Những “cái nhìn thiên kiến về lịch sử”





Những “cái nhìn thiên kiến về lịch sử”


Trần Minh Khôi http://www.facebook.com/tran.m.khoi ]


********





Trong một không gian mà ở đó sự kiện, của cả quá khứ và hiện tại, luôn bị bóp méo để phục vụ cho quyền lực chính trị, sự khao khát sự thật của những điều đã xảy ra dẫn chúng ta vào một ngõ cụt: khao khát một thứ lịch sử không thiên kiến. Điều này là bất khả; tất cả những cái nhìn về quá khứ đều thiên kiến.

Chúng ta lẫn lộn giữa quá khứ và cái chúng ta gọi là lịch sử.
Lịch sử không phải là quá khứ; lịch sử là cái nhìn về quá khứ với tham vọng giải thích quá khứ, giải thích hiện tại, và dự phóng tương lai.
Không có cái nhìn và cách giải thích duy nhất.
Ngay cả khi có một phiên bản lịch sử nào đó được số đông chấp nhận thì nó cũng không loại trừ những phiên bản lịch sử khác của thiểu số. Các phiên bản lịch sử này có giá trị như nhau, cho đến khi có ai đó cố gắng áp đặt, trong nhiều trường hợp bằng bạo lực, một tiêu chuẩn duy nhất “đúng”, “sai” cho chúng: những người chủ trương độc quyền lịch sử.

Vấn đề vẫn là: chúng ta có khả năng tạo dựng lại quá khứ không? Câu trả lời là có, và quá khứ luôn luôn được tạo dựng lại dưới ánh sáng của những hiểu biết mới, của những nhu cầu mới, và quan trọng hơn hết là của sự thôi thúc hướng tới tương lai. Nhưng chúng ta chỉ có thể làm được điều này với sự bao dung trước thực tại đa nguyên của lịch sử. Những kẻ độc quyền lịch sử không có khả năng hiểu những gì đã xảy ra. Và do đó, họ đi vào tương lai, nhắm mắt.

Chúng ta lăn tăn với những ý tưởng mà trong một không gian đa nguyên không còn ý nghĩa nữa. Thế nào là một cuốn sách sử? Thế nào là viết sử? Thời đại của những cuốn sách sử, với cái nhìn đơn nguyên (thường là của quyền lực chính trị), mà chúng ta trông đợi đã đi qua.
Quá khứ sẽ được tạo dựng lại rõ ràng hơn, chính xác hơn từ những thiên kiến lịch sử đối nghịch.

Trở về lại với “cái nhìn thiên kiến về lịch sử”.

Nguyễn Đức Hiển đã chọn một vấn đề cốt lõi để bàn về cuốn Bên Thắng Cuộc của Huy Đức: nền tảng tư duy lịch sử của nó. Nếu cái nền tảng tư duy này sụp đổ thì toàn bộ cuốn sách sụp đổ. Nguyễn Đức Hiển không chấp nhận tư duy lịch sử của Huy Đức, do đó không chấp nhận những vấn đề còn lại. Đơn giản như thế. Nếu để “đánh”, Nguyễn Đức Hiển cũng chỉ cần đánh vào một điểm đó thôi là đủ.

Chúng ta không có lý do gì để có thể nghĩ khác hơn và sẽ dừng lại ở giả định rằng việc Nguyễn Đức Hiển chia sẻ tư duy lịch sử của quyền lực chính trị chỉ là một sự trùng hợp. Điều này bình thường. Bất cứ ai cũng có quyền sở hữu hoặc chia sẻ bất cứ một tư duy lịch sử nào. Điều đáng tiếc có lẽ là ở chổ tác giả bài báo đó đã không chọn một không gian truyền thông tự do để bày tỏ quan điểm của mình.
Tranh luận về ý tưởng chỉ có ý nghĩa khi nó xảy ra trong không gian truyền thông tự do. Trong không gian truyền thông độc đoán không có tranh luận mà chỉ có áp đặt.

Với chọn lựa đó, có vẻ như Nguyễn Đức Hiển đã hành xử theo thói quen của những kẻ độc quyền lịch sử: tác giả chọn một kênh truyền thông mà ở đó tác giả có thể nói và không ai có thể nói điều ngược lại. Tuy nhiên điều này chỉ đáng tiếc chứ không thể là lý do cho những tấn công cá nhân đối với tác giả của bài báo. Làm như thế là không xứng đáng.
Phải hành xử tử tế mới có đủ sự tử tế để bàn về lịch sử.
Phải tôn trọng nhân phẩm của người khác thì mới có đủ nhân phẩm để bàn về lịch sử.

Một vấn đề khác nữa là nhiều người nghi ngờ sự bám víu vào thiên kiến lịch sử của quyền lực gợi ý về một cố gắng bám víu vào chính quyền lực.

Đối với một cuộc tranh luận thì điều này vô nghĩa: Chúng ta tranh luận về ý tưởng của một người chứ không tranh luận về cá nhân của họ. Nguyên tắc tôn trọng nhân phẩm cũng không cho phép chúng ta giả định thêm.

Nguyễn Đức Hiển không nói điều gì mới. Cái tư duy lịch sử mà tác giả thể hiện trong bài báo đó là tư duy lịch sử chính thống của quyền lực chính trị hiện tại. Nó biện minh cho tính chính đáng của quyền lực, và trong trường hợp của những sự kiện xảy ra được đề cập đến trong Bên Thắng Cuộc, nó biện minh cho tội ác mà quyền lực đã gây ra. Nó là một thiên kiến lịch sử. Như đã nói, nó chỉ có giá trị như những thiên kiến khác. Thiên kiến lịch sử này sẽ tiếp tục tồn tại ngay cả khi mà quyền lực chính trị đẻ ra nó sụp đổ.

Chúng ta đang cố gắng xây dựng một không gian tư duy mà ở đó không có ý tưởng / hệ thống ý tưởng nào là duy nhất hay duy nhất đúng. Trong tất cả những ý tưởng về đa nguyên, đa nguyên lịch sử là quan trọng nhất.
Sự hiểu biết về quá khứ chi phối hành xử hiện tại và toan tính cho tương lai. Không có đa nguyên lịch sử thì sẽ không có đa nguyên, và do dó sẽ không có một xã hội tự do.
Không phải ngẫu nhiên mà quyền lực chính trị độc đoán, ở mọi thời đại, cộng sản hay không, muốn và sẽ làm tất cả những gì cần thiết, kể cả bạo lực, để duy trì một tư duy lịch sử duy nhất do nó tạo ra. Bất cứ sự xuất hiện của tư duy lịch sử nào khác đều được coi là mối đe dọa và cần phải tiêu diệt.
Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người chia sẻ hay vay mượn tư duy lịch sử của quyền lực chính trị: anh có nguy cơ trở thành những kẻ độc quyền lịch sử, nghĩa là nguy cơ trở thành độc tài.

Sự thay đổi số phận của một quốc gia luôn luôn được bắt đầu bằng sự thay đổi tư duy lịch sử. Khi có đủ một số đông không còn chia sẻ tư duy lịch sử do quyền lực chính trị tạo ra thì quyền lực đó không còn lý do chính đáng để tiếp tục tồn tại nữa.

Và chính ở đây chúng ta bắt gặp sự hứa hẹn và đe dọa của Bên Thắng Cuộc.

................./.