KÍNH
THƯA NHÀ THƠ TRẦN MẠNH HẢO
Võ Đắc Danh
http://www.facebook.com/dacdanhmientay
////////
Tôi đã đọc nhiều bài viết của ông chửi bới um tỏi
về cái chuyện cải cách SGK, và gần đây nhất là bài COI TRỜI BẰNG VUNG đăng trên
VNT số 43 ( 17/11 ).
Lạ
thật, ông là một nhà thơ thì cứ lo làm thơ, cứ hướng tâm hồn mình vào trời
trăng mây nước và . . . em cho nó thanh thản, ai lại mang nỗi ức chế về ba cái
chuyện SGK của mấy ông Bộ Giáo dục làm gì, không khéo lại mất ăn mất ngủ, mà
cũng may cho ông là bọn Năm Cam nó đang ở trong tù, nếu không coi chừng ông toi
mạng.
Thật ra cái mà ông bức xúc cũng chẳng có gì mới mẽ và cũng chẳng phải của riêng ông, đó là nỗi bức xúc của cả một nền giáo dục nước nhà, của tòan dân, của tất cả những ai quan tâm đến tương lai của đất nước. Vậy thì hà tất gì ông phải hằn học nặng lời với ngài Bộ trưởng GD-ĐT kính mến của chúng ta như thế ?! Chúng ta có cái bức xúc củachúng ta, còn họ có cái bức xúc của họ. Người ta bảo ông là người thực dụng, hay nói đến chuyện tiền nong.Hàng tỷ đồng được ông nhắc đi nhắc lại. Nhưng ông phải biết thông cảm, đó chính là những vấn đề mà người ta bức xúc. Làm Bộ trưởng, Thứ trưởng mà không biết lập ra dự án nầy dự án nọ để đầu tư thì lấy gì để nuôi cả một . . . bộ máy, lấy gì để lo cho tương lai con cháu lúc về hưu. Đó là nỗi bức xúc chung của nhiều Bộ trưởng chớ không riêng gì ngài Bộ trưởng GD-ĐT kính mến của chúng ta.
Tôi xin lấy vài ví dụ nhỏ để ông nhà thơ thông cảm mà bớt đi cái sự nỗi nóng của mình, mà đừng lớn tiếng sỉ vả ngài Bộ trưởng GD-ĐT trong lúc Quốc hội đang họp để bàn bạc nhiều chuyện quốc gia đại sự, trong đó hẳn có nhiều vấn đề nghiêm trọng liên quan đến nền giáo dục ưu việt của nước nhà.
Cái dự án cải cách SGK mà ông chửi bới thậm tệ ấy thật ra cũng chỉ vài chục tỷ đồng là cùng, chưa bằng năm mươi phần trăm cái cảng cá mà Bộ Thủy sản vừa xây xong cách nay hai năm ở Cà Mau. Một công trình hiện đang góp phần tích cực cho chiến lược an tòan giao thông vì có nơi cho trẻ con đá banh, giải quyết được tình trạng hỗn loạn giao thông do trẻ con có thói quen đá banh ngoài đường.
Tôi
chưa có điều kiện để tìm ra số liệu trên cả nước, nhưng riêng đồng bằng sông
Cửu Long thì đã có ít nhất năm cái bãi tha ma như thế được gọi là cảng cá, ước
tính tiêu tốn khoảng vài trăm tỷ đồng, mà thực trạng xây dựng cơ bản của nước
ta hiện nay thì ông quá hiểu, nó không đơn giản như cái chuyện in sách giáo
khoa để ông có thể đếm được từng trang mà tính toán.
Ong nhà thơ thân mến !
Tôi không hiểu dựa trên cơ sở khoa học nào để người ta lập ra cái gọi là Dự án ngọt hoá bán đảo Cà Mau, có nghĩa là để dẫn nước ngọt từ sông Hậu về bốn tỉnh vùng nước mặn như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang với tổng số vốn là một ngàn bốn trăm tỷ đồng để rồi cuối cùng trở thành chuyện ném tiền qua cửa sổ bởi vì kết quả của dự án chỉ làm đảo lộn môi trường sinh thái !
Nhưng thật ra, một ngàn bốn trăm tỷ đồng lãng phí cho dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau cũng chỉ là số tiền lẻ so với chương trình một triệu tấn đường với hai mươi sáu ngàn tỷ đồng cho bốn mươi mốt nhà máy đường trên cả nước mà hiện nay đang đứng trên bờ vực của sự phá sản. Đó là những con số cụ thể, những công trình làm nghèo đất nước đang thách thức dư luận, chưa kể đến những công trình thoát lũ, ngăn lũ, vượt lũ ở đồng bằng sông Cửu Long đã ngốn hàng chục ngàn tỷ đồng mà lũ thì mỗi năm lại nghiệt ngã hơn, tai họa càng thảm khốc hơn, nghèo đói càng chất chồng hơn . . . trong khi người dân vùng lũ chỉ cần một bộ cột đúc để cất nhà cao, một chiếc xuồng, một tay lưới và một bè nuôi cá năm mười triệu đồng thì họ có thể làm giàu ngay trong mùa lũ. Nhưng đầu tư cho dân thì coi như chủ đầu tư . . . mất trắng.
Ong
bà ta có câu: hễ bánh ích đi thì bánh quy lại. Nhà đầu tư phải biết lập dự án nào để đồng tiền
trở thành bánh ích. Đó là kinh nghiệm xương máu của các vị Bộ trưởng nhà ta.
Tôi
nói như thế không phải để phê phán các ngài Bộ trưởng của mình mà để ông Trần
Mạnh Hảo thấy rằng ông đừng xót xa với vài chục tỷ đồng lãng phí cho cải cách
SGK. Tôi xin hỏi ông Hảo, nếu nói theo ông, sách GK phải dùng được
nhiều lần, anh học rồi tới em, con tôi học xong cho con hàng xóm học, tiếp nối
cả hàng chục lứa chuyền tay nhau thì xin mời những người có cái tâm . . . nhà thơ
như ông lên mà làm Bộ trưởng. Chứ làm Bộ trưởng mà không biết đẻ ra các dự án
từ tỷ nầy sang tỷ nọ thì nhậm chức để làm gì, loại trừ những Bộ không thể xoay
ra dự án thì người ta mới đầu tư quyền lực cho thế giới ngầm như ông Phạm Sĩ
Chiến hay ông Bùi Quốc Huy.
Kính
thưa ông Trần Mạnh Hảo !
Đọc
những bài tranh cải của ông, tôi rất chia sẽ sự ngây thơ của một nhà thơ, bởi
ông quá nhẹ dạ cả tin rằng củ cải cũng biết nghe cho nên ông mới lớn tiếng cải với ngài Bộ trưởng.
Vì vậy, tôi xin góp ý với ông mấy vấn đề thuộc về nhiệm vụ chính trị của các ngài Bộ trưởng để hy vọng rằng ông không nên cải nữa.
Đến đây, bổng dưng tôi chợt nhớ đến Bùi Chí Vinh, thỉnh thoãng lên Sài gòn tôi
hay nhậu với hắn, ngồi nghe hắn đọc thơ, hắn đọc rất nhiều nhưng tôi nhớ chỉ
mấy câu:
Ta sinh ra gặp buổi nhiểu nhương
Bất lương bàn luận chuyện hiền lương
Nho sĩ cúi đầu làm binh sĩ
Thơ quốc doanh cười cợt thơ Đường
Cà Mau, 17/11/2002
(Bài đã in trọn vẹn trên báo “VĂN NGHỆ TRẺ” số 47 ra ngày 24/11/2002)
Ta sinh ra gặp buổi nhiểu nhương
Bất lương bàn luận chuyện hiền lương
Nho sĩ cúi đầu làm binh sĩ
Thơ quốc doanh cười cợt thơ Đường
Cà Mau, 17/11/2002
(Bài đã in trọn vẹn trên báo “VĂN NGHỆ TRẺ” số 47 ra ngày 24/11/2002)
........./.