Người thương nhớ vỉa hè


Người thương nhớ vỉa hè

http://sgtt.vn/Van-hoa/174592/Nguoi-thuong-nho-via-he.html




Hồi nhỏ, đã được đọc qua cuốn Những bước lang thang trên hè phố của Gã Bình – Nguyên Lộc (nhà xuất bản Thịnh Ký, 1966), tôi chưa thấy hết giá trị của tấm lòng dành cho Sài Gòn của nhà văn này. Sau 1975, tới lui khu vực Đồng Tiến - Mã Lạng khá nhiều như một sinh viên rồi người đi dạy ở khu vực đó, đột nhiên thường trở về trong trí tôi những dòng ông viết về Sài Gòn, cái thành phố mà nhà văn Bình – Nguyên Lộc đã trưởng thành và sáng tác sung sức nhứt trong suốt 36 năm.  


 
Trong 18 đoản văn của ông, gom từ nhiều bài tạp văn trên báo đài viết, về thần thánh, bia đá, mồ mả, chùa phố đền miếu của Sài Gòn, về Chợ Lớn, về những chim sẻ, xác diều, hàng me, khúc sông mang tên Ông Lãnh, phòng bán đồ lạc son, những căn nhà rách…  Ông bày hết những mặt "chịu không nổi" của thành phố này như tiếng ồn đinh tai nhức óc của muôn ngàn động cơ. Rồi sau đó, ông chỉ ra liền những nét đáng yêu trộn nhoà vào đó để quân bình lại như tiếng kêu cơm, tiếng rao hàng mà ông cho là có những "giọng ngâm hay hơn giọng ngâm của các ngâm sĩ quen biết".  





Càphê vỉa hè ngày 3.3.1950. 
Ảnh: Life/TL manhhai


Bài Văn nghệ đứng đường được ông cho đăng trên tạp chí Nhân Loại vào năm 1952 nói về "những ấn phẩm rẻ tiền bày bán ở vùng Ông Lãnh, Xóm Củi, nơi tập trung các ghe thương hồ, và ở những xóm lao động", nơi mà "những truyện cổ tích Việt Nam, những nhơn vật lịch sử của ta đều được viết thành sách in bán với giá thách đố cả mọi cạnh tranh, rẻ như một tờ báo hằng ngày". Đã trên nửa thế kỷ qua, giờ thì đã trở nên hiếm hoi tới độ gần như tuyệt chủng, loại văn sĩ "cống hiến" tài năng và cả tên tuổi mình cho kiểu hiệu quả "ông Trần Bình Trọng đã lấn ông Tiết Nhơn Quý và ông Trương Phi đã nhường chỗ cho ông vua Quang Trung".  

Như đã nói, con người lê la đường phố Sài Gòn này không tô vẽ một Sài Gòn hoàn hảo mà còn bày ra hết những điểm yếu, điều tệ của cái thành phố tứ xứ tụ về trong bài viết năm 1962 Vắng bóng bia đá thì hỏi bia miệng.  Gái đàng mới xem tường không mới Trai Bến Thành xem lại chẳng thành Ngày ngày qua lại em, anh, Có xu có lúi mới thành ngỡi nhân. Thời ấy cũng đã có những phụ nữ vọng ngoại. Em đà có chốn, gởi mình cho Thanh Căn duơn đâu mà thấu đến bên Tàu, Hoạ chăng em thấy chú tửng giàu em ham.  

Tính cách Sài Gòn không chỉ tương phản rõ ràng của xấu và tốt mà còn có những tính cách kỳ lạ cổ quái nghiêng về bịnh lý như cơn đam mê của những tay thu tàng. Đoạn kết bài Lan đam mê, ông ghi lại chuyện một đại điền chủ bảy mươi tuổi, giàu có, bị bắt khi đi ăn trộm món đồ đáng giá mấy xu chỉ vì món đồ chơi bằng sứ ấy đã tuyệt bản mà người chủ căn nhà lá ấy cũng là một tay chơi của lạ, khư khư không bán.  Có những lúc đưa những người bạn nước ngoài đứng trên chiếc tháp cao ngất gần cổ tự Trúc Lâm, nhìn xuống bức tranh lổn nhổn những tôn, ngói, thấp cao, nâu trắng, đen hồng, xám tía, trắng lục, đen chàm mà hình dung từ thích hợp nhất có lẽ là "tả pín lù", không khỏi nhớ lời lẽ của ông nhà văn thích đi lang thang này về một trong những đặc điểm của Sài Gòn trong bài: Giải phẩu tâm thần.  "Con phố mới, giống như một anh chàng hình dung chải chuốt áo quần bảnh bao" mà mắc tâm bịnh, nhờ y sĩ chuyên môn giải phẫu tâm thần cho. Bao nhiêu ý nghĩ bỉ ổi bị dồn ép trong tiềm thức của chàng ta, được khai tuốt ra hết trong giấc ngủ thôi miên mà y sĩ gây ra.   

Lắm khi, chính vị y sĩ vốn đã biết rất nhiều về uẩn khúc của lòng người, mà còn phải kinh ngạc tự hỏi sao cái bề ngoài của anh chàng đẹp thế mà lòng anh ta lại u uẩn thế kia. (Buổi Sáng, 1959).  Đặc biệt, chuyện mồ mả ở thành phố này chiếm hết ba bài trong cuốn này: Mả cũ bên đường, Hui nhị tỳ (1) và (2).  Nhờ ông, ta biết được cạnh các nghĩa trang Bắc, Trung, Nam Việt, thành phố này còn nhiều mả vôi rải rác ở thành Ô Ma, ở chợ Cây Điệp, đường Cây Thị, phố Nguyễn Văn Tráng, góc Bùi Chu (nay là Tôn Thất Tùng) – Bùi Thị Xuân... biết "ngã bảy, trường P. Ký, nhà thương Từ Dũ đều cất trên bãi tha ma đông hằng nghìn nấm mộ". Bởi vì:  "Thành Phiên An ngày xưa rất bé nhỏ, nhưng sao mồ mả của dân thành phố ấy lại chiếm hết đất Sài Gòn ngày nay? Đó là vì mả ấy gần sanh phần của trên mười thế hệ người. Người Việt ta đến Sài Gòn đã trên ba trăm năm rồi, bạn nhớ chớ?  Ba trăm năm họ đã cần cù, đau khổ, vui sướng, khóc cười để tạo nên Sài Gòn của bạn ngày nay".  

Qua các tựa sách đầu và cuối đời của Bình – Nguyên Lộc, người ta đã nhìn ra những mối bận tâm lớn của ông. Cuốn đầu tay Hương gió Đồng Nai (chưa hoàn tất) cho thấy mối bận tâm của cả một dòng họ có mặt trên 300 năm nơi đây. Tác phẩm thứ hai mang tên Phù Sa (cũng chưa hoàn tất) là mối bận tâm của ông dành cho cả Nam bộ. Những cuốn như Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt và Lột trần Việt Ngữ của ông thì mang mối bận tâm cho cả một dân tộc.  Còn cuốn Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình – Nguyên Lộc này rõ ràng ông viết và in cho mình. Chính vì không bận tâm đến chuyện "hàng hoá" những ghi chép đó mà ông chỉ cho in 658 bản trên giấy đặc biệt chế tạo tại làng Vĩnh Cửu, không bản thường, bìa đen trắng, với lời cam đoan sẽ không bao giờ tái bản.   

Trả lời một phỏng vấn, ông cho biết cuốn này cùng với Cuống rún chưa lìa và Tỳ vết tâm linh là ba cuốn mà ông tâm đắc nhứt. Không phải nhà văn kiêm nhà báo nào cũng được kính nể như ông. Để có được sự quý trọng này, nhiều người cho là phần lớn do tấm lòng rộng lớn của ông dành cho, không những riêng với Sài Gòn mà còn là cho cả cõi Nam kỳ xưa cũ.  Có người nhìn ra nét độc đáo trong văn phong ông khi ông khai sanh ra nghệ thuật kết hợp âm thanh trong tiếng nói với sự chuyển động của vật thể, chiếu vào những sự kiện nhỏ nhoi, mà chưa ai thấy trong văn Hồ Biểu Chánh cũng như kiểu viết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. 
Cách bày ra một hiện thực thô lậu cạnh những nhận xét tế vi của ông đã ít nhiều ảnh hưởng đến những người viết sau như Sơn Nam, Võ Phiến, Nhật Tiến, Thanh Tâm Tuyền, Lê Xuyên, Thuỵ Vũ, Hồ Trường An.  
Là một hậu sinh, tôi nghĩ không những mình mà còn nhiều người của mảnh đất phía Nam nước Việt này chịu ơn ông. Bằng cách kể chuyện chậm rãi, đơn giản, ông đã dung hoà vào tác phẩm của mình từ những vấn đề lớn của văn chương như quê hương, đất nước, thiên nhiên, con người, nếu cần, ôm vào cả các phạm trù đối nghịch. Kiểu kể này có thể làm thất vọng một số người cầu kỳ, sính văn nào đó, nhưng những kiếp người sống lặng lẽ phước kém, tài hèn thì chắc chắn là thấm thía. Một nhà phê bình đã cho ông là lương tâm của loại người này. 


Thuốc lá vỉa hè 1956. 
Ảnh: TL manhhai

Ông đã giúp họ nói ra được những gì họ cần nói nhưng không thể diễn tả được.  Ngay cả trong cách nói về một thành phố chưa già như Hà Nội, chưa đủ thơ mộng như Huế, mà lúc nào cũng "thổ ngơi thơm phức, hồn ma cũ!" như thành phố này, chúng ta cám ơn ông biết bao khi được nhắc nhở về những người vô lẫn hữu danh lớp lớp đứng quanh hay nằm dưới chân ta. Họ cũng là những người mất khả năng diễn tả. Nhưng có lẽ ông chẳng cần tới những lời cám ơn khách sáo ấy. Hơn ai hết, nhà văn Bình-Nguyên Lộc đã khẳng định từ đầu, đặc biệt với những ghi chép về Sài Gòn này, chỉ nhẹ nhàng thôi, là mình viết cho mình.  

NGUYỄN THỊ MINH NGỌC


......../.