Hà Triều Hoa Phượng



Soạn giả Hà Triều Hoa Phượng


Ngành Mai



Trong hoạt động sân khấu cải lương, cái tên Hà Triều Hoa Phượng đã quá quen thuộc với khán giả, do bởi những vở tuồng nổi tiếng của 2 soạn giả này được lần lượt cho ra đời từ những năm cuối thập niên 1950 và dài cho đến hết thập niên 1960.

Soạn giả Hà Triều Hoa Phượng


Cặp bài trùng

Lúc đầu người ta tưởng đâu Hà Triều Hoa Phượng là một người. Và cũng có người nói rằng Hà Triều Hoa Phượng là đôi vợ chồng, hoặc cặp tình nhân khắn khít với nhau, nhứt là chữ “Phượng”, người ta cho là nữ.
Nhưng thời gian dần dần báo chí khai thác, tìm hiểu và tiết lộ sự liên hệ giữa hai soạn giả này, nên thiên hạ mới rõ biết Hà Triều Hoa Phượng là hai người. Và họ chỉ mới biết nhau từ lúc hợp soạn viết tuồng, chớ trước đó cả hai chẳng hề quen nhau. Vậy Hà Triều quê quán từ đâu và Hoa Phượng xuất thân ở nơi nào? Tôi xin trình bày sau đây, mời quí vị theo dõi...
Hà Triều quê quán miền Tây, tỉnh Rạch Giá, rời ghế nhà trường rất sớm. Thời chiến tranh Việt – Pháp, Hà Triều gia nhập phong trào Thanh Niên Tiền Phong vào những năm đầu kháng chiến ở vùng U Minh Thượng và U Minh Hạ. Nhưng khoảng một hai năm gì đó thì chịu không nổi với cảnh bưng biền, Hà Triều bí mật lén trở về Thành sống nương tựa với một thân hữu ở Phú Thọ Hòa, gần trường đua Phú Thọ. 
Người thân nầy đã lo giấy tờ hợp pháp và đồng thời chạy cho Hà Triều vào làm công chức một cơ quan thông tin ở Sài Gòn. Làm việc ở cơ quan nầy ông thường được tặng vé hát và đi coi cải lương nhiều lần, do đó nảy sinh ra ý định viết tuồng cải lương. 
Còn Hoa Phượng là người sinh trưởng ở vùng Núi Sập, An Giang và cũng đi kháng chiến ở đất Long Châu Hậu. Sau Hiệp Định Genève 1954 hai người gặp nhau ở Sài Gòn và hợp tác viết tuồng cải lương; “cặp bài trùng” này đã một thời làm mưa làm gió sân khấu ca kịch qua các vở tuồng mà soạn giả mang tên hai người. 

Kiếm hiệp Nhật Bản

Vở tuồng đầu tiên làm cho hai soạn giả nầy được nổi tiếng là tuồng Nhật Bản có tên “Khi Hoa Anh Đào Nở”trình diễn trên sân khấu Thúy Nga, và kép Thành Được nổi tiếng cũng nhờ vở tuồng này. 

Khởi đầu vào khoảng 1957 người ta thấy tên Hà Triều Hoa Phượng xuất hiện trên tấm bảng quảng cáo của đoàn ca kịch Thúy Nga treo trước rạp hát, trình bày hình ảnh hoạt cảnh của vở tuồng “Khi Hoa Anh Đào Nở”, với hình vẽ các nhân vật trang phục theo kiểu mấy chàng kiếm khách Phù Tang và các cô gái Nhật mặc kimono, tương tợ như người ta thấy trong phim Nhật được nhập vào thời bấy giờ. 
Đây là vở tuồng đầu tiên mở đầu cho thời kỳ mà các tuồng loại kiếm hiệp Nhật Bản tràn lan, gánh hát nào cũng khuyến khích soạn giả viết tuồng Nhật để lôi kéo khán giả. Từ khi có tuồng Nhật thì số người đi coi hát hằng đêm tăng cao, nên hai soạn giả Hà Triều Hoa Phượng tiếp tục tung ra thêm một số tuồng cùng loại như: Đợi Anh Mùa Lá Rụng  Yêu Anh Đã Muộn Rồi...
Lúc bấy giờ người Nhật không tốn một giọt nước miếng tuyên truyền quảng cáo, mà trên sân khấu các rạp cải lương đêm nào cũng ca ngợi cái đẹp của núi Phú Sĩ, nói lên cái thơ mộng của hoa anh đào bên sườn đồi, đồng thời những cảnh chia ly, tao ngộ của những chàng kiếm khách với cô gái Phù Tang, cũng luôn nhắc tới cái hương vị thơm nồng của rượu sa kê... 
Người Nhật cũng không cần phải mướn người mẫu phô trương trưng bày bộ quốc phục kimono, vẫn được các cô đào cải lương Việt Nam mặc biểu diễn hằng đêm trên sân khấu, coi như vô tình mà Hà Triều Hoa Phượng đã gián tiếp giới thiệu đặc thù văn hóa xứ Phù Tang đến với dân tộc mình. Nhưng có điều chắc chắn là hai soạn giả nhà ta đã không được Nhật Bản trả tiền công, mà chỉ được các bầu gánh cải lương Việt Nam trả tiền bản quyền mà thôi! 

Tình cảm xã hội

Được một thời gian thì tuồng Nhật hết ăn khách, con số khán giả lơi dần nên hai soạn giả Hà Triều Hoa Phượng chuyển sang viết tuồng xã hội và vở hát “Nửa Đời Hương Phấn” được ra mắt khán giả trên sân khấu Thanh Minh đã gây chấn động một dạo. Khác hẳn với tuồng xã hội của Năm Châu dùng lời văn đối thoại cao sâu bóng bẩy, tuồng xã hội của Hà Triều Hoa Phượng có lối hành văn đối thoại thông thường, đi thẳng vào thực tế ngoài đời. 
Tình tiết của tuồng Nửa Đời Hương Phấn rất dễ xảy ra trong bối cảnh xã hội của thời đó, cái thời mà gái quê do hoàn cảnh phải ra Tỉnh hoặc lên Sài Gòn, do đó người coi hát có cảm tưởng như là đã có thật vậy. Hơn nữa lời văn đối thoại của tuồng cũng được hai soạn giả chuyển đổi đưa thẳng vào trong bài bản ca cổ nhạc một cách linh hoạt, khiến người đi coi hát vừa hồi hộp, lại vừa giải tỏa được tình huống ngay trong một vài giây đồng hồ. 
Cái tài tình của Hà Triều Hoa Phượng trong vở hát Nửa Đời Hương Phấn là đưa lên sân khấu các nhân vật điển hình trong một xã hội tuy an bình nhưng lại bon chen hỗn tạp, những hạng người xấu xuất hiện gây sóng gió. Cũng như tình tiết cùng bố cục nhân vật trong Nửa Đời Hương Phấn dễ làm cho người ta chú ý, dễ ăn sâu vào lòng khán giả, do đó đã đem lại uy tín cho Hà Triều Hoa Phượng, đồng thời tạo một thế đứng khá vững vàng cho hai soạn giả trong lãnh vực cải lương. 
Vở tuồng Nửa Đời Hương Phấn ra đời, khán giả ùn ùn đi coi, hát cả tháng trời tại một rạp Nguyễn Văn Hảo vẫn còn đông khách, và ngay cả bây giờ nếu tuồng nầy được trình diễn trở lại vẫn có khán giả như thường. Sau đó tuồng còn được thu thanh vào dĩa hát phát hành khắp nước, được phổ biến rộng rãi đến đỗi đi đâu cũng nghe hát. Bản ca Phụng Hoàng trong tuồng được rất nhiều ca sĩ tài tử học thuộc lòng và ca trong những buổi sinh hoạt đình đám ở thôn quê, hoặc các quán tiệm có sinh hoạt đờn ca cổ nhạc. 


Út Bạch Lan và Thành Được trong vở Nửa Đời Hương Phấn năm 1959.


Ngoài ra các nhà buôn đã khai thác đưa dĩa hát sang Nam Vang bên Miên, đưa lên tận Vạn Tượng ở Lào, nên kiều bào ta ở bên đó cũng khá rành tình tiết vở tuồng Nửa Đời Hương Phấn. Về sau Hà Triều Hoa Phượng cho tung ra vở tuồng Nỗi Buồn Con Gái, có đề cập đến cuộc biến động ở bên Lào vào thời đó (nhân vật là Nguyễn Trung Bình từ Lào về do nghệ sĩ Tám Vân đóng). 

Sau khi thành công vở hát Nửa Đời Hương Phấn, sẵn trớn Hà Triều Hoa Phượng tiếp tục cho ra đời các tuồng xã hội khác cũng ăn khách và nổi tiếng luôn, trong đó có tuồng Tấm Lòng Của Biển, Con Gái Chị Hằng... 
Tuồng xã hội Con Gái Chị Hằng sau khi thành công ở địa hạt sân khấu cải lương, được hãng dĩa hát hợp đồng khai thác, mà còn lấn sang lãnh vực điện ảnh, được quay thành phim. Phim do Kim Cương đóng vai Chị Hằng, nghệ sĩ Hữu Phước vai cậu Tư Kiên, được chiếu ở các rạp chiếu bóng trên toàn quốc cũng khá ăn khách. 
Sau gần một thập niên viết chung, tên Hà Triều Hoa Phượng luôn luôn đi đôi, nhưng đến khoảng 1965 thì Hoa Phượng tách ra cùng với Ngọc Điệp viết tuồng Tuyệt Tình Ca, tức Ông Cò Quận 9, và đến lúc này thì thiên hạ biết rõ Hà Triều Hoa Phượng là hai người, chứ không phải một người như đã lầm tưởng trước kia. 
Về cuộc đời tình cảm của Hà Triều là cả những chuỗi ngày dài cô độc, ông lại thích ngựa đua hơn là thích đàn bà con gái, do đó mà suốt mấy chục năm sống một mình luôn cho tới ngày chết! Tuy là soạn giả nổi danh, tiền làm ra cũng khá nhiều nhờ chia tiền bản quyền tác phẩm tuồng tích, nhưng lại không có hình bóng đàn bà bên cạnh để xài bớt, mà phần nhiều đổ vô quán nhậu và trường đua Phú Thọ. 
Có người hỏi tại sao ông không chọn một bà để lo cơm nước, an ủi bầu bạn, chăm sóc thuốc men mỗi khi trái gió trở trời, thì ông chỉ cười hoặc vui miệng lắm thì cũng nói một câu: “Nhậu nhẹt như tôi nếu có vợ thì sớm muộn gì bà xã cũng bỏ, nên tôi ở một mình tốt hơn!” 
Nghe nói năm 40 tuổi Hà Triều có cưới vợ một lần, nhưng chỉ sống chung có một tháng thì đường ai nấy đi, và Hà Triều ở vậy cho đến ngày từ giã cõi đời, coi như tuyệt tự! 
Nhờ là soạn giả nổi tiếng nên sau 1975 Hà Triều được cho vào làm ở Sở Văn Hóa Thông Tin Sài Gòn, và được cấp một căn trong chung cư Nguyễn Thành Niệm, cạnh rạp Hưng Đạo. Những lúc sau nầy ông bị bệnh mờ mắt không còn hoạt động gì nữa, và ở đây luôn cho đến khi bệnh nặng và qua đời tại Bệnh Viện Nguyễn Trãi, Quận 5 Chợ Lớn vào năm 2003. 
Về phần soạn giả Hoa Phượng thì khác xa với Hà Triều, trong khi Hà Triều sống độc thân thì Hoa Phượng có nhiều vợ. Về viết tuồng thì người trong giới đều thấy rõ cái uy của một ông thầy tuồng (khán giả bình dân gọi soạn giả là thầy tuồng). 



Thanh Nga - Hữu Phước - Thành Được trong vở Con Gái Chị Hằng.

Khi xưa đào kép rất nể nang thầy tuồng, nhứt là ông soạn giả kiêm bầu gánh Mộng Vân từng cho ra đời cả mấy chục vở hát ở thời thập niên 1940. 

Nhưng về sau thì đào kép chánh nổi danh được khán giả ái mộ, họ đã lấn quyền của soạn giả, coi thầy tuồng chẳng có ký lô nào cả. Đôi khi soạn giả trao role tuồng, họ chỉ coi sơ qua rồi liệng trở lại soạn giả, nói rằng tuồng này không hát được, hoặc đòi hỏi này nọ, như bảo sửa lời đối thoại này, hoặc thay đổi bản ca kia... 
Soạn giả vì cuộc sống phải nhẫn nhục làm theo ý của đào kép chánh cho tuồng của mình được hát để có tiền, chớ bằng như tuồng không hát được thì treo nồi cơm. 
Tóm lại thời thập niên 1960 thì đa số thầy tuồng trở thành “Tớ Tuồng” chịu lép trước cái hào quang của nghệ sĩ. 
Thế nhưng, chỉ có một người là áp đảo được cái hào quang của nghệ sĩ tên tuổi, đó là Hoa Phượng. 
Đối với soạn giả Hoa Phượng thì chẳng đào kép nào dám thắc mắc về role tuồng, chê khen một tiếng thì coi như mất chỗ đứng trong vở hát, vai trò sẽ được giao người khác. Do đó mà mỗi lần Hoa Phượng phát role tuồng là hầu hết đào kép có vai trò đều im re, chẳng ai dám hó hé gì hết. Hoa Phượng mất năm 1984. 
Hà Triều và Hoa Phượng ra đi, nhưng những tác phẩm nghệ thuật cải lương của hai soạn giả vẫn còn đó, hai ông đã để lại cho đời những tuyệt phẩm cải lương vô cùng quý giá vậy! 

 ../.