NGUYỄN VĂN LINH

HẬU HỌA "GIẢI PHÁP ĐỎ" CỦA NGUYỄN VĂN LINH


MINH DIỆN


http://www.bvbong.blogspot.com/2013/02/hau-hoa-giai-phap-o-cua-nguyen-van-linh.html





Ông Võ Trần Chí, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, nói Nguyễn Văn Linh là người “Lội ngược dòng  lịch sử !”. Ông Nguyễn Văn Linh cho rằng bản thân mình từng “Lên bờ xuống ruộng!”. Nguyễn Văn Linh còn là người “bước lỡ nhịp” và tên tuổi ông được gắn với một khái niệm đầy tai tiếng là  “Giải pháp đỏ”.




Trong tiểu sử Nguyễn Văn Linh, ghi tên thật của ông là Nguyễn Văn Cúc (Mười Cúc), sinh ngày 1-7-1915, tại xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ngày 1-5-1930, ông bị thực dân Pháp kết án tù chung thân, đày ra Côn Đảo.
             
Hình như có sự nhầm lẫn năm sinh, hoặc năm ông bị bắt đi tù, bởi điều luật của nước Pháp không xử tù tuổi vị thành niên. Ví dụ ông Nguyễn Hữu Đang, sinh năm 1913, hoạt động trong tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, bị bắt 1930. Năm 1931, khi ra tòa đã 17 tuổi, vẫn được tha bổng vì còn vị thành niên. Nguyễn Văn Linh khi ra tòa mới 14 tuổi 10 tháng, mà bị xử tù chung thân thì vô lý?
               
Trong tiểu sử cùa Nguyễn Văn Linh, không ghi ông học ở trường nào, trình độ văn hóa ra sao, hầu như cả cuộc đời ông dấn thân hoạt động cách mạng, vào tù ra tội, gắn bó với phong trào quần chúng, ở những nơi ác liệt.






Từ năm 1957 đến năm 1960, Nguyễn Văn Linh đã từng làm Bí  thư đặc khu ủy Sài Gòn – Gia Định. Năm 1960, tại Đại hội Đảng lần thứ III, ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, làm Bí thư (1961-1964), rồi Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Hình như từ những năm tháng đó,  Nguyễn Văn Linh đã “lên bờ xuống ruộng” rồi.
               
Ngày  10-4-1975, tại Trung ương cục miền Nam, Lê Đức Thọ, từ Hà Nội vào công bố quyết định thành lập Bộ tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, trao quyết định Bí thư đặc khu Sài Gòn-Gia Định cho Võ Văn Kiệt, Mai Chí  Thọ lảm Phó bí thư. Nguyễn Văn Linh không còn là Phó bí thư nữa, mà chỉ phụ trách mảng phong trào nổi dậy.
             
Cũng như các lần thay đổi trước, tổ chức không nêu ra lý do, và Nguyễn Văn Linh cũng không băn khoăn, ông chấp hành sự phân công một cách bình thản. Ông Võ Văn Kiệt và Võ Trần Chí cho rằng, đó là một trong những phẩm chất đặc biệt của Nguyễn Văn Linh.
             
Ông Lê Duẩn cho rằng Nguyễn Văn Linh quá nhẹ tay trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, nhẽ ra  phải xóa bỏ triệt để tư sản lại kêu gọi họ tự cải tạo, hòa nhập vào xã hội mới, đem tài lực góp phần xây dựng đất nước. Có lần Nguyễn Văn Linh nói với tôi và Đình Khuyến, Trưởng cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh: “Anh Ba, cũng như chúng tôi đã từng được những nhà tư sản Sài Gòn cưu mang trong thời kỳ hoạt động bí mật, bây giờ biến họ thành nạn nhân sao đành!”.
                 
Ý thức “đền ơn đáp nghĩa” của Nguyễn Văn Linh bị Đỗ Mười cho là hữu khuynh, không “không Bôn - sê - vích”.  Đã sảy ra những  cuộc  tranh luận căng thẳng giữa Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt và Đỗ Mười. Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt bảo vệ quan điểm cải tạo từng bước, phân biệt đối tượng cụ thể, tận dụng kinh nghiệm thương trường cùa giới công thương chế độ cũ, đặc biệt đối với những người có công với cách mạng để xây dựng và phát triển thành phố.  Đỗ Mười  bảo vệ quan điểm của Lê Duẩn, phải xóa sạch tư sản. Kết quả, đầu năm 1978, Nguyễn Văn Linh mất chức Trưởng ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa.
               
Cũng trong thời gian đó, có người bới lại chuyện Nguyễn Văn Linh sang Campuchia tháng 6-1975, đi suốt 200 km, qua ba 3 tỉnh mà không phát hiện ra những thay đổi bất thường của Khmer đỏ, để  sảy ra những biến cố bất ngờ!
                
Đó là thời kỳ bĩ cực nhất của Nguyễn Văn Linh. 
               
Ông đã xin rút ra khỏi Bộ chính trị vào cuối nhiệm kỳ.
                
Vốn là người hết sức trầm tĩnh, kín đáo, nhưng Nguyễn Văn Linh đã  tâm sự với Võ Trần Chí: “Bởi vì mình thấy các anh ấy không muốn mình ở đó nên xin rút!”.
                
Đỗ Mười mang tinh thần “Bôn - sê - vích” và  “bàn tay sắt” vào miền Nam đánh tư sản. Ông ta thực hiện y trang  như những gì mình từng làm ở Hải Phòng năm 1955, Hà Nội 1960, xóa sạch tàn dư tư bản chủ nghĩa, đề  xây đựng nền kinh tế xã hội, với tham vọng 15 năm sau theo kịp Nhật Bản, như Tổng bí thư Lê Duẩn tuyên bố ngày 2-7-1976, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa VI.
                 
Thực tế ngược lại hoàn toàn với tham vọng ngông cuồng và siêu thực đó.

Sau cải tạo thành phố Hồ Chí Minh  kiệt quệ, các nhà máy xí nghiệp không có nguyên liệu sản xuất phải đóng cửa, hàng triệu công nhân thất nghiệp, hệ thống giao thông vận tải ngưng trệ, lưu thông phâm phối tắc nghẽn, chợ búa gần như ngừng hoạt động, đời sống của cán bộ nhân dân cùng cực. Tài liệu chính của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh lúc đó công bố “Kế hoạch năm năm không đạt, tăng trưởng âm, lạm phát phi mã, gần ba triệu dân thành phố thiếu đói”.  
                    
Đỗ Mười đã đẩy Sài Gòn “tiến” kịp Hà Nội, biến “Hòn ngọc Viễn Đông” thành “Hòn than bùn xó bếp” như cách nói cùa nhà báo Ba Dân lúc đó. Thật mỉa mai khi các nhà khoa học nổi tiếng như Chu Phạm Ngọc Sơn, Châu Tâm Luân, được động viên nghiên cứu những công trình khoa học như “Bo bo giàu dinh dưỡng hơn gạo”,  “Khoai lang bổ hơn bột mì”, “Thành phần đạm trong rau muống”…
                    
Trước kia Hà Nội có thơ  “Gia công gai quy, lộn cổ sơ mi, bơm ruột bút bi, vá ni lon rách”, bây giờ Sài Gòn cũng nổi tiếng không kém với “Nuôi lợn trên gác, phục hồi bu gi, gia công cán mì, tái chế dép xốp!”.
                  
Tháng 12 năm 1976, tại Đại hội Đảng lần thứ IV ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, giữ chức Trưởng ban Cải tạo Xã hội Chủ nghĩa của Trung ương, Trưởng ban Dân vận Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng công đoàn Việt Nam đến năm 1980. Trước Đại hội Đảng lần thứ V,  Nguyễn Văn Linh xin rút ra khỏi Bộ Chính trị, trở lại làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (1981), thay ông Võ Văn Kiệt ra Trung ương. Về sau, ông giải thích với ông Võ Trần Chí: "Bởi vì mình thấy các anh ấy không muốn mình ở đó nên mình xin rút” .... Ông trở thành một nhân vật quan trọng trong lịch sử của thành phố này.
                 
Phải nói, nếu hơn mười năm trước Kim Ngọc,  Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú đã dũng cảm tìm lối thoát cho nông dân bằng biện pháp “khoán chui”, thì những năm đầu thập niên 80 TK 20, Nguyễn Văn Linh đã cứu công nhân và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh bằng  “xé rào” thoát ra khỏi cơ chế quan liêu bao cấp.

                
Nguyễn Văn Linh đã tập hợp chung quanh mình một đội ngũ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có khả năng móc nối với tư bản nước ngoài để phá thế bị bao vây cô lập. Những công ty Cholimex, Dereximco, Imexco lần lượt ra đời, trực tiếp làm ăn với một số công ty Hồng Kong, Đài Loan, như Globai, Thai Hing Long, nhập khẩu sợi dêt, xăng dầu, thuốc lá, men bia, xuất khẩu đậu phộng, vừng, tôm khô, mực khô. Thực hiện việc trao đổi hàng hóa, khoán sản phẩm, mua nguyên liệu bán sản phẩm v,v.


                
Nhờ việc xé rào này, 20.000 công nhân ngành dệt có việc làm, ngành giao thông vận tải có xăng dầu hoạt động, và bộ mặt Sài Gòn khởi sắc trở lại.
               
Cũng như “khoán chui” của Kim Ngọc, việc “xé rào” cùa Nguyễn Văn Linh lọt tới “thiên đình” và cuồng phong nổi lên,  bắt đầu bằng cuộc ra quân của Bộ Tài chính.
                
Ngày 12- 3- 1982, đoàn thanh tra 28 thành viên từ Hà Nội hùng hổ tiến vào Công ty Direximco, tuyên bố nội bất xuất, ngoại bất nhập. Hơn ba tháng liên tục, moi móc hết 50 mặt hàng và  đến từng đơn vị làm ăn với Dereximco, kiểm tra từng tờ hóa đơn. Ngày 25-6- 1983, Đoàn thanh tra kết luận việc xé rào của thành phố Hồ Chí  Minh vi phạm nghiêm trọng chủ trương đường lối của đàng, chính phủ, chỉ có  1 công  nhưng 7 tội, cần phải xử lý nghiêm khắc. Ông Đỗ Mười  lên tiếng: “Làm bí thư Thành ủy mà để xảy ra như thế sao không từ chức!”.
               
May cho Nguyễn Văn Linh, lần này Lê Duẩn không vội nghe theo Đỗ Mười.
                
Tháng 3-1983, khi Lê Duẩn sang Liên Xô chữa bệnh, các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công vào Đà Lạt nghỉ mát. Tranh thủ điều kiện thuận lợi, Nguyễn Văn Linh, Mai Chí Thọ và các lãnh đạo chủ chốt của thành phố Hồ Chí Minh  khéo léo tổ chức “Hội nghị Đà Lạt” thành công.
               
Nguyễn Văn Linh bố trí một số giám đốc nhà máy, xí nghiệp làm ăn được nhờ xé rào như Nguyễn Thị Đồng, nhà máy đệt Thành Công, Bùi Văn Long, Tổng công ty dệt may, Nguyễn Văn Thụy, Công ty thuốc lá, lên Đà Lạt trực tiếp gặp ba nhà lãnh đạo đảng, nhà nước.
             
Tôi còn nhớ  buổi sáng hôm ấy ở khách sạn Palass, ông Nguyễn Văn Linh nói với bà Nguyễn Thị  Đồng và  Bùi Văn Long: “Phải khéo léo thuyết phục các anh! Mời bằng được anh Năm xuống thăm cơ sở thì mới thấy hết cái việc mình làm!”.
                    
Bà Nguyễn Thị Đồng với giọng nói rổn rảng,  không biết ngán ai bao giờ, bởi gia đình bà có tới hơn 10 người là bộ đội, thương binh, liệt sỹ.  
Bà nói với ông Trường Chinh: “Anh hãy xuống nhà máy gặp công nhân, người ta vừa mới sống lại đấy. Rồi anh để họ sống thì để bóp chết thì bóp!?
                 
Trước thái độ cương trực của bà Đồng, ông Trường Chinh đã phải mỉm cười gật đầu, thực hiện một chuyến đi thực tế ý nghĩa nhất, và đó là tiền đề cho sự thay đổi tư duy, từ nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường của ông.

                 
Đại hội đảng toàn quốc lần VI, với bài diễn văn đúc kết từ thực tế  “xé rào” ở thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Linh đã nhận được sự ủng hộ của tuyệt đại đa số đại biểu, ông trở thành Tổng bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam. Có lẽ đây là một trường hợp hãn hữu, một người được bầu làm Tổng bí thư của đảng, nhận được sự đồng thuận của dân.  
                  
Sau đại hội đảng VI, Nguyễn Văn Linh đã tiến hành nhiều cải cách quan trong. Ông chọn  khâu  lưu thông phân phối làm đột phá khẩu  đổi mới.  Ông nói: “Giải quyết  vấn đề phân phối lưu thông vì nó là cái gốc liên quan đến quá trình sản xuất, tới  tổng thề  cơ chế quản lý nền kinh tế quốc dân”.
                 
Những chính sách nổi bật trong thời kỳ này là: Tách tài chính ra khỏi ngân hàng. Lập kho bạc nhà nước. Bơm tiền lưu thông. Xóa bỏ ngăn sông cấm chợ. Lấy khoán 100 làm cơ sở khoán 10, giao quyền tự chủ cho nông dân.
                   
Chỉ trong một thời gian ngắn đã kéo lạm phát từ 240% xuống 61%. Từ chỗ cả nước không đạt 21 triệu tấn lương thực, phải nhập mỗi năm 500.000 tấn lương thực, năm 1989 đã dư 1 triệu tấn gạo.
               




Về đối ngoại, Nguyễn Văn Linh muốn phá thế bao vây của các nước phương Tây và Trung Quốc. Tại hội nghị Bộ chính trị ngày 20 -5 -1988, đã ra Nghị quyết 13 về điều chỉnh đường lối đối ngoại, theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, giữ môi trường hòa bình, phát triển kinh tế. Trả lời phòng vấn trên tờ Thời báo New Yok, Nguyễn Văn Linh nói về mối quan hệ với Mỹ:“Việt Nam luôn luôn muốn có quan hệ với nhân dân và chính phủ Mỹ. Chiến tranh kết thúc 15 năm rồi mà chưa có quan hệ bình thường là quá chậm. Việt Nam sẵn sàng giải quyết mọi trở ngại trên con đường bình thường hóa quan hệ với Mỹ”. 
                  
Ngoài việc đổi mới về kinh tế, và đổi mới về đối ngoại, Nguyễn Văn Linh còn đổi mới về văn hóa xã hội, dân sinh, dân chủ. Chủ trương cởi trói cho văn nghệ sĩ nói riêng, trí thức nói chung, ông  đã  vén  bức màn đen tối, minh oan cho những nạn nhân bị oan ức, đọa đày trong vụ "Nhân văn giai phẩm” và đã khích lệ giới cầm bút viết những tác phẩm chân thực.
                 
Ngày 25- 5-1987, Nguyễn Văn Linh  cho ra đời mục “Những việc cần làm ngay" trên báo Nhân dân, từ đó những bài viết của ông ký bút danh NVL liên tục xuất hiện trên mặt báo.

Ông nói: “Chống tiêu cực là đã thành nhiệm vụ quan trọng, dọn đường cho việc thực hiện Nghị quyết đại hội VI, và các Nghị quyết của đảng, nhằm đưa nước nhà ra khỏi khó khăn đến ổn định tình hình mọi mặt, làm dân bớt khổ”. Ông yêu cầu: “Nhà báo phải có tấm lòng cương trực, yêu người làm đúng, làm tốt để ca ngợi, ghét kẻ làm xấu để lên án”. Nguyễn Văn Linh xác định lấy báo chí làm vũ khí, nhà báo là lực lượng nòng cốt chống tiêu cực tham những. Ông nói đánh giặc ngoại xâm chủ yếu bằng súng đạn, đánh giặc nội xâm phải dùng vũ khí ngôn luận.  Báo chí  là sức mạnh, là thứ  bọn tiêu cực sợ nhất!”, Nguyễn Văn Linh chỉ thị tất cà các cơ quan đảng, chính quyền phải trả lời chất vấn cùa báo chí, phải xử  thật nghiêm những trường hợp tham nhũng, ăn hối lộ, ức hiếp dân mà báo chí đã nêu. Nhiều vụ án tưởng đã chìm vào quên lãng đã được đưa ra xét xử.
           
Ông thường xuyên gặp gỡ anh em làm báo, ngoài hành lang các hội nghị, hoặc kêu tới nhà ông uống cà phê, ăn sáng nói chuyện. Ông không phân biệt báo lớn, báo nhỏ, báo đảng báo đoàn thể, nhưng rất coi trọng những nhà báo viết bài trung thực, có sức lan tỏa. Khi gặp  chúng tôi, ông thường hỏi:“Dân đang nghĩ gì, đang làm gì, và cần gì?”. Khi chúng tôi nói cho ông nghe những bức xúc của dân ông hỏi: “Nếu dân nghĩ vậy thì mình làm sao?”.
               
Nguyễn Văn Linh tỏ thái độ đồng tình với Trần Xuân Bách về cơ chế dân chủ và đổi mới chính trị. Có lần ông nói với anh em báo chí: “Anh Trần Xuân Bách nói rất đúng. Dân chủ  không phải là ban ơn, là mở rộng dân chủ, mà đó là quyền của dân với tư cách người làm chủ lịch sử, không phải là ban phát, do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia. Dân chủ là khởi động trí tuệ dân để tháo gỡ khó khăn đưa đất nước theo kịp thời đại!” .
                 
Nửa đầu của nhiệm kỳ Tổng bí thư, Nguyễn Văn Linh là một con người như vậy. Đất nước đổi mới từng ngày, nhà cửa mọc lên khang trang, nụ cười xuất hiện trên môi người, Việt kiều về quê rất đông, và hầu như không có những vụ khiếu kiện tập thể...Đại hội VI của Đảng cộng sản Việt Nam xóa quan liêu bao cấp, thực hiện đổi mới và mở rộng quan hệ đối ngoại, nhất là với Mỹ và phương Tây, đã làm Trung Quốc rất khó chịu, tìm cách phá ngang.

Gần cuối nhiệm kỳ, Nguyễn Văn Linh bị Trung Quốc cài bẫy. Trong bài  này, sự tác động do Liên Xô, Đông Âu sụp đổ và vai trò của Đỗ Mười thế nào chưa bàn đến. Nhưng đó là nguyên nhân chính đã làm cho Nguyễn Văn Linh thay đổi hẳn quan điểm, dẫn tới dân-nước và bạn bè quốc tế bị bất ngờ và thất vọng.
               
Có thể nói cái mốc ấy bắt đầu từ Hội nghị Thành Đô, Trung Quốc từ 3 đến 5-1990 đến bây giờ, dù những người tư liệu còn hạn chế, nhưng nhìn lại một cách khách quan, vẫn vừa tiếc, vừa buồn, vừa trách Nguyễn Văn Linh.
              
Theo ông Trần Quang Cơ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ngày 29-8-1990, đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy, gặp Nguyễn Văn Linh ở Hà Nội, chuyển thông điệp của Giang Trạch Dân, Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc,  và Lý Bằng, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc, mời Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng sang Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) ngày 30-8-1990 để hội đàm bí mật về vấn đề Campuchia và vấn đề bình thường hòa quan hệ hai nước.
               
Trương Đức Duy nói mập mờ rằng, Đặng Tiểu Bình có thể gặp Phạm Văn Đồng, và lấy cớ Bắc Kinh đang tổ chức Á vận hội ASIAD, sợ lộ bí mật nên phải gặp nhau ở Thành Đô.
               
Đây là chuyện rất đột ngột, bởi mới 5 ngày trước, Trung Quốc khăng khăng không muốn bàn chuyện bình thường hóa, mà đòi phải giải quyết vấn đề Campuchia trước, tại sao bây giờ họ lại  bàn vấn đề bình thường hóa?
                
Ông Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Ngoại giao nhận định: Sự thay đổi đột ngột của Trung Quốc là do họ cần thực hiện 4 hiện đại hóa, nhưng bị Mỹ, Nhật, Liên Xô và các nước cấm vận sau vụ đàn áp Thiên An Môn, nên phải tìm cách thoát ra.  
                 
Bên cạnh đó, Trung Quốc thấy Mỹ, Nhật, đặc biệt là các nước trong khối ASEAN, tỏ thái độ thân thiện với  Việt Nam, nên muốn phá ta.
                     
Quan điểm của Nguyễn Văn Linh lại khác.
                  
Ông triệu tập họp Bộ chính trị và nếu ý kiến: “Tranh thủ Trung Quốc, hợp tác với Trung Quốc, để bảo vệ Xã hội chủ nghĩa” (!?).
                 
Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu, đặc biệt là Rumani mà Nguyễn Văn Linh vừa thăm đã tác động rất lớn tới ông, làm cho ông mất bình tĩnh.
                  
Mặc dù Nguyễn Cơ Thạch,  Võ Chí Công, Trần Xuân Bách can ngăn, nhưng Nguyễn Văn Linh không nghe, vẫn giữ quan điểm: “Hợp tác với Trung Quốc, bảo vệ XHCN chống đế quốc!”. Quan điểm của Nguyễn Văn Linh được Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Đào Duy Tùng... ủng hộ.         
                 
Và thế là, ngày 2-9-1990, dù đang kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 45 năm, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng vẫn đi Thành Đô, với sự tháp tùng của Hồng Hà, Chánh văn phòng Trung ương đảng và Hoàng Bích Sơn, Thứ trưởng ngoại giao. Nguyễn Văn Linh không cho Nguyễn Cơ Thạch đi, vì Nguyễn Cơ Thạch không đồng quan điểm, Trung Quốc không thích Nguyễn Cơ Thạch.
               
Theo Trần Quang Cơ, Trung Quốc đã đánh lừa Việt Nam một cách trắng trợn. Họ nói Đặng Tiểu  Bình sẽ  gặp Phạm Văn Đồng nhưng Đặng không xuất hiện. Ông Võ Văn Kiệt nói: “Nhẽ ra anh Tô không nên đi!”. Mà Đặng Tiểu Bình là gì mà chính Phạm Văn Đồng cũng muốn gặp để rồi bị dính chùm trong vụ tham dự Hội nghị Thành Đô?

Từ đó Trung Quốc thêm vinh danh và đạt được ý đồ thâm hiểm lâu dài là kìm hãm, phá ngang đường lối đổi mới và kéo Việt Nam đi theo quỹ đạo của Trung Quốc. 
Cũng từ quan điểm đưa ra đầy thỏa hiệp Trung-Việt này mà cái 'bào thai' đẻ ra con ngáo ộp “Diễn biến hòa bình” và sau này củ cà rốt đỏ chót “16 chữ vàng”, “4 tốt”  trở thành "khẩu hiệu hành động, khẩu khí ngoại giao" rất mất lòng dân của lãnh đạo Việt Nam... 
               
Vấn đề Campuchia, Trung Quốc vẫn giữ thái độ như  ngày 24-8-1990, đòi cấu trúc thành phần chính phủ hòa hợp dân tộc Campuchia theo công thức: 6 +2+2+2+1 (6 người phe chính phủ Hun sen , 2 người phe Khmer đỏ, 2 người phe Hoàng gia, 2 người phe đảng dân chủ, và Siha Nouk). Điều này hoàn toàn trái với công thức: 6 +2 +2 +2 mà Hun Sen và Siha Nouk đã thỏa thuận tại Tokyo.
              
Ông Trần Quang Cơ  viết: “Hội nghị Thành Đô có 8 điểm, hai điểm về quốc tế, 5 điểm về Campuchia, chỉ có một điểm về Việt Nam. Nguyễn Văn Linh nêu ‘Giải pháp Đỏ’, Trung Quốc hoan nghênh nhưng không mặn mà !”.
             
Cái gọi là “Giải pháp Đỏ” của Nguyễn Văn Linh là “Kéo Trung Quốc lại, thay thế Liên Xô, làm chỗ dựa vũng chắc bảo vệ phe Xã hội chủ nghĩa!”. Nguyễn Văn Linh mê muội phe chủ nghĩa xã hội, tìm mọi cách bảo vệ phe xã hội chủ nghĩa, quên quyền lợi và danh dự của dân tộc mình và  làm mất niềm tin của bạn bè !
              
Khi Trung Quốc đưa công thức 6+2+2+2+2+1 ra, ông Phạm Văn Đồng nhắc Nguyễn Văn Linh thận trọng. Phía Trung Quốc liền mời Phạm Văn Đồng ra chỗ khác để Nguyễn Văn Linh ký. Ông Phạm Văn Đồng đã thấy nguy, nhắc Nguyễn Văn Linh sửa sai, nhưng Nguyễn Văn Linh nói: “Không sao đâu!”.
                
Từ Thành Đô về, Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh sang Campuchia gặp Hengsomrin và Hunsen trao đổi về Hội nghị Thành Đô. Nhưng Campuchia không chấp nhận công thức ấy và nói thẳng ViệtNam, Trung Quốc không có quyền can thiệp vào Campuchia. Xương máu cùa hàng  ngàn  cán bộ chiến sĩ quân đội ta đổ  trên chiến trường Campuchia đã bị  Nguyễn Văn Linh bán rẻ cho Trung Quốc!
               
Trung Quốc nói giữ bí mật Hội nghị Thành Đô nhưng chính họ thông báo cho thế giới biết toàn bộ nội dung cuộc “họp bí mật” đó. Tờ Bangkok Post và tờ Tạp chí kinh tế Viễn Đông, ngày 4-10-1990, đăng bài bình luận “Củ cà rốt và chiếc gậy” nói Việt Nam đã nhượng bộ nhiều hơn làm vừa lòng Trung Quốc. 
            
Nguyễn Văn Linh đã thất bại trong sách lược “Giải pháp Đỏ”, bị Trung Quốc tách ra khỏi các mối quan hệ với phương Tây với nhiều mở hướng tốt đẹp cho sự nghiệp đổi mới, chỉ vì nghe Trung Quốc xúi cho bùi tai là làm thành trì bảo vệ Xã hội chủ nghĩa.

Nói đúng hơn Nguyễn Văn Linh đã bị Trung Quốc lừa một vố đau.
             
Theo ông Trần Quang Cơ: “Sở dĩ ta bị mắc lừa ở Thành Đô vì chính ta lừa ta! Ta ảo tưởng Trung Quốc giương cao ngọn cờ Xã hội chủ nghĩa, thay thế Liên Xô làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng Việt Nam và XHCN thế giới, chống lại hiểm họa “Diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc do Mỹ đứng đầu. Sai lầm đó đã dẫn đến sai lầm Thành Đô cũng như sai lầm “Giải pháp Đỏ”.
              
Ông Nguyễn Cơ Thạch nói: “Trung Quốc đã sử dụng Hội nghị Thành Đô để phá mối quan hệ Việt Nam với các nước, chia rẽ nội bộ ta, kéo lùi tiến trình đổi mới của ta!”
            
Phạm Văn Đồng tỏ ra ân hận vì không ngăn được Nguyễn Văn Linh ký thỏa thuận Thành Đô. Nguyễn Văn Linh tránh trớ: “Anh Tô nhớ lại xem! Không phài tôi đồng ý. Tôi chỉ nói nghiên cứu xem xét và bây giờ tôi vẫn nghĩ thế là đúng”.
            
Cái gọi là “đúng” của Nguyễn Văn Linh là từ luận điểm câu nhử, đe dọa của Trung Quốc: “Âm mưu đế quốc Mỹ chống phá xã hội chủ nghĩa ở châu Á, cả Cu Ba. Nó đã phá Trung Quốc trong vụ Thiên An Môn rồi, nay chuyển sang phá ta!”. Và, không hiểu Trung Quốc làm cách nào mà nó như thứ bùa mê thuốc lú để Nguyễn Văn Linh lý giải: “Dù Trung Quốc bành trướng thế nào thì Trung Quốc vẫn là một nước Xã hội chủ nghĩa!”.
            
Từ Hội nghị Thành Đô trở về hình như Nguyễn Văn Linh là một con người khác.

Ngày 28-8-1990, tuyên bố chấm dứt “Những việc cần làm ngay”. Ông nói “Bận quá! Vả lại tôi viết để “mồi” cho các nhà báo viết tiếp để đấu tranh kiên quyết liên tục!”. Ông còn viết: Không nên đi xe ngoại, rằng: “Ta về ta tắm ao ta”…
            
Đó là một lời nói dối, bởi sợi dây trói vừa được cởi ra trong khoảng thời gian 3 năm 4 tháng đã bị thít lại chặt hơn, và chính ông là người đầu tiên đã liên kết với Đào Duy Tùng, Nguyễn Hà Phan, Đỗ Mười đánh dập vùi Trần Xuân Bách, một người được coi lả có trí tuệ nhất trong Bộ chính trị lúc đó.
             
Nguyễn Văn Linh đã đưa Việt Nam tiến lên một bước, nhưng rồi chính ông lại kéo Việt Nam lùi lại, ông mở cái cửa nhỏ thoát ra khỏi một ngõ cụt nhưng rồi chính ông lại đóng sập cánh cửa ra biển lớn của dân tộc vì ý thức bảo thủ và giáo điều cùa ông !
            
Nguyễn Văn Linh đã tự lội xuống ruộng, đúng hơn tự dìm mình vào vũng bùn Thành Đô, và để mất sự kính trọng nhẽ ra ông được hưởng.

M.D



......./.