Đôi dép Nhật và cách làm chính sách





Đôi dép Nhật và cách làm chính sách


http://plo.vn/ho-so-phong-su/doi-dep-nhat-va-cach-lam-chinh-sach-445407.html



Thay vì cấm do không quản lý được, chính quyền Nhật chủ động tạo sự hấp dẫn cao độ trong chính sách để người dân tự nguyện làm theo.
Khi đến thăm các gia đình tại Nhật, không ít người Việt tỏ ra bất ngờ và thán phục sự chỉn chu của người Nhật. Họ cẩn thận, chăm chút đến từng chi tiết trong mọi việc. Ngay cả những việc rất nhỏ như xếp đặt những đôi dép khi sử dụng xong. Chúng nằm ngay ngắn, hướng đầu về phía trước như biểu lộ sự lo xa và sẵn sàng hành động của các chủ nhân.
Vậy nên đối với những chuyện lớn như làm chính sách, chính phủ Nhật cũng rất chủ động tạo sự thoải mái ở mức cao nhất cho người dân. Việc này không khó chứng minh qua cách làm chính sách trong ngành giao thông và ngành nông nghiệp của xứ sở hoa anh đào.

Giao thông công cộng hấp dẫn hơn đi xe máy

Giao thông là một trong những điểm sáng trong việc xây dựng và thực thi chính sách của chính phủ Nhật. Khi đến Nhật, không ít các sinh viên Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Việt Nam tỏ ra thích thú với hệ thống giao thông tại đây. Bởi lẽ các con phố lớn, nhỏ đều rất thông thoáng, khác hẳn với khung cảnh dày đặc và chi chít xe như tại Bangkok (Thái Lan) hay tại Hà Nội, TP.HCM. Chưa kể hệ thống phương tiện di chuyển công cộng như xe buýt, tàu ngầm, tàu cao tốc tại đây rất phát triển.



 
Thanh niên Nhật an tâm thụ hưởng những thành quả mang tính thế kỷ. Ảnh: ĐỖ THIỆN



Như nhiều nước trên thế giới, chính phủ Nhật cũng không muốn người dân phải sử dụng xe máy di chuyển, vì họ cho rằng mấy mươi triệu phương tiện mô tô vừa làm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, kẹt xe… và tăng lượng phát thải khí nhà kính mà chính họ phải đi mua quyền phát thải từ nhiều nước khác.
Thế nhưng chính phủ Nhật không cấm người dân đi xe máy, trừ một số khu vực đặc biệt như trường học, bệnh viện. Họ hiểu rằng người dân cũng muốn bảo vệ môi trường và ghét nạn kẹt xe. Thay vào đó, chính phủ Nhật hiểu rõ trong thời đại công nghiệp và toàn cầu hóa, dân Nhật cần nhanh chóng, tiện lợi, linh hoạt và an toàn trong di chuyển. Đây là điều quan trọng giúp chính phủ Nhật xây dựng chính sách theo kiểu nhà nước kiến tạo phát triển. Đó là thay vì ra sức chống tai nạn giao thông hay cấm đi xe máy thì họ tập trung phát triển hạ tầng giao thông công cộng tốt nhất để hạn chế tai nạn và người dân tự nguyện không đi xe máy.
Trong khu đô thị tại TP Kyoto, một trong những thành phố sầm uất nhất Nhật, xe buýt dường như lúc nào cũng có mặt trên các tuyến đường. Đường sá tại Nhật tuy không rộng nhưng nhờ lượng xe máy “đếm trên đầu ngón tay” và lượng xe ô tô cũng khá khiêm tốn nên xe buýt di chuyển nhanh, tiện, giá cũng không quá đắt đỏ. Tốc độ trung bình xe buýt đạt khoảng 50-60 km/giờ, điều mà người đi xe máy sẽ rất khó khăn mới làm được dưới tiết trời giá lạnh và độ an toàn không cao.
Bên cạnh đó, mạng lưới dày đặc các loại tàu cao tốc của Nhật cũng thu hút đông đảo người dùng. Tốc độ các loại tàu công cộng của Nhật có khi lên đến 300 km/giờ, có thể đến mọi nơi trong và ngoài TP Kyoto và liên đới với các thành phố khác. Xuất phát từ Kyoto đến tỉnh Mie bằng tàu Shinkansen với chiều dài đường đi tầm 900 km thì chỉ mất khoảng ba tiếng.







Khi vào phòng, người Nhật luôn để giày dép ngăn nắp và hướng ra phía ngoài. Họ làm chính sách cũng chủ động và chu đáo như thế. Ảnh: ĐỖ THIỆN


Nông nghiệp: Chuẩn bị 20 năm chưa phải là đủ

Trong câu chuyện mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là ngành nông nghiệp, chính phủ Nhật hết sức thận trọng trước những lợi ích và rủi ro. Điển hình nhất là việc Nhật tham gia vào vòng đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP). Đây được xem là một trong ba mục tiêu quan trọng của chính quyền Shinzo Abe.
Việc tham gia vào khối TPP, một trong những hiệp định mậu dịch tự do giữa 12 nước, trong đó có những quốc gia lớn như Mỹ, Canada, Úc… sẽ mở ra cho Nhật thị trường xuất khẩu rộng lớn cho các mặt hàng vốn là thế mạnh của Nhật như điện tử, ô tô… Như vậy, trong bối cảnh hàng hóa Nhật phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ hàng hóa giá rẻ Trung Quốc thì việc gia nhập TPP sẽ tạo ra ưu thế xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp, mang về nguồn ngoại tệ không nhỏ cho cường quốc kinh tế thứ ba thế giới.
Tuy nhiên, những rủi ro từ TPP sẽ ập đến với nền nông nghiệp Nhật nếu việc đàm phán không có sự thận trọng. Kết thúc vòng đàm phán thứ 20 (diễn ra tại Singapore hồi tháng 12-2013), đại diện đàm phán Nhật cương quyết đánh thuế nhằm bảo vệ năm mặt hàng nông sản mà nước này cho là nhạy cảm, trong đó có gạo. Điều đáng lưu ý là sự cương quyết này diễn ra trong bối cảnh các quốc gia đồng ý cho Nhật kéo dài thuế quan nông nghiệp trong vòng 20 năm, nghĩa là Nhật có 20 năm chuẩn bị để bắt đầu mở rộng cửa cho nông nghiệp quốc tế ùa vào. Song Nhật ý thức được nền kinh tế nội địa đang gặp khó khăn, sản xuất nông nghiệp trong nước rất đắt đỏ sau thảm họa kép hồi 2011 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Thế nên con số 20 năm vẫn chưa đủ thuyết phục để Nhật đánh cược đời sống của hàng triệu nông dân.
Thêm vào đó, Nhật cũng tỏ ra rất chủ động trong việc tìm kiếm trợ lực và chiến lược tự làm mạnh nền nông nghiệp quốc gia. Với quyết tâm hiện nay của chính quyền Abe, thời gian tới TPP rất có thể sẽ được ký kết. Như vậy, thay vì tìm cách duy trì thuế quan bảo vệ nông nghiệp nội địa, người Nhật chủ động xây dựng nội lực bằng hình thức “thuê ngoài” (outsource) ngành nông nghiệp để chiến đấu với doanh nghiệp quốc tế. Chính phủ Nhật đã và đang kêu gọi doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam) và nhiều nước nhằm đảm bảo nguồn lương thực có giá cả cạnh tranh cho nền kinh tế quốc gia trong tương lai.
Câu chuyện đôi dép người Nhật tưởng chừng không mấy liên quan gì đến vấn đề giao thông và nông nghiệp. Tuy nhiên, ở góc độ xã hội học hay chủ nghĩa kiến tạo, tư duy ngăn nắp, chủ động tạo ra sự hấp dẫn, phòng ngừa hơn chữa trị và thận trọng trong những việc nhỏ nhặt, cũng quyết định đến tính hiệu quả của chính sách nhà nước.


ĐỖ THIỆN (Từ Kyoto, Nhật)




Kiến tạo vì tương lai

Hệ thống xe công cộng người Nhật đi mỗi ngày là kết quả lao động của nhiều đời quan chức cấp cao gộp lại. Tàu siêu tốc Shinkansen, một trong những niềm tự hào lớn nhất của nền công nghiệp đường sắt châu Á và thế giới, là một minh chứng sống. Dự án tàu siêu tốc này được khởi động vào năm 1940 nhưng mãi đến 1964 mới hoàn thành phân đoạn huyết mạch đầu tiên nối liền Tokyo - Osaka.
Để làm được điều này, có người đã phải hy sinh: Chẳng hạn Thống đốc ngành đường sắt quốc gia Nhật Shinji Sogou, người được xem là cha đẻ của đường sắt cao tốc Shinkansen, đã chấp nhận bị thôi chức vì đưa ra chi phí dự án thấp hơn thực tế. Đó là một ví dụ trong vô số ví dụ về thành quả kinh tế, khoa học kỹ thuật, y tế, giáo dục… mà thanh niên Nhật đang được hưởng thụ.

Người “yếu thế” được ưu tiên đặc biệt

Ở Nhật, những người “yếu thế” như người khuyết tật, người già luôn nhận được nhiều ưu đãi và sự hỗ trợ từ nhà nước, cộng đồng trong tất cả hoạt động.
Điển hình như các con đường tại Nhật luôn có phần đường được đánh dấu rất cẩn thận cho người mù có thể tự đi lại. Tại các ngã ba, ngã tư nơi có tín hiệu đèn giao thông, mỗi khi đèn đỏ bật lên, tín hiệu đèn báo hiệu người đi bộ được phép qua đường phát sáng thì cùng lúc sẽ có âm thanh “tích tắc… tích tắc” phát ra để người mù có thể nhận biết qua đường. Nhiều tuyến xe khách, thậm chí là xe buýt được thiết kế đặc biệt phần cửa vào dành riêng cho người khuyết tật nhằm thuận tiện di chuyển đến khu vực ghế ưu tiên trên xe và xuống xe an toàn.