Hai én năm voi



Hai én năm voi

http://sgtt.vn/Kinh-te/186628/Hai-en-nam-voi.html



ALAN PHAN

Theo phong tục, mùa xuân nên nói toàn chuyện lạc quan để lấy hên. Nhưng không thể bịt mắt để mơ mộng về “tiền rừng bạc biển”, về “tự hào dân tộc” hay về “quốc gia công nghiệp cho 2020”. Với tôi, ý nghĩa của mùa xuân là sự định giá chuẩn xác vị trí của mình và một kế hoạch bài bản để thực hiện nghiêm túc, đem lại một mùa xuân đích thực cho quê hương.



Nhà máy Samsung tại khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh khởi công từ năm 2009. Samsung là một trong những nguồn FDI lớn ở Việt Nam.



Dĩ nhiên đến một lúc nào đó, những chùm hoa mai, hoa cúc… rồi sẽ đâm chồi, những con chim trốn tuyết rồi lại quay về cố hương và những hy vọng mới về một tương lai tốt đẹp hơn sẽ đến trong lòng số đông. Nhưng hiện nay, ngay tại quê hương, chúng ta vẫn phải trực diện với những vấn nạn chưa giải quyết được, dù vài tín hiệu cho thấy sự đổi thay cũng gần kề.
Hai điểm sáng duy nhất của kinh tế xứ này, và dĩ nhiên chúng sẽ đem theo những điều chỉnh về chính trị và xã hội, là sự phát triển mạnh của khu vực FDI (đầu tư từ nước ngoài) và TPP (hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương). Sự ký kết và thực hiện TPP được nhiều chuyên gia tiên liệu vào cuối năm 2014 sẽ mở rộng thị trường may mặc, giày dép… và đương nhiên cũng lôi kéo thêm nhiều FDI trong lãnh vực này.
Trong khi đó, gia tăng của FDI sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho nhân công, cho họ một thu nhập cao hơn, kích thích tiêu dùng và ổn định xã hội. Các đầu tư của nước ngoài cũng gián tiếp ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và bất động sản, hạ áp lực về nợ xấu ngân hàng và ngân sách chính phủ.
Ở bình diện khác, có những thử thách quá lớn như “năm con voi to tướng trong phòng” có thể giảm thiểu, ngay cả phá vỡ, tác dụng của hai “con én” FDI và TPP, đang lẻ loi trong mùa xuân mới.
Năm con voi đó là:
Bình cũ rượu cũ
Kinh nghiệm khi nhìn qua Trung Quốc và những cố gắng cải cách gần đây của ông Tập Cận Bình và nhóm lãnh đạo bao quanh là một sự thất vọng của hành động nửa vời. Khi nhất định giữ cơ chế chính trị và quyền lợi của nhóm tư bản đỏ qua sự chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, mọi thay đổi về kinh tế sẽ hời hợt và chỉ gia tăng lợi thế của khu vực FDI. Thực ra, nhóm lãnh đạo Trung Quốc cũng không đủ quyền lực để lựa chọn. Ngày xưa, khi ông Đặng Tiểu Bình thực hiện “cải cách”, kinh tế Trung Quốc còn nghèo và nhóm lợi ích rất thưa thớt. Ngày nay, đối thủ của ông Tập mạnh và giàu hơn nhiều. Mọi người thoả hiệp là “bứt dây động rừng” nên có lẽ họ không thực sự muốn thay đổi.
Chỉ số “giàu nghèo”, “thành phố – nông thôn”, “các tỉnh Đông – Tây”… vẫn rất nhiều khác biệt và sự bất mãn của đa số dân Tàu nghèo vẫn ám ảnh an sinh xã hội. Kinh tế sẽ vẫn bế tắc về lâu dài và mọi thay đổi đang được đẩy lùi về phía sau để một thế hệ trẻ mới của Trung Quốc tự lo liệu.
Việt Nam đang sao chép kịch bản tái cấu trúc này của Trung Quốc.
Yếu kém của khu vực tư nhân
Sau tám năm thử thách khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp tư nhân Việt vẫn bộc lộ nhiều yếu kém, dù cạnh tranh trên sân nhà, với chi phí điều hành thấp và vẫn được bảo vệ với nhiều đặc lợi trong nhiều lãnh vực. Ngoài việc sản xuất gia công và tiến bộ trong nông nghiệp, thành quả về tài chánh cho thấy sự thua yếu trong quản trị, thiếu sót về sáng tạo, nhất là kiến thức kinh nghiệm về biển lớn ngoài kia.
Thử thách lớn nhất vẫn là một tư duy “xin – cho”, làm ăn theo quan hệ… đã mọc rễ sau 80 năm của bao cấp, tiểu nông và gia đình.
Không một thương hiệu Việt nào có thể xâm nhập thị trường Âu Mỹ dù lợi thế nguyên liệu về gạo, càphê, giày dép, nội thất… rất dồi dào. Thay đổi tình thế là việc làm khả thi, nhưng sẽ mất rất nhiều năm ngay cả thập kỷ.
Yếu tố thời gian
Trong khi đó, những tiến bộ về công nghệ mới, hệ thống quản trị, nguồn lực tài chánh… của thế giới không ngừng tăng tốc. Trong định chế cạnh tranh tự do, không ai chờ đợi Việt Nam tái cấu trúc để cùng song hành. Điều này có nghĩa là sự cách biệt về kinh tế của các nước đang và đã phát triển so với các nước tụt hậu sẽ mỗi ngày mỗi lớn.
Với thông tin đa dạng và cập nhật từng giây qua internet, áp lực đòi hỏi từ dân chúng, từ nhu cầu mới, từ thu nhập… sẽ vô cùng lớn lao, gây bất ổn trầm trọng cho an ninh xã hội.
Giáo dục văn hoá
Một yếu tố quan trọng và luôn luôn là khởi điểm cho mọi phát triển hiện đại là dân trí hình thành từ nền giáo dục khai phóng tự do. Những hiện tượng gần đây xảy ra trong hành xử nhỏ nhặt nhất của tương tác xã hội (nạn hôi của, lừa đảo, chụp giựt, côn đồ, vô cảm…) cho thấy Việt Nam còn mất ít nhất vài ba thế hệ nữa mới sản sinh một đa số văn minh và có đạo đức dân sự.
Hiện tượng du học cao độ chẳng qua là một hình thức tỵ nạn vì hệ thống giáo dục trong nước gần như không còn điểm sáng. Sự tuyệt vọng của các bậc phụ huynh, cô thầy cũng như con em học sinh hiện rõ qua từng lời kêu cứu trên mọi mạng truyền thông, trái hay phải.
Nền giáo dục hiện tại còn tiếp tục thì chuyện phát triển đất nước cho kịp đà tiến của nhân loại vẫn chỉ là một kiểu “chém gió”, càng nói nhiều càng thấy khôi hài.
Môi trường an sinh
Quan trọng hơn hết, để có cuộc sống khả dĩ chấp nhận được, con người cần một môi trường bảo bọc yên ấm của gia đình, bạn bè, tha nhân. Khi chúng ta phải đối diện hàng ngày với thực phẩm pha trộn hoá chất độc hại, nước và không khí ô nhiễm tệ hại, trộm cướp từ những người quen hay sơ, phong bì đều đều cho các quan… thì tâm không an và thân xác thì phó mặc cho may rủi. Ngay cả khi vào bệnh viện, không ai biết những gì sẽ xảy ra cho mình vì một hệ thống y tế cực kỳ xuống cấp trên mọi góc độ.


ALAN PHAN