đình chỉ điều tra, thừa nhận ông vô tội và yêu cầu Hà Nội trả lại tài sản cho gia đình ông. Đây có thể nói là một "thắng lợi tinh thần", giúp ông lấy lại danh dư vì được minh oan và trở thành người vô tội.
Ngày 1 tháng 9 năm 1990, Hà Nội ra công văn số 4071 do Chủ tịch Lê Ất Hợi ký về việc trả lại tài sản cho ông. Căn nhà 917m2 của ông khi được trả lại bảy năm bị lấn chiếm chỉ còn trên 200m2. Nhà được trả lại, nhưng tài sản thì không, ông lại tiếp tục đi gõ cửa các cơ quan chức năng, không mệt mỏi, và phải 10 năm sau đó, ông mới nhận lại được một phần tài sản của mình.
…../.
/////////////////////
Chỉ thị Z30
Chỉ thị Z30 là một chỉ thị miệng, tối mật, có khoảng từ tháng 3 năm 1983 nhằm tịch thu nhà, tài sản của những gia đình có nhà hai tầng trở lên tại Việt Nam .
Bối cảnh
Chỉ thị Z30 ra đời tại Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước trì trệ, kinh tế đình đốn, cán bộ công nhân viên và đa số người dân thiếu ăn trong khi có một bộ phận nhỏ người dân tích lũy được của cải thông qua buôn bán để xây dựng nhà cửa [2]. Do bị cô lập do chính sách cấm vận của Mỹ cùng những non kém, sai lầm trong quản lý của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam [1] [2], kinh tế gần như kiệt quệ, đời sống nhân dân cả nước vô cùng khó khăn. Hàng ngàn cán bộ, công nhân trong tình trạng thất nghiệp triền miên. Công nghiệp suy thoái do thiếu vật tư, thiết bị thay thế, nguyên vật liệu, năng lượng, thương mại thì lưu thông trì trệ, luôn tạo ra sự độc quyền, đặc lợi cho một số người vì nạn ngăn sông, cấm chợ ở hầu hết các địa phương. Cơ chế hợp tác xã đánh kẻng, chấm công trở thành một gánh nặng đè lên vai nông dân. Năng suất lúa suy giảm, ruộng đất bị bỏ hoang. Các chương trình đánh bắt cá ven biển èo uột và thường xuyên thất bại [1] [2].
Cách thức truyền đạt chỉ thị
Một số bí thư tỉnh thành Việt Nam được giám đốc công an tỉnh thành báo cáo có chỉ thị mật ở trên và đưa danh sách các gia đình có nhà hai tầng trở lên để tịch thu tài sản [1] [2].
Thuộc tính của chỉ thị
Thuộc tính của chỉ thị là mật, không rõ của Ban Bí thư hay của Chính phủ, không có người ký, không có văn bản không dựa trên bất kỳ một điều khoản pháp luật hiện hành cũng như một chủ trương chính sách của Đảng. Ngay cả cấp bí thư tỉnh uỷ, bộ trưởng bộ công an, Văn phòng Trung Ương Đảng và Văn phòng chính phủ cũng không rõ thuộc tính của Chỉ thị, hiệu lực thực thi của Chỉ thị mà chỉ được biết là Hà Nội lúc đó đã làm và các địa phương khác phải làm theo [1] [2].
Thực hiện
Hà Nội
Hà Nội đã thực hiện 105 nhà, cơ quan công quyền tịch thu tài sản của người dân mà không cần tòa án và cũng không có bất cứ một bằng chứng nào để có thể khẳng định đó là tài sản bất minh. Tình hình nhân dân bị tịch thu tài sản rất xấu. Có một gia đình bị tịch thu, cả nhà đội khăn tang, bị đẩy lên xe, khóc sướt mướt [1][2].
Hà Nam Ninh
Hà Nam Ninh do Nguyễn Văn An làm bí thư đã đốt danh sách (khoảng 100 quyết định) do công an tỉnh lập để tiến hành tịch thu, đã được đóng dấu ngay trước đêm định thực hiện trong danh sách 200 gia đình xếp theo ABC có nhà hai tầng trở lên [1][2].
Hải Phòng
Hải Phòng do Đoàn Duy Thành làm bí thư không chịu thực hiện khi chưa thấy Chỉ thị. Giám đốc công an thành phố Hải Phòng - Dương Khắc Thụ - đã bị lãnh đạo Bộ Nội vụ phê bình [1][2].. Số gia đình có khả năng bị tịch thu tài sản do có nhà trên hai tầng ở Hải Phòng lúc đó là khoảng 500 nhà [1][2].
Thành phố Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh do Nguyễn Văn Linh làm bí thư thành uỷ từ chối thực hiện Chỉ thị miệng Z30.
Tài sản bị tịch thu
Phóng viên Bùi Hoàng Tám hỏi, ông Nguyễn Văn An bí thư Thành Phố Nam Định khi đó trả lời:
"Có giàu có gì đâu!
Cả thành phố Nam Định ngày đó còn nghèo lắm, của cải có được là bao nhiêu. Những cái nhà nằm trong danh sách bị tịch thu ấy nó bé tẹo như cái chuồng chim thôi" .
Dư luận
Báo Nhân Dân của Đảng vào tháng 6 năm 1983 đăng 6 bài, một bài phê phán Bắc Giang và 5 bài phê phán Hải Phòng do không chịu tịch thu tài sản của nhân dân.
Giằng co
Bên ủng hộ Chỉ thị là Đỗ Mười, bên chống Chỉ thị tại hội nghị Trung ương tháng 6 năm 1983 là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Công an Phạm Hùng cùng sự đương đầu của Đoàn Duy Thành Bí thư Thành ủy Hải phòng, Nguyễn Văn An Bí thư tỉnh ủy Hà Nam Ninh, Nguyễn Văn Linh Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh …
Tác động
Chỉ thị đã làm tiêu tan sinh mạng chính trị của hàng trăm gia đình, đẩy họ vào cảnh khốn khó.
Giải quyết hậu quả
Nhiều con người và gia đình họ là nạn nhân của Chỉ thị Z30 này; trong đó có những người khá nổi tiếng như ông "vua lốp" Nguyễn Văn Chẩn.
Đến năm 1992-1993 Hà Nội đã báo cáo là căn bản giải quyết xong hậu quả của Chỉ thị Z30. Tuy nhiên, hậu quả của nó về mặt lòng tin và trên tâm lý người dân thì chưa phai mờ.
Đánh giá
Tùy quan điểm chính trị mà nhiều người lúc đó đã có các quan điểm trái ngược nhau Có người coi Chỉ thị Z30 như là biện pháp trong đấu tranh giai cấp, chống hữu khuynh, chống bọn tham nhũng. Có người cho rằng đó là chỉ thị sai lầm, là trái pháp luật và thiếu đạo lý. Hiện nay có người cho rằng đó là do tình trạng ấu trĩ của lãnh đạo thời kỳ đó.
Một tài liệu được cho là hồi ký của Đoàn Duy Thành viết: "Giữa thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước mà có những việc làm kỳ lạ như vậy, thật đáng làm một bài học cho các thế hệ cấp uỷ mai sau suy nghĩ và thận trọng. Khi sai sẽ gây ra bao oán thù, nó sẽ tích tụ chồng chất dần lên, thành những hận thù sâu xa đến tận đời con, đời cháu... Khi có biến cố chính trị, những người bị xử sai này dễ ngả về phe chống đối cách mạng mà ta không thể coi thường."