Nhân tranh luận tại Quốc hội, tản mạn về lập luận
GS.TS Nguyễn Đức Dân
Một
nguyên lý sư phạm cho nền giáo dục tiên tiến: cấp cần câu chứ không cho cá. Cái
cần câu cấp cho người học là phương pháp độc lập tư duy, đánh giá, phát hiện và
giải quyết vấn đề. Trước hết, đó là phương pháp tư duy phản biện mà cốt lõi là
lý thuyết lập luận. Khi có thói quen tư duy phản biện, hiện tượng được nhìn
nhận, đào sâu tới gốc rễ của nó. Hơn ai hết, giới nghị sĩ phải rèn luyện về lập
luận.
Lập luận
là gì?
Xuất phát từ
tiền đề (những sự kiện, chân lý được mọi người thừa nhận), dựa trên những lý lẽ
chúng ta đi tới những kết luận – đó là lập luận.
Có hai loại lập
luận:
Lập luận
để chứng minh một chân lý
và
Lập luận
để thuyết phục.
Loại lập luận
thứ nhất thuộc lôgích hình thức. Đó là toán chứng minh trong hình học, đại số,
vật lý, hoá học… dạy trong trường học. Lý lẽ trong loại này là những định lý,
định luật, quy tắc… đã biết.
Trong đời thường
còn có loại lập luận để thuyết phục, tạo niềm tin, nói sao cốt để người nghe
thấy “lọt lỗ tai” rồi tin theo điều mình nói hoặc từ bỏ những xác tín cũ. Lý lẽ
chủ yếu ở loại lập luận này là những lôgích đời thường: “ở hiền gặp lành” là lý
lẽ về quan hệ nhân quả, “trời kêu ai người ấy dạ” là lý lẽ về số mạng, “con nhà
tông không giống lông cũng giống cánh” là lý lẽ về dòng dõi. Đó là những lẽ
thường hay lý lẽ “hiển nhiên là thế”. Loại lập luận này thuộc lôgích phi hình
thức. Ở đây lý lẽ có tầm quan trọng hàng đầu. Chất vấn, trả lời, tranh luận
trước Quốc hội là những lập luận để thuyết phục.
Lý lẽ
trong lập luận
Những kết luận
không chứng minh, không có lý lẽ là loại lập luận quyền uy chẳng thuyết phục
được ai. Tiếc thay, loại này thường thấy trong diễn đàn Quốc hội.
“Chân lý thuộc
về số đông” là loại lý lẽ về số lượng. Nó loại trừ lý lẽ “ta làm theo cách của
ta”. Dùng lý lẽ này, GS Hoàng Tuỵ viết: “Yếu kém nhất của nền giáo dục đại học
Việt Nam hiện nay là đi lạc con đường chung của thế giới đang đi. Lạc hậu còn
có thể khắc phục được nhưng lạc đường thì mãi mãi khó đuổi kịp các nước” (Sài
Gòn Tiếp Thị, 14.10.2011).
Ý thức được tầm
quan trọng của lý lẽ “chân lý thuộc về số đông”, nhiều đại biểu Quốc hội đánh
tráo thành nhân danh số đông. Ông Hoàng Hữu Phước nói mà không đưa ra được
chứng cứ thống kê “đa số công dân sẽ không ủng hộ luật biểu tình” thì chỉ là
nhân danh số đông – nhân danh nhân dân. Mấy ai tin cái “đa số công dân” của ông
Hoàng Hữu Phước.
Thú vị là lý lẽ
dựa vào uy thế cũng hay được dùng trong Quốc hội để tăng thêm trọng lượng cho
lập luận. Khi bàn cần có luật biểu tình, cả hai đại biểu Dương Trung Quốc và
Trương Trọng Nghĩa đều viện tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Nguỵ
biện và sai lầm trong lập luận
Luật đặt ra để
điều chỉnh các hành vi xã hội. Xảy ra một vài cuộc biểu tình hỗn loạn, tại sao
không nghĩ rằng hãy xây dựng luật biểu tình để hạn chế biểu tình hỗn loạn mà
lại nghĩ cần cấm biểu tình?
Đánh tráo khái
niệm là một cách nguỵ biện hay thấy trong lập luận nghị trường. Từ
demonstration (biểu tình) xuất hiện trong tiếng Anh từ thế kỷ 14, là hình thức
đấu tranh của một tập hợp người, công khai đòi quyền lợi, chống bất công, phản
đối một điều gì đó đối với giới chủ hay nhà cầm quyền được đại biểu Phước đánh
tráo thành biểu tình với động cơ chính trị “chống chính phủ”, thậm chí có đại
biểu khác còn đẩy lên thành “chống chế độ”. Đây là kiểu lập luận chụp mũ hù
doạ. Người nói quên mất bên cạnh những cuộc biểu tình “chống” còn có những cuộc
biểu tình ủng hộ – chống lại cuộc biểu tình “chống”. Câu chuyện phe “áo đỏ”,
“áo vàng” bên Thái còn chưa xa.
Nếu xuất phát từ
những tiền đề vu vơ, những lý lẽ tào lao thì lập luận chẳng thuyết phục nổi ai.
Xem xét quyền biểu tình theo trình độ dân trí và nền kinh tế là một lối tư duy
hết sức tuỳ tiện, gợi nhớ đến lập luận của một đại biểu Quốc hội khoá trước:
“Các nước có chỉ số IQ cao thì người ta làm đường cao tốc”.
Về phương diện
lập luận, chân lý không phải luôn luôn thuộc về số đông. Chỉ mình ông Dương
Trung Quốc phát biểu ủng hộ cần luật biểu tình, nhưng hầu như không ai có tranh
luận bác bỏ. Vậy, ông Dương Trung Quốc đúng.
GS.TS
Nguyễn Đức Dân