Sở hữu chéo


Sở hữu chéo: lạc đà chui lỗ kim




Dư luận quốc tế

Trong vòng hai tháng báo chí ngoại quốc từ Financial Times, Wall Street Journal, The Economist cho tới Energy Tribune hay Reuters đều có những bài viết hết sức tiêu cực về hiện tình kinh tế tài chánh Việt Nam. Thời kỳ khen ngợi, cổ vũ như trước đây đã biến mất thay vào đó là những dự đoán khá bi quan về một đất nước đáng lẽ phải trở thanh con hổ của Đông Nam Á nay gượng gạo đứng trên tảng băng ngân hàng mà hướng trôi của nó không ai định được.
Vụ bắt bầu Kiên là giọt nuớc tràn ly lộ ra vai trò của các đại gia đã và đang khống chế nhiều ngân hàng thuơng mại cổ phần dưới thuật ngữ “sở hữu chéo”. Bầu Kiên và tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải bị bắt kéo theo việc khởi tố bốn nhân vật khác trong Hội đồng quản trị của ngân hàng ACB đã khai thông những bí mật về quá trình lạm dụng vai trò thành viên trong Hội đồng Quản Trị. Những đại gia luồn lách trích nguồn tiền từ ngân hàng này cho một ngân hàng khác vay với lãi suất cao hơn nhà nước quy định để kiếm lời cho băng nhóm của mình.
TS Võ Trí Thành, Phó Ban Nghiên cứu Chính sách Hội nhập Kinh tế Quốc tế phân tích nét đặc trưng của sở hữu chéo như sau:

Thật ra ‘sở hữu chéo’ không phải là vấn đề của riêng Việt Nam mới có mà sau cuộc khủng hoảng châu Á thì người ta thấy rằng có rất nhiều công ty có sở hữu chéo.
TS Võ Trí Thành
“Thật ra ‘sở hữu chéo’ không phải là vấn đề của riêng Việt Nam mới có mà sau cuộc khủng hoảng châu Á thì người ta thấy rằng có rất nhiều công ty có sở hữu chéo. Nếu sở hữu chéo thuần túy là sự bành trướng kinh doanh ở những mặt hàng sản xuất thông thường thì trong một số trường hợp nó có thể có lợi nhất là sau những giai đoạn đầu phát triển ở châu Á, các hình thức công ty gia đình có lợi rất nhiều.
Tuy nhiên sở hữu chéo rủi ro rất cao, đặc biệt trong hai trường hợp. Một là các công ty lớn họ đầu tư vào lĩnh vưc tài chính ngân hàng. Thứ hai là các công ty nhà nước mà những công ty nhà nước này lại đầu tư vào các lĩnh vực tài chính ngân hàng hay bất động sản. Nó có rất nhiều rủi ro. Rủi ro thứ nhất là bản thân công ty không thể có năng lực mà những thị trường tài chánh đòi hỏi rất cao, nhất là kỹ năng đánh giá chỉ số ICOR.
Hai nữa dưới góc độ quản lý của nhà nước trong lĩnh vực tài chính ngân hàng là lĩnh vực có nhìêu rủi ro, mà rủi ro thì thường mang tính hệ thống lan tỏa rất cao. Đứng trước sở hữu chéo này thì khả năng giám sát của nhà nước đối với các dòng tiền rất khó khăn và điều này thì lại có thể gây ra những rủi ro khác nữa.
Nói tóm lại câu chuyện sở hữu chéo đã có ở nhiều nước châu Á và sau vụ khủng hoảng thì người ta rất quan tâm về vấn đề sở hữu chéo trong cải tổ của các công ty lớn hay cải tổ trong hệ thống ngân hàng.
Việt Nam hiện nay đã bắt đầu có nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Trên thực tế thì báo chí đưa ra những sơ đồ về sở hữu chéo cũng như những rủi ro của nó. Trong cải tổ hệ thống tài chính nhân hàng mà tôi được biết thì việc xây dựng một hành lang giám sát chặt chẽ đối với hình thức sở hữu chéo, nhất là đối hai trường hợp mà tôi đã trao đổi.”

Có tội danh “thâu tóm ngân hàng”?

bau-kien250.jpg
Ông Nguyễn Đức Kiên, ảnh chụp trước đây. File photo.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay sau khi bắt Bầu Kiên đã ra lệnh khởi tố bất cứ ai có vai trò trong các vụ mà ông gọi là “thâu tóm ngân hàng” trong khi không ít chuyên gia tài chánh chưa đồng ý với cụm từ này vì bản chất của sự thâu tóm là bình thường vì nó giúp cải tiến hay tái cấu trúc một ngân hàng yếu kém. Thu tóm có thể hiểu theo nghĩa để tái đìêu hành với đống vốn và nhân sự mới. Một trong những người không đồng tình với thủ tướng trong cụm từ tội phạm thâu tóm ngân hàng là TS Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng viện IDS cho biết:
“Không có một tội nào gọi là tội thâu tóm ngân hàng cả. Vấn đề ở đây nó bộc lộ ra những yếu kém rất nghiêm trọng của hệ thống pháp luật. Mua cổ phần, bán cổ phần là chuyện bình thuờng còn chuyện gọi là thâu tóm một cách trái pháp luật tức là nếu anh có tiền anh mua thì không sao cả. Nếu anh không có tiền anh đi vay ngân hàng đường hoàng thì cũng không sao tuy nhiên nếu hám lợi để mà vay thì có thể vi phạm điều gì đó. 
Tuy nhiên luật pháp phải thật rõ ràng về chuyện này chứ không thể nói chung chung như thế. 
Theo tôi biết thì không có một quy định luật nào như thế cả.

Không có một tội nào gọi là tội thâu tóm ngân hàng cả. Vấn đề ở đây nó bộc lộ ra những yếu kém rất nghiêm trọng của hệ thống pháp luật.
TS Nguyễn Quang A
Theo cảm nhận của tất cả chuyên gia thì đều cho rằng hiện tượng sở hữu chéo đang khá phổ bíến tại Việt Nam. Vấn đề sở hữu chéo không phải là vần đề bất hợp pháp hay xa lạ, nhưng sử dụng sở hữu chéo để lũng đoạn thì chắc chắn là có những biểu hiện như vậy.Tôi nghĩ vấn đề cơ bản cũng vẫn là các quy định của pháp luật và thực thi các quy định ấy.”
TS Vũ Quang Việt, chuyên gia Thống kê của Liên Hiệp Quốc nhận xét sự qua mặt của bầu Kiên đối với NHNN Việt Nam như sau:
“Tôi không nghĩ là chính phủ VN nắm được vấn đề về ngân hàng có lỗ hổng ở chỗ nào. Chuyện bầu Kiên qua một vài phân tách cho thấy ông này là một người lập ba bốn công ty phát hành trái phiếu tư để bán. Do công ty mới lập nên không có tăm tiếng gì cả vậy mà có quyền bán trái phiếu trên thị trường thì đó là chuyện chưa từng xảy ra. Nhìn dưới góc độ thị trường tài chính của quốc tế thì Việt Nam hoàn toàn không thể tin cậy được. Tôi tin là họ muốn làm gì thì làm mà không có sự kiểm soát gì cả và vì vậy khi ông Kiên bán trái phiếu tư thì lấy gì để mà biết những gì cần bảo lãnh cho việc bán trái phiếu tư như vậy?
Sau khi bán rồi ông Kiên lấy tiền đó mua cổ phiếu ngân hàng, rồi ông ta lại lấy chính cổ phiếu ngân hàng này thế chấp để mua cổ phiếu của ngân hàng khác!

Lạc đà vẫn dễ dàng chui lỗ kim

Nguyen-Van-Binh250.jpg
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, ảnh chụp trước đây. File photo.
Mới đây khi trả lời trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã nhìn nhận rằng vụ thâu tóm ngân hàng SacomBank ông không có một thông tin gì của các nhà đầu tư có cổ phần vượt quá 5% như quy định của pháp luật. Ông cũng không biết phần trăm nợ xấu hiện nay là bao nhiêu khi trả lời lửng lơ khoảng 6 cho tới 7 % trong khi nhóm chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết con số nợ xấu của các ngân hàng ở mức từ 8,25% cho đến 14,01%,  và Fitch Rating xác định con số mà họ có về nợ xấu của Việt Nam hiện nay là 13%.
Nhận xét việc này TS Vũ Quang Việt cho biết:
Ở các nước khác các hoạt động về tài chánh không dễ dàng để cho tự do mua cổ phiếu ngân hàng đến cái mức có thể kiểm soát ngân hàng như vậy được. Khi tôi nhìn vào việc này thì tôi thấy cả hệ thống tài chính không thể tin cậy được. Ông Thống đốc Ngân hàng Nhà nứơc lúc thì nói nợ xấu 6% lúc thì 7% và lúc thì 10%...có nghĩa là ông ta không biết nợ xấu là bao nhiêu và như vậy thì hệ thống kiểm soát của ngân hàng trung ương đối với những ngân hàng nhỏ cũng không có, và vì vậy họ muốn ghi nợ như thế nào là quyền của họ, chả ai kiểm soát được, và nó cũng không có hệ thống gì để kiểm soát.”
Sở hữu chéo đã lộ rõ nhược điểm không những chỉ làm giàu cho một nhóm người lợi dụng kẽ hở luật pháp mà nó còn gây hậu quả nghiêm trọng trong vấn đề điều hành nền kinh tế vĩ mô khi con số nợ xấu bị nhóm này che chắn bằng nhiều cách khiến mọi đối sách với nợ xấu của nhà nước không thể thành công.
Trong bài tới chuyên gia kinh tế sẽ nói về phương cách mà họ đề nghị nhà nước áp dụng nhằm từng bước giải quyết tình trạng sở hữu chéo mà đa số cho rằng chính là ngỏi nổ âm ỉ có khả năng công phá nền tài chánh, ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới.

............./.