Chúng ta bị công lí của chính mình đè bẹp



  Chúng ta bị công lí của chính mình đè bẹp  



Lưu Hiểu Ba




Phạm Thị Hoài dịch

Tiểu luận sau đây của Lưu Hiểu Ba được in trên tờ Central Daily Newsở Đài Loan ngày 5-6-1993, nhân 4 năm Sự kiện Thiên An Môn. Lời phê bình các khuyết điểm của giới trí thức phản kháng Trung Quốc và phong trào sinh viên năm 1989 xuất phát từ trải nghiệm trực tiếp của ông. Khi phong trào nổ ra, ông đã bỏ dở chương trình nghiên cứu và giảng dạy của mình tại một số trường đại học Hoa Kỳ, mua một tấm vé không khứ hồi bay về Bắc Kinh ngày 27-4-1989 để hỗ trợ các sinh viên của mình trên Quảng trường. Tại đây, ông hướng dẫn và tranh luận với các sinh viên về phương pháp và mục đích đấu tranh, tham gia những cuộc đàm phán giữa sinh viên và chính quyền, và tham gia tuyệt thực ở giai đoạn cuối từ ngày 2-6. Ông bị coi là một trong những kẻ “giật dây” của phong trào và bị kết án tù lần thứ nhất, đến đầu năm 1991. Song ngay cả với tiểu sử ấy, các ý kiến phê phán của ông vẫn gây sóng gió trong phong trào dân chủ Trung Quốc, nhất là với những gia đình nạn nhân của vụ thảm sát 4-6.
Giới thiệu tiểu luận này trong bản dịch tiếng Việt, tôi tin rằng nó sẽ là một tham khảo bổ ích cho phong trào dân chủ Việt Nam.

Người dịch

_______________

Giới trí thức phản kháng và các lãnh tụ sinh viên Trung Quốc, những người tự thấy mình là anh hùng và chiến sĩ dân chủ, đều chỉ biết đến dân chủ từ sách vở.
Họ không có khái niệm gì về việc thực hành nền dân chủ đó.
Họ không hề biết phải xây dựng nền dân chủ như một hệ thống chính trị và một tòa nhà pháp lí như thế nào và phải đưa những nội dung gì vào đó. Trước khi phong trào dân chủ năm 1989 nổ ra, nhà vật lí thiên văn, giáo sư Phương Lệ Chi, được coi là một Sakharov của Trung Quốc, đã bỏ qua cơ hội bảo vệ quyền con người theo đúng luật pháp. Ông được Tổng thống Bush mời gặp nhưng bị chính quyền cản trở. Và ông đã lặng lẽ chấp nhận, không một lời phản đối. Cả đến khi phong trào dân chủ bùng nổ, ông Lưu Tân Nhạn, nhà bất đồng chính kiến được coi là “lương tâm xã hội của Trung Hoa”, vẫn đề cao chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa xã hội. Vẫn giữ nguyên lòng trung thành từng mất rồi lại được khôi phục của mình. Còn phong trào hiện tại thì được lãnh đạo bởi những người thậm chí không hiểu cả những nguyên lí cơ bản của dân chủ.
Như thế, làm sao mà thành công được?
Tình trạng đó chỉ có thể sinh ra những than vãn hời hợt về hệ tư tưởng.


Khi cảm giác về nghĩa vụ gánh vác một sứ mệnh lịch sử bị đẩy lên thái quá, các sinh viên đã đánh mất khả năng tỉnh táo để tự nhận định và khả năng tự kiềm chế để đạt hiệu quả cao. Họ không biết rằng những đôi vai mảnh khảnh của họ không gánh nổi một định mệnh nặng trĩu như vậy. Họ không cưỡng được sự cám dỗ rằng mình có thể đem lại công lí và tưởng rằng cứ lấy sinh mạng ra trả giá thì chính quyền sẽ buộc phải nhượng bộ hơn – mà không hề nhận ra rằng điều đó rốt cuộc là vô nghĩa.
Mạng người có gây nổi một ấn tượng nào với chính quyền không?
Có đánh thức nổi đám đông đang ngủ vùi không?
Cái chết có đem đổi lấy công lí được không?
Chẳng lẽ chỉ những ai sẵn sàng hi sinh tính mạng mới có quyền bàn về công lí chăng? Người ta trách các sinh viên là chỉ đầy lòng dũng cảm và nhiệt huyết mà không đủ lí trí. Không có gì đáng ngạc nhiên, khi cô Sài Linh, lãnh tụ đứng đầu phong trào sinh viên, sau này thoát được ra nước ngoài tị nạn, phát biếu: “Trên Quảng trường Thiên An Môn khi đó, quan trọng nhất là đức hi sinh và lòng dũng cảm chứ không phải đầu óc và lí trí. Chúng tôi là những anh hùng của phong trào dân chủ 1989.”
Từ trên bốn thập kỉ nay Trung Quốc không hề có kinh nghiệm gì với dân chủ.
Hàng ngày chúng ta chỉ trải qua và chứng kiến những tranh giành và thủ đoạn tàn bạo của hệ thống chuyên chế. Khi tham gia một cuộc cách mạng, chẳng hạn như Cách mạng Văn hóa, chúng ta lập tức thấy mình là những nhà cách mạng vĩ đại nhất. Khi gia nhập phong trào dân chủ, chúng ta thấy mình dân chủ hơn người. Chúng ta tuyệt thực cho dân chủ. Chúng ta hi sinh cho dân chủ. Vì thế chúng ta đinh ninh rằng mọi hành động của mình đều bắt nguồn từ công lí cao nhất, rằng tiếng nói của mình là chân lí duy nhất, rằng mình sở hữu quyền lực tuyệt đối.
Như thế, chân lí trở nên tuyệt đối, công lí trở nên tùy tiện và dẫn đến cưỡng bức, còn dân chủ thì trở thành một đặc quyền.
Quảng trường Thiên An Môn đã biến thành một phòng thí nghiệm thử chân lí, thử độ cứng của bản lĩnh và độ sâu của ý thức về phẩm giá. Nó cũng đã biến thành nơi mà người ta vừa dấn thân cho công lí, vừa thực thi quyền lực. Không có mặt ở đó, không đến đó để bày tỏ con người mình, là chống lại dân chủ và chống lại công lí, là hèn nhát.
Quảng trường Thiên An Môn đã biến thành hòn đá thử lửa. “Tôi đã có mặt ở đó”, “Tôi cũng từng đến đó”, những câu nói ấy đã được coi là chứng chỉ của ý thức dân chủ và lương tri xã hội.
Chúng ta làm cách mạng, chúng ta thực hành dân chủ, chúng ta không cần hợp tác, chúng ta tùy ý kết bè kéo cánh, chúng ta lập ra các tổ chức, chúng ta cử người lãnh đạo, chúng ta lập các hội công nhân và sinh viên tự quản, chúng ta tuyệt thực, chúng ta tổ chức các nhóm tranh luận, các nhóm trí thức, phóng viên, cảm tử quân, chí nguyện quân và hướng đạo sinh. Không ai chịu nghe ai, chẳng người nào chịu dưới trướng người nào.
Chúng ta làm cách mạng, chúng ta thực hành dân chủ, chúng ta căm thù Đảng Cộng sản tột độ và lên án Đảng bằng những bộ quần áo đẫm máu trên thân thể chúng ta. Chúng ta nghiến răng chửi kẻ khác, chúng ta thỏa sức bôi nhọ, chúng ta cho phép mình nói những điều như: chúng tao sẽ bắn vỡ sọ mày, chúng tao sẽ bỏ mày vào vạc chiên, chúng tao sẽ chôn sống mày. Chúng ta cho phép mình chửi rủa và thậm chí hành hung những kẻ không đi cùng chúng ta. Chúng ta cho phép mình thanh toán ân oán giang hồ cá nhân, nhân danh công lí.
Chúng ta làm cách mạng, chúng ta thực hành dân chủ, chúng ta ngang nhiên truyền bá những điều bịa đặt, chúng ta phao tin vịt giữa thanh thiên bạch nhật. Ai phản bác thì chúng ta khăng khăng rằng mình có quyền làm như thế hoặc tìm cách đánh lận rẻ tiền.
Chúng ta cho phép mình phao lên rằng Đặng Tiểu Bình đã chết, Lý Bằng đã bỏ trốn, Dương Thượng Côn đã bị đánh đổ, Triệu Tử Dương đã được khôi phục danh dự, Vạn Lý đã thành lập một nội các mới ở Canada.
Quảng trường Thiên An Môn, biểu tượng của phong trào dân chủ, biến thành một lò chế tin đồn, càng ngày càng tung ra nhiều điều dối trá.
Một số người tham gia sự kiện ngày 4 tháng Sáu sau này thoát được ra nước ngoài thì đảo lộn tình tiết, thêu dệt tin đồn và dùng miệng mà phun ngập máu ra Quảng trường. Để có lợi cho bản thân, họ cố ý phóng đại tội ác và sự tàn bạo của Đảng Cộng sản. Báo chí quốc tế vì thế mà bị xỏ mũi.
Chúng ta làm cách mạng, chúng ta thực hành dân chủ, chúng ta chỉ cho riêng mình quyền tự do ngôn luận và cấm người khác được hưởng quyền ấy.
Chúng ta cũng hành xử hệt như Mao Trạch Đông và không dung thứ một chính kiến nào khác. Hệt như đám tay sai của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chúng ta cũng kiểm duyệt những hình ảnh không hợp ý ta do phóng viên chụp được, chúng ta cũng tịch thu phim và đập nát máy ảnh. Để chính quyền hết cớ đàn áp, chúng ta đã nộp cho công an ba thanh niên Hồ Nam, là những người đã phun mầu lên chân dung Mao, để rồi họ bị kết án 15, 18 và 20 năm đọa đày trong ngục tối.
“Công lí của phong trào dân chủ” đã trở thành một sự hăm dọa, hễ ai có chính kiến khác là bị gây áp lực và đành câm miệng. Cuộc tuyệt thực đã phong các sinh viên lên hàng những vị thánh bất khả xâm phạm của cách mạng. Vì họ sẵn sàng hi sinh mạng sống, nên chẳng ai dám hé răng phê bình họ nữa. Vậy là các “anh hùng” thì tắt công tắc lí trí, những người còn lại thì lặng im.
Những điều vừa trình bày có thể giải thích, vì sao một công lí trên giấy thì được săn lùng cuồng nhiệt, còn công lí tỉnh táo của hiện thực thì bị gạt ra ngoài.
.........../.


Nguồn: Dịch theo bản tiếng Đức trong Bei Ling, Der Freiheit geopfert, Riva, München 2011
Bản tiếng Việt © 2012 pro&contra - http://www.procontra.asia/?p=1512