Nguyễn Trường Tộ & Fukuzawa Yukichi



Nguyễn Trường Tộ phải chết!

Đặng Ngữ
tambabonbay
Trong bài viết mới đây có nhan đề "Học gì từ Nguyễn Trường Tộ", tiến sĩ Giáp Văn Dương viết:
"Bài học lớn nhất mà chúng ta học được từ Nguyễn Trường Tộ chính là sự thất bại của ông trong việc kiến nghị những giải pháp canh tân đất nước với tư cách một trí thức. Từ đó thấy rằng, chỉ khi nào người trí thức tự giác tránh con đường cụt mang tên “Trí thức cận thần” để đi trên con đường mới -con đường trí thức độc lập, trí thức dấn thân- thì đất nước mới có thể tránh được nguy cơ trở thành “đất nước cận thần” và giữ được nền độc lập đúng nghĩa.
Mỗi khi nói về sự canh tân của nước Nhật, ta không khỏi nghĩ đến Fukuzawa Yukichi. Mỗi khi nghĩ đến Fukuzawa Yukichi, ta không khỏi nghĩ đến Nguyễn Trường Tộ". Cả Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ đều là những nhà tư tưởng về cải cách, sống cùng giai đoạn lịch sử. Nhưng một người thành công, một người thất bại.

Câu hỏi đặt ra là: Vì sao Fukuzawa Yukichi thành công, còn Nguyễn Trường Tộ thì thất bại? Một phần của câu trả lời đến từ sự khác nhau trong cách tiếp cận của hai người".


“Từ ngày đi sứ tới Tây-kinh
Thấy việc Âu-châu phải giật mình
Kêu tỉnh đồng-bang mau kíp bước
Hết lời năn-nỉ chẳng ai tin”
Tiếng kêu não lòng của bác Phan Thanh Giản sau khira ngoài nhìn thấy thế giới và về kể lại cho các quan vua trong triều đình.


Tiến sĩ Giáp Văn Dương tìm cách giải thích nguyên nhân, vì sao cùng một việc mà Fukuzawa thì thành công mà Nguyễn Trường Tộ lại thất bại. Ông Giáp Văn Dương cho rằng:
"Fukuzawa thành công bởi lẽ: "Trí thức độc lập: Sau khi tiếp thu nền văn minh phương Tây, và nhận thấy cần phải tiến hành cải cách để canh tân đất nước nhằm giữ nền độc lập, vươn lên sánh vai cùng các cường quốc phương Tây, Fukuzawa Yukichi tiến hành chương trình hành động của mình".
Nguyễn Trường Tộ thất bại bởi lẽ:
Trí thức cận thần: Khác với Fukuzawa Yukichi, Nguyễn Trường Tộ, sau khi tiếp thu văn minh phương Tây, không truyền bá để khai sáng cho đại chúng mà dành phần lớn tâm sức cho việc viết tấu trình gửi nhà Vua."
Ông Giáp Văn Dương nói như thế không có gì sai nhưng cá nhân tôi cho rằng nói như thế là chưa đủ, chỉ nêu lên phần ngọn, phần bề mặt mà không thấy được phần gốc, bản chất của vấn đế như bao lâu nay.
Tôi tự hỏi rằng, nếu không phải Nguyễn Trường Tộ mà là Fukuzawa sống ở Việt Nam vào thời kỳ đó và "sau khi tiếp thu nền văn minh phương Tây, và nhận thấy cần phải tiến hành cải cách để canh tân đất nước nhằm giữ nền độc lập, vươn lên sánh vai cùng các cường quốc phương Tây, Fukuzawa Yukichi tiến hành chương trình hành động của mình" thì có thành công không?
Xin thưa rằng, ông cũng chịu chung một số phận như Nguyễn Trường Tộ mà thôi.
Hoặc ngược lại, nếu Nguyễn Trường Tộ sinh ra ở Nhật Bản.
"Nguyễn Trường Tộ, sau khi tiếp thu văn minh phương Tây, không truyền bá để khai sáng cho đại chúng mà dành phần lớn tâm sức cho việc viết tấu trình gửi nhà Vua" thì có được Minh Trị nghe theo không?
Xin thưa, tôi cho rằng, khác hẳn với Tự Đức, vua Minh Trị sẽ tin dùng kế sách ấy của Nguyễn Trường Tộ để duy tân tự cường. Tôi tin thế và dám chắc như thế.
.........................
Người ta thường đặt ra hai câu hỏi khi xem xét lại công cuộc duy tân vào thời kì đấy.
Hai câu hỏi đặt ra là:
- Tại sao lại là Nhật Bản mà không phải là Trung Quốc hay là Việt Nam?
- Tại sao Nhật Bản cũng như Việt Nam, mà Nhật Bản có thể duy tân tự cường mà Việt Nam thì không?
Xin thưa, cách đặt vấn đề như thế là sai bét.
Nhật Bản chả có cái gì giống Việt Nam như cách chúng ta thông thường vẫn nghĩ.
Nhật Bản chả có cái gì giống Trung Quốc như cách chúng ta thông thường vẫn nghĩ.

Hạt giống Nhật Bản đã nằm sẵn ở dưới lớp đất rồi, đến lúc gặp thời tiết thúc giục, tự nhiên nó phải nảy mầm đâm ngọn mà trồi đầu lên thành cây. Nhật Bản duy tân được không phải bởi họ may mắn có Minh Trị và Fukuzawa, cũng chả phải may mắn, ngẫu nhiên như nhiều người lầm tưởng. Nhật Bản duy tân được bởi họ có đủ "hạt giống tư tưởng, văn hóa cần dùng". Những thứ "hạt giống tư tưởng, văn hóa" này, cả Trung Quốc và Việt Nam đều không có hoặc nếu có thì quá ít, không đủ dùng. Và dĩ nhiên không đủ để nảy mầm đâm ngọn mà trồi lên thành cây "duy tân tự cường" như Nhật Bản được.
Theo tôi, bất kể đất nước Nhật Bản có sinh ra Minh Trị và Fukuzawa hay không thì họ cũng sẽ tiến hành "duy tân tự cường" thành công bởi ba yếu tố sau đây:
- Nhật Bản có tinh thần cải cách.
- Nhật Bản có tinh thần dung hóa.
- Nhật Bản có tinh thần quốc gia.
Hãy khoan nói đến tinh thần cải cách, cho đến tận bây giờ, tôi dám cả gan mà xác nhận rằng:
- Việt Nam mình hoàn toàn không có tinh thần dung hóa.
Ngược lại, người Việt Nam mình hủ lậu, bảo thủ, cố chấp... Nói tóm lại, người Việt Nam chứa đầy tinh thần "bất dung".
- Việt Nam mình hoàn toàn không có tinh thần quốc gia.
Cả dân tộc Nhật Bản có cái hồn chung - hồn nước - Đại Hòa hồn (người Nhật vẫn thường hay tự gọi mình là người Đại Hòa); cái hồn ấy - cái tinh thần đấy, mỗi người dân nước Nhật phải tâm niệm, kính thờ, giữ gìn, thao luyện. Cũng một tinh thần Khổng Mạnh (tinh thần Khổng Mạnh cũng như nhiều tinh thần khác, tức là có cái hay, cái dở và cả cái nhảm nhí) nhưng người Nhật Bản hấp thụ cái phần tinh túy nhất để rồi phối hợp với cái hồn Đại Hòa mà sản sinh ra tinh thần Võ Sĩ Đạo; cũng một tinh thần Phật Giáo mà người Nhật sản sinh ra đạo Thiền-Zen hoàn toàn khác biệt với tinh thần Phật Giáo của người Trung Hoa và người Việt Nam; cũng là kung-fu nhưng những món võ Aikido, Karate, Kendo... không lẫn với các món võ Tàu được; cũng một việc uống trà mà người Nhật đem về từ Trung Nguyên mà bây giờ thành Trà Đạo; và còn nhiều thứ khác nữa.
Nhiều người có dịp đến thăm thú nước Nhật thường phàn nàn rằng đường phố toàn treo bảng chỉ dẫn bằng tiếng Nhật, rất khó đọc mà người Nhật lại đa phần không biết ngoại ngữ... rồi bảo rằng người Nhật bảo thủ, cứng nhắc. Nói như thế tức chưa hiểu người Nhật mấy. Cái bản sắc, cái truyền thống của cha ông, người Nhật kính ngưỡng và giữ gìn ghê lắm. Họ không muốn sử dụng ngoại ngữ trên đất Nhật chứ không phải họ không biết ngoại ngữ. Họ nghe và hiểu cả đấy nhưng họ không muốn sử dụng ngoại ngữ mà thôi.

Đấy, họ bảo thủ một cách sáng tạo như thế đấy.

Sống bên cạnh Trung Quốc, cùng bị chung một ảnh hưởng nhưng người Nhật biết rút tỉa cái hay của người ta rồi biến cải cái hay đó, phối hợp với cái mạch sống bản địa mà đưa chúng thành tinh hoa, đặc sắc của riêng mình. Trên thế giới này ai dám bảo tinh thần Võ-Sĩ-Đạo, Thiền Zen, Trà Đạo, Hoa Đạo, Kịch Nô... trông nó giông giống Tàu nào?

Thật lòng, tôi cố đi tìm những thứ tương tự như Võ-Sĩ-Đạo, Thiền Zen, Trà Đạo, Hoa Đạo, Kịch Nô... trong cái văn hóa, bản sắc Việt mà không thể. Cái gì của mình nó cũng ngai ngái mùi Tàu, không phân biệt được. Nói ra thì động chạm, phật lòng nhau, ắt có nhiều người giận, mà bản thân tôi cũng thấy giận: "Cái văn hóa mình nó cứ như một bản copy rẻ tiền, chất lượng kém của cái văn hóa Tàu; tức là thay vì đi học cái phần hay, phần tinh túy của văn hóa Trung Hoa thì chúng ta toàn hấp thụ cái dở, cái nhàm nhí của người".

Tự hỏi tinh thần Đại Việt là cái chi?

 Đố ông nhân sĩ trí thức nào ở Việt Nam có thể giải thích được. Cho nên, Nguyễn Trường Tộ phải chết là vì vậy.

Đặng Ngữ