PHÁT
NGÔN VÀ QUI ĐỊNH CỦA
QUAN
CHỨC BỘ NÀO CÓ
HÀM
LƯỢNG TRÍ TUỆ
THẤP NHẤT VIỆT NAM HIỆN NAY?
Trần
Ngân
http://www.viet-studies.info/kinhte/TranNgan_BoNaoThapNhat.htm
Khoảng hai năm trở lại đây, hàng loạt văn
bản luật của các cơ quan quản lý nhà nước hay phát ngôn của các quan chức gặp
phải phản ứng mạnh của dư luận về nhiều vấn đề như tính khả thi hay thậm chí là
tính ngô nghê của chúng.
Mới đây, trên Facebook đã có lan truyền một
cuộc bình chọn xem những qui định nào là ngớ ngẩn nhất. Có thể kể ra những qui
định như: thịt tươi không được bán quá 8 tiếng, phạt xe không chính chủ, chứng
minh thư phải ghi tên cha mẹ, viếng đám ma không quá 7 vòng hoa, không được để
ô kính trên nắp quan tài… Trong những qui định và phát ngôn bị phản ứng nhiều
nhất thì có thể thấy có một tỉ lệ rất lớn xuất phát từ Bộ Công an.
1. Từ lời nói…
Chúng ta thử điểm lại một vài phát ngôn của
các quan chức Bộ này trong thời gian gần đây.
Sáng ngày 20/11 vừa qua, Thanh tra Chính
phủ cùng Ngân hàng Thế giới đã tổ chức Họp báo công bố Báo cáo kết quả khảo sát
xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công
chức, viên chức”. Báo cáo đánh
giá bốn ngành và lĩnh vực tham nhũng phổ biến nhất là cảnh sát giao thông (CSGT), quản lý đất đai, hải quan và
xây dựng.
… Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng
Cục CSGT Đường bộ - đường sắt, Bộ Công An không đồng tình với kết luận đó. Theo
ông Tuyến, đây chỉ là những tiêu cực chứ không thể nói là tham nhũng: “Tôi cho rằng ở đây chỉ là những
tiêu cực chứ không thể nói là tham nhũng. Bây giờ nghiên cứu thế nào là tham
nhũng, thế nào là tiêu cực tôi cho rằng nó chưa rạch ròi. Nhận của lái xe, nhận
của người tham gia giao thông dăm ba chục, một vài trăm mà đó là tham nhũng thì
theo tôi ý đó là không thỏa đáng”. (VTC,
23/11/2012)
Còn đại tá Đinh Mạnh Toàn - Phó Cục trưởng
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tại Hội nghị bàn về các nội
dung của dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
giao thông đường bộ và đường sắt thì nói:
Báo chí nên hướng dư luận đúng vào các kết
luận của các cơ quan chức năng. Báo chí cũng nên hướng dư luận vào đúng với các
kết luận của những người chủ trì các cuộc họp của các cơ quan chức năng. Gần
đây tôi lên mạng xem, báo chí vẫn hướng dư luận vào cái khác, đó là chúng
ta nêu lên thế nào là mũ giả, mũ rởm. Các
phóng viên đó có lẽ là thế nào đó, thiểu năng gì đó, có gì đó không hiểu thế
nào là mũ giả, mũ rởm, mà cứ phải đưa ra bằng những lời lẽ, những giả thiết. (Lao
động, 11/3/2013)
Còn Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục
trưởng Tổng cục Quản lý Hành chính về TTXH, khi trả lời về dự thảo quy định các
biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ
của Bộ Công thì nói:
"Nếu người thi hành công vụ cố tình vi
phạm thì dù có quy định chặt chẽ đến mấy cũng vẫn xảy ra việc lạm quyền", ông
Vệ nói. Ông này cũng nói thêm: "Việc nổ súng bắn người đâu có dễ, từng có cán
bộ thi hành án bắn trượt do quá run... nên không lo việc xảy ra lạm
quyền". (Vietnamnet,
14/3/2013)
Những phát ngôn này đã được báo chí và mọi
người phân tích nhiều. Chỉ xin nói thêm là tất cả những phát ngôn trên đây hoặc
cho thấy sự ngụy biện thô thiển tới mức bất cần, coi thường dư luận hoặc cho
thấy sự ngô nghê của lập luận tới mức người nghe có quyền nghi ngờ về trí tuệ
(dù chỉ ở mức trung bình) của người phát ngôn ra câu nói đó.
2. Đến việc làm
Cũng trong thời gian này, Bộ CA cũng
đã đưa ra hàng loạt qui định hoặc dự thảo qui định gặp phản ứng dữ dội của
người dân. Ví dụ như:
- Phạt xe không chính chủ
- Chứng minh thư phải ghi tên cha mẹ
- Đi nước ngoài hoặc đi tù quá 2 năm bị
xóa hộ khẩu…
Nếu chiếu theo những tiêu chuẩn của một
chính sách tốt như: lợi ích cho xã hội vượt quá chi phí, có tính khả thi, có
khả năng được xã hội chấp nhận cao, giảm thiểu những hệ quả không lường trước,
minh bạch… thì hầu hết các qui định trên đều không đạt. Một điểm chung nữa của
những qui định này là hàm lượng trí tuệ của chúng thấp khá xa so với mức trí
tuệ trung bình của xã hội nên gần như tất cả mọi người dân bình thường, dù ít
học đều có thể chỉ ra những điểm quá sức bất hợp lý của chúng.
Những bất cập của những qui định này đã có
nhiều người phân tích nên ở đây tác giả không nêu lại nữa.
Vấn đề cần lưu ý ở đây là với hầu hết các
bộ ngành khác, sau khi gặp phải phản ứng dữ dội từ dư luận thì hầu hết đều rút
lại các qui định gây tranh cãi. Như Bộ NN&PTNT rút lại qui định “chỉ được
bán thịt tươi dưới 8 tiếng”, Bộ Văn hóa TT rút lại qui định “quan tài không nắp
kiếng” thì với Bộ Công an, họ hầu như không rút lại các qui định gây tranh cãi.
Ví dụ về vụ cấp giấy chứng minh có in tên cha mẹ, sau khi bị dư luận chỉ ra
những bất hợp lý quá rõ ràng, thậm chí vi phạm các điều ước quốc tế về quyền
trẻ em và cả thủ tướng cũng đã yêu cầu xem xét lại thì Bộ CA vẫn quyết định cấp
giấy chứng minh có in tên cha mẹ vào tháng 8/2012:
Thông tư 27 của Bộ Công an về việc cấp
chứng minh nhân dân mới có ghi tên cha, mẹ bắt đầu từ ngày 1/7 đã gây nhiều
phản ứng khác nhau. Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về
trật tự xã hội, Bộ Công an, khẳng định vẫn tiến hành triển khai cấp chứng minh
nhân dân theo mẫu mới. Theo đó, việc thực hiện thí điểm trên 3 quận, huyện của
Hà Nội là Hoàng Mai, Tây Hồ, Từ Liêm sẽ bắt đầu từ tháng 9 tới.(VOV,
23/8/2012)
Tới tháng 12/2012, tại phiên họp với Ủy ban
Pháp luật của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã phải nhìn nhận
khuyết điểm về quy trình thẩm định thông tư về mẫu chứng minh thư mới có ghi
tên cha mẹ. (Vnexpress,
24/12/2012)
Nhưng sang tới tháng 1/2013, Bộ CA
vẫn tiếp tục việc thí điểm cấp giấy chứng minh theo mẫu mới:
"Chúng
tôi có văn bản xin ý kiến Thủ tướng về việc để tên cha mẹ trên chứng minh nhân
dân. Nếu Thủ tướng yêu cầu chỉnh sửa, Bộ sẽ sửa lại mẫu in ra, không ảnh hưởng
lớn đến tiến độ triển khai", đại diện Bộ Công an nói. (Vnexpress,
24/1/2013)
Hay một qui định nữa cũng có thể ảnh hưởng
rất lớn tới người dân là qui định về xử phạt xe không chính chủ do bị phản ứng
quá nhiều nên Bộ Giao thông vận tải phải đề nghị rút qui định này nhưng Bộ Công
an vẫn cương quyết làm:
Mặc dù Bộ GTVT chưa đồng ý với thời gian xử
phạt xe không chính chủ nhưng đại diện Bộ Công an khẳng định vẫn thực hiện và
ra Thông tư 11 để triển khai. Theo đó, từ 15-4 xe máy, ô tô mua bán không sang
tên đổi chủ sẽ bị xử phạt. (VTC, 15/3/2013)
3. Nguyên nhân từ đâu
Nguyên nhân chung của việc tại sao thời
gian gần đây người dân phản ứng với nhiều chính sách thì có nhiều, chẳng hạn:
- Một phần là do sự vào cuộc của báo
chí. Thực ra trước đây có rất nhiều qui định trời ơi, không có tính khả thi,
ban hành rồi để đó nhưng cũng không ai để ý. Giờ do báo chí vào cuộc nhiều nên
dư luận mới thấy rõ hơn sự ngớ ngẩn của chúng.
- Nhưng lý do lớn hơn theo tác giả là
thật sự trình độ của bộ máy quản lý nhà nước càng ngày càng kém đi so với yêu
cầu của xã hội hiện đại. Đây chính là kết quả tích tụ của việc chạy chỗ, chạy
quyền, chạy chức ngày càng tệ tại trong hơn chục năm trở lại đây. Hiện nay, khi
một người vào làm cơ quan nhà nước dù ở địa phương hay trung ương thì ít người
thán phục khen giỏi mà chủ yếu hỏi là có quen biết ai hoặc chạy hết bao nhiêu
tiền. Khi có quá nhiều cán bộ vào được bộ máy nhà nước do quen biết và chạy
chọt thì chất lượng của bộ máy công quyền đi xuống là điều hiển nhiên. Hơn nữa,
trong bộ máy hành chính, những người đưa ra các qui định kiểu này không phải
chịu sự chế tài hay kỷ luật nào cả và nếu họ làm tốt cũng chả được khen thưởng
hay lợi lộc gì nên tất nhiên họ càng có ít trách nhiệm với những thứ họ ban
hành.
Ngoài những nguyên nhân chung trên của bộ
máy hành chính thì tác giả muốn tìm hiểu nguyên nhân tại sao Bộ CA lại
đứng đầu bảng về phát ngôn và những qui định gây phản ứng mạnh từ dư luận? Theo
tác giả, có 2 nguyên nhân chính: 1) Trình độ của cán bộ công an ngày càng tụt
hậu so với mặt bằng chung của xã hội; 2) Lực lượng CA ngày càng ý thức được
quyền lực và tầm quan trọng của mình nên ngày càng mạnh bạo hơn trong việc đưa
ra các qui định, bất chấp sự không đồng tình và phản ứng của người dân.
Thứ nhất, về mặt bằng cấp thì có thể thấy
lực lượng CA ngày càng nhiều người có bằng cấp, học hàm, học vị cao, thậm chí
là PGS, GS, TS[1]… Tuy
nhiên, vấn đề là ngoài những môn về nghiệp vụ ngành, chương trình đào tạo ở các
trường CA vẫn nhấn mạnh chủ yếu vào lòng trung thành với chế độ và đảng cộng
sản (điển hình là câu khẩu hiện của lực lượng CA hay được nhắc tới: “Chỉ
biết còn Đảng còn mình”) trong khi một nền hành chính hiện đại sẽ phải
nhấn mạnh rằng CA, cũng như các cơ quan công quyền khác phải có trách nhiệm
chính là phục vụ và bảo vệ người dân vì họ được trả lương từ tiền thuế của dân
chứ không phải cai trị dân. Do mục tiêu hàng đầu là đào tạo ra những người
trung thành với chế độ nên chắc chắn chương trình học không thể khuyến khích tư
duy phản biện (Critical Thinking) mà phải ưu tiên cho lối học thụ động, học
thuộc lòng. Chưa kể, cũng như mọi ngành khác ở Việt Nam , một người muốn lên làm lãnh
đạo CA thì tiêu chuẩn tối thiểu là phải có bằng trung hoặc cao cấp chính trị.
Giảng viên và chương trình học chính trị ở Việt Nam đa số vừa cũ kỹ, vừa giáo điều,
khác biệt hoàn toàn so với chuẩn mực của chính trị học hiện đại ở các nước phát
triển và cách học cũng chủ yếu là học thuộc lòng mà không cần động não. Ngoài
ra, để được thi vào trường thuộc khối an ninh thì lý lịch được coi là điều kiện
tiên quyết. Thí sinh phải được sơ tuyển ở công an địa phương và xác nhận lý
lịch xem có đủ tiêu chuẩn không mới được thi[2]. Như
vậy, nhiều thí sinh giỏi nhưng lý lịch “có vấn đề” đã bị sàng lọc bớt, những
người còn lại muốn lên làm lãnh đạo phải học ít nhất 7, 8 năm (nếu muốn có bằng
thạc sĩ, TS thì còn lâu hơn nữa) toàn những lý thuyết lạc hậu, cũ rích theo
kiểu nhồi sọ thì chất lượng đội ngũ cán bộ CA không thấp so với mặt bằng chung
của xã hội mới là lạ. Vì vậy, cũng đừng ngạc nhiên khi phải nghe nhiều phát
ngôn ngô nghê của các quan chức ngành CA, dù họ có mang hàm tướng đi nữa.
Thứ hai, cùng với việc Bộ CA không thèm đếm
xỉa tới sự phản ứng của dư luận về những qui định trên thì một điều có thể nhận
thấy là trong vài năm gần đây, số vụ CA sử dụng bạo lực với dân ngày càng
nhiều, rất nhiều trường hợp đánh chết người dân tại đồn hoặc đánh công khai
ngoài đường[3]. Có
nhiều lý do giải thích cho việc này nhưng theo tác giả, lý do quan trọng nhất
là lực lượng CA đang ngày càng tự tin vào sức mạnh và quyền lực của mình. Tự
tin tới mức họ có thể bất chấp, không cần quan tâm tới phản ứng của dư luận về
những bất hợp lý quá rõ ràng trong các qui định của họ đưa ra. Tự tin tới mức
Bộ Công an còn đưa ra dự thảo qui định cho phép bắn thẳng vào người có hành vi
chống đối nếu có khả năng gây nguy hiểm. Vậy tại sao lực lượng CA lại ngày càng
trở nên tự tin và sẵn sàng bất chấp dư luận như vậy? Lý do chính có lẽ là vì họ
đã ý thức được vai cực kỳ quan trọng của mình trong hệ thống chính trị hiện tại
Thời gian gần đây, tính chính đáng trong
vai trò lãnh đạo của Đảng CS ngày càng bị đặt thành câu hỏi vì kinh tế suy
thoái, tham nhũng tràn lan ăn sâu vào hệ thống, bất ổn xã hội gia tăng do các
vụ khiếu kiện đông người ngày càng nhiều mà lý do chủ yếu là vì người nghèo ở
nông thôn bị cướp đoạt ruộng đất trắng trợn, các vụ trộm cướp táo tợn tăng đột
biến ở các đô thị lớn như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội… Do đó, để duy trì quyền lực
và giữ ổn định xã hội, Đảng ngày càng phải dựa nhiều hơn vào lực lượng CA
trong việc trấn áp các cuộc khiếu kiện hay biểu tình, cưỡng chế đất đai, bắt bớ
và đe dọa những người bất đồng chính kiến... Đảng và CA đều hiểu là cả 2 bên
đều cần nhau, Đảng (chính quyền) cần CA để đàn áp và duy trì ổn định xã hội nên
không dám trừng phạt quá mạnh tay khi CA làm sai (ngược lại, nếu có ai dám
chống đối hoặc gây bất lợi cho ngành CA thì sẽ bị trừng trị rất nặng tay, ví dụ
điển hình là vụ nhà báo Hoàng Khương của Báo Tuổi trẻ hay vụ 1 cô gái trẻ tát
vào mũ bảo hiểm của CA và bị tù giam 9 tháng sau đó giảm xuống còn 6 tháng (Vietinfo, 10/1/2012)). Còn CA
cần Đảng để có thêm quyền lực và từ đó có thêm được các lợi ích về kinh tế cho
các cán bộ trong ngành[4].
Một lý do nữa khiến lực lượng CA ngày càng
có nhiều quyền lực có thể xuất phát từ nhu cầu củng cố phe cánh ở hàng ngũ cán
bộ cấp cao của Đảng. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà từ khi thủ tướng Dũng, một
nhà chính trị kỳ tài trong việc xây dựng phe cánh và đấu đá nội bộ lên làm thủ
tướng thì ông này đã phong hàm tướng cho hàng loạt cán bộ CA. Từ khi lên nắm
quyền, chỉ riêng với cấp bậc thiếu tướng và trung tướng, thủ tướng Dũng đã ký
quyết định phong hàm cho:
- 2007: 29 thiếu tướng; 12 trung tướng (CAND, 28/4/2007)
- 2008: 33 thiếu tướng, 4 trung tướng (http://CAND, 5/6/2008)
- 2009: 10 thiếu tướng, 5 trung tướng (CA TP.HCM, 20/10/2009)
- 2010: 44 thiếu tướng, 8 trung tướng (Langmotrach, 2010)
- 2011: 51 thiếu tướng, 7 trung tướng (VOV, 16/12/2011)
- 2012: 34 thiếu tướng, 14 trung tướng (CA Đà Nẵng, 2012)
Như
vậy, chỉ trong 6 năm, thủ tướng Dũng đã ký phong hàm cho tổng cộng là 201 thiếu
tướng và 50 trung tướng ngành CA, đây là một con số rất lớn so với thời kỳ
trước đó cũng như so với lực lượng cảnh sát của hầu hết các quốc gia trên thế
giới. Tất nhiên là bất kỳ nhà lãnh đạo nào ký phong hàm hay nâng chức cho cấp
dưới đều hi vọng vào sự trung thành của họ với cá nhân mình[5].
Như vậy, số lượng tướng lĩnh CA đã gia tăng
đột biến thời gian gần đây. Chưa kể một số tướng CA được điều sang các cơ quan
quan trọng khác. Chẳng hạn, Trung tướng Bùi Văn Nam thôi giữ chức thứ trưởng Bộ CA để giữ chức bí thư
Tỉnh ủy Ninh Bình; Trung tướng Phạm Minh Chính thôi giữ chức thứ trưởng Bộ CA
để giữ chức bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Trung tướng Trương Hòa Bình thôi giữ
chức Thứ trưởng Bộ CA để sang làm Chánh án Tòa án Nhân dân Tối
cao. Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II (Bộ Công an) Phạm Dũng được Thủ tướng
bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ. Tất nhiên
không thể không kể tới vai trò của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Thứ
trưởng Bộ Công an, là Phái viên Tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về an ninh và
tôn giáo mới về hưu.
Khi số lượng tướng lĩnh cao cấp tăng quá
nhiều và nhanh, cán bộ ngành CA được trọng dụng ở nhiều vị trí quan trọng khác
thì rõ ràng việc lực lượng CA tự tin hơn về vai trò của mình trong xã hội cũng
là điều dễ hiểu.
Tóm lại, theo tác giả, xu hướng chung là
lực lượng CA sẽ ngày càng có tiếng nói quan trọng trong hệ thống chính trị Việt
Nam .
Tình hình càng trở nên rối ren và bất ổn thì vai trò CA sẽ ngày càng trở nên
quan trọng hơn và họ sẽ ngày càng tự tin và thích đưa ra các qui định để kiểm
soát xã hội chặt chẽ hơn, đồng thời mang lại lợi ích cho mình. Tuy nhiên, do
trình độ cán bộ công chức chung còn rất yếu kém nên chắc chắn sắp tới sẽ còn
nhiều qui định của ngành CA gặp phải phản ứng mạnh của xã hội.
[1] Muốn đánh giá
trình độ khoa học thực sự của các vị GS, TS ngành CA cứ đọc thử bài này “Phi chính trị hóa lực lượng vũ trang là mắc kế địch” của Trung tướng, PGS.TS Tô Lâm, Thứ
trưởng Bộ CA sẽ rõ: (Vietnamplus,
17/3/2013). Cũng xin nói thêm rằng Đại tướng Trần
Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cũng là có học hàm, học vị là GS.TS. Có lẽ ông
là bộ trưởng bộ CA có học hàm, học vị cao nhất thế giới. Ngành CA
hiện nay (cũng như quân đội, thể thao…) rất chuộng học hàm, học vị. Trong Dự
thảo Luật CAND (sửa đổi) đang được Bộ Công an xây dựng (tất nhiên Luật này phải
có chỉ đạo sát sao từ PGS. TS Thứ trưởng Tô Lâm hay GS.TS Bộ Trưởng Trần Đại
Quang rồi) cũng đề nghị:
…đưa ra tiêu chí cụ thể để kéo
dài thời gian công tác đối với các đồng chí là lãnh đạo, chỉ huy hoặc có học vị
Tiến sĩ, chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư hoặc
được cấp có thẩm quyền xác định là chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực Công an (CAND,
24/2/2013)
[2] “Bản thân và gia
đình chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy
định của chính quyền địa phương. Có thân nhân trong gia đình (ông, bà nội,
ngoại, cha, mẹ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng...) đảm bảo tiêu chuẩn về chính trị
theo quy định của Bộ Công an” (Dân trí, 5/3/2010)
[3] Vụ mới nhất là Tổ
141 đánh 1 người dân trọng thương vì không mang mũ bảo hiểm ở giữa thủ đô Hà
Nội ngày 14/3/2013 (Người
lao động, 17/3/2013)
[4] Xin nói thêm là
nạn chạy chức quyền trong lực lượng CA cũng không thua gì các ngành khác vì các
vị trí cao cấp trong ngành mang lại rất nhiều bổng lộc. Chẳng hạn khi bọn trộm
đột nhập nhà Trung tướng Vũ Hùng Vương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát
trong đêm 25/12/2011 chúng đã lấy được trong két sắt nhà ông này: “550 triệu
đồng, 9 cây vàng 9999, 12 chỉ vàng tây cùng một số ngoại tệ, tổng trị giá hơn 1
tỉ đồng. Ngôi nhà 3 tầng nằm trong con ngõ to thuộc phường Dịch Vọng đã bị nhóm
đối tượng này khoắng sạch”(Petrotimes, 19/2/2012)
[5] Không biết có
phải vô tình hay hữu ý mà vào cuối năm 2010, trong thời kỳ cao điểm của vụ
Vinashin, khi rất nhiều mũi dùi tập trung vào thủ tướng Dũng trong kỳ họp Quốc
hội về trách nhiệm của ông trong vụ này thì Trung tướng (lúc đó là thiếu tướng)
Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL – CAND, đại biểu Quốc hội của Hải
Phòng, là một trong những người hiếm hoi lại lên tiếng bênh vực thủ tướng Dũng:
"Hiện nay chúng ta vẫn ở trong tầm
kiểm soát được Vinashin, nhiều đại biểu Quốc hội chưa hình dung hết được
Vinashin như thế nào, thực sự Vinashin hiện nay nhiều con tàu vẫn đang xuất
xưởng, vẫn đang được đóng mới, còn đám sai phạm thì ta xử lý hết sức nghiêm
túc, chứ không phải Vinashin u ám và thất vọng như một số đại biểu phát biểu.
Cơ quan điều tra đã làm việc hết sức nghiêm túc, tất cả những đối tượng sai
phạm, những con người sai phạm ở đây đều được xử lý một cách nghiêm minh.(Tuanvietnam, 5/11/2010)
......../.