Đũa thần



Đũa thần


NGUYỄN MINH NHỊ


Hậu quả của suy thoái kinh tế thế giới như cơn gió lốc qua hành tinh làm khốn đốn cho các nước, nhất là các nước nghèo ở Châu Phi và cận nghèo như Việt Nam.
Không ai vui nổi! Các Lễ hội dù nhiều nỗ lực và tốn kém cũng bớt dần hào hứng.

Các nước mà từ lâu ta cứ ngỡ họ giàu, giờ đây té ra họ là con nợ khủng vì sự "tăng trưởng bong bóng" của thị trường bất động sản và tiêu xài quốc gia vượt xa tăng trưởng thật của nền kinh tế. Bong bóng khinh khí cầu xì hơi thì sẽ rơi về nơi xuất phát.

Đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Trải qua nhiều thập kỷ, cả thế giới sống trong cái ảo giác GDP mỗi năm mỗi tăng và với cái thị trường chứng khoán - bất động sản, luôn nhuộm màu xanh hy vọng. Nhưng một Đô-la bây giờ so với hồi Nga hoàng bán cả Alatca cho Hoa kỳ chỉ có 8 triệu USD thì sẽ thấy nền kinh tế lấy USD làm chuẩn giá trị thanh toán - tính toán, và lấy GDP làm thước đo tăng trưởng của nền kinh tế không phải là công thức (hay phép tính) ưu việt.

Ta mới hội nhập vào "trò chơi bong bóng" nên đành chấp nhận cùng cả thế giới sống chung với thật và ảo vậy.

Điều đáng nói là từ khi ta hội nhập thế giới chỉ mới hơn 20 năm mà ta nhiễm "bệnh ảo" vượt ngoài khả năng tự miễn dịch mà gần như không thuốc chữa. Vậy nên cơn lốc suy thoái đã làm tốc mọi ngụy trang, phơi bày gần hết sự thật của yếu kém, hư hỏng, thiệt hại trong quản lý hành chánh và quản lý kinh tế cả vĩ mô và vi mô; sự khiếm khuyết của thể chế mà có người gọi là "lỗi hệ thống"; sự xao xuyến của nhân tâm và sự phân tầng giàu nghèo trong xã hội cũng như cái hố ngăn cách giữa giới có quyền và người nhiều tiền với phần lớn còn lại là dân chúng cố gồng mình lên thoát nghèo; và nhiều vấn nạn khác của đời sống mà ta hay gọi là "bất cập" nhưng không diễn dịch được nội hàm của nó là gì!
               




Mùa Xuân 1975 tôi làm công tác tuyên truyền nên có tấm bản đồ chiến thắng. Cứ nghe đài nói giải phóng tỉnh nào thì tôi sơn màu mới lên tỉnh ấy để chỉ cho dân thấy cái lằn ranh kết thúc sào huyệt của kẻ thù thắt lại (Sài Gòn) tính bằng ngày, bằng tuần lễ. Phấn khởi lắm!
                
Vậy mà nay, gần 38 năm, từ Mùa xuân Đại thắng, tôi có cái cảm giác đáng sợ là sự "thua trận" của ta trên mặt trận quản lý kinh tế - xã hội nói chung sao mà dồn dập đến thế!?

Nhất là cái cảm giác nặng nề ấy trong tôi (và có lẽ cũng không ít người) lại xuất hiện trong thời điểm một năm rầm rộ Trung ương 4 mà chưa đâu vào với đâu!

Một năm, bày trận hùng hồn, nhưng chưa đánh trúng vào đâu đã  thấy phơi bày ra những thực tế trái ngang về Vinashin rồi Vinalines - Dương chí Dũng, lợi ích nhóm ngân hàng-tài chính, lòng dân ly tán, là do ai, do đâu?

Tiền dân bị đổ tháo xuống biển như rác; nợ xấu cả triệu tỉ, 21.000 tỷ của Tập đoàn dầu khí "quên nộp" mà không biết tại sao! Cái ụ nổi như "tàu sân bay" đang rỉ sắt bị bỏ quên nhiều năm tại Vịnh Cam Ranh mà khi hốt đống sắt phế liệu còn được ngừoi ta thưởng tiền, nhưng về nước kê giá lên cao vọt, chênh lệch cả 4 - 5 triệu USD!

Vụ Tiên Lãng chưa ráo mực in báo giấy thì vụ Văn Giang, Vụ Bản, Cái Răng... lại nóng đỏ rực báo mạng. Vụ người Trung Quốc "thuê" và cắm người ở Vịnh Cam Ranh, Vũng Rô mấy năm rồi mới phát hiện đồng thời sau vụ họ thuê đất trồng khoai lang ở đồng bằng Cửu Long làm ta thấy thêm đau vì mất (kiểm soát) đất ở các đỉnh cao chiến lược quốc phòng và vùng biên giới nhạy cảm đã trót cho người Trung Quốc thuê hàng trăm ngàn Ha đất rừng với thời hạn 50 năm nhưng mới phát hiện năm ngoái.

Vụ đập thủy điện Sông Tranh II bị xì nước quá mức, sửa chữa chấp vá đến mức cấm không cho phóng viên và chánh quyền địa phương bén mảng làm ta hồi hộp nhớ lại dự án Bô-xít trên mái nhà Đông Dương, theo tướng Giáp đây là vị trí đắc địa “thượng phong” ở cả Đông Dương, làm xôn xao dư luận một thời và hiện vẫn còn đang âm ỉ...
                   
Tất cả chuyện tày đình vừa lược qua, hỏi ai là người trách nhiệm?
                   
Không ai cả!
                   
Rõ ràng tại diễn đàn Quốc hội mấy khóa gần đây được truyền hình trực tiếp, các Bộ trưởng đều không ai nhận trách nhiệm rõ ràng và do đó cũng chỉ là "rút kinh nghiệm", và cú bị “dội” nhất là Hội nghị Trung ương 6: “Cũng hiệu quả đấy, khối thằng sợ, nhưng để cảnh báo, cảnh tỉnh, giáo dục, răn đe là chính; kỷ luật nhiều đâu phải là tốt (!?).
                
Nghe báo đài nói các "người đẹp" bán dâm cho khách là đại gia giá ngàn đô-la - mà ta liên tiếp tổ chức chấm thi người đẹp từ lứa tuổi con nít, ở bất cứ nơi nào, lúc nào hễ là có phụ nữ và có dịp.

Xem lại các báo ta trong kháng chiến đưa hình ảnh tố cáo "xã hội Mỹ - ngụy đồi trụy" ở các vùng chưa giải phóng, thì hình ảnh khỏa thân trên báo in báo mạng bây giờ thuộc đẳng cấp thượng thừa, làm tôi mắc cỡ không biết trốn đâu!

Nhiều tệ nạn xã hội, hành vi kém văn hóa, bạo lực, giết người, cướp của; nề nếp - đạo đức gia đình đổ vỡ...ngày một gia tăng mật độ và tầng nấc nguy hiểm của nó mà trước giải phóng khó so sánh; trong khi đó hiện tượng vô cảm đang là "lẽ sống thời thượng” càng được nhiều người chọn, ngay cả trong các tổ chức chánh trị xã hội! Nhất là kẻ lắm tiền như “bộ phận lớn” mà NQTW 4 đã chỉ ra. Vốn liếng xã hội vơi đi có thể cập nhật được thật là khủng khiếp cho các hoạch định tương lai đất nước!

Cảm giác "thua trận" trong tôi có cái lý do là vì vậy và tôi buộc phải than rằng: "Nước non mình đến nỗi này sao!?".
          
Như nhiều người, tôi có cảm giác bị muối mặt khi vào bệnh viện thăm người thân quen nằm bệnh với cảnh hai, ba, bốn bệnh/giường, có khi nằm kín dọc theo hành lang; những cực nhọc của người thầy và hộ lý triền miên năm tháng trong môi trường vi trùng bệnh tật mà không che lấp nổi những tai tiếng, sự cố xảy ra v.v...


Có lần một vị Bộ trưởng y tế khóa trước tuyên bố: "Hết nhiệm kỳ (5 năm) tôi sẽ giải quyết xong tình trạng 2 bệnh/giường". Đến nay rồi, quả thật không còn 2 mà là đến 3 - 4 bệnh/giường!

Có ghế mới, họ thường mạnh miệng hứa đại, tỏ ra ta đây có tài xoay chuyển, nhưng cuối cùng lời hứa vẫn chỉ là lời hứa mà thôi. Chẳng qua là cứ nổ thoải mái, để tự khẳng định ghế mới cái đã, mọi sự không cần biết.

Căn bệnh nhiệm kỳ không phải chỉ có một ông Bộ trưởng như vậy. Có lẽ đã thành tật! Hèn nào đại biếu Bá Thanh ở Đà nẳng phải thốt lên: "Nghe dân kêu, thắc mắc riết tôi đành trơ mặt ra". Tôi nghĩ người nói được câu này mới thật sự không trơ!

Nhớ cách đây hơn hai nhiệm kỳ cấp ủy, dự họp mặt báo Thanh Niên tròn 20 tuổi tại Dinh Thống nhất, tôi (đang chức) phát biểu hoan nghênh tinh thần dũng cảm nhận chức của đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân và lo lắng cho đồng chí từ địa phương về mới khoảng nửa năm, tiếp nhận một sự nghiệp quá nặng nề, quá nhiều vấn đề được đặt ra hàng chục năm làm cho nền học vấn quốc gia bị trì trệ, tầm thường hóa "quốc sách"; rằng: "Nấc thang danh vị" Người Thầy (Thầy giáo và Thầy thuốc) giờ sao bị hạ thấp hết mức? Tôi mong đồng chí Bộ trưởng khôi phục lại chất lượng phổ thông, nhất là bậc tiểu học và công tác dạy nghề, không nên "phổ thông hóa" bậc đại học (phổ thông cấp 4) và trên đại học". Rằng: "Thời gian đủ làm chuyển biến ngành giáo dục ít nhất cũng 10 - 12 năm chớ không phải là nhiệm kỳ 5 năm. Muốn vậy phải dẹp cái ban thi đua của Bộ đi thì mới dẹp được bệnh thành tích mà thực hiện "hai không" của đồng chí...". Một đồng chí trong ngành có thâm niên phát biểu không đồng tình với tôi về thời gian 10 - 12 năm: "Chờ lâu quá chết rồi".
Nghe ông nói tôi buồn thêm vì dự báo không sáng sủa cho ngành và Bộ trưởng mới, rồi sẽ theo vết xe các Bộ trưởng trước mà thôi!  Hôm ấy có mặt nhiều Bộ trưởng: Trương đình Tuyển, Nguyễn thiện Nhân, Chủ tịch Hội LH TN Nông quốc Tuấn, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn thị Bình, Nhà giáo Vũ Khiêu, Nhà sử học Dương Trung Quốc...Khoảng 500 người, đông nhất là sinh viên. Rất vui. Nếu có ghi âm, tôi nghĩ lời tôi nhắc lại sẽ không sai lệch.

Năm nay đề thi văn lại nói về "Bệnh giả dối", và sự kiện Đồi Ngô xảy ra tại kỳ thi nầy là đỉnh điểm gặp nhau của hai căn bệnh "Thành tích" và "Dối trá".
Sự ngẩu nhiên này mới thật muối mặt, làm tôi liên kết nó lại và thấy hai căn bệnh nầy lại chính là mặt đối lập của thuộc tính phạm trù đạo đức xã hội.

Mới rồi, Phó Thủ tướng lại “làm nổi” bằng cách rần rần tổ chức chiến dịch bắt gà lậu. Bắt được bao nhiêu? Chặn được cái nạn gà qué nhập lậu hay không chưa thấy gì, chỉ đau là làm chết một thiếu úy công an hăng hái chấp hành mệnh lệnh!

Từ những “cú nổ” khoa trương đó, nó đã và đang “di căn” ra toàn xã hội không từ một ngõ ngách nào! Tôi nghĩ rằng đó là một trong những lý do mà Hội nghị TW 4 nhận xét: Đang có sự tha hóa biến chất của một bộ phận không nhỏ trong Đảng về chánh trị tư tưởng, đạo đức, lối sống và mối quan hệ với nhân dân... Từ đó ra Nghị quyết có tầm sống còn đối với chế độ.

Ngó qua thôi đã thấy “Nghị quyết lịch sử” này còn nguyên giá trị, nhưng sống được bao lâu thì khó ai dám “bảo lãnh”.
           
Nhớ lại tinh thần xây dựng Đảng của Đại hội VI về chống quan liêu bao cấp, lấy dân làm gốc, đổi mới đất nước; coi trọng công khai, dân chủ và "Những việc cần làm ngay"...đã từng bị ách tắc oan khiên. Những NQTW của các khóa sau đó, nhất là NQTW 6 (lần 2) khóa IX, có hẳn một Ban chuyên trách chống tham nhũng từ TW đến địa phương nhưng rồi căn bệnh xem ra lờn thuốc đến mức ranh ma! Người dân Hồ Tây và Ba Đình nói rằng: “Anh nào đã vào “Ban 12” đó (tức 6 lần 2) đều thấy giàu phất lên, nhà lầu xe hơi cứ thấy sắm dzô ào ào”.
           
Đầu năm 2012, nghĩ là năm Con Rồng được dịp thăng thiên, toàn Đảng, toàn dân ta thành tâm ủng hộ NQTW 4, ủng hộ BCT và nhất là đồng chí Tổng bí thư trong cuộc tuyên chiến với tham nhũng, bảo vệ sự nghiệp cách mạng, bảo vệ tính trong sáng của chế độ dân chủ và thành quả mà nhân dân và chế độ ấy tạo dựng. Và cũng mong BCHTW nếu đã tự ý thức "Trách nhiệm của BCH lúc này là sự ủy thác của hồn thiêng sông núi" thì nên có cách ủng hộ phong trào đại tắm gội; ủng hộ các cơ quan truyền thông và công luận, những người đi đầu trong chống quan liêu tham nhũng, tiêu cực; chống xúc phạm quyền và danh dự công dân, bảo vệ niềm tin của dân đối với Đảng và chế độ. Sự tồn tại của chế độ nằm ngay ở câu trả lời. Và, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Lần nầy phải làm mạnh từ trên xuống, từ ở trên trước để làm gương”. Và, theo nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: "Tắm là phải gội đầu".
    
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thấu hiểu, luôn cảnh báo và nhấn mạnh tại Hội nghị TW 4 và 5 nữa, rằng đảng viên và quần chúng đang đặt ra câu hỏi: “Liệu lần nầy rồi có theo vết xe của các NQ trước hay không?”. Câu này đã được trả lời “rất sắc bén” tại Hội nghị Trung ương 6 lộ rõ “hòa cả làng” rồi! 

Ai cũng thấy sờ sờ trước mắt “cái đầu đã được gội” kiểu gì, gội đến đâu!?
             
Không phải toàn Đảng - toàn dân, chỉ có BCHTW và BCT mới làm được việc này, toàn Đảng toàn dân muốn ra tay cũng không đủ quyền năng, vì tham nhũng là quyền lực kết thành phe, thành nhóm, là thành trì bám trụ ngay trong cơ chế và cơ thể chúng ta, càng chống càng bị trả thù, không tức thời thì cũng bị đánh nguội bắng biết bao lý do, biết bao thủ đoạn!

Chính quyền, công an có khi còn giấu mặt sau côn đồ.

Việc phát hiện, xử lý tại chỗ một số vụ (từ dưới lên, tư công luận và báo chí) xem  như điển hình chỉ là cá biệt, một kiểu tung hứng trấn an dư luận.

Đó là kinh nghiệm người ta rút ra từ khi Đảng công khai cầm quyền.

Đó là lý do mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng: “Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị… Không phải cứ lập Ban chỉ đạo là xoay chuyển ngay được tình hình như “một chiếc đũa thần” (Phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị TW 5).

“Đũa thần” - ngươi ở đâu?

Nước Việt ta nay kiếm đâu ra “đũa thần”, khó lắm thay!


N.M.N