ĐỔI TÊN




TỪ ĐỔI TÊN NGƯỜI TỚI ĐỔI TÊN NƯỚC
Trần Văn Chánh


http://viet-studies.net/kinhte/TranVanChanh_TenNguoiTenNuoc.htm



***

     Phong tục và tâm lý người Việt rất coi trọng cái tên, vì tên người biểu lộ nguyện vọng và ý chí tiến thủ của một người. Ở Việt Nam thời xưa, có những sách chuyên khảo về tên họ những người đỗ đạt hoặc có tiếng, như có thể kể quyển Cổ kim trùng danh trùng tính khảo của Mai Phong Đặng Xuân Khanh, chuyên ghi lại những họ tên trùng nhau qua các đời, đủ thấy cái tên người là quan trọng đối với người Việt Nam như thế nào. 
     Tại các vùng nông thôn thời xưa, phần nhiều ít học, người dân có khuynh hướng dễ dãi lấy những tiếng thông tục xấu xí đặt tên cho con, nhưng khi đứa trẻ trưởng thành đi học hoặc ra đời làm ăn, vẫn muốn đổi một cái tên khác nghe cho đẹp hơn, hoặc nếu không thì người khác cũng đổi tên cho. Chẳng hạn các cô gái từ quê lên thành tìm sinh kế, thường đổi một cái tên xấu xí thành tên khác nghe mỹ miều hơn, cho đỡ mặc cảm với người đời; nếu đi ở làm công cho các nhà khá giả, chủ nhà cũng thường lấy những tên như Sen, Nhài, Nụ, Bông, Hoa... để đặt thay cho những tên Lủng, Mẹt, Tẹt... ở quê nhà nghèo khó.
     Thông thường, đặt hay đổi một cái tên nghe cho hay ho, hoặc có ý nghĩa thâm sâu nào đó, người ta muốn người mang tên cũng có được những tính cách, phẩm chất tốt đẹp hàm ý biểu thị trong tên gọi. Tuy nhiên có người tên nghe rất hùng dũng nhưng bản chất lại yếu đuối, và ngược lại. Nhưng dù sao, nói chung cái tên cũng ảnh hưởng đến tâm lý cá nhân rất mạnh. Tục xưa còn kiêng đặt những tên Hoa, Nguyệt cho con gái, vì “hoa nguyệt” có nghĩa bóng là tà dâm, là lẳng lơ...  
     Theo hương tục thời cũ, tuy tên bộ (tên thật ghi trong sổ bộ) đã ghi vào sổ đinh nhưng đôi khi người ta vẫn tự tiện thay đổi và được hương lý chấp thuận một cách dễ dàng với lời ghi “Đổi ra...”, vì nhà cầm quyền cũng muốn dân có tên đẹp, không rắc rối như cách làm của các phường, xã bây giờ. Trong giới trí thức, việc đổi tên thật, tên hiệu, tên tự xảy ra còn nhiều hơn, nhất là khi có một bước chuyển quan trọng nào đó trong cuộc đời (xấu hoặc tốt), như khi đỗ đạt hoặc chuyển đổi lãnh vực hoạt động, trứ tác, nên có nhiều nhà nho, nhà văn có đến mấy tên tự hoặc bút hiệu, chẳng hạn Nguyễn Đình Chiểu tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, sau khi bị mù mới đổi hiệu thành Hối Trai...
     Sách Đại Việt lịch triều đăng khoa lục có chép nhiều trường hợp đổi tên, như Dương Hải, trước tên là Mỗi, ngự bút của vua phê đổi tên Hải (đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân trong khoa Quý Dậu, triều Lê Nhân Tông); Dương Bang Bản, vua cho đổi theo quốc tính (họ vua) là Lê, và cho đổi tên là Tung, thành Lê Tung (đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, khoa Giáp Thìn triều Lê Thánh Tông, người viết bài “Tổng luận” cho sách Việt giám thông khảo của Vũ Quỳnh); Đỗ Lý Khiêm tự đổi tên thành Ích (đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, khoa Kỷ Mùi thời Lê Hiến Tông)... Triều Nguyễn, trong 39 khoa thi hội đã có đến 57 ông nghè ông bảng được tự ý đổi tên hoặc được các vua đương thời tự tiện phê vào danh sách đổi tên, tương tự mấy trường hợp vừa nêu trên.
     Tên người thay đổi là vậy, thì tên đất (tỉnh, phủ, huyện, thủ đô), tên nước (quốc hiệu) có  thay đổi cũng là chuyện rất bình thường, vì thế các sách địa lý cổ thời xưa, trước khi trình bày nội dung chi tiết về một tỉnh, đều có mục “kiến trí duyên cách” (dựng đặt và quá trình biến đổi) để giới thiệu tên gọi thay đổi của địa danh qua các đời. Riêng quyển Sổ tay địa danh Việt Nam của Đinh Xuân Vịnh (NXB. Đại Học Quốc Gia Hà Nội) giới thiệu khoảng trên dưới 8.000 đơn vị địa danh gồm núi sông, làng xã, tổng, huyện, phủ, quận, tỉnh, thành phố..., mà đơn vị nào cũng ghi được vài cái tên thay đổi qua các triều đại.
     Tên thủ đô Việt Nam cũng thay đổi không ít, thường tương ứng với sự thay đổi tên nước, và tồn tại trong một thời kỳ lịch sử dài ngắn khác nhau, được ghi nhận gồm có: Phong Châu (Bạch Hạc-Phú Thọ) thời Hùng Vương; Phong Khê (Cổ Loa-Đông Anh-Hà Nội) thời nhà Thục; Long Biên (Hà Nội) thời Lý Nam Đế; Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) thời nhà Ngô (nửa trước thế kỷ 10); Hoa Lư (Hoa Lư, Ninh Bình) thời Đinh Tiên Hoàng; Thăng Long (Hà Nội) thời Lý-Trần; Tây Đô (Thanh Hóa) thời nhà Hồ (Hồ Quý Ly, 1400-1408); Đông Đô (Hà Nội ngày nay) thời Lê Sơ (Lê Lợi, 1428); Quy Nhơn (Bình Định) thời Tây Sơn giai đoạn Nguyễn Nhạc (1787) và Phú Xuân (Thừa Thiên-Huế) thời Tây Sơn giai đoạn Nguyễn Huệ (1790); Phú Xuân (Huế) thời Nguyễn Gia Long (1802); Hà Nội sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay. Tổng cộng có 11 tên gọi thủ đô khác nhau.
     Sử sách còn ghi lại việc dời đô và thay đổi tên kinh đô của Lý Công Uẩn tức vua Lý Thái Tổ trong bài “Thiên đô chiếu” với những lý lẽ chắc nịch: “Xưa nhà Thương đến Bàn Canh có năm lần dời (đô), nhà Chu đến Thành Vương có ba lần chuyển (đô)... Ấy là vì các vua muốn đóng nơi trung tâm để mưu đồ sự nghiệp lớn làm kế lâu dài cho con cháu muôn vạn đời sau. Các ngài đó trên cẩn thận vâng theo mệnh trời, dưới theo ý nguyện của dân, nếu thấy tiện lợi thì mới sửa đổi, cho nên vận nước dài lâu, phong tục giàu thịnh... Huống chi thành Đại La... ở vào chính giữa bờ cõi, vị trí hợp với bốn phương đông tây nam bắc, tiện cho chiều hướng thuận nghịch của núi sông; đất nầy rộng mà bằng phẳng, vừa sáng sủa vui tươi... Xem khắp cõi Việt ta, đây là thắng địa, thật là nơi hội họp quan trọng then chốt của bốn phương... Trẫm muốn nhân cái địa lợi ấy để dựng chỗ ở của mình, các khanh cho như thế nào?”. Thế là nhà vua quyết định chuyển kinh đô từ Hoa Lư hẻo lánh chật hẹp sang thành Đại La, rồi đổi tên là Thăng Long.
     Về tên nước, sự thay đổi tuy có ít hơn và thường gắn với sự thay đổi của cả một triều đại, nhưng cũng là chuyện không lạ trong lịch sử. Có trường hợp không thay đổi triều đại mà vẫn đổi tên nước, như thời Minh Mạng triều Nguyễn đổi tên nước từ Việt Nam thành Đại Nam hay Đại Việt Nam vào năm 1838 là một thí dụ.
     Điểm lại lịch sử đổi tên nước, chúng ta được biết, trong thời kỳ dựng nước, Hùng Vương gọi tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, dân số cuối thời Văn Lang (khoảng năm 3.000 TCN) chỉ khoảng 500 ngàn người; khi Thục Vương chiếm lấy Văn Lang, đổi tên nước là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê. Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập, có sự kiện quan úy quận Nam Hải là Triệu Đà nổi lên tự lập, đem quân đánh lấy nước Âu Lạc, lập ra nước Nam Việt vào năm 206 TCN, nhưng nhiều sử gia sau nầy không cho Nam Việt là quốc hiệu chính thức của nước ta. Trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, nước ta được nhà Tây Hán gọi tên Giao Chỉ (111 TCN), thời Đông Hán đổi thành Giao Châu (203 TCN), đến năm 544 Lý Bôn (có sách chép là Lý Bí) xưng Nam Việt Đế, tức Lý Nam Đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức, quốc hiệu Vạn Xuân (544 sau CN), đóng đô ở Long Biên (Hà Nội). Năm 679, nhà Đường (Trung Quốc, 618-907) đổi Giao Châu làm An Nam Đô Hộ Phủ, nước ta được gọi tắt là An Nam khởi đầu từ đấy. Trong thời kỳ độc lập tự chủ, năm 968, Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp yên 12 sứ quân cát cứ, lên ngôi hoàng đế,  tức Đinh Tiên Hoàng nhà Tiền Lê, đã đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, dân số cả nước lúc bấy giờ có khoảng 2 triệu người. Lý Công Uẩn (1010-1028) tức Lý Thái Tổ tiếp ngôi nhà Tiền Lê, dời kinh đô về La Thành, lấy tên mới là thành Thăng Long. Sang thời Lý Thánh Tông (1054-1072), khi vừa lên ngôi liền đổi tên nước là Đại Việt, và danh xưng nầy đã tồn tại lâu dài trong suốt cả ba thời Lý, Trần, Hậu Lê, kéo dài từ năm 1054 đến 1802, trong khoảng đó chỉ có một thời gian rất ngắn ngủi (1400-1408) được đổi tên là Đại Ngu trong thời Hồ Quý Ly cầm quyền. Mãi đến khi Nguyễn Ánh tức Gia Long (1802-1819), sau khi dứt được Tây Sơn, thống nhất lãnh thổ, mới sai  Lê Quang Định sang Trung Quốc cầu phong xin đổi quốc hiệu là Nam Việt, nhưng triều đình  nhà Thanh không chấp nhận tên nầy, lấy lẽ rằng hai chữ Nam Việt trùng với tên cũ xưa, và đề nghị sửa thành Việt Nam, nên mãi đến 2 năm sau mới sai sứ  sang phong cho Nguyễn Ánh là Việt Nam Quốc Vương (1904). Năm 1838, vua Minh Mạng (Minh Mệnh) còn đổi tên nước thành Đại Nam, hoặc Đại Việt Nam, lúc dân số đã tăng lên vào khoảng 7.764.128 người. Lời dụ đổi tên nước chép trong Đại Nam thực lụctập 20 có nêu rõ: “Nay bản triều có cả phương Nam, bờ cõi ngày càng rộng..., trước gọi là Việt Nam, nay gọi là Đại Nam, càng tỏ nghĩa lớn, mà chữ Việt cũng vẫn ở trong đó ... để cho đúng tên và sự thực. Chuẩn cho từ nay trở đi, quốc hiệu phải gọi là nước Đại Nam, hết thảy giấy tờ xưng hô, phải chiếu theo đó tuân hành, gián hoặc [thỉnh thoảng] có nói liền là nước Đại Việt Nam, về lẽ vẫn phải... Phải lấy năm Minh Mệnh 20 làm bắt đầu đổi chép chữ Đại Nam ban hành (ghi vào lịch), để chính tên hiệu và khắp các nơi xa gần” (dẫn theo Nguyễn Đình Đầu, Việt Nam, quốc hiệu & cương vực, NXB. Trẻ, 2005, tr. 111). Về việc nầy, tài liệu của GS Bửu Cầm dẫn sách Đỉnh tập quốc sử di biên của Phan Thúc Trực cũng nêu rõ: “Năm Mậu Tuất, Minh Mệnh thứ 19 (1838), tháng 3, ngày mồng 2, đổi tên nước là Đại Nam... hoặc gọi là nước Đại Việt Nam cũng được” (Quốc hiệu nước ta, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Sài Gòn, 1969, tr. 119).
     Tuy đổi tên Đại Nam nghe rất oai, nhưng nước ta vẫn bị xâm chiếm và từ khi bị Pháp đô hộ (1862-1945), cả ba quốc hiệu Việt Nam, Đại Nam và Đại Việt Nam đều bị bỏ theo, chỉ còn gọi Annam (An Nam) hay Trung Kỳ, Tonkin hay Bắc Kỳ và Cochinchine hay Nam Kỳ. Chỉ đến sau Cách Mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945 và đến đầu năm 1946, Quốc hội họp quyết định thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1975, đất nước tạm thời chia hai ở sông Bến Hải, một bộ phận thuộc miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào tổ chức thành chính quyền riêng với tên gọi Việt Nam Cộng Hòa, lấy Sài Gòn làm thủ đô. Sau ngày 30.4.1975, chấm dứt cuộc chiến tranh 30 năm, đến cuối năm, tiến hành hiệp thương thống nhất hai miền Nam Bắc, rồi đến đầu năm 1976, Quốc hội khóa VI đã quyết định đổi tên nước thành nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, nhưng vẫn gọi tắt theo tên thông dụng bấy lâu nay là Việt Nam.
     Tổng cộng, từ thời Hùng Vương dựng nước đến nay, nếu không kể bộ phận miền Nam trong thời kỳ chia cắt là Việt Nam Cộng Hòa (1954-1975), thì nước ta có  đến tất cả 13 tên gọi, với 12 lần thay đổi.
     Xét lại quá trình đổi tên nước trong suốt mấy ngàn năm lịch sử, chúng ta thấy việc thay đổi quốc hiệu tuy là quan trọng nhưng cũng chỉ là việc bình thường, ngay cả khi không có sự thay đổi triều đại.
     Mấy năm gần đây người ta nói nhiều đến việc đổi tên Đảng, tên nước, nhưng tên Đảng thật ra là chuyện riêng của Đảng; con đẻ ra, tùy theo nguyện vọng, chí hướng của cha mẹ, chỉ có cha mẹ mới có quyền quyết định đặt tên, người khác chỉ góp ý vào hoặc đặt tên giúp khi cha mẹ đứa trẻ có yêu cầu mà thôi. Riêng tên nước, thì trong thời đại dân chủ, đó lại là chuyện của toàn dân, biểu thị chí hướng, nguyện vọng của cả dân tộc, nên chỉ dân mới có quyền đặt hoặc đổi thông qua các đại biểu dân cử của mình ở Quốc hội (với điều kiện Quốc hội dân cử thực chất, chứ không do đảng cầm quyền cơ cấu sẵn), nếu cần thì mở ra thêm một cuộc trưng cầu dân ý đặc biệt.
     Khoảng 10 năm trước, trong bài “Đảng phải là Đảng của dân tộc” (báo Pháp Luật TP. HCM, 6.3.2006), ông Tương Lai có lẽ là người đầu tiên đặt thẳng vấn đề lên báo chí công khai, khi ông viết: “Để cho Đảng ‘gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta’, nên chăng Đảng trở lại với tên gọi là Đảng Lao động Việt Nam cùng với tên nước là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
     Riêng về cụm từ xã hội chủ nghĩa (XHCN) gắn trong tên nước, có ý kiến cho rằng “… chọn định hướng XHCN, mà XHCN ở đây là mô thức tổ chức xã hội, thì trên góc độ nhận thức và thực hành đã và đang không còn cơ sở tồn tại [TVC nhấn mạnh] với sự lựa chọn trong xu thế phát triển chung của thời đại cũng như trong tiến trình đổi mới ở nước ta thì không nên tiếp tục chọn” (xem Đào Công Tiến, “Về định hướng xã hội chủ nghĩa”, Tư duy phát triển, NXB Thời Đại, 2012, tr. 24).
      Nói thêm về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và định hướng XHCN, nhớ lại gần 3 năm trước, trong ngày 23.10.2013, chính ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã tuyên bố trước Quốc hội:“Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” (xem Tuổi Trẻ Online, 23.10.2013). Có nghĩa là trong bụng ông Tổng bí thư cũng không dám tin lắm vào CNXH, nhưng ngoài miệng thì vẫn phải luôn nói. Còn ông bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thì hồi tháng 5 năm kia (2014), khi được mời đến nói chuyện về các vấn đề kinh tế ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cũng đã từng phát biểu trước đông đảo cử tọa là các nhà lãnh đạo của hầu hết các tỉnh, thành phố, để trả lời cho câu hỏi thắc mắc thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm” (xemThời Báo Kinh Tế Sài Gòn Online, 3.5.2014).
     Thiết nghĩ, sau đúng 41 năm lấy theo tên Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam mà tính chất xã hội chủ nghĩa thực tế lại bị lệch đi do hố ngăn cách giàu nghèo trong xã hội ngày một gia tăng, đời sống nông dân, công nhân và nhân dân lao động nghèo thành thị chậm được cải thiện, nếu không muốn nói ngày càng tồi tệ, cho thấy giữa “danh” với “thực” đã thiếu sự trùng khớp, thì việc đổi tên nước nếu được đặt ra lại trong lúc nầy cũng không phải là ý tưởng lạc điệu. Mai kia, giả định, một khi đã hiện thực hóa được CNXH rồi, dân Việt Nam vẫn có thể đặt lại tên nước của mình một cách thoải mái với cái đuôi XHCN theo sau, vốn hàm chứa lý tưởng chung của cả loài người, thì cũng chẳng muộn màng gì!
     Ở một khía cạnh nhỏ khác, nhưng không kém phần quan trọng, cái tên có tính phổ cập dễ nghe, không có đuôi XHCN theo sau, thì cũng dễ gây được sự gần gũi, tin cậy, chiếm được cảm tình của nhiều người hơn, trong ngoại giao quốc tế… Còn XHCN một cách thực chất, trong đó mọi người dân trong nước đều được hưởng tự do, hạnh phúc, thì nhân dân Việt Nam vẫn phải kiên trì phấn đấu, chứ không bỏ…        
     Cũng có ý kiến cho rằng việc có đổi tên nước hay không và đổi thành tên gì là không quan trọng, vì vấn đề là việc đổi mới, lột xác về thực chất chứ không phải danh hiệu tốt đẹp bề ngoài. Tuy nhiên, như trên đã nói, cái tên cũng có tác động rất lớn về mặt tâm lý, vì vậy nếu đất nước thật sự đang muốn chuyển sang bước ngoặt mới hay sang một cái “nguơn” mới để vươn lên giàu mạnh, thịnh trị, bằng một hệ thống chính sách quyết liệt, đoạn tuyệt với những gì lạc hậu cũ kỹ không còn thích hợp, thì việc đổi tên nước cũng sẽ có ý nghĩa rất quan trọng, mang lại niềm phấn khích, niềm tin và hi vọng trong vận hội mới cho toàn thể nhân dân, và biểu thị một ý chí, quyết tâm mới trên con đường chấn chỉnh đi lên.
     Hẳn cũng là một việc nên làm, và trong chiều hướng ấy, ngay cả việc đổi tên thủ đô luôn một thể cũng có thể coi là một vấn đề đáng xét, chứ không nên quy vào phạm vi của những điều cấm kỵ như một số người từng nghĩ. 
                                                                                                   
                                                                  
13.3.2006 (chỉnh lý bổ sung, 1.10.2016)


Tác giả gởi cho viet-studies ngày 7-10-16

.../.