Tại sao tôi xin tỵ nạn chính trị?



Tại sao tôi xin tỵ nạn chính trị?

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/intervw-d-x-hung-02042014051700.html



Ông Đặng Xương Hùng, nguyên lãnh sự Việt Nam tại Genève 


Ông Đặng Xương Hùng, nguyên lãnh sự Việt Nam tại Genève trong nhiều năm đã chính thức nộp đơn xin tỵ nạn vào ngày 18 tháng 10 năm ngoái và đơn xin của ông đang được Thụy Sĩ xem xét. Mặc Lâm phỏng vấn ông Đặng Xương Hùng để tìm hiểu thêm lý do nào khiến một cán bộ ngoại giao cao cấp từ bỏ chức vụ, quyền lợi để gia nhập vào lực lượng tranh đấu cho dân chủ nhân quyền cho Việt Nam.

Mặc Lâm: Thưa vào ngày hôm qua có nhiều thông tin cho biết ông xin tỵ nạn chính trị, xin cho biết là ông chính thức nộp đơn xin tỵ nạn vào lúc nào?
Ông Đặng Xương Hùng: Chiều hôm qua chỉ là thông tin trên báo chí còn thủ tục thì tôi đã làm cách đây ba tháng rồi.
Mặc Lâm: Bên Thụy Sĩ chính thức chấp nhận đơn xin tỵ nạn của ông chưa ạ?
Ông Đặng Xương Hùng: Chưa ạ. Đang trong quá trình xét đơn
Mặc Lâm: Thưa ông chúng tôi rất ngạc nhiên vì hành động dứt khoát và rất ngoạn mục của ông. Thứ nhất từ bỏ đảng rồi tiếp theo là xin tỵ nạn chính trị. Xin ông cho biết động cơ nào mạnh đến nỗi khiến ông chọn một thế đứng khác chấp nhận từ bỏ tất cả từ chức tước tới quyền lợi và đối mặt với chính quyền Việt Nam với vô vàn nguy hiểm trước mặt?
Ông Đặng Xương Hùng: Thật ra với thực tế đang diễn ra tại Việt Nam từ khi bức tường Berlin sụp đổ chúng tôi đã thấy sự thất bại của chính quyền, của đảng. Mọi chính sách điều hành đất nước đều thất bại. Tôi là người trong cuộc, một bộ phận của bộ máy nhà nước, của đảng trong thâm tâm nhất định nào đó tôi rất lo ngại nhưng cũng có niềm tin, nuôi hy vọng rằng một lúc nào đó đảng Cộng sản người ta sẽ sáng mắt ra và phải thay đổi
Thực ra trên thế giới này chỉ còn có Trung Quốc, Việt Nam, Cuba với Bắc Triều Tiên còn theo cộng sản thì một người bình thường người ta cũng thấy điều đó là một sự vô lý rồi. Mình cứ cười Bắc Triểu Tiên nhưng mình chả khác gì họ cả. Gần đây thỉ thôi rồi, không còn tin nữa! thất vọng hoàn toàn vì các bác cứ giữ điều 4 các bác ấy tuyên bố là một thế kỷ nữa chủ nghĩa Xã hội mới có thể thấy được tại Việt Nam, rồi sức mạnh nhân dân là ở sự lãnh đạo của đảng.
Rồi yếu tố Trung Quốc nữa. Họ không thấy được rằng lãnh đạo Trung Quốc đang ngồi cười khoái trá ở Bắc Kinh vì thấy Việt Nam đang trong tình trạng hỗn loạn nên nó thích lắm. Các bác không bao giờ nhận ra điều đó vì Trung Quốc chưa bao giờ ngưng việc muốn thôn tính Việt Nam. Bây giờ cơ hội cho nó thôn tính không cần bằng súng đạn nữa. Các bác cứ muốn có chỗ đứng trong lịch sử. Mình phải đứng trong lòng của người dân. Các bác và đảng tồn tại như thế này thì chỉ là tồn tại vật lý mà thôi.
Mặc Lâm: Trước khi có quyết định này chắc là ông đã phải cân nhắc rất kỹ vì tính chất nguy hiểm của nó. Ông là người đương chức đương quyền nên sự nguy hiểm cao nhơn rất nhiều lần so với người khác…
Ông Đặng Xương Hùng: Cân nhắc chứ. Cân nhắc nhiều lắm chứ vì mình còn đang ở bộ phận được hưởng lợi mà bỏ đi. Rồi sự đe dọa nữa ai mà chả sợ? Ai mà chả sợ nhất là sợ sự tàn ác, trả thù của Việt Nam? Nó rất quỷ quái, nó không những chỉ trả thù cá nhân đâu mà vào gia đình, vào những người khác của mình làm cho mình nhụt chí đi. Có những người không sợ với cá nhân họ nhưng người ta sợ việc làm của họ sẽ ảnh hưởng đến gia đình người thân. Nếu người nào đã xác định được giới hạn cuối cùng của sự trả giá để vượt qua nỗi sợ đó thì chả còn gì là sợ nữa.
Mặc Lâm: Thái độ quay lưng của ông có thể bắt đầu cho một hành trình mới đó là tranh dấu cho dân chủ tự do và nhân quyển bên ngoài đất nước?
Ông Đặng Xương Hùng: Tôi cho là ít nhất phải làm một điều gì đó. Trước nhất là tỏ thái độ cái đã. Đi là tỏ thái độ rồi. Ra đi bỏ cả chức vụ bỏ cả đảng là tỏ thái độ rồi. Tỏ thái độ dứt khoát hơn nữa mình sang đây rồi thì hòa nhập vào lực lượng đấu tranh cho dân chủ nhân quyền cho Việt Nam. Đấu tranh cho một nước Việt Nam có dân chủ, tôn trọng nhân quyền và hòa nhập với thế giới văn minh. Đó là tương lai tươi sáng cho đất nước Việt Nam chứ.
Mặc Lâm: Thưa ông trong những lúc gần đây rất nhiều người tuyên bố bỏ đảng rồi kể cả ông nữa…theo ông thì làn sóng này phát xuất từ nguyên nhân nào, có phải vì bất mãn cá nhân hay cái xu thế nhìn lại quan điểm chính trị của mình phải tới lúc như vậy?
Ông Đặng Xương Hùng: Theo tôi từ sau khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua sửa đổi hiến pháp thì rõ ràng có một làn sóng bỏ đảng. Bởi vì sự bỏ phiếu của Quốc hội thông qua hiến pháp tức là việc đảng khăng khăng phớt lờ cái nguyện vọng của nhân dân đi, đi ngược lại với nguyện vọng đó thì làn sóng bỏ đảng, bỏ công khai như bác Lê Hiều Đằng hay như tôi cũng có, bỏ âm thầm cũng có, đốt thẻ đảng cũng có, bỏ sinh hoạt đảng mà không tuyên bố cũng có. Mỗi người chọn cho mình hình thức phù hợp nhất vì mỗi người một hoàn cảnh.
Có người lo không chiến thắng được bản thân mình là vì bỏ đảng là công nhận nhận thức của mình từ trước tới nay vể đảng, về chủ nghĩa xã hội, về chủ nghĩa Mác Lê là sai lầm. Nhất là các bác lớn tuổi phần lớn bây giờ bỏ sinh hoạt vì họ cho rằng sinh hoạt đảng, đóng góp cho đảng là vô giá trị bởi vì ai có tâm huyết đến đâu chăng nũa thì tiếng nói của mình chả đi đâu vào đâu cả. Họ nghĩ rằng chẳng ích lợi gì cho đất nước khi sinh hoạt đảng.
Trước những yếu kém điều hành đất nước lại cố tình đi theo cái cách làm cũ. Với cách làm cũ, với suy nghĩ cũ thì chỉ cho ra kết quả cũ mà thôi. Mà kết quả cũ thế nào thì mọi người đều thấy rối.
Mặc Lâm: Xin một câu hỏi cuối, thưa ông mới đây Phó thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nói với báo chí rằng lúc nào cũng có thế lực muốn chống phá về vấn đề nhân quyền của Việt Nam mặc dù Bộ ngoại giao đã rất cố gắng cải thiện nó. Là một cán bộ ngoại giao ông nghĩ thể nào về những phát biểu đó?
Ông Đặng Xương Hùng: Với cá nhân anh Phạm Bình Minh Phó thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao thì tôi rất kính trọng và khâm phục. Tuy nhiên phát biểu của anh ấy vừa rồi thì tôi thấy là các anh ấy dù đã đứng trong vị trí Phó thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao nhưng vai trò của anh ấy cũng chỉ thực thi cái chỉ đạo của Bộ chính trị, do đó bài phát biểu của anh ấy thì bản thân tôi tôi thấy là không khéo léo. Anh ấy có thể nói theo một cách khác. Nếu nói như vậy trong nội bộ đảng để khuyến khích lẫn nhau thì được chứ còn nói ra với bên ngoài thì điều đó là cái bệnh của lãnh đạo khi phải thi hành chỉ thị của đảng.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.



..../.