Người phố và minh triết của rừng




Người phố và minh triết của rừng




Trần Trung Chính thực hiện




Nhà văn Nguyên Ngọc bảo tôi, có ba nơi ông yêu nhất: Tây Nguyên, Hội An, Hà Nội. Xếp thứ tự, Tây Nguyên hàng đầu, vậy là chúng tôi nói chuyện Tây Nguyên… 
“Tôi không cho mình thuộc số người hiểu vùng đất này nhất, nhưng có thể nói thuộc số người yêu Tây Nguyên nhất”.

**********



“Rừng, đàn bà, điên loạn”
Thiên hạ nói ông thuộc số ít người sống ở thành phố nhưng hồn treo trên núi?
- Tôi sinh tại Đà Nẵng, hai tuổi đã vô Hội An. Ba tôi khi ấy là viên chức bưu điện Hội An. Tuổi thơ ấu ở đâu, chốn ấy vào trí nhớ suốt đời. Tôi ở Tây Nguyên hai chặng: 1950-1955 và 1962-1975, giữa hai chặng ấy (đều trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ), ra Hà Nội tôi trú tại phố Lý Nam Đế. Văn hoá trong tôi là văn hoá tự học, học từ người Tây Nguyên (nói được tiếng Êđê, Gia rai...) và học từ những tác giả người Pháp, người Việt viết về Tây Nguyên.
Những năm tháng gian khổ,ác liệt nhất của cuộc đời tôi, nằm ở đấy. Những người yêu thương tôi nhất, và ngược lại, cũng ở đất này. Vả chăng có điều gì ta hiểu mà lại không bằng yêu thương? Sau 1975, hầu như năm nào tôi cũng lên buôn, đi rẫy... Khi về Hà Nội vẫn thấy gió, mưa, rừng - đất đai, con người Tây Nguyên. Tây Nguyên thành tạng  người tôi, hễ chạm vào đó, tôi viết rất nhanh.  
Các nhà địa chất sung sướng khi phát hiện một vỉa quặng nào đó. Ông đã có nỗi sung sướng ấy?
- Tôi không phải nhà khoa học, không chủ tâm phát hiện Tây Nguyên mà tình cờ cuộc đời tôi diễn ra ở đó. Muốn hiểu nó, là thôi thúc của một người đã được sống tại đó, chứ không phải muốn có những phát kiến về nó. Tôi đi sau nhiều nhà khoa học người Pháp, như công sứ Dăk Lăk Sabatier (người đầu tiên sưu tầm và dịch ra tiếng Pháp trường ca “Đam San” của  người Êđê), GS. Goerges Comdominas (tác giả cuốn “Chúng tôi ăn rừng”) đến Tây Nguyên từ 1947, sống với người Mnông Gar ở làng Sar Luk. Hoặc Henri Maitre với cuốn “Rú Mọi” (NXB Tri thức dịch là “Rừng người Thượng”), cho đến nay nó vẫn được coi là công trình khảo sát cơ bản nhất về Tây Nguyên. Linh mục Jacques Dournes là một con người  rất kỳ lạ, ông có tới 235 cuốn sách viết về Tây Nguyên. Từng sống 25 năm trên vùng đất này, trở về Pháp, Jacques Dournes khi ở nhà vẫn đóng khố, cởi trần. Ông tự coi mình là người Tây Nguyên.
Những người tôi nhắc tên đều chịu ơn đất và người Tây Nguyên. Họ đều - mỗi người một cách khác nhau - nhận ra minh triết của các tộc người giúp họ (chứ không phải ngược lại) có được vũ trụ quan và nhân sinh quan thông thái và nhân văn nhất.
Ví dụ, người “văn minh” coi Tây Nguyên là tài nguyên, đối tượng để khai thác phục vụ con người, nhưng người Tây Nguyên coi rừng là cội  nguồn, con người chỉ là một tế bào.
Tế bào mà huỷ hoại (khai thác) cội nguồn là tế bào ung thư!
Tục bỏ mả (chôn tạm người chết, người sống vẫn mang cơm nuôi người chết) để người sống có thời gian làm xong nhà mồ đẹp cho người chết (người chết yên tâm ra khỏi thế giới người). Sau đó họ làm lễ bỏ mả với niềm tin rằng từ nay con người đó, đi ra từ rừng - sống tạm trên đời này - lại trở về với rừng, tan vào rừng.
Giải mã tục bỏ mả, loài người gọi là “văn minh” chợt nhận ra thế giới quan siêu việt của các bộ tộc Tây Nguyên.
Nó chỉ đường cho những người văn minh hôm nay cách ứng xử với rừng, biển, đất đai, bầu trời, dạy chúng ta sự tiến hoá, phát triển bền vững, chứ không phải tự huỷ diệt cội nguồn - chốn sinh thành, nuôi nấng và trở về vĩnh hằng. 

Ông nhận xét thế nào về những công trình nghiên cứu Tây Nguyên của các học giả Việt Nam?
- Những gì chúng ta đã nghiên cứu về Tây Nguyên chưa nhiều, thường là nghiên cứu ứng dụng, theo tôi, chưa thể vượt qua các nhà nghiên cứu Pháp (toàn diện, từ không gian tự nhiên đến xã hội, chính trị, văn hóa...). Cho nên, có thể nói, các chính sách về Tây Nguyên của chúng ta trong những năm qua chưa dựa được trên cơ sở khoa học thật cơ bản.
Có một câu chuyện vui, khi tôi dịch cuốn “Rừng, đàn bà, điên loạn” của linh mục Jacques Dournes – tác giả chơi chữ: Forêt, Femme, Folie (đều bắt đầu bằng chữ f), một biên tập viên nhà xuất bản không chịu cho in vì tưởng đó là một cuốn sách... sex (cười). Thực ra cuốn sách nói tới nền văn hoá dựa trên nguồn gốc rừng - đàn bà (xã hội mẫu hệ), hai nguồn gốc ấy bị đe dọa, thì con người sẽ rơi vào điên loạn.
Số người hiểu Tây Nguyên ít quá, cộng thêm thói duy ý chí, cái gì cũng tỏ ra biết rồi, và cứ thế mà làm tới, lại làm sai!

Những chuyển động mới mẻ
Theo nhà văn, sự vận động của xã hội Tây Nguyên sẽ dựa trên nguồn lực tri thức nào?
- GS.TS. Ngô Đức Thịnh có sáng kiến rất hay: Mở một khoá đào tạo thạc sĩ cho sinh viên tốt nghiệp đại học toàn người bản địa Tây Nguyên.
GS. Thịnh tập hợp được 12 luận văn hay vô cùng. Trong đó tuyệt nhất có luận văn của cô Y Trung “Quan niệm về linh hồn và các nghi lễ liên quan đến linh hồn trong người Xteng ở Tumơrông". Tôi đã gặp Y Trung, cô hiểu sâu sắc không chỉ văn hóa truyền thống mà cả những chuyển động mới, rất phức tạp hôm nay của Tây Nguyên. Cô kể: Ở Tây Nguyên, từ xưa, tội loạn luân bị coi là tội nặng nhất, sẽ bị đuổi ra khỏi làng, và khi đó chỉ còn lang thang trong rừng và chết. Nhưng bây giờ đã có khác. Vùng quê Y Trung ở có 20 cặp loạn luân bị làng đuổi, họ không chịu lang thang chờ chết mà kéo nhau lên đỉnh núi lập một làng mới. Một chuyện chưa bao giờ xảy ra. Y Trung quan tâm đến những chuyển động mới đó của xã hội, nhận ra dấu hiệu mới của những nhân tố cá nhân đang xuất hiện…

Người Tây Nguyên đang đối mặt với nền kinh tế thị trường mà họ chưa được chuẩn bị. Vậy kịch bản nào sẽ xảy ra?
- Người Tây Nguyên chưa có, hoặc chưa mạnh ý thức tích lũy. Phát triển kinh tế hàng hóa, vì vậy rất khó. Khi kinh tế thị trường tràn vào thì kịch bản xấu nhất là họ rất dễ trở thành người làm thuê khốn khổ.
Nhưng chăm chú quan sát cũng đã có thể thấy những chuyển động tích cực. Đã xuất hiện một kiểu “trang trại làng” ở Buôn Ma Thuột.
Ở đấy, người ta vẫn giữ cái minh triết lâu đời, không có kẻ làm thuê và người đi thuê, chỉ có người đứng đầu tổ chức công việc. Phải chăng đã manh nha mô hình xã hội mới trên Tây Nguyên của người Tây Nguyên?
Người Tây Nguyên thấu hiểu sâu xa thực tiễn Tây Nguyên, và họ sẽ góp phần quan trọng tìm ra con đường đi tới, với minh triết lâu đời của họ. Chính minh triết ấy, được gìn giữ và phát triển qua bao thử thách, đã đưa con người và xã hội này vượt qua mọi thác gềnh của lịch sử, tồn tại bền vững cho đến ngày nay. 

Ông sẽ tiếp tục góp sức mình vào cách giải quyết các vấn đề của người Tây Nguyên chứ?
- Vừa rồi chúng tôi phản đối dự án khai thác quặng bauxite ở Dăk Nông, và sẽ tiếp tục công việc khó khăn này. Tôi đang cùng các cộng sự mở một trường đại học tại Hội An. Mong sẽ được đón con em các tộc người Tây Nguyên về học, mong Tây Nguyên có thêm nhiều Y Trung. Tiếp thu minh triết của người Tây Nguyên, chúng tôi sẽ cố gắng đào tạo lớp trí thức mới cho vùng đất này, không phải để làm quan, mà làm khoa học. Khi Tây Nguyên có được giới trí thức của mình, họ sẽ tham gia giải quyết các trở ngại đang ngăn cản sự vận động của xã hội Tây Nguyên. 

Cách đây chừng hai tháng, để tiếp tục câu chuyện dang dở, tôi theo nhà văn Nguyên Ngọc ra một chi nhánh ngân hàng ở góc phố Quán Thánh -Hàng Bún, Hà Nội. Sáng ấy hai vợ chồng ông mang một chồng sổ tiết kiệm (có lẽ giữ từ hồi đổi tiền - 1978) để rút tất cả số tiền dành dụm cho ông theo đuổi công việc vẫn làm ông đắm đuối. Ông bảo: “Họ nói làm chủ tịch hội đồng quản trị nhà trường phải có tiền. Rồi yêu cầu mình phải đưa bằng đại học. Mình chưa qua trường đại học nào, nhưng may mà có bằng trường đảng. Thế là thoát”.

...../.