Một bài học cho nghề văn




Một bài học cho nghề văn



VƯƠNG TRÍ NHÀN

 

Đến Vườn quốc gia Côn Đảo, tôi gặp một bản hướng dẫn, mà ngay từ câu đầu Những điều thú vị ở trong rừng không chỉ dừng ở những điều bạn thấy/ Hãy dành một chút thời gian đọc các biển chỉ dẫn khi đi trên tuyến đường đã khiến người ta không bỏ qua.

Tại sao tôi nói vậy?

Thông thường đọc các bản nội quy hướng dẫn loại này, sau các câu khoe khoang về tầm quan trọng của cơ quan chủ quản, chỉ thấy những lệnh cấm thế nọ thế kia.
Đằng này bản hướng dẫn như đang nói chuyện với tôi khuyên tôi là đã đến đây làm sao có được những thu hoạch đáng giá.
Mà ở đoạn dưới, người ta đưa ra những lời khuyên thú vị thật.
Đoạn viết về dây leo cũng như đoạn về những chú kiến chẳng hạn. Tôi cảm thấy được một bài học về tinh thần nhân bản. Hãy chú ý cả tới những thân phận cỏ nội hoa hèn. Nhưng không phải là từ cao nhìn xuống thương hại họ. Mà hãy nói đóng góp của những thân phận bèo bọt ấy cho cuộc đời.

Đoạn viết về tiếng chim trong rừng như là những vần thơ.
Cũng như thế là câu cuối cùng, không lấy gì ngoài những tấm hình, không để lại gì ngoài những dấu chân.

Tôi "dán" lại ra đây cả bản hướng dẫn mà tôi coi là một bài học cho nghề văn. Chúng tôi phải viết sao để bạn đọc không thể xì một tiếng rồi bỏ đi. Viết sao để bạn đọc cảm thấy được tôn trọng đồng thời lại có thể mang tới những điều cần yếu cho họ.
   
Những đoạn gạch dưới nhấn mạnh đều là của VTN

1/ Những điều thú vị ở trong rừng không chỉ dừng ở những điều bạn thấy/
Hãy dành một chút thời gian đọc các biển chỉ dẫn khi đi trên tuyến đường


2/ Tổ mối
Nếu không có những con mối này thì rừng sẽ ra sao?
Mối chính là nhà máy phân hủy rác trong rừng. Những nhà máy này không để lại bất cứ thứ rác gì của rừng. Nếu một cây rừng đổ xuống, những con mối này sẽ tiến hành phân hủy cây làm thức ăn. Bằng cách đó chúng giúp vệ sinh rừng và hoàn trả lại đất chất dinh dưỡng từ cây chết. Nhờ đó mà đất rừng luôn mầu mỡ cho các thế hệ cây non mới mọc

3/ Tiếng chim
Hãy dành một chút thời gian để lắng nghe tiếng chim rừng quanh bạn.
Có bao nhiêu tiếng chim đang gọi nhau?
Tùy từng thời điểm trong ngày mà bạn có thể nghe được tiếng hót của những loài chim khác nhau. Thời gian tốt nhất để nghe những âm thanh này là ngay sau khi bình minh hoặc chiều muộn. Tiếng hót của các loài chim là để thông báo về lãnh thổ của chúng hoặc gọi bạn kết đôi.
Hãy thử bắt chước tiếng của một loài chim và lắng nghe chúng đáp lại !

4/ Dây leo
Đây là những loài thực vật thông minh trong rừng. Để có được ánh sáng mặt trời tổng hợp chất hữu cơ, chúng sử dụng những cây khác làm bàn đạp vươn lên cao mà không tốn một chút công sức nào. Chúng cuốn quanh các thân cây khác và dễ dàng tìm lên tận đỉnh cao của khu rừng
bắng con đường nhanh nhất.

5/Những con kiến
Hãy nhìn xung quanh dưới chân bạn có thể bắt gặp những con kiến.
Chúng đang làm gì thế?
Đây là những công nhân chăm chỉ nhất trong rừng, chúng luôn bận rộn tìm thức ăn, bảo vệ, chăm sóc đàn con và phục vụ kiến chúa. Kiến giúp vận chuyển chất hữu cơ và dinh dưỡng trong đất, diệt côn trùng. Ngoài ra chúng còn tham gia vào việc phát tán hạt, thụ phấn hoa và là thức
ăn của nhiều loài động vật khác


Tổng quan

Cây là bạn của chúng ta, không nên bẻ cành, hái hoa, vặt lá, khắc
lên cây hoặc có những hành động làm tổn thương đến cây.

Các loài động vất hoang dã rất muốn làm quen, gần gũi với bạn, vì vậy
không gây tiếng động làm chúng hoảng sợ

Không săn bắn động vật rừng, không gây cháy rừng làm mất nơi sống của các loài động vật hoang dã

Rác thải không nên bỏ bừa bãi trong rừng

Không nên mạo hiểm đi vào rừng hoặc tắm biển một mình vì bạn có thể gặp nguy hiểm

Không nên lấy vật gì từ thiên nhiên vì có thể làm ảnh hưởng tới môi trường
Không lấy gì ngoài những tấm hình, không để lại gì ngoài những dấu chân



Tôi đoán văn bản trên đây không phải do cơ quan quản lý Vườn quốc gia, mà là do tổ chức quốc tế nào đó — chắc là người Pháp – soạn thảo, họ tài trợ và họ viết luôn, ta dịch ra, thế thôi. Phía VN chỉ có điều đáng ghi nhận là đã để cho họ viết, chứ không nhân danh quyền làm chủ trên phương diện tinh thần để đòi viết theo cách của mình. 

Cả cuộc sống cộng đồng hơn nửa thế kỷ qua  là nhằm đấu tranh cho quyền làm chủ xứ sở . Nhưng nay nghĩ lại, chắc những đầu óc tỉnh táo sẽ không dám nói là chúng ta đã biết làm chủ. Đến viết một thứ cáo thị  hướng dẫn người ta khi vào rừng cũng không xong, hỏi nói chi những việc khai thác tài nguyên, tổ chức sản xuất thỏa mãn mọi nhu cầu của xã hội hiện đại và chăm lo giáo dục các thế hệ tương lai!


......../.