nghệ sĩ Hữu Phước



Cố nghệ sĩ Hữu Phước tên thật là Henry Trần Quang, sanh năm 1932 tại quận Châu Thành tỉnh Sóc Trăng.
Cha là ông Trưởng Tòa Trần Quang Cảnh, nhạc sĩ cổ nhạc đờn vĩ cầm, thân mẫu là bà Tám Kiều, một nữ nghệ sĩ trong gánh hát Thầy Thuốc Minh ở Sóc Trăng.


Hữu Phước khởi nghiệp cầm ca từ năm 1954, được ông Trần Hữu Lương, tức nhạc sĩ Mười Lương [chồng của nữ danh ca Năm Cần Thơ] dạy ca và đặt cho nghệ danh Hữu Phước.

Nhạc sĩ Mười Lương dẫn Hữu Phước đến quán ca nhạc Họa Mi của cô Năm Cần Thơ để ca vọng cổ và cổ nhạc. Hữu Phước đã ru hồn biết bao khách mộ điệu và được chủ của các hãng dĩa Hoành Sơn, Hồng Hoa, Tứ Hải tranh nhau mời thu dĩa hát.

Hữu Phước nổi danh qua các dĩa hát thu đầu tay như Mặt Trận Ái Tình của soạn giả Thu An, dĩa Tình Huynh Đệ và bộ dĩa Tỉnh Mộng, dĩa Đội Gạo Đường Xa, Gánh Nước Đêm Trăng, Tàu Đêm Năm Cũ, Đời Vũ Nữ, Tình Là Giây Oan của các tác giả Viễn Châu, Kiên Giang, Quy Sắc làm tăng thêm danh tiếng của danh ca Hữu Phước.

Danh vị trong làng dĩa nhựa của Hữu Phước lên cao, vượt qua các danh ca cùng thời ... Hữu Phước có giọng ca thật rõ ràng, âm sắc đẹp, đậm chất bi ai, nghe sâu lắng mượt mà. Giọng ngâm thơ ngọt như mật, êm như nhung như tơ.
Hữu Phước có biệt tài sắp chữ ca, làm nổi bật từng ý từng lời, anh ca vuốt nhẹ khi đến chữ Hò vô vọng cổ, tiếng ca như quyện chặt vào tiếng đàn, nghe thật êm tai, thật mùi.



Trong lòng câu ca, với một làn hơi dài, Hữu Phước chạy lả lướt với tốc độ ca dồn chữ, từng đợt từng đợt như những lượn sóng triền miên xô đưổi nhau, một kỹ thuật ca khiến cho người nghe có cảm giác là Hữu Phước bất chấp cả nhịp nhàng, bất chấp trường canh. Khán giả luôn e sợ Hữu Phước sẽ hụt hơi hoặc ca rớt, nhưng không, trăm lần như một, khi đến dứt câu ca thì Hữu Phước dứt câu rất đúng nhịp và còn có một làn hơi ngân dài, nhỏ dần, nhỏ dần rồi như tan biến vào không gian vô tận.

Lối ca của Hữu Phước không chỉ là một kỹ thuật ca điêu luyện, nhịp nhàng vững chắc mà còn có khả năng chuyển tải nội dung bài ca một cách xúc động nhất đến cho khán giả thưởng thức.

Hữu Phước đã được Giải thưởng Thanh Tâm tặng huy chương vàng Diễn Viên xuất sắc nhất năm 1966 qua vai bác sĩ Vũ trong tuồng Đôi Mắt Người Xưa của Nguyễn Phương. Hữu Phước cũng được báo chí kịch trường tặng cho mỹ hiệu Giọng Ca Vàng và là một trong các nghệ sĩ danh ca được các bầu gánh hát, các chũ hãng dĩa ký contrat với số tiền cao nhất.







 *********************************************


Tâm Sự Chàng Bán Than
Hữu Phước & Thanh Nga




 *********************************************



Sau năm 1975, Hữu Phước có quốc tịch Pháp nên cả gia đình được trở về quê hương Pháp Quốc.

Năm 1986, Hữu Phước quy tụ những nghệ sĩ cải lương đã được định cư ở nước Pháp để mong làm sống lại nghệ thuật cải lương ở hải ngoại, đó là một ý rất hay nhưng không thành công.
Tâm trạng của Hữu Phước có thể đại diện cho tâm trạng của những nghệ sĩ định cư ở hải ngoại : Không có đông đảo khán giả như ở Việt Nam, không có bạn diễn đồng sức đồng tài, không có soạn giả, không tác phẩm mới. Nhịp điệu âm nhạc tân tiến và lối sống văn minh công nghiệp của nước ngoài cũng không phải là môi trường thuận lợi cho nghệ thuật sân khấu cải lương. Tài năng như Hữu Phước và nhiều nghệ sĩ vang bóng một thời ở Việt Nam, đến xứ lạ quê người cũng phải khô cạn dần như con cá mắc cạn chờ chết khô, có vùng vẫy đôi chút trong mòn mõi nhớ thương biển rộng sông dài.

Hữu Phước mất ngày 21/2/1997 tại Paris.

Khi nhắc đến giọng ca vàng Hữu Phước, các bạn nghệ sĩ cải lương Việt Nam còn nhớ lời nhà học giả Vương Hồng Sển: “Mấy mươi năm trước chưa ai ca vọng cổ hay hơn Hữu Phước, e rằng mấy mươi năm sau cũng chẳng có ai”.


Yên Huỳnh (theo soạn giả Nguyễn Phương)