Những
câu hỏi về môn ngoại ngữ
Nhân dư
luận đang lên tiếng về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT mà
theo đó, môn
ngoại ngữ sẽ không còn là bắt buộc cũng như tự chọn (chỉ là một môn “khuyến
khích”), xin mạn phép góp vài
câu hỏi.
Phải chăng với ý định bỏ qua môn thi ngoại ngữ,
Bộ GD-ĐT đã âm thầm thừa nhận rằng trong hơn 30 năm qua kể từ khi hòa bình lập
lại, công tác dạy và học ngoại ngữ đã không hiệu quả?
Kế đến, nếu đối chiếu với lộ trình của đề án
“Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”,
không thể không tự hỏi tiếp: Có phải do trục trặc mà nay khi đề án đó chỉ còn
sáu năm nữa là hết hạn, bộ và các trường đành khất để... “có thời gian triển
khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học theo yêu cầu của đề án”?
Trục trặc đó là gì?
Phải chăng đề án này đã được “tản quyền” cho các
địa phương một cách quá rộng rãi và dường như các địa phương mới chỉ chú trọng
đến hai điểm là ngân sách dành cho mỗi tỉnh và lộ trình thực hiện. Và rồi nay
lực bất tòng tâm, không tài nào thực hiện nổi?
Tạm lấy thí dụ một tỉnh Tây nguyên. Theo một bài
báo của tờ báo tỉnh này đầu năm học 2011-2012: “Từ năm học 2011-2012 triển khai chương trình giáo dục môn tiếng Anh
bắt buộc cho học sinh từ lớp 3 liên thông đến lớp 12 năm 2020, sao cho đạt bậc
3 (B1 theo khung tham chiếu châu Âu) khi tốt nghiệp THPT... Bên cạnh đó, triển
khai chương trình dạy môn toán và tin học bằng tiếng Anh ở trường THPT chuyên
X...
Ở một tỉnh khác ở miền Tây Nam bộ, đầu tư 437 tỉ
đồng với lộ trình là: ” Từ năm học 2012-2013 bắt đầu triển khai dạy chương
trình giáo dục 10 năm môn tiếng Anh cho khoảng 15% số lượng học sinh lớp 3 và
liên thông đến năm 2020 có 100% học sinh lớp 12 được học theo chương trình này.
Năm 2015 triển khai chương trình dạy thí điểm môn toán bằng tiếng Anh ở trường
THPT chuyên Y..., sau đó mở rộng dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh”.
Làm thế nào mà trong khi một tỉnh đồng bằng chỉ
khiêm tốn đề ra mục tiêu 15% số học sinh lớp 3 bắt đầu học tiếng Anh từ năm học
2012, trong khi một tỉnh Tây nguyên địa hình rừng núi chia cắt lại lạc quan đề
ra mục tiêu “bắt buộc” đại trà từ lớp 3 cũng cùng thời gian đó? Phải chăng đã
có một sự thả nổi kế hoạch, thả nổi hoạch định ngân sách và thả nổi mục tiêu?
Trong sự khác biệt đó, vẫn nổi lên một mẫu số
chung: đó là ở cả hai lộ trình đều có một mức đến cực nhỏ là phấn đấu “dạy thí điểm môn toán bằng tiếng Anh ở
trường THPT chuyên Y..., sau đó mở rộng dạy các môn khoa học tự nhiên bằng
tiếng Anh” ở tỉnh này và “triển khai
chương trình dạy môn toán và tin học bằng tiếng Anh ở trường THPT chuyên X...
ở tỉnh kia.
Phấn đấu đến hết lộ trình đó, vào năm 2020, học
sinh lớp 12 của các trường điểm tốt nghiệp với tiếng Anh trong các môn toán,
tin và khoa học - giống như bảng điểm mà các trường đại học nước ngoài đang đòi
ở đầu vào!
Nay qua
dự thảo của Bộ GD-ĐT, môn thi ngoại ngữ đã không còn cho dù bắt buộc hay tự
chọn, liệu sẽ tạo cớ cho các trường không có đủ năng lực dạy ngoại ngữ dẹp luôn
môn học quan trọng này, để rồi chỉ còn sót lại một vài trường điểm ở mỗi địa
phương với một ít học sinh có cơ hội được học và đăng ký thi môn ngoại ngữ theo
diện khuyến khích?
Trên một bình diện khác, nghe bộ hẹn để... bộ và
các trường có thời gian triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học
theo yêu cầu của đề án ngoại ngữ 2020, xin bàn thêm: đã tăng cường tuyển sinh sư phạm ngoại ngữ, tăng cường chất lượng đào
tạo hay chưa và có chủ trương giữ thầy cô dạy ngoại ngữ bằng đồng lương tương
xứng để họ khỏi chạy qua các ngành khác?
Ai lại đặt cái cày đi trước con trâu!
THIÊN DI