Hứa hẹn của Mùa Xuân Á Rập
Trần
Ngọc Cư dịch
(Trong phát triển chính trị, không thành
quả nào mà không gian khổ)
Người ta dễ
dàng cảm thấy bi quan về Mùa Xuân Á Rập, nếu chỉ nhìn vào tình trạng nhiễu
nhương hậu cách mạng mà vùng Trung Đông đang trải qua. Nhưng các người chỉ
trích quên rằng các nền dân chủ mới mẻ cần phải có thời gian để vượt qua quá
khứ độc tài của chúng. Như lịch sử phát triển chính trị tại các nơi khác cho
thấy, nhất định tình hình sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
SHERI
BERNARD là Giáo sư Khoa Chính trị tại Barnard College, Đại học Columbia, Hoa Kỳ.
Foreign
Affairs
Chỉ trong
vòng hai năm tiếp theo sau sự bộc phát của cái gọi là Mùa Xuân Á Rập, nụ hồng
đã vội hết thời xuân sắc. Các chế độ dân chủ non trẻ tại Bắc Phi đang phấn đấu
vất vả để tiến lên hay thậm chí để giữ được quyền kiểm soát, những cuộc đàn áp
của chính phủ tại vùng Vịnh Ba Tư và những nơi khác đã chặn đứng tiến trình tự
do hóa, và Syria ngày càng lún sâu vào một cuộc nội chiến ác liệt đang đe dọa
châm ngòi toàn khu vực Trung Đông.
Thay vì có
một sự hân hoan đều khắp về sự kiện thể chế dân chủ cuối cùng đã đến với vùng
này, bây giờ người ta lại nghe trỗi lên chủ nghĩa bi quan về nhiều trở ngại
trên con đường tiến tới dân chủ, nỗi sợ hãi về những gì sắp xảy ra, và thậm chí
cả lòng hoài cổ công khai về trật tự của chế độ độc tài trước đây. Tháng Sáu
vừa qua, khi quân đội Ai Cập giải tán Quốc hội và cố đẩy lùi lịch sử bằng cách
phá rỗng chế độ tổng thống dân sự, nhà bình luận đối ngoại chính của tờ The Wall Street Journal đã nửa đùa nửa thật, “Ta hãy hy vọng
chế độ dân sự này có thể vận hành tốt” (Thật ra nó không được như vậy). Và âm
mưu giành quyền lực [từ tay quân đội] của Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi vào
tháng Mười một đã làm cho việc tiếc nuối chế độ cũ trở nên bình thường.
Mặc dù chủ nghĩa hoài nghi này là điều có thể đoán được, nhưng nó
cũng sai lầm không kém. Mỗi đợt dân chủ hóa trong thế kỷ vừa qua – sau Thế
Chiến I, sau Thế Chiến II, trong cái gọi là làn sóng dân chủ thứ ba vào những
thập niên gần đây – đều được tiếp nối bằng một giai đoạn thoái trào, đi kèm với
một thái độ hoài nghi phổ biến về khả năng phát triển và thậm chí cả sự đáng
được thèm muốn của việc quản trị quốc gia theo đường lối dân chủ tại các vùng
liên hệ.
Ngay sau khi
tiến bộ chính trị khựng lại, một phản ứng bảo thủ liền diễn ra, trong khi các
người chỉ trích lên tiếng ta thán về tình trạng nhiễu nhương của thời đại mới
và tiếc nuối tình trạng được cho là ổn định và an ninh của kỷ nguyên độc tài
trước đó. Người ta hy vọng rằng trình độ dân chúng ngày nay sẽ khá hơn – rằng
họ sẽ hiểu rằng phát triển chính trị thật ra là như thế đấy, hiện nay cũng như
trong quá khứ, ở phương Tây cũng như tại Trung Đông, và rằng con đường duy nhất
trước mặt là phải lao tới tương lai chứ không quay đầu trở lại quá khứ.
Sai lầm đầu tiên mà các người chỉ trích vấp phải là, họ coi các chế
độ dân chủ mới mẻ như những tấm bảng chưa hề được viết lên, bất chấp những động
lực và vận mệnh được thừa hưởng hơn là được lựa chọn.
Tình trạng
nhiễu nhương, bạo động, và tham nhũng được họ coi như là bằng chứng của sự rối
loạn chức năng có sẵn trong bản thân của thể chế dân chủ, hay của sự ấu trĩ
hoặc phi lý của một khối dân chúng đặc thù, chứ không phải là những căn bệnh
của chế độ độc tài trước đó.
Bởi vì các
chế độ độc tài vốn không có chính nghĩa trước nhân dân, chúng thường dùng thủ
đoạn để vận dụng và đào sâu hố ngăn cách trong xã hội nhằm chia rẽ các thành
phần có tiềm năng chống đối và tạo hậu thuẫn cho chúng từ các nhóm được ưu đãi.
Vì thế khi tiến trình dân chủ hóa diễn ra, mối nghi kỵ và thù ghét lẫn nhau bị
dồn nén lâu ngày thường bùng nổ. Và vì các chế độ độc tài cai trị bằng mệnh
mệnh chứ không phải bằng sự đồng thuận, chúng đàn áp các thành phần bất đồng
chính kiến và ngăn chặn việc thành lập các cơ chế chính trị và xã hội nhằm giúp
người dân phát biểu và thể hiện đòi hỏi của mình một cách bình thường.
Do đó, người dân trong các chế độ dân chủ mới mẻ
thường bày tỏ những bất bình của mình một cách tùy tiện và thiếu tổ chức, bằng
một mạng lưới choáng ngợp gồm nhiều đảng phái, bằng luận điệu và hành động cực
đoan, bằng các cuộc xuống đường và thậm chí đánh nhau.
Tất cả những
động cơ này đã biểu hiện tiếp theo sau Mùa Xuân Ả Rập. Tại Ai Cập, chẳng hạn,
các chế độ Anwar al-Sadat và Hosni Mubarak trước đó đã không cho phép các chính
đảng có thực chất hay các tổ chức dân sự độc lập phát triển; sự kiện này giúp
ta hiểu được tại sao Hồi giáo (Islamism) là lực lượng chính trị có quá nhiều ưu
thế hiện nay. Trước đây, các tổ chức tôn giáo vốn đã nằm trong số những diễn
đàn duy nhất, qua đó người dân trung bình có thể bày tỏ nguyện vọng hay tích
cực tham gia các sinh hoạt trong cộng đồng của họ. Vì thế khi Mubarak bị lật đổ
và sự chuyển đổi chính trị diễn ra, thì chỉ một mình các lãnh đạo Hội giáo có
sẵn cơ sở hạ tầng để huy động hậu thuẫn một cách hiệu quả. Tình trạng kém phát
triển của các tổ chức xã hội dân sự và chính trị, vì thế, có nghĩa là một khi
chế độ độc tài tan rã, sẽ không mấy cơ chế có đủ khả năng nói lên những bất
bình của người dân, huống hồ đáp ứng được chúng. Điều này giải thích sự thiếu
vắng các đảng phái phi-Hồi giáo có thực lực hiện nay và giúp ta hiểu được
khuynh hướng xuống đường của người Ai Cập để bày tỏ những đòi hỏi và nỗi bất
bình của mình. Nước cờ của Tổng thống Morsi vào tháng Mười một vừa qua, nhằm
tránh né việc duyệt xét tính hợp hiến (judicial review) của các sắc lệnh mà ông
đưa ra, phản ánh sự hoài nghi rộng lớn trong khối Hồi giáo đối với hệ thống toà
án Ai Cập, một phần vì thiếu một chế độ pháp trị đáng tin cậy trong thời đại
Mubarak, cũng như tình trạng các lực lượng chống Mubarak hiện không thể hợp tác
với nhau phản ánh lịch sử phân hóa tai hại của họ dưới chế độ độc tài trước
đây. Như Ahmed Mekky, Bộ trưởng Tư pháp, đã nói đến cuộc tranh cải về việc
duyệt xét tính hợp hiến nói trên như sau: “Tôi qui trách nhiệm cho cả nước Ai
Cập, bởi vì họ không biết cách đối thoại với nhau” – nhưng đây chính là ý đồ
của Mubarak.
Những chuyện tương tự như vậy được nói về các chế độ độc tài Trung
Đông khác. Tại Iraq, Saddam Hussein đã cố tình tạo nhiều mâu thuẫn trực tiếp
giữa các bộ phận dân chúng khác nhau như một phương cách để ràng buộc một số
nhóm lợi ích nhất định vào chế độ, đồng thời làm suy yếu bất cứ tiềm năng chống
đối nào. Lề thói này, cùng với việc chế độ hoàn toàn dẹp bỏ các sinh hoạt chính
trị và xã hội công dân bình thường, có nghĩa là Iraq sẵn sàng rơi vào tình
trạng bạo loạn một khi chế độ Saddam sụp đổ – một tiến trình mà chính Mỹ cũng
thúc đẩy bằng cách không chịu giúp đỡ để Iraq có được một trật tự mới hữu hiệu
nhằm thay thế trật tự cũ. Tại Lybia, Muammar al-Qaddafi đã cai trị bằng một chế
độ độc tài cá nhân quái gở, một chế độ độc tài đã làm cho đất nước ông trở
thành hoàn toàn không có guồng máy nhà nước (stateless) sau khi ông bị lật đổ,
khiến chính phủ mới tại Tripoli phải rất vất vả trong nỗ lực thiết lập trật tự
khắp lãnh thổ của mình. Và tạiSyria, chế độ độc tài của gia đình Assad đã dành
đặc ân cho nhóm thiểu số Alawite, bất chấp quyền lợi của các cộng đồng khác,
tạo điều kiện cho sự tranh chấp phe phái khi chế độ Assad tan rã.
Ngoài việc gán cho các chế độ dân chủ mới mẻ những thứ tội của các
chế độ độc tài đi trước, những người chỉ trích còn đặt ra những tiêu chuẩn
thành công ở một nấc cao đến độ phi lý, hoàn toàn không có trong lịch sử. Họ
giải thích tình trạng bạo động, nạn tham nhũng, sự hỗn loạn và bất lực, tiếp
theo cuộc chuyển đổi chính trị, như là những dấu hiệu cho thấy một số quốc gia
đặc thù (hay thậm chí toàn bộ một khu vực hoặc tôn giáo đặc thù) là không sẵn
sàng chấp nhận dân chủ, như thể các thời kỳ quá độ dân chủ bình thường sẽ êm ả
dẫn thẳng đến các thành tựu tự do ổn định và như thể các nước vấp ngã trên con
đường tiến tới dân chủ nhất định đã mang trong mình một cái gì sai hỏng. Thật
ra, chế độ dân chủ tự do ổn định thường thường chỉ xuất hiện sau các cuộc đấu
tranh bạo động lâu dài, đầy những quanh co khúc khuỷu, những khởi động giả
hiệu, và những con đường vòng.
Hơn nữa, những vấn đề này không phải là một khuyết tật kỹ thuật, mà
là một đặc điểm của tiến trình – không phải là những dấu hiệu cho thấy các vấn
đề gắn liền với thể chế dân chủ, mà là bằng chứng cho thấy tiến trình khó khăn
phức tạp của sự nghiệp phát triển chính trị, qua đó các xã hội gột rửa các tàn
tích của chế độ độc tài và xây dựng các trật tự dân chủ mới mẻ và tốt đẹp hơn.
Thể chế dân chủ tự do ổn định không những chỉ đòi thay đổi chế độ chính trị, mà
còn đòi hỏi phải loại bỏ những di sản xã hội, văn hóa, và kinh tế của chế độ
cũ. Một tiến trình này cần đến nhiều thời gian và nỗ lực, qua nhiều cuộc thử
nghiệm. Lịch sử cho thấy, hầu hết các cuộc chuyển đổi chính trị ban đầu mới chỉ
là bước khởi đầu chứ không phải là giai đoạn kết thúc của tiến trình dân chủ
hóa – đây là điều mà lịch sử đau thương của các nền dân chủ trưởng thành của
thế giới ngày nay đã chứng minh.
NHỮNG BÀI HỌC CỦA NƯỚC PHÁP
Hãy lấy nước Pháp làm ví dụ. Cũng như Mùa Xuân Ả Rập và các đợt dân
chủ hóa toàn cầu khác gần đây, sự sụp đổ của chế độ độc tài cha truyền con nối
tại Pháp năm 1789 được giới quan sát trên địa cầu hân hoan chào đón. Trong tác
phẩm The Prelude (Khúc dạo đầu), William Wordsworth đã
nhớ lại thời điểm này như là lúc mà toàn châu Âu “bồi hồi sung sướng/ Nước Pháp
đứng trên đỉnh cao của giờ phút huy hoàng/ Và tính người như được tái sinh”.
Nhưng mặc dù thế giới có thái độ lạc quan ban đầu, cuộc chuyển đổi chính trị đã
nhanh chóng chệch hướng. Năm 1791, với sự tuyên bố thành lập chế độ quân chủ
lập hiến, nước Pháp đã thực hiện thí nghiệm đầu tiên để tạo ra một trật tự
chính trị mới, nhưng chế độ chính trị ôn hòa này đã bị cả phe phản động lẫn phe
cực đoan bác bỏ. Chẳng bao lâu, phe cực đoan thắng thế, và vào năm 1793, họ
hành quyết nhà vua và tuyên bố một nền cộng hoà với quyền bầu phiếu phổ thông,
đồng thời cam kết tôn trọng một loạt quyền công dân và quyền chính trị rộng
rãi. Sau đó, nền dân chủ hiện đại đầu tiên này của châu Âu nhanh chóng suy sụp
và trở thành cái gọi là Triều đại Khủng bố (the Reign of Terror), trong đó vào
khoảng từ 20.000 đến 40.000 người đã bị xử tử vì những hoạt động “phản cách
mạng”.
Lý thuyết gia chính trị Anh Edmund Burke chỉ là một nhà phê bình
bảo thủ nổi tiếng nhất đã tranh luận rằng những kinh nghiệm lịch sử này cho
thấy các hiểm họa của việc thay đổi chính trị một cách cực đoan và sự cần thiết
phải có một giới tinh anh và các định chế chính trị để kềm hãm sự cuồng nhiệt
của quần chúng. Nhưng Burke và các nhà phê bình khác đã sai lầm. Xung đột và
bạo loạn tiếp theo sau Cách mạng Pháp không phải là hậu quả tất yếu của bản
thân thể chế dân chủ hay của sự thiếu chín chắn về phía quần chúng Pháp; nói
đúng ra, chúng phát xuất từ đường lối cai trị của chế độ độc tài trước đó. Chế
độ cũ đã dựa vào một liên minh giữa nhà vua và một bộ phận rất nhỏ bé trong xã
hội, chủ yếu là giới quí tộc. Để nắm được hậu thuẫn của các nhà quí tộc này,
các vua Pháp đã mua chuộc họ bằng các đặc quyền đặc lợi tài chánh, gồm có lương
hưu, chế độ bảo trợ [chế độ ô dù], cách đối xử đặc biệt về pháp lý, khả năng
tiếp cận các cơ hội thương mại béo bở, và được miễn thuế. Hệ thống này đã cho
phép dòng họ Bourbons ổn định được tình hình đất nước và bắt đầu công cuộc xây
dựng một nhà nước hiện đại trung ương tập quyền. Nhưng nó tạo ra một cảm thức
phổ biến trong dân chúng rằng giới quí tộc Pháp là một tầng lớp ăn bám đã rút
tỉa nguồn lực quốc gia đồng thời bóc lột giới nông dân. Nói tóm lại, chế độ cũ
đã tựa lên một cơ sở xã hội cực kỳ nhỏ bé, với nhà vua và giới quí tộc được gắn
chặt trong một liên minh thiếu lành mạnh, một liên minh đã tạo ra sự oán ghét
và xung đột giữa các tầng lớp hạ lưu và các bộ phận được ưu đãi trong xã hội.
Như học giả Hilton Root nhận định, sự kiện này đã đưa đến một “xã hội bị phân
hóa thành những nhóm khép kín, chỉ biết đến mình thôi” – và các thành viên của
những nhóm này, như Alexis de Tocqueville trích lời một vị trong những bộ
trưởng của Louis XVI, đã “không mấy liên hệ với nhau, khiến cho mỗi người chỉ
nghĩ đến lợi ích riêng tư của mình, và không có một mảy may quan tâm nào đối
với phúc lợi công cộng”.
Vào nửa sau của Thế kỷ XVIII, phần lớn vì những cuộc chiến tranh
tốn kém và thất bại nặng nề, nhà nước Pháp gặp phải vấn đề tài chính rất nghiêm
trọng. Không muốn tăng thuế trên giới giàu có vốn được ưu đãi, chế độ phải dùng
đến biện pháp vay mượn ngày càng nhiều, và vào thập niên 1780, gánh nặng nợ nần
trở nên không còn chịu đựng được nữa. Vào thời điểm nhà vua rốt cuộc bị buộc
phải triệu tập một quốc dân đại hội vào năm 1789 để cố gắng đối phó những vấn
đề của đất nước, những xung đột vốn đã âm ỉ lâu ngày ở bên trong và ở giữa các
phe nhóm xã hội-kinh tế bùng nổ công khai, và nước Pháp được đặt vào con đường
dẫn đến cách mạng và tình trạng xáo trộn hậu cách mạng.
Nếu thử nghiệm dân chủ đầu tiên của nước Pháp có thất bại đi nữa,
nó cũng đã đóng góp sâu sắc cho việc hình thành sau cùng một chế độ dân chủ tự
do ổn định. Về mặt kinh tế, cuộc cách mạng Pháp đã thay thế hệ thống bảo trợ
[chế độ ô dù] dựa trên các tôn ti trật tự phong kiến giả hiệu bằng một hệ thống
thị trường đặt cơ sở trên quyền tư hữu tài sản và quyền bình đẳng trước pháp
luật. Về mặt xã hội, nó đã thay thế một xã hội được cấu trúc bởi những nhóm cha
truyền con nối có chức năng khác nhau (quí tộc, nông dân, v.v.) bằng một quốc
gia gồm có những công dân bình đẳng. Về mặt chính trị, nó đã thay đổi thái độ
của người dân đối với quyền công dân, các quyền khác, và việc quản trị đất nước
hợp pháp. Và cuộc cách mạng này đã nhanh chóng tăng tốc tiến trình hiện đại hóa
quốc gia, thay thế một mớ hỗn độn những sắp xếp địa phương và các thái ấp bằng một
hệ thống thư lại quốc gia và hệ thống thuế khóa quốc gia. Nói tóm lại, cuộc
cách mạng Pháp và hậu quả của nó đã trở thành những bước quan trọng đầu tiên
trong một cuộc đấu tranh kéo dài một thế kỷ rưỡi để loại bỏ chế độ cũ và thay
vào đó bằng một cái gì tốt đẹp hơn và dân chủ hơn.
TRƯỜNG HỢP NƯỚC Ý
Trong khi đó, nước Ý chỉ bắt đầu dân chủ hóa trước Thế chiến I. Chế
độ mới bị băng hoại vì xung đột xã hội và bất ổn chính trị ngay từ ban đầu, và
những vấn đề này bị hậu quả khó khăn của chiến tranh làm cho tồi tệ thêm. Vào
thời kỳ 1919-1920, khoảng 1,3 triệu công nhân nhà máy tại các thành thị rời bỏ
công việc và tuyên bố rằng chính họ chứ không phải giới chủ và giới quản lý
đang trông coi nhà máy. Tình hình ở các vùng quê có lẽ còn hỗn loạn hơn khi
nông dân và các công nhân nông nghiệp chiếm giữ tài sản vắng người hay khiếm
dụng và các đại địa chủ phải phản ứng bằng cách thuê mướn các đội dân quân tư
nhân (private militia) để chặn đứng giới nông dân và các công nhân nông nghiệp
nổi loạn. Hai đảng chính trị lớn nhất nước, một đại diện cho Công giáo và một
đại diện cho Xã hội chủ nghĩa, không thể hoặc không muốn hợp tác với nhau hay
có cam kết rõ ràng đối với thể chế dân chủ, khiến việc xây dựng các chính phủ
hữu hiệu ổn định không thể thực hiện được. Nhiều người dân Ý nhanh chóng đâm ra
chán ngán với cuộc xung đột thườngxuyên và tình trạng bất ổn chính trị, rồi qui
trách nhiệm cho bản thân thể chế dân chủ về những vấn đề của đất nước. Và vào
tháng Mười 1922, những chính trị gia phản dân chủ giành được những gì mà họ
mong muốn khi vua Ý, được các nhà chính trị bảo thủ thúc đẩy, chấm dứt cuộc thí
nghiệm dân chủ và giao vận mệnh đất nước cho nhà lãnh đạo năng động của cánh
hữu cực đoan, đó là Benito Mussolini.
Cuộc chuyển đổi qua chủ nghĩa phát-xít được nhiều người cả bên
trong lẫn bên ngoài nước Ý ca ngợi vì họ tin rằng chế độ độc tài cung ứng một
cơ may tốt đẹp hơn để tạo ra tình trạng ổn định và phát triển mà đất nước đang
khao khát. Những năm cầm quyền đầu tiên của Mussolini chỉ một mực gia tăng
tiếng tăm của ông và sự ca ngợi của dân chúng dành cho ông. Nhưng sự sùng bái
này đã đặt không đúng chỗ. Chế độ dân chủ ngắn ngủi trước đó là hấp dẫn hơn chế
độ phát-xít tiếp theo; hơn nữa, những vấn đề của thời kỳ dân chủ phần lớn được
tạo ra bởi chế độ phi dân chủ trước đó, một chế độ đã cố tình chia rẽ và dùng
thủ đoạn để thao túng dân chúng Ý, đồng thời không cho phép họ thường xuyên bày
tỏ những nguyện vọng và bất bình của mình.
Chỉ một vài thập kỷ trước đó, bán đảo Ý gồm có nhiều quốc gia riêng
biệt với lịch sử chính trị, kinh tế, xã hội, và văn hóa khác nhau. Vì mạng lưới
giao thông nghèo nàn và vì thiếu một ngôn ngữ chung, nên hầu hết dân chúng
trong khu vực này không mấy hiểu biết và quan tâm đến nhau. Việc thống nhất
lãnh thổ diễn ra vào thập niên 1860 không phải là kết quả của một cuộc nổi dậy
của quần chúng, mà là do các quyết sách từ trên, được đưa ra bởi các nhà lãnh
đạo của Piedmont, quốc gia hùng mạnh nhất trên bán đảo. Người Piedmont chủ yếu
áp đặt những gì có thể gọi là một hệ thống chính trị ngoại bang (hệ thống của
họ) trên phần còn lại của khu vực. Do đó, quốc gia Ý mới mẻ này gặp sự chống
đối lập tức –từ các cộng đồng tự cảm thấy mình đã trở thành thuộc địa, bị người
Piedmont bóc lột, và từ Giáo hội Công giáo vì họ bác bỏ ý niệm một chính quyền
thế tục vượt lên trên giáo hội quản trị đời sống của người dân Ý.
Thiếu khả năng và có lẽ không muốn gầy dựng hậu thuẫn từ phía quần
chúng, tầng lớp chính trị chóp bu của Ý cai trị đất nước mới mẻ này xuyên qua
một hệ thống được mệnh danh là trasformismo (chính phủ liên hiệp cánh giữa), bằng
cách kết nạp một số nhóm được ưu đãi nhất định vào trật tự chính trị xuyên qua
hệ thống bảo trợ [chế độ ô dù]. Bậc thầy đã sử dụng đường lối này là Giovani
Giolitti, vị Thủ tướng Ý ở vào nhiều thời điểm khác nhau từ năm 1892 đến năm
1921, một chính trị gia đã bằng cách gia hạn hoặc trì hoãn sự bảo trợ của nhà
nước và bằng cách dùng các hợp đồng ở hậu trường để tưởng tưởng hoặc trừng phạt
các nhóm cử tri chủ chốt [Dưới thời Giolitti, toàn nước Ý chỉ có 2 triệu đàn
ông có quyền bầu cử và bị khống chế bởi giới đại địa chủ, ND]. Nói cách khác,
nạn tham nhũng được cơ chế hoá (institutionalized corruption) đã nằm sẵn trong
lòng nhà nước non trẻ của Ý từ những ngày đầu, một sự kiện đã để lại những hậu
quả nghiêm trọng cho sự nghiệp phát triển chính trị của đất nước về sau.
Vì các định chế chính thức của nền chính trị nước Ý vào cuối Thế kỷ
19 và đầu Thế kỷ 20 – gồm các cuộc tuyển cử và quốc hội – rõ ràng không phải là
trọng tài đích thực cho quyền lực chính trị, nhiều phe nhóm trong xã hội Ý
không còn quan tâm đến chúng và bắt đầu thành hình ngoài các định chế hay thậm
chí chống lại chúng. Ngoài ra, việc độc đoán loại trừ một số nhóm nhất định ra khỏi
hành lang quyền lực đã tạo phẫn nộ và thất vọng. Và vì hệ thống chính trị không
đáp ứng những quan tâm và đòi hỏi của dân chúng, những chia rẽ trong xã hội Ý
đã không được giải quyết một cách nhất quán hay có hiệu quả.
Tất cả điều này có nghĩa là, khi một sự chuyển đổi hoàn toàn qua
chế độ dân chủ cuối cùng xảy ra, chế độ mới được khai sinh với hàng loạt vấn đề
tồn đọng. Nói cách khác, tình trạng hỗn loạn, xung đột, và bạo động vốn làm
băng hoại nước Ý trước khi Mussolini lên nắm chính quyền được gây ra không phải
bởi quá nhiều dân chủ (như những người chỉ trích rêu rao) nhưng bởi quá ít dân
chủ trước đó. Thời kỳ phát-xít là một bước thụt lùi chứ không phải là một bước
đi tới, và khi chế độ dân chủ Ý được phục hồi sau Thế chiến II, nó đã thừa
hưởng những lợi ích từ tiến trình thử nghiệm và lại tiếp tục phát triển từ nơi
mà cuộc thí nghiệm dân chủ trước đây bị dang dở.
MÔ HÌNH ĐỨC
Nước Đức bắt đầu dân chủ hóa cùng với làn sóng dân chủ tràn qua
châu Âu sau Thế chiến I, và từ buổi khai sinh, Cộng hòa Weimar non trẻ cũng bị
đè nặng bởi những vấn đề như xung đột xã hội, bất ổn chính trị, và chủ nghĩa
cực đoan [Cộng hòa Weimar là tên gọi các
nhà sử học dùng để chỉ cộng hòa liên bang và thể chế dân chủ đại nghị được
thiết lập năm 1919 để thay thế chính phủ đế chế, ND].
Nội trong
vài tháng sau khi nền cộng hòa được thành lập, Cộng sản địa phương đã tuyên bố
khai sinh một cộng hoà Xô-viết tại Bavaria, nhưng nó liền bị lật đổ bởi quân
tình nguyện Freikorps,
vốn là những đơn vị dân quân của cánh hữu, phần lớn nằm ngoài sự kiểm soát của
chính quyền trung ương. Sau đó Freikorps tiếp tục các cuộc tàn phá, nhúng tay
vào các vụ ám sát và biểu tình bạo động, để rồi cuối cùng hậu thuẫn một cuộc
đảo chánh hụt năm 1920; những cuộc nổi dậy cánh hữu khác, gồm có cuộc Đảo chánh
Beer Hall (Beer Hall Putsch) thất bại nhục nhã của Hitler vào năm 1923, tiếp
theo đó, và cả những cuộc nổi dậy của cánh tả [Beer Hall là nơi công chúng tụ
tập uống bia và cũng là nơi các chính khách thường đăng đàn diễn thuyết, ND].
Và tình hình nghiêm trọng hơn cả là việc vào năm 1923 Chính phủ Đức không trả
nỗi các khoản nợ bồi thường chiến tranh đã khiến Bỉ và Pháp giành quyền kiểm
soát vùng Ruhr, nhanh chóng đưa đến nạn Đại Lạm phát (the Great Inflation) –
rốt cuộc xóa bỏ các giai cấp trung lưu Đức và càng làm cho Chính phủ và các cơ
chế chính trị chủ lưu (mainstream) khác mất thêm chính nghĩa. Một mức độ ổn
định nào đó thực sự đã diễn ra vào cuối thập niên 1920, nhưng nước cộng hòa này
chưa kịp thở lấy sức thì đã bị cuộc Đại Khủng hoảng Kinh tế vùi dập.
Những lực
lượng chính trị chủ lưu chao đảo trước thảm họa kinh tế chính trị đang lù lù
xuất hiện, những phần tử cực đoan thắng thế, và vào mùa Thu năm 1932, Đảng Quốc
Xã trở thành đảng lớn nhất nước, đã vận động tranh cử bằng chương trình hành
động kết hợp những mũi tấn công vào thể chế dân chủ với những hứa hẹn giải
quyết các vấn đề của chủ nghĩa tư bản, đồng thời hàn gắn những phân hóa xã hội
của Đức. Tháng Hai 1933, Hitler được trao ghế Thủ tướng, và cuộc thử nghiệm dân
chủ tại Đức kết thúc.
Chẳng mấy ai có đủ lý do để tin chắc rằng thế giới Ả Rập sẽ mãi mãi
là một ngoại lệ của những qui luật phát triển chính trị. Phản ánh những sợ hãi
và phân tích bi quan của Burke và những học giả khác, hàng loạt các nhà phê
bình bảo thủ cho rằng Cộng hòa Weimar và các thử nghiệm dân chủ thất bại khác
giữa hai cuộc Thế chiến chứng tỏ rằng thể chế dân chủ và sự tham gia của đại
chúng vào các sinh hoạt chính trị không sớm thì muộn thường đưa đến thảm họa.
Họ cho rằng chỉ có những hệ thống chính trị độc tài được cai trị bởi một nhà
lãnh đạo cứng rắn mới bảo đảm được kỹ cương và chặn đứng được tranh chấp xã
hội, bất ổn chính trị và suy đồi đạo lý. Nhưng một lần nữa, những nhà phê bình
này lại sai lầm. Số phận của Cộng hòa Weimar ít có liên hệ với bất cứ vấn đề
nội tại nào trong thể chế dân chủ hay điều mà nhà văn Tây Ban Nha José Ortega
gọi là “con người quần chúng” (mass man); nó có nhiều liên hệ hơn với di sản bi
thảm của chủ nghĩa độc tài Đức trước đó.
Nước Đức hiện đại xuất hiện vào nửa sau của Thế kỷ 19, được thống
nhất do quyết định từ trên, dưới sự bảo trợ của bang mạnh nhất của nó, đó là
nước Phổ (Prussia) bảo thủ và quân phiệt.
Chính phủ
được điều hành bởi một thủ tướng chịu trách nhiệm trước một vị vua cha truyền
con nối (the kaiser) chứ không chịu trách nhiệm với đại chúng; có hai viện lập
pháp, thượng viện bị giới bảo thủ Phổ khống chế và hạ viện được bầu chọn theo
chế độ bầu cử phổ thông (universal suffrage). Thủ tướng không cần đến hậu thuẫn
của dân chúng để nắm quyền hành, nhưng cần hậu thuẫn này để thông qua các đạo
luật quan trọng.
Chế độ độc
tài mềm dẻo hoặc hỗn hợp này đã mạnh mẽ khích lệ các nhà lãnh đạo dùng thủ đoạn
chính trị để đạt được những gì họ mong muốn đồng thời làm các thành phần đối
lập ở vào thế chông chênh chỉ biết phòng ngự. Otto von Bismark, ngồi ở chức vụ
thủ tướng gần hai thập kỷ, là một bậc thầy về hành động quân bình lực lượng
này.
Một mặt,
Bismark tạo ra một liên minh bảo thủ, phản dân chủ, gồm giới địa chủ quí tộc
rộng lớn và các nhà công nghiệp nặng; mặt khác, ông chia rẽ, đàn áp, và bôi nhọ
các đối thủ Công giáo và Xã hội chủ nghĩa, đồng thời đào sâu hố chia rẽ khắp
nước. Chính sách “kẻ thù của quốc gia” do Bismark đưa ra cũng để lại ảnh hưởng
độc hại lên chủ nghĩa dân tộc Đức, tạo ra một quan niệm cho rằng nước Đức đang
đối đầu với những đe dọa từ bên trong lẫn bên ngoài.
Hậu quả là một nước Đức thống nhất về mặt chính trị nhưng ngày càng
phân hóa về mặt xã hội, với một tinh thần dân tộc chủ nghĩa lệch lạc, một đầu
óc đa nghi về thù trong giặc ngoài, và mức độ thất vọng và cực đoan ngày càng
gia tăng (vì chính phủ phi dân chủ này tỏ ra không đủ sức và không muốn đáp ứng
nhu cầu và đòi hỏi của dân chúng). Vì thế, khi một cuộc chuyển đổi trọn vẹn qua
thể chế dân chủ cuối cùng đã diễn ra tiếp theo sau sự thất trận của Đức năm
1918, chế độ mới đã thừa kế nhiều di sản băng hoại từ chế độ độc tài trước đó,
kể cả việc cố tình ngụy tạo trách nhiệm về chiến bại của Đức và tất cả các hậu
quả chính trị, kinh tế và tâm lý phát xuất từ đó.
Tại Đức, cũng như tại Pháp và Ý, thậm chí dù cuộc thử nghiệm dân
chủ hóa đầu tiên có thất bại thảm hại đi nữa, nó vẫn để lại những hậu quả tích
cực quan trọng về lâu về dài. Khoảng một thế hệ sau, khi dân chủ có một cơ hội
thứ hai, người ta sẽ xây dựng lên đó nhiều cơ chế mới, và mọi thứ, từ đảng phái
chính trị đến chính quyền quốc gia và địa phương đến các tổ chức xã hội công
dân, đều được hồi phục từ đống tro tàn. Kinh nghiệm của Cộng hòa Weimar giúp
các lãnh đạo chính trị về sau đảm bảo rằng những sai lầm trong lịch sử sẽ không
được lặp lại, với những bài học có ảnh hưởng tốt đẹp lên việc soạn thảo các bản
hiến pháp, lên việc tổ chức các nhà nước phúc lợi (welfare states), cơ cấu các
quan hệ giữa công ty và nhân viên, và hành vi chính trị nói chung. Giai đoạn
giữa hai cuộc Thế chiến và hậu quả của nó hóa ra không phải là một bước vòng vo
của lịch sử, mà là một giai đoạn quan trọng trong cuộc tranh đấu về lâu về dài
của châu Âu để xây dựng các chế độ dân chủ tự do ổn định.
TÌNH HÌNH SẼ TỐT ĐẸP HƠN
Những trường hợp trên có gì để nói về Mùa Xuân Á Rập? Chúng cho ta thấy
rằng những vấn đề đang biểu hiện rất rõ nét tại Ai Cập và các nước đang chuyển
mình khác trong thế giới ngày nay là hoàn toàn bình thường và có thể tiên đoán
được, rằng những vấn đề này chủ yếu là lỗi lầm của các chế độ độc tài trước đó
chứ không phải là do các tác nhân dân chủ mới mẻ, và rằng sự cáo chung của chủ
nghĩa độc tài và việc thử nghiệm chế độ dân chủ chắc chắn về sau sẽ được nhìn
nhận là những bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển chính trị tại
những nước này, cho dù tình hình có trở nên tồi tệ trước khi rốt cuộc lại trở
nên tốt đẹp hơn.
Hầu hết các nước dân chủ tự do ổn định hiện nay đều đã kinh qua một
thời gian rất khó khăn mới được như vậy. Thậm chí cả những trường hợp thường
được đề cao như những tấm gương dân chủ hóa sớm sủa và dễ dàng, như Anh và Mỹ,
cũng kinh qua nhiều vấn đề hơn người ta thường nhớ, với những cuộc nội chiến
trên qui mô lớn diễn ra trên con đường tiến tới dân chủ. Giống như những vấn đề
này không có nghĩa là thể chế dân chủ là sai lầm hay không thể thực hiện đối
với Bắc Mỹ hay châu Âu, những vấn đề của các nước dân chủ Ả Rập non trẻ cũng
không có nghĩa là thể chế dân chủ là sai lầm hay không thể xảy ra đối với Trung
Đông. Xưa cũng như nay, hầu hết các vấn đề mà những nước dân chủ phải đương đầu
là được thừa kế từ các chế độ trước đó. Thể chế dân chủ không nhất thiết tạo ra
hay làm trầm trọng thêm sự tranh chấp và nỗi thất vọng của cộng đồng và xã hội,
nhưng nó cho phép thái độ hoài nghi và nỗi niềm cay đắng mà người dân chất chứa
dưới các chế độ độc tài có cơ hội bộc lộ, thường thường với những hậu quả đáng
tiếc. Nhưng việc tiếc nuối sự ổn định dưới chế độ độc tài quả là một phản ứng
sai lầm, vì chính những căn bệnh có sẵn trong chủ nghĩa độc tài vốn đã giúp tạo
ra những vấn đề tiềm ẩn này từ đâu.
Lịch sử cho chúng ta biết rằng các xã hội không thể vượt qua những
vấn đề này trừ phi và cho đến bao giờ họ đối đầu trực tiếp với chúng. Việc lật
đổ một chế độ độc tài đã trụ được một thời gian lâu dài không phải là điểm kết
thúc của tiến trình dân chủ hóa nhưng mới chỉ là bước khởi đầu. Thậm chí cả
những cuộc thử nghiệm dân chủ thất bại thông thường vẫn là những giai đoạn tích
cực quan trọng trong tiến trình phát triển chính trị của các nước, là những
thời kỳ trong đó những nước này bắt đầu loại bỏ các di sản xã hội, văn hoá, và
kinh tế phản dân chủ của quá khứ. Có quá nhiều nhà quan sát hiện nay đang lý
giải các vấn đề và những bước thụt lùi [tại Trung Đông] như là những dấu hiệu
cho thấy rằng một thành quả dân chủ ổn định sau cùng là điều không thể xảy ra.
Nhưng những biến cố bạo động và bi thảm như Cách mạng Pháp, sự sụp đổ của thể
chế dân chủ tại Ý cũng như tại Đức, và cuộc Nội chiến Mỹ không phải là những
bằng chứng cho thấy những nước này không thể tạo ra hoặc duy trì được các chế
độ dân chủ tự do; những biến cố lịch sử ấy là một phần rất quan trọng trong
tiến trình theo đó những nước này đã đạt được thành quả tốt đẹp như vậy.
Thái độ bi quan
khắp mọi nơi về Mùa Xuân Ả Rập gần như chắc chắn sẽ sai lầm. Hẳn nhiên, Trung
Đông có một hỗn hợp gồm nhiều thuộc tính văn hóa, lịch sử, và kinh tế độc đáo.
Nhưng mọi khu vực cũng đều như thế cả, vì thế không lý do gì chúng ta lại tin
chắc thế giới Ả Rập sẽ vĩnh viễn trở thành một ngoại lệ đối với qui luật phát
triển chính trị. Năm 2011 là hừng đông của một kỷ nguyên mới mẻ đầy hứa hẹn cho
toàn khu vực, và trong tương lai thời điểm này sẽ được coi là một bước ngoặt
lịch sử, cho dù xuôi về hạ lưu sẽ còn gặp nhiều thác ghềnh hung dữ.
Các đầu óc bảo thủ chỉ trích thể chế dân
chủ chắc chắn sẽ sai lầm lần này, cũng như họ đã từng sai lầm về tình hình các
nước Pháp, Ý, Đức và mọi nước khác mà họ từng cho là tốt đẹp hơn dưới các chế
độ độc tài.
S.B.
Nguồn bài gốc: http://www.foreignaffairs.com/articles/138479/sheri-berman/the-promise-of-the-arab-spring?page=show
........./.