Người xưa cảnh tỉnh



Trích từ chuyên mục Người xưa cảnh tỉnh

'''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''



Không có hiểu biết thì làm sao nghĩ chuyện tranh đấu?    



PHAN BỘI CHÂU
Đời Trần Nhân Tông niên hiệu Thiên Bảo (1280) năm thứ hai, thổ tù ở Đà Giang là Trịnh Giốc Mật làm phản, vua sai Trần Nhật Duật đi đánh dẹp. Nhật Duật biết tiếng Mường, lại biết phong tục như ăn bốc uống ngụp, người Mường rất mừng. Mật dẫn cả gia thuộc ra hàng.    
Ôi! Là một vị thân vương mà thông hiểu được tiếng người các xứ xa xôi, đó cũng là một người khai thông (1) thứ nhất vậy!  
Tôi nay làm một người dân thuộc địa của Pháp mà hỏi tiếng Pháp chữ Pháp như câm như điếc, thì tranh đấu làm sao? Ở vào thời đại giao thông (2), phải cùng người ngoài tranh cạnh (3), mà tôi ngu lậu như thế này, nhìn tấm gương xưa càng thêm tự thẹn cho mình nhiều lắm.
Giữa thời đại cạnh tranh mặc sức này, việc học tập ngôn ngữ đã là việc thường, vậy làm sao để có được mấy trăm người như Trần Nhật Duật.  

'''''''''''''
(1) tức người mở đường trong một sự nghiệp nào đó
(2) ý muốn nói thời đại các dân tộc mở rộng giao lưu tiếp xúc
(3) cũng như tranh đua.  

Phan Bội Châu    
Việt Nam quốc sử khảo, 1908


***********





Sử ta, ta không biết    


Tại sao tôi viết bộ Việt nam sử lược? Nước ta có sử từ đời nhà Trần, đến nay kể đã sáu bảy thế kỷ, nhưng sử của ta chép theo lối biên niên của Tàu, ngày nào năm nào thì ghi lấy một cách vắn tắt không tìm đến cái gốc ngọn và sự liên can đến việc.    
Nhà làm sử lại là người làm quan, vua sai coi việc chép sử, không được tự do phải chiều nhà vua, chép việc nhà vua, ít khi để ý đến những sự tiến hoá của nhân dân trong nước …    



Thành thử ra đọc sử thấy tẻ và không giúp được sự học vấn mấy.  
Sử của ta thì thế mà người mình thì lại quá lãnh đạm với nó. Quy lỗi cho dân tộc mình có lẽ là không đúng, vì từ trước tới nay, cái học vấn đã bắt buộc ta phải thuộc sử Tàu hơn là sử của mình. Học để đi thi, để làm thơ phú văn chương, theo những cái điển của Tàu. Trước là một sự bó buộc, sau thành một thói quen. Lúc ấy những chuyện nước mình, so sánh với những chuyện nước người, đều không đáng kể. Thật đáng buồn!.
…Lắm lúc tôi nhìn thấy những điều trước mắt mà lo. Ở xã hội ta ngày nay, có một hạng người nghe nói đến nước mình thì ngây ngây như người ngoại quốc, sử nước mình không biết, tiếng nói nước mình chỉ biết qua loa, đủ dùng cho sự giao thiệp hàng ngày. Nếu sự đời cứ theo chiều ấy và cái đà ấy mà thay đổi, thì không hiểu dân tộc mình sẽ ra sao?  


Trần Trọng Kim
Theo Lê Thanh, Cuộc phỏng vấn các nhà văn, 1943



***********





Điều hòa với nghĩa … chắp vá bừa bãi 

   
PHAN KHÔI
Điều hòa là một thói quen của người nước ta.    Người mình hễ ró ra (1) đâu là điều hòa đó, cái trên trời, cái dưới đất cũng điều hòa phứt đi được.    
Rượu thì pha rượu trắng với rượu chát; đầu thì đùm tóc sùm sùm mà đội mũ; hết “Tây Nam đắc bằng”  thì “Pháp Việt đề huề “ (2); tu thì tu tam giáo; nực cười nhứt là đạo Cao Đài “nảy” kia thờ cả năm ông giáo chủ là Khổng Tử, Lão Tử, Thích Ca, Gia Tô, và Mô-ha-mét !    
Phải,  việc dễ nhất trong thiên hạ là chỉ có điều hòa, điều hòa thì vô sự mà !     
Sau cuộc chiến tranh 1914-18 ở bên Tây có một số người hoảng hốt mà kêu lên rằng văn minh Âu châu đã đến ngày phá sản. Rồi ở Đông phương cũng có một số người ó lên mà bài kích văn minh Âu châu. Thuyết điều hòa có, một phần bởi lời đồn huyễn văn minh phá sản. Thật là sợ hoảng, đúng như tục ngữ nói “Chưa giàu đã lo ăn cướp”.  

(1 )hiện ra, lấy ra ( chữ  được ghi trong Đại nam quốc âm tự vị  của Huỳnh Tịnh Của ) 
(2) Tên một tác phẩm của Hoàng Cao Khải và một luận thuyết mà Phan Bội Châu thường được coi là bị xúi giục, đã trình bày trong một bài tiểu luận trước 1925.  Theo tôi nhớ bài tiểu luạn này có tên là  Dư thập niên lai cửu trì chi chủ nghĩa.  


Phan Khôi 
Bác cái thuyết tân cựu điều hòa, Đông Pháp thời báo, 1928




*****************



Gọt chân cho vừa giày        


Vô luận là vấn đề gì, về quốc kế hay dân sinh cũng như về luân lý hay triết lý, kẻ sĩ nước ta đều thấy các thánh hiền Trung quốc giải quyết sẵn cho mình rồi, cái công phu của mình chỉ là thuật lại để thực hành cho xứng đáng chứ không cần phải sửa chữa thêm bớt chút gì.      

Trái lại cái gì của Trung quốc có vẻ vĩ đại hay cao siêu quá, thì chúng ta lại phải hãm lại, cô lại cho vừa với kích thước khuôn khổ của chúng ta. 


Đào Duy Anh 
Bởi thế chính trong thời kỳ toàn thịnh của nho học nước ta, người ta thấy có những nhà nho kinh luân như Tô Hiến Thành, nhà nho anh hùng như Trần Quốc Tuấn, nhà nho cao khiết như Chu An, nhà nho khẳng khái như Nguyễn Trãi, mà tuyệt nhiên vẫn không thấy một nhà nhà tư tưởng một nhà triết học nào. 

Chúng ta chỉ có những nhà nho lao tâm khổ tứ để bắt chước thánh hiền mà cư xử và hành động cho hợp với đạo lý chứ không có nhà nho nào dám hoài nghi bất mãn với đạo lý xưa mà băn khoăn khao khát đi tìm đạo lý mới.   



Đào Duy Anh
Việt Nam văn hoá sử đại cương, 1950










........../.