Lê Ân




ĐẠI GIA THĂNG TRẦM VỚI 6 ĐỜI VỢ



* Minh Diện


            Ở Làng du lịch Chí Linh (Vũng Tàu) có ba bức tượng phụ nữ đắp bằng xi măng cốt thép to như người thật đứng cạnh cái nhà vệ sinh. Về nghệ thuật chả nói làm gì, vì đấy chỉ là tác phẩm của một  thợ nề khéo tay, nhưng với ông chủ Lê Ân thì nó  mang một ý nghĩa đặc biệt.  Ông  cho tôi biết: Ba bức tượng kia chính là ba người vợ đã phụ bạc ông.

Đám cưới với người vợ thứ 6 của Đại gia Lê Ân,  khi ông 74 tuổi, vợ 19 tuổi

           Theo lời Lê Ân, người vợ thứ nhất đã cuỗm toàn bộ tài sản của ông gồm nhà cửa, tiệm thuốc tây và mấy chiếc xe hơi, trong lúc ông bị bắt vì vượt biên. Người vợ thứ hai không lấy tài sản mà cướp đứa con trai đưa đi Mỹ. Người vợ thứ ba  mới 23 tuổi, khi ông bị bắt vì vượt biên lần thứ ba, đã dọn sạch tiệm vàng và 27 kg vàng về nhà mẹ đẻ.

            Tôi không được gặp người vợ thứ hai, thứ ba của  Lê Ân, nhưng  bà Lan, người vợ thứ nhất của ông thì ở cùng quận Tân Bình với tôi.  Dù đã ngoài bảy mươi tuổi nhưng bà Lan còn nhanh nhẹn,  minh mẫn.



            Bà Lan kể, năm 13 tuổi Lê Ân từ  Quảng Nam vào Sài Gòn, trên người chỉ có  một bộ quần áo và cái kéo, không  họ hàng thân thích. Lê Ân xin vào làm thuê cho một  tiệm may. Nhờ sáng dạ nên chẳng bao lâu Lê Ân  trở thành một thợ giỏi, lương cao. Khi đã có chút vốn liếng và tay nghề, Lê Ân thuê một chiếc máy may Singer mở tiệm may riêng.

             Bà Lan là con gái của một gia đình khá giả,  học hành tử tế, và khá xinh  nên có nhiều người để ý, nhưng bà  không chịu ai mà  thương Lê Ân vì ông biết tự lập.  Lê Ân cũng đã nặng lời thề với bà: “Nếu không lấy được em sau này anh sẽ gặp em bằng một nắm đất và một lọn tóc”. Hai người cưới nhau vì tình yêu đích thực dù gia đình bà Lan không đồng thuận.
               Ăn ở với nhau đã có sáu mặt con, trai gái đủ cả và tài sản cũng khá nhờ kinh doanh thuốc tây, đô la, xe đò. Bà Lan nói, nhờ bà nhanh nhẹn và khéo giao thiệp nên buôn bán rất phát đạt. Khi sẵn tiền  Lê Ân sinh tật gái gú cờ bạc . Có lần bà về Nha Trang  mấy ngày  khi quay lại Sài Gòn thì ông đã bán mất mấy chiếc xe hơi ném tiền vào sòng bạc. Đó chính là lý do hai người phải ly dị. Trước tòa  Lê Ân nhận trách nhiệm nuôi 4 đứa con, bà Lan nuôi 2 đứa, nhưng mấy chục năm qua ông để một mình bà nuôi hết 6 đứa con, còn mình làm giàu và lấy hết vợ này đến vợ khác. Người con trai lớn của Lê Ân cho biết thêm: “Trong khi cha tôi giàu có như vậy mà không bao giờ nghĩ đến con cháu. Tôi bị tai nại giao thông gãy chân và mấy cái xương sườn không có tiền chữa bây giờ vẫn mang tật…”.

               Lê Ân nói đó là những điều bịa đặt. Cả đời ông chưa bao giờ cầm lá bài chơi một ván sì lát, thâm chí ông rất ghét bài bạc. Tôi tin  Lê Ân nói đúng vì phàm đã làm “ bác thằng bần ” khó có thể chí thú làm giàu. Đằng này  ông là một người rất chí thú làm giàu. Khi làm nghề may Lê Ân nổi danh khắp đô thành Sài Gòn với CHIÊN'STAYLOR, khi bán thuốc tây  thì Pharmacy của Lê Ân  lớn nhất nhì khu Hòa Hưng. Đặc biệt Lê Ân đã đạt đến đỉnh cao khi bắt nhập vào nghề kinh doanh đô la và hàng viện trợ của Mỹ. Ông vào tận doanh trại quân đội Mỹ và Việt Nam cộng hòa dùng đô la xanh mua đô la đỏ (loại tiền chính phủ Mỹ in riêng phát cho quân đội trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam), rồi dùng đô la đỏ mua hàng viện trợ  dành riêng cho quân đội theo chế độ ưu đãi đăc biệt. Tiền đẻ ra tiền và Lê Ân đã trở thành đại gia từ ngày đó.  Ông  Phạm Sanh,  người  nổi tiếng với câu nói: “Tao mua cả khu phố Bảy Hiền này khỏi cần trả giá ”  còn phải ngả mũ bái phục người đồng hương tuổi trẻ tài cao Lê Ân .

               Sau giải phóng, trong khi hầu hết các nhà tư sản, tiểu tư sản  mất hết tài sản và bị đẩy đi kinh tế mới, thì Lê Ân thoát nạn. Thoát nạm vì trước khi có chiến dịch cải tạo tư sản  Lê Ân đã vì bị bắt khi vượt biên. Trong họa có phúc là vậy.
              Nhờ số tài sản Lê Ân phân tán cho anh em bà con cất giữ trước lúc vượt biên nên khi ra tù ông có vốn làm ăn. Và ông đã gặp thời.

              Qũy tín dụng Hòa Hưng với biểu tượng con gà  đẻ trứng vàng của Lê Ân ra đời cuối thập kỷ 80. Đó là thời kỳ hàng loạt quỹ tín dụng bung ra  với lãi suất huy động vốn tăng nhanh đến chóng mặt. Có anh mù bẩm sinh như Huỳnh Là cũng trở thành ông chủ quỹ tín dụng huy động được cả trăm tỷ bạc. Đặc biệt Nguyễn Văn Mười Hai đẻ ra nước hoa Thanh Hương làm bốc mùi khắp Sài Gòn. Và,  rồi sụp đổ đồng loạt.

              Tín dụng Hòa Hưng  không bị cuốn vào cơn lốc đó, vì Lê Ân không nhắm vào mấy đồng tiền còm của  các cụ hưu trí. Đối tượng chính của Hòa Hưng lúc đó là những người làm ăn với các nước trong khối SNG, đặc biệt là nước Nga. Với kinh nghiệm mua bán đô la xanh, đỏ  trước giải phóng,  Lê Ân xoay sang buôn bán đồng Rúp. Tín dụng Hòa Hưng là  trạm trung chuyển đồng Rúp từ Nga về, đổi thành  tiền Việt với tỷ giá có lợi nhất cho Lê Ân. Khi  Huỳnh Là, Nguyễn Văn Mười Hai kéo theo cả Nguyễn Quang Lộc, nguyên đại biểu Quốc hội, vào tù thì Lê Ân ôm đống tiền vỗ tay cười khanh khách. Qủa thật tôi chưa thấy ai có điệu cười như đại gia Lê Ân, vừa giòn, vừa nẩy, nghe vừa vui, vừa khinh mạn lại có nét đêu đểu thế nào.  Nămnay đã bảy mươi lăm tuổi,  tóc Lê Ân vẫn chưa bạc, răng vẫn chắc và vẫn giữ nguyên cái tiếng cười khanh khách đó.

                  Khi Tín dụng Hòa Hưng - con gà đẻ trứng vàng của Lê Ân - giải thể, người ta bố trí cho ông làm thành viên sáng lập ngân hàng Đại Nam. Vốn hay cãi và “nghênh ngang chẳng biết trên đầu có ai ”,  Lê Ân  vứt vào đó 300 triệu tương đương 30 ngàn  đô la, rồi cười khanh khách bảo “tùy mấy anh muốn làm gì thì làm”.

                Bấy giờ ở Vũng Tàu có một quỹ tín dụng của Hội phụ nữ nợ dân không trả được. Đích danh bà Nguyễn Thị Định gọi điện cho Lê Ân nhờ ra tay cứu cái quỹ tín dụng  này, cũng là cứu uy tín Hội phụ nữ. Lê Ân  nghe theo, bỏ ra hơn mười tỷ trả nợ thay, và biến cái quỹ tín dụng phá sản thành Ngân hàng  cổ phần thương mại Vũng Tàu  (VCSB).

                VCSB có đầy đủ bộ sậu của một ngân hàng, Chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc và các phòng ban, nhưng tất cả chỉ là những con rô bốt do Lê Ân điều khiển. Từ một mẩu thư giao dịch đến một khế ước cho vay đều phải qua tay Lê Ân. Lê Ân quản lý tiền bạc với tư duy  anh thợ may, chi li từng đường kim mũi chỉ. Bản chất  của con người xứ Quảng cộng với cuộc sống tự lập từ nhỏ khiến Lê Ân tính toán rất sắc sảo, nắm giữ tiền bạc rất chặt chẽ. Đối với Lê Ân, trong kinh doanh khôn sống dại chết không có kẽ hở cho tình cảm len vào.
                 Lê Ân có một người đồng hương là Tường làm nghề y tá nên mọi người quen gọi y tá Tường. Năm 1993, y tá Tường bỏ nghề y sang nghề may mặc xuất khẩu theo lời khuyên của Lê Ân xây xưởng to đùng ở Tân Kỳ, Bình Tân. Lê Ân tỏ ra rộng rãi tài trợ cho y tá Tường gần 3 tỷ đồng với điều kiện thế chấp toàn xưởng may đó vào VCSB. Hơn một năm sau, chưa hoàn chỉnh máy móc thiết bị, trong khi lãi chồng lãi ở VCSB không trả nổi, thế là phải giao toàn bộ cái xưởng đó cho Lê Ân. Một người bạn khác thế chấp cho VCSB  khu đất vàng cả chục nghìn mét vuông, ở bãi sau thành phố Vũng Tàu để thực hiện dự án xây khách sạn Hoa Hướng Dương. Lúc đầu  Lê Ân hứa đầu tư trọn gói nhưng rồi bỏ lửng ngó lơ. Cuối cùng khu đất vàng ấy về tay Lê Ân đáng giá hàng trăm tỷ. Mấy chục mẫu đất ven biển Vũng Tàu mà Lê Ân xây dựng Làng du lịch Chí Linh bây giờ nguyên là đất quốc phòng  mà Lê Ân cũng lấy được một cách hợp pháp … Nhờ vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn VCSB đã nâng vốn pháp định lên gấp ba lần ban đầu. Tiền chảy vào túi Lê Ân như nước.

              Lê Ân  làm tiền giỏi mà  đi tù cũng giỏi. Trước giải phóng bị bắt đi “lao công đào binh” mấy lần trước khi  bị đẩy vào sư đoàn 5 bộ binh. Nhờ đút lót cho tướng Lý Tòng Bá nên không phải ra trận, rồi được giải ngũ sau gần một năm mặc áo lính. Sau giải phóng ba lần vượt biên  bị tóm cả ba lần. Có lần bị công an Bến Tre cho bóc lịch gần ba năm. Và mới đây, năm 2002 bị cái án 14 năm tù khi đang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị VCSB. Lê Ân nói với tôi, mỗi lần ông đi tù lại mất một bà vợ.
               Ba người vợ đầu Lê Ân đã đúc tượng ở làng du lịch Chí Linh.
               Người vợ thứ tư của Lê Ân là Lê Đỗ Hạnh Kiều  quê Long An, một phụ nữ  xinh đẹp và ăn nói dịu dàng.  Đó chính là người đã kề vai sát cánh với Lê Ân từ tín dụng Hòa Hưng đến ngân hàng cổ phần thương mại Vũng Tàu.  Khi VCSB còn hoạt động vợ chồng Lê Ân  như hình với bóng , dù ở trụ sở đường Trần Hưng Đạo - Vũng Tàu, hay  Văn phòng Đặng Tất, Sài Gòn hoặc ra chi nhánh ở Hà Nội, bộ  Comple  sặc sỡ của Lê Ân dịu bớt nhờ bộ áo dài màu thiên thanh của bà Kiều. Và sự hài hòa ấy giúp cho Lê Ân thành công trên thương trường cũng như trong cuộc sống thường nhất.  Lê Ân đã có lần nói với tôi: “Không ai có thể thay thế được Hạnh Kiều vợ tôi”.
                Tôi còn nhớ khi Lê Ân bị bệnh và bị cơ quan điều tra vây bủa,  phải nằm điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, lúc nào bà Kiều cũng có mặt, vừa chăm sóc chồng vừa ứng phó với mọi tình huống. Phải nói bà Kiều chính là một nửa của Lê Ân.
                Trong thời  gian Lê Ân ở trong  tù, thỉnh thoảng bà Kiều vẫn gọi điện cho tôi nói rất thương Lê Ân và sẽ cố gắng làm hết sức mình để ông thoát nạn sớm. Tôi không ngờ khi Lê Ân được ân xá, thì việc đầu tiên ông thông báo với tôi là bà Kiều đã phản bội ông, đồng lõa với một thuộc cấp toan chiếm toàn bộ công ty Lê Hoàn, thậm chí còn định đầu độc ông. Tôi gặp bà Kiều hỏi thiệt hư ra sao vì tôi coi hai người cùng là bạn, bà Kiều chỉ khóc và nói với tôi: “Mọi việc đều có trời chứng giám anh ạ! Tôi không muốn nói một lời nào về anh Lê Ân cả!”

                Một buổi sáng cách đây ba năm, Lê Ân gọi điện mời tôi xuống chơi và khoe vừa cưới vợ mới. Đó là một cô gái 25 tuổi, nguyên là nhân viên  trong Công ty Lê Hoàn. Ông Lê Ân nói với tôi: “ Ngay sau khi ở phiên tòa ly hôn bà Kiều về, tôi chỉ đạo văn phòng phải tổ chức cưới vợ cho tôi ngay. Tôi nói nếu cô này không chịu thì kiếm một bà bán ve chai ve số cũng được, phải cưới ngay !”.
              Tôi hỏi tại sao gấp vậy? Lê Ân cười khanh khách đáp: “Một giải pháp tình thế thôi mà!”.  Cái giải pháp tình thế của Lê Ân là để ngăn không cho bà Kiều khiếu nại đòi chia tài sản sau khi ly hôn.
             Lễ cưới cô nhân viên văn phòng được tổ chức trong khuôn viên Làng du lịch Chí Linh, có báo chí và nhiều quan khách tới dự. Ngay trong tiệc cưới ấy Lê Ân  ra mắt  Qũy từ thiện dành cho trẻ mồ côi và tuyên bố hiến trọn tài sản cho quỹ này. Lê Ân thuê làm một tấm pano lớn trưng trước quầy tiếp tân nhà hàng, in hình Lê Ân mặc Comple  bên  người vợ trẻ mặc xoa rê, với hàng chữ  “Tỷ phú Lê Ân và phu nhân đã quyết định hiến trọn tài sản và tiền mặt trị giá 15.000 tỷ cho quỹ từ thiện trẻ mồ côi và thiếu may mắn”.

               Bà Kiều không có bất kỳ đơn từ gì về việc chia tài sản, Lê Ân đã hoàn thành xuất sắc vở kịch “giải pháp tình thế ”mà ông vừa là đạo diễn vừa là diễn viên chính.
              Cái bánh từ thiện khổng lồ trị giá 15 nghìn tỷ của Lê Ân  mới được cắt cho một thằng bé ở miền Tây được 10 triệu đồng thì tấm pano quảng cáo đã bị hạ xuống. Đó là lúc Lê Ân chia tay người vợ thứ năm mà ông đã dùng vào  giải pháp tình thế của mình. Tôi không viết tên người phụ nữ này, bởi mọi người trong công ty nói với tôi: “Tội nghiệp chị ấy, chị ấy hiền lành không biết mình bị lợi dụng, chú đừng nêu tên chị lên khổ thân chị ấy ”.

               Tình yêu như sét đánh đối với Lê Ân khi một cô gái 19 tuổi đến xin việc làm ở công ty Lê Hoàn. Lê Ân hỏi: “Em có muốn lấy tôi làm chồng không?”. Cô gái đáp: “Việc ấy để em suy nghĩ vài ngày!”. Chả cần vài ngày, cô này đã OK ngài tỷ phú.

             Một đám cưới làm tốn nhiều giấy mực của các nhà báo, với một  một  đoàn siêu xe diễu khắp thành phố biển Vũng Tàu, với những sấp tiền dẫn cưới mới rượi phơi lên mặt báo, với những lời khoe khoang làm cho những người không giàu lòng tự trọng lắm cũng phải đỏ mặt. Lê Ân khoe rằng Mai Mai vợ ông 19 chín tuổi là sinh viên xuất sắc  và còn trinh, ông là người đặt cái hôn đầu tiên mà cái hôn đó cũng phải chờ đúng ngày hợp hôn mới trao cho nhau?  Và: “Mai Mai vợ tôi là người toàn mỹ nhất trên thế gian này !”.



           Lời khen Lê Ân dành cho cô vợ thứ 6 này thật kêu nhưng so sánh với người vợ thứ nhất và thứ tư thì không sâu bằng. Người vợ thứ tư Lê Ân nói không ai có thể thay thế được, còn với người vợ thứ nhất là một lời thề trích trong kinh Thánh. Nhưng tất cả đều đã trôi tuột đi rồi.

             Cái còn đọng lại là một sự bẽ bàng: Lê Ân quyết đưa ra tòa  để đòi lại căn nhà bà Lan  và con cháu của ông đang ở ?.

              Một người đang sử dụng chiếc xe ROLLROY trị giá hơn hai chục tỷ và một dàn  siêu xe khác, lại vừa bỏ ra 6 tỷ mua tặng vợ mới chiếc BMW X7. Một ông chủ của Làng du lịch Chí Linh tự khoe mỗi ngày thu lời hàng trăm triệu. Một người giàu lòng bác ái đến mức hiến trọn tài sản trị giá 15 nghìn tỷ đồng cho quỹ từ thiện. Vậy mà chính con người đó quyết đòi bằng được căn nhà trị giá khoảng 10 tỷ đồng mà người vợ cũ cùng con và cháu nội mình đang ở.

               Lê Ân nói với báo chí rằng ông đòi nhà không phải vì tiền? Vậy thì vì cái gì nhỉ? Vì hận thù hay thiếu sự bao dung chăng? Người viết bài này xin mượn một câu Kinh Thánh để mong một kết thúc có hậu: “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy rẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy !”.

                Tôi mong ông Lê Ân hãy đập bỏ ba bức tượng kém thẩm mỹ kia đi và rút lại đơn kiện đòi nhà người vợ cũ .

 M D

.../.